Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1372323

ĐÁP TRẢ VÀ SỐNG ƠN GỌI MỖI NGÀY

Đáp trả và sống ơn gọi mỗi ngày - Lm Trần Bình Trọng

Nhìn thấy Đức Giêsu đi qua, ông Gioan tiền hô liền giới thiệu hai môn đệ của mình cho Chúa: Đây là Chiên Thiên Chúa (Ga 1:36). Một trong hai môn đệ đi theo Chúa thì Phúc âm hôm nay nêu danh tính là Anrê, còn ông kia được giấu tên. Tuy nhiên học giả Thánh kinh đoán là ông Gioan tông đồ vì ông có khuynh hướng hay giấu tên mình. Hai trường hợp khác ông cũng giấu tên là khi ông viết: Người môn đệ mà Chúa yêu (Ga 13:23; Ga 19:26-27; Ga 20:2) và ông còn tường thuật về: Người môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước (Ga 20:4).

Hai môn đệ của ông Gioan tiền hô chấp nhận lời mời gọi của Chúa: Hãy đến mà xem (Ga 1:39). Họ đến xem nơi Chúa ở và quyết định ở lại với Người và đi theo Người. Gioan tiền hô không đặt vấn nạn về việc hai môn đệ đào ngũ đi theo Chúa, vì ông chủ trương Đấng cứu thế phải được tỏ hiện, còn ông phải rút lui vào bóng tối (Ga 3:30). Hành động đầu tiên của Anrê khi tìm thấy nơi Chúa ở là đi tìm anh mình là ông Simon để giới thiệu với Chúa. Khi Simon đến gặp Chúa, Chúa liền đổi tên ông thành Phêrô, có nghĩa là đá. Chúa đặt cho ông tên này vì Chúa biết trước Người sẽ đặt ông làm đầu Giáo hội. Ông sẽ trở nên như tảng đá vững chắc cho toà nhà Giáo hội của Chúa.

Các ông đi theo Chúa, chắc chắn trăm phần trăm không phải vì Chúa ở nhà cao cửa rộng. Trong đời sống ẩn dật, Chúa ở tại nhà Nadarét. Còn trong đời sống công khai, Phúc âm chỉ nhắc Chúa ở lại nhà ông Dakêu (Lc 19:5) và có những lần ở nhà ba chị em Mác-ta, Maria và Ladarô (Lc 10:38; Ga 12:2). Những trường hợp khác ta có thể đoán khá chắc chắn rằng Chúa sống kiểu bụi đời: nay đây mai đó, có thể tá túc ở túp lều vải lưu động để che mưa nắng, đi thì gấp vào rồi mang theo. Lối sống vô gia cư này được Chúa xác nhận khi có người trong Phúc âm muốn đi theo Chúa, thì Chúa bảo: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Mt 8:20; Lc 9:58). Theo Chúa trong trường hợp và hoàn cảnh như vậy phải kể là mạo hiểm, nếu chưa nói là liều lĩnh vì nước Trời. Bài trích sách Sa-mu-en quyển một cho thấy câu chuyện Chúa gọi Samuen để thi hành sứ mệnh lãnh đạo dân Chúa và làm ngôn sứ. Samuen trả lời sẵn sàng: Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe (1Sm 3:10).

Nói đến ơn gọi nhiều người nghĩ rằng chỉ có linh mục và tu sĩ nam nữ mới được ơn Chúa gọi làm việc tông đồ truyền giáo. Thực ra mỗi người tín hữu đều có ơn gọi. Nói chung có ba thứ ơn gọi khác nhau: ơn gọi làm linh mục tu sĩ nam nữ, ơn gọi sống đời hôn nhân, ơn gọi sống độc thân giữa đời. Người giáo dân sống độc thân hay có gia đình qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều được gọi để làm việc tông đồ giáo dân bằng lời cầu nguyện, gương sáng, bằng việc bác ái phục vụ theo khả năng và phương tiện có thể.

Theo thánh Phaolô thì trong Giáo hội có những ơn gọi, những chức vụ và vai trò khác nhau khả dĩ để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô (1 Cr 12:12-34). Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, kêu gọi người giáo dân làm việc tông đồ nơi gia đình, trong xã hội, trên bình diện quốc gia và quốc tế qua việc tông đồ cá nhân, việc tông đồ tập thể. Công Đồng ghi nhận: Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc âm và thánh hoá. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa (TĐGD # 6).

Như vậy có ơn gọi nọ giá trị và cao qui hơn ơn gọi kia chăng? Cổ nhân thường nói: Tu là cõi phúc, tình là giây oan. Tuy nhiên tu mà không trọn kiếp thì cũng không hẳn là có hạnh phúc. Điều quan trọng là mỗi người sống ơn gọi của mình, tìm cách phát triển và hoàn thành ơn gọi. Trong một vở kịch mà tài tử chính diễn dở thì làm cho vở kịch kém giá trị. Trái lại người đóng vai phụ mà diễn hay, thì cũng được khen thưởng.

Sống ơn gọi là một tiến trình kéo dài suốt cả cuộc sống. Ngày chịu chức linh mục không phải là dừng bước làm linh mục. Ngày chịu chức linh mục mới chỉ là bước khởi đầu cho đời sống linh mục. Đời sống hôn nhân cũng vậy. Hôn nhân không dừng lại trong ngày đám cưới, trong tuần trăng mật. Tình yêu và đời sống hôn nhân phải được nuôi dưỡng và phát triển từ ngày này qua ngày khác, từ năm nọ qua năm kia. Ơn gọi làm người Kitô hữu cũng không dừng lại khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy hay Bí tích Thêm sức. Chứng chỉ rửa tội không phải là giấy thông hành để vào nước Trời, nếu người ta không sống và thực hành lời Chúa và không giữ giới răn Chúa. Mỗi người tín hữu cần tiếp tục học hỏi về đạo giáo và đường lối Phúc âm hầu làm tăng triển mối liên hệ với Chúa, sống đức tin và làm đổi mới đức tin.

Đó là tíến trình của việc làm môn đệ. Mỗi người Kitô hữu đã chịu Phép Thanh tẩy gồm cả linh mục, nam nữ tu sĩ đều được gọi để làm môn đệ Chúa. Việc người tín hữu đáp lại tíếng Chúa mời gọi không phải là một lần. Mỗi ngày đòi ta làm mới lại việc đáp trả. Còn việc chấp nhận hay không là tùy thuộc vào mỗi người. Bản tính loài người là yếu đuối, nhưng khi Chúa mời gọi ta làm việc nọ chuyện kia, Người ban đủ ơn để ta thi hành công việc.

Lời Chúa mời gọi không phải là tiếng gọi một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả và cộng tác với ơn Chúa. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn và cộng tác của mỗi người.

Lời cầu nguyện: xin cho được đáp trả và sống ơn gọi mỗi ngày: Lậy Chúa! Chuá hằng kêu gọi mỗi người đến những vai trò và phận vụ khác nhauđể phụng sự Chúa và phục vụ đồng loại. Xin cho những người đứng giữa ngã ba đường không biết phải theo đường nào được nhận ra đường Chúa muốn họ đi để họ có thể đáp trả và theo đuổi. Và xin ban ơn để con hoàn thành ơn gọi. Amen.

 

42. Hãy đến mà xem - Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi CssR

Angele Laly viết: "... Để mời gọi, Chúa Giêsu hầu như không nói. Người chỉ trả lời cho một sự khát vọng và một câu hỏi: “Thầy ở đâu?”. Người mời gọi vào trong thân tình của Người, vào trong nhà Người, những ai muốn biết Người ở đâu: “Hãy đến rồi sẽ thấy”. Giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, cho anh em là bổn phận và trách nhiệm của tất cả Kitô hữu trên trái đất này? Nếu Đức Giêsu không được nhiều người nhận biết và tin bởi vì ít người nói, loan báo về Ngài. Bởi vậy, việc loan báo và giới thiệu Đức Giêsu cho anh em là việc làm khẩn thiết và quan trọng đối với người môn đệ của Chúa. Tin Mừng Chúa Nhật II thường niên, năm B, nhắn nhủ mọi người nên bắt chước Anrê chia sẻ với người khác niềm tin của mình vào Chúa Giêsu.

Đọc Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và hết sức khâm phục Anrê, vị tông đồ luôn giới thiệu Đức Giêsu cho người khác. Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay cho thấy Anrê đã gặp Đức Giêsu: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1, 41), rồi Anrê liền giới thiệu em mình là Phêrô cho Chúa Giêsu. Anrê đã trở nên quen thuộc và được nhiều người biết đến vai trò của mình, khi dân chúng đi theo Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dạy và vì chiều, dân quá đông, các môn đệ đề nghị với Chúa Giêsu giải tán đám đông, để họ tự đi tìm thức ăn, nhưng Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn”. Thế rồi Anrê đã tìm được một cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá“, Anrê liền đưa cậu bé giới thiệu với Chúa Giêsu. Qua việc giới thiệu cậu bé này, với sự cộng tác của bàn tay con người hay nói đúng hơn, có vật chất: có bánh, có cá. Chúa Giêsu sau khi đã cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa Cha, Ngài đã biến bữa ăn trưa của cậu bé trở thành bữa tiệc tập thể nuôi sống hơn năm ngàn người.Lần cuối cùng khi Chúa Giêsu trở lại Giêrusalem, có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Ngài. Anrê là người đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu. Chắc chắn Chúa Giêsu đã rất hài lòng về Anrê, bởi vì sau đó chính Ngài đã nói: “phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ khéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32).

Xem như thế, chúng ta thấy vai trò của Anrê thật quan trọng và đáng được ghi nhận để bắt chước Anrê vì nếu Anrê không giới thiệu em mình là Simon Phêrô cho Chúa Giêsu, Giáo Hội làm gì có một Phêrô là thủ lãnh được Chúa tin tưởng, yêu thương đặt lên coi sóc Giáo Hội của Ngài: “Hãy chăm sóc chiên con, chiên mẹ của Ta“. Và nếu không có Anrê giới thiệu cậu bé có “năm chiếc bánh mì nhỏ và hai con cá“, làm sao có một phép lạ đẹp và hoành tráng như phép lạ Chúa Giêsu đã làm để nuôi sống một đám đông người như thế.

Anrê đã giới thiệu nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Do đó, Tin Mừng của thánh Gioan 1, 35-42 mời gọi mọi Kitô hữu hãy xét lại thái độ, cử chỉ và hành động của mình cách cụ thể hơn: tại sao Kitô hữu lại chưa muốn chia sẻ đức tin của mình cho người khác? tại sao Kitô hữu lại chưa mau mắn giới thiệu Chúa Giêsu cho người xung quanh, cho bạn bè và cho nhiều người khác? Quả thực, nếu người môn đệ của Chúa đã tìm gặp Tin Mừng, đã nhận ra Tin Mừng là chính Đức Giêsu thì tại sao họ lại chậm chạp, chứ chưa chóng vánh chia sẻ niềm vui, chia sẻ đức tin cho bạn bè, những người quen biết và nhiều người mình chưa quen biết? Đây là vấn nạn quan trọng được đặt ra và mỗi người phải tự mình trả lời trước lương tâm, trước mặt Chúa về câu hỏi này, không ai có thể trả lời giúp họ được vấn nạn này. Mọi người đang nhìn vào cách thể hiện đức tin của người môn đệ Chúa và sự chia sẻ đức tin của họ cho người khác là điều rất quan trọng và hết sức hệ trọng. Bài Tin Mừng này là bài học cho mọi Kitô hữu hãy bắt chước việc làm của vị tông đồ Anrê: “giới thiệu Chúa Giêsu và chia sẻ đức tin cho người khác“.

Xung Quanh chúng ta còn biết bao người chưa biết Chúa và còn biết bao người chưa được nghe nói tới Tin Mừng. Chính vì thế, thái độ và việc làm của chúng ta là phải làm chứng cho Chúa Giêsu như Anrê, như các tông đồ xưa và nhiều người khác đã làm. Được phục vụ cho anh chị em lương dân và những anh chị em Dân tộc thiểu số, tôi vẫn cảm nghiệm được việc làm chứng cho Chúa bằng đời sống là cần thiết và việc loan báo Tin Mừng, rao giảng Đức Giêsu là tối ư quan trọng. Bởi, nếu không rao giảng, không chia sẻ đức tin mình có được thì anh chị em lương dân hay anh chị em Dân tộc sẽ không thể nào nhận ra Chúa Giêsu.

Xin mượn lời của Ange Laly để kết thúc bài chia sẻ hôm nay: “Sống dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, chia sẻ sự thân tình của Người, sẽ đem đến cho ta niềm vui, để lại đến lượt chúng ta là những kẻ mời gọi. Nhưng chúng ta có dám nói với những ai đi tìm: “Hãy đến rồi sẽ thấy! “. Thiên Chúa, cách khiêm tốn, muốn tự mặc khải ngang qua cuộc đời chúng ta và ngang qua các cộng đoàn chúng ta. Đó có phải là những dấu chỉ của Thiên Chúa không? Những đối thoại của chúng ta sẽ có được sự dồi dào phong phú, nếu mọi người đều muốn sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa và sống trung thành với Lời của Người”.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Làm sao để có thể nhận biết và tin Chúa?

2. Anrê đã giới thiệu ai cho Chúa Giêsu?

3. Ai đã giới thiệu với Chúa Giêsu em bé có năm chiếc bánh và hai con cá?

4. Em bé đó là ai?

5. Phép lạ đòi hỏi gì nơi mỗi người chúng ta?

6. Chúa có còn làm phép lạ không? Phép lạ lớn nhất mỗi người chúng ta đang lãnh nhận là phép lạ nào?

 

 

43. Môn đệ Chúa Giêsu - Lm Bênađô Nguyễn Tiến Huân

Ngay ngày hôm sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Ga 1,35) Chúa Giêsu bắt đầu tuyển chọn những môn đệ đầu tiên như chúng ta đọc trong bài Phúc Âm hôm nay. Đang đứng với hai môn đệ mình, Gioan thấy Chúa Giêsu đi ngang qua thì nói với họ: "Đó là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ ấy là Anrê, người khác nữa thì thánh Gioan không nói nhưng dựa theo Nhất Lãm (Mt 4,18; Lc 5,10-11; Mc 1,16 và Ga 1,42), chúng ta biết môn đệ đó là Simon (Phêrô) đã bỏ Gioan Tiền Hô mà đi theo Chúa (Ga 1,37). Gioan không ngăn cản cũng không hỏi tại sao lại bỏ đi. Điều đó chứng tỏ Gioan rất bằng lòng và còn muốn cho các môn đệ mình đi theo Chúa Giêsu. Đúng như cương vị của một tiền hô, Gioan muốn giới thiệu cho mọi người tìm tới Chúa Giêsu chứ không giữ họ lại cho mình như người đã nói: "Ngài cần phải được lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ bé đi" (Ga 3,30). Khi ở trong ngục Gioan vẫn sai các môn đệ đến để được Chúa Giêsu dạy dỗ. Và Chúa đã khen Gioan là người lớn nhất trong Cựu Ước (Mt 11,2-11).

Lời Gioan giới thiệu Chúa Giêsu: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Đó là hình ảnh chỉ về Chúa Giêsu trong vai trò tế lễ và đền tội như tiên tri Isaia đã báo trước về Ngài rằng: "Bị tra tấn, Ngài đã chịu đựng và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết" (Is 53,7). Khi đi theo Chúa Giêsu các môn đệ này chỉ hỏi Ngài một câu rằng: "Thầy ở đâu?" (Ga 1,3-8). Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp mà chỉ nói: "Hãy đến mà xem". Họ đã tới và ở lại với Ngài luôn (Ga 1,39).

Để làm môn đệ Chúa, tất cả mười hai vị cũng đã bỏ hết mọi sự kể cả cha, mẹ, vợ con và tức khắc đi theo Chúa, để Chúa ở đâu, đi đâu, thì cũng ở đó, đi đó: "Có sướng cùng hưởng có họa cùng chịu". Đó chính là tinh thần của kẻ theo Chúa và cũng là điều kiện Chúa đòi buộc: "Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác Thánh giá mà theo Ta" (Mc 8,34). "Kẻ nào đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ Ta" (Lc 14,26). Có họa cùng chịu nhưng cũng sẽ có sung sướng cùng hưởng: "Phàm ai bỏ cha mẹ vợ con ruộng vườn vì Ta thì sẽ lại được gấp trăm" (Mt 19,29). Và "khi con người được vinh hiển thì sẽ được ngồi trên mười hai ngai vinh hiển mà xét xử 12 chi tộc Israel" (Mt 19,28). Muốn theo Chúa mỗi người chúng ta cũng phải làm như vậy mà tất cả mọi người chúng ta đều là môn đệ Chúa đã chọn để chu toàn những sứ mệnh riêng trong đấng bậc của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, tuần này con sẽ nhìn lại sứ mạng làm tông đồ Chúa đã trao phó cho con và quyết thực hiện những điều kiện Chúa đòi hỏi.

 

 

44. Ơn gọi - Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi CssR

Thiên Chúa luôn có cách, có phương thế, có những nẻo đường để mời gọi con người đi theo Ngài. Tin Mừng mà Ngài giới thiệu chính là Con Một Chí Ai của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên được Tin Mừng giới thiệu hôm nay muốn gợi lên cho nhân loại ý tưởng ấy.

Gioan Tẩy giả đã gặp gỡ Chúa, Ông không chỉ giữ cho riêng mình mà giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình. Các môn đệ của Gioan Tẩy giả đã tới tìm gặp Chúa và ở lại với Chúa suốt ngày hôm ấy. Anrê là một người trong nhóm môn đệ đã gặp Chúa và về đưa em của mình là Simon đến gặp Chúa. Xem ra những cuộc gặp gỡ của những những người được Chúa để ý cũng tương tợ như vậy. Trở về cựu ước ta sẽ thấy những ơn gọi đặc biệt và lạ lùng.

Samuel trong đền thờ đang đêm nghe tiếng Chúa gọi. Lần thứ ba Ông đã thưa với Chúa:" Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".

Môsê gặp gỡ Chúa trong bụi gai rực đỏ. Đavít, chàng chăn chiên nhỏ bé, có mái tóc hoe hoe vàng được Chúa tuyển chọn. Nhiều ngôn sứ đáp lại tiếng Chúa gọi mời.

Những cuộc gặp gỡ trong Tin Mừng đều na ná xẩy ra tương tự: một người gặp được Chúa, họ nong nả giới thiệu Chúa cho người khác. Các môn đệ đều được Chúa kêu mời trong những hoàn cảnh cụ thể: có người đang ngồi ở bàn thu thuế, có người đang ở dưới gốc cây vả, có người đang giặt lưới hoặc đang vá lưới với cha mình trên bãi biển vv...

Mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc sống là một dịp nhận ra Tin Mừng, mỗi dấu chỉ trong cuộc đời là lời mời gọi gặp gỡ Chúa. Chúa là Tin Mừng, gặp gỡ, tìm ra được Tin Mừng là nhận ra Chúa đang hiện diện giữa dòng đời, giữa cuộc sống.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã tìm và nhận ra Chúa nơi những con người nghèo, nơi những người vất vưởng, hấp hối. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mỗi lần tiếp xúc với giới trẻ là đem Chúa cho họ và họ nhận ra Ngài là hiện thân của Chúa Giêsu. Thi sĩ Paul Claudel nhận ra tiếng Chúa trong tiếng chuông ngân của giáo đường. Charles Foucauld đã nhận ra Chúa trong những giờ tĩnh lặng. Phanxicô khó nghèo đã nhận ra Chúa nơi vẻ đẹp của muôn loài muôn vật vv và vv. Mỗi người đều có những cảm nghiệm về ơn gọi và gặp gỡ Chúa.

Ngày nay nhiều nước rất hiếm ơn gọi. Sở dĩ ơn gọi bị khủng hoảng vì con người chạy theo những khoa học, những văn minh, vật chất vượt quá sức tưởng tượng của con người. Họ vẽ ra khuôn mặt của Chúa Giêsu bị méo mó. Họ tự nghĩ ra Chúa Giêsu hơn là chính khuôn mẫu Ngài đã hiện diện, đã có. Một nhà Kinh Thánh đã viết: " Đức Giêsu loan báo nước trời nhưng Giáo Hội đã đến"( Loisy ).

Tìm gặp Đức Giêsu phải như mẫu mực của hai môn đệ tiên khởi. Người ta không thể gặp được Chúa trong sự xa hoa, tráng lệ và không phù hợp với nước trời. Một Giáo Hội nghèo với những con người chân thành, đơn sơ, chất phác, đó là Hội Thánh của Chúa Giêsu. Cuộc sống của con người chứa đựng biết bao chặng đường, nẻo đi, nơi đến của sự hiện của Chúa và lời mời gọi của Chúa Giêsu. Con người có niềm tin luôn sẵn sàng, chóng vánh và tỉnh thức để nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện, đang có mặt trong mọi trạng huống của cuộc đời. Chúa Giêsu trên thập giá là sự hiện diện tột đỉnh và mầu nhiệm nhất nói lên sự có mặt của Chúa giữa trần gian để cứu độ gian trần.

Tin Mừng là Đức Kitô luôn là niềm vui, sự hạnh phúc mà con người có lòng tin đang lần mò tìm kiếm và đòi được chia sẻ, đòi được cảm thông. Tin Mừng luôn thúc bách con người cần phải được loan báo. Con người chỉ có thể sống Tin Mừng khi Tin Mừng được loan báo. Cuộc sống chứng nhân là lời loan báo mãnh liệt nhất và ý nghĩa nhất để rao truyền và giới thiệu Chúa Kitô cho người khác. Ơn gọi và tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên. Nhưng thử hỏi con người có sống ơn gọi và nhận ra tiếng gọi của Chúa đang thôi thúc con người hay không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn mau mắn nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống của chúng con.

 

 

45. Chúa Nhật 2 Thường Niên

Con người là một hữu thể luôn khao khát hạnh phúc. Là con người bất toàn nhưng luôn hướng về Đấng vĩnh cửu. Hai môn đệ của Gioan đang khát khao Đấng hạnh phúc vĩnh cửu. Họ đã gặp được Đấng vĩnh cửu là Đức Kitô và đã sống hoàn toàn cho Ngài.

Anrê và Gioan đi tìm và gặp được Đức Kitô. Cuộc sống có những điều thú vị của nó nhưng nó không làm Anrê và Gioan thoả mãn. Lòng hai ông luôn mang trong mình niềm khát khao một điều cao quý hơn, khát khao điều gì đó tốt đẹp hơn, khát khao một điều gì đó bền vững hơn. Điều này thúc bách hai ông luôn ấp ủ một cuộc đổi đời, nó thôi thúc hai ông không dậm chân tại chỗ mà luôn "thao thức tìm kiếm" Đấng vĩnh cửu hạnh phúc. Sống trong tâm trạng đó nên khi nghe Thầy Gioan giới thiệu: "Đây Chiên Thiên Chúa" thì hai ông đã tức khắc đi theo Đức Giêsu. Đây là cơ hội ngàn năm có một. Hai ông không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Hai ông mạnh dạn bước tới "Chiên Thiên Chúa". Hai ông không chần chừ, không tra hỏi Thầy điều gì thêm nữa, cũng không cần phải tính toán, không cần phải suy nghĩ thêm. Hai ông đã nhanh chóng và mạnh dạn đến với Đấng mà Thầy mình giới thiệu. Hai ông đã gặp được Đức Kitô.

Phần mình, Chúa Giêsu trả lời: "hãy đến mà xem". Ngài không giới thiệu địa chỉ, nơi chốn nhưng Ngài nói: "hãy đến mà xem". "Hãy đến mà xem" là lời mời gọi bước đi. Chúng ta là môn đệ nên hãy bỏ lại chỗ cũ, hãy bỏ lại con người cũ, hãy mặc lấy con người mới. Chúng ta hãy đến với Ngài bằng con người mới, đi trên hành trình mới, hành trình của sự từ bỏ, hy sinh và yêu thương. Chúng ta hãy đến mà xem tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ cho con người nơi Chúa Giêsu Kitô. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa tình thương: "Ai thấy Thầy là thấy Đấng đã sai Thầy". Khi gặp gỡ và "lưu lại" với Ngài, chúng ta học biết được kinh nghiệm về một tình yêu, tình yêu vĩnh cửu, về hạnh phúc trường tồn. Thật đúng như vậy hai ông Anrê và Gioan đã kinh nghiệm được điều ấy nên đã lưu lại với Chúa, lưu lại trong tình yêu của Ngài. Tình yêu làm cho hai ông trở nên gần gũi với Thầy và sự gần gũi làm gia tăng tình yêu. Hai ông đã đến với Chúa Giêsu, họ đã "lưu lại với Người", nhờ đó hai ông đã nhận ra Người là "Đấng Kitô". Như thế, có thể nói, nếu chúng ta có thao thức, chúng ta ước muốn tìm hạnh phúc là điều kiện đầu tiên tuy nhiên chúng ta cần phải bước đi. Chúng ta hãy bước đi bằng cách chấp nhận từ bỏ, chấp nhận hy sinh, từ bỏ những gì là cũ, từ bỏ những gì không phù hợp, nó đang gây cản trở cho hành trình ta gặp Chúa. Chúng ta phải hết lòng cộng tác với ơn Chúa, bước đi trong đường lối và giới răn của Thiên Chúa thì ta mới đạt kết quả tốt đẹp như Đấng đang thúc bách mời gọi. Nói một cách khác, hành trình đón nhận đức tin của chúng ta là sẵn lòng đón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa và nỗ lực đáp trả tức khắc và liên lĩ lời mời gọi sống cho Đức Kitô.

Gặp gỡ được Đức Kitô, chúng ta sẽ có cơ hội đối thoại với Ngài. Chúng ta có chân thành mở rộng cõi lòng, chúng ta có thiện chí đáp trả thì chúng ta sẽ được nghe Ngài ngỏ lời, chỉ dạy giống như Anrê và Gioan đã được đối thoại với Chúa. Các ông đã nghe Chúa Giêsu hỏi: "các anh đi tìm gì?". "Các anh đi tìm gì?", đây quả thật là câu hỏi không tầm thường, một câu hỏi cho hai ông mà cũng là câu hỏi chất vấn đặt lại vấn đề cho những ai theo Chúa, cho những ai muốn làm môn đệ của Ngài. Câu hỏi như một tiếng thức tỉnh lại tâm hồn mình, thức tỉnh cho những ai đang khao khát, thức tỉnh ý muốn của mọi người. Do đó, câu trả lời không phải bằng trí tuệ mà là bằng con tim, câu trả lời bằng tất cả tấm lòng yêu mến, yêu mến vào chính Đấng khơi nguồn khao khát. Đấng ấy chính là niềm hạnh phúc thật sự và vững bền mãi mãi. Vì thế hai ông trả lời bằng một câu hỏi: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?". Câu trả lời đơn sơ nhưng ẩn chứa tấm lòng khao khát gặp Chúa, mến yêu Ngài hết lòng, biểu lộ lòng trìu mến muốn gắn bó với Ngài, muốn dấn bước theo Ngài và muốn chia sẻ cuộc sống với Ngài.

Gặp gỡ được Đức Kitô thật là thú vị! Chúa Giêsu Kitô gặp gỡ các ông và đã biến đổi các ông. Chính Đấng Messia đã chiếm được cảm tình, giúp các ông xác tín đức tin và củng cố niềm hy vọng cho các ông. Kể từ đây, các ông sẽ ở lại với Ngài, sẽ cùng sống, cùng bước theo Ngài và trở nên giống Ngài. Chính tình yêu và niềm tin vào Chúa Giêsu hướng người môn đệ sống và làm cho cuộc đời mình mang ý nghĩa mới.

Khi đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa, Anrê tự cảm thấy được thúc bách phải chia sẻ niềm tin cho Phêrô. Anrê đã giới thiệu với Phêrô: " chúng tôi đã gặp Đức Kitô". Không dừng lại ở đó, Anrê đã dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Anrê đã sung sướng gặp được Chúa, ông đã khám phá ra Chúa Giêsu chính là Đấng Messia mà ông mong chờ, Đấng mà muôn dân trông đợi và các tiên tri đã loan báo. Chắc chắn Anrê sẽ ở lại với Ngài nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa để thêm tìm hiểu và khám phá mới nơi Đấng Messia nay. Nhưng giờ đây Anrê cùng chia sẻ, cùng khám với với Phêrô. Niềm vui và lòng mến của ông sẽ được củng cố, tăng thêm và càng lớn lên hơn nữa.

Là Kitô hữu, chúng ta đã gặp Chúa. Chúng ta đã gặp Ngài nơi tha nhân, nơi các biến cố trong cuộc sống. Chúng ta đã gặp Ngài nơi Thánh Lễ và các Bí tích, nơi kinh nguyện và các việc đạo đức. Đặc biệt chúng ta đã gặp gỡ một Thiên Chúa tình thương từ trời cao đến với chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu Kitô muốn đối thoại, đồng hành, chia sẻ cuộc sống dương thế với chúng ta. Hơn nữa, Chúa Giêsu Kitô giúp chúng ta ở lại với Ngài và Ngài giúp chúng ta thêm yêu mến và bền lòng bước theo Ngài, đi về cõi hạnh phúc thật, cõi hạnh phúc đời đời trong vương quốc tình yêu của Ngài. Ngài là tình yêu. Chúng ta như đang rơi vào biển tình yêu bao la của Ngài.Tình yêu giúp ta hướng gặp gỡ Ngài và củng cố tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Tình yêu Chúa Giêsu Kitô giúp chúng ta loại bỏ ích kỷ và thúc đẩy chúng ta chia sẻ tình yêu cho tha nhân, sẵn sàng dấn thân cho tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Khi được chất vấn về đức tin, chúng ta không do dự mà mạnh dạn chia sẻ đức tin của mình cho người khác. Chúng ta hãy bắt chước Thánh Phaolô chia sẻ đức tin của mình với tín hữu Côrintô, Gioan Tẩy Giả chia sẻ đức tin với hai môn đệ của mình và Anrê chia sẻ đức tin vào Chúa Giêsu với Phêrô...Tha nhân đang chú tâm vào đức tin của chúng ta, và sự chia sẻ đức tin của chúng ta đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Khi xưa Chúa Giêsu đã mời hai môn đệ: "Hãy đến mà xem", thì hôm nay Ngài cũng mời gọi chúng ta không chỉ "đến mà xem" và còn "ở lại với Người" để trở nên môn đệ của Người, và để người ban cho dồi dào ơn phúc cho.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khát khao Chúa, muốn đi theo Chúa để làm môn đệ, để làm chứng nhân cho Chúa. Bởi vì Chúa chính là lẽ sống, là hạnh phúc và niềm hy vọng của chúng con. Amen.

 

 

home Mục lục Lưu trữ