Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1371250
ĐẤNG PHỤC SINH Ở GIỮA TA
Đấng Phục Sinh ở giữa ta
(Suy niệm của Huệ Minh)
Những lời mà Chúa hứa nay đã thành sự thật!
Ta bắt gặp tâm trạng buồn rầu của hai môn đệ trên con đường Emmau như thế nào?
Buồn rầu, chán nản vì chỗ dựa vững chắc nhất đời mình là cái ông mang tên Giêsu mà bấy lâu nay mình tin tưởng, mình tín thác, mình đi theo nay đã chết! Chết coi như là hết, coi như là chấm dứt niềm hy vọng và rồi hai ông bỏ về quê sống với cái nghề cũ trước khi đi theo ông Giêsu.
Thế nhưng, ta thấy đang trên đường về làng quê, vào cái lúc trời xế chiều thì lòng buồn thêm. Không thể đi tiếp được nữa vì không có trăng mà cũng chẳng có đèn. Thế là hai ông bèn mời người khách cùng đi với hai ông trên một đoạn đường vào quán trọ!
Ngạc nhiên chưa! Khi vào quán hai ông lại nhìn ra chính người khách bộ hành trên đoạn đường dài đó chính là Chúa Giêsu.
Trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp hình ảnh của hai môn đệ quay lại Giêrusalem và đã tường thuật lại cho các bạn của các ông biết về Đấng Phục Sinh mà hai ông đã gặp trên đường.
Đang tám chuyện với nhau thì rồi Đức Giêsu hiện đến giữa họ. Lần này, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các ông: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Ta thấy phản ứng tự nhiên của các ông đó là hoảng sợ vì lẽ Thầy đã chết nay đã quá 3 ngày rồi. Thế nhưng, Thầy lại nói với các ông: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây".
Không chỉ nói, để chứng minh là Thầy thật sự đứng giữa các ông nên Thầy đã đưa chân tay của Thầy cho họ xem.
Thật ra mà nói, các môn đệ đã rơi vào tâm trạng chẳng đặng đừng: không tin cũng không được mà tin cũng không xong. Tâm trạng này cũng dễ hiểu bởi lẽ các ông đang sống trong tâm trạng hoang mang bối rối.
Một lần nữa, để chứng minh Thầy đang hiện diện giữa các ông bằng xương bằng thịt thật sự thì Thầy xin các ông cho ăn. Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.
Và sau đó, ta thấy Chúa Giêsu Phục Sinh đã không ngần ngại nói thêm để các ôn tin. Không những thế, Chúa Giêsu còn mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Chuyện đã quá rõ không còn phải ngờ vực nữa.
Thật ra những gì Chúa Giêsu cũng như các ngôn sứ loan báo về sự phục sinh của Chúa Giêsu nay trở thành ứng nghiệm. Thế nhưng, do cứng lòng tin hay do không cảm nhận được sự gần gũi, giản đơn của Chúa trong đời thường nên cũng chẳng thể nào trách được lòng cứng tin của các môn đệ.
Ngay như lúc đặt chân vào trần gian này, Chúa Giêsu đã hiện thân nơi một hài nhi bé bỏng. Và rồi Hài Nhi đó lớn lên ở cái làng quê nghèo và có cha mẹ là hai vợ chồng nghèo. Chẳng ai có thể tin được Đấng Cứu Độ trần gian đến trong trần gian này lại như thế!
Và, trong hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, cũng có đôi lần làm điều này làm điều kia làm cho người ta sửng sốt. Thế nhưng lòng chai dạ đá cứng tin ăn sâu vào trong lòng người ta để rồi người ta cứ mãi ngời vực.
Đỉnh điểm của niềm tin vào Đấng Cứu Thế mà được loan báo từ trước đã vụt tắt khi cái anh chàng 33 tuổi mà người ta bỏ mọi sự đi theo đó chịu chết treo nhục nhã trên cây thập giá. Cũng đâu yên với cái anh chàng trộm cướp. Cùng mang bản án tử hình nhưng anh ta đã thách thức con người vô tội cùng chịu chết treo với anh. Nhục nhã vô cùng cho đến giờ phút cuối cùng trên thập tự giá.
Tất cả những người xưa nay từng hưởng ân lộc không ít thì nhiều từ cái con người chịu treo trên thập giá đó cũng đã bỏ đi hết. Họ theo Con Người ấy không phải vì niềm tin vào Con Người ấy, vào quyền năng của Con Người ấy nhưng họ theo vì những lợi lộc mau qua.
Chúa Giêsu đấng chịu chết treo trên thập giá do bàn tay của những con người ác đó ngày ngày vẫn sống giữa họ, vẫn đồng hành với họ nhưng chẳng ai can đảm nhận ra Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian. Chính vì lẽ đó, khi phục sinh, Đấng Cứu Độ trần gian có hiển hiện giữa họ họ cũng chẳng nhận ra bởi lòng chai dạ đá. May thay có những môn đệ được chính Chúa Giêsu phục sinh cùng đồng hành, cùng hiện diện, cùng ăn, cùng uống với họ và họ đã tin.
Đức Giêsu là như vậy! Đức Giêsu hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi cũng là một và Ngài là như thế! Ngài đến thế gian, Ngài sống giữa kiếp người khi loan báo Tin Mừng và ngài vẫn sống giữa kiếp người sau khi sống lại từ cõi chết.
Chúa Giêsu Phục Sinh không còn hiện diện bằng xương bằng thịt như xưa nữa nhưng Ngài rất gần và vẫn ở bên đời ta. Chuyện quan trọng là ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài trong đời ta hay không mà thôi.
Có khi Giêsu hiện diện nơi trẻ thơ nhỏ bé chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
Có khi Giêsu hiện diện nơi người công nhân quét rác ngay đầu ngõ nhà ta.
Có khi Giêsu hiện diện nơi bác công nhân ngâm mình dưới dòng nước cống đen xì trong ngõ nhà ta để khơi dòng nước thải.
Có khi Giêsu hiện diện nơi người phu xe chở ta đi đây đi đó khi ta cần.
Và, đặc biệt, có khi Giêsu hiện diện ngay trong chính gia đình nhỏ bé của ta nơi người vợ, người chồng, người con. Có khi đó chính là cha mẹ già của ta. Có khi cũng là những người kém may mắn sống bên cạnh ta.
Chúa Giêsu là như vậy đó! Ngài luôn luôn và thích hiện diện nơi những con người nghèo, những người cô thế cô thân ngay bên cạnh ta. Liệu rằng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài hay không mà thôi.
Ta đã mừng bao nhiêu mùa Phục Sinh nhưng ta có cảm nghiệm gì về một Đức Giêsu Phục Sinh ngay bên đời ta hay không đó mới là điều quan trọng.
Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta như mời gọi các môn đệ khi trò chuyện, ăn uống với các ông: "Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy"..
Chứng nhân về Thầy, chứng nhân về Đấng Phục Sinh không chỉ là nơi miệng ta khi ta tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính mỗi Thánh Lễ Chúa nhật hay lễ trọng. Chứng nhân về những điều ấy cần lắm được diễn tả ngay trong đời sống thường nhật của ta. Ta có biết yêu thương, ta có biết chia sẻ, ta có biết quan tâm một Giêsu nhỏ bé nghèo hèn ngay bên cạnh ta không vẫn là lời mời gọi và thách thức niềm tin của ta vào Đấng Phục Sinh.
Xin Chúa Giêsu Phục Sinh thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta luôn luôn nhận ra Ngài hiện diện với ta trong mọi hoàn cảnh, thời gian và không gian của cuộc đời. Và, hơn thế nữa là chúng ta luôn biết diễn tả tình yêu thật sự nơi những người nhỏ bé quanh ta đó. Chính khi ta sống như thế ta mới trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu về mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta hằng tuyên tín.
2. Làm chứng về Thầy
(Suy niệm của Huệ Minh)
Tin Mừng Lc 24: 35-48: Niềm tin của chúng ta tin vào Chúa Kitô phục sinh sống lại đó, nó phải diễn tả trong đời thường của chúng ta, chứ không phải ở trên môi trên miệng trên lời nói của mỗi người chúng ta.
Có thể nói vấn nạn lớn nhất của người Kitô Hữu đó là niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Là con người, ai ai cũng phải giới hạn bởi sự chết. Và đối diện với cái chết, khi con người nhắm mắt xuôi tay rồi, không ai có thể sống lại được. Rõ ràng rằng, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, những người đã chết chúng ta thấy chẳng ai sống lại cả. Và ngay cả Lazarô chết, được Đức Kitô cho phục sinh nhưng rồi sau đó Lazarô cũng phải chết.
Thế nhưng rồi, nơi Đức Kitô Ngài đã phục sinh. Ngài đã dùng nhiều cách để bày tỏ cho các môn để biết rằng: Ngài đã sống lại.
Sự kiện mà cái Ngôi Mộ trống đó chưa phải là bằng chứng của Đức Kitô đã phục sinh. Nhưng rồi, sự kiện mà ngôi mộ trống đó đã mời gọi mỗi người chúng ta suy nghĩ về niềm tin của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra cho Maria Madalena, với 11 môn đệ, và cho đám đông 500 người còn sống.Và như thế, chúng ta không thể nào gọi là ảo giác, bởi vì tất cả những người đó đã thấy được Đức Kitô phục sinh.
Và thánh Luca thuật lại, thì các ông tưởng thầy mình là ma. Chúng ta thấy ma làm gì có xương có thịt. Và đặc biệt, Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các môn đệ, Ngài đã cho các môn đệ xem thương tích nơi tay chân để chứng tỏ Ngài có xương có thịt, chứ không phải là một Oan Hồn hay là một Vong Hồn.
Và rồi hình như các môn đệ vẫn nghi ngờ và Người lại đề nghị cho họ sờ chân tay để kiểm chứng và thấy họ hoài Chúa Giêsu lại ăn miếng cá nướng trước mặt họ để chứng tỏ cho họ thấy rằng Ngài đã phục sinh. Thật sự nếu mà làm là ma nếu mà là vong hồn thì không thể nào mà nhai, nuốt như vậy! Cách diễn tả như thế để cho chúng ta thấy rằng: một Đức Kitô Phục Sinh đã đến với các môn đệ. Đức Kitô Phục Sinh đã khắc niềm tin nơi các ông: Cho xem cạnh sườn luôn! bởi vì cạnh sườn bị dấu đinh đóng là cái kết quả của sự gian ác của con người và rồi chúng ta thấy:
Với Máccô khi nói về các lầm lỗi của các môn đệ thì Ông chẳng che giấu và nói toạc móng heo. Thánh Luca thì luôn luôn bênh vực các môn đệ. Những lỗi lầm của các môn đệ thì Luca luôn tìm cách để che đậy! Ở đây cũng vậy, Luca luôn luôn bao che cho các môn đệ, lý do rằng các ông chưa tin Chúa Giêsu phục sinh là vì các ông mừng quá đấy thôi! chứ không phải các ông yếu tim.
Thế nhưng mà, chúng ta thấy tâm tình quý trọng các môn đệ nơi thánh Luca rất là đặc biệt. Và ngày hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu đã phục sinh thực sự.
Và lời mời gọi của Chúa Giêsu phục sinh ngày hôm nay rất tuyệt vời cụ thể nơi bài đọc thứ nhất. Thánh Phêrô kể ra một cách cụ thể để mà làm chứng Đức Giêsu phục sinh đó là cái cách chúng ta Sám Hối:
“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng ngôn sứ mà báo trước, Đức Kitô của Người đã chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu anh em được xóa bỏ tội lỗi”
Sự thật rõ ràng là: tôi đã làm chứng. chúng ta đánh mất một đức tin nơi Thiên Chúa, nơi Đức Kitô phục sinh. Vì thế, chính vì tội đã làm cho con người ta không còn tin vào Chúa nữa. Và vì thế cần phải ăn năn sám hối, để chừa bỏ tội lỗi chứ thường thì, những người quen phạm tội thì dần dần mất đức tin, và nếu còn đức tin thì rất yếu ớt khi gặp sóng gió giữa cuộc đời. Do đó Câu hỏi đặt ra lúc đầu về sự nghi ngờ về Đức Kitô phục sinh và sự Phục Sinh Của Đức Kitô không phải là không có lý do vậy Muốn nhìn thấy niềm tin của mình còn vững chắc hay không thì theo Thánh Phêrô xét xem mình có phạm tội hay không và biết ăn năn sám hối hay không?
Sám hối là gì? Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh là Đấng công chính mà tha cho kẻ sát nhân.
Sám hối là chúng ta thay đổi cách nhìn về Chúa Giêsu. Từ đóng đinh, giết chết, treo trên thập giá mà nay chúng ta phải tin Ngài là Đấng Công Chính chúng ta phải thay đổi cách nhìn về Chúa Giêsu, thay đổi cái đời sống chúng ta.
Và rồi chúng ta được mời gọi rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh, là trước hết chúng ta phải Sám Hối. Bản thân của chúng ta Sám Hối, bản thân của chúng ta thay đổi về cái nhìn của Chúa Giêsu phục sinh.
Cùng với Chúa Giêsu phục sinh chúng ta thay đổi về cái nhìn của giá trị, tận tâm can của chúng ta. Nó thực tế, vì trong kinh Tin Kính chúng ta đọc: " Tôi tin xác loại người ngày sau sống lại." Tuyên xưng như vậy có rất nhiều câu hỏi nơi mỗi người chúng ta.
Và cái niềm tin của chúng ta tin vào Chúa Kitô phục sinh sống đó, nó phải diễn tả trong đời thường của chúng ta, chứ không phải ở trên môi trên miệng trên lời nói của mỗi người chúng ta. Và rất, rất khó khăn, bởi vì ngày hôm nay, giữa một cái trào lưu của một thế giới hưởng thụ, văn minh lên cao; con người thích lợi nhuận, thích tìm những việc thực tế, con người ưa thực dụng hơn là suy nghĩ động não, thì Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta, chúng ta hãy làm chứng cho Người.
Chúng ta làm chứng cho Đức Kitô là: chúng ta giới thiệu một Đức Kitô đã sống lại và đang hiện diện với con người, với nhân loại. Và làm chứng rằng cho thế giới biết rằng: Chúa Giêsu phục sinh không đòi hỏi lợi nhuận tiền bạc, nhưng chúng ta sống bằng chính cái đời sống đức tin của chúng ta. Và đặc biệt, đó là sống cái niềm tin của chúng ta bằng đời thường, bằng lòng mến, bằng lòng bác ái của chúng ta.
Thì chúng ta nhìn vào các môn đệ, chính các môn đệ đã chấp nhận đòn roi khổ cực, tù ngục và sẵn sàng chết vì Đức Kitô. Ngày hôm nay, chúng ta không phải đối diện bằng những cái chết tử đạo, bách hại đạo như các thánh tử đạo ngày xưa, nhưng chúng ta được mời gọi loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh bằng đời sống yêu thương, bằng đời sống tha thứ, bằng những việc làm cụ thể. Đức Cố giáo hoàng Phaolô 6 nói: ngày hôm nay, người ta cần những chứng nhân chứ không cần những thầy dạy nữa!
Mà quả thật những thầy dạy nghiên cứu về thánh kinh về thần học, về triết học về khoa bảng quá nhiều! Ngày hôm nay những người làm chứng về Chúa Kitô phục sinh bằng đời sống của mình rất hiếm. Nhưng mà «hiếm», nhưng mà có! chứ không phải không!
Chúng ta hãy nhìn nơi gương của Mẹ Têrêsa Calcutta, một người phụ nữ tiều tụy ốm yếu, đau khổ, nhưng mẹ đã có một trái tim của Giêsu, mẹ mang trong mình trái tim của Giêsu: một trái tim yêu thương.
Chúng ta nhìn vào gương của một Phanxicô khó khăn, đã chấp nhận, đã từ bỏ tất cả sự giàu có vinh hoa phú quý của gia đình, để sống nghèo, để yêu thương và lo lắng cho người nghèo. Hay đơn giản, chúng ta có thể nở một nụ cười, nở một nụ cười như Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất. Và đặc biệt gương của lòng tha thứ gương của sự vị tha còn đó nơi Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, cái sự tha thứ đã làm nên khuôn mặt của ngài, ngài đã yêu thương đã diễn tả lòng thương xót.
Tất cả những chứng nhân đó tất cả những vị thánh đó làm chứng cho một Đức Kitô Phục Sinh. Thật sự ra, nơi con người của chúng ta vẫn là những con người yếu đuối, chúng ta vẫn mang trong mình cái phận người. Nói yêu thương, nói tha thứ, không phải là chuyện đơn giản. Đó là những cái thách đố của cuộc đời chúng ta.
Thế nhưng, không phải là không làm được! và không bao giờ làm được! Làm được, Nếu có ơn Chúa! Đặc biệt chúng ta biết kết hợp vào với Đức Kitô Phục Sinh, nơi mỗi thánh lễ chúng ta tham dự. Khi chúng ta tham dự thánh lễ, là chúng ta rước Đức Kitô Phục Sinh vào trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Để rồi khi CHÚA ở trong ta, ta ở trong CHÚA. Chúng ta kết hợp với Đức Kitô, thì chính khi ấy Chúa sống trong ta và ta sống trong Chúa.
Nhờ vào ơn Chúa chúng ta sẽ diễn tả cái đời sống Yêu Thương, bác ái đó cho anh chị em chúng ta, nơi những người chúng ta gần gũi.
Có thể chúng ta còn nghèo, có thể chúng ta không có tiền bạc, có thể chúng ta không có tài sản; nhưng mỗi người chúng ta vẫn có một nụ cười. Mỗi người chúng ta vẫn có một lòng vị tha. Mỗi người chúng ta vẫn có ánh mắt nhân từ, để tha thứ cho anh chị em những người làm tổn hại chúng ta, những người sát hại chúng ta và những người gây đau khổ cho chúng ta.
Thế đấy, một Đức Kitô Phục Sinh đã, đang, và đã sống lại, và mời gọi chúng ta hãy lên đường làm chứng về Thầy, làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh. Là người Môn Đệ của Đức Kitô, chúng ta luôn luôn được mời gọi để sống Tin Mừng Phục Sinh đó, trong cuộc đời của chúng ta.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để đặc biệt, trước hết, chúng ta sám hối về tội lỗi của chúng ta. Vì chúng ta đã đóng đinh Đức Kitô vào thập giá, và chúng ta lại lên đường loan báo một Đức Kitô Phục Sinh đã yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Chúng ta lên đường loan báo một Đức Kitô Phục Sinh yêu thương, và tha thứ cho những người xúc phạm, cho những người giết hại mình, bằng chính đời sống Yêu Thương, phục vụ và tha thứ, là chính lúc chúng ta tuyên bố Đức Kitô Phục Sinh rõ nét nhất trong cuộc đời chúng ta.
Xin Đức Kitô Phục Sinh đến, ở lại với mỗi người chúng ta. Và xin cho chúng ta luôn luôn biết kết hợp với Đức Kitô Phục Sinh để chúng ta diễn tả đời sống của một Đức Kitô Phục Sinh trong lời ăn, tiếng nói, trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Amen.
3. Mục sở thị
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Mục Sở Thị nghĩa là “nhìn tận mắt”, đó là cách nói rút gọn của câu “thực mục sở thị”. Từ điển Hán Nôm giải thích: MỤC là con mắt; SỞ là rõ ràng, minh bạch; THỊ là thân cận, gần gũi. Người ta cũng dùng chữ “mục kích” (mục: mắt, kích: đập vào). Cách nói phổ biến là “nhãn tiền”. Chữ “nhãn tiền” (nhãn: mắt, tiền: trước – ý nói “thấy trước”) do câu “quả báo nhãn tiền”, ý nói về điều không tốt, nhưng ngày nay chữ này cũng được dùng khi nói về điều tốt.
Tình yêu thương là hiện thân của Thiên Chúa (1 Ga 4:8 và 16). Tình yêu đó cũng chính là Lòng Thương Xót của Ngài. Lòng Chúa Thương Xót luôn được nhắc đến suốt Năm Phụng Vụ, đặc biệt vào Mùa Phục Sinh – cách riêng là Chúa Nhật II Phục Sinh. Chẳng phải mới đây mà từ thuở khai thiên lập địa, Kinh Thánh đã nói đến tình yêu thương. Đây là vài câu cụ thể trong sách Sáng Thế:
St 19:19 – “Này, tôi tớ ngài đây đã được đẹp lòng ngài, và ngài đã tỏ LÒNG THƯƠNG lớn lao của ngài đối với tôi khi để cho tôi sống. Nhưng tôi không trốn lên núi được đâu, tai ương sẽ đuổi kịp, và tôi chết mất!”
St 24:14 – “Xin mời ông, con sẽ cho cả lạc đà của ông uống nữa", thì đó là người Chúa đã xe duyên cho tôi tớ Chúa là I-xa-ác; cứ đó, con sẽ biết rằng Chúa đã tỏ TÌNH THƯƠNG đối với chủ con”.
St 24:27 – “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của ông Áp-ra-ham, chủ tôi, đã không ngừng tỏ TÌNH THƯƠNG và lòng thành tín của Người đối với chủ tôi; còn tôi, Đức Chúa đã dẫn dắt tôi trên đường đến nhà anh em họ hàng của chủ tôi”.
St 33:10 – “Tôi đã nhìn thấy mặt ngài như nhìn thấy mặt Thiên Chúa, và ngài đã tỏ LÒNG THƯƠNG với tôi”.
Bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8 & 16) – cách định nghĩa của Thánh Gioan, thế nên Đạo (của) Chúa là Đạo Yêu Thương. Yêu thương, tình thương, tình yêu, hoặc lòng thương đều là một – có thể rút gọn còn một từ YÊU. Phàm ngôn có nhiều cách gọi, nhưng thực chất vẫn là Lòng Chúa Thương Xót. Ngay trong Việt ngữ cũng không thống nhất, khi thì Lòng Thương Xót Chúa, khi thì Lòng Chúa Thương Xót, đó là cách rút gọn của cách nói “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”. Đôi khi Việt ngữ dễ gây hiểu lầm do cách “rút gọn” văn phạm! Cuộc sống đời thường có nhiều loại thực tế, cuộc sống tâm linh cũng vậy.
THỰC TẾ TỘI LỖI
Có lẽ không thực tế nào buồn và đáng sợ bằng thực tế tội lỗi. Nó không chỉ khiến người ta sa sút về tinh thần, nguy hiểm về phần rỗi, mà còn gây yếu đuối cả về thể lý.
Tội lỗi liên quan ma quỷ, nghĩa là đối lập với Thiên Chúa. Thánh Phêrô nói: “Thiên Chúa của các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Ngài là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh chị em đã NỘP và CHỐI BỎ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh chị em đã CHỐI BỎ ĐẤNG THÁNH và ĐẤNG CÔNG CHÍNH, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh chị em đã giết ĐẤNG KHƠI NGUỒN SỰ SỐNG, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3:13-15). Chúng ta thật khốn nạn, dám “giao nộp” Chúa Giêsu, dám “chối bỏ” Ngài, dù biết rõ Ngài là “Đấng Thánh”, là “Đấng Công Chính”, là “Đấng khơi nguồn sống”. Tội to lắm!
Và rồi với “kinh nghiệm đau thương” về việc này (tội chối Thầy) nên vị giáo hoàng tiên khởi đã chân thành kêu gọi: “Thưa anh chị em, giờ đây tôi biết anh chị em đã hành động vì KHÔNG HIỂU BIẾT, cũng như các thủ lãnh của anh chị em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Ngài dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh chị em hãy SÁM HỐI và TRỞ LẠI cùng Thiên Chúa, để Ngài xoá bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3:17-19). Ông Phêrô đã sám hối và được Thầy Giêsu xót thương. Tấm gương sám hối đáng để chúng ta noi theo mỗi khi sảy bước sa chân.
Từ ngàn xưa, có thể dân Do Thái hành động vì thiếu hiểu biết, bởi vì họ quá bất ngờ và quá bị “sốc” khi nghe chàng-thanh-niên-con-bác-thợ-mộc nói chính mình là Con Thiên Chúa. Nếu lúc đó chúng ta nghe được điều đó, chắc chắn chúng ta cũng thấy “chói tai” lắm đấy! Nhưng ngày nay, chúng ta không thể biện minh là chúng ta không hiểu biết – bởi vì chúng ta được dạy quá nhiều rồi.
Thế thì làm sao? Nếu thực sự không thể tự biện hộ, thực sự biết mình đã và đang phạm nhiều tội lỗi thì chúng ta phải biết thành tâm sám hối, chân thành trở lại, tin tưởng và khẩn cầu LCTX: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn” (Tv 4:2). Nên biết rằng Chúa biệt đãi người hiếu trung với Ngài; khi kêu cầu thì Ngài luôn nghe lời. Có thể chính chúng ta cũng đã bao lần thắc mắc: “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc?” (Tv 4:7a). Chính trong câu hỏi đó đã mặc nhiên có câu trả lời – nghĩa là không ai khác, không một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa. Và vì thế, chúng ta càng phải kêu cầu: “Lạy Chúa, xin toả ánh Tôn Nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4:7b).
Cầu nguyện là khiêm hạ và hạnh phúc, chính lúc cầu nguyện là lúc chúng ta trở nên vĩ đại, bởi vì được thưa chuyện với Thiên Chúa và được Ngài lắng nghe chúng ta trút mọi nỗi niềm. Có ai như Thiên Chúa của chúng ta? Chắc chắn là không! Đó chính là thực tế về ân sủng.
THỰC TẾ HỒNG PHÚC
Thiên Chúa vô cùng đại lượng và hào phóng, hằng ngày Ngài luôn ban muôn vàn hồng ân cho chúng ta – từng phút, từng giây. Đơn giản nhất mà lại cần thiết nhất chính là KHÔNG KHÍ – vì thiếu không khí vài phút là chúng ta chết ngay! Mọi người, không trừ ai, đều đã và đang nhận lãnh hồng ân của Thiên Chúa – dù chúng ta chưa hề mở lời xin Ngài.
Chưa nói được lời tạ ơn thì cũng đừng đối kháng. Thánh Gioan khuyên chúng ta “đừng phạm tội”, và “láy” một câu: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2:1). Thật quá tuyệt vời!
Chắc chắn chúng ta đều là những tội nhân khốn nạn, nhưng chúng ta lại vô cùng may mắn có Chúa Giêsu là luật sư biện hộ cho chúng ta trước Tòa Án Công Lý của Chúa Cha. Hơn nữa, “chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2:2). Nhận xét của Thánh Gioan rất “ăn khớp” với lời khẩn cầu trong Chuỗi LCTX: “Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”. Tha thiết lắm, Thiên Chúa không nỡ làm ngơ đâu!
Một thực tế khác: Nếu chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài, chúng ta nhận ra mình là những người biết Thiên Chúa. Nhưng “ai nói mình biết Ngài mà không tuân giữ các điều răn của Ngài, đó là kẻ nói dối, và Sự Thật không ở nơi người ấy” (1 Ga 2:4). Ngược lại, “ai giữ lời Ngài dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:5). Tình yêu và bổn phận luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Thực tế thế thôi!
Chiều Chúa Nhật Phục Sinh, sau khi hai môn đệ nhận ra Sư phụ Giêsu trên đường Emmau khi Ngài bẻ bánh, họ vội vã trở lại Giêrusalem và thuật lại chuyện đã xảy cho các môn đệ khác biết. Các ông còn đang bàn tán thì chính Đức Giêsu hiện ra đứng giữa họ và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36). Thế nhưng các ông kinh hồn bạt vía, hồn xiêu phách lạc tưởng là thấy ma. Nhưng Ngài nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-39). Lời-chúc-bình-an đó là Chúa Giêsu đã trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ lúc đó – và ban cho cả chúng ta ngày nay.
Vừa dứt lời, và để các môn đệ thấy thực tế minh nhiên, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Ấy thế mà họ còn chưa tin, có lẽ một phần vì quá vui mừng, một phần vì quá ngỡ ngàng. Mừng vì Thầy đã sống lại thật chứ không bị bọn ma mãnh lấy mất xác Thầy, mừng vì hai môn đệ kia (gặp Chúa trên đường Emmau) cũng nói thật chứ không hề “nổ” hoặc “xạo” chút nào. Và cũng là để cho “chắc cú”, Ngài hỏi rất thực tế: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc 24:43). Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng thơm phức, thế là Ngài cầm lấy và ăn ngon lành trước mặt họ. Ôi, Sư phụ Giêsu thật chứ không phải tay nào khác giả dạng. Thế thì trên cả tuyệt vời luôn rồi!
Sau khi ăn khúc cá nướng, Ngài giải thích: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24:44). Vâng, Thánh Ý Chúa quá mầu nhiệm, vượt xa tầm hiểu biết của nhân loại – dù là những bậc thông thái. Bấy giờ, chính Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Ngài nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24:46-47). Một thực tế minh nhiên và các môn đệ cũng đã “thực mục sở thị”. Rõ ràng và rạch ròi rồi.
Tất nhiên Chúa-Giêsu-phục-sinh biết rõ chúng ta luôn yếu đuối, luôn sai phạm, nên Ngài cũng luôn nhấn mạnh động thái “sám hối” và “tín thác”. Có được hai điều đó thì LCTX luôn chan hòa trên chúng ta. Và chính Ngài xác định bổn phận được trao cho chúng ta: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:48). Bổn phận và trách nhiệm không của riêng bất kỳ ai!
Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa hứa hẹn vừa dặn dò: “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24:49). Lời hứa đó đã, đang và sẽ được Ngài thực hiện cho nhân loại chúng ta mãi cho tới khi niên tận thế cùng.
Lạy Thiên Chúa chí tôn chí thánh, xin thánh hóa và gia tăng ba đức đối thần cho chúng con, và cũng ban các đức đối nhân để chúng con làm người xứng đáng. Xin Ngài luôn ban Thần Khí để chúng con can đảm làm chứng về Lòng Thương Xót của Ngài và Đức Kitô phục sinh, hôm nay và mãi đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
4. Nhãn tiền
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Chúng ta vừa mừng Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) vào Chúa Nhật tuần trước – Chúa Nhật II Phục Sinh. LCTX luôn được nhắc đến suốt năm Phụng vụ, đặc biệt vào Mùa Phục Sinh. Ngay từ thuở hồng hoang, thuở khai thiên lập địa, Kinh thánh đã nói đến lòng yêu thương:
– Này, tôi tớ ngài đây đã được đẹp lòng ngài, và ngài đã tỏ lòng thương lớn lao của ngài đối với tôi khi để cho tôi sống. Nhưng tôi không trốn lên núi được đâu, tai ương sẽ đuổi kịp, và tôi chết mất! (St 19:19);
– Xin mời ông, con sẽ cho cả lạc đà của ông uống nữa", thì đó là người Chúa đã xe duyên cho tôi tớ Chúa là I-xa-ác; cứ đó, con sẽ biết rằng Chúa đã tỏ tình thương đối với chủ con (St 24:14);
– Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của ông Áp-ra-ham, chủ tôi, đã không ngừng tỏ tình thương và lòng thành tín của Người đối với chủ tôi; còn tôi, Đức Chúa đã dẫn dắt tôi trên đường đến nhà anh em họ hàng của chủ tôi (St 24:27);
– Tôi đã nhìn thấy mặt ngài như nhìn thấy mặt Thiên Chúa, và ngài đã tỏ lòng thương với tôi (St 33:10).
Đạo (của) Chúa là Đạo Yêu thương, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4::8 & 16). Yêu thương, tình thương, tình yêu, hoặc lòng thương đều là một. Cách gọi khác theo ngôn ngữ, nhưng thực chất vẫn là Lòng Chúa Thương Xót. Ngay trong Việt ngữ cũng không thống nhất, khi thì Lòng Thương Xót Chúa, khi thì Lòng Chúa Thương Xót. Khi chúng ta nói “Lòng Thương Xót Chúa” tức là “Lòng Thương Xót của Chúa”. Thực ra vẫn giống nhau, chỉ vì Việt ngữ không rõ ràng do “rút gọn” văn phạm, và dễ gây hiểu lầm!
TỘI LỖI NHÃN TIỀN
Thánh Phêrô nói: “Thiên Chúa của các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Ngài là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh chị em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh chị em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh chị em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3:13-15). Chúng ta thật khốn nạn, dám “giao nộp” Chúa Giêsu, dám “chối bỏ” Ngài, dù biết rõ Ngài là “Đấng Thánh”, là “Đấng Công Chính”, là “Đấng khơi nguồn sống”.
Giáo hoàng tiên khởi đã có “kinh nghiệm đau thương” về việc này nên kêu gọi: “Thưa anh chị em, giờ đây tôi biết anh chị em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh chị em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Ngài dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh chị em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Ngài xoá bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3:17-19).
Ngày xưa, có thể dân Do Thái hành động vì thiếu hiểu biết, vì họ quá bất ngờ và quá bị “sốc” khi nghe chàng-thanh-niên-con-bác-thợ-mộc nói là Con Thiên Chúa, “khó nghe” thật! Nhưng ngày nay, chúng ta không thể biện minh là chúng ta không hiểu biết.
Nếu thực sự không thể tự biện hộ, thực sự biết mình đã và đang phạm nhiều tội lỗi nhãn tiền thì chúng ta phải biết sám hối, trở lại, và khẩn cầu LCTX: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn” (Tv 4:2). Chúng ta phải biết rằng Chúa biệt đãi người hiếu trung với Ngài; khi kêu cầu thì Ngãi Chúa luôn nghe lời. Biết bao kẻ từng thắc mắc: “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc?” (Tv 4:7a). Trong câu hỏi đó đạ mặc nhiên có câu trả lời, nghĩa là không ai khác, không một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta càng phải kêu cầu: “Lạy Chúa, xin toả ánh Tôn Nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4:7b).
HỒNG ÂN NHÃN TIỀN
Chúa luôn ban vô vàn hồng ân hằng ngày. Đơn giản nhất mà lại cần nhất là không khí – thiếu không khí vài phút là chúng ta chết ngay! Mọi người, không trừ ai, đều đã và đang nhận lãnh hồng ân của Thiên Chúa – dù chúng ta chưa hề mở lời xin Ngài.
Thánh Gioan khuyên chúng ta “đừng phạm tội”, và “láy” một câu: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2:1). Quá tuyệt vời! Chắc chắn chúng ta đều là những tội nhân khốn nạn, nhưng chúng ta lại vô cùng may mắn có Chúa Giêsu là luật sư biện hộ cho chúng ta trước Tòa Án Công Lý của Chúa Cha. Hơn nữa, “chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2:2). Nhận xét của Thánh Gioan rất “ăn khớp” với lời khẩn cầu trong Chuỗi LCTX: “Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”.
Nếu chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài, chúng ta nhận ra mình là những người biết Thiên Chúa. Nhưng “ai nói mình biết Ngài mà không tuân giữ các điều răn của Ngài, đó là kẻ nói dối, và Sự Thật không ở nơi người ấy” (1 Ga 2:4). Ngược lại, “ai giữ lời Ngài dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:5). Tình yêu và bổn phận luôn có mối quan hệ chặt chẽ.
Sau khi hai môn đệ nhận ra Sư phụ Giêsu trên đường Emmau khi Ngài bẻ bánh, họ thuật lại chuyện đã xảy cho các môn đệ khác biết. Các ông còn đang bàn tán thì chính Đức Giêsu hiện ra đứng giữa họ và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36). Thế nhưng các ông kinh hồn bạt vía, hồn xiêu phách lạc tưởng là thấy ma. Nhưng Ngài nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-39). Lời-chúc-bình-an đó là Chúa Giêsu đã trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ lúc đó và chúng ta ngày nay.
Nói xong, để các môn đệ thấy nhãn tiền, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Ấy thế mà họ còn chưa tin, phần vì mừng quá đỗi, phần vì quá ngỡ ngàng. Mừng vì Thầy đã sống lại thật chứ không bị bọn ma mãnh lấy mất xác Thầy, mừng vì hai môn đệ kia (gặp Chúa trên đường Emmau) nói thật chứ không… “xạo”. Và để cho “chắc cú”, Ngài hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc 24:43). Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng thơm phức, thế là Ngài cầm lấy và ăn ngon lành trước mặt họ. Ôi, Sư phụ Giêsu thật chứ không phải tay nào khác giả dạng. Trên cả tuyệt vời luôn!
Ăn cá xong, Ngài giải thích: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24:44). Vâng, Thánh Ý Chúa quá mầu nhiệm, vượt xa tầm hiểu biết của nhân loại – dù là những bậc thông thái. Bấy giờ, chính Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Ngài nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24:46-47).
Ngài biết chúng ta luôn yếu đuối, luôn sai phạm, nên Ngài luôn nhấn mạnh động thái “sám hối” và “tín thác”. Có hai điều đó thì LCTX luôn đổ tràn trên chúng ta. Và Ngài xác định bổn phận được trao cho chúng ta: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:48).
Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa hứa vừa dặn dò: “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24:49). Lời hứa đó đã, đang và sẽ được Ngài thực hiện cho nhân loại chúng ta.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con, xin luôn ban Thần Khí Chúa cho chúng con để chúng con can đảm làm chứng về LCTX và Đức Kitô phục sinh, hôm nay và mãi đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
5. Tỉnh ngộ
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Cuộc đời là bến mê lầm. Sai một ly, đi một dặm. Phải luôn cố gắng tỉnh thức để thoát khỏi mọi cạm bẫy. Thoát ly như vậy là tỉnh ngộ – thoát khỏi ngu muội. Điều này vô cùng cần thiết, vì chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38).
Phật giáo dùng từ “giác ngộ” (zh. 覺悟, sa., pi. bodhi). Danh từ này được dịch nghĩa từ chữ “bodhi” (bồ-đề) trong Phạn ngữ. Từ ngữ này chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người bỗng nhiên trực nhận tính KHÔNG, bản thân nó là “không” như toàn thể vũ trụ cũng là “không” vậy.
Và chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được “thể tính mọi hiện tượng”. Tính “không” ở đây KHÔNG phải sự trống rỗng thông thường mà nói về một thể tính vô biên, không thể dùng suy nghĩ hoặc cảm nhận để đo lường, vì điều đó nằm ngoài cặp đối “có – không”. Tính “không” này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận, vì bản thân chủ thể cũng thuộc về nó. Do đó, giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giãi bày.
Kinh Thánh nhắc lại Người Tôi Tớ Đau Khổ và cũng “chạm” vào ký-ức-buồn của chúng ta, tức là sự ngu muội của chúng ta: “Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3:13-15).
Thánh Phêrô dõng dạc làm chứng về Đức Giêsu Kitô và thông cảm với sự ngu muội của chúng ta: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3:17-19). Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót, Ngài chỉ cần chúng ta hối hận thật lòng thì Ngài sẽ tha thứ ngay. Điều này đã được Thiên Chúa hứa từ ngàn xưa rồi: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18). Và chính tướng cướp Diasmas đã được hưởng lời hứa đó ngay trên Núi Sọ: Theo Chúa Giêsu vào thẳng Thiên Đàng (Lc 23:43), dù “đại ca” này chưa hề biết gì về Chúa Giêsu và chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Thiên Chúa quá đỗi nhân lành, nhất là với những người thành tâm sám hối: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn” (Tv 4:2). Ngoài Thiên Chúa, chắc chắn chẳng có thần linh nào hoặc phàm nhân nào khả dĩ cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc. Hãy cầu nguyện liên lỉ, hãy không ngừng nài xin: “Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4:7).
Khi có Ngài rồi thì cứ “vô tư” mà sống. Chả lo lắng chi cho già người đi. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh đã chia sẻ kinh nghiệm thoải mái này: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4:9). Mèn ơi! Thế thì thật là hạnh phúc, sướng ơi là sướng!
Thánh Gioan muốn chúng ta tỉnh ngộ nên đã nhắn nhủ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính“” (1 Ga 2:1). Không nên phạm tội, đó là điều chính đáng, nhưng tay lỡ “nhúng chàm” thì lại được Luật Sư uy tín biện hộ cho chúng ta, đó là chính Chúa Giêsu. Thế thì còn gì sướng hơn nữa chứ?
Thánh Gioan cho biết: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2:2). Trên cả tuyệt vời, vì chính Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lòng thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới” (Nhật Ký, số 1485). Mọi diễn biến từ Cựu Ước tới Tân Ước đều lô-gích, chính xác, không chút sai lệch. Thật là mầu nhiệm biết bao!
Điều kiện thứ nhất là “đừng phạm tội”, điều kiện thứ hai là “tuân giữ các điều răn” – nhất là điều răn bác ái. Đức ái là một trong ba đức đối thần, nhưng là nhân đức quan trọng nhất. Tại sao? Vì đức mến còn mãi mãi, trên Thiên Đàng chỉ còn đức mến, không còn đức tin và đức cậy (hy vọng).
Thánh Gioan phân tích: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:3-5). Thánh Phaolô cũng nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13:8-10). Người biết yêu mến là người chu toàn lề luật của Thiên Chúa, đó là người mặc lấy con người mới, sống niềm vui phục sinh, tức là đã tỉnh ngộ.
Sau khi phục sinh, một hôm ở trên đường Emmaus (*), Chúa Giêsu gặp hai môn đệ và giải thích cho họ những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Họ không hề biết đó là Chúa-Giêsu-phục-sinh. Khi đồng bàn với họ, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ đã mở ra, tỉnh ngộ, và nhận ra Ngài, thế nhưng Ngài lại biến mất (Lc 24:27-30).
Lần khác, khi các môn đệ còn đang nói, chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và chúc bình an cho họ. Các ông kinh hồn bạt vía, cứ tưởng là thấy ma. Tá hỏa tam tinh. Run sợ thật đấy! Nhưng Ngài cười và bảo: “Này các cậu, sao lại hoảng hốt thế nhỉ? Sao lòng anh em còn ngờ vực chứ? Này, nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-48). Rồi Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Ừ nhỉ! Ma đâu có thế này, đúng là thần hồn nhát thần tính. Chán thật!
Các ông còn bán tín bán nghi, chưa dám tin thật, phần vì mừng quá, phần vì ngỡ ngàng. Chúa Giêsu thấy mắc cười lắm, Ngài hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không nào? Đem ra đây cho Thầy ăn!”. Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy và ăn ngon lành trước mặt các ông. Mấy ông nhéo nhau, ai cũng la oái, thế thì không phải mơ, tỉnh thật đấy.
Rồi Ngài ôn tồn: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24:44). Bấy giờ Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Ngài nhấn mạnh: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:46-48).
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin mở lòng trí chúng con để chúng con đủ sức hiểu rõ lời Kinh Thánh, xin giúp chúng con biết tỉnh ngộ để chúng con chân tín Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng con, đồng thời cũng luôn biết sống yêu thương và can đảm làm chứng về Đấng Phục Sinh. Ngài là Đấng hằng sinh và hằng hữu, hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
-----------------------------
(*) Emmaus là viết theo tiếng Latin, tiếng Hy Lạp là Ἐμμαούς, tiếng Ả Rập là عِمواس (Imwas), tiếng Do Thái là חמת (Hammat), có nghĩa là “mùa xuân ấm áp”. Emmaus cách Giêrusalem 7 dặm, khoảng 11 km.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam