Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 41
Tổng truy cập: 1371509
ĐỀN THỜ MỚI LÀ THÂN MÌNH CHÚA GIÊSU
ĐỀN THỜ MỚI LÀ THÂN MÌNH CHÚA GIÊSU– Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Bối cảnh của câu chuyện Tin mừng chúa nhật tuần 3 mùa chay là lễ Vượt qua của những người do thái, cuộc lễ mà hằng năm những người do thái cử hành để tưởng nhớ sự kiện họ được Thiên Chúa giải thoát khỏi nô lệ Ai cập để đưa vào đất hứa. Những ai có điều kiện đều cố gắng để đi dự lễ ở Giêrusalem để tưởng niệm sự kiện vượt qua và để cầu nguyện với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng có mặt ở đây vào dịp lễ này và khi nhận thấy nhiều người buôn bán chiên bò và đổi tiền, Người đã nổi giận và chắp dây thừng làm roi đánh đuổi những người buôn bán chiên bò và hất tung bàn của những người đổi tiền.
Đối với những người do thái, Đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân người, là nơi để con người đến cầu nguyện và nhận những phúc lành của Thiên Chúa ban. Dầu vậy, đền thờ có thể bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích do bởi con người dùng làm nơi buôn bán trục lợi cho mình. Chúa Giêsu đã nổi giận và dùng roi đánh đuổi những người buôn bán chiên bò và đổi tiền, đồng thời người loan báo một dấu chỉ mới là « đền thờ thân thể người », sẽ không còn bị hư đi vì những việc mua bán lạm dụng của con người và đền thờ này sẽ lôi kéo mọi người đến với mình để được ơn sủng cứu độ. Đền thờ mới này dù có bị con người phá hủy, ám chỉ cái chết thập giá của người, nhưng sẽ được xây dựng lại mau chóng nội trong ba ngày. Chúa Giêsu ám chỉ sự phục sinh vinh quang của người sau cái chết thập giá. Nơi Chúa Giêsu và nơi những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của người thì những dấu chỉ như đền thờ và lễ vượt qua của do thái giáo sẽ mặc một ý nghĩa mới và quyết định. Thân thể của người sẽ là đền thờ mới nơi sẽ tuôn trào mọi ân sủng cứu độ, và cái chết thập giá của người là cuộc vượt qua quyết định để đi từ sự chết đến sự sống muôn đời.
Nơi đền thờ Giêrusalem, những người buôn bán thường được sắp xếp ở sân trước đền thờ, chỗ dành cho chư dân chứ không phải ở bên trong đền thờ, để những khách hành hương khi đến đây thuận tiện đổi tiền và mua chiên bò làm lễ vật. Chúa Giêsu, khi nhìn thấy cảnh tượng này, người đã nổi giận và dùng roi đánh đuổi những người buôn bán vì cho rằng như thế là làm ô uế đền thờ. Hành động của Chúa Giêsu thuộc về những hành động các tiên tri thường làm để diễn tả sứ điệp của các ngài. Chúng ta có thể nhớ lại những hành động của các tiên tri như Giêrêmia tiên báo sự phá hủy của đền thờ Giêrusalem (7,1-14), hoặc Malakhia (3,1) hoặc của tiên tri Isaia (56,7). Chúa Giêsu muốn diễn tả rằng những gì các tiên tri đã loan báo về việc thanh tẩy đền thờ ở thời đại cuối cùng đang diễn ra. Đây là lúc đền thờ Giêrusalem được thanh tẩy và mọi người phải cố gắng để đón nhận thực tại mới. Những lời Chúa Giêsu nói khi người xua đuổi những người mua bán chiên bò và hất tung bàn của những người đổi tiền là đòi hỏi họ chấm dứt những việc làm bất xứng này trong nhà của cha người : «hãy đem những thứ này đi khỏi đây và đừng làm nhà cha ta thành nơi buôn bán ». Chúa Giêsu đã hành động như người bảo vệ quyền của Thiên Chúa và mạc khải tương quan duy nhất của người với Chúa Cha. Chỉ có người hiểu biết Cha và chỉ có người có quyền đòi hỏi mọi người phải tôn trọng đền thờ của Thiên Chúa là Cha người cách phù hợp. Những người do thái liền đặt câu hỏi bởi đâu người có quyền làm như vậy, và họ đòi người cho họ một dấu chỉ để làm bằng chứng. Chúa Giêsu đã trả lời và cho họ một dấu chỉ bí ẩn là chính thân xác người mà những người do thái không hiểu : «Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại ».
Nhờ những câu bình luận của tác giả Tin mừng Gioan, chúng ta có thể hiểu hơn về hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu. Tác giả hiểu sự cô đơn của Chúa Giêsu, các môn đệ và dân chúng không hiểu người, nhất là do bởi số phận bi đát của người sẽ bị những thượng tế và luật sĩ cũng như dân chúng loại trừ : sự nhiệt thành vì nhà Chúa của người dẫn người lần hồi đến cái chết. Dầu vậy, Chúa Giêsu vẫn luôn xác tín con đường thập giá mà người đón nhận sẽ dẫn tới sự phục sinh vinh quang, người xác tín Chúa Cha sẽ phục sinh người và vì thế, người sẽ là đền thờ mới, là thực tại trọn vẹn mà đền thờ Giêrusalem chỉ là hình bóng và là dấu chỉ. Những điều này, các môn đệ chỉ có thể hiểu được ý nghĩa khi người Phục sinh : «Khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lại lời đó, nên các ông mới tin Kinh thánh và tin lời Chúa Giêsu ». Vì thế, sự hiện diện của Thiên Chúa và hành vi cứu độ quyết định của Thiên Chúa đối với dân người không phải nơi đền thờ Giêrusalem, được xây dựng bởi gạch đá nhưng là nơi chính Thân mình của Chúa Giêsu. Dấu chỉ sống động của sự hiện diện của Thiên Chúa không ở một nơi nào, dù là đền thờ Giêrusalem, nhưng là nơi con người sống động của Chúa Giêsu.
Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu khi trả lời câu hỏi của những người do thái, là hãy nhìn ngắm và tìm kiếm dấu chỉ sống động của Thiên Chúa ở giữa họ. Dấu chỉ mà Chúa Giêsu ban tặng chính là việc người bị treo trên thập giá và được sống lại trong vinh quang. Thánh Phaolô khai triển trong bức thư gửi tín hữu Côrintô ý nghĩa của dấu chỉ thập giá. Dấu chỉ mà Thiên Chúa ban tặng cho con người lại là thập giá, sự vấp phạm đối với những người do thái, và là sự điên rồ đối với những người hy lạp, nhưng lại là khôn ngoan của Thiên Chúa. Đối với những người do thái, người bị đóng đinh trên thập giá là đồ bị chúc dữ và là tội nhân, mà tội nhân thì không thể thuộc về Thiên Chúa được. Đối với những người hy lạp, người bị treo trên thập giá là kẻ điên rồ, bởi vì những người khôn ngoan thì được danh giá và được mọi người kính trọng, chỉ có những người ngu dốt, làm điều gian ác mới bị trừng phạt tủi nhục như thế. Nhưng thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng điều mà con người cho là vấp phạm và điên rồ lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự điên rồ của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan của loài người và sự yếu đuối của Thiên Chúa vượt xa sức mạnh của loài người bởi vì Thiên Chúa có thể làm cho Đức Giêsu phục sinh từ trong cõi chết.
Những thực tại mới của mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh vinh quang của Đức Giêsu là điều đảo lộn đối với lối suy nghĩ hẹp hòi của những người do thái vốn quen với những cách suy nghĩ bình thường cố hữu : thân xác của người sẽ là đền thờ đích thực nơi mà Thiên Chúa hiện diện và cứu độ nhờ bởi việc đón nhận cái chết thập giá. Những thực tại mới này cũng đảo lộn những suy nghĩ bình thường của mỗi người chúng ta vốn thường tìm kiếm những thành công, vinh quang, của cải ở trần gian. Chúng ta ít khi hình dung những đau khổ, những thất bại, những khó khăn vất vả của những việc chu toàn bổn phận hằng ngày lại là điều kiện của việc tham dự vào sự vượt qua từ thân phận phải chết để đạt đến sự sống phục sinh vinh quang. Chúa Giêsu đã sống thực mạnh mẽ xác tín vào sức mạnh phục sinh của Cha người, và người lôi kéo chúng ta bước theo người để đạt đến sự phục sinh vinh quang. Chúng ta cũng được mời gọi hiến dâng chính đền thờ là thân xác mình bằng cách chết đi chính mình, hy sinh tính ích kỷ và tham muốn của mình, diệt trừ những tính hư tật xấu và cố gắng để sống phục vụ với lòng yêu mến Chúa và yêu thương phục vụ mọi người.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY-B
ĐỀN THỜ LÀ NHÀ CHA TA- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Đền thờ có mục đích quy tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý là nhận biết những điều chân thật để kính mến và tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Những điều chân thật đó là: Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu độ, là Chúa và Chủ tể duy nhất hằng hữu, là tình yêu vô biên và hằng thương xót: “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa ngươi và chỉ một mình Ngài” (Mt. 4, 10). Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy, đức mến sâu sắc như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh “Magnificat – Linh hồn tôi ngợi khen Chúa …” (Giáo lý c. 6. 1992, số 2096-2097).
So sánh với trường học là nơi đào tạo học sinh thâu thái những kiến thức khoa học và những luật lệ xã hội để trở thành công dân hữu ích, mục đích tốt của trường học đạt tới thành nhân. Đền thờ đào tạo tín hữu thành thánh nhân, thành công dân nước trời bây giờ và vĩnh viễn muôn đời. So sánh với gia đình, nơi con người được sống trong tình thương ấm cúng, được nuôi dưỡng, săn sóc tới khôn lớn, được chia vui sẻ buồn, an ủi khuyến khích lẫn nhau, che chở, đùm bọc, hy sinh cho nhau. Đền thờ nơi tín hữu sống trong tình thương bao la của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng của ăn thịt máu Con Thiên Chúa, được ấp ủ soi sáng bằng ân sủng Thánh Thần, được chia sẻ lời hằng sống. Và cùng cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa những hy sinh đau khổ, hiệp thông Thánh giá cứu độ của Đức Kitô, cùng với các thánh chung hưởng vinh phúc bất tận của Đấng Cứu Thế phục sinh.
Đền thờ đối với dân Do thái là lẽ sống của dân tộc. Đền thờ còn thì dân tộc còn. Đền thờ tan thì đất nước mất. Đền thờ bị xúc phạm thì toàn dân bị ô nhục. Thời vua Sêđêkia, đền thờ bị quân Babylon thiêu hủy, dân bị lưu đầy. Đền thờ được xây dựng lại, dân được trở về nước (2Ks. 36, 17). Thời Đức Giêsu khi toàn quyền Philatô treo ảnh hoàng đế Caesar (Sêda) ở khuôn viên đền thờ, lập tức dân nổi dậy mạnh mẽ chống đối quân La mã, dù phải chết, phải chịu đóng đinh vào thập giá.
Công vụ Tông đồ cũng kể trường hợp thánh Phaolô dẫn bốn người dân ngoại đã được tẩy uế trước khi dẫn vào đền thờ, thế mà Phaolô vẫn bị người Do thái xách động đám đông bắt ông và đang tìm cách giết Phaolô. May nhờ binh sĩ Rôma đã đến kịp thời, xiềng còng ông lại dẫn về đồn (Cvtd. 21, 26-32).
Đền thờ được tôn trọng như thế, nhưng chính họ lại biến đền thờ thành chợ búa, như hang trộm cướp, không còn là nhà Thiên Chúa, nhà Cha chung để cầu nguyện, tôn thờ Thiên Chúa, nơi quy tụ mọi người trong tình thương mến anh em nữa.
Phải chăng, chỉ còn một mình Đức Giêsu “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà sẵn sàng thiệt thân, sẵn sàng bị giết đi, sẵn sàng chịu phá hủy, nhưng Người sẽ xây lại đền thờ chỉ trong ba ngày”. Để cứu nguy dân tộc, giải thoát muôn dân, một đền thờ mới sống động bất diệt là “chính mình Người” (Ga. 2, 17. 19-21).
Chính mình Người mới đích thực là đền thờ, là nhà cầu nguyện: “Toàn thể được xây dựng trên tảng đá góc tường là chính Đức Giêsu Kitô để thành ngôi đền thờ. Trong Người cả anh em nữa, cùng với những người khác cũng được xây thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí (Eph. 2, 20-22).
Trong đền thánh cực trọng này, Người dâng lên Chúa Cha tâm tình trìu mến con thảo: “Này con xin đến, để làm theo thánh ý Cha”. Trong đền thánh này, Người cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha … Lạy Cha, tất cả những gì Cha ban cho Con đều do bởi Cha. Con đã ban lời Cha cho họ … Lời Cha là sự thật, xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ … Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho tất cả những ai nhờ họ mà tin vào Con …” (Ga. 17, 1. 7-8. 17-20).
Trong đền thánh này, Đức Giêsu còn dâng lên Cha bao nhiêu những người đói nghèo, bệnh hoạn, tật nguyền mà Người cứu chữa hàng ngày; bao nhiêu những lao công vất vả gồng gánh nặng nề mà Người đến bổ sức cho họ; bao nhiêu những tội nhân, quỷ ám, mà Người xin Cha cho họ vì họ lầm chẳng biết; bao nhiêu những người bị đả thương nửa sống nửa chết, bao nhiêu những người đau khổ, nhục nhã oan khiên, tù đày, tử đạo thập giá như Người.
Trong đền thờ này, “chính Người là thượng tế đến muôn đời … Một vị thượng tế thánh thiện vẹn toàn, vô tội … cao cả vượt các tầng trời … Người dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ … và chỉ mình Đức Kitô dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại” (Pt. 7, 11.26. 28 và 10, 12).
Mỗi người chúng ta đang được dự phần vào đền thờ Đức Giêsu muôn thuở. Mỗi người là một viên gạch nhỏ, một đền thờ nhỏ trong một đền thờ vĩ đại bao trùm cả trời đất. Nhưng mỗi người chúng ta tự hỏi mình là đền thơ, là “nhà Cha Ta”, là “nhà cầu nguyện” hay đã tự biến thành chợ búa, hang trộm cướp.
Thực ra, mỗi người chúng ta đã được là đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa ngay khi chúng ta được rửa bằng nước và Thánh Thần. Thánh Thần đã xức dầu thánh hiến chúng ta thành đền thờ Chúa. Muốn cho đền thờ chúng ta mãi mãi là nhà Cha Ta, là nhà cầu nguyện, chúng ta không được treo một tà thần nào, một thần tượng nào của vùng trời, vùng đất, vùng biển trong đền thờ mình, dù là tiên giáng trần, hay thần tài, thần quyền, chỉ được treo hình ảnh Thiên Chúa mà thôi, vì “Ta là Đức Chúa, Chúa của ngươi … Những ai yêu mến Ta và giữ giới răn của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa với họ đến ngàn đời”. (Xh. 20, 1-17).
Lạy Cha, trong mùa Chay thánh này, xin cho chúng con biết khuyến khích nhau kéo nhau: “nào ta lên đền thánh Cha” để cầu nguyện, dâng lời cảm tạ Cha với tấm lòng sám hối, tan nát, khiêm cung và dâng lên Cha những của lễ hy sinh bác ái, cùng với của lễ duy nhất là Mình Máu thánh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- B
THANH TẨY BẢN THÂN- Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Chúa Giê-su là Đấng rất hiền lành và Ngài cũng là mẫu mực của sự hiền lành như lời Ngài mời gọi: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29).
Khi bị người đời phê phán là người mất trí (Mc 3, 21), là kẻ nói phạm thượng (Mt 9, 3), là người lấy phép của tướng quỷ mà trừ quỷ (Mt 9, 34), là người bị quỷ ám (Ga 7,20), là người dại dột … Chúa Giê-su vẫn bình thản như không.
Nhất là trong cuộc thương khó, dù bị lăng nhục và hành hạ đủ điều, bị chế nhạo đủ cách, Chúa Giê-su vẫn nín lặng và thản nhiên. Khi chịu đóng đinh vào thập giá với những cơn đau khủng khiếp, Chúa Giê-su chẳng những không oán hận mà lại còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ hành hạ và đóng đinh Ngài.
Tóm lại, Chúa Giê-su là Đấng rất dịu hiền và rất bao dung khiến người ta nghĩ rằng Ngài không bao giờ nổi giận.
Chúa Giê-su không thể khoan dung với việc tục hoá đền thờ
Vậy mà khi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem, thấy người ta làm ô uế đền thờ thì Chúa Giê-su không thể nào chịu nổi. Ngài nổi giận thật sự. Tin Mừng Gioan ghi lại: “Ngài thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Ngài liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Ngài nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Gioan 2, 14-16).
Thật không ngờ! Một Chúa Giê-su rất hiền lành khiêm nhượng, Đấng mà ‘cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi’ (Mt 12,20) giờ đây đã nổi trận lôi đình, phải dùng roi vọt và biện pháp cứng rắn đối với những người xúc phạm đến sự linh thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
Điều đó chứng tỏ rằng đối với Chúa Giê-su, việc làm ô uế Đền Thờ là một xúc phạm nặng nề mà Ngài vốn rất nhân từ và bao dung cũng không thể nào chịu đựng nổi!
Thân thể chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa
Thế nhưng còn một đền thờ khác còn cao trọng hơn đền thờ Giê-ru-sa-lem xưa, đó là đền-thờ-thân-xác chúng ta. Thánh Phao-lô khẳng định: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (I Cor 3,16) hoặc: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? (I Cor 6, 19)
Chúa Giê-su cũng dạy rằng mỗi người chúng ta là đền thờ cho Ba Ngôi ngự trị: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta (tức Ba Ngôi Thiên Chúa) sẽ đến ngự trong người ấy” (Ga 14, 23).
Chính vì yêu quý đền-thờ-thân-xác chúng ta quá đỗi nên Chúa Giê-su sẵn sàng chuộc lại bằng giá máu của Ngài, đã thánh hoá bằng Lời hằng sống và hiến ban Thịt Máu Ngài trong bí tích Thánh Thể để bồi bổ đền thờ này vạn lần cao đẹp hơn.
Điều đó chứng tỏ rằng đối với Thiên Chúa thì thân xác con người là đền thờ vô giá!
Vì thế, nếu hôm xưa người Do-thái làm ô uế đền thờ Giê-ru-sa-lem khiến Chúa Giê-su đau lòng một phần, thì hôm nay, nếu có ai làm cho đền thờ cao quý là thân xác các môn đệ Ngài ra nhơ uế thì Ngài đau xót gấp trăm. Thế nên, Ngài nghiêm khắc lên án những người xúc phạm: “Ai làm cho một kẻ nhỏ tin vào Thầy vấp phạm, (tức là làm hư hại đền-thờ-thân-xác người khác), thì thà lấy cối đá cột vào cổ người ấy rồi xô xuống biển còn hơn” (Lc 17, 1-2).
Thánh Phao-lô cũng quả quyết: “Ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy” ( I Cor 3, 13-17).
Hãy sớm thanh tẩy đền thờ bản thân
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn thật sâu vào nội tâm kín ẩn của mình để truy tìm những điều làm cho chúng ta ra nhơ uế và quyết tâm thanh tẩy tâm hồn, vì “từ trong lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế” (Mt 15, 19-20).
Ngoài ra, chúng ta phải tôn trọng thân xác chúng ta là đền thờ Thiên Chúa, được Chúa Giê-su cứu chuộc bằng Máu thánh Ngài, được xức dầu thánh hiến bằng Thánh Thần, được Ba Ngôi Thiên Chúa vui thích chọn làm nơi ngự trị. Cần trang điểm đền thờ thân xác chúng ta bằng những đức tính tốt; phải nâng cấp bản thân bằng rèn luyện cho mình những phẩm chất cao đẹp cho xứng với danh hiệu đền thờ cao quý của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam