Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 50
Tổng truy cập: 1365605
ĐAU KHỔ VÀ VINH QUANG
Phúc Âm thánh Luca thường được gọi là Phúc Âm cầu nguyện. Tin Mừng nói đến 15 lần việc Chúa đi cầu nguyện thì 11 lần do thánh Luca.
Hôm nay, Chúa đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện và việc Chúa biến hình xảy ra trong giờ cầu nguyện đó. Nhiều khi người ta cũng chứng kiến cảnh một số các thánh mặt rạng rỡ trong khi đăm chiêu đàm đạo với Chúa.
Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor, cao khoảng 600 thước và cho các ông được chứng kiến vinh quang của Ngài, như một ngày kia các ông sẽ là nhân chứng cuộc hấp hối của Ngài trong vườn Cây Dầu. Trong đời của Chúa, đau khổ và vinh quang gắn liền với nhau thì trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng vậy. Sự đọc kinh cầu nguyện sẽ giúp ta vượt thắng đau khổ lo âu, biến hóa đau khổ thành vinh quang.
Đang khi Chúa cầu nguyện thì “diện mạo Ngài đổi khác thường”, như có ánh sang từ châu than loan tỏa ra, “áo Ngài trắng tinh sáng láng”, và hai bên có Moisê và Êlia xuất hiện. Hai nhà tiên tri đại diện Cựu ước cũng đã từng được chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa trên núi Horeb (I Vua 19, 13-21), và Sinai (X.H 20, 2-17).
Ba Đấng đàm đạo về việc gì?
Luca là người duy nhất cho biết: “Về sự chết của Chúa sẽ thực hiện tại Giêrusalem”.
Chúa Giêsu là Con Chiên sẽ gánh hết tội nhân loại. Ngài là vật tế sinh. Ngài biết rằng Ngài đến cũng vì mục đích ấy. Vinh quang núi Taborê không làm quên lãng khổ nạn đồi Calvê. Khuôn mặt sang chói hôm nay, một ngày kia sẽ “không còn hình tượng” (Isaia). Áo chói lọi hôm nay, một ngày kia sẽ bị lột trần phân chia.
Là một người như chúng ta, Chúa cũng có tình cảm, cũng cần được chia sẻ trong những phút ưu phiền cô đơn, Moisê và Êlia đã từng bị bắt bớ có thể mang lại phân nào chút thông cảm và an ủi, trước giờ quyết định quan trọng.
Nhưng, nhất là lời kinh của Chúa đến thẳng Đức Chúa Cha “Đấng hằng tôn vinh Chúa Con” (Gio 8, 54). Bấy giờ từ trong đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Ba lần, có tiếng bởi trời vọng xuống để long trọng tôn vinh Đức Chúa Con; đó là sau khi Ngài chịu phép Rửa, khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, hôm nay trên núi biến hình và ngày mai khi sắp bước vào tuần tử nạn. Cuộc biến hình là một suy tôn bằng hành động rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Câu kết luận Chúa dành cho chúng ta hôm nay: HÃY NGHE LỜI NGƯỜI. Moisê và Êlia đã biến mất, đạo cũ đã lùi vào dĩ vãng. Mọi chủ thuyết triết học, mọi ý thức hệ vắng bóng một thời rồi cũng sẽ bị lãng quên. “Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu”.
Văn hào André Froissard thuộc Hàn lâm viện Pháp đã được ơn “trở lại” lạ thường. Ông đã thuật lại trong cuốn sách thời danh “Có Thiên Chúa và tôi đã gặp Ngài”. Thân phụ ông, TTK đảng cộng sản Pháp, đã từng tuyên bố: “Nếu có Thiên Chúa thì tôi khuyên ‘ông ấy’ lo rút lui vì không ai thích ông”. Nhưng chính con ông lại được gặp gỡ Chúa và khẳng định: “Khi người ta được may mắn gặp Thiên Chúa thì mọi sự khác chỉ là trò hề. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng không làm cho tôi thất vọng kể từ một buổi sáng năm ấy, 1935” (Phỏng vấn của Paris Match 8-4-1988).
“Lạy Chúa Giêsu là Đức Chúa và là Cứu Chúa của con, trong tay Ngài con được an toàn. Nếu Ngài gìn giữ con, nào con sợ chi.
Nếu Ngài ruồng bỏ con, con không còn gì để hy vọng nữa. Con xin Chúa ban điều tốt nhất cho con.
Và con xin phó thác hoàn toàn cho Chúa” (HY Newman).
24.Lắng nghe lời - Lm. Anmai, CSsR
Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa đầy quyền năng. Thiên Chúa vẫn bày tỏ quyền năng của mình bằng cách này hay cách khác, qua người này hay người kia để cho dân của Ngài biết rằng Ngài có quyền năng cũng như Ngài yêu thương dân của Ngài. Những ai được Thiên Chúa tỏ mình là những người được thương một cách đặc biệt, được chọn một cách hết sức là ưu ái.
Hôm nay, trang Tin mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Luca thuật lại chuyện "Chúa Giêsu biến hình" để cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài. Rõ ràng, các môn đệ hôm nay được Chúa dẫn lên núi là những môn đệ được Chúa yêu hơn. Sự lựa chọn các môn đệ đi theo cũng mang tính chất biểu tượng: "Phêrô, Gioan và Giacôbê" những môn đệ được kêu gọi đầu tiên, những người tại nhà Zairô, đã là chứng nhân của sự toàn thắng trên cái chết (8,31-56).
Trang Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dung mạo khác, dung mạo tuyệt vời chưa từng có của Chúa Giêsu do Thánh Luca thuật lại. Nếu để ý, trừ hai ba chi tiết, Thánh Luca ba lặp lại y nguyên những chi tiết giống như Máccô và Matthêu để gợi lại một kinh nghiệm không diễn tả được.
Nơi biến cố diễn ra hoàn toàn có tính cách biểu tượng đó là một "ngọn núi". Theo truyền thống Thánh Kinh, núi chính là nơi con người gặp Thiên Chúa và cũng là nơi Thiên Chúa tỏ bày mạc khải của Người cho dân của Người.
Khung cảnh của biến cố này cũng mang tính chất biểu tượng: Đó là cảnh Chúa Giêsu cầu nguyện. Chỉ mình Luca đề cập đến chi tiết này. Theo Thánh Luca, lời cầu nguyện luôn đi theo những giây phút trọng đại trong sứ vụ Chúa Giêsu.
Lúc Người "cầu nguyện" trong ngày chịu phép rửa, trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người và có tiếng từ trời phán ra (3, 21-22). Sau khi lánh vào "núi rừng để cầu nguyện", Người đã chọn 12 môn đệ (6, 12- 16). Khi Người "cầu nguyện một mình" Người đã đưa ra câu hỏi dẫn tới lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (9, 18-20). Và chẳng bao lâu nữa, ta sẽ thấy Người cầu nguyện trong vườn Giếtsêmani để tìm sức mạnh đảm đương cuộc chiến cuối cùng; biến hơi thở cuối cùng thành lời cầu nguyện (23.34 và 46); Phục sinh rồi giã từ môn đệ khi đọc lời nguyện chúc phúc cho họ (24,50-5 1).
Tại nơi đây, trên núi cao, chính "đang khi cầu nguyện" mà Chúa Giêsu chiếu lên luồng ánh sáng thần linh. Khác với Máccô và Mátthêu, Luca không nói về sự biến hình biến dạng; Thánh sử chỉ nói "dung mạo Người trớ nên khác thường" và "Y phục Người trắng rực rỡ". Sau đó Thánh Luca viết rằng: "Phêrô và các bạn tỉnh giấc và được thấy vinh quang Chúa Giêsu".
"Mặc lấy vinh quang" có nghĩa là tham dự vào ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa hằng sống, được nâng lên địa vị siêu tôn; y phục trắng ánh chớp, có nghĩa Chúa Giêsu đã tiến vào khung cảnh thiên đường. Như thế, Chúa Giêsu như được tạm thời mặc trước nguồn vinh quang Phục sinh mà Người sẽ được thừa hưởng khi sống lại. Tuy nhiên Luca nghĩ rằng có lẽ nguồn vinh quang này đã tiềm ẩn trong Chúa Giêsu từ trước Phục sinh và do kết quả của việc cầu nguyện, Chúa Giêsu không thể ngăn chặn luồng vinh quang ấy chiếu toả từ thân thể Người "Tin Mừng theo thánh Luca"
Một chi tiết khác rất giàu biểu tượng đó là: Sự hiện diện của hai khuôn mặt lớn trong Cựu ước: Môsê và Êlia, là hai nhân vật tóm tắt tất cả Lề Luật (Môsê) và các tiên tri (Êlia), hai nhân vật chính của Cựu ước đã loan báo rằng: "Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới bước vào vinh quang" (Lc 24,26-27).
Sự hiện diện của các ngài là bằng chứng hết sức sống động nói rằng lời tiên báo của Chúa Giêsu về tương lai của Người hoàn toàn phù hợp với Kinh Thánh.
Một chi tiết riêng của Thánh Luca đó là "cuộc lên đường của Người" mà hai nhân vật Cựu ước bàn tới. Môsê là một nhân chứng sống trong cuộc Xuất hành, của núi Si- nai, của cuộc vượt qua Biển Đỏ sao vì ông là người thay mặt cho Chúa để điều khiển dân và cũng là đại diện cho dân để gặp gỡ Thiên Chúa. Còn Êlia, Êlia chẳng là vị tiên tri lớn đã phải chịu đau khổ vì Thiên Chúa và vì dân tộc trước khi được cất lên trong vinh quang thần thánh.
Chúa Giêsu cũng được mời gọi chịu đau khổ trước khi được "cất lên" như một Êlia mới vậy. Trong vinh quang thiên quốc Người cũng là Môsê mới trong cuộc Xuất hành mới, trong lễ Vượt Qua mới của một Giao ước mới, sẽ vượt qua biển sự chết để giải phóng dân Người và dẫn đưa họ đến Đất Hứa thật sự là Vương quốc của Cha Người.
Phêrô đã nhớ đến lễ Lều như một biểu tượng báo trước sự chấm dứt của lịch sử, đã đề nghị nắm chặt khoảnh khắc hiện tại bằng cách dựng "ba lều". Nhưng Luca đã ghi nhận rằng mong ước cuộc thần hiển này kéo dài "ông không biết phải nói gì" vì ông vẫn chưa nhìn thấy viễn cảnh hổ nạn như một đoạn đường bắt buộc phải đi qua.
Lúc ấy Phêrô, Gioan và Giacôbê bị bao phủ trong "một đám mây" - Trong Thánh Kinh đó là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa - giống như Đức Maria trong ngày truyền tin, đám mây ấy "phủ bóng che rợp" các ngài. Các ngài "sợ hãi".
Chính lúc ấy "một tiếng nói" vang lên trong đám mây cũng là tiếng nói khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan. Nhưng hôm nay, tiếng ấy không còn nói với Chúa Giêsu nữa ("Con là Con Ta, hôm nay Cha đã sinh ra Con") nhưng nói với các môn đệ của Người: "Đây là Con Ta mà Ta đã tuyển chọn". Người Tôi Tớ đau khổ (Is 42,1-8). Chúa Giêsu, Người đang đồng hành với họ, thường che giấu vinh quang của mình, nay đã thoáng tỏ ra cho họ. là Người con, nơi Người, Cựu ước được hoàn thành; Người là Đấng nói năng với một uy quyền lớn hơn Môsê và Êlia nên ta phải "lắng nghe" Người là Đấng ta phải đi theo trên con đường dẫn về Giêrusalem: về vinh quang, qua thập giá.
Những trải nghiệm hôm nay của các môn đệ cách riêng của Phêrô là trải nghiệm hết sức tuyệt vời vì đã được tận mắt chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Thầy của mình. Trong hạnh phúc tuyệt vời ấy Phêrô đã có ý muốn dựng 3 cái lều, muốn được ở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu lắm nhưng khi trở về với đời thường thì khác. Trong hành trình theo Chúa, trong hành trình loan báo Tin mừng, đã hơn một lần Phêrô đã cản Chúa không cho Chúa lên Giêrusalem chịu nạn và cũng đã chối Chúa. Cuộc đời của Phêrô vẫn đâu đó vấp phải những điều chẳng hay chẳng lành.
Những điều mà Phêrô vấp phải cũng là những điều mà chúng ta cũng phải kinh qua. Nhìn lại cuộc đời của chúng ta, đã hơn một lần chúng ta cũng được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong đời mình nhưng sau đó chứng nào vẫn tật nấy, chuyện gì cứ y như cũ vậy và thậm chí còn tệ hơn trước nữa là đàng khác.
Từng say sưa với những thành công vang dội của Thầy, giờ đây họ chán nản khi gặp chống đối dữ dội. Đã hơn một lần các môn đệ thán phục và đón nhận Đấng Mêsia bây giờ vỡ mộng khi thấy Người bị phản đối. Cứ phân vân chọn lựa giữa "những sự dưới đất" và "những sự trên trời". Cuộc đời mình có thể tin tưởng vào ai, tin tưởng cái gì? Đây là lúc thuận tiện để tỉnh cơn mê, vươn vai đứng dậy để chiêm ngưỡng "dung nhan của Chúa" và sẵn sàng lắng nghe Lời Người. Ánh sáng chói chan, làn sóng hạnh phúc khôn tả, thị kiến thoáng qua về "thế giới khác" với cõi phàm trần nơi các môn đệ cư ngụ. Bỗng dưng quá hạnh phúc khi thấy Thầy mình biến đổi và rồi cơn cám dỗ muốn bám vào cái kinh nghiệm tuyệt vời trong phút chốc lại đến. Từ nay các môn đệ đã biết rằng Chúa Giêsu là Đấng được Cha sai đến. Các môn đệ đã nhìn thấy vinh quang của Người khiến dung mạo Người ra khác. Tuy đã thấy dung nhan đời đời thực sự của Người, nhưng từ nay họ vẫn chỉ được nhìn khuôn mặt xác phàm của Người, khuôn mặt chẳng bao lâu nữa sẽ rướm máu cùng với đầu đội triều thiên là vòng gai.
Sau ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn và nhất là chịu chết ấy thì các môn đệ đã ra chán nản, thất vọng nhưng nhớ lại quyền năng và đặc biệt là Lời của Chúa Giêsu thì các môn đệ hăng hái lên đường rao giảng Tin mừng. Lời của Chúa mà hôm nay Chúa Cha nhắc cho các môn đệ cũng như nhắc cho mỗi người chúng ta thật tuyệt vời.
Hãy nghe Lời Người! Nghe Người và theo Người trở về với con con đường đầy chông gai của cuộc đời. Chỉ có Lời của Chúa Giêsu, giáo huấn của Ngài mới có thể khoả lấp mọi khát vọng của con người, mới lấp đầy mọi khoảng trống trong lòng của nhân loại. Nếu chúng ta để cho Lời của Chúa chi phối trong cuộc đời của chúng ta thì bảo đảm cuộc đời của chúng ta bình an và hạnh phúc và bình an đó, hạnh phúc đó là bình an và hạnh phúc thật chứ không như bình an và hạnh phúc của trần gians.
Nguyện xin Chúa ban thêm sức cũng như lòng tin nơi mỗi người chúng ta để cuộc đời của chúng ta dẫu thế nào đi chăng nữa cũng biết vâng nghe theo lời Chúa nói với chúng ta để chúng ta cũng như các môn đệ xưa hăng hái đi theo Chúa cho đến cuối cuộc đời dẫu cuộc đời của chúng ta còn nhiều chông gai, còn nhiều cạm bẫy.
25.Hãy biến hình để được sống trong vinh quang
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Tin mừng Lc 9: 28-36: Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để mỗi người chúng ta sống tinh thần chiến đấu với ma quỷ cũng như những khuynh hướng xấu của tội. Đồng thời cũng là mùa của những đổi mới.
Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để mỗi người chúng ta sống tinh thần chiến đấu với ma quỷ cũng như những khuynh hướng xấu của tội. Đồng thời cũng là mùa của những đổi mới. Đổi mới từ con người nhu nhược, yếu hèn, trở nên một con người can trường, khẳng khái, cương quyết trước cám dỗ; từ con người bất xứng sang thánh thiện; từ con người già nua, tội lỗi, trở nên con người thanh xuân trong ân sủng.
Lời mời gọi đổi mới được chính Đức Giêsu mạc khải qua biến cố Biến Hình mà chúng ta cử hành hôm nay.
1. Ý nghĩa cuộc biến hình của Đức Giêsu
Thánh sử Luca trình thuật việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. Sự kiện này diễn ra sau khi Ngài tiên báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất (x. Lc 9, 22) cũng như nói về điều kiện cần có của người môn đệ khi đi theo Ngài (Lc 9, 23-26), đồng thời nó cũng diễn ra trong bối cảnh Phêrô vừa tuyên xưng đức tin (x. Lc 9,18-21).
Qua việc biến hình, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các Tông đồ trước khi chứng kiến cuộc khổ nạn của Ngài, để các ông can đảm, trung thành làm chứng và chấp nhận chịu đau khổ khi cơm thử thách ập đến.
Mặt khác, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các ông biết rõ căn tính của Ngài là Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống để đem con người về với Thiên Chúa trong vinh quang.
Khi mạc khải như thế, Đức Giêsu muốn lật tẩy những xu hướng và đam mê của các Tông đồ về Ngài theo kiểu trần tục, đó là việc thiết lập triều đại chốn trần thế..., để rồi chính bản thân các ông sẽ được bù đắp bằng những ân lộc trần gian chốn quan trường!
Qua đó, Ngài mời gọi các ông đi trên chính con đường mà Ngài đã đi, con đường đó là con đường tự hủy và khổ giá. Nếu sẵn sàng từ bỏ ý riêng, vác thập giá để đi theo Chúa, thì cuối con đường đó mới nở hoa vinh quang, vì: hạnh phúc, vinh quang không bao giờ dành cho những người trốn tránh đau khổ. Nếu có thì cũng chỉ là thứ vinh quang phù phiếm, hão huyền do con người tưởng tượng ra và gán ghép rồi đặt tên cho nó là hạnh phúc, chứ thực ra không có thật! Vinh quang có thật chính là vinh quang của những người can dự vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của chính Đức Giêsu; để đi từ đau khổ đến vinh quang.
Vì thế, muốn chiếm được vinh quang Nước Trời, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng nghỉ, phải chấp nhận chết cho tội, ý riêng và ngay cả sự sống thể xác... Hành trình này quả là cam go, không dễ, sẽ có người chán nản mà bỏ cuộc, nên đây là lý do Đức Giêsu biến hình trước mặt các Tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông.
2. Chúng ta cũng được mời gọi biến hình
Chúng ta không được diễm phúc chiêm ngưỡng cuộc biến hình của Đức Giêsu như Phêrô, Giacôbê và Gioan khi xưa! Nhưng chúng ta lại được mời gọi đi ngay vào cuộc biến hình của chính mình để được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Cuộc biến hình đầu tiên, đó chính là ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, khi ấy, con người tự nhiên của chúng ta có thể ví như được đặt vào một khuôn đúc mới để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô, Đấng đã phục sinh.
Nhờ cuộc biến hình này, mà mỗi người chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thành con Thiên Chúa và là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, trải qua thời gian với những thăng trầm, yếu đuối của bản thân, nên sự tinh tuyền ấy bị ô uế, tâm hồn trong trắng bị vấy đục, khiến chúng ta trở nên con người cũ do tội lỗi vây phủ.
Điều này cho thấy, nơi con người chúng ta, luôn mang hình ảnh, dáng dấp, thái độ của Tông đồ Phêrô, hay như các Tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi cơn sốt sắng đến, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự để được ở với Chúa, nhưng khi bả vinh hoa phú quý chào mời, chúng ta cũng tranh dành quyền lực và ganh đua nhất nhì với nhau trong sự ích kỷ, đê tiện của bản năng. Kinh nghiệm này đã được Thánh Phaolô thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Thế nên, Mùa chay chính là thời điểm thuận tiện để chúng ta làm mới lại con người của mình, để xứng đáng với hồng ân cao quý mà chúng ta đã lãnh nhận thủa ban đầu nơi Bí tích Thánh Tẩy. Điều này đã được thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Như vậy có thể nói: nếu muốn được hạnh phúc, vinh quang, chúng ta sẽ phải biến đổi như thánh Phaolô mời gọi. Đây là điều kiện để được chung phần với Đức Giêsu trong vinh quang.
3. Không biến hình thì chẳng được chung phần với Chúa!
Khi cử hành lễ Chúa Biến Hình, chúng ta cần xác tín rằng: Thiên Đàng hay hạnh phúc không thể có được nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống bê tha, ăn chơi, đàn điếm! Hạnh phúc Nước Trời chỉ có được sau những đêm ngày chiến đấu với bản năng, ý riêng, để chỉ sống cho Thiên Chúa và những giá trị Nước Trời, khi đã sẵn sàng khước từ sự níu kéo đầy hấp dẫn của thế gian.
Vì thế, có lẽ chúng ta phải lội ngược dòng để chấp nhận lột xác, có khi phải chấp nhận mất mát, cay đắng và đôi khi phải đánh đổi ngay cả mạng sống.
Các thánh là những người đã chấp nhận sống ngược đời vì chân lý và Tin Mừng để được đổi mới. Chẳng hạn như:
Môsê đã biến hình khi ông từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa. Êlia cũng vậy. Đức Giêsu thì đến chỉ để làm theo ý Chúa Cha. Phêrô và các Tông đồ, trong đó phải kể đến Phaolô, tất cả đều đã biến đổi từ con người nhát đảm, ham danh, hám lợi trở thành một con người can đảm, trung thành sống chết với đức tin, để chỉ còn giữ lại một mối lợi tuyết đối, đó là được biết Đức Giêsu và được ở trong Ngài.
Rồi nơi lịch sử Giáo Hội, đã có biết bao gương sáng về những cuộc đổi đời ngoạn mục đến kỳ diệu! Thật vậy, có những vị từ một người nghiện rượu, xì ke, ma túy đến nghiện Giêsu; từ những kẻ khát tình, trác táng chốn ăn chơi, trở thành người say mê Giêsu đến độ vì Ngài mà bỏ hết mọi sự; lại có người từ gái làng chơi trở thành vị thánh; có người dùng cả một hệ tư tưởng để chống đối đạo, đi theo bè rối, khi được biến đổi, họ đã trở thành người bảo vệ các chân lý đức tin đến chết trong anh dũng, kiên trung; có người từ trai tứ chiếng, đầu đường xó chợ lại trở thành đấng lập dòng...
Đây chính là mẫu gương điển hình về những cuộc biến hình trong Giáo Hội thời xưa và thời nay cũng như mãi về sau.
Mong sao, nơi sự kiện Chúa biến hình và những mạc khải của Ngài cũng như qua gương sáng nơi các thánh, chúng ta cũng hãy làm một cuộc biến hình mới của mỗi người để được trở nên giống Chúa và được chung hưởng hạnh phúc với Ngài bên các thánh trong Nước Hằng Sống. Amen.
26.Qua Thập Giá đến vinh quang
(Suy niệm của Lm. Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc)
Tin mừng Lc 9: 28-36: Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang, được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết...
Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng Nữ Salêsiên ở Cáp bên Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc Pêrikhết làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới của các chị. Nhưng lúc đó, ông Pêrikhết đã bị ung thư nặng.
Các chị nhờ một nữ tu cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về ý định này. Hôm đó viên bác sĩ của ông cũng có mặt, ông nói với chị nữ tu:
- Lẽ ra chị phải đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pêrikhết đã quá nặng rồi. Im lặng một lát, bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc:
- Ông là người có đức tin, vậy ông cứ tiếp tục hy vọng dù có điều gì xảy ra đi nữa.
Từ ngày đó, nhà điêu khắc Pêrikhết chẳng muốn cầm búa để rèn tác phẩm nghệ thuật nào nữa.
Vài ngày sau, một nữ tu lại đến gặp ông và năn nỉ:
- Ông Giovani Pêrikhết à, các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp mong muốn ông làm cho các chị ấy một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét. Họ biết tài năng của ông mà. Trước khi trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông một lần nữa.
Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi ông bình thản nói với chị nữ tu:
- Tôi xin nhận lời. Cây thánh giá nầy sẽ là tác phẩm cuối cùng, tôi sẽ làm cây thánh giá nầy để chuẩn bị chết, và xin Chúa thương xót tôi.
Thế là nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả tâm hồn của một người mong gặp được Chúa Giêsu. Đây thật là một công việc nặng nhọc vì bệnh tình của ông. Nhưng ông cảm thấy một điều thật lạ lùng, mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông mệt mỏi thêm, thì lại làm cho ông cảm thấy như được bồi dưỡng sinh lực trở lại. Ông tiếp tục làm việc ngày qua ngày, và khi ông hoàn thành cây thánh giá thật đẹp, ông cảm thấy như khỏe hẳn. Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác.
Ngày nay, cây thánh giá do ông thực hiện vẫn còn được treo ở nhà thờ thành phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu: người lành mạnh cũng như người đau yếu đến kính viếng.
Anh chị em thân mến,
Nhà điêu khắc Giovani Pêrikhết tưởng rằng cây Thánh giá ở nhà thờ thành phố Cáp ấy sẽ là tác phẩm cuối cùng. Ông dùng cây thánh giá ấy để chuẩn bị chết. Nhưng với niềm tin và lòng hăng say rèn cây thánh giá, Pêrikhết đã được Chúa thương cách đặt biệt và chữa cho khỏi bệnh ung thư. Đó là hình ảnh ơn cứu độ mà Thánh giá Chúa Kitô đã, đang và sẽ còn đem đến cho nhân loại. Chính vì để củng cố niềm tin và hy vọng của chúng ta vào ơn cứu độ và sự sống vinh quang ngang qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, mà hằng năm, vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội cho nghe bài đọc Tin Mừng tường thuật cuộc Biến Hình vinh quang của Chúa Giêsu, nhờ đó người kitô hữu ý thức rằng Sự Chết và Phục Sinh, Thập Giá và Vinh Quang là hai mặt của cùng một thực tại cứu độ không thể tách rời nhau. Vinh quang mà không có khổ nạn chỉ là vinh quang của thế tục, sẽ nhạt nhòa theo năm tháng; ngược lại, khổ nạn mà không có vinh quang thì vô nghĩa và là một thất bại hoàn toàn. Do đó, sống tinh thần Mùa Chay có nghĩa là gắn bó chặt chẽ với cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô: chết đi cho con người cũ, con người tội lỗi, đối nghịch với Thập giá để cùng sống lại với Đức Kitô, Đấng có thể "biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài" (Bđ 2).
Đây chính là một quá trình lột xác đầy gian khổ nhưng cũng tràn ngập vinh quang mà sự kiện Chúa Biến Hình được gợi lại trong Chúa Nhật hôm nay, đã trở nên như một lời loan báo và một lời động viên khích lệ. Loan báo điểm tới là Phục Sinh đang ở phía trước, đồng thời động viên khích lệ người kitô hữu hãy can đảm tiếp tục cuộc hành trình.
Để có thể trung thành bước theo con đường Chúa Giêsu đã sống và đã vạch ra, người kitô hữu không thể coi nhẹ hay dửng dưng với tâm tình cầu nguyện. Chính trong giây phút cầu nguyện, chìm sâu trong cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Cha như lẽ sống của đời mình, đây cũng là lúc Ngài biến hình vinh quang, được tỏ lộ khi Ngài chấp nhận cái chết như một phương thế tuyệt hảo để tỏ lòng vâng phục Cha và yêu thương nhân loại đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình. Vì thế, trong cuộc sống còn lắm vất vả bon chen và không hề thiếu vắng những cạm bẫy thử thách hôm nay, chỉ có sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận ánh sáng soi dẫn, và sức mạnh đỡ nâng của Chúa, người kitô hữu mới thoát khỏi sự hoang mang sợ hãi hay trạng thái mê ngủ, trốn tránh thực tại trần thế với những bổn phận và trách nhiệm phải thi hành. Đành rằng quê hương vĩnh cửu ở trên trời nhưng đường lên trời lại khởi đi từ mặt đất, từ chính cuộc sống phải xây dựng và làm cho phát triển mỗi ngày.
Anh chị em thân mến,
Một khi đã chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô trên núi Biến Hình như Phêrô, Giacôbê và Gioan rồi, thì việc còn phải làm là đi theo Ngài trên con đường khiêm tốn phục vụ anh em và không vắng mặt trên các nẻo đường tiến lên đỉnh Golgôta, những nẻo đường đau thương và tử nạn thập giá với Ngài, với niềm xác tín rằng Đức Kitô Phục Sinh sẽ chia sẻ vinh quang cho các tín hữu trung thành.
Ước gì Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa chúng ta lãnh nhận trong thánh lễ hôm nay sẽ bổ sức, giúp chúng ta mạnh mẽ bước vào lòng đời để sống cho Chúa và cho enh em. Một cuộc sống lắm hy sinh gian khổ, nhưng cũng không kém vinh quang, vinh quang thấp thoáng hôm nay và sẽ bộc lộ trọn vẹn mai sau.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam