Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 74

Tổng truy cập: 1366051

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN TIẾP CHÚA

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN TIẾP CHÚA– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Sau khi rao giảng một thời gian, Chúa Giêsu trở về làng cũ. Thoạt nghe Chúa rao giảng, họ khâm phục tán thành. Nhưng sau đó họ lại xua đuổi và muốn giết Chúa. Thật là đáng buồn. Đúng như lời thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà nhưng người nhà không nhận biết Người”. Tại sao có cảnh trái ngang đau lòng như thế? Thưa vì tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng của họ.

Chúa đi tìm đức tin còn họ đi tìm lợi lộc. Khi đi rao giảng, Chúa muốn đem cho ta niềm tin. Niềm tin đã là khởi điểm của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Niềm tin đã là kết quả của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Nhưng dân làng Nazareth không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế. Lời giảng của Người không đưa họ tới đức tin và Thiên Chúa, vào Nước Trời. Họ chỉ mong được có phép lạ. Vì họ chỉ mong được lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no. Mong ước của họ không gặp được mong ước của Chúa.

Chúa sống trong khiêm nhường nhưng họ sống trong kiêu căng. Chúa không bao giờ làm phép lạ với mục đích biểu diễn. Chúa chỉ làm phép lạ đê giải nghĩa mầu nhiệm Nước Chúa. Chúa không làm phép lạ khi ma quỷ cám dỗ Chúa trong hoang địa. Chúa không xuống khỏi thập giá khi dân chúng thách thức Chúa trên Núi Sọ. Nên hôm nay Chúa cũng không làm phép lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ và tính kiêu căng của dân làng Nazareth. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ được vinh dự có người đồng hương quyền phép. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ cũng được nở mày nở mặt với Capharnaum. Suy nghĩ của họ rất khác với suy nghĩ của Chúa.

Chúa có tâm hồn mở rộng trong khi tâm hồn họ hẹp hòi. Họ mong ước Chúa là người làng Nazareth thì phải dành mọi ưu tiên cho dân làng từ việc rao giảng cho đến việc làm phép lạ. Tất cả phải bắt đầu và bó gọn trong làng. Nhưng Chúa Giêsu, khi trích dẫn chuyện tiên tri Elia ở nhà bà goá Sarepta trong thời hạn hán, làm cho bình dầu và hũ bột của gia đình bà không bao giờ vơi và chuyện tiên tri Elisa chữa tướng Naaman, người Syria khỏi bệnh phong, đã cho thấy Nước Chúa không chỉ bó hẹp lại trong phạm vi người thân thuộc nhưng phải mở rộng tới tất cả mọi người. Không chỉ những người trong đạo Do Thái mà cho cả những người ngoại đạo nữa. Hai nhãn quan khác hẳn nhau.

Tôi là người có đạo. Nhưng biết đâu tôi không đón nhận được Chúa vì tôi cũng giống như dân làng Nazareth, đến với Chúa chỉ mong được lợi lộc vật chất, đến với Chúa chỉ vì hư danh, đến với Chúa với tâm hồn hẹp hòi. Hôm nay tôi xin Chúa thanh tẩy tâm hồn tôi khỏi thói ham mê lợi lộc, thói phô trương bề ngoài và thói hẹp hòi khép kín, để tôi được đón nhận Chúa và để tôi trở nên tông đồ của Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1/. Giữ đạo tốt để được may mắn. Bạn có ý nghĩ như thế không?

2/. Bạn khó chịu khi người ngoại đạo được may mắn. Thái độ này có đúng không?

3/. Thường thường, bạn đi tìm Chúa, tha thiết cầu nguyện để đạt được điều gì? Để được may mắn, khỏi tai hoạ, hay để được hiểu biết, yêu mến Chúa?

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- C

THÀNH KIẾN –  Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Chúng ta thường nghe nói “Quê hương là chùm khế ngọt ; Không nơi đâu đẹp cho bằng quê hương ; Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Theo quan niệm này, thì ai ai cũng yêu mến quê hương xứ sở nơi mình sinh trưởng, là nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Thế nhưng, cũng theo quan niệm dân gian thì đôi khi “Bụt nhà không thiêng, gần chùa gọi bụt bằng anh”. Chúa Giêsu đã nói lên kinh nghiệm này trong hội đường Nazaréth khi Ngài về thăm quê hương “Không một tiên tri nào được vinh dự đón tiếp nơi quê hương họ hàng mình” (Lc 4,24).

Thật vậy, sau một thời gian đi giảng dạy ở nhiều nơi, nay có dịp trở về thăm quê nhà nhằm đúng ngày Sabát, Chúa Giêsu đến hội đường tham dự sinh hoạt tôn giáo cùng với những người đồng hương. Theo thông lệ, trước hết Ngài đọc Kinh thánh rồi cắt nghĩa lời Kinh thánh. Lời giảng dạy của Ngài như Đấng có uy quyền và đầy khôn ngoan, làm cho những người đồng hương lấy làm kinh ngạc.

Họ kinh ngạc vì họ quá biết rõ tông tích “Đức Giêsu là con bác thợ mộc Giuse và mẹ Ngài là bà Maria người cùng làng xóm cơ mà!”. Tư tưởng tầm thường đó đã làm cho họ không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên sai, Đấng mà cha ông tổ tiên họ hằng đợi trông.

Chính vì thành kiến trong tư duy và hẹp hòi trong cách nhìn, mà những người đồng hương đã không nhận ra Đấng Mêsia đang ở giữa họ. Họ không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, lại càng không thể tin Ngài là Đấng Cứu Thế.

Lý do dân chúng không nhận ra là vì họ cứ tưởng Đấng Cứu thế phải uy nghi từ trên trời cao ngự đến, nhưng ai ngờ Ngài lại sinh bởi một Trinh Nữ làng quê dưới đất. Họ cứ tưởng Đấng Thiên sai phải cư ngụ trong lâu đài sang trọng dành cho các bậc vua chúa, nhưng không ngờ Ngài lại sinh ra trong cảnh cơ bần.

Người ta cứ tưởng Đấng Cứu độ trần gian phải oai phong lẫm liệt, nhưng có ai ngờ Ngài lại quá hiền lành khiêm nhường giàu lòng xót thương. Người ta cứ tưởng Đấng Mêsia đến đánh đông dẹp tây, đập tan quân thù, đưa nước Do thái lên hàng bá chủ thế giới, nhưng không ngờ Ngài bị dân chúng loại trừ hành hạ, sỉ nhục, bị kết án tử như một phạm nhân. Người ta cứ tưởng Đấng Cứu Tinh là vị vua có kẻ hầu người hạ, nhưng không ngờ chính Ngài lại quỳ gối xuống hầu hạ, rửa chân cho các môn đệ. Cho nên, dân chúng không hiểu về sứ mạng của Đức Giêsu.

Cho dù Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự, nhưng đành phải cam lòng chấp nhận trước sự từ chối của con người. Vì dân làng không có lòng tin, nên Ngài không làm phép lạ nào tại quê hương mình. Thế mới biết khi mà con người cố chấp thì có thể làm cản trở chương trình của Thiên Chúa, và dùng tự do đón nhận hay từ chối hồng ân của Ngài.

Anh chị em thân mến,

Khi đến với nhân loại, Đức Giêsu muốn sống hiệp hành, nghĩa là cùng đi, cùng chung chia số phận với con người. Nhưng xót xa thay! Ngài đã bị những người đồng hương chối từ. Mặc dù họ kinh ngạc, thán phục sự khôn ngoan của Ngài, Nếu dân làng Nazaréth nài ép Đức Giêsu làm phép lạ để minh chứng Ngài là tiên tri cao cả, thì các đầu mục Do Thái cũng đòi Đức Giêsu chứng minh giáo lý của Ngài phải đến từ Thiên Chúa.

Nếu dân làng Nazaréth căm phẫn đến độ muốn xô Đức Giêsu xuống vực thẳm, vì Ngài không làm phép lạ nào tại quê hương, thì dân thành Giêrusalem cũng quyết tâm đòi đóng đinh Chúa vào thập giá.

Sự cứng lòng tin của dân làng Nazaréth năm xưa không nhận ra dung mạo Đức Giêsu là Đấng cứu độ, biết đâu đó cũng là thái độ sống của ai đó trong chúng ta ngày nay. Chúng ta khó lòng nhận ra Chúa Giêsu nơi những người đau khổ, cùng khốn. Chúng ta không nhận ra phép lạ mà Chúa đang thực hiện qua những hoàn cảnh tầm thường của cuộc sống.

Cuối cùng, thưa anh chị em, Mùa Xuân Nhâm Dần đang về trên quê hương Việt nam thân yêu. Ngày tết là ngày đoàn tụ gia đình, bao người đi xa cũng về với gia đình, cùng chia vui với nhau một bữa cơm ngày tết, cùng dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, và nhắc lại những kỷ niệm đẹp, ai ai cũng dễ dàng bỏ qua cho nhau những hiểu lầm, thành kiến không tốt về người khác.

Nếu như cành mai, cành đào chịu cắt tỉa đi những cành những lá trong đau đớn, để kết nụ, đơm hoa làm đẹp cho đất trời thế nào, thì chúng ta cũng phải can đảm cắt tỉa đi những tính hư tật xấu, những thành kiến tiêu cực về người khác, để tâm hồn chúng ta bung nở ra những nụ hoa bác ái yêu thương, những ân lộc tốt lành, đạo đức, cùng nhau đón mừng năm mới, với ước mong phúc lành của Chúa xuân sẽ tràn phủ trên quê hương Việt nam và cho từng người chúng ta. Amen.

Mừng năm Nhâm Dần sắp sang, kính chúc mọi người: Hạnh phúc mênh mang, ý chí vững vàng, niềm vui rộn ràng, yêu Chúa lai láng, sức khỏe cường tráng, cả nhà cười vang.

Mừng thêm tuổi mới: Côvid chẳng lo, buồn lo xếp xó, không còn nhăn nhó, khó khăn chuyện nhỏ, việc chạy ro ro, muốn gì được đó. Rước lộc vào nhà, quà cáp bao la, nhà nhà no đủ, tiền vô đầy tủ, dù già hay trẻ, sức khỏe dồi dào, tuôn trào hạnh phúc, ơn trên chúc phúc, an lành thịnh vượng. Kính chúc, kính chúc.

 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- C

CHÚA LÀ CHÚA CỦA MỌI NGƯỜI- Lm. Micae Võ Thành Nhân

 Sau một thời gian Chúa đi đó đây để rao giảng Tin Mừng, hôm nay Chúa trở về quê nhà để thăm lại bà con thân thuộc láng giềng, nhất là qua cuộc trở về thăm viếng đó, Chúa sẽ rao giảng Tin Mừng cho họ. Có lẽ lòng Chúa nôn nao, bồi hồi, xúc động khó diễn tả lắm. Bởi cuộc trở về đây là một cuộc trở về quê hương là chùm khế ngọt với đầy ắp biết bao những kỷ niệm một thời xa vắng đã qua. Nào là những gương mặt thân quen mà mỗi lần gặp là chào nhau rối rít, tay bắt mặt mừng. Nào là vào những ngày Sa bát cùng nhau tiến về hội đường để nghe Lời Chúa. Cuộc sống đậm đà tình làng nghĩa xóm. Chúa vẫn dành cho những người cùng quê hương xứ sở của Chúa một tình cảm rất trân trọng và rất tốt đẹp.

        Nhưng thực tế thì lại khác, lúc Chúa trở về, mọi sự xảy ra không như ý Chúa nghĩ và ngờ tới. Dân làng của Chúa đổi thay quá nhiều. Họ không dang rộng vòng tay để đón Chúa. Họ không chấp nhận Lời Chúa dạy bảo khi Chúa vào trong hội đường rao giảng Tin Mừng ngày sa bát. Lúc ấy, Chúa đọc đoạn sách của tiên tri Isaia và Chúa nói: “ Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe “. Nghĩa là Chúa thực hiện sứ mạng này là do Chúa Cha trao phó chứ chẳng phải tự ý Chúa làm mà ngày xưa tiên tri Giêrêmia trong bài đọc một đã cảm nghiệm, đã nói về chính bản thân tiên tri, mà tiên tri là hình ảnh của Chúa ngày nay: “ Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc. Vậy phần ngươi, ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi “. Họ đã không chấp nhận con người của Chúa là Đấng được Chúa Cha xức dầu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Bởi vì họ cho rằng Chúa là con bác thợ mộc Giuse, Chúa là một người bình thường như bao người khác trong làng chứ có học hành chi đâu mà giảng dạy họ.

        Họ không tin Chúa. Những điều Chúa nói chỗ khác thì người ta nghe, đón nhận và tin Chúa, cũng những  điều ấy Chúa nói nơi quê nhà của Chúa để giúp họ từ bỏ tội lỗi, và có liên quan đến phần rỗi của họ thì họ lại không chấp nhận, để rồi Chúa phải nói: “ Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: Hỡi thầy thuốc hãy chữa lấy chính mình; điều chúng tôi nghe xảy ra ở Caphnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông “.

       Dân làng của Chúa không tin, không chấp nhận Chúa, bởi nói như thánh Phaolô tông đồ trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô ở bài đọc hai là vì họ không có lòng mến. Không có lòng mến thì đố kỵ, khoác lác, kiêu hãnh, ích kỷ, nổi giận, suy tưởng xấu, vui mừng trước bất công, không tha thứ, không tin tưởng, không cậy trông, không chịu đựng, không chia vui cùng chân lý “. Họ không đón nhận Chúa thì Chúa đến với những người khác, đến với dân ngoại.

       Chúa đã lấy lại biến cố thời Cựu ước xa xưa, khi nạn đói xẩy đến, dân tộc của họ chẳng được ơn mà chỉ có bà góa ngoại giáo tại Sarepta thuộc xứ Siđon được ơn là Chúa sai tiên tri Elia đến với bà để rồi hủ bột của bà không cạn, bình dầu của bà không vơi cho đến khi Chúa cho mưa xuống mặt đất trở lại. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô không được ơn chữa lành mà chỉ có  Naaman người Syria ngoại giáo được ơn chữa lành mà thôi. Chúa nói như vậy để nếu họ tin vào Chúa thì Chúa sẽ ban ơn cho họ. Còn nếu không tin vào Chúa thì họ cũng giống cha ông họ ngày xưa là chẳng được ơn. Nhưng rồi họ lại nghĩ Chúa đã chạm đến tự ái, nỗi nhục của họ, vì họ được mang danh là dân riêng của Chúa, là con cái của Chúa mà họ lại thua cả dân ngoại. Chúa có ý khơi gợi lòng tự trọng của họ để mong họ thức tỉnh mà suy nghĩ lại hành động của họ, nhưng rồi họ ghét Chúa, căm phẫn Chúa, họ trục xuất Chúa ra khỏi thành. Họ dẫn Chúa lên triền núi để xô Chúa xuống vực thẳm mà giết Chúa. Chúa rẽ qua giữa họ mà đi.

        Quả thật, trước hành động gian ác của họ, Chúa Cha đã gìn giữ, bảo vệ Chúa giống như ngày xưa Chúa Cha bảo vệ tiên tri Giêrêmia trước sự hãm hại của những người Do Thái khi tiên tri thực hiện sứ mạng Chúa trao phó: “ Đừng run sợ trước mặt họ…Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi “ ( Bđ I ). Chính hành động này của họ làm cho Chúa đau buồn, thất vọng. Chúa bỏ họ và Chúa đến nơi khác để tiếp tục sứ mạng của Chúa. Chúa không chỉ được sai đến cho họ mà còn cho cả dân ngoại. Còn bản thân họ hết cơ hội để đổi đời, để sống theo ý Chúa.

       Lạy Chúa, cuộc đời không như là mơ, nhân thế hay thay đổi, mọi sự trên trần gian chỉ là phù hoa cát bụi. Xin Chúa đừng để chúng con bám víu, tin tưởng vào những sự hư vô đó, mà chỉ tin tưởng bám chặt vào Chúa.  Xin Chúa đừng để chúng con giống như dân làng của Chúa ngày xưa là không tiếp Chúa, không tin Chúa, xin cho chúng con luôn biết tiếp đón Chúa, biết nghe Chúa,  dù là Chúa đến trong hình hai một em nhỏ, hay là một người lớn, hay là một người có thiện chí nói ra những lỗi lầm của chúng con để chúng con sửa đổi và xin Chúa cho chúng con biết sống khiêm nhường để chúng con mỗi ngày sống tốt hơn. Amen

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- C

ĐỨC ÁI- Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tiên tri Giêrêmia được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng tư tế ở miền Bắc Giêrusalem. Thiên Chúa đã gọi, thúc giục và tác động cách mạnh mẽ trong tâm hồn của ông ngay khi còn thơ trẻ. Giêrêmia chấp nhận sứ mệnh ra đi giữa bao thử thách và khó khăn. Sứ mệnh của ngài kéo dài qua nhiều thập niên trong lịch sử của cộng đồng Giêrusalem. Ngài đã tiên báo về sự đe doạ và sụp đổ của thành Giêrusalem. Tiên tri có cá tính riêng và rất mạnh mẽ chịu đựng những khổ cực cùng với đoàn dân. Giêrêmia đã giúp mọi người nhận ra những hậu qủa xấu mà họ phải gánh chịu do sự bất trung và tội lỗi gây nên. Đôi khi ông cũng cảm thấy đuối sức và ngại ngùng, nên đã muốn chối từ sứ vụ đặc biệt này. Nhưng cánh tay của Chúa luôn dẫn dắt ông trong mọi nẻo đường. Ông thố lộ tâm tư qua sự mạc khải: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1,5). Chúng ta biết rằng sứ mệnh tiên tri là một ơn gọi đặc biệt vì là trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Thiên Chúa hứa ban sức mạnh và đồng hành cùng ông trong cuộc hành trình đầy gian nan này. Đối diện với sự ruồng bắt và cái chết, ai mà không lo sợ cho tính mạng của mình. Giêrêmia cũng không ngoại lệ, ông cũng là con người mang nhiều sự yếu đuối và lỗi lầm như mọi người. Sứ điệp của ông là kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối để trở về cùng Thiên Chúa. Ông đã đặt niềm tin vào Chúa là kiên thuẫn và dũng lực. Thiên Chúa hứa: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì sấm ngôn của Thiên Chúa, có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” (Gr 1,19) Giêrêmia đã trung thành với sứ vụ được trao ban và đã chứng kiến bao cảnh thăng trầm của Dân Dothái từ năm 627 tới khoảng năm 587 BC.

Sứ mệnh khó khăn của các tiên tri là phải đối đầu với đời sống con người thế tục. Các nhà cầm quyền đã dùng mọi ảnh hưởng để loại trừ thần quyền ra khỏi cuộc sống. Họ dùng sức mạnh và bạo lực của thế quyền để đàn áp, tẩy chay và loại trừ các nhân chứng của sự thật và công chính. Lòng người thế trần bị nhuốm màu tội lỗi vì sống thả theo bản năng thú tính và tìm thoả mãn mọi đòi hỏi của tham sân si. Nhiều người không còn muốn nghe những lời khuyên răn luân lý đạo đức. Đôi khi họ cho rằng những người sống đạo hạnh, công chính và chân thật là những người dại khờ. Phải tranh đấu để sống. Sống là phải hưởng thụ. Chúng ta biết đời sống là cuộc chạy đua. Không phải mọi người đều nhận ra được con đường chính thật. Người ngu mà biết mình ngu là người có trí. Người ngu mà tưởng mình có trí thì càng ngu hơn. Không biết chính mình là người vô minh và ngu đần. Đôi khi họ lại tưởng nghĩ mình là người khôn ngoan và sành đời. Luôn tìm cách tiêu diệt những người công chính và coi họ như là cản mũi kỳ đà.

Chúa Giêsu biết rất rõ về số phận của các nhân chứng cho sự thật. Từ xưa, số phận các tiên tri hoặc ngôn sứ đã thường bị bách hại, xua đuổi và tẩy chay. Chính Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm điều này ngay tại quê quán mình: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24). Làm nhân chứng cho sự thật giữa một xã hội bị tục hoá như hiện nay là một sự dấn thân hy sinh và từ bỏ. Các trào lưu xuôi dòng đang cuồn cuộn kéo lôi con người như thác lũ đi vào cuộc sống hưởng thụ thế tục. Nhiều nhà cầm quyền có xu hướng chạy theo thị yếu và mị dân chấp thuận những khuynh hướng của nền văn minh sự chết. Các thế hệ trẻ hiện nay dễ bị đầu độc bởi nền văn hóa thụ hưởng rất tinh tế và nhẹ nhàng qua cách suy tưởng và phán đoán thuận theo đa số. Là Kitô hữu, chúng ta không thể chạy theo những trào lưu hào phóng bên ngoài, nhưng phải biết tìm kiếm nguồn chân thiện mỹ. Hãy yêu chuộng những vẻ đẹp của đời sống lương tâm tự nhiên đã được in ghi trong tâm hồn. Chúa Giêsu về lại làng quê mình để gặp gỡ và truyền rao sứ mạng cứu độ. Người đồng hương ngạc nhiên về lời giảng dạy của Chúa nhưng họ không mở lòng đón nhận chân lý. Họ đòi hỏi và thách thức quyền năng của Chúa: “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (Lc 4,29) Chúa Giêsu đâu làm gì nên tội để bị đối xử tệ như thế. Có lẽ tâm hồn của họ bị khép kín và trái tim bị đóng băng lạnh lùng. Họ không chấp nhận lời giảng và cũng không đón nhận chính Chúa. Họ đã vào hùa với nhau chống báng và xua trừ Chúa để khỏi phải nghe những lời chân thật. Chúa Giêsu cùng đồng số phận với các tiên tri bị người đời ngược đãi và thế gian chống đối ghét bỏ.

Số phận các ngôn sứ hôm nay cũng không khá hơn các vị tiền bối. Những nhà truyền giáo và các nhân chứng sự thật đều phải đối diện với hiện trạng thờ ơ và lạnh nhạt trong đời sống luân lý, đạo đức. Dù trong hoàn cảnh nào, xem ra sự kiện có thực mới vực được đạo hay đi đạo lấy gạo mà ăn vẫn có thể kéo lôi nhiều người. Khi cuộc sống ổn định về kinh tế và tài chính, đời sống đạo cũng nhờ đó mà thăng hoa. Chúng ta chấp nhận rằng thực tế cuộc sống luôn đòi hỏi phải đáp ứng những nhu cầu cụ thể trước. Chính Giáo Hội cũng đang nỗ lực giúp đỡ những vùng truyền giáo xa xôi. Họ thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất. Nhân chứng sự thật không thể tách rời khỏi những nhu cầu căn bản cuộc sống của người dân.

Một điều rất quan trọng mà thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,3) Đức mến là cốt lõi của việc ra đi làm nhân chứng. Là nhân chứng cho Chúa Kitô, chúng ta không thể thiếu tình yêu chia sẻ. Nếu tất cả mọi việc phục vụ tha nhân với trái tim yêu thương, sẽ mang lại niềm vui và ý nghĩa đích thực. Yêu rồi làm. Tình yêu sẽ thăng hoa tất cả. Phaolô khuyên dạy: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.” (1 Cr 13,4-6)

Đức ái là nhân đức tuyệt hảo. Chỉ có tình yêu mới có thể tha thứ, bao dung và liên kết nên một. Tình yêu như lửa hun đốt và hâm nóng những tâm hồn nguội lạnh. Một thái độ cảm thông yêu mến có thể xoá nhoà mọi lỗi lầm. Một cử chỉ yêu thương có thể khơi dậy niềm hy vọng. Một dấu ấn tình yêu có thể đổi đời. Một lời nói dễ thương có thể vỗ về tâm hồn nguội lạnh. Ôi tình yêu thật diệu vời! Ai trong chúng ta cũng có trái tim để yêu, chỉ cần chúng ta biết mở cửa trái tim để trao ban và đón nhận. Tình yêu như dòng sông nước chảy, càng chảy càng thấm nhuần. Yêu là cho đi và cũng là đón nhận. Một tình yêu tuôn trào sẽ tạo nguồn sống tươi vui và hạnh phúc. Chúng ta đang ngụp lặn trong biển tình: tình Chúa, tình gia đình và tình nhân lọai. Tình yêu chính là lẽ sống. Lạy Chúa, Chúa là Tình Yêu. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ dám hiến thân mình vì bạn hữu. Chúa đã hiến mình vì yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Chỉ có đức mến mới tồn tại muôn đời: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13,13).

 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN-C

SỰ THẬT MẤT LÒNG-  Lm. Anphong Trần Đức Phương

Trong tiếng Việt Nam có câu nói “Sự Thật mất lòng!” và Chúa Giêsu nói “Sự Thật giải thoát anh em!” (Ga 8: 32). Chúng ta thường không thích nghe những lời “nói thẳng và nói thật” vì va chạm tự ái của chúng ta; nhưng nếu biết khiêm tốn lắng nghe và sửa đổi, thì “Sự Thật lại giải thoát chúng ta” khỏi những khuyết điểm mà mình không nhìn ra, và như thế “Sự Thật” xây dựng chúng ta. Trái lại, những lời nịnh bợ tâng bốc thường làm chúng ta ra mù quáng và không nhìn được rõ những khuyết điểm để sửa đổi.

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy nhân dịp về thăm quê hương Nagiaret, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu cũng vào sinh hoạt tại Hội Đường và nhân dịp được mời đọc Sách Thánh, Chúa Giêsu đã chia sẻ với cộng đoàn về lời trong Thánh Kinh: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…” Thánh Luca ghi lại: “mọi người đều thán phục những lời Ngài nói…” Nhưng vẫn có những người đặt vấn đề “Ông này không phải là con bác thợ mộc đó sao?” Biết phản ứng của họ như vậy, Chúa Giêsu đã nói rõ sự thực về tâm tính ngang bướng của họ và của cha ông họ thời xưa, và đưa ra những bằng chứng rất rõ ràng. Thế là “mọi người trong hội đường (bị chạm tự ái) đã nổi giận, lôi Chúa Giêsu lên đỉnh đồi và định xô Ngài xuống vực thẳm.”

Đúng là sự thật mất lòng và đưa đến thù hận. Nhưng trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã không sợ nói sự thật và thường được dân chúng hân hoan đón nhận. Tuy nhiên, vẫn có những người đầy tự ái, như các kinh sư, biệt phái, họ không muốn nghe sự thật; họ căm phẫn, và nhiều lần họ đã âm mưu giết Chúa. Cuối cùng họ đã lên án và giết Người trên Thánh Giá. Nhưng đó lại là chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thực ra, Chúa Giêsu không phải vì ghét họ mà nói sự thật. Nhưng Ngài muốn “nói thẳng, nói thật” để cảnh tỉnh họ và giúp họ sửa đổi, và có thể nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Bằng chứng là trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã đến với người bệnh hoạn, nghèo khó, bị bỏ rơi để giúp đỡ và rao giảng cho họ và khi có dịp, Chúa Giêsu cũng vẫn đến thăm nhà và dùng bữa với những người biệt phái, những kinh sư, đến với những người tội lỗi, những người thu thuế (Matthêu 9: 10-13). Tất cả là vì tình thương của Chúa đối với mọi người, và mong muốn mọi người sửa đổi cuộc sống để được hưởng ơn cứu độ.

Nhìn vào đời sống của các Tiên Tri thời Cựu Ước, chúng ta thấy các tiên tri được Chúa sai đến để nói sự thật với Dân Chúa cũng chỉ với mục đích kêu gọi họ bỏ cuộc sống tội lỗi, vô luân để sống theo lề luật Chúa, sống xứng đáng con cái Chúa. Dân chúng thường đón nhận lời các tiên tri; nhưng cũng vẫn có những kẻ chống đối, và có những tiên tri bị bách hại, bị xua đuổi và có khi bị giết chết nữa (Matthêu 23: 34-36). Vị tiên tri cuối cùng là Thánh Gioan Baotixita cũng bị tù đày và giết hại.

Hôm nay, trong bài Đọc I, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn Giêrêmia (sinh khoảng 650 trước Chúa Giáng Sinh) làm Tiên Tri cho Chúa. Chúa bảo ông: “Hãy nói cho dân chúng những điều Ta truyền ngươi nói với họ. Đừng run sợ trước mặt họ!… Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ sẽ không thắng được ngươi, vì ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” Đúng như lời Chúa nói, trong cuộc đời rao giảng những mệnh lệnh của Chúa, tiên tri Giêrêmia đã phải nói những sự thật để giúp họ sửa đổi ‘lòng chai đá của họ’, vì thế mà tiên tri đã gặp rất nhiều chống đối, thù ghét. Sau cùng tiên tri bị giết chết (vào khoảng 580 trước Chúa Giáng Sinh) trong thời bị lưu đày ở Ai-Cập. Chính sau cái chết thảm khốc của ông mà dân chúng càng hiểu ông hơn và đem lòng sùng mộ, và nhận ra những điều chân thật tiên tri đã giảng dạy ho.

Mỗi tín hữu chúng ta, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta cũng đều có bổn phận phải làm “tiên tri”, làm “chứng nhân” cho Chúa để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Trong khi loan truyền Lời Chúa, thường khi chúng ta cũng gặp được những con người vui vẻ đón nhận, nhưng cũng có những trường hợp bị phản ứng bất lợi. Chúng ta luôn phải kiên nhẫn chịu đựng, và cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa chính chúng ta, và thánh hóa những người chúng ta rao giảng; cầu nguyện đặc biệt cho những người chống đối chúng ta (Matthêu 5: 43-48). Tất cả chỉ vì lòng “mến Chúa và yêu người” mà chúng ta làm nhiệm vụ “tiên tri” và chứng nhân cho Chúa.. “Lòng mến Chúa yêu người” tức là đức Bác Ái, như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong Bài Đọc II hôm nay: “Đức Bác Ái thì nhẫn nhục… tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả…”

Mong rằng từ nay chúng ta biết ý thức hơn về bổn phận rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Chúa (nhất là bằng chính đời sống gương mẫu của chúng ta) trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, sở làm, trường học, với mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc. Trong cuộc hành trình Đức Tin, chúng ta không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với anh chị em chúng ta, chúng ta cần nâng đỡ nhau, cầu nguyện cho nhau, luôn giữ vững Đức Tin, duy trì Đức Bác Ái, và cùng nhau giúp đỡ những người chưa nhận biết Chúa được nhận ra Chúa là Cha, và Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế làm người rao giảng Tin Mừng cứu độ, đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc chúng ta; Người đã sống lại và về trời để mở đường cứu rỗi chúng ta. Ai tin và sống theo giới răn của Người, thì được ơn cứu chuộc.

Cuộc sống mỗi người ở trần gian này rồi sẽ qua đi, chúng ta hãy biết dùng mọi thời gian còn lại, mọi phương thế có thể được để giúp đỡ mọi người, không phải chỉ bằng vật chất, nhưng cả về đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng, để mọi người có thể hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa.

“Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi, Ngài sai tôi đi, Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, Mang Tin Mừng giải thóat, Thiên Chúa đã cứu tôi…” (Thiên Lan: Thánh Ca: “Thần Khí Chúa”)

home Mục lục Lưu trữ