Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1374939

ĐAU KHỔ

Đau khổ.

Đức Kitô phải chịu nhiều đau khổ trước khi được bước vào chốn vinh quang. Chúng ta thường nghe nói:

- Đã là người thì ai cũng phải đau khổ, cũng như bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có những đắng cay của nó.

Hơn thế nữa, những người đạo đức thánh thiện lại thường gặp phải nhiều gian nan và thử thách, như một câu danh ngôn đã bảo:

- Khi yêu thương ai chúng ta thường gởi tặng họ những bông hồng. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, khi yêu thương ai, Ngài thường gửi tặng họ những gai nhọn.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện ông Gióp trong Cựu ước. Ông là một người đạo đức luôn trung thành với Chúa, nhưng rồi Chúa đã thử thách ông. Của cải thì bị mất mát. Con cái thì bị chết chóc, còn chính bản thân thì lại bị ghẻ chốc, đến nỗi ông đã phải thở than:

- Vô phúc thay cho cái ngày tôi được sinh ra.

Tiên tri Elia sau nhiều năm hăng hái bênh vực cho đường lối của Thiên Chúa nơi dân Do Thái, thế nhưng về cuối đời, ông đã bị hoàng hậu Giêdaben tìm giết, khiến ông nản chí và muốn tìm cái chết cho xong chuyện.

Tiên tri Giêrêmia cũng vậy, sau những tháng ngày chu toàn bổn phận chuyển đạt thánh ý Thiên Chúa cho dân chúng, để rồi cuối cùng ông đã bị dân chúng đánh đập, tống giam và tìm cách giết chết, khiến ông đã phải than thở:

- Tôi sinh ra mà làm gì để rồi phải chứng kiến những tang thương khổ cực và nhục nhã.

Bước sang Tân ước, chúng ta cũng sẽ ghi nhận được sự thật ấy: Ai là người thánh thiện tuyệt vời cho bằng Mẹ Maria, thế mà cuộc đời của Mẹ cũng chất đầy những hy sinh gian khổ. Nào là phải xuống Bêlem để đăng ký hộ khẩu giữa lúc đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở. Nào là giữa đêm khuya phải lên đường chạy trốn sang Ai Cập để thoát khỏi sự lùng bắt của Hêrôđê. Nào là những hy sinh âm thầm dưới mái nhà Nagiaret. Nào là những khổ đau khi mẹ con phải chia lìa và nhất là những tê tái và tan nát khi Mẹ đứng dưới chân cây thập giá, chứng kiến cái chết ê chề của người con yêu dấu.

Ngay cả Chúa Giêsu cũng đả không miễn trừ cho mình cái định luật ấy: Phải đau khổ để được vào chốn vinh quang. Sinh ra trong nghèo túng. Lớn lên trong lao động cực nhọc. Rao giảng trong lang thang vất vưởng:

- Con cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có cả chỗ tựa đầu.

Và nhất là Ngài đã chết đi trong tủi nhục. Chúa chính là Đấng xuống thế để cứu chuộc nhân loại, chính là Đấng hiểu rõ giá trị của sự khổ đau hơn ai hết, thế mà đối diện với cái chết Ngài cũng đã lo sợ:

- Lạy Cha, xin cất chén đắng này cho con, nhưng không theo ý con, một théo ý Cha mà thôi.

Thế nhưng cùng với cái chết này, Ngài đã bước vào chốn vinh quang và hoàn tất công cuộc cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó.

Một khi Chúa đã đi con đường thập giá, thì chúng ta, những người môn đệ của Ngài, cũng sẽ không có một con đường nào khác, ngoài con đường thập giá, như lời Ngài đã phán:

- Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Thập giá cuộc đời chúng ta là những vất vả cực nhọc, những hy sinh gian khổ, những đớn đau buồn phiền. Thế nhưng, nếu chúng ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, thì thập giá sẽ là con đường dẫn chúng ta vào vinh quang.

 

 


 

 

36. Đam mê.

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta nhận thấy mặc dù Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus, nhưng các ông đã không nhận ra Ngài. Vậy tại sao các ông lại không nhận ra Ngài?

Nếu không lầm, thì chúng ta thấy hai môn đệ này cũng như phần đông các tông đồ và những người Do Thái khác có một quan niệm lệch lạc về Đức Kitô… Họ nghĩ rằng Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu vớt dân tộc họ phải là một người hùng mạnh như Đavid, khôn ngoan như Salomon, với binh đội hùng hậu, giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp của đế quốc La mã và dẫn đưa dân tộc họ tới một thời đại hoàng kim.

Trong khi bước theo Chúa, hai môn đệ này, cũng như phần đông các tông đồ khác, đều ươm mơ một giấc mộng phù phiếm, nặng mùi địa vị và xôi thịt. Một mai khi Chúa thành công, thì họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, nghĩa là họ sẽ được nắm giữ những vai trò, những chức vụ quan trọng trong triều đình, trong vương quốc của Chúa.

Thế rồi Chúa đã bị bắt và bị giết trên thập giá, như một tên tội phạm, như một kẻ phản loạn. Giấc mơ mà họ đã vun xới từ bấy lâu nay, bỗng dưng sụp đổ và tan theo mây khói. Giữa lúc chán nản và tuyệt vọng ấy, họ đã tính đến chuyện rã ngũ, trở về quê cũ để làm ăn, với một giấc mộng bình thường mà thôi. Chính nỗi tuyệt vọng ấy đã che lấp cặp mắt của họ, và họ đã không nhận ra Chúa, mặc dù Ngài đang đồng hành, đang sóng bước, đang cùng đi với họ.

Từ kinh nghiệm của hai môn đệ ấy, chúng ta dọi chiếu vào cuộc đời, và chúng ta cũng nhận thấy, có nhiều lúc Chúa ở thật gần với chúng ta mà chúng ta vẫn không nhận biết Ngài. Ngài cùng bước đi với chúng ta mà cõi lòng chúng ta vẫn nguội lạnh băng giá. Sở dĩ như vậy là vì có những đam mê mù quáng đã che lấp cặp mắt chúng ta.

Đam mê ấy có thể là giấc mộng vinh quang về chức tước, về địa vị xã hội, như hai môn đệ Emmaus. Chúng ta muốn có một chỗ đứng ngoài xã hội với bất cứ giá nào, mặc dù có phải bỏ quên Chúa, mặc dù có phải chà đạp lên kẻ khác. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, danh vọng và chức tước như của đồng lần được chuyển từ người này sang người khác, như tục ngữ đã nói:

- Quan nhất thời, dân vạn đại.

Đam mê ấy có thể là giấc mộng về tiền tài. Chúng ta vật lộn, nai lưng ra để tìm tiền kiếm bạc, cho dù có phải vùi dập bản thân, gia đình và hành động bất công với những người chung quanh. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, chữ tiền thường đi đôi với chữ bạc. Khi còn là một tên đầy tớ, nó sẵn sàng phục vụ chúng ta. Nhưng một khi đã lên ngôi ông chủ, nó sẵn sàng bóp nghẹt con tim chúng ta, để rồi chúng ta quên lãng Thiên Chúa, và cư xử bất công với những người anh em.

Sau cùng đam mê ấy có thể là những vui thú phần xác. Vì nó mà đời sống đạo đức của chúng ta trở nên nhếch nhác, vì nó mà chúng ta sẵn sàng bỏ ngoài tai những dư luận, những lời nhắc bảo và cảnh cáo của người khác. Phần đông giới trẻ ngày nay mất đức tin, không phải vì thiếu hiểu biết, nhưng vì đã sống một đời sống bê bối và sa đọa về luân lý.

Tất cả những đam mê ấy đã bịt chặt đôi mắt tâm hồn, để chúng ta không còn nhận ra Chúa, và có nhận ra thì cũng chẳng có đủ can đảm bước theo Ngài.

 

 


 

 

37. Người lữ khách.

Thành phố Pleiku, đồi núi chập chùng, sương mù dầy đặc. Tác giả mượn khung cảnh đó để vẽ lên bối cảnh của cuộc đời. “Anh Khách Lạ”. Nếu ví đời là cuộc lữ hành, thì mỗi người sẽ là người lữ khách đang rảo bước trong cuộc hành trình đó. Cảnh “đi lên đi xuống” của một thành phố trên núi tượng trưng cho sự thăng trầm của cuộc đời. “May mà có em, đời còn dễ thương”. May mà có anh, có em, có cha, có mẹ, có bạn bè và nhất là Thiên Chúa cùng đồng hành với ta để chung niềm vui: “Niềm vui góp lại, niềm vui lớn”. Và nếu có âu lo: “Nỗi lo chia sẻ, nỗi lo vơi”. Được như vậy thì may mắn quá, dù cuộc đời có ra sao cũng vẫn đẹp như thường!

Bài Phúc âm hôm nay, diễn tả câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmau, với những tâm trạng giống như bài hát ở trên. Theo Luca, tất cả chúng ta là những người lữ khách trên cuộc hành trình về quê trời. Trong cuộc hành trình đức tin đó có Chúa Giêsu cùng đồng hành với chúng ta. Ngài nói với chúng ta qua Thánh Kinh và Bàn tiệc Thánh Thể.

Đoạn đường từ Giêrusalem về Emmau, có lúc đã đầy hân hoan phấn khởi. Khi rời Emmau lên đường theo Chúa Giêsu, hai môn đệ ra đi với bao nhiêu hoài bão và mơ ước về tương lai. Bây giờ trở về, tâm hồn của họ chất đầy buồn phiền, chán nản và thất vọng. Cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá làm tiêu tan niềm hy vọng của họ. Đoạn đường thăng trầm này biểu tượng cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, người lữ khách đang tiến bước về quê trời.

Thời xưa, ở Hy Lạp có một trường phái triết học định nghĩa cuộc đời là sự chuyển động. Bất cứ sự gì trong trạng thái tĩnh, bất động đều không tồn tại. Cuộc sống nhân sinh gồm những hoạt động về thể lý, tâm lý, tình cảm, xã hội và tinh thần luôn thay đổi và chuyển tiếp.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong cuốn sách Tiến Về Ngàn Năm Thứ Ba cũng đã nói: “Đời sống trên trái đất là một cuộc lữ hành. Chúng ta ý thức rằng mình đang qua thế giới này. Đời sống con người chắc chắn có khởi đầu và có kết thúc. Nó bắt đầu khi ta sinh ra và kéo dài cho tới lúc chết. Con người là một hữu thể chuyển tiếp

Archimandrite Kallistos Ware kể lại: “Một trong những Giáo Phụ sống ở sa mạc Ai Cập vào thế kỷ thứ 4, thánh Sarapion the Sindonite xưa kia đã đi hành hương tới Rôma. Tại đây, người ta đã kể cho ngài nghe về một nữ ẩn tu, sống trong một căn phòng nhỏ, không bao giờ bước ra ngoài. Trong khi đó thánh Sarapion lại là một người lữ hành nổi tiếng đi lang thang khắp các nơi. Bi quan về cách sống của người nữ ẩn tu, thánh Sarapion đã đến viếng thăm bà và hỏi: “Tại sao chị lại ngồi ở đây?” Bà trả lời rằng: “Tôi không ngồi yên. Tôi đang đi trên cuộc hành trình cơ mà!”

“Tôi không ngồi yên. Tôi đang đi trên cuộc hành trình”". Mỗi người Kitô hữu có thể áp dụng những lời này cho chính mình. Là một người Kitô hữu có nghĩa là một người lữ khách. Tình trạng của chúng ta giống tình trạng của dân Do Thái bước đi trong sa mạc Sinai. Chúng ta đang hành trình đi qua khoảng không gian nội tâm của tâm hồn, một cuộc hành trình không được đo lường bởi giờ giấc của chiếc đồng hồ, hay ngày tháng của cuốn lịch, bởi vì nó là cuộc hành trình từ thời gian đi vào vĩnh cửu.

 

 


 

 

38. Người lữ khách.

“Sáng mai, ta sẽ mổ tim của cháu ra”, bác sĩ giải phẫu tim nói với em bé trai. Em trả lời, “Ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ ngước mặt lên nhìn, buồn bã. “Tôi sẽ mổ tim của em ra”, ông nói tiếp, “để xem xem nó đã bị bệnh gì”. “Nhưng khi ông mở tim của cháu ra”, em bé nói, “ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ giải phẫu lại nhìn vào cha mẹ của em đang ngồi im lặng bên cạnh giường bệnh và nói: “Khi tôi trông thấy trái tim bị bệnh như thế nào, tôi sẽ khâu trái tim và ngực cháu lại, rồi tôi sẽ dự định phải làm gì”. Nhưng ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu đang ở trong trái tim của cháu”, em bé cố nhấn mạnh. “Thánh Kinh nói rằng Người ở đó mà. Tất cả những bài ca Thánh Vịnh đều nói Người sống ở đó. Ông sẽ tìm thấy Người trong trái tim của cháu”. Bác sĩ cảm thấy đã đủ, bèn lạnh lùng nói: “Ta sẽ nói cho cháu biết ta sẽ tìm thấy cái gì trong trái tim của cháu. Ta sẽ tìm thấy cơ bắp nào bị hỏng, làm cho máu chảy chậm và những động mạch nào bị yếu. Và ta sẽ tìm ra cách để làm cho cháu khỏe lại”, “Ông sẽ thấy Chúa Giêsu ở đó”, đứa bé tiếp tục nói, “Người sống ở đó mà!” Bác sĩ giải phẫu bỏ phòng bệnh nhân bước ra đi.

Sau cùng, bác sĩ đã ngồi trong văn phòng làm việc, ghi lại những chi tiết về cuộc giải phẫu, “Van tim bị hỏng, động mạch phổi bị hỏng, sự suy thoái của cơ bắp thịt trong tim lan rộng. Thay tim không hy vọng gì, cũng không mong điều trị được. Phương pháp điều trị: thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Tiên đoán…” Viết tới đây, ông ngừng lại suy nghĩ, “chết trong vòng một năm”. Ông ngừng bản báo cáo, nhưng cảm thấy còn có điều gì nữa để nói. Ông hỏi lớn: “Tại sao?” Rõ ràng rằng ông đang nói chuyện với Thiên Chúa. “Tại sao Ngài đã làm như vậy? Ngài đã mang nó tới đây; Ngài đã đặt nó vào cơn đau đớn này; và chính Ngài đã chúc dữ cho nó chết sớm. Tại sao?” Những giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống, nhưng cơn giận của ông còn nóng hơn nữa. “Ngài đã tạo dựng nên em bé, và Ngài đã làm nên trái tim đó. Nó sẽ chết trong vòng vài tháng nữa. Tại sao?”

Cuộc đối thoại giữa ông bác sĩ giải phẫu và Thiên Chúa đã bắt đầu. Trong cuộc đối thoại đó, ông bác sĩ tuyệt vọng này đã khám phá ra sự hiểu biết mới về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Rồi ông khóc. Bây giờ ông đang ngồi bên cạnh giường bệnh của em bé trai; cha mẹ của em ngồi đối diện với ông. Bỗng chú bé thức dậy thì thầm, “Ông đã mổ trái tim của cháu ra chưa?” “Rồi”, Bác sĩ trả lời. “Ông đã tìm thấy cái gì?” em bé hỏi. “Tôi đã tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ thành thật trả lời.

Trong cuộc hành trình trên trần gian, Thiên Chúa luôn hiện diện để đồng hành với con người, nhưng nhiều khi con người không nhận ra Ngài. Thánh Luca diễn tả “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”. Mắt họ bị ngăn cản bởi cái gì? Có lẽ bởi sự buồn rầu và tuyệt vọng vì cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu. “Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel”.

Theo sự giải thích của Wiliam Barlay, Emmau ở hướng tây của Giêrusalem. Hai môn đệ đi về Emmau vào lúc trời chiều. Anh mặt trời chiếu chói lòa vào mắt họ nên họ đã không nhận ra Chúa Giêsu. Mang tính cách biểu tượng, người Kitô hữu luôn lên đường hướng về ánh bình minh với hy vọng, không bao giờ quay trở về phía hoàng hôn với bóng tối, buồn rầu, và thất vọng! Xưa kia, dân Israel đã du hành trong hoang địa đi về phía ánh bình minh để tiến vào đất hứa.

Điểm cốt yếu của câu chuyện là việc Chúa Giêsu đã làm họ nhận ra Ngài. Ngài đã cắt nghĩa cho họ hiểu ý nghĩa của khổ nạn: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Và chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được mạc khải trong Thánh Kinh: “Bắt đầu từ Môsê và các tiên tri, Người giải thích cho hai ông tất cả lời Thánh Kinh nói về Người”. Rồi họ ngồi vào bàn tiệc: “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. Sau cùng họ đã nhận ra Người. Sự hiện diện của Ngài đã làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa, đêm tối trở thành ánh sáng.

“Trong khi con người cố gắng tìm biết Thiên Chúa, nhìn thấy thánh nhan Ngài, và cảm nghiệm được Ngài hiện diện thì Thiên Chúa hướng tới con người và cho con người nhận biết sự sống của Ngài. Công đồng Vatican II bàn rất rộng rãi về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới. Công đồng giải thích rằng: “Qua mạc khải, Thiên Chúa muốn tỏ mình ra và thông ban chính Mình Ngài, cũng như những điều Ngài đã muốn ấn định từ muôn thuở về phần rỗi của con người”.

Qua lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể, hai môn đệ đã tìm thấy ý nghĩa của biến cố. Họ đã quay trở lại Giêrusalem nơi cuộc khổ nạn và cái chết bi đát đã xảy ra và can đảm đối diện với nó bằng đức tin và niềm hy vọng.

Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể “làm thành một hành vi phụng tự duy nhất” của Giáo Hội. Người hướng dẫn ta qua lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh, và trở nên nguồn sức mạnh nuôi dưỡng linh hồn ta trong Bí tích Thánh Thể.

Vì thế, thánh Giêrônimô đã nói: “Không hiểu biết Thánh Kinh là không hiểu biết Chúa Kitô”. Và Bí tích Thánh Thể làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô “trở nên hiện tại” cho chúng ta, để “đặt chúng ta trong niềm hiệp thông” với Thiên Chúa, hầu giúp chúng ta “sinh nhiều hoa trái”.

 

 


 

 

home Mục lục Lưu trữ