Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1371450

ĐÂY LÀ CON TA YÊU DẤU

Đây là Con Ta yêu dấu

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Biến cố Chúa biến hình trên núi đã trở thành một câu chuyện quen thuộc đối với chúng ta và như thế, chúng ta không còn chú trọng đến nhiều mà chỉ xem như một câu chuyện thông thường. Nhưng nó vẫn là một biến cố không thường, đối với các môn đệ và cho cả chúng ta hôm nay.

Chúa biến hình như một khúc nhạc dạo đầu của một bi kịch độc nhất vô nhị trên trần gian sắp diễn ra trên thập tự.

Chúa Giêsu chỉ chọn ba môn đệ mà thôi. Những môn đệ sau nầy sẽ chứng kiến rõ rệt nhất cuộc khổ nạn của Ngài, những trụ cột quan trọng nhất của Giáo Hội. Ngài đã sống giữa các ông như các ông. Xem ra Ngài tầm thường như mọi người trừ những khi Ngài làm phép lạ. Nhưng hôm nay, trên đỉnh núi, Ngài trở nên như một người không còn thuộc về trần thế nầy nữa. Vinh quang của Ngài rực sáng qua y phục của Ngài và có sự hiện diện của hai nhân vật là tiên tri Êlia và ông Môsê đàm đạo với Ngài. Những việc xảy ra gần như vượt xa khỏi tầm hiểu của các môn đệ, vì thế Phêrô ngây ngất vì thấy vinh quang của Thầy, vừa thấy hai nhân chứng quan trọng nhất của Cựu Ước hiện ra.

Ông xin làm ba lều cho Thầy và cho hai nhân vật kia, để ở lại với các Ngài lâu dài. Thời điểm nầy, dân Do thái đang mừng lễ Lều, nhắc lại thời cha ông của họ lưu lạc trong sa mạc, sống dưới lều tạm. Nhưng ý của Phêrô lại khác, vinh quang của Thầy làm ông choáng ngợp và mong ước cất ba lều để kéo dài những giây phút ngất ngây đó. Thánh Maccô không nói rõ là hiện tượng ánh sáng đó kéo dài bao lâu, và cuộc đàm đạo đó ngắn hay dài. Đối với Phêrô và các môn đệ, đây là một kinh nghiệm không thể quên. Sau nầy Phêrô còn nhắc lại trong thư thứ hai của ngài: “chúng tôi đã thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Ngài”.

Phêrô, trong thư thứ hai cũng nhắc đến lều là thân xác với ý nghĩa là chúng ta chỉ sống tạm trong thân xác mà thôi: “Tôi thiết nghĩ: bao lâu còn ở trong cái lều nầy… vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều nầy…” Khi viết những giòng chữ nầy, chắc thánh nhân cũng nhớ đến ngày nào đó, ông đã xin dựng ba lều cho Chúa và hai vị khách thiên quốc trên đỉnh núi. Giờ đây, ông đã hiểu bài học Chúa Giêsu đã cho ông trên đỉnh núi kia là thân xác chúng ta, dù chỉ là tro bụi, cũng tàng trữ vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta, khi chúng ta dám theo Ngài lên đỉnh núi vinh quang và theo Ngài cho đến đỉnh núi thống khổ Canvê.

Thánh Phêrô cũng nói đến thị kiến trên đỉnh núi: “Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang danh dự, khi có tiếng từ trời phán với Người: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quí mến”. Tiếng nói đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người. Lời chứng của Phêrô trùng hợp với lời tường thuật của thánh Maccô.

Chính Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con Chí Ái của Người. Người Con đó, Chúa Cha đã ban cho chúng ta làm giá chuộc cho chúng ta như thánh Gioan cũng nói: “Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi ban Con Một cho trần gian”. Và hôm nay, Giáo Hội cũng nhắc đến ông Abraham được lệnh Chúa sát tế Isaac, đứa con duy nhất của ông. Một lệnh truyền rất khó thực hiện, nhưng Abraham đã vâng phục. Chúng ta hiểu thế nào là sự vâng phục tuyệt đối của ông. Ông dám vâng phục vì ông đã tin vô điều kiện. Nhưng mệnh lệnh đó đã kết thúc trong niềm vui. Phải chăng đây là hình ảnh của tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta. Abraham dâng con một mình cho Thiên Chúa, Thiên Chúa lại trao ban cho chúng ta Con Một của Người. Hai hình ảnh quyện vào nhau để nói lên mối liên hệ thật sâu đậm giữa Thiên Chúa với chúng ta. Chúng ta hiến dâng cho Ngài cái gì quí nhất của chúng ta và ngược lại, chính Ngài lại ban cho chúng ta cái gì quí báu nhất của Ngài, là đứa con một yêu dấu của Ngài.

Chúa Giêsu được trao ban cho chúng ta, chính Chúa Cha đã xác nhận như thế: “Nầy là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Ngài là lời nói duy nhất của Chúa Cha. Nghe lời Ngài chính là nghe lời Chúa Cha. Nghe lời Ngài không phải chỉ nghe bằng lỗ tai, cũng không như một tiếng nói, một âm thanh, mà là chấp nhận chính bản thân Ngài vì Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, vì thế Ngài là sự sống. Tin vào Ngài sẽ được sống. Chúng ta nhận được một quà tặng hết sức quí báu là chính Con Một Thiên Chúa. Ngài đã được trao tặng để sống với chúng ta, và chính Ngài lại gánh vác tội lỗi chúng ta, mang lại cho chúng ta ơn tha thứ và hạnh phúc thiên đàng. Ngài làm người để biến trần gian nầy thành thiên quốc. Nhưng chúng ta không bước theo Ngài, không mấy người tin vào Ngài, không sống như Ngài, làm sao biến trần gian nầy thành thiên quốc được? Nhiều người có thể xem điều nầy chỉ là mơ mộng viễn vông, nhưng chỉ vì họ không thể thực hiện được. Chúng ta có dám sống như Ngài không? Dám hy sinh cái gì quí nhất là bản thân mình để phục vụ Chúa không? Abraham, xưa đã dám liều, và hôm nay cũng có những kitô hữu cũng đang liều mình cho Chúa và anh em trên khắp thế giới. Những người đó mới thực sự là Kitô hữu, là những chứng nhân can đảm cho tình yêu Chúa.

Chúa Giêsu đến trong trần gian, mang thân con người, sống như con người để biến hóa mọi sự. Ngài làm cho trần gian nầy mang một ý nghĩa. Trước tiên, “Ngài sẽ chết cho chúng ta… sẽ biến đổi thân xác hư hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài”. Tất cả thực tại trần gian sẽ mang lấy ánh sáng của Ngài, sẽ được biến hình trong vinh quang như Ngài, chúng ta cũng sẽ được biến đổi như Ngài để thành con ánh sáng. Trần gian đang cần những con người mang ánh sáng vì càng ngày bóng tối của tội lỗi đang phủ lấp thế gian và con người càng lún sâu vào một cuộc sống vô nghĩa, không có ngày mai, không một ánh sáng hy vọng nào.

Hãy mang lấy ánh sáng của tình yêu, như Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Ngài đã đến thắp lên ngọn đèn hy vọng, chúng ta đừng để nó tắt đi.

Mùa Chay chính là lúc chúng ta nhìn về Chúa với tất cả lòng tin cậy, nhìn về tâm hồn chúng ta để hoán cải vì nhiều lúc chúng ta cũng trở thành bóng tối. Chúng ta đã được gọi từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Chúa để thành con cái ánh sáng. Thánh Phaolô cũng nói: “Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái…” Ngài cũng bảo chúng ta hãy mặc lấy khí giới của ánh sáng. Đó chính là ơn gọi của Kitô hữu. Giữa một thế giới mịt mù anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên trời, thánh Phêrô cũng căn dặn như thế.

Chúng ta chỉ có một chọn lựa là theo Chúa chúng ta trên con đường Ngài đã vạch ra cho chúng ta. Phải từ bỏ những hành vi ám muội và sống thánh thiện. Muốn như thế, chỉ có một con đường:đóng đinh con người cũ vào thập giá, đi vào cuộc tử nạn với Chúa.

Nói thì nghe rất dễ, nhưng thực tế không dễ. Chúng ta vẫn thích an nhàn, sống không có vấn đề. Đặt lại vấn đề đã là khó rồi, thực hiện càng cam go hơn. Con đường nên thánh không loại trừ hy sinh và can đảm. Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, Ngài đã run lên sợ hãi đến nỗi mướt mô hôi máu, nhưng Ngài đã đi đến cùng, vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Từ bỏ những tật xấu là một điều ai cũng muốn, nhưng dám can đảm đi đến cùng là một điều không dễ. Chúng ta ngại ngùng, điều đó là điều không thể tránh. Đó là cái giá phải trả. “Xác thịt thì nặng nề”. Chúa không bảo chúng ta ngồi bóng mát ăn bát vàng, mà ngược lại dấn thân quyết liệt vào con đường hoán cải, tín thác vào tình yêu. Chỉ có tình yêu mới đủ sức vực chúng ta dậy để bước tới mỗi ngày.

Chúa Giêsu đã đi đến cùng, đã dám đối mặt với mọi đau đớn nhục hình chỉ vì ngài đã yêu Chúa Cha và Ngài đã chứng minh tình yêu của Ngài bằng sự vâng phục triệt để như thế. Chúng ta không thể nên thánh nếu không biết yêu mến Chúa và yêu mến Chúa chính là giữ lời Người. Đó là điều Chúa Cha đã dạy chúng ta. Đó cũng chính là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến hạnh phúc Thiên đàng.

Hôm nay, trong giờ phút nầy, Chúa Giêsu có mặt bằng Tấm Bánh nhỏ, tấm bánh tình yêu. Chỉ vì yêu mà Ngài đã chấp nhận thân phận một chiếc bánh nhỏ. Và chính đó là dấu hiệu rõ rệt nhất của tình yêu vô biên của Ngài. Ngài không từ chối một điều gì để yêu mến chúng ta. Chúng ta từ chối Ngài chăng?

Trong mùa Chay thánh nầy, hãy đến với Ngài thường xuyên, ăn lấy Ngài để cùng với Ngài, trở nên ánh sáng cho trần gian như Ngài đã mong ước.

 

12. Biến hình – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: lên núi.

Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.

Giai đoạn thứ hai: biến hình.

Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.

Giai đoạn ba: xuống núi.

Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.

Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.

Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.

Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Một số bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời giờ và tiền bạc cho sắc đẹp bên ngoài. bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn?

2- Cầu nguyện có thể làm con người 'biến hình'. Bạn có tin điều đó không? bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?

3- Bạn đã có kinh nghiệm về việc sống hạnh phúc với Chúa bao giờ chưa?

4- Mùa Chay này bạn có thực sự muốn 'biến hình' không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?

 

13. Sống thân mật với Chúa

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy là một tình yêu sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ. Thiên Chúa vẫn từng phút từng giây đổ tràn tình yêu của Người vào đời sống ta. Tình yêu ấy là một tình yêu tha thứ. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu sẵn sàng tha thứ và đón nhận những đứa con hoang đàng trở về. Tình yêu ấy là một tình yêu mong đợi. Thiên Chúa mong đợi ta hiểu biết tình yêu của Người, đền đáp tình yêu của Người, đến sống thân mật với Người.

Niềm khao khát sống thân mật được tỏ bày qua việc Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao. Chỉ chọn riêng ba người vì sự thân mật không thể có giữa đám đông. Sự thân mật chỉ có trong một nhóm nhỏ, vì sự thân mật là mối tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn gặp gỡ riêng ta với Người, muốn có cuộc trò chuyện riêng tư với từng người. Đức Giêsu đưa họ lên núi cao. Núi cao là nơi yên tĩnh. Tình thân mật không thích những chỗ ồn ào. Tình thân mật được phát triển ngoài thiên nhiên, trong thanh vắng. Lên núi cao là bỏ lại sau lưng những phiền toái trần tục, để dành hết tâm tư, thời giờ cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, núi cao là nơi Chúa ngự. Lên núi cao có nghĩa là đến gặp Chúa. Trong gặp gỡ thân mật, Chúa sẽ mặc khải cho ta biết nhiều điều về Chúa và về bản thân ta.

Trước hết Chúa cho ta hiểu biết về Người. Chúa đưa ta vào đời sống thâm sâu của Người. Đó là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống của Ba Ngôi là tình yêu, một tình yêu không ngừng trao tặng và không ngừng nhận lãnh. Tình yêu đó là nguồn mạch sự sống và là nguồn mạch hạnh phúc. Sự sống và hạnh phúc ấy đổ tràn vào tâm hồn những ai đến sống thân mật với Chúa. Ai đã một lần nếm cảm hạnh phúc ấy rồi, vĩnh viễn không thể tách rởi Thiên Chúa được nữa. Chính vì thế, sau khi ngắm nhìn dung nhan Đức Giêsu và sau khi nghe lời Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta yêu dấu”, thánh Phêrô cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn đến độ muốn ở lại mãi mãi trên núi, không muốn trở xuống nữa. Chúng ta nhớ lại hai môn đệ Gioan và Anrê, sau một buổi chiều sống với Đức Giêsu đã quyết định theo làm môn đệ của Người. Thánh Phaolô sau khi được đưa lên tầng trời thứ ba đã mạnh dạn nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Không, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Sau khi cho ta hiểu biết người, Chúa cho ta hiểu biết chương trình của Người. Chương trình của Chúa là chương trình của tình yêu. Tình yêu được minh chứng qua sự hy sinh quên mình. Chúa Cha, vì yêu thương ta, đã đành hy sinh Con Một yêu quý của Người. Tình yêu ấy được diễn tả qua hành động của Abraham mà ta nghe đọc trong bài đọc thứ nhất. Chúa Con, vì yêu thương ta, đã chấp nhận liều mạng sống như lời Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”. Chương trình tình yêu của Chúa để cứu chuộc ta được thực hiện qua sự đau khổ và cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.

Sau cùng, trong thân mật với Chúa, Chúa cho ta hiểu biết về bản thân mình. Gần bên Chúa quyền năng, ta thấy mình chỉ là cát bụi. Sống trong trái tim dịu dàng của Chúa, ta thấy mình quá độc ác dữ tợn. Hưởng nếm tình yêu của Chúa rồi, ta thấy mình chỉ là phường bội nghĩa vong ân. Uống vào suối nguồn sự sống của Chúa, ta khám phá ra những mầm mống chết chóc mà ta ấp ủ trong mình. Tiếp cận với nguồn ánh sáng tinh tuyền của Chúa, ta thấy mình chỉ là bóng tối nhơ uế.

Hiểu biết những sự thực về Chúa và về bản thân, ta sẽ có một cái nhìn khác về con người và thế giới. Ta sẽ nhìn mọi người bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Ta sẽ nhìn thế giới như thể nó đã được biến hình trong Đức Giêsu. Ta sẽ nhìn thấy tình yêu Chúa dành cho mỗi người. Mỗi người đều là kết quả của tình yêu cứu độ của Chúa. Ta cũng sẽ nhìn thấy con đường mình phải đi là con đường Thánh giá. Chính những đau khổ sẽ thanh luyện, giúp ta nên tinh tuyền để càng ngày càng gần gũi thân mật với Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý

1) Bạn đã có kinh nghiệm về sống thân mật với Chúa chưa?

2) Sống thân mật với Chúa ta sẽ hiểu biết gì?

3) Trong mùa Chay này, bạn có dành thời giờ để sống thân mật với Chúa không?

 

14. Nhìn vào mặt tốt – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Đời người có mặt tối và mặt sáng, có mặt tốt và mặt xấu, có mặt phải và mặt trái, có lúc phấn khởi vui tươi cũng có những lúc ủ dột ưu sầu…

Khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết Người phải lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ hình và chịu chết, các môn đệ cảm thấy rúng động tâm hồn!

Không lẽ cuộc đời của Thầy Giêsu lại kết thúc bi đát đến thế ư?

Đã bao lần họ mơ tưởng đến một tương lai huy hoàng khi được ngồi bên tả, bên hữu vua Giêsu trong vương quốc vinh hiển của Người; lẽ nào giấc mộng vàng đó lại sớm tan thành mây khói? Nếu Chúa Giêsu mà còn phải chịu số phận oan nghiệt như thế thì số phận các ông rồi sẽ ra như thế nào đây?

Không chấp nhận viễn ảnh đen tối ấy, ông Phêrô kéo riêng Chúa Giêsu ra và lên tiếng trách móc, tìm cách can gián để Người đừng đón nhận sứ mạng đau thương ấy (Mc 8, 32).

Để củng cố tinh thần các môn đệ đang sa sút trước tin chẳng lành vừa loan báo, “sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông … tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu.”

Bấy giờ tinh thần ba môn đệ hết sức phấn chấn. “Ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

“Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

Thế là nhờ chứng kiến sự vinh hiển của Chúa Giêsu trong giờ phút vinh quang của Người trên núi cao, ít nữa có môn đệ Gioan vững bước theo Chúa Giêsu đến cùng trên đường khổ nạn.

* * *

Đời người có mặt tối và mặt sáng, có mặt tốt và mặt xấu, có mặt phải và mặt trái, có lúc phấn khởi vui tươi cũng có những lúc ủ dột ưu sầu.

Cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm vườn Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm vườn Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng của Người trên núi cao thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các vị đào tẩu hết, lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?

Vì thế, Chúa Giêsu cho các ông thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ông thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho họ thấy Người là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm vườn Dầu sắp đến.

***

Ngôi nhà nào cũng có mặt trước mặt sau. Nếu người ta chỉ nhìn mặt sau tồi tàn của ngôi nhà mà không nhìn mặt tiền hoành tráng của nó, người ta sẽ thất vọng vì nó.

Tấm huy chương nào cũng có mặt trái mặt phải. Nếu chỉ biết mặt trái sần sùi của tấm huy chương mà không để mắt đến mặt phải vinh hạnh của nó, thì người ta sẽ xem thường nó.

Hoa hồng rất đẹp và kiêu sa nhưng cũng đầy gai. Nếu người ta chỉ chú trọng đến những gai nhọn của hoa hồng mà không để ý đến sắc hương tuyệt vời của nó thì hoa hồng chẳng còn gì hấp dẫn.

Đối với người anh em chung quanh cũng thế. Mỗi người đều có mặt sáng và mặt tối, mặt tốt và mặt xấu. Không ai hoàn toàn tốt, chẳng ai hoàn toàn xấu. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào mặt đen tối của một con người, mà quên đi mặt sáng của họ; nhìn vào nhược điểm mà quên đi ưu điểm, thì chúng ta sẽ rất thất vọng về người đó.

Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người trong đêm vườn Dầu và đêm khổ nạn, là bài học cho chúng ta trong tương quan với người khác.

Nhờ ngắm nhìn cụm hoa hồng rực rỡ kiêu sa và thưởng thức hương thơm dịu dàng của nó, người ta quên đi những gai nhọn đáng phàn nàn của nó.

Ước gì chúng ta cũng biết nhìn vào điểm sáng, điểm tốt, vào ưu điểm của người khác để dễ dàng cảm thông với những mặt trái, mặt xấu của họ.

Nhờ đó, chúng ta cảm thấy những người quanh dễ thương hơn; tương quan của ta với người khác được cải thiện tốt hơn và đời sống giữa chúng ta với nhau sẽ hạnh phúc hơn.

 

15. Từ Tabor đến Golgotha – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Một linh mục qua nhiều năm coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng sâu sắc như sau:

Có một đôi vợ chồng trẻ rất xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo. Đúng là một cặp “trai tài gái sắc”. Có lẽ chính nét trẻ trung xinh xắn của vợ chồng đã cho họ một mùa xuân cuộc đời thật nồng cháy tình yêu và hạnh phúc.

Một ngày nọ, người vợ ăn một nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia. Người chồng vui vẻ đón nhận:

- Ôi nửa trái táo ân tình, công chúa của lòng anh!

Hai mươi năm sau. Cũng đôi vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian. Cũng một trái táo, vợ ăn một nửa, mời chồng phần còn lại. Nhưng người chồng nhăn mặt:

- Sao lại cho nửa trái táo ăn thừa?

Tất cả nguyện trạng chỉ khác có nhan sắc. Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ tay “người đẹp” là trái táo ân tình. Hai mươi năm sau từ tay “nàng già” là trái táo ăn thừa. Nếu chỉ dựa vào nhan sắc người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.

***

Cuộc biến hình trên núi Tabor được xếp đặt trước việc tiên báo khổ nạn. Nếu người ta làm cho an toàn những viên thuốc đắng bằng một lớp vỏ bọc đường, thì Đức giêsu cũng hóa giải tin khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ. Bọc đường chứ không bọc thuốc ngủ. Hóa giải chứ không gây mê.

Nhưng có lẽ cuộc biến hình đã phản tác dụng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Moi sê và một cho Elia” (Mc 9,5). Vậy là Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor. Họ đòi ngủ yên trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa.

Các ông đâu biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát, rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên đồi Canvê. Theo Thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp và leo lên thập giá với Thầy.

Cũng như ba môn đệ, đôi vợ chồng trong câu chuyện kể trên chỉ muốn dừng lại ở vẻ đẹp. Nhưng vẻ đẹp đâu tồn tại mãi, Chúa chỉ mặc “tấm áo trắng như tuyết” trong chốc lát vì niềm hy vọng Phục Sinh. Cuộc đời cần hạnh phúc chứ không phải vẻ đẹp.Vẻ đẹp là một ân huệ của trời, nhưng cũng có thể là cạm bẫy cướp đi hạnh phúc.

Giá trị đích thực chính là tình yêu, chính do tình yêu mà đôi vợ chồng mới giữ được lòng chung thủy, chính do tình yêu mà các Kitô hữu mới trở nên bóng hình xinh đẹp rực rỡ của Chúa. Chính do tình yêu mà chúng ta phải biến hình đổi dạng mỗi ngày để phản ánh vinh quang ngời sáng của Người.

Đức Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Đức Kitô rong ruổi trên các đường phố Palestine rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ.

Đức Kitô sáng láng của Tabor cũng chính là Đức Kitô thắm đẫm mồ hôi trong vườn Giếtsimani.

Đức Kitô rực rỡ của Tabor cũng chính là Đức Kitô treo trên thập giá đỉnh Golgotha.

Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Đường tình yêu. Theo Thánh Teresa thành Lisieux: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Giêsu ta trèo lên đồi Canvê”. Thánh Bernadette cầu nguyện: “Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng chỉ xin Người đừng bỏ con trong khổ đau”.

***

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn can đảm tiến bước trên đường đời chông gai vạn nẻo, với niềm hy vọng biến cố Phục Sinh sẽ bừng sáng. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ