Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 27

Tổng truy cập: 1374658

ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG CHÚA

Đi trên con đường Chúa – Lm. Jos. Nguyễn Hữu An

Phúc Âm Thánh Gio-an chương 14 là lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ. Nó có cấu trúc xoay quanh cuộc trở về với Chúa Cha của Chúa Con và vai trò độc nhất của Chúa Con trong việc đưa dẫn các môn đệ về với Chúa Cha.

Tô-ma và Philípphê đã hỏi Chúa 2 câu và Chúa đã mạc khải 2 chân lý hết sức quan trọng:

- Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.

- Ai thấy Thầy là thấy Cha; Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.

Chỉ có thể đạt tới Cha khi chúng ta đi theo Đấng tự nhận là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Và cũng không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà lại không do Thánh Thần. Hiểu biết đích thực về Cha và Con mang dấu ấn Thánh Thần. Chính trong Thánh Thần mà Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu là Con (x. Gm. Bùi Văn Đọc, Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, trang 184). Thiên Chúa mà mọi tín hữu tôn thờ và yêu mến hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, chính là Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14, 9) vì "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy" (Ga 14, 10).

Toàn bộ Lịch Sử Cứu Độ được xây dựng trên tương quan Cha - Con "Chúa Cha yêu Chúa Con". Hai chữ Tình Yêu là cách diễn tả sâu thẳm nhất tương qua Cha- Con. Tình yêu đó được Chúa Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô bờ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha (Ga 14, 10). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.

Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết về Chúa Cha bằng nhiều cách: bằng lời nói, bằng việc làm, nhưng nhất là chính phận làm Con. Nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau, Đức Giêsu đã nói với con người về Thiên Chúa là Cha, Đấng mà họ phải tin tưởng phó thác (Mt 6, 32), noi gương (Mt 5, 45-48), nguyện cầu (Lc 11,2), phải tôn thờ vì Ngài là Chúa trời đất (Mt 10,28), là Cha đầy quan tâm ân cần (Mt 6, 25-32) và đặc biệt gần gũi với những kẻ tội lỗi (x. sđd tr. 191).

Điều kỳ diệu và tuyệt vời là chính Đấng Tuyệt Đối, Đấng Toàn Năng, Cao Cả, Chí Thánh Chí Tôn và Hằng Hữu đã có thể trở thành tương đối, thấp hèn, bạn với quân thu thuế với phường tội lỗi, cuối cùng phải chết khổ hình. Nơi Đức Giêsu, sự uy nghi của Thiên Chúa tỏ hiện trong khiêm tốn và yếu đuối cách nghịch thường. Điều đó sự khôn ngoan của bậc hiền triết không lý giải được, nhưng nói như Pascal, trái tim lại hiểu được vì nó có lý lẽ riêng của nó.?Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa ngự trên toà cao cho người ta sấp mình thờ lạy mà không dám nhìn đến tôn nhan, không dám gọi tên mà chỉ dám cầu xin với niềm sợ hải. Thiên Chúa của Đức Giêsu dễ gần, dễ thấy, dễ quen. Thiên Chúa hiện diện nơi con người Đức Giêsu khiêm hạ. Chính Ngôi Lời làm người đã chọn máng cỏ làm tổ ấm lúc chào đời, đã chọn xóm làng Na-da-rét làm nơi sinh sống, đã chọn những kẻ thấp hèn trong xã hội làm bầu bạn, đã quỳ gối rửa chân cho các Môn Đệ, rồi chọn cây thập giá làm giường khi chết cùng với hai kẻ cướp làm bạn đồng hành đi vào thế giới bên kia. Thiên Chúa làm người đã chọn nhà Da-kêu để tạm trú, chọn người thiếu phụ Sa-ma-ri để gặp gỡ đối thoại, đã chấp nhận cử chỉ biết ơn của người phụ nữ tội lỗi Ma-đa-lê-na, đã chọn kẻ trộm lành làm ứng viên đầu tiên vào Thiên Đàng, đã chọn Phao-lô kẻ bắt bớ Giáo hội làm Tông Đồ Dân Ngoại...

Quả thật Thiên Chúa của Đức Giêsu chẳng giống tí nào với Thiên Chúa các đạo binh của Ít-ra-en. Người Do-thái nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ về phe với dân Người chọn, chỉ bênh vực những người Do-thái ngoan Đạo và lên án nguyền rủa, trừng phạt các dân ngoại cùng người tội lỗi. Thiên Chúa của Đức Giêsu không về phe với kẻ cầm quyền độc ác, người giàu có ích kỷ hay người đạo đức giả. Vì thế các bậc kinh sư, tư tế, kỳ lão trong dân không chấp nhận Thiên Chúa ấy mà trái lại họ đã giết Đức Giêsu để bảo vệ Thiên Chúa của họ. Họ đã giết Đấng Thánh để bảo vệ đền thờ, đã chà đạp và xoá bỏ "hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Cl 1, 15) để bảo vệ Thiên Chúa của lề luật.

Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa của chúng ta cũng không phải là Thiên Chúa của các triết gia, không phải là Thiên Chúa của các nhà du hành vũ trụ tìm kiếm mà là Người Cha nhân hậu, từ bi, đầy lòng thương xót. Người chỉ muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Người không phải là Người Cha nghiêm khắc độc đoán, Người Cha dễ tính xuề xoà mà là Người Cha yêu thương, tha thứ. Một Người Cha chuẩn bị sẵn sàng quần áo, giày dép, nhẫn đeo tay và vỗ béo con bê chờ sẵn đứa con hoang đàng trở về và hơn thế nữa còn ra ngoài ngóng trông rồi vui sướng tiến về phía con đón nó vào lòng hôn lấy hôn để (Lc 15, 11-32). Lòng nhân hậu được tỏ bày khi tha thứ. Thánh Phao-lô là người cảm nhận sâu xa lòng từ bi, nhân hậu, thứ tha ấy (2 Cr 3, 7-11).

"Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri" (Ga 1,18). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha, một Thiên Chúa là Cha nhân hậu từ bi, đầy lòng xót thương, tha thứ và còn hơn thế nữa Chúa Giêsu là Con đường độc nhất dẫn đến Cha "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14, 6). Mọi con đường cứu độ đều phải đi vào Con Đường Giêsu. "Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ" (Cv 4,12). Nhân loại được cứu độ nhờ Danh Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã về với Chúa Cha trong vinh quang Phục Sinh, sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Cuộc đời Đức Giêsu trở thành con đường cho chúng ta đi. Đọc và suy niệm Tin Mừng trong tin yêu, Chúa sẽ dạy chúng ta nghĩ gì, nói gì, làm gì. Khi đi vào con đường Chúa đã đi qua chúng ta cũng trở nên nẻo đường cho anh chị em mình, nẻo đường dẫn lối về Thiên Chúa là Cha yêu thương.


 

37. Niềm tin

Có năm anh mù sờ vào một con voi. Anh thứ nhất sờ vào cái bụng thì bảo con voi giống như một bức tường lớn. Anh thứ hai sờ vào chiếc ngà thì bảo con voi giống như một thanh gươm cùn. Anh thứ ba sờ vào cái vòi thì bảo con voi giống như một con đỉa khổng lồ. Anh thứ thứ tư sờ vào cái tai thì bảo con voi giống như một chiếc quạt nan. Anh thứ năm sờ vào cái đuôi thì bảo con voi giống như một sợi dây thừng.

Câu trả lời của mỗi người đều đúng theo quan điểm riêng của mìnnh. Chỉ nhờ đối thoại chung với nhau, họ mới có được một cái nhìn sáng suốt và một hình ảnh đầy đủ để hiểu biết con voi thực sự là như thế nào mà thôi.

Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Người Do Thái có một cách hiểu về Ngài. Người theo Hồi giáo có cách hiểu thứ hai. Người theo Phật giáo có cách hiểu thứ ba. Người theo Ấn độ giáo có cách hiểu thứ tư. Và các Kitô hữu có cách hiểu thứ năm.

Như vậy, phải nhờ đến đối thoại chung với nhau, người ta mới có thể đạt được một cái nhìn đầy đủ hơn về Thiên Chúa.

Thế nhưng, tại sao các Kitô hữu lại dám xác quyết rằng mình có một cái chính xác về Thiên Chúa hơn bất kỳ một tôn giáo nào?

Câu trả lời dĩ nhiên phải được đặt nền tảng trên đức tin. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố: Ngài biết Thiên Chúa bằng một cách thức tuyệt vời mà không vị lãnh đạo tôn giáo nào dám mơ tưởng đến.

Hơn thế nữa, Ngài còn đồng hóa mình với Thiên Chúa. Điều này không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào dám làm.

Chẳng hạn qua đoạn Tin mừng hôm nay, Ngài đã xác quyết với Philipphê:

- Ai thấy Ta là thấy Cha.

Nơi khác Ngài cũng nói:

- Cha Ta và Ta là một.

Nếu quả thực đúng như vậy, thì chúng ta, những người Kitô hữu đã có được một cái nhìn thật chính xác về Thiên Chúa hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác trên mặt đất này.

Thực vậy, chỉ mình Chúa Giêsu mới dám nói:

- Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta.

Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám bảo:

- Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta.

Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám xác quyết:

- Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ có ánh sáng ban sự sống…Ai theo Ta, sẽ không bao giờ phải bước đi trong tăm tối.

Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám công bố:

- Ai tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết, nhưng sẽ có sự sống đời đời… Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết.

Vậy Đức Kitô là ai?

Đây cũng là vấn đề mà chính Ngài đã đưa ra cho các môn đệ:

- Người ta bảo Thày là ai?

Các ông thưa:

- Người thì bảo là Gioan tiền hô, là Elia, là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó.

Và Chúa Giêsu đã đặt một câu hỏi cân não, đòi buộc các ông phải dứt khoát lập trường và tuyên xưng đức tin của mình:

- Còn các con, các con bảo Thày là ai?

Thánh Phêrô đã thay mặt cho nhóm mười hai đã dứt khoát lập trường và tuyên xưng đức tin của mình:

- Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Và Chúa Giêsu liền tỏ cho Phêrô được hay:

- Phúc cho con, không phải do xác thịt hay máu huyết, nhưng do Cha Thày, Đấng ngự ở trên trời đã tỏ cho con biết.

Lời xác quyết này có nghĩa là chân lý này đến với thánh Phêrô không phải từ bất cứ ai, mà từ chính Chúa Cha, Đấng đã trực tiếp mạc khải cho thánh Phêrô.

Là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa, ngay từ hồi còn tấm bé, chúng ta đã xác tín Ngài là Con Thiên Chúa và chúng ta cũng đã tin vào Ngài.

Thế nhưng, điều quan trọng hơn, đó là chúng ta phải biến niềm tin thành việc làm, biến xác tín thành cuộc sống, bằng cách tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, nhờ đó chúng ta thực sự tuyên xưng Ngài trong thẳm sâu cõi lòng cũng như làm chứng về Ngài trong lòng cuộc đời chúng ta đang sống.


 

38. Đường tình yêu

Đức Khổng Tử trong giờ phút lâm chung cho gọi thầy Tăng Tử là môn đệ mà ngài đặt nhiều tin tưởng, đến bên giường bệnh và nói:

- Này Tăng Tử con ơi! Trước giờ thầy nhắm mắt lìa đời, con có điều gì thắc mắc về những lời ta đã cùng con thảo luận?

Thầy Tăng Tử đáp:

- Bạch Thầy, thầy quả là bậc chí nhân quân tử. Những lời thầy đã chỉ dạy làm cho chúng con thấy khó mà thực hiện cho trọn vẹn.

Đức Khổng Tử mới nói:

- Này Tăng Tử, trong các điều ta đã giáo huấn có điều đúng, có điều sai. Nhưng có một cái mà ta chắc chắn không bao giờ sai đó là điều ta không biết!

Đức Khổng Tử là bậc thánh hiền, học thuyết của ông đã ảnh hưởng đến bao đời, thế mà trước lúc lâm chung, ông phải tự nhận là mình không biết gì. Khác với Khổng Tử là người chỉ đường Đức Giêsu chính là con đường. Trước khi lìa các môn đệ để về cùng Cha, Người đã khẳng định:”Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

Đức Giêsu chính là Đường, dẫn chúng ta đi từ nhịp cầu đau khổ đến bến bờ vinh quang, từ cõi chết trở về cõi sống, từ đời sống tạm bợ tới cuộc sống vĩnh hằng, từ trần gian tục lụy về quê hương thiên đàng.

Đức Giêsu chính là Sự thật. Sự thật tuyệt đối, sự thật về một Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

Đức Giêsu chính là Sự sống. Sự sống vĩnh cửu, sự sống từ cung lòng Cha ban cho mọi loài được sống. Sự sống đã giải thoát con người khỏi chết muôn đời. Người chính là Đấng cứu độ duy nhất. Cũng như “Mọi con đường đều dẫn tới Rôma”, thì mọi con đường cứu độ đều phải dẫn đến con đường Giêsu. Tất cả loài người đều được cứu độ nhờ danh của Người, kể cả những con người không biết Người, nhưng sống theo lương tâm ngay lành, đều được Người ban ơn cứu độ. Sách Công vụ Tông đồ viết:”Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ”.

Con đường của Người là đường phục vụ, đường yêu thương. Vì thế những ai muốn đi trên con đường của Người cũng phải dấn thân phục vụ anh em, và tận tình yêu thương con người.

Con đường của Người là đường thánh giá, đường đau khổ. Vì thế những ai bước đi trên con đường ấy cũng phải dám hy sinh bản thân, và sẵn lòng chịu khổ vì danh Đức Giêsu.

Hy sinh bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng. Với tình yêu, những khó khăn kia dường như nhỏ lại, những vất vả như bị xóa nhòa. Lòng chúng ta lại thấy vui hơn, cuộc đời thênh thang rộng mở.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã về với Chúa Cha trong vinh quang sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Xin cho chúng con cũng biết đi trên con đường của Chúa, là yêu thương phục vụ anh em, để cuối con đường thập giá và đau khổ chúng con được hợp hoan với Chúa trong vinh quang nước trời.


 

39. Khuôn mặt Thiên Chúa

Nếu gom các hình vẽ, các bức tượng Chúa lại để so sánh, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa có nhiều khuôn mặt khác nhau, tùy theo sự tưởng tượng của các họa sĩ và của các nhà điêu khắc.

Từ ghi nhận này, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh Thiên Chúa mà mỗi người khắc họa cho đời mình. Thiên Chúa chỉ có một, nhưng mỗi người lại hình dung về Người một cách khác nhau, tùy theo sự suy nghĩ và sở thích riêng của mình chứ không hẳn đã đúng như hình ảnh đích thực của Người. Đây là điều rất quan trọng, bởi chính cái nhìn của ta về Thiên Chúa sẽ chi phối và ảnh hưởng đến niềm tin cũng như cách sống đạo của ta. Ta có thể đưa ra một vài thí dụ:

- Người Do thái đã hình dung Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối nên Người hoàn toàn tách biệt với những gì phàm tục và tội lỗi. Từ quan niệm này họ cũng nghĩ rằng: Nếu muốn là con cái Chúa, người cũng phải sống tách biệt như vậy. Điều này đúng, nhưng không đúng ở chỗ nhân danh Thiên Chúa toàn thiện, người ta coi khinh và loại trừ những người tội lỗi, là những người rất cần đến sự nâng đỡ của mọi người. Vả lại, Thiên Chúa dù ghét tội lỗi nhưng lại rất yêu thương các tội nhân và muốn họ được cứu thoát.

- Có những người hình dung Thiên Chúa là một ông thẩm phán khắc nghiệt, chỉ biết dò xét tội lỗi của con người để trừng phạt. Nghĩ về Thiên Chúa như thế nên họ sống đạo, họ giữ lề luật chỉ vừa đủ để khỏi bị phạt. Và nghĩ về Thiên Chúa như thế, nên khi thấy một người gặp tai ương hoạn nạn, họ cho rằng đó là người tội lỗi. Quan niệm rằng: Tai ương, hoạn nạn là hình phạt của Thiên Chúa vẫn còn ăn sâu nơi tâm trí của nhiều người.

- Có người lại tưởng Thiên Chúa là một ông quan thích tham nhũng hối lộ. Vì thế, họ xin lễ, họ dâng cúng tiền bạc vào nhà thờ như để mua chuộc Thiên Chúa chúc lành cho những công việc của mình, kể cả những công việc mờ ám.

- Có người lại nghĩ Thiên Chúa chỉ là một ông thủ kho. Khi cần điều gì, họ đến gõ cửa xin Người mở kho để đáp ứng nhu cầu của họ. Nghĩ như thế nên đời sống đạo của những người này thu hẹp lại trong việc xin xỏ. Mà hầu hết chỉ là xin xỏ những nhu cầu vật chất. Nếu Thiên Chúa không đáp ứng điều họ yêu cầu, họ sẽ phản kháng, sẽ trách móc, thậm chí buông những lời xúc phạm đến Người.

- Có những người coi Chúa như một vị thần xa lạ, không liên hệ gì tới đời sống của họ, vì thế họ dửng dưng với Người…

Và còn rất nhiều cách nhìn khác về Thiên Chúa. Do đó, cũng có rất nhiều cách sống đạo, nhiều cách sống mối quan hệ đối với Thiên Chúa,

Ghi nhận những cách nhìn như thế về Thiên Chúa để thấy câu hỏi của ông Philipphê rất quan trọng:”Lậy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha”. Và câu trả lời của Chúa Giêsu còn quan trọng hơn:”Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình nơi Đức Giêsu. Vì thế, cứ nhìn vào Đức Giêsu ta sẽ thấy được dung nhan đích thực của Thiên Chúa.-Nhìn Chúa Giêsu lân la với người tội lỗi để an ủi, để cứu vớt, ta sẽ biết Thiên Chúa không ruồng bỏ người có tội, nhưng yêu thương và tha thứ.

- Thấy Chúa Giêsu đến với những người nghèo khổ, những người đau ốm tật nguyền, ta biết Thiên Chúa là Đấng không vô tâm trước những nỗi thống khổ của kiếp người.

- Nhìn Chúa Giêsu thổn thức trước mộ ông Lagiarô, động lòng trắc ẩn trước cảnh người mẹ góa đi chôn xác con trai mình, thương cảm đám dân chúng bơ vơ đói khát như chiên không có người chăn, ta thấy Thiên Chúa gần gũi con người biết bao.

- Nhìn Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho các môn đệ, chiêm ngắm Chúa Giêsu quằn quại trên thập giá, ta biết Thiên Chúa yêu thương ta dường nào.

- Nghe Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ giết mình, ai dám nghĩ rằng Thiên Chúa thích báo thù và trả oán…Vì Chúa Giêsu biểu lộ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, nên nếu muốn thấy Thiên Chúa, muốn hiểu biết Thiên Chúa, thì phải gần gũi và gắn bó với Chúa Giêsu.Chỉ khi có cái nhìn đúng về Thiên Chúa ta mới có được thái độ sống phù hợp với đạo làm con.

Chớ gì chúng ta không bị Chúa Giêsu trách cứ như Người đã trách cứ ông Philipphê: Con theo đạo biết bao lâu rồi mà vẫn chưa biết Thầy, chưa biết Cha ư?


 

40. Đường

Nhà tu đức học nổi tiếng của Ấn độ, cha An tôn Mê-lô có làm một bài thơ, nội dung như sau: “Một hôm lang thang trên phố, tôi thấy một cửa hiệu với hàng chữ: Tại đây có bán chân lý”. Tò mò tôi bước vào. Cô bán hàng niềm nở đón tiếp tôi và hỏi: “Ông muốn mua loại chân lý nào? Chân lý từng phần hay chân lý toàn diện?”. Tôi cho cô biết dĩ nhiên tôi đang đi tìm thứ chân lý toàn diện, thứ chân lý không pha trộn giả dối, thứ chân lý mà lý trí tôi phải đầu hàng vô điều kiện. Tôi muốn có chân lý đơn thuần và toàn diện.

Cô bán hàng nhìn tôi lắc đầu rồi chỉ sang một cửa hiệu khác, nơi có bán thứ chân lý mà tôi đang đi tìm. Người đàn ông đứng bán hàng nhìn tôi với lòng thông cảm. Ông chỉ cho tôi xem giá biểu của món hàng mà tôi muốn mua, rồi nói với tôi:”Thưa ông, giá của món hàng rất cao”. Đã cương quyết mua cho được chân lý toàn diện, tôi liền hỏi:”Giá bao nhiêu, xin cho tôi biết”. Người bán hàng trả lời:”Nếu ông muốn mua thứ chân lý này, ông phải trả bằng cả cuộc sống của ông”.

Tôi ra khỏi cửa hiệu, lòng buồn rười rượi. Tôi cứ nghĩ rằng tôi có thể mua chân lý toàn diện bằng giá rẻ. Thì ra tôi chưa sẵn sàng để đón nhận chân lý. Tôi vẫn chưa muốn cho đi cuộc sống của tôi. Tôi vẫn còn bám chặt vào những xác tín của riêng tôi”.

Bài thơ ngụ ngôn trên đây hẳn muốn nói lên thái độ của nhiều người trong chúng ta đối với Đấng tự xưng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta chưa tin tưởng đầy đủ và sống trọn vẹn cho Ngài. Vì thế, bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa, nhắc nhở chúng ta hãy khẳng định, hãy xác tín hơn nữa vào Chúa Giêsu.

Tất cả chúng ta đều biết ý nghĩa của con đường. Dù đó là xa lộ hay con đường mòn, đều có mục đích là để đi. Đường là để đi, nghĩa là đường sẽ dẫn đến nơi nào đó, nên đường không bao giờ là nơi cư trú, mà là để dẫn đến nơi cư trú. Do đó, người nào dùng đường làm nơi cư trú thì chẳng bao giờ đến nơi cư trú của mình. Vì vậy, chúng ta phải xác định với lòng mình rằng: Cuộc sống hôm nay ở trần gian là đường đưa đến một quê hương khác. Nếu cuộc sống hôm nay không phải là cùng đích, mà chúng ta lại chọn làm nơi cư trú, tức là chúng ta không lên đường đến nơi chúng ta phải đến. Sống ở đời, ai cũng phải lên đường. Đời là cõi rộng mênh mông. Sống là đi. Nhưng đi về chốn nào? Trong cõi rộng mênh mông ấy, đâu là đường?

Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta biết: “Ta là Đường, Là Sự Thậ và là Sự Sống”.Nghĩa là đường của cuộc đời chúng ta đi là Chúa, những gì chúng ta đang thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của chúng ta. Khi Chúa nói Chúa là Sự Sống, có nghĩa là Chúa là hạnh phúc chúng ta đang túng thiếu. Khi Chúa nói Chúa là Đường, có nghĩa là để dẫn chúng ta tới hạnh phúc đó. Như vậy, Chúa là cùng đích và cũng là phương tiện dẫn tới cùng đích. Chúa là hạnh phúc và cũng là đường dẫn tới hạnh phúc. Chúa là con đường duy nhất, nhưng mỗi người chúng ta lại đi trên đường theo cách riêng của mình, hay mỗi người chúng ta lại có riêng đường đời của mình, nghĩa là mỗi người có một cuộc sống riêng, nên không đường của ai giống đường của ai, và vì thế nỗi lòng của mỗi người cũng khác nhau. Quả thực, trên đường đi, chúng ta đã thấy có nhiều quán trọ. Có quán cho chúng ta bóng mát. Có quán bảo chúng ta đừng đi. Mệt nhọc làm chúng ta dừng nghỉ. Chống đối, hiểu lầm, ghen tị, kết án làm chúng ta muốn bỏ cuộc. Và dường như nếu chúng ta càng dừng nghỉ thì chúng ta càng ngại đi. Nếu chúng ta càng làm quen với lười biếng thì chúng ta càng ngại ngùng trở về con đường mà Chúa muốn chúng ta sống. Rồi, đường đi cứ thế mà chậm thêm.

Rồi cũng trên đường đi, sao có nhiều quãng thật xấu, gồ ghề như quãng đường Chúa đi xưa. Hình ảnh đồi Sọ làm chúng ta tính toán, lưỡng lự. Có những quãng đường sao mà tối tăm làm chúng ta hồ nghi không biết có phải là đường thật không? Đây là lúc chúng ta phân vân không biết thánh ý Chúa ở đâu. Và cũng là lúc chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ đủ thứ. Nên Chúa đã dặn:”Đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi”. Và những lúc như thế chúng ta vẫn nghe tiếng Chúa khuyến khích: Cứ đi đi, tuy khó khăn nhưng hứa hẹn cuối con đường là hạnh phúc. Chúa đang đợi chờ ở đó.

Đó là chân lý toàn diện chúng ta phải tìm kiếm và mua cho bằng được. Trần gian có sóng gió, đường về có dài lâu, cạm bẫy có giăng đầy, nhưng có Chúa, cùng với thiện chí của chúng ta, thì khó khăn mấy cũng vượt qua, đường dài mấy cũng phải tới, cạm bẫy thế nào cũng chẳng hề hấn gì. Cầu chúc ông bà anh chị em biết tuân nghe lời Chúa, cùng đi con đường hẹp, để rồi chúng ta sẽ lại gặp nhau ở cõi sống hạnh phúc.

home Mục lục Lưu trữ