Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1367588

ĐIỀU CẦN PHẢI BỎ TRÊN ĐƯỜNG THEO GIÊSU

ĐIỀU CẦN PHẢI BỎ TRÊN ĐƯỜNG THEO GIÊSU

(Giải thích và suy niệm của Lm. Nguyễn Ngọc Thế)

Vài hàng sơ lược

– Đoạn phúc âm này là bài giáo huấn thứ 3 trong chương 10, sau lời giáo huấn về hôn nhân (10,2-12) và về tinh thần của trẻ em (10, 13-16). Đề tài chính của đoạn này là câu hỏi về sự sống đời đời làm gia nghiệp trên nước Trời, và tinh thần theo Giêsu.

– Đoạn này có thể chia làm 3 phần: (1) từ câu 17-22 là cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Giêsu và người thanh niên giàu có đi tìm sự sống đời đời làm gia nghiệp. (2) Từ câu 23-27, Đức Giêsu giáo huấn tinh thần nghèo khó cần có trên đường theo Chúa, và cần có để được vào nước Trời. Và (3) từ 28-31, câu hỏi của Phêrô về phần thưởng khi theo Giêsu, và câu trả lời của Giêsu.

Suy niệm

“17 Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

– “Giêsu lên đường” trong câu này, là đi tới Giê-ru-salem (ss. Mc 10,32), để Ngài sẵn sàng chịu đau khổ, chịu bắt hại và chịu chết. Và trên đường đó, có một người chạy đến gặp Giêsu. Người này, theo Mt 19,22, là người thanh niên. Theo Adolf Pohl, trong xã hội Do-thái, đàn ông đến 40 tuổi vẫn có thể được gọi là thanh niên. Ngoài ra, so sánh với Lc 18,18-23, thì người hỏi Giêsu là một thủ lãnh. Người này có thể là trưởng hội đường, là quan tòa, hay một thành viên trong hội đường. Vì thế, không biết người anh em trong đoạn phúc âm của chúng ta có phải là một thanh niên hay không? Tuy nhiên, thuận theo Mát-thêu chúng ta cứ coi là một thanh niên.

– Anh ta chạy đến và quỳ xuống trước mặt Giêsu và hỏi. Thái độ quỳ xuống ở đây nhắc nhớ chúng ta đến hình ảnh của người phong hủi quỳ xuống xin Giêsu: “Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1,40) Thái độ này còn có ý nghĩa công nhận Giêsu là một vị Thầy. Vì thế, trong câu hỏi, anh ta đã nói rằng: “Thưa Thầy nhân lành”. Tính từ “nhân lành” hay “tốt lành” ở đây được thêm vào, có ý nghĩa chỉ về vị thầy được nhắc trong Mc 12, 14, mà các người Pha-ri-sêu nói về Giêsu: “Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.” Và “tốt lành” ở đây chỉ vị Thầy khiêm nhường, như Gioan Tẩy Giả nhỏ đi, để Thiên Chúa lớn lên: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3, 30). Vâng, quên chính bản thân mình, để tất cả chỉ vì vinh danh Thiên Chúa mà thôi.

– “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Câu hỏi của chàng trai trẻ đặt ra cho vị Thầy tốt lành, trở nên một câu hỏi quan trọng cho mỗi con người trong từng thời đại. Một câu hỏi nói lên lòng khao khát của con người về kho tàng quý giá nhất, về hạnh phúc tuyệt vời và vĩnh cửu, hạnh phúc mà con người không thể tìm thấy trong cuộc sống trên trái đất này. Sự khao khát về sự sống vĩnh cửu, sự sống không bao giờ quen tới chữ “hết” và chữ “chết”. Nhưng để cho cuốn phim cuộc đời không “hết” và sự sống con người không “chết”, thì cần phải làm gì đây? Vấn nạn của chàng thanh niên thuở xa xưa cũng là vấn nạn của từng người trẻ thời nay. Trước vấn nạn này, chúng ta hãy lắng nghe Giêsu trả lời.

“18 Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.”

– Đúng theo kiểu của Giêsu, Ngài trả lời bằng cách đặt một câu hỏi cho người đã hỏi. (ss. Mc 10,3). “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.” Ở đây, chúng ta cũng có thể thắc mắc, tại sao Giêsu lại đặt ra câu hỏi đó. Và tiếp đến tại sao Giêsu lại từ chối tính từ “nhân lành hay tốt lành”?

Câu hỏi Giêsu đặt ra và sự từ chối của Ngài như là một cách thức và “phương tiện” Giêsu dùng để hướng về một điều quan trọng trong câu chuyện này. Điều quan trọng đó nằm trong câu trả lời: “Chỉ một mình Thiên Chúa tốt lành” (ss. Mc 12, 29). Câu trả lời này, theo R. Pesch, có ý nghĩa là, Giêsu qua câu hỏi của người thanh niên về điều cần làm, muốn hướng mọi người về giới răn chính yếu của Thiên Chúa tốt lành. Chỉ có giới răn này là quan trọng, là cần được thực thi. Đó chính là giới răn được nhắc trong Đnl 6,4-5: “ Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).” Điều răn chính yếu này hướng về điều răn khác cũng quan trọng không kém. Đó là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Và “chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12, 31).

19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”

Tiếp đến Giêsu hướng anh chàng thanh niên về các giới răn mang tính cách xã hội, trong tương quan giữa ngưới với người: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Đây là những giới răn quan trọng được nhắc tới trong Mười điều răn căn bản của Đức Chúa Trời dạy. Mười điều răn này tựu trung lại chính là giới răn: “Yêu người thân cận như chính mình.” Ai thực thi những điều răn này thì đang đi trên con đường công chính, và sự sống đời đời thuộc về người đó. Như vậy, anh chàng thanh niên của chúng ta có sống theo các giới răn đó không?

20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”

Thật tuyệt vời! Còn gì bằng nữa. Từ năm 13 tuổi anh thanh niên đã sống theo các giới răn. Vâng, như các trẻ em Do-thái khác, khi được 13 tuổi anh đã đón nhận trách nhiệm sống tương hợp với những điều Gia-vê truyền. Theo Billebeck, thì Do-thái giáo coi những người, dù ở trong một xã hội sô bồ và tội lỗi, vẫn sống theo lề luật mà Mô-sê truyền là những người công chính. Đó là 365 điều răn cần làm và 248 điều răn cần tránh trong các sách của Mô-sê.

Cuộc gặp gỡ giữa Giêsu và chàng thanh niên có thể chấm dứt ở đây, và anh ta có thể ra về trong hân hoan. Nhưng không, chính Đức Kitô không để cho anh đi dễ dàng như vậy. Ngài lên tiếng và thêm vào một điều quan trọng khác kế bên các giới răn trên. Điều đó người thanh niên cần có để có thể đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

21 Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Trước câu trả lời của chàng thanh niên, Giêsu hướng nhìn anh và đem lòng yêu mến. Ở đây, theo R. Pesch, thì đó không phải là kiểu Giêsu biểu lộ cảm tình của mình với anh thanh niên, mà là một thái độ cao thượng của người Thầy có quyền dạy dỗ về giới răn và quyết định giới răn. Sau đó, Giêsu đã chỉ ra một điều thiếu thốn, kế bên những giới răn mà anh thanh niên đã hiểu và sống theo. Đó là: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Trong Mát-thêu 19, 29 thì: ““Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Điều Giêsu đòi hỏi liên hệ đến chính sự sống và và vệnh mạng của anh thanh niên. Một sự đòi hỏi tận căn cho những con người muốn sống hoàn thiện.

Thực ra, nếu so sánh với kho tàng trên trời mà Giêsu hứa ban, thì của cải tài sản trên trái đất này có là gì đâu. Nói vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Có biết bao người đã coi của cải trần gian như ông chủ của mình, và bị lệ thuộc vào nó hoàn toàn. Hơn nữa, cái mình đang có trong tay bao giờ cũng quý, và cái mà mình được hứa ban cũng thật quý. Nhưng ai dám đánh đổi hay bỏ hết cái mình đang có trên tay, đề rồi nhận cái mà mình được hứa trong tương lai? Rồi còn cái “lòng tham vô đáy” của con người nữa chứ.

Dù vậy, vẫn có rất nhiều anh chị em trong lịch sử đã thấu hiểu cái giá trị cao quý của Nước Trời, nên chẳng màng tới của cải trần gian. Đó là Phan-xi-cô A-si-si, là Ê-li-sa-bét miền Thue-ring-gen, là I-nhã thành Lô-giô-la, và một vị thánh khác rất gần gũi với người Châu Á, Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Tất cả đều là những con nhà quyền quý và giàu sang, nhưng đã rũ bỏ tất cả những vật hồng trần, để trở nên con người tự do thực sự. Đây chính là điều Giêsu muốn nói trong đoạn phúc âm này. Bỏ hết của cải để được tự do cho Nước Chúa, tự do cho Tin Mừng, tư do theo Đức Kitô, và cùng với Ngài sống hoàn toàn cho tình yêu thương. Chắc chắn phần thưởng của họ không gì khác hơn là kho tàng lớn nhất. Đó là Nước Trời. Về điều này, R. Pesch đã giúp cho chúng ta đọc những tâm tình của các thầy Ráp-bi Do-thái giáo. Dưới đây là một trích dẫn mang suy nghĩ “công trạng và phần thưởng”: “Người công chính rất thích chờ đợi giây phút cuối cùng, họ chẳng sợ gì khi lìa bỏ cuộc đời này. Vì ở nơi Thiên Chúa, họ có một kho tàng từ chính những công trình của mình. Kho tàng đang được giữ gìn cho họ trong phòng cất giữ đồ quý.” Tuy nhiên, kho tàng ở trên trời không phải là thước đo, bắt người có niềm tin phải sống sao cho có hiệu quả, phải sinh ra lợi ích này hoa trái kia. Suy nghĩ của Giêsu không theo suy nghĩ của các Ráp-bi, “công trạng và phần thưởng”. Kho tàng trên trời là một hướng đích, giúp cho người có niềm tin định hướng cho hành động của mình sao cho được tốt, có thái độ hợp tình hợp lý với anh chị em bên cạnh, từ chối những gì mang mùi vị của sự dữ, không làm cho người bên cạnh bị tổn thương. Kho tàng trên trời giúp biết ý thức sống công chính với người nghèo, sẵn sàng chia sẻ và nâng đỡ họ, … Tóm lại, có thể nhắc đến nguyên tắc vàng trong Mt 7,12: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”

Như vậy, ai nhận ra được giá trị cao quý của Nước Trời, và sống theo tinh thần đó, thì giống như những người được nhắc trong dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý ở Mt 13, 44-46: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

Và người đó đang bắt chước Đức Kitô, Đấng

“vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8).

– Cùng với Đức Kitô, người sống tinh thần từ bỏ tất cả của cải, và chỉ hướng về Nước Trời, đang sống chứng tá giữa lòng thế giới đầy phức tạp, với chủ nghĩa hưởng thụ, đề cao của cải vật chất, tiện nghi hiện đại, đến nỗi chẳng còn màng gì đến nhân phẩm con người, đến lòng bác ái cần có trong xã hội. Trong thế giới này thiếu vắng văn minh của tình thương. Theo Carlo Maria Martini, tinh thần nghèo khó của Kitô giáo cần trở nên dấu chỉ sống động cho sự đoàn kết và tương trợ giữa con người với nhau. Đàng khác, tinh thần sống nghèo khó của người Kitô hữu cần mang một “khuôn mặt” khác nữa. Sự nghèo khó của chúng ta cần phải tự tách biệt ra khỏi thế giới này, trở nên lời phê bình đối với thế giới xung quanh chúng ta. Sự nghèo khó của Kitô giáo cần phải đem lại thước đo giá trị khác về con người và vật chất. Nghĩa là, phẩm giá con người không thể được đo và đánh giá theo chuẩn mực của danh vọng địa vị, của tiền bạc vật chất. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, con đường nghèo khó cũng chính là con đường giải phóng, con đường của niềm vui và mừng rỡ. Kinh nghiệm này nối kết chúng ta với Đức Giêsu Kitô. Con đường nghèo khó này giúp cho chúng ta thấu hiểu và cảm nhận được sức mạnh của Thánh Giá.

Ai đã cảm nhận được phần nào niềm vui này, ai đã tập sống chú ý và sống thật giản dị đơn sơ, sống khiêm nhường và ý thức thân phận yếu đuối tội lỗi của mình, thì người đó sẽ khám phá nhiều điều mới trong những trang của Tin Mừng. Không có sự cố gắng sống tinh thần nghèo khó này, các trang giấy Tin Mừng luôn là những trang giấy “câm lặng”.

Ai cất bước đi trên con đường nghèo khó của Đức Kitô, thì lời của Đức Kitô sẽ trở nên sống động đối với người đó. Lời của Đức Kitô sẽ bắt đầu ngân vang lên những khúc nhạc thật tuyệt vời, đem lại cho cuộc đời nhiều niềm vui, bình an và cuộc đời thật đáng sống, vì cuộc đời đẹp lắm thay.

– Ngoài ra, liên quan đến câu nói của Đức Kitô, Anselm Grun, một tu sĩ người Đức thuộc tu viện Biển Đức Muensterschwarzach, đã có những suy niệm khá lý thú. Trước hết cha đã trích dẫn lời của Evagrius (346-400), một vị ẩn sĩ khắc khổ, và một nhà văn người Hy-lạp: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, hãy vác lấy thánh giá của anh trên vai anh, để anh có thể cầu nguyện sốt sắng, mà không bị chia trí gì cả.” Tiếp đến, cha Grun đã giải thích lời này như sau.

Evagrius đã thay đổi câu nói của Đức Kitô theo một ý nhất định. Trong phúc âmcủa Mát-thêu Chúa Giêsu nói với người thanh niên: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,21) Evagrius đã đồng nhất sự theo chân Đức Kitô với việc cầu nguyện thật sốt sắng. Thật là táo bạo, khi thay đổi ý nghĩa lời của Giêsu. Và như vậy, việc theo chân Đức Kitô được hoàn thiện trong cầu nguyện, trong chiêm niệm.

Nhưng điều kiện cho việc cầu nguyện sốt sắng không chia trí là, chúng ta phải bán tất cả những gì mà chúng ta đang bám vào và lệ thuộc vào, và cho người nghèo. Chúng ta cần phải trở nên tự do hoàn toàn, tự do với tất cả những gì chúng ta đang sở hữu. Không chỉ là những vật chất bên ngoài, mà là tất cả những gì mà chúng ta đã đồng nhất hóa với chúng: như thói quen của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta, công việc của chúng ta, lo toan của chúng ta, kết quả tốt đẹp và cả tiếng tốt của chúng ta. Sự tự do nội tâm là điều kiện cho việc cầu nguyện, mà trong đó chúng ta được trở nên một với Thiên Chúa.

Evagrius cũng nêu lên một điều kiện khác. Đó là chiêm niệm (contemplation). Chúng ta cần phải đón nhận thánh giá và vác trên vai mình. Thánh giá là sự hiệp nhất của tất cả mọi sự đối lập tương phản. Chúng ta cần phải đón nhận vào trong mình tất cả mọi tương phản, cả cái bóng của chúng ta, cái bóng làm cho hình ảnh lý tưởng của chúng ta bị lu mờ. Đón nhận Thánh Giá cũng còn có ý nghĩa là nói «Vâng» với tất cả những gì đi ngang qua chúng ta, nói «vâng» với đau khổ đến với chúng ta, nói « vâng » với thất bại, nói «vâng» với tương quan đổ vỡ, nói «vâng» với những «vết rách» trong cuốn sách lịch sử cuộc đời của chúng ta.

Chỉ khi chúng ta hòa giải với Thánh Giá đang ở trên cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta mới có khả năng cầu nguyện sốt sắng và không chia trí. Chỉ có những người đón nhận tất cả một cách vô điều kiện, thì mới có thể cầu nguyện thực sự. Còn không, thì người đó sẽ bị quấy rầy thường xuyên, bởi những gì khó chịu ở bên trong mà người đó đang chống lại.

22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

– Khi nghe lời của Đức Kitô, anh chàng thanh niên của chúng ta sầm nét mắt lại. Thái độ hăng say đầu tiên đã biến mất. Vâng, đụng tới tiền bạc là thế! Tiền bạc đã làm cho Anh không thể tìm thấy nơi Giêsu ách êm ái và gánh nhẹ nhàng được (ss. Mt 11,30). Vì vậy, anh ta bỏ đi, trở về lại với kho tàng của mình, để tiếp tục gánh cái gánh nặng nề đang đè trên vai mình. Không chỉ thế, bỏ đi nhưng bỏ đi một cách buồn rầu nữa chứ. Anh ta buồn rầu vì suy nghĩ của anh ta về “công trạng và phần thưởng” không được phê chuẩn hoàn toàn? Hay anh ta buồn rầu, vì phải lìa xa Giêsu, sau khi đã nhận được một chút “hơi thở” tốt lành, nhân ái của Giêsu? Nhưng anh ta còn thiếu cái gì để có thể từ bỏ được của cải vật chất? Chắc chắn rằng, anh ta chưa yêu Chúa hơn yêu của cải của mình. Của cải của anh ta nhiều quá, đến nỗi che mắt anh ta, làm cho anh ta không còn thấy Chúa nữa, không còn sáng suốt để nhận định giá trị đích thực của vật chất là gì. Vâng, thật tiếc vì anh ta chưa hiểu được điều: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại.” (1 P 1,18) Hơn nữa, con người như một bình sành dễ vỡ. Một lúc nào đó, bỗng chợt anh ta bị một tai nạn gì hay mang cơn bệnh gì, thì thử hỏi rằng, của cải nhiều vô kể có đi theo với anh ta xuống hầm mộ không? Tất cả những của cải dù có lớn kếch sù đến mấy cũng không thể “mua được chiếc hỏa tiễn chở” anh ta lên Trời.

– Ngoài ra, anh ta còn thiếu thái độ bình tâm. Thái độ bình tâm coi Chúa và thánh ý Chúa là trên hết, đến nỗi: “chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả.” (Linh Thao số 23)

– Thái độ bình tâm này giúp chúng ta biết hướng con tim của mình về trời. Hướng con tim về trời nghĩa là chúng ta biết lo lắng những điều lớn hơn cả sự sống của mình, lớn hơn cả của cải, sự nghiệp, gia đình và bạn vè, lớn hơn cả những lời hứa hẹn và dự định tương lai. Theo Henri J. M. Nouwen, các điều đó là những điều thuộc về Thiên Chúa: Sự thật, tình yêu, niềm tin, ánh sáng và thánh ý của Chúa. Chừng nào chúng ta còn hướng con tim mình về những điều này, thì lý trí của chúng ta sẽ không còn nghĩ đến những “chuyện vớ vẩn”, những sự vật hấp dẫn chúng ta, đến nỗi chúng ta luôn muốn có, nhưng thực sự thì chúng ta chẳng cần đến chúng. Chừng nào chúng ta còn hướng về chân lý, ánh sáng và sự sống của Thiên Chúa là tình yêu, cũng như đi tìm thánh ý Ngài, thì chúng ta còn tham dự vào trong cộng đoàn của Thiên Chúa. Đấng luôn hiện diện ở đó ngay trong lúc này. Chính Ngài sẽ ban tặng cho chúng ta những gì chúng ta thực sự cần tới. Như thế, thì những lo lắng cuộc đời của chúng ta trở thành lời cầu nguyện, và những cảm giác bất lực của chúng ta sẽ được biến đổi và thánh hóa trong sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa.

– Thực thế, nếu chúng ta hướng lòng mình vào của cải, vào những lo toan làm sao được sung sướng tiện nghi hơn, nhiều tiền của hơn để hưởng thụ, thì chúng ta vẫn không thể làm cho cuộc sống của mình dài thêm một gang tấc nào cả. Vì thế, điều khôn ngoan cần có ở đây, là không chỉ mong sao cho được sống sung sướng trên nhung lụa, mà còn dám bỏ nhung lụa để chạy đến và nép vào lòng của Thiên Chúa; dám bỏ tất cả, để tự do hoàn toàn trên đường làm con trai con gái của Thiên Chúa, Đấng sẽ đem lại cho chúng ta sự sống đời đời làm gia nghiệp.

– Nói thế, nhưng không phải như vậy là chúng ta không còn “tham lam” của cải, và bám chặt vào chúng, và ngày ngày lo toan sao có thêm nhiều hơn nữa. Khuynh hướng này vẫn ở đó trong chúng ta. Như vậy, chúng ta sống trong tình trạng “què quặt”. Một đàng là vậy, đàng khác thì lại mong ước điều khác hẳn. Vâng, chúng ta không bao giờ thoát khỏi cái ước muốn của chúng ta, và thoát khỏi lòng tham muốn có thêm của cải, để trở nên con người tự do thực sự. Có lẽ hiểu được điều đó mà Tagore đã lên tiếng: “Ước muốn trong tôi nhiều vô kể và tiếng nói tôi than nghe não nuột, thảm thương.” (Lời dâng, 14)

Trong tình trạng “què quặt” này, Henri J. M. Nouwen đã khuyên chúng ta biết luôn trở về và biết ý thức hướng trọn tâm hồn mình về với Chúa, Đấng Tốt Lành vô cùng. Ở bên Ngài chứ không phải ở bên cạnh “đống của cải”, chúng ta có thể thảnh thơi và mỉm cười về chính cái ích kỷ của mình, lòng tham vô đáy của mình, và song song luôn mở đôi mắt mình và đôi tai mình cho sự bắt đầu mới, bắt đầu tập sống tinh thần từ bỏ, tinh thần làm con cái Thiên Chúa, những người con thực sự tự do trên đường theo Thầy, và sống tinh thần của Thầy. Và khi đi trên con đường của Đức Kitô, chúng ta không cần phải lo lắng quá đỗi cho chính mình. Vì “Ngày lại ngày người làm tôi xứng đáng với tặng vật lớn lao giản đơn người ban, mà chẳng cần để tôi xin hỏi – này bầu trời, ánh sáng, này xác thần, này trí tuệ, này cuộc đời – cứu tôi khỏi những hiểm nguy của vũng lầy ước muốn.” (Lời dâng, 14)

23 Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! “24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”

– Khi anh chàng thanh niên bỏ đi, Giêsu liền rao mắt nhìn chung quanh và nói với các môn đệ. Cái nhìn chung quanh của Giêsu chính là cái nhìn giáo dục, cái nhìn dạy bảo những môn đệ gần gũi với Ngài nhất. Ngài dạy bảo điều gì? “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Chắc chắn rằng, việc vào Nước Trời là một quà tặng của Thiên Chúa ban, nhưng không vì thế mà có nghĩa là sẽ dễ dàng nhận được món quà này. Trở về lại với Mc 9, 43.45.47, chúng ta sẽ thấy Giêsu đã nói mạnh bạo như thế nào. Vâng, “thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục.” (Mc 9,47)

Trước những lời của Giêsu, các môn đệ sững sờ. Vâng, không ngạc nhiên sờ sững sao được, khi hiểu được cửa vào Nước Thiên Chúa đâu phải là cánh cửa rộng thênh thang, mà chính là cánh cửa hẹp: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14)

Trở về với Mác-cô, chúng ta thấy cánh cửa hẹp của Nước Trời Giêsu đã so sánh với cánh cửa “lỗ kim”. Cánh cửa rất nhỏ tại bức tường vào thành Giê-ru-sa-lem. Thật là tương phản biết bao, khi con lạc đà đứng trước “lỗ kim” này.

Nghe tới hình ảnh so sánh rất tương phản của Giêsu, các môn đệ lại sững sỡ hơn nữa, và các ông đã hỏi nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Câu hỏi này của các môn đệ được Giêsu trả lời như sau:

27 Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Câu trả lời của Giêsu có hai vế. Vế đầu tiên là: ““Đối với loài người thì không thể được.” Vế này chỉ là phần phụ. Vế thứ hai chính là điều mà Giêsu muốn nói rõ: “nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Ở đây, chúng ta nhớ lại câu chuyện của bà Sa-ra, đã không tin vào lời của Chúa hứa cho bà sẽ sinh con dù tuổi đã cao. Sau đó, Chúa đã hiện ra với bà và ông Áp-ra-ham, và Ngài đã nói rằng: “Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA?” (St 18,14). Còn Gióp, dù bị rơi vào trong hoàn cảnh đau khổ, nhưng ông vẫn tin tưởng vào Chúa, Đấng sẽ cứu thoát. Ông đã cầu nguyện như sau: “Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu.” (G 42,2). Thực vậy, cuối cùng “ ĐỨC CHÚA đã khôi phục tài sản cho ông Gióp…ĐỨC CHÚA đã tăng gấp đôi những gì ông Gióp đã có trước kia.” (G 42, 10)

Chữ “nhưng” nổi tiếng mà Đức Giêsu nhắc đến ở đây thật có ý nghĩa sâu sa. Chữ “nhưng” đó Thiên Chúa đã nói với Sa-ra, khi bà thầm cười, như cười hình ảnh con lạc đà với lỗ kim. Chữ “nhưng” đó Gióp đã hiểu rõ ràng, nên đã không thầm cười, mà đầy tin tưởng cầu nguyện với Gia-vê Thiên Chúa, Đấng chắc chắn sẽ cứu độ ông. Và chữ “nhưng” này còn được làm nổi bật nơi Áp-ra-ham, chồng của bà Sa-ra: “ Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính.” (Rm 4, 18-22)

Trở về lại với cuộc đời thường ngày, nhiều lần tôi cũng đọc được chữ “nhưng” này trong một số cuộc đời. Vâng, có cuộc đời bị thế lực sữ dữ đe dọa và hãm hiếp, nhưng dù vậy người anh chị em đó vẫn luôn bám vào Chúa, vì tin rằng, sự dữ dù lớn đến thế nào, nhưng vẫn không lớn bằng tình yêu của Chúa. Còn cuộc đời khác, bị đồng tiền hãm hại, bóc lột, nhấn chìm xuống vực sâu, nhưng vẫn can đảm vươn lên, không nằm chết dưới bóng đêm trong hố sâu thăm thẳm kia, vì người anh chị em đó tin rằng, đồng tiền dù có giá, dù con người ai ai cũng cần đến, nhưng nó không là ông chủ của mình, mà Ông Chủ đích thực của đời người là Thiên Chúa, đấng mạnh mẽ hơn đồng tiền nhiều lắm. Vâng, dù một số người cứ tưởng rằng: “Có tiền mua tiên cũng được”, nhưng họ đã lầm to, dù trả giá cao đến mấy, họ vẫn không bao giờ mua Chúa được đâu. Còn cuộc đời khác thì đang quằn quại đau đớn, vì bị người thân yêu nhất của mình bỏ rơi, cái đau thê thảm nhất, nhưng dù sao thì người anh chị em đó trong cơn đau vẫn không đánh mất niềm hy vọng, không đánh mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, vào Thần Khí của Ngài, Đấng có thể thúc đẩy một tâm ác phải lên đường trở về với chính lộ, với chánh niệm, trở về lại với tình yêu nhân từ của Chúa, và từ đó trở về với mái ấm mà mình đã lỡ dại một lần bỏ rơi và đi hoang.

Thực, dù con người và thế giới này có bất lực hoàn toàn, “nhưng” đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”

Câu 28 này nối tiếp với câu chuyện anh chàng thanh niên hỏi Chúa, và ở đây Phêrô xuất hiện như là người đại diện cho các anh em. Ông lên tiếng hỏi Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Một cách nào đó, Mác-cô đã đặt câu chuyện của Phêrô ở đây tương phản với câu chuyện của người thanh niên, đã không dám bỏ mọi sự theo Chúa. Song song với Mác-cô, câu hỏi của Phêrô trong phúc âm Mát-thêu rõ hơn một chút: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Đây là câu hỏi mà các nhà chú giải thường giải thích theo cái nhìn “công trạng và phần thưởng”, tương hợp với suy nghĩ của các Ráp-bi. Theo Adolf Pohl, thì Giêsu đã đón nhận câu hỏi của Phêrô một cách bao dung. Ngài cũng đã trả lời Phêrô rõ ràng, nhưng câu trả lời này không theo suy nghĩ của các thầy Ráp-bi, cũng theo suy nghĩ mang tính cách luân lý, mà là một lời hứa:

29 Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

– Trước hết, đọc kỹ hai câu này, chúng ta thấy Mác-cô trong câu 30, đề cập đến những gì các môn đệ nhận được ngay bây giờ, thì lại không nhắc đến cha, mà chỉ là mẹ và anh chị em. Theo Pesch, thì ở đây trong cái nhìn của Giêsu, chỉ có một cha trên trời mà thôi, và Ngài muốn hướng mọi người về Cha: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23,9). Cha trên trời chình là “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.” (Ep 3,15) Và trong câu 30, Giêsu nhắc đến sự ngược đãi, có nghĩa là Giêsu hướng về sự bắt bớ mà các môn đệ sẽ hứng chịu, khi thi hành sứ vụ truyền giáo trong thời giáo hội tiên khởi

– Ngoài ra, câu trả lời của Giêsu nhắc nhớ đến sự đòi hỏi của Ngài giành cho những ai muốn theo Ngài: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mc 1, 16), và “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8, 34b-35) Như vậy, động lực đầu tiên thúc đẩy các môn đệ từ bỏ là theo Giêsu, và động lực thứ hai là vì Tin Mừng, Tin Mừng mà Giêsu rao giảng: “Đức Giêsu đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.” Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14-15)

Những gì các môn đệ bỏ lại đàng sau đều là những con người gần gũi, và những nhu cầu rất cần thiết cho đời sống thường ngày. Đó là nhà cửa, là gia đình… Nhưng đâu phải vậy mà các ông phải sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Cuộc đời của các ông giờ đây là cuộc đời của Đức Kitô, một cuộc đời của người gieo giống đem hạt giống Tin Mừng rải khắp mọi nơi, một cuộc đời đến với những anh chị em nghèo khổ, là cuộc đời luôn cất lời để rao giảng về Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng cứu độ tất cả mọi người. Chính trong sứ vụ cao quý này, mà các ông đã nhận lại được biết bao nhiêu. Vâng, lời nói của Giêsu: “ngay bây giờ” là lời nói rất đúng. Nếu ngồi chiêm ngắm cuộc đời của những người chân tu theo Chúa thực sự, và sống hoàn toàn cho Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra ngay ở đời này họ đã nhận được biết bao nhiêu là nhà cửa, là ruộng đất. Rồi cả cha mẹ, lẫn anh chị em, con cái nữa. Mà tất cả lại là “gấp trăm” nữa chứ! Cái “gấp trăm” này tương hợp với con số tăng trưởng 30, 60 và 100 của dụ ngôn người gieo giống (ss. Mc 4, 1-20)

Những người từ bỏ hoàn toàn giờ đã được lại tất cả và còn nhiều hơn thế nữa. Đó là mẹ Tê-rê-sa, người mẹ có biết bao nhiêu con cái nghèo nàn. Là Frere Roger có biết bao người trẻ là môn đệ, và con mình. Và điều quý báu nhất là Mẹ Tê-rê-sa và Frère Roger trở nên những người anh chị em của Đức Kitô: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,35).

Cả hai chẳng thiếu thốn nhà cửa và ruộng đất. Nhà cửa ở khắp mọi nơi trên thế giới, ruộng đất tại mọi ngõ nghách của trái đất này. Không chỉ thế, món quà lớn nhất mà Giêsu hứa ban đó là “sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Sự sống mà anh chàng thanh niên đã ao ước. Sự sống ở bên Thiên Chúa, trong tương quan gần gũi với Người, tương quan như cha với con vậy. Sự sống thông hiệp với tất cả các thiên thần, các thánh và các anh chị em, những người con yêu dấu của Chúa ở trên thiên quốc.

Một cách nào đó, Thiên Quốc đã được bắt đầu ngay từ bây giờ, nơi các môn đệ của Đức Kitô đang sống vì Chúa và vì Tin Mừng. Nơi đó, các ông đã trở nên những người anh em ở bên Đức Kitô.

31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

Câu này thường xuất hiện trong phúc âm nhất lãm. Lúc thì trong bối cảnh này, lúc thì trong bối cảnh khác, và có những chủ đích khác nhau. Như trong dụ ngôn thợ làm vườn nho trong Mt 20, 1-6 hay trong Lc 13,30, khi Đức Giêsu khi lên Giê-ru-salem, đã rao giảng trên đường, và Ngài đã nhắc đến điều này: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Còn trong đoạn Tin Mừng của chúng ta, thì lời của Đức Kitô mang âm thanh thật an ủi. Trong sự sụp đổ của ngày cánh chung, tất cả kẻ chết sẽ chỗi dậy, người nghèo khó sẽ được tặng ban, kẻ đói khát sẽ được no thỏa, người buồn sầu sẽ được ủi an, ké bé nhỏ sẽ trở thành “người lớn”, người đau yếu sẽ mạnh khỏe, kẻ bị tù đày sẽ được giải thoát, và người rốt hết sẽ nên trước hết.

Ngoài ra, với câu 31 này, Mác-cô muốn nêu bật chủ đề mà ông muốn nói trong đoạn 10, 17-31. Đó là chủ đề trở về và theo chân Chúa. Vâng, những ai nhờ giàu có, địa vị, và quyền lực mà trở nên những người trước hết, thì họ sẽ trở nên người cuối hết trong ngày cánh chung, vì họ đã không từ bỏ được của cải, địa vị và quyền lực. Còn những ai trong cuộc sống này chẳng có gì cả, và cũng không là ai nổi tiếng và danh giá cả, mà chỉ là người môn đệ đơn sơ của Đức Kitô, những người ngồi ở chỗ cuối cùng trong “căn phòng thế giới” này, thì họ sẽ trở thành những người trước hết trong “căn phòng Thiên Quốc”, với sự sống vĩnh cữu.

Tham khảo

– Rudolf Pesch, Das Markusevangelium, Herder Verlarg, Freiburg 2000. Sonderausgabe, Band II/2, S.135-147

– Adolf Pohl, Das Evangelium des Markus, R. Brockhaus Verlag Wuppertal 2005, Wuppertaler Studienbibel NT 1, S. 376-386

– Hermann L. Strack und Paul Billerbeck, Kommentar zum NT aus Talmud und Midrasch, C.H.Beck Munchen, 8. Aufl., Band III, S. 161.

– Carlo Maria Martini, Mein spirituelles Worterbuch, Pattloch Verlag, Ausburg 1998, Begriff: “Armut”

– Henri J. M. Nouwen, Dem vertrauen, der mich halt. Das Gebet ins Leben nehmen. Herder Verlag, Freiburg Basel Wien 2003

– Anselm Grun, Der Weg durch die Wuste. Vier-Turme-Verlag, Munsterschwarzach 2001.

– Gitanjali RABINDRANATH TAGORE, LỜI DÂNG, Đình Khoan chuyển ngữ, nguồn

– Hình về cửa “lỗ kim” từ: http://www.godsplan-today.com/0_Images/ISNeedlesEye.jpg

 

67. Chú giải mục vụ của William Barclay.

PHẢI THÁNH THIỆN ĐẾN MỨC ĐỘ NÀO (10,17-22)

Đây là một trong những bức tranh sinh động nhất trong các sách Phúc Âm.

1/ Chúng ta cần ghi nhận người này đến với Chúa như thế nào, và Chúa Giêsu tiếp người ấy làm sao. Người ấy đã chạy đến rồi quỳ dưới chân Chúa Giêsu. Thật đáng ngạc nhiên khi chàng thanh niên giàu có, quý phái này lại quỳ xuống trước mặt vị ngôn sứ người Nazaret không một xu dính túi, sắp bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Anh ta bắt đầu nói: “Thưa Thầy tốt lành”. Chúa Giêsu trả lời ngay “Thôi, đừng nịnh hót như vậy, đừng nói tôi là tốt lành, hãy dành tiếng đó cho Thiên Chúa”. Thoạt nhìn dường như Chúa Giêsu đang cố làm cho người này cụt hứng, và dội nước lạnh, dập tắt lòng nhiệt thành của anh ta. Ở đây có một bài học. Rõ ràng chàng thanh niên này đã vội vàng đến với Chúa Giêsu trong lúc bị xúc động mạnh mẽ. Tất nhiên là Chúa Giêsu như có sức thu hút và thôi miên người ấy. Chúa Giêsu đã làm hai việc mà bất kỳ một nhà truyền giáo, một thầy dạy nào cùng phải nhớ đến bắt chước. Trước hết, Chúa Giêsu có ý muốn nói: Hãy dừng lại và suy nghĩ đi, vì ngươi đang mất bình tĩnh, xúc động mạnh! Ta không muốn ngươi chạy đến với Ta trong lúc đang cảm xúc mạnh như vậy. Bình tĩnh lại và suy nghĩ xem người đang làm gì đây? Chúa Giêsu không hề làm người ấy phải cụt hứng. Ngài đang nhắc người ấy phải nghĩ đến cái giá mình phải trả ngay lúc chưa nhập cuộc. Thứ hai là Chúa Giêsu muốn bảo “Người không thể trở thành Kitô hữu vì xúc động mạnh khi thấy Ta. Ngươi phải nhìn vào Thiên Chúa”. Giảng dạy bao giờ cũng có nghĩa là truyền đạt một chân lý qua trung gian một nhân cách đây là chỗ có nguy cơ to lớn của các vị giảng dạy. Cơ nguy đó là người học trò non trẻ có thể quá chú ý đến ông thầy hoặc nhà truyền giáo mà lầm tưởng rằng mình đang chú ý gắn bó với Thiên Chúa. Thầy dạy và nhà truyền giáo đừng bao giờ chỉ vào chính mình, mà phải luôn luôn chỉ vào Thiên Chúa. Trong việc dạy dỗ thật sự bao gồm cả việc giấu mình. Thật vậy, chúng ta không thể nào bảo tồn nhân cách đồng thời chứng tỏ sự trung thành cá nhân đầm ấm được, nếu có thể chúng ta cũng không muốn làm như thế. Nhưng vấn đề vẫn chưa dừng ở đó. Nói cho cùng thầy dạy và nhà truyền giáo chỉ là những ngón tay chỉ Thiên Chúa cho người ta mà thôi.

2/ Câu chuyện này đã cho ta thấy rõ chân lý thiết yếu của Kitô giáo không phải chỉ kính trọng là đủ. Chúa Giêsu đã nêu ra các điều răn vốn là nền tảng của một đời sống đạo đức, đáng kính trọng. Chàng thanh niên nọ không chút do dự đáp ngay rằng mình đã giữ trọn tất cả. Tuy nhiên, cần ghi nhận điều này, ngoại trừ một điều còn tất cả các điều kia đều là những mệnh lệnh tiêu cực, và điều răn ngoại lệ đó chỉ được thực thi trong phạm vi gia đình. Thật ra chàng thanh niên đã nói “Cả đời tôi chưa hề làm thiệt hại ai bao giờ”. Đúng vậy, nhưng vấn đề thật ra là “Ngươi đã làm được việc tốt lành gì cho tha nhân? Ngươi đã tỏ ra những gì để nâng đỡ, an ủi, khích lệ kẻ khác như điều ngươi đáng phải làm”. Nói chung, coi trọng tôn kính chỉ là không làm điều nay, điều nọ. Kitô giáo đòi phải hành động. Đây chính là chỗ thất bại của chàng thanh niên này, cũng như nhiều người trong chúng ta.

3/ Chúa Giêsu đã tiếp đón chàng thanh niên này bằng một thách đố. Ngài muốn nói “Hãy vượt khỏi thái độ tôn kính về mặt luân lý đạo đức ấy đi. Đừng tưởng chỉ cần không làm việc này, việc nọ như thế thì đã là nhân lành, thiện hảo. Hãy đem bản thân, đem tất cả những gì ngươi có, và dùng mọi sự cho người khác. Rồi sẽ tìm thấy chân hạnh phúc cả ở đời này lẫn đời sau”. Nhưng chàng thanh niên đó không làm được điều ấy, anh có nhiều tài sản lắm, điều mà anh ta đã không thể làm nổi. Anh không hề trộm cắp hoặc lường gạt ai, nhưng anh chưa bao giờ ép buộc mình trở nên một người nhân từ cách tích cực và hy sinh.có thể con người khả kính này không bao giờ tham lam của ai, nhưng Kitô hữu phải cho kẻ khác điều mình có. Thật ra, Chúa Giêsu đã buộc chàng thanh niên phải đối diện với một vấn đề thiết yếu và cơ bản “Ngươi có được bao nhiêu tính chất Kitô giáo đích thực? Ngươi sẵn sàng bỏ hết tài sản mình đang có để được nó hay không?” và chàng thanh niên ấy đã trả lời rằng “Tôi rất muốn được mang bản chất Kitô giáo, nhưng tôi không muốn được nó nhiều đến mức đó”. Trong “The Master of Ballantrae”. Robert Louis Stevenson có mô tả một ông chủ phải bỏ ngôi nhà thừa tự của tổ phụ mình để ra đi lần cuối cùng. Ông ta rất buồn và nói với người quản gia trung thành của gia đình mình “Anh Kellar này, bộ anh tưởng tôi không bao giờ hối tiếc sao?” Kellar đáp “Tôi không nghĩ là ông lại có thể tệ đến mức đó, trừ khi ông có đủ cả mọi sự để trở thành một người tốt”. Người chủ nói “Không phải là tất cả đâu, anh lầm rồi đó, đó là căn bệnh không thiết có”. Chính căn bệnh không muốn có là tấm thảm kịch của chàng thanh niên này. Đó cũng là căn bệnh mà phần đông chúng ta đều mắc phải. Mọi người đều muốn sống tốt lành thánh thiện, nhưng lại có quá ít người tha thiết muốn được nó đến mức chịu trả giá cho nó.

Chúa Giêsu nhìn anh ta trìu mến. Trong cái nhìn của Chúa Giêsu có khá nhiều điều. (a) có tiếng gọi của tình yêu Chúa Giêsu không giận anh ta, nhưng lại yêu mến anh rất nhiều. Đây không phải là một cái nhìn giận dữ, nhưng là tiếng gọi của tình thương. (b) có lời thách thức hãy hy sinh. Đây là cái nhìn để tìm cách kéo anh ta ra khỏi đời sống dư dả, ổn định để sống phiêu lưu mạo hiểm của việc làm một Kitô hữu chân chính. (c) đây là cái nhìn buồn rầu. Sự buồn rầu này là nỗi buồn khiến người ta đau lòng hơn khi thấy một người tự ý chọn sự thất bại trong khi đáng lý ra người ấy có thể đã và đang trở thành người xứng đáng. Chúa Giêsu đã nhìn chúng ta bằng tiếng gọi của tình thương, bằng sự thách thức, hãy dũng cảm tiến trên đường cao thượng của Kitô giáo. Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn nhìn chúng ta một cách đau buồn như nhìn theo một người thân yêu đã ngoan cố không chịu sống như một con người xứng đáng.

NGUY CƠ CỦA GIÀU CÓ (10,23-27)

Người trẻ tuổi ấy không chấp nhận lời thách thức của Chúa Giêsu đã buồn bã bỏ đi. Chắc chắn lúc anh bỏ đi, cả Chúa Giêsu lẫn các tông đồ đều nhìn theo anh cho đến khi khuất hẳn. Rồi Chúa Giêsu quay sang các môn đệ Ngài và nói “Những người có của sẽ khó vào Nước Thiên Chúa biết bao?” Chữ Chúa Giêsu dùng để chỉ tiền bạc là chremata đã được Aristote định nghĩa là “mọi vật mà giá trị được cho bằng tiền đúc”. Chúng ta ngạc nhiên tại sao câu nói ấy lại khiến các môn đệ sững sờ. Sự kinh ngạc của họ được nhấn mạnh hai lần. Họ tin thật giản dị rằng sự hưng thịnh là dấu hiệu chứng tỏ một người tốt. Nếu ai giàu có, phát tài, thì người ấy đã được Thiên Chúa tôn trọng và chúc phúc. Giàu có là bằng chứng người làm chủ nó là người có đức hạnh, được Thiên Chúa ban ơn. Tác giả Kinh Thánh đã tóm tắt như sau “Trước tôi trẻ, rầy đã già, nhưng chẳng hề thấy người công chính bị bỏ, hay là dòng dõi họ đi ăn mày” (Tv 37,25). Chẳng trách tại sao các môn đệ lại ngạc nhiên. Họ có thể lý luận một người càng hưng thịnh thì càng chắc chắn vào được Nước Thiên Chúa. Vì thế Chúa Giêsu đã lập lại câu nói của Ngài bằng cách hơi khác đôi chút để làm sáng tỏ hơn điều Ngài ngụ ý “Ngài phán”: kẻ trông cậy ý lại vào sự giàu có của mình, sẽ rất khó vào được thiên đàng.

Chưa hề có ai thấy nguy cơ sự thịnh vượng và tài sản vật chất rõ ràng hơn Chúa Giêsu. Các cơ nguy đó là gì?

1/ Của cải vật chất dễ làm người ta gắn bó vào đời này. Người ấy sẽ bám chặt lấy đời này, quan tâm quá nhiều vào đời này đến nỗi khó nghĩ đến điều gì vượt ra khỏi đó, đặc biệt là khó nghĩ tới chuyện có thể rời bỏ. Có lần tiến sĩ Johnson được đưa đi xem một tòa lâu đài nổi tiếng và khu đất đẹp đẽ. Khi xem xong, ông quay sang các bạn và nói “đây là những điều làm cho người ta khó mà muốn chết được”. Sự nguy hiểm của tài sản, là nó buộc chặt các tư tưởng và sự quan tâm của con người vào thế gian này.

2/ Nếu mối bận tâm chính yếu của con người là việc chiếm hữu của cải vật chất thì nó khiến người ta có khuynh hướng nghĩ về mọi sự bằng cách lượng định giá cả. Cách đây ít lâu,vợ một người nuôi cừu trên núi có gửi môt thư hết sức lý thú cho một nhật báo nọ. Con cái họ vốn được nuôi dưỡng trong cảnh yên tịnh của vùng núi, chúng đều chất phác, ngay thật. Sau đó, chồng bà ta trở thành một người đó địa vị trong thành phố, bọn trẻ đã từng sống trong miền núi ấy được đưa vào thành phố. Chúng đổi thay rất nhiều nhưng lại thay đổi để trở thành tệ hại hơn. Đoạn chót bức thư ấy được viết như sau “…cái gì là tốt hơn cho việc dưỡng dục một đứa trẻ; một chỗ thiếu xa hoa trần thế, nhưng có cách cư xử tốt hơn, với những tư tưởng thật thà, giản dị hay một nơi đô hội với các thói quen đương thời chỉ biết giá của mọi vật mà chẳng biết gì về giá trị đích thực của bất kỳ một vật nào cả”. Nếu mối bận tâm chính của một người là của cải vật chất, thì người ấy chỉ biết có giá cả mà không biết gì đến giá trị. Người ấy chỉ nghĩ đến những gì người ta chúng ta mua bán bằng tiền bạc và người sẽ quên phứt đi rằng có những giá trị ở đời mà người ta không thể nào mua bán bằng tiền bạc. Có những điều vốn vô giá, quý báu mà tiền bạc không thể nào mua được. Thật là tai hại khi một người bắt đầu nghĩ tất cả mọi điều đáng có đều có thể mua bằng tiền bạc.

3/ Chúa Giêsu muốn nói rằng của cải vật chất có hai tác dụng. (a) đó là một trắc nghiệm khó vượt qua cho con người. Trong khi có một trăm người chịu nổi và vượt được nghịch cảnh thì chỉ có một người vượt được sự giàu có. Của cải rất dễ khiến người ta trở nên khoe khoang, kiêu căng, tự mãn, phàm tục. Phải là một vĩ nhân, một người thánh thiện đích thực mới xứng đáng được giàu sang. (b) nó là một trách nhiệm. Con người luôn luôn bị phê phán căn cứ trên hai tiêu chuẩn, người ấy thâu góp tài sản như thế nào và sử dụng của cải ấy làm sao. Càng có nhiều bao nhiêu, người ấy càng có trách nhiệm bấy nhiêu. Anh ta sẽ sử dụng nó cách ích kỷ hay hào hiệp? Anh ta sẽ sử dụng nó như đó là tài sản thuộc riêng về mình chẳng có ai tranh chấp được hay sẽ dụng nó mà luôn nhớ mình chỉ tạm giữ nó trong tay như người quản lý của Chúa?

Phản ứng của các môn đệ với câu nói của Chúa Giêsu là nếu đó là sự thật thì hầu như được cứu là chuyện không thể nào có được. Chúa Giêsu đã khẳng định trọn vẹn giáo lý về sự cứu rỗi trong một câu ngắn gọn. Ngài phán “Nếu sự cứu rỗi tùy thuộc các nỗ lực của con người, chẳng hề có ai nhờ cố công ra sức mà được cứu cả. Nhưng sự cứu rỗi vốn là một ân huệ của Chúa, vì Ngài có thể làm được mọi sự”. Người nào tin cậy vào chính mình hoặc của cải mình có, chẳng bao giờ được cứu. Người nào tin cậy vào quyền năng cứu rỗi và tình yêu thương của Chúa, sẽ được cứu rỗi. Đó là tư tưởng mà Phaolô viết từ bức thư này sang bức thư khác. Và đó cũng còn là tư tưởng dành cho chúng ta để làm nền tảng cho đức tin.

CHÚA KITÔ CHẲNG MẮC NỢ AI (10,28-31)

Tâm trí Phêrô đang suy nghĩ và ông không thể im lặng. Ông vừa chứng kiến một người từ chối không chịu đi theo tiếng gọi “Hãy theo Ta” của Chúa Giêsu. Thật vậy, chính ông vừa nghe Chúa Giêsu bảo như vậy là, người nọ đã tự mình đóng cửa Nước Thiên Chúa lại đối với chính mình. Vì thế Phêrô đã không thể không nêu lên nét tương phản giữa người ấy và chính ông cùng các bạn ông. Người nọ đã từ chối tiếng gọi “Hãy theo Ta” của Chúa Giêsu, nhưng ông và các bạn ông đã chấp nhận và với lòng thành thật, hết sức bộc trực, Phêrô muốn biết khi đi theo Chúa như vậy, ông và các bạn ông sẽ được gì. Câu trả lời của Chúa Giêsu gồm ba phần.

1/ Chúa Giêsu bảo chẳng hề có ai vì danh Ngài và vì Phúc Âm của Ngài, từ bỏ bất cứ điều gì mà không nhận lại được gấp trăm. Việc xảy ra ngay trong Hội Thánh, điều đó đã nghiệm đúng theo nghĩa đen của nó. Người theo Kitô giáo có thể bị mất hết nhà cửa, bạn bè, những người thân yêu của mình, nhưng việc người ấy gia nhập Hội Thánh Chúa đưa người ấy vào một gia đình gồm toàn bà con thuộc linh rộng lớn hơn nhiều so với gia đình mình vừa lìa bỏ. Việc ấy đã thực sự xảy ra với Phaolô, chắc chắn khi Phaolô trở thành Kitô hữu, cánh cửa nhà ông và nhà bà con đóng lại ngay trước mặt ông. Nhưng điều chắc chắn là khi đi từ thành phố này sang thành phố khác, thị trấn này sang thị trấn khác, làng này qua làng khác tại cả Âu Châu lẫn Tiểu Á. Phaolô tìm thấy một nhà đang mong chờ ông, một gia đình Chúa Kitô tiếp rước ông. Điều lạ lùng là ông thường dùng những từ có tính cách gia đình. Trong Roma 16,13, ông bảo mẹ của Raphô cũng là mẹ ông. Trong Philêmon câu 10, ông bảo Ônêximô là con ông đã sanh ra trong lúc bị tù. Đối với các Kitô hữu thời Hội Thánh sơ khai, mọi việc đều là thế, khi bị chính gia đình từ bỏ, người ấy gia nhập vào đại gia đình rộng lớn của Chúa Giêsu.

Khi Egerton Young rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên cho người da đỏ ở Saskatchewan, ý niệm về Thiên Chúa là Cha mọi người đã thu hút những con người mà từ trước đến bây giờ chỉ thấy Chúa trong sấm sét giông bão. Một tù trưởng cao niên hỏi Young “Có phải ông đã thưa với Chúa rằng “Lạy Cha của chúng con không?”. Young đáp “Phải” vị tù trưởng tiếp tục hỏi “Vậy thì Ngài cũng là cha của tôi phải không?” Young đáp “Chắc chắn như vậy”. Gương mặt vị tù trưởng bỗng sáng rực lên cách khác thường, ông ta vung tay lên và nói như người mới khám phá được một điều gì khác thường, ông bảo “Vậy thì tôi với ông là anh em”. Có người phải hy sinh nhiều mối dây ràng buộc với những người thân yêu để trở thành Kitô hữu. Nhưng khi làm như vậy, người ấy đã trở thành một thành viên và anh em trong một gia đình rộng lớn bằng cả thế gian này với thiên đàng.

2/ Thêm vào đó, Chúa Giêsu còn nêu lên hai điểm này nữa. Một là Ngài thêm những từ thật đơn giản: với sự ngược đãi. Mấy chữ này làm cho vấn đề trở thành hết sức sáng tỏ, chẳng úp mở gì cả. Chúng cất đi ý niệm về phần thưởng vật chất cho những hy sinh vật chất. Chúng nói với chúng ta hai điều. Trước hết là lòng thành thật của Chúa Giêsu. Ngài không hề đề nghị một con đường dễ đi. Ngài nói thẳng với người ta răng làm Kitô hữu thì phải trả giá đắt. Thứ hai chúng cho ta thấy Chúa Giêsu chẳng bao giờ dùng của hối lộ, đút lót người ta theo Ngài. Ngài dùng thách thức. Ngài phán “Chắc chắn là các ngươi sẽ được phần thưởng, nhưng các ngươi phải chứng tỏ mình là một con người xứng đáng, một nhà thám hiểm dũng cảm, đủ điều kiện để được lãnh phần thưởng ấy”. Điều thứ hai Chúa Giêsu thêm vào là ý niệm về đời sau. Ngài không hề hứa sẽ tính sổ sòng phẳng, thiết lập quân bình trên cán cân thấu xuất của thời gian và không gian hiện có. Ngài không kêu gọi người ta đến lãnh nhận các phcu1 lộc của cõi đời đời. Thiên Chúa không phải chỉ có một cõi đời này để trả công cho chúng ta thôi đâu.

3/ Rồi Chúa Giêsu thêm một câu cảnh cáo có tính cách dí dỏm “Đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”. Thật ra đây là lời cảnh cáo Phêrô. Có thể chính lúc đó Phêrô đang tự đánh giá mình, tự định đoạt lấy phần thưởng dành cho mình, ông đang đánh giá chúng rất cao. Điều Chúa Giêsu ngụ ý là “Tiêu chuẩn để phán xét tối hậu vốn ở nơi Chúa, nhiều người có thể được người ta coi là tốt, là hay; nhưng đối với phán xét của Chúa có thể trái ngược với phê phán của loài người. Hơn nữa nhiều người có thể tự phê cho mình là tốt, là hay, nhưng cuối cùng sẽ thấy Chúa đánh giá mình cách trái ngược hẳn lại”. Đây là một lời cảnh cáo đối với mọi thái độ kiêu ngạo. Đây là lời cảnh báo phán xét chung thẩm vốn thuộc về Thiên Chúa là Đấng duy nhất biết rõ mọi động cơ thúc đẩy trong lòng người ta. Đây là lời cảnh báo phán xét trên thiên đàng sẽ trái ngược với danh tiếng dưới thế gian này.

home Mục lục Lưu trữ