Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1366160

DẤU LẠ ĐẦU TIÊN

DẤU LẠ ĐẦU TIÊN(*)- Chú giải của Noel Quession

 

Bài trình thuật tiệc cưới ở Cana được Gioan, một nhân chứng trực tiếp, kể lại. Điều đó bảo đảm sử tính của câu chuyện. Nhưng Gioan, cũng như các thánh sử khác trước hết không có ý định mô tả cho chúng ta một đám cưới làng quê vào thời kỳ ấy. Sự kiện lịch sử ấy được suy gẫm lâu dài trong năm, sáu mươi năm trở thành một cơ hội cho Gioan dạy giáo lý với tư cách một nhà thần học. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải cố vượt qua tính chất giai thoại của câu chuyện bước vào cách giải thích “tượng trưng” sâu xa: Sự kiện ấy là một “dấu chỉ”. Nó có một “ý nghĩ” ẩn giấu.

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê.

Khi Gioan viết những từ “ngày thứ ba” ấy thì trong ngôn ngữ của các Kitô hữu tiên khởi, đó là một lối diễn tả gần như là thuật ngữ và lập tức gợi lại “ngày vinh quang” của Đức Gỉêsu: Ngày sống lại (Mt 16,21 – 17,23 – 20,19; Lc 9,2-18 – 33-24, 7; Cv 10,40).

Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.

Trong phần đầu Tin Mừng của mình, Gioan chỉ nhắc đến Đức Maria trong trình thuật tiệc cưới ở Cana này và ở phần cuối Tin Mừng lúc Mẹ đứng dưới chân thánh giá…mà không cho biết tên Maria của Mẹ, nhưng chỉ xác định Mẹ trong mối quan hệ với Đức Giêsu… đó là “Mẹ Người “!

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”

Giờ của Đức Giêsu cũng là một cách diễn tả về cuộc khổ nạn (Ga 7,30 – 8,20 – 13,1 – 16,25 – 16,32). Đây là giờ độc nhất, một cách chính xác, đó là giờ Người được vinh quang: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh con bên Cha, xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,l-5). Giờ vinh quang của Đức Giêsu diễn ra trong ba giai đoạn: Đó là thập giá, Người được “nâng lên” về mặt thể xác và một cách tưởng tượng… đó là sự sống lại, Người được “nâng lên” bên hữu Chúa Cha… và đó là sự tuôn đổ của Thánh Linh cho các tín hữu… (Ga 3,14 – 8,28 – 12,32 – 17,11 – 17;13 – 17,39). Như thế, người thợ mộc ở Nadarét được mời tham dự tiệc cưới trong một ngôi làng nhỏ lân cận, cho chúng ta khám phá “hữu thể” sâu xa của Người, xuyên qua các lời nói và cử chỉ: Vinh quang của Thiên Chúa ở trên Người. Người nói rằng “Giờ của Người” chưa đến. Nhưng giờ ấy sẽ đến! Khi người ta mời ông Giêsu này đến dự tiệc cưới thì họ đã mời chính Thiên Chúa Tạo Hóa của tình yêu! Một mầu nhiệm ẩn giấu trong lòng của tình yêu đôi lứa.

Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

Bề ngoài kiểu nói ấy xem ra tầm thường. Vả lại, đó chính là một trích dẫn từ Kinh Thành. “Toàn xứ Ai Cập bị đói và dân chúng kêu lên Pharaô xin bánh ăn. Pharaô nói với mọi người Ai Cập: “Cứ đến với ông Giuse, ông bảo gì, các ông hãy làm theo” (St 41,55). Vua Pharaô nhận biết Giuse có sự khôn ngoan của Thần Khí Thiên Chúa nên đã nhún mình trước mặt Giuse và đã chỉ cho những người nghèo khổ đói khát đến với Giuse như đến với một người có thể lấp đầy sự khốn khổ của họ.

Giờ đây, chính Đức Maria nhún mình trước con bà và chỉ định Người như nhân vật chính: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”. Ở đó, đang thiếu rượu… và có lẽ, nào ai biết được, “tình yêu’ cũng thiếu… Cuộc vượt qua là sự ra khỏi nước Ai Cập. Nhưng cũng là sự giải phóng khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết: “Rượu thiếu tượng trưng cho mọi thiếu sót sâu xa của chúng ta. Có rất nhiều hoàn cảnh của con người, ở đó chúng ta “không thể còn làm được gì mọi sự đều thiếu sót, không còn giải pháp trong hoàn cảnh của chúng ta lúc đó… Thế thì phải trông cậy vào một người khác vào Đấng Hoàn Toàn Khác, Đấng duy nhất có thể cứu: “Người bảo gì các bạn cứ việc làm theo”.

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết)

Không một chi tiết nào ở đây là bởi sự ngẫu nhiên.

Chúng ta thử hiểu một nửa chữ thôi…

“Sáu chum đá… Người xưa thường thích ý nghĩa tượng trưng của các con số. Bảy là con số của sự hoàn hảo. Bảy kém một là hình ảnh của sự bất toàn.

“Dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái nước dùng để tắm rửa trong việc phụng tự. Những chum đá ấy là dấu chỉ một tình trạng lạc hậu lỗi thời của các tập tục tôn giáo giờ đây đã bị vượt qua. Đức Giêsu đến thay đổi, hoàn tất tôn giáo của người Do Thái. Nước trở thành rượu!

“Họ đổ đầy tới miệng…”. Dấu chỉ dư dật, phong phú, tràn đầy mọi ơn lành của Đấng Mêsia mà Đức Giêsu khởi đầu trong “dấu chỉ” đầu tiên này, quả thật là điên rồ và thái quá 600 lít rượu nho! Cả làng sẽ uống say sưa!

“Rượu”… Một biểu tượng xưa của Kinh Thánh (Tl 9,13; Thánh Vịnh 104,15.v…) Trái nho là một sản phẩm rất được ưa chuộng của đất đai: nó làm cho lan tỏa niềm vui và sự sảng khoái, nó làm cho phấn khởi lòng người”. Các thời đại của Đấng Mêsia được loan báo bằng các hình ảnh bữa tiệc ở đó rượu chảy thừa mứa: “Đức Chúa sẽ mở tiệc cho mọi dân tộc, một bữa tiệc với thịt béo và rượu nồng”(Isaia 25,6; A-mốt 9,14.; Ôsê 2,16-15,5; Giôen 4,18; Giê-rê-mi-a 3 1., 12; Diễm ca 2,4 v.v…)

Vả lại chúng ta chớ bao giờ quên rằng Gioan viết Tin Mừng của Người khoảng năm mươi hoặc sáu mười năm sau biến cố Cana, vào một thời kỳ mà cộng đoàn Kitô hữu đã hội họp từ nhiều năm rối để dùng bữa ở đó một thứ “rượu’“ mầu nhiệm được róc ra. Làm thế nào mà bữa ăn đầu tiên này của Đức Giêsu ở Cana lại không nhắc họ nhớ đến bữa ăn cuối cùng khi Đức Kitô đã biến rượu thành máu của Người… trong sự chờ đợi bữa tiệc quyết định mà Đức Giêsu đã loan báo: “Từ nay Thầy không còn uống thứ rượu nho này cho tới ngày Thầy sẽ uống rượu mới trong Vương quốc của Cha Thầy”.

Phúc thay cho những người được mời đến bàn tiệc của Thiên Chúa.

Mỗi lần bạn uống được rượu ngon, bạn hãy nghĩ về Thiên Chúa đã dùng rượu làm một “dấu chỉ” về Người. Thiên Chúa muốn mềm vui. Thiên Chúa không muốn chúng ta thiếu niềm vui, thiếu tình yêu, mỗi thánh lễ là một dấu chỉ về Người, một bí tích. Mỗi thánh lễ là máu của Đức Giêsu, dấu chỉ của tình yêu Người.

Ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”.

Sự lầm lẫn này có ý nghĩa biết bao: Khi lẫn lộn tân lang với Đức Giêsu, người quản tiệc đã lầm! Trong một vài dòng của Tin Mừng, Gioan Thánh sử sẽ nói rõ ràng rằng “tân lang” đích thực, chính là Đức Giêsu (Ga 3,29).

Chúng ta thấy ở đây điểm then chốt đem lại lời giải thích chủ yếu cho dấu chỉ Cana…”. Đây là rượu của tiệc cưới mới, đây là chén của Giao ước mới trong máu ta”. Những lời ấy chúng ta biết rõ thường lướt quá nhanh trong trí óc đã quen thuộc của chúng ta. Thánh lễ, mầu nhiệm của tình yêu!

Một truyền thống lâu dài và khả kính của Cựu ước đã giới thiệu Thiên Chúa như tân lang của nhân loại. Isaia trong bài đọc một của chúa nhật này vừa nói với chúng ta “sự ngỏ lời tình yêu” nóng bỏng như một đam mê của người si tình: “Người ta sẽ không còn gọi em “cô gái bị bỏ rơi” nhưng người ta sẽ gọi em là “cô gái được yêu thích”, người ta sẽ gọi xứ sở của em là “Tân nương của Ta”… Như một thanh niên cưới một thiếu nữ làm vợ, Đấng đã xây dựng em, sẽ cưới em làm vợ. Như người vợ trẻ là niềm vui của chồng mình cũng thế, em sẽ là niềm vui của Thiên Chúa em” (Isaia 62,1-5; ô8ê 2?21; êdêkien 16,8). Toàn bộ Tân ước đã lấy lại hình ảnh vợ chồng ấy (2 Cr 11,2; Ep 5,25; Kh 21,2 – 22,17 v.v…).

Vả lại như bạn đã nhận thấy, ở tiệc cưới Cana, cô dâu không được kể ra. Không kỳ lạ sao! Chúng ta không gặp một đám cưới bình thường. Nếu Đức Giêsu là Tân Lang thật sư tân nương thật sự là người “phụ nữ” mà Người đã gọi bằng một từ ngữ mang tính tượng trưng sâu sắc: ‘Thưa Bà!”. Tân nương của Thiên Chúa, chính là Israel chờ đợi “giao ước mới” khi thừa nhận mình không.,còn rượu nữa. Israel ấy, dân tộc được Thiên Chúa cưới trong giao ước mới, rồi đây sẽ là Giáo Hội. Và Đức Maria đại diện cho cả hai: bà là “con gái của Israel” và khuôn mặt của Giáo Hội”. Như thế, Tân nương không được nói tên trong tiệc cưới đó chính là chúng ta: Thiên Chúa yêu thương bạn… Thiên Chúa đã cưới nhân loại trong Đức Giêsu Kitô… trong khi vui cũng như trong lúc buồn!

Chúng ta sống trong một thời đại mà khủng hoảng của tình yêu vợ chồng trở nên bi đát: Tình yêu dường như bị mất phương hướng, người ta ca tụng sự kết hôn tự do, người ta sống chung mà không muốn làm lễ cưới, không muốn mở tiệc mừng tình yêu, không muốn nhận trách nhiệm đối với người khác, đối với con cái sẽ được sinh ra… Biết bao cặp vợ chồng mau chóng lìa tan, lúc mới bắt đầu cũng vui vẻ đấy, nhưng rồi trở nên nhạt nhẽo, tầm thường như nước ốc! Nhưng trong bối cảnh ấy, những cặp vợ chồng vững chắc nhất cũng không tránh khỏi nhận xét bi đát: Họ không còn rượu nữa!”. Chính tình yêu đang thiếu thốn. Chỉ Đức Giêsu mới có thể ban lại tình yêu cho chúng ta. Hãy hiệp thông vào chén của Đức Giêsu, uống rượu của Người, chính là uống nơi suối nguồn yêu thương, đã hiến dâng tất cả và yêu thương cho đến cùng” (Ga 13,1).

Trong nhiều thế kỷ, các nhà thần học băn khoăn tìm hiểu cuộc sống nào cao cả hơn, cuộc sống “hôn nhân” hay cuộc sống “độc thân”. Tuy nhiên chúng ta chớ nên quên ngôn ngữ của Kinh Thánh nói về một Thiên Chúa – Tình Quân. Chúng ta hãy để cho sự dịu dàng của Thiên Chúa tràn ngập chúng ta. Nếu bạn đã kết hôn, vợ chồng bạn là “dấu chỉ”, nghĩa là “bí tích”, “sự biểu lộ” của Tình Yêu Thiên Chúa. Nếu bạn sống độc thân. không phải bạn “không có tình yêu”, bạn cũng đã được cưới bởi một tình yêu cao cả nhất phải có! Nhưng bạn sống đời sống hôn nhân, hoặc đời sống độc thân của bạn như thế nào? Vấn đề ở đây không phải là sự thiết lập bí tích hôn nhân trong Tin Mừng. Nhưng đối với những ai hiểu được “dấu chỉ” của tiệc cưới Cana, điều đó chẳng cần thiết hay sao?

Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

Bên ngoài tính giai thoại, ở đây chính Gioan thánh sử cho chúng ta lời giải thích về câu chuyện của ngài: Đức Giêsu bày tỏ căn tính của Người… các môn đệ đã bắt đầu bước vào đức tin… “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người”.(Ga 1,14).

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

 

 CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- C

TIỆC CƯỚI CANA – Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1/. Từ một tiệc cưới làng quê… đến những tiệc cưới của Thiên Chúa với dân Người.

Chúa nhật trước chúng ta đã chú ý đến bài tường thuật của Mátthêu về ba nhà đạo sĩ, một bài rất giàu ý nghĩa biểu tượng. Bài tường thuật của Tin Mừng Gioan về tiệc cưới ở cana mở đầu cho “Cuốn sách về các Dấu chỉ” cũng giống như vậy. Và như A. Marchadour cảnh giác, chắc chắn rằng qua câu chuyện được kết cấu như thế, “tốt hơn ta nên, từ bỏ ý nghĩ muốn biết đích xác sự việc xảy ra như thế nào. Thánh Gioan là người vốn thích nhìn từ một sự việc cụ thể đích thực để nhận ra ý nghĩa thần học tiềm ẩn, cột làm cho lịch sử có được nét sáng giá hơn” (L’Evangile de Jean, Centurien, 1992, tr. 55).

Việc giới thiệu các nhân vật và quan hệ hỗ tương của họ là chìa khoá thứ nhất dẫn vào lối đọc ý nghĩa biểu tượng của trình thuật này.

+ Thực vậy, các nhân vật mà người kể chuyện nói đến là “Đức Giêsu”, “thân mẫu Đức Giêsu”, các “môn đệ” Người, rồi ở phần tiếp của đoạn văn có người “quản tiệc” và “tân lang”.

+ Theo A. Marchadour nhận xét, tất cả những nhân vật này, đều được giới thiệu quy chiếu về Đức Giêsu: thân mẫu Người, các môn đệ Người. Các môn đệ sẽ không có vai trò chủ động nào, nhưng lại quan trọng, đồng thời là chứng nhân của cảnh tượng và là những con người được biến đổi: cuối chuyện các ông trở thành những con người có lòng tin (Sđd.)

+ Còn chính tân nương sẽ không có vấn đề gì hết.

– Một chìa khóa khác đó là sự lặp đi lặp lại từ “tiệc cưới” ở đầu bản văn (c.1.2) rõ ràng là có ý làm nổi bật ý nghĩa biểu tượng của câu chuyện, tiệc cưới chỉ là cái khung để lồng những biểu tượng ấy.

Qua khắp cả Kinh Thánh, từ sách tiên tri Ô-xê cho đến sách Nhã Ca, Thiên Chúa luôn được trình bày như tân lang của dân Người là Israel. Giao ước giữa Giavê Thiên Chúa và Israel là một giao ước hôn nhân, nghĩa là bền chặt, không thể tiêu huỷ được; giao ước ấy dựa trên nền tảng là tình yêu trọn vẹn và hỗ tương. Chính Tân Ước cũng thường xuyên sử dụng chủ đề này.

Chính chủ đề này được quảng diễn ở đây, trong bài tường thuật của thánh Gioan. Bên kia buổi lễ cưới của những cặp vợ chồng trẻ ở cana, thánh sử muốn hướng tầm nhìn của ta vào cảnh khai trương một cuộc lễ khác, cho những tiệc cưới khác: Lễ cưới của Thiên Chúa với dân Người trong Đức Giêsu Kitô Con Người, mà các ngôn sứ đã loan báo.

2/. Từ nước của luật cũ… đến rượu nho của giao ước mới.

Càng chú ý đọc bài tường thuật này, người ta càng thấy rõ góc độ biểu tượng này.

– Gioan đã đặt biến cố vào “ngày thứ ba”. Có phải coi biểu xác định thời gian vắn vỏi được nói ở đây, theo J.B. Michaud hiểu, là muốn đưa về mạc khải mà Gioan có ý nói đến ở 1, 51 chăng? Nói cho đúng, theo như X. Léon-Dufour, há người ta chẳng đọc thấy ở đây ý hướng của người kể chuyện là rnuốn cho câu chuyện này có liên hệ với những biến cố vĩ đại của lịch sử thánh cũng xảy ra vào “ngày thứ ba” như: hiến tế Isaac, trong St 22,4, Chúa hiện ra trên núi Sinai trong Xh 19, 11 đấy sao? Việc “xác định ngày tháng” này có lẽ muốn loan báo “một khúc quanh quyết định trong lịch sử của Giao ước” (Lecture de l’Evangile selon Jean, cuốn 1, tr. 222). Sau cùng, như A. Marchadour gợi ý, phải chăng việc ghi chú “ngày thứ ba” như thế muốn gợi nhớ lại biến cố Phục sinh, ngày thứ ba lúc Chúa Giêsu tỏ bày vinh quang, và lúc ấy các môn đệ đã tin.

– “Họ hết rượu rồi”, lời nói này của “thân mẫu Đức Giêsu” bỗng dưng khiến người ta phải chú ý.

+ Ta đừng quên rằng rượu nho là đồ uống trong ngày lễ, nhất là lễ cưới thường kéo dài nhiều ngày nên phải lo dự trữ sao cho đủ rượu nho cũng là biểu tượng các tiệc cưới mang tính thiên sai giữa Thiên Chúa với dân Israel mà các ngôn sứ hằng ca ngợi và trông đợi.

+ Sự cố thiếu rượu là điểm khởi đầu câu chuyện. Tác giả không quan tâm đến lý do của sự thiếu rượu cho bằng ý nghĩa biểu tượng của sự kiện đó: nỗi khốn khó và lòng dân Israel trông đợi ân huệ Chúa ban.

+ Chính Đức Maria “thân mẫu Chlía Giêsu” – Gioan luôn dùng từ này để gọi Đức Maria – có sáng kiến báo cho Đức Giêsu biết nhà đám thiếu rượu.

– “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và con”. Câu trả lời là khá bí ẩn.

+ Trước hết Đức Giêsu xưng hô với mẹ Người không phải bằng tiếng “má” (imma), tương đương với tiếng “ba” (abba), mà lại dùng tiếng “Bà”.

Ta đừng coi đây như một lời lẽ thiếu kính trọng nào đó, cũng đừng coi đó là một lúc bực mình bột phát. Kiểu gọi Đức Mẹ như thế ở đầu Tin Mừng Gioan và một lần nữa ở cuối Tin Mừng, khi ở trên Núi Sọ thiết tưởng nên được đặt ở một bình diện tương quan khác với bình diện của đời thường và của gia đình.

+ Rồi phần tiếp theo của câu trả lời càng củng cố điều ta vừa nói ở trên: “Chuyện đó can gì đến Bà và con”. Đó là một kiểu nói Do Thái nhằm từ chối một sự can thiệp chưa hợp thời, chưa đúng lúc, đồng thời cho thấy có sự hiểu lầm giữa người nói và người nghe. Các dịch giả và các nhà chú giải Kinh Thánh thì cố gắng lựa lời để làm dịu đi vẻ cứng cỏi của kiểu nói này. Như A. Marchadour gợi ý, cách trả lời của Đức Giêsu, phải chăng là “tạo một khoảng cách: Chúa muốn thúc giục thân mẫu Người đi xa hơn, vượt lên chức năng làm mẹ theo huyết nhục, để sinh ra làm người môn đệ nữa” (Sđd, tr. 56).

– “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”, Đức Maria nói ngay với những gia nhân. Hưởng ứng lời kêu gọi của con, Đức Maria đã vượt khoảng cách để trở thành người môn đệ đầu tiên.

Mấy lời trên đây mà bài tường thuật đặt vào môi miệng Đức Maria chứa chất biết bao ký ức xa xăm về Kinh Thánh:

+ Nó gợi nhớ lời vua Pharaô nói với dân Ai Cập đến xin lương thực: “Hãy đến cùng Giuse, Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (St. 41,55). Hình ảnh Đức Maria mờ nhạt đi trước Đấng đang làm ứng nghiệm những lời tiên tri loan báo, một Giuse mới đang cho dân ăn, đưa dân từ thiếu thốn đến sung túc.

+ Nó gợi nhớ lời đáp lại của dân Chúa trước đề nghị của Giao Ước khi tụ họp ở núi Sinai: “Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo” (Xh. 19.8). Ở đây, ngay lúc khởi đầu Giao ước mới, thánh sừ đặt vào môi miệng Đức Maria lời tuyên xưng đức tin của dân đượlc tuyển chọn. Thánh sử giới thiệu Ngài là hình ảnh của Israel mới.

Bài tường thuật tiếp tục “Ở đó, có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái”. Thật là kỳ lạ, thay vì những vò đất nung hay những bình da người ta dùng đựng rượu trong tiệc cưới Cana, và những bình ấy chắc hẳn đã cạn hết rượu rồi, thì Đức Giêsu lại bảo những người giúp việc đổ đầy nước vào các chum đá vốn không đựng rượu, mà đựng nước dùng vào việc “thanh tẩy theo thói tục người Do Thái”. Và chính từ những cái chum đá đổ đầy nước “tới miệng” này (chừng 700 lít) mà các gia nhân sẽ múc rượu ngon ra, thứ rượu ngon hơn rượu đãi lúc đầu, “người quản tiệc” xác nhận như vậy.

Việc nước hóa thành rượu trong bữa tiệc cưới ở làng quê tượng trưng cho Luật cũ chuyển qua Luật mới. Rượu nho của thời đại cứu thế thay thế cho nước của giao ước đầu tiên.

3/. Từ khởi đầu các dấu lạ … đến “Giờ” thực hiện.

– Bài tường thuật về tiệc cưới Cana mở đầu “Sách các dấu lạ” sẽ kết thúc ở 12,50, để từ đó sẽ khởi đầu “Sách về Giờ của Đức Giêsu”.

+ Thánh sử lưu ý: chúng ta đang ở vào thời kỳ “khởi đầu các dấu lạ”. Khi làm “dấu lạ” đầu tiên này, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các người thân của mình biết thân thế và sứ mệnh của Người. Cana đánh dấu bước thứ nhất trên con đường đức tin của các môn đệ: “Các môn đệ đã tin vào Người”.

Nhiều “dấu lạ” khác sẽ theo sau: hóa bánh ra nhiều (Ga 6), chữa người mù bẩm sinh (Ga 9), cho Ladarô sống lại (Ga 11) sẽ triển khai mạc khải ban đầu kia và góp phần làm nên những chặng đường trong hành trình đức tin của các môn đệ. + Nhưng “Giờ Người chưa đến”, Đức Giêsu tuyên bố như thế. Giờ nhiệm mầu ấy sẽ đan xen cả giờ khổ nạn, giờ được tôn vinh, lẫn giờ tràn đầy ơn ban của Chúa Thánh Thần. Để rồi trong ánh sáng rạng ngời của mầu nhiệm Vượt qua, mọi ý nghĩa đều được sáng tỏ và các môn đệ sẽ trở thành những con người gắn bó hoàn toàn với Đức Giêsu, nhìn nhận Người là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.

+ Về phần “thân mẫu Chúa Giêsu”, Người “ở đó” để chứng kiến dấu lạ khai mào Giao ước mới: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và con?”, cũng như Người sẽ “ở đó, gần thập giá” (19,25) lúc “Giờ” đóng ấn Giao ước mới trong máu, sẽ điểm, lúc ấy, Đức Giêsu sẽ nói với thân mẫu Người rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Thân mẫu Đức Giêsu có mặt lúc “khởi đầu” thì Người sẽ có mặt khi “hoàn tất” (cf. 19,30: “Thế là đã hoàn tất”).

– Bài tường thuật này được viết sau biến cố Phục sinh.

  1. Marchadour kết luận: “Phép lạ ở Cana, được viết cho các tín hữu đọc, vì họ là những người đã có kinh nghiệm về niềm tin Chúa phục sinh là đã đoạn tuyệt với Do Thái giáo. Kết cấu câu chuyện cho ta thấy rõ điều đó. Mở đầu và kết luận đặt người đọc trong bối cảnh phục sinh… Toàn bộ bài tường thuật mô tả việc chuyển từ Do thái giáo sang Kitô giáo được thực hiện như thế nào trong Đức Giêsu.

Thân mẫu Đức Giêsu có mặt ở đó có nghĩa là nhờ Người mà lễ hội giao duyên giữa Thiên Chúa và loài người trở thành khả dĩ. Người dẫn đưa Israel mới (mà các gia nhân ở đây là biểu tượng) đến cùng Đức Giêsu. Nhưng khi nói với gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”, thì chính Người lại đóng vai người phụ nữ, hình ảnh Israel mới phải phục tùng con mình. Rượu vừa nhiều vừa ngon ám chỉ rằng thời đại Đấng Cứu Thế vui như ngày hội đã bắt đầu và từ nay rượu sẽ không bao giờ thiếu. Một giáo phụ tự hỏi: “Người ta đã uống cạn chăng? Không, vì hiện giờ chúng ta vẫn còn uống” (Sđd, tr. 58).

BÀI ĐỌC THÊM

1/. “Rượu nho mới” (G. Bessière, trong “Dieu si proche. Năm C”, DDB, trg 83-84).

Đức Giêsu có mặt trong tiệc cưới mừng cho tình yêu của cặp trai gái làng Cana. Người sắp làm phép lạ đầu tiên trong tiệc vui này. Bài tường thuật của thánh Gioan về tiệc cưới ấy dọi một tia sáng vào quá khứ của Israel, vào tương lai của Đấng Chúa sai đến và vào đời sống của Giáo Hội.

Thời Môsê, Êlia, Êlisê, Thiên Chúa đã làm những dấu lạ để củng cố sứ mệnh của các vị ấy thế nào, thì Người cũng sắp chứng thực sứ mệnh của Đức Giêsu như vậy khi cho Người thực hiện những tiệc lạ lùng: đó chính là những “dấu chỉ”. Trong Kinh Thánh, rượu nho thường là biểu tượng ơn khôn ngoan do Lời Chúa ban cho. Rồi đây Đức Giêsu sẽ là Người được ban tặng ơn ấy một cách dồi dào và triệt để.

Đức Giêsu hóa nước thành rượu trong sáu chum đá dùng cho nghi thức thanh tẩy mà người Do Thái vốn tuân giữ rất cặn kẽ; chi tiết này ám chỉ rằng Đức Giêsu sắp mang đến một sự canh tân cho Do Thái giáo. Lúc ấy, ở đó có sáu cái chum: số sáu được coi như con số không hoàn toàn muốn chỉ tỏ rằng quá khứ phải nhường chỗ cho một tương lai mới.

Sách các Ngôn sứ thường ví dân được tuyển chọn như một hôn thê bất trung, bội tín. Nên với sự hiện diện của Đức Giêsu, bây giờ là lúc những tiệc cưới giữa Thiên Chúa và nhân loại đã dứt khoát bắt đầu. Đây là những tiệc cưới mà “Giờ” chưa đến: tiệc của rượu nho trong bữa Tiệc ly và của máu trên thập giá, tiệc Thánh Thể, trung tâm đời sống của Giáo Hội vẫn tiếp tục ca tụng thứ rượu nho của những tiệc cưới đời đời.

Đức Giêsu chính là rượu nho được Thiên Chúa ban một cách hào phóng là là giao ước luôn luôn mới.

. Vương quốc mới được khai trương

Ta phải vượt lên Cana là buổi lễ ở làng quê hôm đó để có thể nắm bắt được những luồng tư tưởng lớn của các ngôn sứ vẫn xuyên suốt lịch sử Thánh. Phải tìm lại những dấu chỉ của giao ước là tất nhiên là những tiệc cưới giữa Thiên Chúa với dân Người.

Việc Đức Giêsu khởi sự làm những dấu lạ, rõ ràng loan báo vương quốc mới, triều đại của Đấng Mêsia. Ngày ấy được ngôn sứ Isaia mô tả là ngày mà Chúa toàn năng sẽ khoản đãi một bữa tiệc thịnh soạn đầy thịt cùng các món hảo hạng với rượu ngon nổi tiếng… Ngày ấy người ta sẽ nói: Đây là Thiên Chúa chúng ta. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng trông đợi” (Is 25, 9).

Vương quốc mới được khai trương Đấng cứu độ được loan báo và được hứa cuối cùng thì cũng đã có mặt đây rồi. Đã hết rồi những lề luật khắc khe, những nghi thức thanh tẩy được tượng trưng bằng sáu cái chum, một con số nói lên sự bất toàn. Từ nay những cái đó không còn giá trị nửa. Phải nhường chỗ cho một giao ước tình yêu; với giao ước đó; Thiên Chúa trở nên rất gần gũi, gần gũi đến độ trở nên một người ở giữa chúng ta. Phải nhường chỗ cho những niềm vui của tiệc cưới và cho thứ rượu nho mới của Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đến làm đảo lộn những tập quán, phá bỏ những truyền thống và không quan tâm đến những thói vụ luật.

home Mục lục Lưu trữ