Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1371436
ĐỀN THỜ VẬT CHẤT, ĐỀN THỜ TÂM HỒN
1. Một ngày kia tôi đi xa, khi trở về thì thấy ở vách tường phía trước phòng ở đầy những vết dơ do một số em nhỏ có lẽ do vô ý thức đã chọi những trái bàng vào vách tường, làm mủ dính gây bẩn, điều này làm tôi khó chịu, cho nên mau mau đi chùi rửa. Có thể nói, đó là tâm lý chung của mọi người, ai cũng muốn giữ sạch sẽ nơi mình ở, dù chỉ là nơi ở tạm. Vì thế, chúng ta chẳng ngạc nhiên gì khi thấy Chúa Giêsu giận dữ xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem, nơi Ngài xem đó là nhà Cha của Ngài.
Qua hành động này Chúa muốn nhắc nhở chúng ta điều gì? Phải chăng Ngài ước muốn chúng ta quan tâm chăm sóc, trân trọng đối với ngôi nhà Thiên Chúa: ngôi nhà vật chất là nơi thờ phượng cũng như đền thờ thật của Thiên Chúa là tâm hồn của chúng ta.
2. Người Do thái thời Chúa Giêsu họ có rất nhiều hội đường, một cộng đoàn Do thái khá đông là có thể có một hội đường, để các ngày lễ, ngày Sabbat họ tựu lại để cầu nguyện, học hỏi Lời Thiên Chúa. Nhưng chỉ có một đền thờ chính thức, duy nhất ở Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem được gọi là Đền thánh vì là nơi tượng trưng cho Thiên Chúa ngự. Những dịp lễ lớn người Do thái có thói quen hành hương về Đền thờ Giêrusalem.
Theo tục lệ, khách hành hương lên Đền thờ phải dâng của lễ, người giàu thì thường dâng bò hay chiên, kẻ nghèo thì một cặp bồ câu. Dân buôn bán lợi dụng đem bày bán những thứ này ngay ở sân Đền thờ cho khách hành hương. Luật Do thái cũng buộc người đàn ông hằng năm phải nộp thuế cho đền thờ nữa (1/2) đồng tiền của người Do thái. Tiền Lamã lúc ấy rất thông dụng, nhưng vì in hình vua ngoại đạo, nên không được lưu hành trong Đền thờ. Vì thế con buôn cũng lợi dụng đổi chác tiền bạc để kiếm lời.
Đền thờ Giêrusalem đã bị tục hoá, biến thành cái chợ, không hơn không kém. Việc phụng tự đã trở nên tấm bình phong để người ta tìm kiếm những lợi lộc vật chất, là nơi để người ta phô trương… Đứng trước tình trạng tục hóa, Đức Giêsu rất đau lòng, không nén nổi cơn thịnh nộ, Ngài đã ra tay hành động để nhắc nhở về việc thờ phượng đích thực và trả lại cho Đền thờ sự tôn nghiêm cần thiết phải có của nó.
3. Giờ đây, qua đoạn Phúc Âm này, Ngài cũng nhắc nhở chúng ta cần có một sự quan tâm, trân trọng chăm sóc đối với đền thờ của Thiên Chúa: đền thờ vật chất cũng như đền thờ thật của Thiên Chúa là con người của chúng ta:
* Trước hết đó là đền thờ vật chất. Chúa Giêsu đã sử dụng nhiệt tâm và cả sức mạnh thể lý để bênh vực bảo vệ “Nhà Cha”. Cũng vậy, chúng ta cũng phải biết vận dụng mọi khả năng của chúng ta để: xây dựng, gìn giữ nơi thờ phượng; tham gia những sinh hoạt của Giáo Hội để làm sáng danh Chúa.
* Kế đến cùng xây dựng Đền thờ thật của Thiên Chúa. Xây dựng, chăm sóc cho ngôi nhà thờ hữu hình, tích cực xây dựng Giáo hội là cần thiết, nhưng chưa đủ; mỗi Kitô hữu chú tâm xây dựng con người mình thành nơi thờ phượng đích thực của Thiên Chúa.
Nhờ Bí tích Rửa tội, thân xác của mỗi chúng ta được trở nên Đền thờ Chúa Ba Ngôi, thế mà nhiều lần đã trở nên nhơ uế khi chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động theo thói thế gian, chiều theo tính xác thịt của mình thay vì theo ý Thiên Chúa. Đó chính là những cản trở làm Chúa khó đến với ta. Chúa Giêsu cũng giận dữ nói với mọi người chúng ta: “Hãy đem những thứ nầy đi khỏi đây” cho khuất mắt Ta. Chúng ta nghĩ sao? Khi nơi ta ở dơ bẩn thì cảm thấy khó chịu, lẽ nào ta lại cam chịu để tâm hồn chúng ta đầy vết nhơ tội lỗi!
Không riêng gì bản thân mọi người, mà gia đình Kitô hữu, cũng được mời gọi trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Liệu trong ngôi đền thờ ấy các thành viên có biết yêu thương, khoan dung đối với nhau không? Nếu có được những điều đó là dấu hiệu Thiên Chúa ngự trị, rất đáng mừng. Ngược lại, khi để những thứ ngẫu tượng khác ngự trị như: ích kỷ, hận thù, gian dối thật là điều đáng buồn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra rằng gia đình chúng con, thân xác chúng con là hình bóng Giêrusalem trên trời, để chúng con không những biết dọn dẹp, trang hoàng ngôi nhà thờ vật chất mà điều cần thiết hơn là phải làm đẹp nội tâm của chúng con ngay từ bây giờ, nhất là trong những ngày chay thánh này. Amen.
30. Cơn Giận Thánh – AM Trần Bình An
Theo Phúc Âm Nhất Lãm, sau cuộc nghênh đón trọng thể của dân chúng rước Chúa Giêsu vào Đền Thánh Giêrusalem, Người đã đơn phương xua đuổi con buôn ra khỏi nơi linh thiêng, mặc dù họ đã được các thầy tư tế cho phép hành nghề.
Dĩ nhiên, họ đã phải nộp đầy đủ các khoản hoa chi, thuế má, hay phí kiểm tra chất lượng các vật hy tế. Hơn nữa, lợi dụng luật cấm dân chúng không được phép tự ý mua lễ vật bên ngoài đem vào, họ nâng giá vô tội vạ, thường gấp hàng chục lần giá thị trường.
Vì thế Chúa Giê su mới nổi cơn thịnh nộ.
Người liền lấy dây làm roi, mà xua đuổi tất cả chiên, cũng như bò, ra khỏi Đển Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người lật tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,15 -17). Trong khi Phúc Âm Nhất Lãm đều chép lại lời quở mắng của Chúa Giê su còn đanh thép hơn nữa: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện, (Is 56,7) thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Mt 21,13. Mc 11,17. Lc 19,46)
Ngày nay, nhiều chốn linh thiêng cũng vẫn tiếp tục bị ô uế, chẳng phải vì cảnh buôn bán bát nháo chiên bò, chim câu như xưa nữa, mà khéo léo che đậy tinh vi hơn. Có nơi bị biến tướng thành chốn rạp hát, vũ trường. Có nơi còn thành chốn ca ngợi tà thuyết, truyền bá văn minh sự chết. Có nơi trá hình thành điểm giao dịch buôn thần bán thánh, biến thành hang ổ của tập đoàn tội ác.
Cơn giận Chúa làm sao nguôi được?
Còn đền thờ sống động của tín hữu, cũng chẳng mấy tươm tất, sạch sẽ, hay sáng sủa cho cam, mà trái lại, cũng hoen ố bụi bặm, rác rười, ruồi nhặng, xú uế hôi hám, vì chất chứa thói mê tật xấu. Vì thế ông Gioan Tẩy Giả đã mời gọi ăn năn, sám hối, để chào đón Chúa đến viếng thăm. Nhưng hình như lời kêu gọi ấy chỉ vang vọng trong hoang mạc, chưa kịp dội vào vào tâm hồn kẻ tin vào Chúa.
Làm sao Chúa không nổi cơn thịnh nộ?
Nhưng Ngài vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt,
Nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí (Tv 78,38)
Thánh Phaolô đã phải tha thiết nhắn nhủ trong thư gửi cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền thờ của Chúa Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về chính mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6,19-20).
Lạy Chúa, nhờ vào lòng thương xót vô biên của Ngài, xin thanh tẩy đền thờ tâm hồn con, để con trở nên thanh sạch, xứng đáng đón nhận Lời Hằng Sống.
Lạy Mẹ từ bi nhân hậu, xin giúp con thấy được những lỗi lầm, vấp phạm và tội lỗi, để con sớm sám hối, canh tân, đổi mới, hầu con được ơn cứu rỗi. Amen.
31. Điện Thờ Thân Thể của Người
(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Chương hai gồm hai câu chuyện: phép lạ tại Cana, như là dấu lạ đầu tiên để các môn đệ tin vào Chúa Giêsu (2,1-11) và việc thanh tẩy đền thờ và loan báo đền thờ thân thể Người, như là dấu lạ cho người Do thái, nhưng họ không hiểu (2,13-25). Đoạn 2,13-25 gồm hai phần song song với nhau: – phần 2,13-17 gồm: hành động của Chúa Giêsu (c.14-15), lời của Người về nhà của Thiên Chúa bị làm thành cái chợ (c. 16), và việc nhớ lại của các môn đệ (c. 17); – và phần 2,18-25 gồm: hành động của người Do thái (c. 18), lời của Chúa Giêsu về điện thờ mới (c.19), và việc nhớ lại của các môn đệ (c. 22). Trong phần nầy có thêm ghi nhận việc không hiểu của người Do thái (c. 20) và lời giải thích của thánh sử (c. 21). Phần thứ hai hoàn thành phần thứ nhất.
Theo thánh Gioan, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người còn lên đó nhiều lần khác nữa (6,4; 11,15; 12,1; 13,1). Ba sự kiện: lễ Vượt Qua, thanh tẩy đền thờ và loan báo việc sống lại liên kết với nhau rất ý nghĩa. Mỗi dịp lễ Vượt Qua là lúc đền thờ được sử dụng cách đặc biệt để cử hành biến cố Thiên Chúa đưa dân Do thái ra khỏi kiếp nô lệ ở Ai cập. Chúa Giêsu thanh tẩy đến thờ là để phục hồi lại phẩm giá cho nhà của Thiên Chúa, vì những người buôn bán trong đền thờ đã tục hóa khi làm nơi đó thành cái chợ. Trong bối cảnh nầy, Chúa Giêsu loan báo một điện thờ mới, xứng đáng cách tuyệt đối làm nơi thờ phượng Thiên Chúa. Đó là thân thể phục sinh của Người. Muốn được thế, Người phải chịu hủy hoại, cũng vào dịp lễ Vượt Qua (2,17; 19,14).
Điện thờ mới gắn liền với sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã đi từ một đền thờ, ieros, Giê-ru-sa-lem cụ thể, với những gian nhà và không gian chung quanh (2,14.15) đến một không gian hẹp hơn. Đó chỉ là điện thờ, naos, là nơi để cử hành các nghi thức thờ phượng Thiên Chúa (2,19.20. 21). Đền thờ Giêrusalem tượng trưng cho cơ chế và quyền bính của Do thái giáo. Chúa Giêsu không nói gì đến việc phá hủy đền thờ và quyền bính nầy, theo như lời cáo buộc sau nầy (Mc 14,58; Mt 26,61). Việc thanh tẩy đền thờ dẫn đến việc loan báo dựng lên một điện thờ mới chứng tỏ đền thờ cũ không cần thiết nữa và phải được thay thế (cf. 4,21).
Việc thay thế sẽ không là xây dựng một đền thờ trong bốn mươi sáu năm, mà trong ba ngày. Thân thể Chúa Giêsu chính là điện thờ. Người sẽ chết và sống lại trong ba ngày. Sự chết của Người được ám chỉ trong trích dẫn Thánh vịnh 69,10: “Nhiệt tâm cho nhà Người sẽ hủy hoại tôi” và trong mệnh lệnh “Các ông hãy phá huỷ điện thờ này đi” (2,19). Trong khi để chỉ sự sống lại, thánh Gioan đã cố ý dùng chữ egeiro, có hai nghĩa: dựng lên một căn nhà hay một đền thờ, và làm cho đứng dậy, trỗi dậy. Động từ nầy được dùng để chỉ việc Chúa Cha làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết (2,22; 21,14).
Điện thờ là nhà của Thiên Chúa, là nơi gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Nơi đó sẽ không còn là một không gian, mà là một đấng: Chúa Giêsu Kitô Sống Lại.
32. Bắt đầu lại trong sự thật – Jean-Yves Garneau.
Khi sự việc hư đi
Đa số những của cải trần thế này đều mau chóng biến chất. Chưa đầy hai năm mà chiếc xe lộng lẫy đắt tiền của chúng ta đã bắt đầu trục trặc rồi. Ghế trường kỷ đẹp đẽ trong phòng khách nhanh chóng bạc màu, nhất là nếu có trẻ con trong nhà. Nước sơn trên tường nhà bếp, những cánh cửa bằng gỗ, những chỗ nối các viên gạch hoặc các viên đá… Mọi sự đều xuống cấp một cách mau chóng lạ lùng.
Cũng y như vậy trong nhiều lãnh vực khác nữa. Một tình bạn nẩy sinh: mươi ngày sau, có lẽ người ta đã cãi nhau rồi. Kết hôn: đó là tình yêu lớn. Sáu tháng sau người ta không còn như trước nữa. Mọi sự không suôn sẻ nữa. Có những điều làm ta khó hiểu nhau. Có những hố sâu bắt đầu xuất hiện. Cũng một hiện tượng đó về mặt tôn giáo. Với thời gian, tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và anh em nguôi đi. Ta buông thả. Ta có những thói quen nhỏ ít nhiều không đúng đắn. Cũng như mọi sự khác, đời sống thiêng liêng cũng có thể xuống cấp… và trong thực tế rất thường xuống cấp.
Vào thời Chúa Giêsu, Đền Thờ phải là nơi cầu nguyện và dâng của lễ, nhưng người ta đã biến nó thành một cửa tiệm và một trung tâm buôn bán. Ở Công đồng Vatican II, người ta đã ý thức rằng phải thanh tẩy Giáo hội về nhiều mặt. Phải đổi mới nhiều điều khác. Phải loại bỏ đi nhiều điều khác nữa. Thật vậy, với thời gian mọi sự đều có thể xuống cấp.
Thẳng thắn nhìn vấn đề.
Sự kiện có bao nhiêu thứ hư hỏng đi theo thời gian xem ra không trầm trọng lắm. Nhưng không nhìn thấy điều đó hoặc tệ hơn nữa không chịu nhìn thấy, không ý thức vấn đề, làm như thể không có chuyện gì cả, đó mới là trầm trọng.
Chúa Giêsu đã thấy ngay những gì không ổn tại cửa đền thờ. Ngôi nhà dùng cho việc phụng tự đã trở thành nơi buôn bán. Chúng ta có sáng suốt như vậy để nhận thấy những gì đang xuống cấp trong cuộc sống Kitô của chúng ta không? Hay là chúng ta cứ nhắm mắt làm ngơ?
Tìm biết sự thật về tình trạng hiện thời của chúng ta. Đó là việc đầu tiên phải làm. Việc thiết yếu.
Cầm roi trong tay.
Sau khi thấy những gì không ổn trong Đền Thờ. Chúa Giêsu không mặc kệ bỏ đi, Ngài không làm ngơ. Cầm roi trong tay, Ngài hành động. Một cách hành động nghiêm khắc mà Ngài ít khi dùng trong đời Ngài.
Không cố gắng thì ta không đạt được gì cả. Điều này đúng về mặt luân lý và đời sống Kitô hơn về mọi phương diện khác. Chết đối với bản thân, móc mắt, chặt tay chân v.v… đó là kỹ thuật mà Chúa Kitô dạy. Roi ư? Tức là mọi năng lực ta có thể có được để xa lánh những nẻo đường mà trong đó chúng ta có nguy cơ sa lầy và để tiếp tục tăng trưởng.
Bắt đầu lại.
Cây không còn trổ lá nữa bởi vì đất đã khô cằn. Người ta bón phân cho nó. Thế là những chồi mới lại nhú ra. Lập gia đình đã hai năm rồi, đôi vợ chồng trẻ không còn yêu nhau như trước kia nữa. Họ muốn dành một buổi tối để kiểm điểm lại, nói với nhau vài sự thật. Cách bình thản. Và tình yêu của họ đã tìm lại được vẻ tươi mát ban đầu. Họ yêu nhau hơn trước kia nữa.
Cũng giống như vậy về mối tương quan giữa mỗi người chúng ta với Thiên Chúa. Đối với Ngài, không bao giờ có điều gì hoặc có ai đó đã hoàn toàn mất đi. Lầm đường vẫn còn có thể trở lui và đổi hướng. Những mối liên hệ bị cắt đứt có thể nối lại được. Tình yêu đã nguội lạnh có thể trở thành lò lửa. Với Ngài bao giờ cũng có thể bắt đầu lại và bao giờ cũng là lúc để bắt đầu lại. Và việc trước hết để bắt đầu lại là có cái nhìn sáng suốt về mình, về chính mình, về con người mà ta đang trở thành. Đó là Sự thật.
33. Đền thờ đích thật của sự thờ phượng và tập hợp.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Đoạn Phúc âm của thánh sử Gioan nói về Chúa đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ có một mạch lạc và đầy đủ ý nghĩa mà người ta khó lòng nhận ra được dễ dàng như vậy ở các thánh sử khác. Các thánh sử này biên soạn Phúc âm từ những quan điểm khác và quy tụ một các khác những tài liệu do đời sống Chúa cung cấp. Có những câu hỏi được đặt ra ở đây về sự phù hợp giữa những gì mà Gioan nói và những gì mà các Phúc âm Nhất lãm nói. Không đi sâu vào chi tiết, chúng ta chỉ đồng ý rằng: các khó khăn sẽ tan biến một khi người ta nhớ lại là thánh Gioan ưa trình bày một cảnh trí chung từ một sự kiện riêng rẽ. Cuộc đời Chúa Giêsu do thánh sử Gioan viết không có tính cách giai thoại. Bằng cách dùng những chi tiết cụ thể, thánh sử Gioan trình bày ở đây cho chúng ta thấy một bối cảnh qua đó, thánh sử muốn làm cho chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai.
Giáo huấn rút ra từ cảnh tượng các kẻ buôn bán trong Đền thờ bị đuổi, có tính cách song đôi. Nó chứng tỏ cho chúng ta: 1. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai; 2. Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai đích thân kế tiếp thực- tại tôn-giáo, được biểu thị qua Đền Thờ.
1) Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Chúa xử sự trong Đền thờ với một uy quyền mà chỉ có Đấng được Thiên Chúa sai đến và người Do Thái hằng mong đợi, mới dám tự cho mình như vậy, Người xuất hiện như trưởng tử của ngôi nhà và Người xưng hô Thiên Chúa là ‘Cha’ Người. Trước mắt người Do thái đương thời thì đó là đặc quyền dành cho Đấng Thiên Sai. Họ quả không lầm nên liền đó, họ xin Chúa Giêsu một dấu chỉ bảo đảm nguồn gốc Thiên Sai của Người. Nhưng Chúa Giêsu không cho dấu chỉ mà họ đòi hỏi, vì Chúa biết họ không thể tin được. Người ta đã vạch lá tìm sâu rất nhiều câu nói sau đây của Chúa: “Đừng biến nhà Cha Ta thành cửa tiệm buôn bán”. Dĩ nhiên khi người ta buôn bán trong nhà thờ, người ta xúc phạm đến Ngôi Nhà của Thiên Chúa. Thỉnh thoảng cũng cần phải lột mặt nạ sự buôn bán thật sự này nọ. Ví dụ, khi người ta gay gắt đả kích thói tục đốt nến, thì từ khi đó, người ta có quyền dùng toà giảng để đề cao những lợi ích có tính cách thế tục, dầu là ở lãnh vực chính trị hay bất cứ lãnh vực nào không?
2) Hãy phá Đền thờ này, trong 3 ngày Ta sẽ xây lại. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho người Do thái khi họ đòi hỏi Người một dấu chỉ. Dấu chỉ đó là cái chết, và sự phục sinh của Người. Quả thật, Chúa Giêsu đã đưa ra một câu trả lời che đậy mà chính các môn đệ cũng không hiểu ngay. Họ sẽ hiểu sau này khi Chúa sống lại. Sau này, họ sẽ hiểu là Đền thờ vật chất nơi tế lễ và tập hợp dân chúng, sẽ bị phá huỷ, sẽ trở thành vô ích. Nó sẽ bị “giải nhiệm” theo ý nghĩa là, một Đền thờ khác sẽ được dựng lên cho việc tế lế và tập hợp nhân loại. Đền thờ đó, chính là bản thân Chúa Giêsu. Người đích thân chu toàn việc tế lễ trọn hảo của sự ngợi khen và đền tạ. Người quy tụ nơi mình Người tất cả chúng sinh trong một sự hiệp thông chặt chẽ và phổ quát. Chúng ta phải tìm gặp Thiên Chúa (cách đích thật) và anh em ta (cách sâu sắc) ở đâu?
Ba ngày đây ám chỉ đến quãng thời gian vắn vỏi giữa cuộc khổ nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Kiểu nói ‘Ba ngày’ này còn có cái lợi khác: nó dùng để chỉ ‘chẳng bao lâu nữa’. Ngày nay, chúng ta quen nói: ‘Trong giăm phút nữa’ để diễn tả một thời gian ngắn nữa thôi. Chúa Giêsu phán: ‘Trong ba ngày’ để chỉ rằng: Chúa làm chủ thời gian và khi nào Người muốn, Thiên Chúa sẽ chi phối mọ chi tiết. Nhân dịp này, chúng ta có thể nghĩ đến thân xác chúng ta mà thánh Phaolô gọi là ‘Đền thờ’ của Thiên Chúa. Nó sẽ bị cái chết phá huỷ. Bao giờ nó sẽ được tái thiết, chừng nào nó sẽ phục sinh? Chúng ta biết rằng mọi kỳ hạn nơi Thiên Chúa vắn vỏi, mặc dầu những tính toán của con người đo lường thời gian bằng đơn vị nghìn vạn thế kỷ.
34. Đền Thờ Thiên Chúa – Lm. Minh Vận, CRM
Theo luật Maisen thì việc tôn thờ Thiên Chúa gồm có mục dâng con vật sống làm lễ vật hy sinh. Luật còn buộc cha mẹ dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa trong Đền Thờ.
Vì thế, việc mua bán súc vật quanh Đền Thờ là cần thiết, hay ít nhất cũng được dung thứ, vì những người ở xa đến, khó có thể đem theo súc vật để hiến dâng. Vậy nếu việc mua bán súc vật là tiện lợi cho những người ở xa tới, thì tại sao Chúa Kitô lại tỏ ra thái độ khó chịu và thịnh nộ lên tiếng quở mắng những người mua bán như thế?
TẠI SAO CHÚA CỨU THẾ THỊNH NỘ
Thưa, việc mua bán lễ vật dâng hiến của họ đã trở thành việc thương mại, thiếu lòng thành tín bên trong: Người bán súc vật chỉ lợi dụng cơ hội để làm tiền, để trục lợi, chứ không chú ý cung cấp nhu cầu cần thiết cho khách hành hương tới thờ phượng Chúa. Còn người mua thì coi bổn phận dâng lễ vật chỉ là một việc bất đắc dĩ, một gánh nặng cực chẳng đã.
Trước cảnh tục hóa này, Chúa Giêsu đã dùng uy quyền của một Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian, và với nhiệt tâm của một Người Con có trách nhiệm phải bảo vệ nhà Cha Mình. Chúa đã lên tiếng cảnh giác họ: “Hãy cất những thứ này khỏi nơi đây, các ngươi không được làm cho Nhà Cha Ta trở nên hãng buôn, nên hang trộm cướp”. Đồng thời, Chúa đã nổi cơn thịnh nộ, chắp giây thừng làm roi, đánh đuổi bọn họ cùng với chiên bò, hất tung khay tiền, xô đổ bàn ghế của họ.
CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA
Cũng như một ngôi Đền Thờ được xây cất với mục đích hiến dâng làm nơi thờ phượng Thiên Chúa, làm nhà cầu nguyện của muôn dân; mỗi người chúng ta cũng đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, ngày chúng ta lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, để làm nơi Thiên Chúa ngự. Chính Thánh Phaolô đã lưu ý chúng ta rằng: “Anh chị em lại không biết rằng, anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Chúa Thánh Linh ngự trong anh chị em sao? Ai tục hóa Đền Thờ Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ hủy diệt họ; vì Đền Thờ Chúa là Thánh, mà chính bản thân anh chị em là Đền Thờ đó” (1 Cor 3:16-17). Đây là một chân lý rất an ủi và làm cho chúng ta được sung sướng hạnh phúc; nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta phải lo sợ hãi hùng.
Các Thánh Nhân và những người công chính luôn sống trong ơn nghĩa thánh, có tâm hồn trong sạch, nhiều lúc Chúa cho các ngài được cảm nghiệm thấy niềm an vui hạnh phúc này, nên các ngài đã để lộ trên khuôn mặt hân hoan, thốt lên trong lời nói, trào ra qua nét bút.
Chị Nữ Tu Elizabeth Chúa Ba Ngôi đã thường quen nói: “Hồn tôi là một Cõi Trời, nơi tôi sống, trong khi chờ đợi Jerusalem Thiên Quốc. Tôi đã gặp Thiên Quốc ngay tại thế, vì Thiên Quốc chính là Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong tâm hồn tôi”. Một hôm, Chị Dòng gởi một bức thư khuyên bà chị đã lập gia đình có nội dung như sau: “Thiên Quốc ở trong tâm hồn chúng ta. Giữa những lo âu do nhiệm vụ của một bà mẹ, lúc nào chị bị chia trí vì công việc bề bộn chồng chất, chị cứ bước vào giữa linh hồn chị, nơi vị Thượng Khách Thần Linh cư ngụ. Như vậy không phải là đơn sơ an ủi và hạnh phúc lắm sao?”
Ông Leoniđê, thân phụ của Giáo Phụ Origenê, đã cảm nghiệm được niềm tin vào hạnh phúc Thiên Chúa ngự trong tâm hồn những người sống trong ơn thánh, nên một hôm ông đã nghiêng mình trước đứa con nằm trong nôi, ông đã đặt môi hôn ngực con. Thấy người ta bỡ ngỡ trước cử chỉ ấy, ông sung sướng trả lời: “Tôi thờ lạy Thiên Chúa hiện diện trong trái tim của trẻ thơ đã nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy này”.
Thấu hiểu và cảm nghiệm được sự sống thần linh cao cả này, cùng với tâm tình của các Thánh, chúng ta có thể sung sướng kêu lên: “Thực đúng, Thiên Chúa ngự trong tôi mà xưa nay tôi không nghĩ tới. Tôi đã sống qua một phần lớn đời tôi mà tôi không nhận biết và quan tâm đến Ngài. Ôi con người tôi là cả một Thánh Vật đáng quí trọng biết bao! Tôi là Đền Thờ của Thiên Chúa, là Cửa Thiên Quốc!”
III. CHÚNG TA PHẢI CÓ NGHĨA VỤ NÀO
Đức Tin dạy cho chúng ta biết: Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta sống trong ơn nghĩa thánh, khi chúng ta có tâm hồn trong sạch. Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta không những như một Thiên Chúa toàn năng cao cả, mà còn:
* Như một người Cha Nhân Từ, hằng yêu thương săn sóc đến mọi nhu cầu của con cái, như chính Chúa Kitô đã dạy chúng ta dâng lời cầu xin Người với tâm tình của một con ngoan thảo: “Lạy Cha chúng con ngự trên trời” (Mt 6:6).
* Như một Bạn Tâm Phúc, Chúa luôn tha thiết yêu thương thân mật, tâm giao với chúng ta bằng tất cả tâm tình của một Người Yêu: “Cha không gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng gọi các con là Bạn Tâm Phúc” (Jn 15:15).
* Như Đấng Thánh Hóa, Chúa luôn soi sáng lương tâm, dạy chúng ta biết những điều đẹp lòng Chúa, kích thích chúng ta làm điều thiện tránh điều ác, ban cho chúng ta sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù, thực thi các việc lành phúc đức, sống đời thánh thiện đẹp lòng Chúa, như lời Thánh Phaolô quả quyết: “Nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được mọi sự” (Phil 4:13).
Để đáp lại ơn phúc cao cả được Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn chúng ta, như Ngai Tòa, như Đền Thờ, như Thiên Đàng của Chúa, chúng ta cần có 3 nghĩa vụ sau đây:
1. Tôn Thờ: Chúng ta hãy dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đáng, tôn nhận Chúa là Thiên Chúa , một Chủ Tể tối cao và phải hết lòng tôn thờ Người, không bao giờ dám cố tình phạm tội làm phiền lòng Người, dù là những lỗi rất nhỏ mọn, những khiếm nhã sơ xuất.
2. Yêu Mến: Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa, không những bằng tâm tình người con thảo luôn làm hài lòng Cha; mà còn bằng tâm tình một người yêu, luôn tha thiết thân mật khăng khít nên một với Chúa, đáp lại lòng Chúa khát khao: “Chúng con hãy dâng trái tim chúng con cho Cha”. Và: “Cha muốn chiếm trọn trái tim chúng con, các Bạn Tâm Phúc của Cha, các Linh Mục và Tu Sĩ của Cha, Cha không muốn một thái độ hững hờ và một tình yêu chia sẻ” (Đại Thông Điệp Tình Yêu).
3. Biết Ơn: Được Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta là một đặc ân cao cả. Vì thế, chúng ta hãy luôn cảm tạ lòng Chúa yêu thương và sống xứng đáng với ơn Chúa ban, bằng cách:
* Không bao giờ cố tình phạm tội trọng, vì tội trọng là trục xuất Chúa ra khỏi linh hồn mình, rồi rước ma quỉ vào thống trị linh hồn.
* Luôn làm tăng trưởng Ơn Thánh Chúa, bằng việc thực thi các nhân đức, giúp linh hồn tiến bước trên Đường Thánh Thiện.
* Giãi sáng gương đời sống thánh thiện, để tất cả những ai chúng ta giao tiếp được nhận ra chúng ta là người mang Thiên Chúa trong mình.
Kết Luận
Quyết tâm không bao giờ cố tình làm điều gì phiền lòng Chúa, không bao giờ để cho tội lỗi tính mê nết xấu lấn át, khiến tâm hồn ra ô uế, tục hóa Đền Thờ Chúa, kẻo bị Chúa hủy diệt.
Luôn biết thánh hóa Đền Thờ tâm hồn mình, luôn sống đời trong sạch, để bản thân chúng ta được trở nên Đền Thờ, nên Cung Thánh, nên Thiên Đàng xứng đáng làm nơi Chúa sung sướng hiển ngự.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam