Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 24

Tổng truy cập: 1364469

ĐIỂM DỪNG

Điểm dừng

Khi nói đến điểm dừng, tức là có chuyển động. Bởi nếu không bao giờ chuyển động thì đó không phải là điểm dừng, mà là điểm cố định, một điểm chết. Điểm dừng thì trước khi dừng đã chuyển động, và dừng để rồi sẽ chuyển động. Bởi lẽ, dừng mà không bao giờ chuyển động nữa thì cũng là điểm dừng chết.

Từ những điểm dừng trong đời.

Quan sát cuộc sống quanh ta, chúng ta sẽ bắt gặp được những điểm dừng. Có những điểm dừng chết chóc, nhưng cũng có những điểm dừng sống động. Có những điểm dừng mang đến tai họa, nhưng cũng có những điểm dừng mang lại niềm vui, một sự đổi mới, một sự cứu rỗi: đồng hồ đang chạy, ngưng đồng hồ chết; hạt giống gieo xuống đất rất cần để yên một thời gian nó mới nẩy mầm. Một người đang đi trong một cánh rừng, anh dừng lại quan sát xung quanh, sau đó quyết định đổi hướng đi vì biết mình đã lạc đường một điểm dừng cho sự đổi mới, một cái dừng giải thoát.

Trở lại bức tranh Tin Mừng hôm nay mà Luca phác họa cho chúng ta. Chúng ta cũng gặp được những điểm dừng: Chúa Giêsu và các môn đệ dừng chân ở nhà Mácta và Maria; Maria dừng chân dưới chân Chúa Giêsu; Mácta dừng chân bên chân Chúa Giêsu. Tất cả những điểm dừng đều có mục đích: Chúa Giêsu và các môn đệ nghỉ chân để tiếp tục hành trình lên Giêrusalem; Maria dừng bên chân Chúa để nghe Lời Chúa; Mácta dừng lại để cầu cứu Chúa, dường như muốn làm nũng, dường như muốn trách Chúa.

Qua điểm dừng của Mácta trong Phúc âm:

Cô Mácta bận rộn, rất bận rộn với công việc phục vụ bề bộn. Lòng mến Chúa, lòng hiếu khách của cô được thể hiện qua công việc, cô muốn làm những thức ăn ngon nhất, phục vụ chỗ nghỉ tốt nhất mà cô có thể dành cho Chúa và môn đệ của Ngài. Cô thật tốt bụng. Cô là chị lớn nên nặng trách nhiệm, cô đảm đang tháo vát và nhiều sáng kiến. Sáng kiến nhiều nên nhiều việc, và cuối cùng làm chẳng kham đành xin Chúa can thiệp.

Mácta phục vụ Chúa, điều đó thật tốt. Thế nhưng điều tốt xem ra bình thường đó lại có vấn đề. Vấn đề ở chỗ nào? Ở chỗ là cô không toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa, vì cô còn bận tâm để ý đến người em, mà người em này hiện ra trong mắt cô với hình ảnh không mấy tốt đẹp đó là người trốn việc, biếng nhác, và do đó công việc của cô đã bề bộn lại càng bề bộn hơn, đã rối trí lại càng rối trí hơn, nhưng rất may cho cô là giữa lúc bế tắc đó cô còn biết dừng lại bên Chúa. Cái dừng lại đó cần thiết cho cô, ích lợi cho cô lắm, vì cô sẽ có người tiếp tay công việc, vừa khép sự chú ý của Chúa và mọi người về phía mình mà trước đó dường như không ai để ý tới, vừa giải tỏa được nỗi ấm ức trong lòng đối với cô em Maria. Mácta dừng lại để người khác khen mình, để tự khen mình, khen mình cũng là hạ giá người khác: “Em con để mình con phục vụ”. Phải chăng ý cô là: Con quá giỏi, còn em con nó vụng về chẳng biết làm gì, lại vô tâm quá. Một cái dừng để trách móc người khác, và cũng để trách Chúa: “Mà Thầy không để ý tới sao”. Cô trách khéo: sao con?. Một cái dừng để bắt người khác làm theo ý mình, làm như mình và cũng để lôi kéo Chúa về phe mình: “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Lấy uy của Chúa, dùng quyền của Chúa để bắt người khác phục vụ ý mình, làm như mình muốn.

Nhưng Chúa Giêsu tận dụng giây phút dừng lại ấy của Mácta để thức tỉnh cô. Sự thực thì Chúa có vô tâm với cô không? Thưa không, Chúa không vô tâm nhưng để ý tới cô, để ý nhiều nữa kìa, không những biết việc cô làm nhưng Chúa còn biết lòng dạ, suy nghĩ của cô: Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!” vì băn khoăn lo lắng nhiều chuyện đến nỗi dường như không còn biết điều gì khác nữa, cô đang ngủ mê trong công việc của mình nên Chúa phải thức tỉnh cô. Thức tỉnh trong yêu thương, Chúa gọi cô Kitô hữu phải một mà đến hai lần, như đánh thức người mê ngủ: “Mácta! Mácta ơi!…” thật êm ái và yêu thương. Sao mà cô không tỉnh thức được. “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Một điểm dừng làm thay đổi nhận thức, làm đảo lộn những giá trị mà Mácta đã xây dựng trước đó, nó mang đến một sự đổi mới theo chiều kích thiêng liêng cần thiết cho sự cứu rỗi.

Câu trả lời của Chúa chắc chắn làm Mácta ngạc nhiên, giật mình vì ngoài sự phán đóan và tỉnh ngộ, có một cái nhìn mới, đón nhận những giá trị mới. Từ nay cô không phải lo lắng bởi lương thực vật chất, nhưng phải lo lắng cho lương thực thiêng liêng. Từ của ăn trần thế mau hư nát, Chúa hướng cô đến lương thực Nước Trời trường tồn. Từ lương thực nuôi sống thân xác phàm tục Chúa hướng cô đến lương thực linh hồn thiêng liêng Lương thực Nước Trời thì tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất đó chính là Lời Chúa, đó là ơn Chúa.

Đến điểm dừng của Kitô hữu trong cuộc sống;

Cuộc sống con người ngày nay hoạt động nhiều hơn tĩnh lặng, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển vùn vụt, con người như bị cuốn hút vào vòng quay của nó đến nỗi dường như không có thời gian để thở, để thư giãn, để nghĩ ngơi…Người Kitô hữu trong hoạt động Tông đồ, hoạt động truyền giáo, bác ái từ thiện, dấn thân xã hội…dường như cũng bị ảnh hưởng của thời đại: Thế giới còn nhiều người chưa nhận biết Chúa, còn nhiều người nghèo đói, bệnh tật, gặp hoạn nạn, đau khổ…cho nên bổn phận, trách nhiệm của Giáo hội, của một Kitô hữu còn nặng nề, cần nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực. Nhưng hoạt động Tông đồ, truyền giáo, bác ái của chúng ta có phản ánh tình yêu Của Thiên Chúa? Có là hoa quả của tình yêu Thiên Chúa? Hay chỉ để làm tăng uy tín, tăng giá trị, khuếch trương ảnh hưởng của chúng ta, kéo sự chú ý của người khác về phía mình, yêu cầu Chúa làm theo ý mình?

Chúa có thể mải mê công việc của Chúa mà không được quên đi chính Chúa. Chúng ta có thể loay hoay với công việc của cuộc sống, nhưng không được quên đi mục đích của cuộc sống. Cần có những điểm dừng trong cuộc sống để kín múc nơi Chúa: tình yêu, sức mạnh cho những hoạt động của chúng ta. Chiếc ly cần phải đứng yên mới có thể hứng lấy nguồn nước từ vòi rót xuống. Thiên Chúa không thể đổ vào tâm hồn chúng ta điều gì cả nếu trước đó đã bị đầy mọi sự rồi. Để phân phát tình yêu Thiên Chúa, ta cần phải có tình yêu Thiên Chúa tràn đầy nơi mình trước. Hoạt động Tông đồ là mang tình yêu Chúa đến với anh em. Thế giới không thích thú gì khi gặp gỡ ta, những thế giới đang khao khát tình yêu Thiên Chúa, đang khao khát những gì Thiên Chúa muốn trao ban cho họ qua trung gian chúng ta.

Khi bị quay cuồng trong cuộc sống, nếu chúng ta biết dừng lại như Mácta và cầu cứu Chúa: “Chúa ơi! Con mệt quá”, lúc đó chúng ta sẽ được Chúa tiếp sức bằng Lời của Chúa, sẽ được Chúa chỉ cho chúng ta điều nào là quan trọng nhất, điều nào là phụ thuộc và qua đó ơn Chúa, tình yêu Chúa sẽ nuôi dưỡng và tiếp sức cho chúng ta. Chúng ta đừng quên chọn Chúa và Lời Chúa là phần tốt nhất cho đời mình. Hoạt động của chúng ta phải là hoa trái của tình yêu của Thiên Chúa. Cành sinh hoa kết quả không phải vì cành, nhưng vì cành biết kết hợp cùng cây.

Hành trình nào cũng cần có những điểm dừng, những điểm dừng ấy thật cần thiết để tiếp sức cho hành trình đạt đến đích. Hành trình về tiếp nhận ân sủng, tăng cường sức khỏe thiêng liêng, bồi bổ tâm linh cho hành trình đến đích. Gặp gỡ Chúa trong thinh lặng, cầu nguyện là cần thiết nhất để giao tiếp với Chúa, nghe tiếng Chúa và đón nhận ơn Chúa.

Thế nhưng liệu có thinh lặng cầu nguyện được trong thế giới ồn ào náo nhiệt, tràn ngập công việc này chăng?

Mẹ Têrêsa Calcuta, một nữ thánh giữa đời thường, mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Calcuta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đi vào “nhà hấp hối” để an ủi các kẻ liệt lào, các nữ tu của mẹ đã quì trước Thánh Thể một tiếng đồng hồ, để kín múc nơi Chúa: tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ.

 

32. Việc cần

Truyện cổ tích Arập có kể lại câu chuyện: Một vị hoàng tử được vua cha gởi vào sa mạc để thụ huấn với một vị hiền triết. Vị hoàng tử này kinh ngạc về thái độ lạ thường của nhà hiền triết, suốt ngày không thèm nói lời nào với hoàng tử mà chỉ ra dấu cho hoàng tử hãy ngồi im bên cạnh mình.

Sau một tháng im lặng như vậy, hoàng tử bực mình hỏi:

– Thưa thầy, cha tôi gởi tôi đến đây để học cùng thầy, nhưng đã một tháng qua rồi mà tôi chưa học được gì cả?

Nhà hiền triết ôn tồn trả lời:

– Này hoàng tử trẻ tuổi của ta, nếu con không học quí trọng sự thinh lặng của ta thì con sẽ không thể nào quí trọng được những lời ta nói. Nếu con không học được bài học sống trong thinh lặng thì con sẽ không học được gì nữa cả.

Triết gia người Pháp ông Pascal đã nhận định về thời đại của ông như sau: “Sau khi đã quan sát cuộc sống của những người đồng thời trong một thời gian lâu, tôi có thể kết luận rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng gây phiền phức xáo trộn cho con người là vì con người không còn khả năng sống trong thinh lặng nữa”.

Ông Pascal đã sống xa chúng ta hơn ba thế kỷ, ông sống vào thế kỷ XVII bên Pháp. Căn bệnh của những thời đại ông vẫn còn là căn bệnh của những người hay nhiều người của thời đại hôm nay, đó là căn bệnh sợ im lặng, sợ sống trong thinh lặng. Nhìn qua những ồn ào, những bạn trẻ lúc nào cũng phải nghe nhạc, xem truyền hình, lúc nào cũng phải đùa chơi với bạn bè, chúng ta có thể hiểu được phần nào căn bệnh này còn tồn tại. Nhưng không phải là sự thinh lặng của cô đơn, của sự trống rỗng không có gì cả. Người Kitô không bao giờ sống trong thinh lặng cô đơn trống rỗng này, vì có sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời và ngay bên cạnh. Sự thinh lặng của người Kitô là sự thinh lặng có đầy Chúa, để được đồng hiện diện với Chúa, để được nhìn thấy Chúa và lắng nghe tiếng nói của Ngài.

Thử hỏi trong một ngày sống chúng ta dành ra được bao nhiêu giây phút thinh lặng có đầy Chúa này? Bao nhiêu giây phút chúng ta im lặng đến gặp Chúa trong Bí tích Thánh Thể? Bao nhiêu giây phút chúng ta im lặng để đọc Kinh Thánh, để lắng nghe Lời Chúa? Đây là điều tốt nhất mà Maria đã chọn như trong Phúc âm Chúa nhật hôm nay kể lại cho chúng ta.

Sự thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa, đó là sự thinh lặng có đầy Chúa. Không dừng lại ở sự thinh lặng, nhưng luôn đi trên con đường noi gương sống của Chúa, được hiện diện với Chúa, được đồng hóa với Ngài, được chia sẻ sứ mạng của Ngài. Đây là điều chúng ta nhận thấy nơi vị tông đồ Phaolô được nhắc lại nơi bài đọc II. Sống trong sự thinh lặng có đầy Chúa, thánh tông đồ Phaolô đã định nghĩa cuộc sống của mình như là một cuộc sống trong Chúa, sống đầy Chúa và sẵn sàng lãnh nhận những gì còn thiếu nơi cuộc thương khó của Ngài.

Cách nói còn thiếu nơi sự thương khó của Chúa không có nghĩa là sự thương khó của Chúa còn thiếu điều gì, nhưng muốn nói là sự thương khó của Chúa cần được chia sẻ, được sống trong cuộc đời của tông đồ Phaolô. Có sống trong thinh lặng đầy Chúa này chúng ta mới có đủ can đảm vác thập giá với Chúa, chia sẻ những đau khổ, hy sinh của Chúa trong những hy sinh đau khổ chúng ta đương đầu hằng ngày.

Tâm thức sống ồn ào là tâm thức của những kẻ trốn chạy khỏi cuộc sống. Sống trong thinh lặng có đầy Chúa như Maria ngày xưa và như Mẹ Maria im lặng bên cạnh Chúa cho đến dưới chân thập giá. Đó là thái độ tốt nhất để sống trọn vẹn cuộc sống đầy gian nan thử thách của chúng ta trong hoàn cảnh ngày nay.

Xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong thinh lặng đầy Chúa này, thinh lặng để lắng nghe, để có thêm sức mạnh của Chúa, để giữ vững đức tin, đức cậy và đức mến vào Chúa.

 

33. Chọn phần tốt nhất – Lm Bùi Quang Tuấn

Ngày kia, trong cuộc hành trình lên Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Đức Giêsu được một gia đình tại làng Bêtania đón tiếp. Nhà gồm ba chị em: Matta, Maria và Lazarô. Matta là người chị cả, có lòng hiếu khách và rất mến mộ Đức Giêsu. Nên chi khi được vị khách quí này viếng thăm, cô đã đôn đáo, tận tình trổ tài để chiêu đãi Chúa một bữa.

Trong khi đó cô em là Maria lại trầm tĩnh hơn. Nàng mời Đức Giêsu vào nhà và ngồi bên chân Ngài tiếp chuyện. Tất nhiên việc này không lọt khỏi đôi mắt tinh tường, đảm đang, và chú ý đến hết mọi thứ của bà chị. Thế nên, đợi hồi lâu mà vẫn không thấy cô em xuống bếp giúp mình một tay, hầu tiếp đãi Thầy cho đàng hoàng, Matta đã cất tiếng nhờ Đức Giêsu trợ giúp: “Thưa Thầy, em tôi để tôi phục dịch một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.” Đây phải chăng là lời than trách nhẹ nhàng, ngầm nói Maria là người cứng đầu, chị bảo khó nghe, nên phải nhờ Chúa dạy? Hay đây là chính lời “cầu nguyện” mà một người đang hoạt động tất bật cho Nước Chúa, nhưng thiếu nhân sự cộng tác, nên phải cầu Chúa can thiệp?

Dẫu sao thì Đức Giêsu đã không bảo cô em: “Thôi để lúc khác chúng ta nói chuyện tiếp. Bây giờ hãy đi giúp chị đi.” Trái lại Ngài đã khẳng định cho bà chị biết một giá trị ưu tiên trong cuộc sống: “Ngươi lo lắng xao xuyến về nhiều chuyện quá! Cần thì ít thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất rồi và sẽ không bị ai giựt mất.”

Mới nghe qua, e rằng có người thương cảm cho Matta: bận rộn phục dịch Chúa đã chẳng được tiếng khen hay lời khích lệ. Trong khi người kia chỉ ngồi một nơi, chẳng làm lụng gì cả mà lại được Chúa khen là “biết chọn phần tốt nhất.”

Phải chăng có một nghịch lý trong Tin Mừng của Đức Giêsu: cách đây không lâu, qua câu chuyện Người Samari Nhân Hậu, Ngài đã mở ra cho môn đệ con đường dấn thân hoạt động, hy sinh phục vụ tha nhân – “Hãy đi và làm như vậy” – thế mà bây giờ thì dường như Ngài lại đề cao việc tĩnh lặng và lắng nghe ?

Điều đáng lưu ý là không phải Đức Giêsu khiển trách Matta, cũng chẳng phải Ngài thiếu quan tâm hay không đánh giá tốt việc làm của cô ấy. Trái lại Đức Giêsu muốn khuyên cô đừng quá bối rối lo lắng để trở thành một kẻ nô lệ cho công việc hay thành quả. Điều cần thiết nhất không phải là làm được gì cho Chúa nhưng là nhận được gì từ Chúa. Nhận nhiều hay ít để sau đó có thể trao ban cho tha nhân ít hay nhiều còn tùy thuộc thái độ người ta đón tiếp Chúa trong cuộc đời.

Có nhiều người quá hăng say hoạt động công ích xã hội mà quên đi đời sống nguyện cầu. Có lắm kẻ qua tích cực “giải phóng” anh em mà quên luôn Chúa. Như thế thì làm sao có thể thành công theo tinh thần của Phúc âm được. Vì như Đức Giêsu đã phán: “Không có Ta, các ngươi không làm được gì” cơ mà. Và Ngài cũng đã từng quả quyết: “Cũng như nhánh nho không thể tự mình sinh quả nếu không lưu lại với thân nho, thì các ngươi cũng vậy, nếu không lưu lại trong Ta.” (Ga 15:4)

Một vị linh mục đã viết: “Những hoạt động rầm rộ, những cuộc dấn thân vào đời mà không có sự liên hệ mật thiết với Chúa, không lấy sự cầu nguyện làm căn bản hỗ trợ, sẽ không đem lại ích lợi sâu xa và lâu bền. Có mến Chúa mới biết yêu người như Chúa đã yêu mến, có hiệp nhất với Chúa mới biết mở vòng tay lớn ôm lấy anh em.” Biết lấy Chúa làm căn bản của đời sống, biết tìm đến Ngài qua thinh lặng và nguyện cầu, người ta mới có được hướng đi đúng lối và sức mạnh cần thiết cho hành trình phục vụ Nước Trời.

Đó không chỉ là lối sống cần thiết đối với những người làm việc tông đồ, nhưng còn là “phần tốt nhất” mà mọi người phải có. Đã nhiều lần Đức Giêsu căn dặn các kẻ theo Ngài: đừng lo lắng thái quá về của ăn áo mặc, đừng bồn chồn xao xuyến về ngày mai, cũng đừng sợ hãi khi phải đứng trước bạo lực của trần gian… vì chỉ có một điều cần nhất thôi: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, cùng sự công chính của Người” (Mt 6:33)

Có lẽ lắm khi người ta cứ dễ mãi mê với công việc, chạy đôn đáo với đồng tiền, xôn xao lo lắng cho tương lai của chính mình hay con cái mà quên đi những giây phút tĩnh lặng ngồi bên chân Chúa, để lắng nghe và để nhận chân giá trị quan yếu của cuộc đời. Nhiều người lo làm việc tối ngày, đến nỗi “không có giờ” ngồi yên để đọc một đoạn Thánh kinh, hay đôi dòng sách báo đạo đức. Như thế làm sao trám khỏi tinh thần bị còm cõi và đời sống mất đi ý vị.

Giữa một cuộc sống ồn ào bon chen, phải cố gắng tìm cho chính mình những giây phút thinh lặng. Bình an và sức mạnh nội tâm được kín múc từ những khoảnh khắc nầy đây. Thomas Merton từng đoạn quyết: “Thinh lặng là nhu cầu căn bản cho mọi người muốn sống nhân tính của mình cách tốt đẹp nhất.” Vì chỉ trong thinh lặng người ta mới dễ ghi nhận sâu xa những nét đẹp ở nơi Tạo Hóa và nơi con người.

Lắm khi người ta cũng đa đoan đến nỗi chỉ biết đôn đáo kiếm tìm: kiếm cá, kiếm cơm, kiếm tình, kiếm bằng cấp, kiếm kiến thức… mà quên dừng lại để đắm nhìn vào vũ trụ thinh không, hầu khám phá cội nguồn hạnh phúc cuộc đời. Cội nguồn đó chính là Thiên Chúa. Thiếu Ngài đời người chỉ là một chuỗi tìm kiếm vô vọng. Có Ngài chẳng ai giựt mất được sự an vui của tâm hồn.

“Maria đã chọn phần tốt rồi, và sẽ không bị ai giựt mất.”

Chắc hẳn bạn chẳng bao giờ muốn tìm kiếm những thứ mà khi vừa có lại bị thế gian giựt mất!

 

34. Lắng nghe

Đoạn Tin Mừng thánh Luca kể lại câu chuyện tiếp đón Chúa Giêsu của hai chị em Marta và Maria tại nhà của họ ở làng Bêtania. Chúng ta thấy tất cả câu chuyện xoay quanh cách thức hai người tiếp đón Chúa, rồi tột đỉnh và kết thúc câu chuyện là nhận định của Chúa Giêsu về cách tiếp đón của mỗi người.

Trước hết, chúng ta thấy cả hai người đều tiếp đón Chúa, nhưng mỗi người một cách, mỗi người một vẻ: Marta thì bận rộn tíu tít, lo lắng lăng xăng nhiều việc. Còn Maria thì chỉ ngồi bên chân Chúa, tiếp chuyện Chúa và nghe Chúa giảng dạy. Cách tiếp đón nào làm hài lòng Chúa hay được Chúa yêu thích hơn? Đó là cách tiếp đón của cô Maria. Chính Chúa đã nhận định như thế: “Maria đã chọn phần tốt nhất”. Còn với cô Marta, Chúa nói: “Con lo lắng băn khoăn nhiều chuyện quá”. Thật ra, cả hai chị em đều hết lòng tiếp đón Chúa. Nhưng đối với Chúa: “Người ta sống không bằng cơm bánh mà thôi, nhưng còn bởi lời Thiên Chúa:, nghĩa là người ta không phải chỉ có sự sống như thực vật, động vật, mà còn phải có lẽ sống. Đối với chúng ta, lời Chúa cho chúng ta lẽ sống và đường sống. Vậy thì lời Chúa phải có vị trí ưu tiên, là vì phải nghe lời Chúa chúng ta mới có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình cho trung thực với lẽ sống và đường sống mà Thiên Chúa cho mình. Cô Maria đã làm đúng như thế. Đây là bài học thứ nhất chúng ta ghi nhận: Chúa muốn chúng ta, dù bận rộn công việc thế nào cũng phải biết dành thời giờ để lắng nghe và tìm hiểu lời Chúa.

Thực vậy, ai trong chúng ta cũng có nhiều việc phải làm. Đừng kể những người lười biếng hay những người chỉ muốn ăn không ngồi rồi, còn hầu hết chúng ta, nếu sống đúng vai trò và nhiệm vụ của mình, chúng ta đều thấy việc thì nhiều mà thời gian lại ít. Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày hãy còn quá ngắn. Thời giờ lúc nào cũng chực chắp cánh bay đi, để lại công việc cứ tiếp nối nhau mãi, hoặc làm mãi mà không hết việc. Sống trong hoàn cảnh quá nhiều công việc như vậy, thì bài học nghỉ ngơi như cô Maria càng cần thiết cho chúng ta, chúng ta không thể để cho công việc lôi kéo mà quên mất mục đích chính của đời mình. Công việc làm ăn tay chân nghề nghiệp chỉ là phương tiện nuôi sống, là con thuyền đưa chúng ta về trời, chứ nó không thể là mục đích của đời chúng ta. Có lẽ Chúa chẳng hài lòng gì mà còn đau lòng nữa, khi thấy chúng ta quá bận rộn vào biết bao công việc, phí phạm bao nhiêu sức lực của tuổi đời, bao nhiêu thời gian quí giá, để lo cho những công việc không có giá trị trường cửu, để rồi kết thúc cuộc đời mình trong lo lắng, sợ hãi về số phận đời sau.

Như vậy, điều chúng ta cần ghi nhớ là chúng ta phải biết gặp gỡ Chúa trong hoạt động, trong việc làm. Nói cụ thể hơn, trong một ngày và trong hoạt động, chúng ta phải biết dành ra ít giây phút cho việc gặp gỡ Chúa. Thí dụ: một lúc im lặng, một khoảnh khắc nâng tâm hồn lên cao, một ít phút đọc Kinh Thánh, một ít phút để cầu nguyện, để tâm sự với Chúa và lắng nghe Chúa nói với tâm hồn mình. Nói tóm lại, chúng ta cần tìm ra ý nghĩa sâu xa những câu nhận định của Chúa Giêsu: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”, “Maria đã chọn phần tốt nhất”, nghĩa là cuộc đời của chúng ta, có nhiều điều phải lo lắng, có nhiều công việc phải làm, nhưng chúng ta phải biết khẳng định cái gì là ưu tiên, cái gì cần làm, cái gì phải làm trước. Đó là lắng nghe Lời Chúa, đó là cầu nguyện.

Đàng khác, bài Tin Mừng còn gợi cho chúng ta suy nghĩ thêm một vấn đề nữa, đó là câu nói của Marta: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?”. Câu nói của Marta tỏ lộ phần nào thái độ phân bì ghen tị thường sẵn có trong lòng mọi người. Chúng ta biết: ghen tị là một trong bảy mối tội đầu, là tội nặng. Kẻ ghen tị rất tự cao, không muốn ai hơn mình. Mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn rầu, chán nản, tức tối, oán ghét với những thành công của người khác… Có người chỉ ghen ghét một người nào đó trong một thời gian thôi. Nhưng có người ghen ghét suốt đời. Người ta ghen tị về đủ mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức… Thường những người ở trong cùng hoàn cảnh, cùng môi trường, cùng tình thân mới ghen ghét nhau, như bạn bè, chị em ghen nhau; nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt, hàng cá ghen nhau. Rồi người lớn hay ghen tị nhiều hơn tuổi trẻ, vì tuổi trẻ còn đang ganh đua và có nhiều điểm phải vươn tới, rồi họ lại dễ bỏ qua, tha thứ. Cho nên, nếu có, thì chỉ là tạm thời. Còn người lớn ghen tị thường đưa đến oán thù, phá đổ.

Chẳng hạn, vua Saolê, khi thấy Đavid được dân chúng ca tụng là tài giỏi hơn vua, thì nhà vua ghen tức với Đavid, đến nỗi từ đó tìm đủ cách để giết Đavid, dù Đavid không có tội gì hết. Saolê ghen tị thật vô lý. Đavid là một tay tài giỏi, thắng trận trở về, xứng đáng được toàn dân ca tụng biết ơn. Còn Saolê, lẽ ra phải vui mừng vì Đavid đã đem phần thắng về cho mình, thì Saolê đã làm ngược lại là ghen tức và cay đắng trả thù. Đúng như câu nói: “Khi một người thắng trận trở về nhà, dù lòng đang vui cách mấy đi nữa, khi thấy có người khác hơn mình, thì niềm vui đó sẽ trở thành buồn bực và đau khổ”. Nếu như chúng ta ở trong trường hợp của Saolê, có lẽ chúng ta cũng ghen tức như Saolê. Chúng ta có thể cười người khác khi thấy họ ghen tị, và chúng ta cho đó là thái độ trẻ con. Nhưng chính chúng ta cũng nên phản tỉnh lại xem chúng ta có hơn trẻ con không? Khi thấy người khác đau khổ, chúng ta dễ chạnh lòng thương, an ủi giúp đỡ họ. Ngược lại, thử hỏi chúng ta có vui một cách thành thực khi anh em mình được may mắn thành công chăng? Thường thường chúng ta hay đi chia buồn hơn là chia vui. Chúng ta hãy nhớ: Ghen tị sinh ra nhiều tai hại: ghen tị thường đi đến chỗ nói hành, nói xấu, vu oan cáo vạ, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tị làm đứt mất tình bác ái và gây nên nhiều gương mù gương xấu. Vì thế, bằng mọi giá chúng ta phải tốp lại cái thói ghen tị vô lối của mình.

Bài Tin Mừng cũng như những điều tìm hiểu trên đây nhắc nhở chúng ta suy nghĩ: Mỗi người chúng ta đã tiếp đón Chúa, gặp gỡ Chúa, lắng nghe lời Chúa như thế nào trong cuộc sống: theo kiểu của Marta hay Maria? Chúng ta có biết kết hợp giữa cầu nguyện và hoạt động trong cuộc sống để đáp ứng những đòi hỏi phát triển con người toàn diện không? Chúng ta có tự cho mình là đúng, công việc của mình là hay hơn cả, để rồi phủ nhận hoặc công kích người khác, công việc của người khác không? Trong khi có thể chính người đó mới đúng và công việc của họ mới đáng kể? Ước mong mỗi người hãy suy nghĩ và kiểm điểm để đổi mới hoặc bổ túc những gì còn sai lỗi hoặc thiếu sót trong đời sống đạo của mình.

 

35. Phần tốt nhất quyết định ý nghĩa cuộc sống

(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng)

Bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật hôm nay đề cập đến vấn đề đón tiếp. Abraham được Thiên Chúa viếng thăm dưới hình ảnh ba người khách. Ông đã thể hiện sự hiếu khách của mình trong việc làm tất cả bao nhiêu có thể để làm hài lòng những vị khách đặc biệt ấy. Trước tiên, ông lấy nước để cho họ rửa tay chân, tiếp đến sai đầy tờ làm thịt bê, và nói với vợ mình Sara lấy bột để làm bánh. Một sự tiếp đón hết sức chu đáo. Điều này đã làm hài lòng ba vị khách. Nhờ thế, gia đình ông được chúc lành và được đón nhận trước một tin vui là chừng này năm sau hai ông bà sẽ có được một cậu con trai mặc cho đang ở độ tuổi cao niên.

Tiếp đón là phần không thể thiếu trong việc xây dựng các mối tương giao trong nhân loại. Tất cả các việc chuẩn bị chu đáo như các món ăn, bày bố trang trí bàn ăn đẹp mắt, tạo bầu khí dễ chịu thân thiện…nhằm mục đích làm hài lòng người được mời. Một bữa ăn không dừng lại ở vấn đề thỏa mãn cơn đói khát, mà còn vươn tới nét đẹp văn hóa ẩm thực mà chúng ta biết mỗi miền và mỗi quốc gia đều có những món ăn đặc trưng riêng của mình. Bữa ăn giúp xây dựng tình bạn ngày thêm sâu đậm. Khi cùng nhau chia sẻ bữa ăn là muốn nói cho người đồng bàn biết họ là quan trọng, là muốn cho họ được sống một cách triển nở, là muốn xây dựng một tình bằng hữu chân thực. Cũng chính trong bầu khí của bữa ăn, người ta có thể mở lòng ra để lắng nghe và chia sẻ nhiều điều với người đồng bàn. Qua đó mỗi bên nhận được những hoa trái bổ ích và có được nhiều kiến thức cũng như hiểu biết nhau hơn.

Cuộc viếng thăm của Thiên Chúa dành cho Abraham và lòng hiếu khách của ông dành cho Ngài là điều cần thiết nhất trong cuộc sống của mỗi Kitô hữu. Điều này lại được Đức Giêsu một lần nữa khẳng định khi nói về sự chọn lựa giữa lắng nghe Chúa và bên kia là công việc. Tin Mừng Thánh Luca kể về cuộc thăm viếng của Đức Giêsu đối với ba chị em trong một gia đình tại Bêtania. Đây là một gia đình có mối liên hệ gần gũi với Ngài. Có thể nói nơi đây là điểm dừng chân sau những chặng đường rao giảng của Đức Giêsu. Ba chị em của gia đình tại Bêtania cũng còn được các sách Tin Mừng khác nói đến, như Tin Mừng theo thánh Gioan có kể về việc Đức Giêsu cho ông Lazarô chết bốn ngày và đã an táng trong huyệt mộ được sống lại. Trong cuộc viếng thăm đang nói ở trên, hai thái độ hoàn toàn khác nhau được thể hiện nơi Martha và Maria. Trong khi cô chị Martha tất bật bận rộn với công việc bếp núc, thì cô em Maria lại cứ ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Ngài. Không những thế, cô em lại còn được Đức Giêsu khen là đã biết chọn phần nhất, đồng thời cô chị lại bị trách cứ là « lo lắng bối rối về nhiều chuyện » nữa.

Thực ra, hình ảnh lắng nghe Chúa của Maria và bận tâm nhiều việc của Martha không thể tách rời. Đây chỉ là hai mặt của một vấn đề. Trước hết cần phải lắng nghe Chúa thì sau đó mới có thể bước đi đúng hướng, cũng như dẫn đến hành động để làm những việc cần làm. Điều quan trọng là biết dành thời gian cần thiết và có con tim nhạy bén để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa. Đó chính là cuộc gặp gỡ mật thiết với Ngài trong cầu nguyện. Chỉ trong khung cảnh ấy người tín hữu mới có thể đón nhận thánh ý Chúa để rồi chấp nhận bỏ ý riêng của mình, để cuộc đời của mình được bước đi trong sự tín thác. Điều này khác hoàn toàn với việc xin Thiên Chúa thực hiện nơi cuộc đời của mình những tiêu chuẩn theo cái nhìn của người đời, và những gì mà chính bản thân muốn được như ý của mình vậy. Dành thời gian để lắng nghe Chúa nói, hơn là nói thật nhiều với Ngài, trở nên tối cần thiết và được coi như hơi thở của mỗi Kitô hữu.

Cuộc đời quanh ta vẫn tấp nập tiếp diễn hết ngày này tháng khác. Đôi khi, con người bị cuốn hút vào nhịp độ với áp lực thật cao dẫn đến cuộc sống bị mất quân bình. Tuy nhiên, có khi đạt được thành công lại là lúc người ta chủ quan cho rằng khả năng của mình quyết định yếu tố thành công ấy. Từ đó, sẽ làm cho ý nghĩa của cuộc đời mất đi điều chính yếu. Cuộc sống nhân loại được kết hợp bởi nhiều mảng khác nhau như vật chất, tinh thần, đời sống tâm linh, nghề nghiệp, gia đình, cộng đoàn, xã hội…Vượt lên trên tất cả, có Đấng là Chủ thể của thời gian và không gian, là nguyên lý tối hậu của muôn loài muôn vật. Nhờ Ngài mà chúng được tồn tại. Đấng đó chính là Thiên Chúa, Người cho chúng ta sự sống và chỉ cho mỗi người thấy ý nghĩa đích thực. Điều tất yếu, người tín hữu cần phải thiết lập mối mối tương quan chặt chẽ với Ngài, vì khi tách ra khỏi Ngài, con người sẽ trở nên hư vô. Như thế, mới thấy lời khuyên của Đức Giêsu hôm nay dành cho Martha thật sâu sắc. Khi chọn phần tốt nhất là dành thời gian để nghe Chúa, thì các mảng khác trong cuộc sống của con người mới được triển nở và mới đạt tới như lòng Chúa mong muốn.

Mỗi Chúa Nhật, người tín hữu được quy tụ trong bầu khí bữa tiệc được chính Đức Giêsu dọn ra để cho chúng ta được bồi bổ sức mạnh và đời sống được thăng hoa. Ngài mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Ngài và muốn chúng được đem ra thực hành nhằm trổ sinh hoa trái. Ngài cũng cho chúng ta thưởng thức lương thực là chính mình của Ngài, để cho đời sống đức tin chúng ta được củng cố và tăng triển không ngừng.

Xin cho chúng ta có tâm hồn lắng nghe Lời Chúa như Mẹ Maria, để trong mọi hoàn cảnh chúng ta biết gẫm suy Lời Chúa trước khi đem ra thực hành. Khi chọn phần tốt nhất chính là lúc thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện nơi chúng ta và trong suốt cả cuộc đời.

 

home Mục lục Lưu trữ