Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1375513

ĐIỀU XẢY ĐẾN BẤT NGỜ

Điều xảy đến bất ngờ – Lm Nguyễn Ngọc Long

Khi sống trong trông mong chờ đợi, mà bỗng dưng xảy đến điều gì bất ngờ mang lại sự may lành thích thú hơn điều mong đợi. Lúc đó lòng ta tràn đầy niềm vui hạnh phúc.

Nhưng trái lại, khi điều xảy đến bất ngờ, không những không như mong đợi mà còn đưa đến điều lo âu suy nghĩ. Lúc đó, ta mang tâm trạng buồn lo thất vọng. Thánh Giuse sau khi kết hôn với Đức Mẹ Maria, cũng đã trải qua điều xảy bất ngờ mang lại nhiều suy nghĩ bối rối.

Ông Giuse kết hôn với cô Maria, nhưng ông liền khám phá ra: Cô Maria đã có thai. Điều này xảy đến thật bất ngờ ngoài điều ông trông chờ… Bao nhiêu câu hỏi diễn ra trong tâm trí ông và ông không tìm ra câu giải đáp: Tại sao cô Maria lại mang thai trước khi cưới hỏi, với ai vậy? Phải chăng cô không trung tín với người chồng của cô, là ta đây? Bây giờ phải làm sao? Cô đã bất trung với ta, thì ta bỏ cô vậy, mặc cô muốn sống sao như ý cô?

Ông âm thầm suy nghĩ ngày đêm về chuyện này, thì lại một bất ngờ xảy đến nữa. Thiên thần Chúa hiện đến với ông trong một giấc mơ và báo cho ông biết: con trẻ trong bào thai cô Maria là Con Thiên Chúa. Cô Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần tác động. Con đừng sợ. Đó là chương trình của Thiên Chúa xuống trần gian làm người!

Ông Giuse tuy là người đạo đức, có lòng yêu mến kính sợ Thiên Chúa, nhưng làm sao ông có thể hiểu nổi điều xảy đến bất ngờ vượt quá sức tưởng tượng của một bác thợ mộc chất phác nơi miền thôn quê! Dẫu vậy, lần này thì ông không hồ nghi. Ông âm thầm chấp nhận cô Maria và những lời Thiên Thần nói cho ông về Con Thiên Chúa và để bụng suy nghĩ tiếp về chương trình dự định của Thiên Chúa. Ông tin vào sự quan phòng của Người.

Điều xảy đến bất ngờ lần này mang lại cho ông sự bình an trong tâm hồn.

Không chỉ Đức Mẹ Maria và ông thánh Giuse sống trải qua những điều bất ngờ về chương trình của Thiên Chúa, nhưng còn có những người khác nữa: các mục đồng. Họ là những người quê mùa thất học, suốt đời chỉ sống với súc vật ngoài cánh đồng cỏ. Bỗng dưng họ cũng nhận được điều xảy đết bất ngờ. Thiên thần Chúa hiện đến báo tin cho họ: “Các Bạn đừng sợ! Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sinh hạ trong chuồng súc vật của các Bạn. Các Bạn hãy đến mà xem!”

Họ ngạc nhiên nhưng trong tâm trạng vui mừng. Vì điều bất ngờ xảy đến mang lại cho họ nhiều thích thú lạ lùng. Họ đâu có thể ngờ bỗng dưng có khách cao trọng từ trời cao đến thăm và sống trong nhà mình. Và từ đó làm biến đổi cuộc sống của họ: từ người chăm sóc thú vật thành người được nhìn thấy Thiên Thần của Chúa, được đến thăm viếng trò truyện với Con Trẻ Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa.

Không chỉ với biến cố Thiên Chúa xuống thế làm người mới có những điều xảy bất ngờ, nhưng điều xảy ra bất ngờ thường có ngay trong cuộc đời mỗi người. Điều đó có thể là điều may lành an vui, nhưng cũng có thể là điều gây ngạc nhiên bỡ ngỡ xa lạ đến độ lo âu suy nghĩ bối rối mất bình an.

Thông thường ai cũng mong điều xảy đến bất ngờ mang lại niềm vui hạnh phúc hơn điều mang đến sự bất an trong cuộc sống. Như cuộc đời thánh Giuse đã trải qua, đôi khi những điều xảy ra bất ngờ làm lo âu suy nghĩ bối rối, không mấy ai muốn chấp nhận, lại là tín hiệu quan trọng mang tin lành bình an cho con người.

Những đau khổ, bệnh tật, điều gây bối rối, điều trái ý gây khó chịu là những điều xảy đến bất ngờ và chẳng ai muốn có. Nhưng nếu như thánh Giuse với một tâm hồn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, mà vui lòng chấp nhận, điều đó có thể trở nên giá trị tốt đẹp cho đời sống chính mình và người khác nữa.

Đức Mẹ Maria cũng đã vui lòng chấp nhận sứ điệp Thiên Thần Chúa mang đến bất ngờ ngoài điều mong muốn cho đời mình, nên Chúa mới giáng sinh xuống trần gian. Ngài mang ánh sáng tình yêu từ trời cao xuống cho con người. Và qua biến cố đó, nhân loại mới có ngày lễ mừng trọng đại: Thiên Chúa làm người, để con người được làm con Thiên Chúa.

 

  1. “Giuse, con Vua Đavit” – Lm. Nguyễn Hùng

Theo C.G.Jung, một nhà tâm lý nổi tiếng của Tây phương, giấc mơ bày tỏ chiều kích vô thức của tâm trí con người, hướng về biến cố tương lai, và bộc lộ lãnh vực bị quên lãng nơi cá tính đương sự. Giấc ngủ là nhu cầu của thân xác hơn là của linh hồn. Do đó có thể nói rằng khi ngủ linh hồn vẫn tiếp tục sinh hoạt qua tiềm thúc, tức là giấc mơ. Tuy nhiên vì linh hồn không được nối kết chặt chẽ với thế giới linh thiêng, giấc mơ chỉ là sự ráp nối hỗn tạp những gì hình ảnh tồn đọng trong trí nhớ, hầu hết không có ý nghĩa gì.

Trong Thánh Kinh, giấc mơ đóng vai trò khá quan trọng. Tổ phụ Giuse đã bị anh em chế nhạo là “kẻ mơ màng” vì ông đã kể ra mình nằm mơ thấy bó lúa của các anh em cúi xuống thần phục bó lúa của mình; và trong một giấc mơ khác ông thấy mặt trời, mặt trăng, và 11 ngôi sao cúi mình trước mặt ông (Gn 37:5-9). Đây là điềm báo trước ông sẽ lên chức tể tướng của nước Ai cập. Ở đây giấc mơ làmạc khải bí nhiệm của Thiên Chúa về tương lai của đương sự. Thiên Chúa hé mở một phần chương trình của Ngài cho con người biết. Tổ phụ Giuse là người được Thiên Chúa tuyển chọn để cứu nước Ai cập và gia đình khỏi nạn đói. Ông là người công chính, biết kính sợ Chúa, nên tâm hồn nhạy cảm dễ đón nhận mạc khải của Thiên Chúa.

Vào Chúa nhật 4 mùa Vọng, Giáo hội muốn giới thiệu một nhân vật có vai trò quan trọng trong mầu nhiệm Thiên Chúa Giáng sinh; đó là thánh Giuse. Ngài được Phúc âm giới thiệu là người công chính, người sống gần Thiên Chúa. Thánh Giuse đã đính hôn Đức Mẹ, nhưng không hề biết Mẹ thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Nên khi thấy có dấu hiệu khác thường nơi Đức Mẹ, thánh Giuse bị bối rối không biết làm sao, nên định âm thầm rút lui có trật tự. Thiên Chúa đã dùng giấc mơ để mạc khải cho thánh Giuse vai trò của thánh nhân trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Khi hiện ra trong giấc mơ, thiên thần đã gọi: “Hỡi Giuse, con vua Đavít”. Tuy thánh Giuse chỉ là cha nuôi, nhưng theo truyền thống của Do thái, người cha xác định dòng dõi của con cái. Chúa Kitô được tiên báo sinh ra trong dòng dõi vua Đavít. Ngài là Vua theo dòng dõi vương giả chính tông của Do thái. Sứ mệnh cứu thế của Ngài gắn liền với uy quyền của một Vị vua trên hết các vua.

Thánh Giuse là nhân vật quan trọng trong biến cố Chúa Giáng sinh, nhưng Phúc âm không ghi lại lời nói nào của Ngài. Thánh Giuse tỏ ra là người quản gia trung tín săn sóc hai kho tàng quí giá nhất trần gian đó là Chúa Giêsu hài nhi và Mẹ Maria. Tinh thần âm thầm phục vụ như người tôi tớ của Thiên Chúa là tiếng nói sâu xa mà thánh Giuse để lại cho nhân loại.

Trong mùa Vọng, Giáo hội kêu gọi các tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến với tâm tình chờ đợi như người đầy tớ gọi chủ đến bất ngờ, như những trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể. Thánh Giuse chính là gương mẩu để chúng ta học hỏi. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình khiêm tốn, âm thầm, tận tụy, và nhất là sống liên kết với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Bầu khí ồn ào của những ngày lễ Giáng sinh khiến chúng ta xa rời ý nghĩa chân thực của Ngày Lễ. Chúng ta vui mừng nhưng không phải bằng cách say sưa, chè chén, nhậu nhoẹt linh đình. Chúng ta vui mừng bằng sự chia sẻ của ăn, áo mặc, với những người nghèo khổ; bằng những nụ cười với người không quen biết, không ưa thích; bằng lời nói tốt cho người súc phạm đến mình; bằng lòng rộng rãi bao dung với con cái; bằng những lời nói, cử chỉ yêu thương, biết ơn đối với cha mẹ; và hơn hết bằng lời cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, cho những tấm lòng hận thù bị tan biến, thay vào đó là những trái tim đầy ắp tình người.

 

  1. Khởi đầu mới phát xuất từ Thiên Chúa

(Chú giải và Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)

1.- Ngữ cảnh

Phần Mở của Tin Mừng Mt đi từ 1,1–4,16. Về nội dung, trong bốn chương mở đầu này trước khi Đức Giêsu xuất hiện công khai, có hai người khám phá ra Đức Giêsu là ai, theo hai đường song song và riêng tư: Giuse (ch. 1–2) và Gioan Tẩy Giả (ch. 3–4). Giuse thì được thiên thần Chúa báo tin trong giấc mơ rằng Đức Giêsu là con (cháu) vua Đavít, còn Gioan thì được một tiếng từ trời cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Cả hai vị đều muốn tránh né ơn gọi đặc biệt các vị được mời đảm nhận trong liên hệ với Đức Giêsu, vị đầu sẽ đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua Đavít, vị sau sẽ trở thành khí cụ để tấn phong làm Đấng Mêsia trong phép rửa. Trong cả hai trường hợp, cảm thức về sự bất xứng của hai vị đã là động lực khiến các vị có thái độ như thế (chính theo nghĩa này mà ta phải hiểu sự “bối rối” của Giuse). Nhưng sự băn khoăn bối rối của các vị đã được thiên thần hoặc chính Đức Giêsu đánh tan. Cuối cùng, cũng như Giuse, khi chấp nhận đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua Đavít, đã kéo theo cuộc bách hại của vua Hêrôđê, Gioan Tẩy Giả, khi chấp nhận ban phép rửa cho Đức Giêsu và tạo cho Người cơ hội được tấn phong làm Đấng Mêsia, đã kéo theo những đợt tấn công của Satan.

Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là phân đoạn thứ hai thuộc nửa đầu của Phần Mở.

Bảng gia phả đã nói rằng Đức Giêsu xuất thân từ nhà Đavít và Abraham cũng như Người bén rễ sâu vào trong lịch sử Israel. Đồng thời bảng gia phả cũng khẳng định hoàn cảnh huyền bí của cuộc chào đời của Người (1,16). Với cách bố trí cũng như những con số, bảng gia phả cho thấy rằng Đức Giêsu là cùng đích và sự hoàn tất của lịch sử này. Nhưng bảng gia phả lại không nói cho biết sự hoàn tất này hệ tại điều gì. Điều này bây giờ được nói rõ qua sứ điệp Thiên Chúa ban cho Giuse và được xác nhận qua cách xử sự của Giuse.

Trong c. 16 của ch. 1, tác giả bảo chúng ta rằng Giuse là chồng của Maria và Maria là mẹ của Đức Giêsu, nhưng Giêsu lại không phải là con của Giuse. Trong đoạn văn đọc hôm nay (1,18.20), tác giả liên tiếp nhắc lại rằng Chúa Thánh Thần ở tại nguồn của cuộc đời Đức Giêsu đến cuối đoạn văn, tác giả nhắc lại lần thứ ba rằng Giuse không can dự gì vào cuộc chào đời của con trẻ này (1,25). Nếu ở 1,25, tác giả viết: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”, ông muốn nói rằng cho đến khi Đức Giêsu chào đời, Giuse không hề có mộtquan hệ phu phụ nào với Maria, nhưng cũng không khẳng định rằng sau đó Giuse đã bắt đầu có quan hệ này.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia làm năm phần:

1) Đầu đề của đoạn (1,18a);

2) Hoàn cảnh của Giuse và Maria (1,18b-19);

3) Thiên Chúa can thiệp (1,20-21);

4) Lời bình của tác giả (1,22-23);

5) Giuse thi hành lệnh Thiên Chúa (1,24-25).

3.- Chú giải

– chung sống (18): Synelthein, “đến với, tham gia với”, có thể có nghĩa là quan hệ vợ chồng hoặc sống với nhau. Văn cảnh trực tiếp dường như hợp với nghĩa thứ nhất hơn. Người thiếu nữ Do Thái được đính hôn vào khoảng năm 12 tuổi, từ giã cha mẹ để về sống dưới sự bảo trợ của chồng vào khoảng năm 13-14 tuổi. Sự chuyển đi này mở đầu cho cuộc sống chung và cũng là việc kết hôn.

– người công chính (19): Giuse không công chính theo nghĩa vâng phục lề luật, bởi vì không có khoản luật nào buộc phải bỏ vị hôn thê bị coi là ngoại tình (Đnl 22,13-21.23-27 liên hệ đến hôn nhân hoàn hợp; x. Đnl 24,1). Vả lại, khi bỏ Maria một cách kín đáo (lathra), ngài cũng chẳng vâng phục lề luật, bởi vì hành vi rẫy vợ chỉ có giá trị pháp lý nếu làm công khai (x. Đnl 22,15: tại cửa thành). Một đàng, nếu hiểu đây là “sự công chính theo luật pháp”, chúng ta đứng trước một thế lưỡng nan. Quả vậy, nếu dưới mắt Giuse, Maria đã ngoại tình, ngài bỏ bà là chuyện dễ hiểu, nhưng ta không hiểu vì sao ngài lại tính bỏ bà “cách kín đáo”, bởi vì khi đó việc này sẽ không có hiệu quả pháp lý và thật ra bí mật cũng chẳng giữ được lâu. Còn nếu Giuse cho rằng Maria vô tội, ta không hiểu được là vì sao ngài lại nghĩ đến việc bỏ bà, vì luật không buộc như thế; đã thế, trong tư cách là hôn phu, ngài còn có nghĩa vụ bảo vệ hôn thê vô tội chống lại những ngờ vực vô căn cứ của kẻ khác. Vậy không thể hiểu sự công chính của ngài theo nghĩa pháp lý.

Đây là sự công chính tôn giáo. Chính sự công chính này buộc Giuse phải tôn trọng việc Thiên Chúa làm nơi Maria và ngăn cản ngài nhận lấy những công trạng từ một hành động của Thiên Chúa: tự mình, ngài nghĩ ngài không được phép đưa về nhà một người đã được Thiên Chúa dành riêng cho Ngài. Nếu làm như thế, ngài có vẻ chiếm đoạt mộtvai trò mà Thiên Chúa không trao cho ngài. Đứng trước mầu nhiệm này, ngài muốn rút lui, và vì tế nhị do đức công chính đối với Thiên Chúa, ngài đã để ý không “phổ biến” mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao trùm Maria. Vấn đề nằm ở động từ deigmatisai: theo Origiênê và Êusêbiô, động từ này không hề hàm chứa một ý niệm ô nhục nào; cha Joušon dịch là “vén mở, tiết lộ”. Động từ paradeigmatisai mới là “trừng phạt để nêu gương; làm cho ô nhục, mất danh giá”. Giuse đã phản ứng như tất cả mọi người công chính trong Kinh Thánh khi nhận ra Thiên Chúa đang can thiệp vào trong lịch sử của họ: như Môsê cởi dép khi đứng trước bụi gai cháy, như ngôn sứ Isaia kinh hoàng khi thấy vị Thiên Chúa ba lần thánh xuất hiện, như bà Êlisabét tự hỏi vì sao mẹ Đức Chúa của bà lại đến thăm bà, như viên đại đội trưởng trên đồi Sọ, như Phêrô khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng. Như “Aben người công chính” (23,36: người “công chính” duy nhất được Mt nêu tên trong Tin Mừng. Chắc chắn Aben “công chính” không do lề luật, bởi vì lề luật chỉ được ban bố với Môsê!), Giuse cũng tỏ ra là người trung thành thờ phượng Thiên Chúa.

Cách giải thích này được hỗ trợ bởi ngữ cảnh tổng quát của toàn ch. 1 của Mt. Trong bài đầu tiên (1,1-17), Mt đã trình bày gia phả của Đức Giêsu khởi đi từ tổ phụ Abraham và từ vua Đavít ngang qua Giuse. Nhưng bảng gia phả này lại gặp ngay nơi Giuse một vấn đề hóc búa. Đó là vì Đức Giêsu không phải là con Giuse theo xác thịt. Vậy mục tiêu của đoạn văn này là để giải thích làm thế nào Đức Giêsu có thể thuộc về dòng dõi vua Đavít, nếu Người không phải là con của Giuse. Lời giải thích nằm ở việc Giuse nhìn nhận Đức Giêsu làm con về pháp lý. Mục tiêu của bản văn Tin Mừng này, thay vì bảo vệ việc thụ thai đồng trinh, thì tìm các xác định do đâu Đức Giêsu có thể trở thành hậu duệ vua Đavít và Đấng Mêsia thuộc dòng tộc vua Đavít cho dù có việc trinh thai. Vậy hai phần của ch. 1 của Mt làm thành hai cánh của cùng một việc chứng minh.

Một hỗ trợ khác nữa đến từ chính những lời của thiên thần (cc. 20-21): “Này ông Giuse là con cháu vua Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì quả thật (HL. gar: car certes; for, indeed, certainly) điều được sinh thành (to gennêthen = đứa con) nơi bà là việc của Thánh Thần, nhưng (HL. de) bà sẽ sinh một con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu; vì (gar) chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Dịch gar là “quả thật” (chắc chắn) là chuyện thông thường vào thời ấy (x. 1 Cr 9,10; 2 Tx 2,20; Mt 18,7; 22,14; 24,6…). Vậy khi nói như thế, thiên thần giả thiết Giuse đã biết chuyện thụ thai đồng trinh và chính chuyện này đã thúc đẩy ngài rút lui, vì thấy Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời Maria. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã truyền cho ngài “dù sao” (“nhưng”) cũng cứ chấp nhận và đặt tên cho con, và khi đó, ngài đưa con tháp nhập vào trong dòng dõi vua Đavít.

– thiên thần Chúa (20): Như trong Cựu Ước, thuật ngữ này được dùng để nói tới sự can thiệp của Thiên Chúa (x. St 16,7.13; Xh 3,2), chứ không có nghĩa là một trong các “thiên thần”.

– Giêsu (21): Trong Kinh Thánh, tên người còn chỉ chức năng Thiên Chúa quy định cho một người trong Lịch sử cứu độ. Iêsous là dạng Hy Lạp của tên Híp-ri Yehôshua (x. Xh 24,13) hoặc Yeshua (Nkm 7,7), có nghĩa là “Yhwh là sự cứu độ”, “Yhwh ban ơn cứu độ”, “Yhwh cứu độ”, “Ơn cứu độ của Yhwh”.

– Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai (23): Tác giả trích Is 7,14 theo Bản LXX, bởi vì trong bản này có từ parthenos, “trinh nữ”, chứ trong bản Híp-ri, ta đọc là almah, “thiếu nữ”, có thể là một thiếu nữ hoặc một người vợ trẻ. Cũng vì dựa trên Is 7,14, Do Thái giáo Paléttina không chờ đợi Đấng Mêsia được sinh ra bởi một trinh nữ, nhưng chờ đợi Người là một con đầu lòng (x. Lc 2,7).

– Emmanuel (Hp. Immanuel): Tác giả không nêu ra một tên mới của Đấng Mêsia, mà nêu lên ý nghĩa của bản thân và công trình của Người. Is 7,14 và 8,8 cũng không nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa, vì điều này được giả thiết có trong Kinh Thánh, nhưng nhấn mạnh đến sự diện diện năng động của Ngài để cứu giúp. Như thế, nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài để trợ giúp và cứu độ họ. Lời hứa long trọng của Đức Kitô vinh hiển (“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, 28,20) cho thấy lời loan báo ấy đã được thực hiện hoàn hảo. TM Mt mở ra và kết thúc với ý tưởng này: nơi bản thân Đức Giêsu, Thiên Chúa sẵn sàng đến hiện diện năng động, tích cực, với loài người.

– ông không … cho đến khi… (25): Câu này hoàn toàn đúng với c. 23 cho thấy rằng Maria là trinh nữ khi sinh con. Câu “ông không biết (= ăn ở với) bà, cho đến khi bà sinh một con trai” không chống lại việc sau đó Maria vẫn đồng trinh, cũng không ám chỉ điều này, mà cũng không cho phép kết luận rằng sau đó bà đã có những quan hệ vợ chồng với Giuse. Đàng khác, chúng ta ghi nhớ rằng mẫu tính đồng trinh của Đức Maria không có nghĩa sinh học, mà diễn tả niềm tin của Giáo Hội vào thần tính và nhân tính của Đức Giêsu.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đầu đề của đoạn (18a)

Với đầu đề (18a), tác giả Mt ngỏ lời với độc giả để xác định hoặc điều chỉnh cách thức họ hình dung cuộc chào đời của Đức Giêsu.

Đức Giêsu không phải là con của Giuse, nhưng là tạo thành của Chúa Thánh Thần. Nơi Người, lịch sử Israel đi đến chỗ hoàn tất, nhưng Người không phải là hoa trái tự nhiên hoặc kết quả thiết yếu của lịch sử này. Người không lệ thuộc vào và không chỉ xuất thân từ mộtchuỗi các thế hệ và những cuộc sinh hạ con người. Người là sự hoàn tất, nhưng là như mộtkhởi đầu hoàn toàn mới. Khởi đầu cuộc sống của Người là do Chúa Thánh Thần, khởi đầu này trực tiếp gắn với hoạt động của quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa gồm tóm nơi Người toàn thể lịch sử Israel, đồng thời thiết lập mộtkhởi đầu mới mang tính sáng tạo. Không phải là loài người đã ban tặng Đức Giêsu cho nhau; Người là khởi đầu và là quà tặng hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc của Đức Giêsu (1,18), và nguồn gốc này cho thấy bản tính và ý nghĩa của đời Người.

* Hoàn cảnh của Giuse và Maria (18b-19)

Tuy thuộc nguồn gốc thần linh, Đức Giêsu lại được liên kết với lịch sử Israel. Mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giuse, nhưng chưa về sống trong nhà Giuse. Theo luật lệ Do Thái, với lễ đính hôn, hai người nam nữ đã được coi là vợ chồng rồi. Vì thế, Giuse được gọi là chồng của Maria (1,16.19), còn Maria thì được gọi là vợ của Giuse (1,20.24). Chỉ mộtnăm hay mộtnăm rưỡi sau lễ đính hôn, vị hôn thê mới được đưa về nhà vị hôn phu và bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Ở đây, tác giả Mt cũng không cung cấp một thông tin nào đặc biệt về Giuse và Maria, ngài nói về hai đấng như những nhân vật rất quen thuộc với độc giả. Vậy mục tiêu của ngài không phải là cung cấp tài liệu, mà là huấn giáo. Trong thời gian giữa lễ đính hôn và cuộc chuyển về nhà chồng, Giuse nhận ra rằng Maria đã có thai. Đọc c. 18b cách bình thản, ta thấy dường như tác giả gợi ý rằng Giuse có biết việc Maria mang thai là do sự can thiệp của Chúa Thánh Thần. Giuse quyết định bỏ Maria kín đáo vì tế nhị đối với sự can thiệp của Thiên Chúa nơi Maria.

* Thiên Chúa can thiệp (20-21)

Giuse đang toan tính như thế trong lòng, thì được Thiên Chúa can thiệp qua việc mộtthiên sứ đến báo mộng để khẳng định với ngài là quả thật con trẻ sắp chào đời thuộc nguồn gốc thần linh; nhưng ngài có nhiệm vụ đón Maria về và đặt tên cho con trẻ. Ngài phải duy trì dây liên hệ với Maria và như thế, nhìn nhận trước luật pháp rằng con trẻ ấy là con của ngài. Do nhiệm vụ Thiên Chúa giao, Giuse trở thành cha của hài nhi về mặt luật pháp và cũng trước luật pháp, Giêsu trở thành con và đương nhiên là người thừa kế của ngài. Hệ quả là Đức Giêsu được tháp nhập hợp pháp vào gia phả của Giuse. Như thế, Đức Giêsu đi vào trong dòng dõi xuất thân từ các vị tiền nhân ấy và trở thành đích điểm và sự hoàn tất của dòng dõi ấy. Như vậy, tác giả Mt không nhắm thỏa mãn óc tò mò của chúng ta. Tất cả những gì ngài muốn chúng ta hiểu là: con của bà Maria là người được Thiên Chúa hứa cho thừa kế ngai vàng vua Đavít, như các ngôn sứ đã từng loan báo.

Còn Đức Giêsu thực hiện vị trí và nhiệm vụ ấy như thế nào, thì chính tên của Người cho thấy, tên mà Thiên Chúa đã chọn cho Người và Giuse phải đặt cho Người. Thiên Chúa đã đổi tên cho người trước đây được gọi là Abram và ban cho ông tên mới là Abraham, “vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (x. St 17,5). Sự tuyển chọn của Thiên Chúa được diễn tả ra và xác nhận bằng việc đổi tên. Vì trao mộtnhiệm vụ mới và với nhiệm vụ này là mộtđời sống mới, Ngài ban cho mộttên mới. Điều đó càng đúng hơn nữa với Đức Giêsu, con cháu tổ phụ Abraham. Cùng với cuộc đời, Người đã được Thiên Chúa ban cho ngay từ đầu tên và nhiệm vụ. Tên của Người là Yeshua hay là Yehoshua, có nghĩa là “Thiên Chúa là sự cứu độ”; Người giải thoát khỏi tội lỗi (1,21; x. Tv 130,8). Với nhiệm vụ này, Đức Giêsu có quyền năng Thiên Chúa và ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho ta nhờ trung gian Người. TM Mt sẽ cho thấy Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Đức Vua và Vị Mục tử, Người săn sóc dân Người và đưa họ đến sự sống viên mãn.

* Lời bình của tác giả (22-23)

Đến đây tác giả viết lời bình. Với biến cố này, đã thực hiện điều mà Thiên Chúa đã loan báo qua miệng các ngôn sứ. Trong dự phóng của Ngài, chính Thiên Chúa muốn có cuộc chào đời và hài nhi này. Khi khẳng định rằng lời Thiên Chúa được ứng nghiệm, mộtlần nữa tác giả muốn nói rằng đàng sau biến cố này, có Thiên Chúa như là Đấng quy định và hướng dẫn mọi sự. Khi cho biết Đức Giêsu cũng chính là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, tác giả cho biết đặc tính của biến cố Người đến, cũng như đặc điểm của sự hiện diện và công trình của Người: nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Đức Giêsu là sự hiện diện năng động của Thiên Chúa gần kề chúng ta; nơi Người, vị Thiên Chúa từ bi thương xót tỏ mình ra, vị Thiên Chúa trợ giúp và cứu độ, cũng như tỏ hiện dự phóng của Ngài đối với loài người. Nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta đến được với Thiên Chúa (x. 28,20).

* Giuse thi hành lệnh Thiên Chúa (24-25)

Khi đã biết rõ ý Thiên Chúa, Giuse thi hành ngay: ngài “đón vợ về nhà”. Câu văn tiếp theo cho biết là ngài không có quan hệ phu thê với Maria, và như thế hài nhi Giêsu không phải là con của ngài. Nhưng câu văn này cũng không hề ám chỉ là sau đó Giuse có quan hệ vợ chồng với Maria. Với lại tác giả không quan tâm đến vấn đề này. Ông còn đang cho thấy là Giuse thi hành chính xác lệnh Thiên Chúa truyền: “ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.

+ Kết luận

Tại hai cực của lịch sử Lời Hứa, có hai ơn gọi hướng về nhau và hoàn tất lẫn nhau: ơn gọi của Abraham, tổ phụ đón nhận Lời Hứa, và ơn gọi của Giuse, người đã vâng lệnh Chúa truyền nên đã tạo điều kiện cho Lời Hứa được thực hiện, đó là biến cố Đấng Emmanuel ngự đến. Kể từ nay, nhờ đã được Giuse đưa tháp nhập vào trong dòng dõi vua Đavít, Đức Kitô có quan hệ trực tiếp với mỗi người con người cháu của tổ phụ Abraham, dù họ có đông như sao trên trời không thể đếm nổi (x. St 15,5). Công trình của Người không liên hệ đến mộtlãnh vực nào của cuộc sống loài người, nhưng đi đến tận gốc rễ và thay đổi tương quan với Thiên Chúa. Người sẽ chiến thắng sự bất phục tùng và thái độ nổi loạn, sẽ tha thứ tội lỗi và tái lập sự hiệp thông vào đời sống với Thiên Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm

  1. Đức Giêsu là cùng đích và sự hoàn tất của lịch sử Israel, là như mộtkhởi đầu mới phát xuất từ Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa không bỏ mặc dân Ngài xoay xở bằng sức lực riêng, phó mặc con người cho sức mạnh của lịch sử. Đức Giêsu là quà tặng chân thật Thiên Chúa ban cho dân Ngài. Nơi Người, công trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất và sự hiệp thông mật thiết nhất giữa Thiên Chúa và loài người được thiết lập: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
  2. Đức Giêsu là con cháu vua Đavít, nhưng không theo nghĩa là Người có mộtquyền lực chính trị hoặc quân sự, hoặc Người là một nhà giải phóng chính trị theo nghĩa trần thế. Người sẽ giải thoát loài người khỏi tội lỗi, sẽ đưa con người thoát khỏi tình trạng xa cách với Thiên Chúa và đưa họ về hiệp thông trọn vẹn với Ngài.
  3. Bởi vì biết là Thiên Chúa đang can thiệp vào cuộc đời Maria cách đặc biệt mà lại không thấy Ngài giao phó cho mình sứ mạng gì đặc biệt, Giuse tìm cách âm thầm rút lui. Ngài chứng tỏ ngài có mộtcảm thức sắc bén về Thiên Chúa, mộtlòng tôn trọng thẳm sâu đối với mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm thánh ý Ngài. Người Kitô hữu được mời gọi học nơi Giuse bài học này: tôn trọng đối với các dự phóng của Thiên Chúa nơi mình và nơi kẻ khác, nhạy bén đối với sự cao cả thẳm sâu và sự hiện diện gần gũi của Ngài trong những biến cố lớn nhỏ thuộc cuộc sống hằng ngày.
  4. Đức Giêsu chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn khi đọc TM Mt cho đến hết (Mt 28,20). Hôm nay Người là Emmanuel để tiếp tục hỗ trợ chúng ta trong hành trình trần thế, trong nỗ lực loan báo Tin Mừng “cho muôn dân” và cứu độ chúng ta bằng quyền năng của Đấng “đã được ban cho toàn quyền trên trời dưới đất”.

 

  1. Chú giải của Noel Quesson

Những “Tin Mừng về tuổi thơ” là những trang Tin Mừng kỳ diệu, rất khác với các Tin Mừng khác: Matthêu và Luca là những người duy nhất nói cho chúng ta hay, lại không phải là những chứng nhân trực tiếp. Các ông đã sưu tập lại những kỷ niệm được lưu giữ trong các môi trường “Do Thái – Kitô” và nhất là trong gia đinh Đức Giêsu. Và với dữ kiện cơ bản” này, các ông đã xây dựng một Dẫn nhập thần học, có phần giống như một nhạc sĩ soạn một “Khúc dạo đầu” mà ở đó nhạc sĩ làm cho người ta nghe thấy những chủ đề chính mà ông muốn khai triển tiếp theo. Dưới vẻ bề ngoài thô thiển và vụn vặ, đó là những văn bản phong phú những giáo lý sâu sắc, dĩ nhiên được viết sau khi Đức Giêsu sống lại và cần phải đọc “trong đức tin”. Điều ấy không có ý nói rằng, “tính nhân bản không có trái lại là khác”.

Matthêu, khác Luca, không tập trung tuổi thơ của Đức Giêsu và Đức Maria, nhưng vào Giuse: 1. Giả phả Đức Giêsu, theo dòng dõi Giuse; 2. Loan báo việc sinh Đức Giêsu cho Giuse, và chấp nhận vai trò của mình: chồng Đức Maria và cha pháp lý của Đức Giêsu; 3. Việc thờ phụng của các nhà chiêm tinh và vai trò chủ chốt của Giuse bảo đảm an toàn hài nhi khi trốn sang Ai Cập; 4. Trở về Na-da-rét, theo lệnh của một thiên thần luôn luôn nói với Giuse (Mt 1,1 – 2,23).

Chúa nhật này trước lễ Giáng sinh. Giáo Hội đề nghị chúng ta nghe tin loan báo cho Giuse.

Đây là gốc tích (“khởi nguyên”) của Đức Giêsu Kitô.

Nói “khởi nguyên” là nói đến “bắt đầu”. Đó là tiếng trang trọng lớn lao của khởi đầu thế giới, trong sách đầu tiên của Kinh Thánh.

Đối với người Sê-mít, quan niệm “nhân vị” như một cái toàn thể, vữa có tính thể xác và linh thiêng, khác với những người Hy Lạp, coi “nhân vị” trước hết như một linh hồn, thực tại linh thiêng, nhập thể vào trong một thân xác Đức Giêsu Kitô “bắt đầu” ở chính khoảnh khắc mà người nhập thân vào “lịh sử con người”, vào biến cố này, vào tình huống mà Đức Gìêsu sinh ra.

Bà Maria, Mẹ Đức Giêsu đã thành hôn với ông Giuse.

A, tất cả mọi người đều tin là biết lịch sử về con người của Giuse. Một con người trở thành đề tài để giễu cợt trong trại lính và trong xưởng thợ. Người ta đã đặt thành những bài hát dân gian diễu cợt con người ngây thơ và nạn nhân này; ông Giuse đáng thương! không phải thế sao? Nhất thế là chế nhạo Tin Mừng và không biết tí gì về cặp Maria và Giuse. Cặp này chắc chắn là cặp hạnh phúc nhất trong suốt lịch sử. Người mà, trong tất cả các cặp được thành hình từ khi tạo thành thế giới, được mang dấu ấn một lịch sử phổ quát! Cặp này cũng là cặp ‘phong nhiêu nhất trong các cặp’. Ban đầu, tình hình của họ thế nào: hai thanh niên ở giữa tuổi 15 và 20, đính hôn với nhau, vì cùng có một dự tính kỳ diệu là thành vợ chồng. Bạn hãy nhớ đến cuộc đính hôn của các bạn! Cái thời hạnh phúc đó. Hãy, nhìn các bạn trẻ đang lui tới với nhau và xây dựng ý định lứa đôi.

Nhưng trước khi ông bà về chung sống, Bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần, ông Giuse, chồng bà là người công chính là không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

Đây là chặng thứ hai: “dự tính tan vỡ”; khủng hoảng chuyện đôi lứa, khi Giuse thấy người đính hôn của mình mang thai. Tất cả mọi giấc mơ đầu bị phá tan. Có lẽ ta không thể hiểu được nỗi đau đớn tinh thần dày vò còn bị che khuất đằng sau đoạn Tin Mừng vắn tắt này? Ở giai đoạn tình huống này, Giuse quyết định không cưới Maria nữa. Và quyết định này là quyết định của người đàn ông công chính.”

Người ta đưa ra nhiều cách giải thích về sự công chính này của Giuse. Thánh Justin nghĩ rằng Giuse công chính bởi vì người muốn áp dụng Luật (Đnl 22,23). Điều kỳ lạ và có vẻ không đúng là người ta đã có thể nghĩ đến một sự nghi ngờ tội ngoại tình, mà Luật Môsê đòi phải phạt. Thánh Giêrôm, chính người lại kết luận rằng Giuse “công chính bởi vì ông muốn bỏ bà Maria một cách kín đáo”. Nhưng cũng ở chính đó, có phải là điều công chính khi bỏ mặc cho số phận một người vợ mà người ta nhìn nhận là vô tội ư? Giải pháp thỏa đáng duy nhất cho vấn đề này chính là điều mà bản văn đã gợi ra. Quả thế, ngay trước lúc diễn tả cuộc tranh chấp tâm lý của Giuse, thì Matthêu, một cách rất rõ ràng, giả định là người ta có biết việc “thụ thai mà còn trinh nguyên một con trẻ”; thụ thai bởi tác động của Thánh Thần.

Do đó có lẽ chính Đức Maria đã tiết lộ tâm sự với người mình đính hôn (hay đúng hơn, mẹ của Đức Maria theo tập quán Phương Đông). Và Giuse, sau khi suy nghĩ bằng những phương tiện nhân loại của mình, sau khi đã hiểu rằng con trẻ này do Chúa, mà đến, ông không muốn đòi hỏi về quyền hành đối với đứa con không phải là của mình; ông nhận ra ‘quyền làm cha’ của Thiên Chúa. Và ông nghĩ rằng, chính ông Giuse, không được con như cha của đứa con đó. Thế là ông quyết định từ khước ý định lứa đôi của mình. Cũng như Abraham, hy sinh cho Thiên Chúa, Giuse là “người công chính”, ông quyết định hy sinh mình.

Ông đang toan tính như vậy thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít. đừng ngại đón bà Maria vợ ông về…

Như thế chính Thiên Chúa can thiệp để thay đổi dự tính của Giuse. Để nhấn mạnh đến khía cạnh “tôn giáo”, thần linh”, của quyết định mới mà Giuse có, Matthêu để cho mạc khải” của mình chảy theo “thể loại văn chương” thoáng thấy của việc “loan báo theo ngôn ngữ quen thuộc Kinh Thánh, Chúa dựng ở đây sự can thiệp của “Thiên Thần của Chúa”, và của “giấc chiêm bao” loan tin.

Thường đó là vấn đề về các giấc chiêm bao trong Kinh Thánh và đặc biệt trong cuộc đời của Giuse (Mt 1,20; 2,13.22).

Giuse, một anh thợ tầm thường, ở đây được gọi lên một cách trang trọng là “con nhà Đavít”. Chính là với danh nghĩa “dòng dõi của hoàng gia” Do Thái, mà Thiên Chúa yêu cầu ông thay đổi ý định và nhận Maria làm vợ mình. Ông đã quyết định’ “bỏ” nàng’ và như thế khước từ làm cha đứa bé mà Maria mang thai… Tình hình cũng đúng như đại tổ phụ trong đức tin, Abraham tin điều đó, khi ông chấp nhận hy sinh con trai Ixaác của mình, thì ông xem con trai mình như một “của lễ của Thiên Chúa” (St 22). Với Giuse, người vừa khước từ một đứa con trai, cũng thế. “Thiên Thần của Thiên Chúa đòi ông đón nhận đứa con trai theo cách khác: Người phải nhận đứa con như một “của lễ”, trong đức tin. Đứa con mà ông đã khước từ theo xác thịt, thì ông lại nhận đứa con đó như “con của lời hứa” (Gl 4,2-28).

Chắc chắn người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên con trẻ.

Câu văn bằng tiếng Hy Lạp được xây dựng trên sự đối lập mà chúng ta đã nhấn mạnh; bộ phận đầu tiên của câu nói bắt đầu bằng “gar”, có nghĩa là “quả thế, chắc chắn”. Bộ phận thứ hai của câu nói bắt đầu “dé”, có nghĩa là “nhưng, tuy nhiên”.

Vì thế thiên thần không báo cho Giuse biết việc thụ thai đứa con còn trinh nguyên, mà ông đã biết. Nhưng thiên thần yêu cầu ông, mặc dù ông đã biết, là thay đổi quyết định của ông. Không những Giuse không biết mình đi như ông tính làm, nhưng trái lại, Thiên Chúa cần ông. Thiên Chúa giao cho Giuse hai vai trò: 1. nhận lấy Maria về nhà mình; 2. đặt tên cho con trẻ. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, theo thói quen sêmít, điều ấy có nghĩa rõ ràng là “nhận lấy quyền làm cha pháp lý” cho đứa con. Người ta hiểu tại sao Giuse đã được chào kính với danh hiệu: Con Đavít. Chính do dòng họ Giuse mà Đức Giêsu lại trở nên con của Đavít, để hoàn thành tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa” (Mt 1,1 – 9,27 – 12,28: 20,23 – 21,9).

Đối với ai hiểu văn bản này một cách sâu xa, như đa chép, Giuse không hề thuộc về thứ nhân vật xanh xao và thụ động mà người ta dã làm biến dạng một cách sai lầm Đó là một “người công chính” thực sự. Một người can đảm thực sự đã thay đổi quyết định mà mmh đã có với tất cả lòng thành. Một người tin tưởng vào người đã đòi mình một “lòng tin”, vào nhịp độ của biến cố khủng khiếp sắp xảy ra. Và ta hãy thêm, “một người chồng” hoàn toàn hiệp thông với lòng tin của người vợ mình. Ngày nay, tâm lý học hiện đại nhấn mạnh đến khái niệm “đôi lứa”, “đồng trách nhiệm”. Bất chấp tất cả những cái bề ngoài hờ hợ mà người ta có thể dừng lại, than ôi. Maria và Giuse sống, một cách vượt hẳn thường lệ, một cuộc sống đôi lứa kết hợp một cách phi thường: họ “đối thoại” ở mức độ sâu xa nhất, bằng cách mỗi người đi tìm ý của Thiên Chúa, và bằng cách chấp nhận cùng một thái độ; phải vượt qua những cái nhìn nhân loại đơn giản, để có thể tin tưởng vào một tương lai mà Thiên Chúa mở ra trước mắt họ. Và còn điều này, bất chấp “cơn khủng hoảng”, một lúc nào đó một chuyện không thể tiên liệu được đã tạo ra giữa họ. Như vậy trong cuộc sống chúng ta, có thể xảy ra một tình huống bắt buộc,bất ngờ, mà khi đó dường như Thiên Chúa đến phá vỡ những dự tính của chúng ta, tức là, trong thực tế, kêu gọi ta tiếp nhận ý chí mới của Thiên Chúa. Nhưng đó là trong đêm tối đức tin; như trong một giấc chiêm bao ban đêm.

Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Nây đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Hai từ này là cả một nền thần học: Thiên Chúa cứu độ Thiên Chúa ở cùng chúng ta… Giuse, lúc này, chỉ muốn có tên thứ nhất, “Giêsu-Thiên-Chúa-cứu-độ”. Và chính Đức Giêsu Phục sinh sẽ đảm nhận tên thứ hai hàm nghĩa Sê-mít ở cuối sách Tin Mừng: “Còn tôi, tôi ở với các ông mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Con trẻ mà tôi sắp mừng lễ ngày Giáng sinh, con trẻ ấy có đúng là Giêsu kia không? Tôi có đón nhận người như Đấng giải thoát tôi khỏi tội lỗi của tôi không? Tôi có đón nhận dấu chỉ nhiệm tích của người không?

Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dậy và đón vợ về nhà, ông không ăn ở với bà cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.

Cuối cùng bây giờ, chúng ta tìm thấy lại cái dự tính đôi lứa muốn hình thành lúc đầu câu truyện (“Maria thuận cưới Giuse”); dự tính này, trong khoảnh khắc bị tan vỡ do tình huống đã gây ra khủng hoảng, và bây giờ thành hình (nhưng khác hẳn với dự kiến (“không có quan hệ vợ chồng”), ông ấy chẳng hề biết bà ấy”). Bản văn có một sự sáng tỏ làm lóa mắt, giống như tất cả những gì thuộc về thần linh: Giuse. nhờ quyết định của Thiên Chúa được đồng thuận tự do trong đức tin, đón nhận một chức năng làm cha đích thực mà không có quan hệ xác thịt. Tôi tưởng tượng thấy điều đó, sung sướng, hồ hởi. Tất cả chuyện đó là huyền nhiệm, như Thiên Chúa là huyền nhiệm, cũng như “Phục sinh”, như “Thánh Thể” đều là huyền nhiệm.

 

  1. Chú giải của Fiches Dominicales

BÁO TIN CHO GIUSE

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

  1. Một gia phả kỳ dị:

Chúa nhật thứ IV này, bài đọc năm A tích trong đoạn mở đầu Phúc âm thánh Matthêu (1,1-4,16). Claude Tassin giải thích: Một đoạn mở đầu như một cái sàng, cho phép đi từ Cựu ước đến Tân ước. Bởi vì, đối với Matthêu, Đức Giêsu không đến cắt đứt những quỹ đạo lịch sử Kinh Thánh thời trước, nhưng nối kết chúng lại trong một chiều hướng bất ngờ (“L’evangile de Matthieu”, Centurion, 1991, trang 19). Đó rõ ràng là điều nỗi bật của đoạn văn dùng cho ngày 24 tháng 12 này.

Khác với thánh Luca đã gom lại các mẩu chuyện về thời ấu của Đức Giêsu, nhưng tập trung vào Đức Maria, thánh sử Matthêu đưa Giuse ra trước; như thế, ngài cống hiến cho các độc giả của ngài một con đường đi đến mầu nhiệm Đức Giêsu. Gia phả của ông: “Đây là gốc gác Đức Giêsu Kitô…” (1, 1-17) trước hết muốn tỏ cho biết Đức Giêsu Kitô là Ai: “Đức Kitô, con vua David, con của Abraham”. Tuy nhiên, việc giới thiệu ấy bất ngờ chuyển hướng; một khâu cuối cùng bị trục trặc, sự liên tục của các thế hệ bị đứt đoạn, bởi vì, ông nói rõ ràng là, Giuse không phải là cha ruột của Đức Giêsu: “Giacob sinh Giuse, chồng của Maria, từ nơi bà Đức Giêsu sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (câu 16). Mặc dầu vậy, Matthêu sẽ chỉ cho biết, làm thế nào Đức Giêsu là con của David được các tiên tri báo trước, và làm thế nào, Giuse, không hề cắt đứt sự liên tục, lại là người nối kết lại. Ông nhấn mạnh ở câu 18: “Đây là gốc tích (nguồn gốc) của Đức Giêsu.

“Maria, mẹ của Đức Giêsu, đã đính hôn với Giuse…”. Vào thời đó, đôi vợ chồng đính hôn khi còn là thanh niên, sau một thời gian mới đi đến hôn nhân và vợ về nhà chồng. Chính trong khoảng thời gian này, “trước khi hai ông bà về chung sống với nhau Maria có thai do tác động của Chúa Thánh Thần”, Matthêu thêm vào ngay lập tức nhìn nhận đây là sự khởi đầu thánh thiêng, thay thế một hành động tạo dựng, cho tiến trình sinh vật học.

“Giuse, người công chính…”. Chúng ta đừng tìm cách đi vào tâm lý của Giuse, đang phải đương đầu với một hoàn cảnh tế nhị. Tuyệt nhiên, bản văn không nói với chúng ta điều gì cả. Chúng ta chỉ có thể đọc được ở đây quan điểm của thánh sử. C.Tassin chú giải: “đối với ông Giuse là người công chính, bởi vì ngài đã từ chối đảm nhận tư cách làm cha không phải là của ngài, và bởi vì ngài đã vâng lời Thiên Chúa mà chịu nhận vai trò làm cha này” (O.C. trang 26).

“Thiên thần Chúa hiện ra với ông trong giấc mơ…”. Rõ ràng là chúng ta đang gặp thể loại văn chương chuyên loan báo việc hạ sinh trong Kinh Thánh mà Matthêu đi theo sơ đồ truyền thống: 1- một hoàn cảnh bế tắc. 2- Thiên thần hiện ra và uỷ thác sứ mạng. 3- Việc thực hiện sứ mạng này. Giữa hoàn cảnh bế tắc, Giuse được uỷ nhiệm một sứ mạng: với tư cách là “Con vua David”, ngài được giao phó sứ mạng “đặt tên cho con trẻ”, dành riêng cho ngài. Mà, theo H.Vulliez giải thích: “Theo luật Do Thái lúc bấy giờ, đứa bé hiện hữu hợp pháp bằng tên mà người ta gọi nó, và nó thuộc dòng dõi người cha, dù đó là người cha. (sinh vật học) ruột thịt hay không” (“Dieu si proche”, Desclée de Brouwer, trang 16). Như vậy, tư cách con vua Daviđ thực sự của hài nhi và sự thực hiện trọn vẹn các lời tiên tri cứu thế tuỳ thuộc ở sự vâng lời của Giuse. Chẳng những ngài không phải mờ nhạt đi, mà Thiên Chúa muốn cần đến ngài để thực hiện ý định cứu độ của Thiên Chúa.

“Khi thức dậy, Giuse đã thực hiện điều Thiên Chúa truyền…” Với sự mau mắn của người công chính, hoàn toàn sẵn sàng trước sự mới lạ của Thiên Chúa, Giuse đón nhận về nhà mình mầu nhiệm của Giao ước mới: ông rước vợ về nhà mình, như thế, cho phép các lời tiên tri được thực hiện trọn vẹn: Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (xem Is. 7). Nhờ Giuse, Đấng Cứu Thế, thụ thai trong lòng Đức Maria, bởi Thánh Thần của sự sáng tạo mới, được đưa nhập vào dòng dõi David. Với đoạn các Nhà Đạo kế tiếp Ngài sẽ tỏ mình ra cho Israel và dân ngoại.

  1. Một tên gọi khai mào và kết thúc Phúc Âm:

Thế nhưng, hơn cả vai trò của Giuse trong ý định cứu độ chính sứ mạng của Đức Giêsu mới làm cho Matthêu quan tâm. Một sứ mạng mà hai tên gọi loan báo được trao phó cho Ngài: Tên mà Giuse được uỷ thác trao phó cho Ngài: “Giêsu”, và có nghĩa là: “Thiên Chúa cứu chuộc”, bởi vì, chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi. – Tên gọi mà sau này sẽ dùng để chỉ định Ngài, khi mà, trong ánh sáng phục sinh, các môn đệ sẽ hiểu là đã thực hiện lời sấm của Isaia: Người ta gọi tên Ngài là Emmanuel, nghĩa là: “Thiên Chúa ờ cùng chúng tôi”. Thực ra, vào cuối Phúc âm, khi gặp nhau tại điểm hẹn, đấng Phục Sinh sẽ sai họ ra di với sứ mạng không biên giới, Ngài tuyên bố với họ: Và Ta, Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế, thì họ sẽ hiểu rõ tầm mức quan trọng cuối cùng của lời tiên tri về Emmanuel, “lời loan báo cho Giuse đã vẽ lên quĩ đạo sứ mạng của Đức Kitô” (C.Tassin, O.C. trang 28).

BÀI ĐỌC THÊM

  1. “Nguồn gốc khác”

“Đây là gốc tích của Đức Giêsu…”. Sau quyển sách gốc tích của Đức Giêsu Kitô, thì đây là một nguồn gốc khác được trình bày cho chúng ta. Đức Giêsu, bám rễ sâu vào một lịch sử, trong một dân tộc, cũng là Đấng đến từ nơi khác. Giacob sinh Giuse, chồng của Maria, từ nơi bà, Đức Giêsu sinh ra… Giuse đã đưa đứa trẻ sắp sinh nhập vào trong dòng dõi tổ tiên mình một cách hợp pháp; nhưng hài nhi này lại đến từ một Đấng khác: đứa con bà sinh ra là bởi Chúa Thánh Thần. Giuse, người công chính, sẽ đặt tên cho hài nhi: bà sẽ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu. Tên gọi có ý nghĩa, cho biết hài nhi không phải là hậu duệ như những người khác, đóng kín trong những giới hạn của khả năng loài người: Bởi chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi. Ai có thể giải thoát khỏi tội lỗi, nếu không phải là Thiên Chúa? Lời tiên tri nhận lấy đầy đủ tất cả ý nghĩa: người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi. Đức Giêsu ghi tên vào một gia phả, nhưng Ngài làm nổ tung gia phả đó. Chính Thiên Chúa bước vào trong thế giới loài người chúng ta. Tuy nhiên, vai trò của Giuse không phải là tầm thường. Khoa tâm lý hiện đại đã tỏ cho chúng ta biết tầm quan trọng của hình ảnh người cha đối với việc tạo thành nhân cách của hài nhi. Chính nhờ gần gũi với Giuse mà Đức Giêsu sẽ học biết người cha là gì. Chính nơi ông, mà Ngài sẽ nhìn thấy phản ánh nhân loại tình phụ tử của Thiên Chúa. Biết nói với chúng ta rõ ràng về Cha của Ngài, phải chăng khi đã nhìn thấy Giuse mà Ngài đã có kinh nghiệm về sự âu yếm của cha: “Ai trong các anh, nếu đứa con xin bánh mà lại cho một hòn đá ư? Hay, nếu nó xin một con cá, mà lại cho nó một con rắn (7,9- 10). Ngài đã học biết rằng, các người cha dưới đất biết cho con cái mình những sự tốt lành. Ngài đã học biết điều đó nơi thánh Giuse. chúng ta đừng quên rằng, những đoạn văn đến “sau”; sau một sự khám phá lâu dài về con người Gìêsu, con của bác thợ mộc, sau những lời nói và những dấu chỉ đã làm nảy sinh đức tin trong tâm hồn các môn đệ, sau những hồ nghi và sau cùng, sau một sự chắc chắn về sự phục sinh: phải nhìn nhân rằng, Đức Giêsu đã là một Đấng khác, để chúng ta có thể hiểu rằng ngài đã từ nơi khác mà đến: Trong lịch sử nhân loại, nguồn gốc thần thiêng của Đức Giêsu là một sự kiện không ai để ý đến, không ngừng được tranh cãi và chối bỏ: Đó không phải là con bác thợ mộc sao? Nhờ Thánh Thần Thiên Chúa dẫn nhập cái mới vào trong thế giới chúng ta. Ngài đã trở thành Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi. Cả nguyên việc đón nhận cái mới là chính Đức Giêsu, cái mới mà Ngài đem đến cho cuộc đời chúng ta, có thể dẫn ta đến chấp nhận điều bất ngờ trong việc Ngài sinh ra. Chính kết quả của việc khám phá này mà Matthêu muốn gởi gấm cho chúng ta. Chúng ta không thể chấp nhận nguồn gốc của Đức Giêsu bởi tác động của Chúa Thánh Thần mà không nhìn nhận là Ngài đến từ Thiên Chúa. Chính khi đã nhìn biết Ngài, chính khi đã hiểu rằng, Ngài là Đấng khác, thì chúng ta mới có thể đón nhận mầu nhiệm giáng sinh của Ngài”.

  1. Tính cách làm cha của Giuse đối với Đức Giêsu chắc chắn quan trọng hơn như người ta vẫn thường nghĩ”.

“Tính cách làm cha của Giuse đón với Đức Giêsu quan trọng hơn ta vẫn thường nghĩ. Để gọi tên Đấng mà tất cả mọi người xưng là Thiên Chúa, để chỉ định sự hiện diện rất gần gũi mà từ đó Ngài lãnh nhận tất cả mọi sự, hữu thể mà Ngài luôn luôn ý thức chỉ là một với Ngài, Đức Giêsu tự động dùng lại danh xưng mà ngài âu yếm gọi Giuse; ‘Cha, Ba, Bố’. Và khi phải giải thích sự thật gây kinh ngạc này với Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa mà Ngài đòi tiếp tục công trình sáng tạo, Đức Giêsu lại dùng những từ ngữ đơn giản nhất khi còn tập tành ở Nagiarét, trong xưởng của bác thợ mộc Giuse: “Cho đến bấy giờ vẫn làm việc, và Ta cũng vậy, Ta cũng làm việc. Điều mà Cha làm, thì Con cũng làm giống như vậy. Chính Cha yêu mến Con, và Cha cho Con tất cả những gì Ngài làm” (Jn 5,17-20). Chính nơi những từ ngữ thường ngày, những từ ngữ mà Ngài dùng để diễn tả cuộc đời Ngài, những mối liên hệ của Ngài, những tình cảm của Ngài, mà Đức Giêsu muốn nói đối với Ngài, Thiên Chúa là ai. Làm sao không tình thấy trong tình cảm của cha mẹ Ngài những từ ngữ đúng đắn nhất để nói cho chúng ta biết mối liên hệ tuyệt đối duy nhất vốn vẫn hiện diện trong con tim Ngài: “Cha và Ta, Chúng Ta là một” (Jn 10,30).

 

  1. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

THIÊN SỨ BÁO TIN CHO GIUSE

CÂU HỎI GỢI Ý

  1. Ai là nhân vật chính của trình thuật: Chúa Giêsu? Đức Maria? Thánh Giuse? Ai là chủ từ các câu xét về văn phạm? Tại sao nơi câu 18, tác giả lại dùng kiểu nói thụ động (“bà đã chịu thai”)?
  2. Bí ẩn của trình thuật: thánh Giuse tỏ ra công chính ở chỗ nào? phải chăng là công chính theo luật? Như vậy thì tại sao ngài hành động cách bí mật? Phải chăng là lòng từ tâm? Vậy thì tại sao ngài định ly dị Đức Maria nếu nghĩ rằng bà vô tội? Muốn trả lời, phải giải quyết bí ẩn khác sau đây: thánh Giuse cho rằng Maria có tội hay vô tội? hay ngài tôn kính bà như hòm bia Thiên Chúa? Có nền tảng văn chương nào cho những lập trường ấy không? hay chỉ có những khó khăn không vượt qua được?
  3. Việc hiện ra cho Giuse được tường thuật với thể văn của các cuộc truyền tin, loại biến cố trong đó luôn có vấn đề một dấu chỉ được mặc khải và một sứ mệnh được trao phó: so sánh với St 16,11; 17, 19; Tl 13, 3- 5; Is 7, 14; Lc 1, 26- 28. Trong trình thuật Mt, ta có gặp lại những yếu tố của lược đồ chung ấy không?
  4. Trong các lần hiện ra của thiên sứ sau đó, Giuse có còn được gọi là “con Đavít” nữa không? Nơi Mt 1,1 phải chăng Chúa Giêsu đã không được gọi là Con Đavít? Đối chiếu hai trường hợp.
  5. So sánh câu trích dẫn Is 7,14 trong Mt và trong nguyên bản: đâu là chi giết thay đổi chính? Chi tiết này có ám chỉ điều gì về ý nghĩa của trình thuật không?
  6. Phải chăng không có đồng nhất cơ cấu giữa sứ điệp (cc.20- 21), câu trích dẫn sấm ngôn (c. 23) và trình thuật (c.25)? Hãy nhấn mạnh đến những hạn từ được lấy lại trong mỗi phần cửa ba phần câu chuyện.
  7. So sánh viễn tượng của Mt và của Lc trong các trình thuật thời thơ ấu. Lc muốn dạy về việc thụ thai đồng trinh và cho thấy Thiên Chúa làm được mọi sự. Mt có mục đích khác không? (x. 1, 1- 17).
  8. Hãy thử tái lập lại cách dịch cc.20- 21: chữ “vì” mở đầu câu nói đến việc thụ thai đồng trinh có ý nghĩa gì?
  9. Nên gán cho đoạn văn tiêu đề nào: “Việc thụ thai Chúa Giêsu cách đồng trinh” hay “Giuse đứng trước mầu nhiệm”? Có thể tìm được một tiêu đề hay hơn không? Hãy tra cứu các ấn bản sách Tin Mừng.
  10. Có thể so sánh Giuse với Gioan tiền hô theo nghĩa nào? Đâu là vai trò của Giuse trong nhiệm cục cứu rỗi?

*******

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

Qua tiêu đề bản văn (c.18a), Mt muốn ngỏ lời với các tín hữu để xác định hoặc sửa sai quan niệm của họ về việc Chúa Giêsu Kitô sinh ra. Mt không đưa ra một chỉ dẫn nào về Maria và Giuse; ông nói đến các ngài như những người mà độc giả đều biết rõ. Chủ ý của ông chẳng phải là trưng tài liệu song là dạy giáo lý.

Câu 18b gợi ý (song không minh nhiên quả quyết) rằng Giuse đã biết việc thụ thai con trẻ là do Chúa Thánh Thần.

Động từ sunelthein, theo tự nghĩa là “đến với, phối hợp với một người nào đó”, có thể chỉ việc giao hợp hoặc việc sống chung. Văn mạch gần phù hợp với nghĩa đầu hơn. Cô thiếu nữ Do thái, được đính hôn vào khoảng tuổi 12, thoát khỏi quyền giám hộ của người cha để ở dưới quyền giám hộ của người chồng vào lúc 13-14 tuổi (việc chuyển tiếp này, khai mạc việc sống chung, làm nên lễ hôn phối).

“Do tự Thánh Thần”: giới từ “ek” ở đây nói đến một nguyên nhân lịch sử: do một hành động độc nhất của Thánh Thần. Lc 1,35 thì loan báo một hoạt động tích cực hơn: Thánh Thần “sẽ đến trên” Đức Maria. Từ ngữ của Mt, vì chỉ ghi nhận sự kiện, nên có vẻ dè dặt hơn. Vả lại, Mt mỗi lần nói đến Thánh Thần, là để công bố hoạt động cao siêu của Thiên Chúa, nhưng không giải nghĩa hoặc phân tích gì thêm (3,11; 4,1; 10,20; 12,18; 12,28.31).

“Giuse, chồng bà, vì là người công chính và không muốn tố giác bà”: sự công chính của Giuse hệ tại chỗ nào? Giai thoại ta đang nghiên cứu đã làm các nhà chú giải bối rối không ít. Phần lớn cho rằng sự công chính đó chính là việc mặc khải cho Giuse biết Maria đã thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần, hầu chấm dứt mối băn khoăn nghi ngờ nơi ngài. Nhưng lập trường này đẩy ta vào những vấn đề tâm lý giả tạo và khó giải quyết, những vấn đề hoàn toàn xa lạ với tinh thần của tác giả và độc giả Tin Mừng. Đúng hơn là hình như Giuse băn khoăn không phải về tiết hạnh của bạn mình, song là về mối liên hệ giữa ngài và đứa trẻ, về nhiệm vụ ngài phải gánh vác đối với đứa bé đó. Giuse không công chính theo nghĩa là ngài vâng lời Lề luật vì chả có luật nào buộc phải ly dị vị hôn thê mới bị coi như là ngoại tình cả (Đnl 22,13-21.23-27 chỉ liên hệ tới hôn nhân hoàn hợp, như Đnl 24,1 làm chứng). Đàng khác, nếu âm thầm ly dị Maria, thì Giuse lại càng bất tuân Lề luật, vì chứng thư ly dị chỉ có giá trị pháp lý khi mang tính cách chính thức công khai (Đệ nhị luật có nói đến việc ly dị tổ chức ở cửa thành). (Vẫn biết pháp chế của các tiến sĩ luật có cho phép tổ chức việc ly dị riêng tư trước hai nhân chứng – x.Mishnah, Sotah 1, 5- song hình như pháp chế ấy nằm sau thời Chúa Giêsu; hơn nữa, kiểu ly dị như vậy không thể là điều Giuse nghĩ tới, vì bản văn Mt rõ ràng nói đến một việc ly dị “âm thầm, bí mật” – từ ngừ hy lạp lathra, theo Zorelle, Bauer…, chỉ có ý nghĩa ấy – với lại ly dị mà có hai nhân chứng thì sức mấy giữ được bí mật lâu trong một ngôi làng nhỏ như Nadarét…). Sau cùng, mọi lối giải thích sự công chính của Giuse như là “công chính chiếu luật” sẽ đẩy ta vào chỗ tiến thoái lưỡng nan. Thật vậy nếu theo con mắt của Giuse, Maria phạm tội ngoại tình, thì ta hiểu ngay là ngài đã nghĩ tới chuyện ly dị, song ta không thấy tại sao ngài lại nghĩ đến việc ly dị âm thầm, vì bấy giờ việc ly dị sẽ chẳng có hiệu lực pháp lý và lại không thể giữ bí mật được lâu. Đàng khác, nếu Giuse coi Maria vô tội, thì ta không thấy tại sao ngài lại nghĩ đến chuyện ly dị bà, vì pháp luật đâu cho phép và vì, xét như là hôn phu, người có bổn phận bảo vệ vị hôn thê vô tội chống lại mọi nghi ngờ vô bằng cứ của kẻ khác. Thành ra không thể cắt nghĩa sự công chính của Giuse như là “công chính theo luật” được.

Vấn đề ở đây là sự công chính tôn giáo, sự công chính đòi hỏi Giuse tôn trọng công trình Thiên Chúa nơi Maria và cấm ông không được đoạt lấy công lao của một hành động thần linh: Giuse nghĩ rằng mình không được quyền đem về nhà một kẻ mà Giavê đã dành riêng cho Ngài. Trước mầu nhiệm ấy, Giuse muốn rút lui, và vì tế nhị đối với Thiên Chúa. Ngài cẩn thận không muốn “tiết lộ” mầu nhiệm thần linh nơi Maria (tiếng deigmatisai, theo Origène và Eusèbe, không bao hàm ý nghĩa xấu tố giác? bêu nhục) như tiếng paradeigmatisai; Jouon cũng dịch là tiết lộ, bày tỏ “). Ngài phản ứng như hết thảy mọi kẻ công chính trong Thánh Kinh trước việc Thiên Chúa can thiệp vào đời họ: như Môisen cởi giày trước bụi gai rực cháy, như Isaia khiếp đảm truởc sự xuất hiện của vị Thiên Chúa ba lần thánh, như Elidabét tự hỏi tại sao mình được mẹ Chúa viếng thăm, như viên bách quản trong Tin Mừng, như Phêrô cúi mình tâu: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi “… Như “Abel người công chính”, Giuse đã tỏ mình ra là kẻ hết dạ tôn thờ Thiên Chúa tabel là người “công chính” duy nhất được Mt gọi tên trong Tin Mừng của ông, 23, 36, công chính không phải vì tuân hành Lề luật, vì Lề luật chỉ được công bố với Môisen!).

Lối giải thích này được văn mạch chung của chương 1 Mt xác nhận. Thật vậy, trong đoạn văn đầu tiên, Mt kể lại gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu từ Abraham và Đavít, đi ngang qua Giuse. Nhưng chính gia phả ấy lại gặp một vấn đề hóc búa nơi Giuse. Hóc búa là vì Chúa Giêsu chẳng phải là con Giuse theo xác thịt. Thành ra bản văn chúng ta đây có mục đích giải thích làm sao Chúa Giêsu thuộc về dòng dõi Đavít, mặc dù Người chẳng phải là con Giuse. Và lời giải thích nằm ngay trong việc Giuse thừa nhận Chúa Giêsu trước mặt pháp lý. Do đó ta thấy rõ trình thuật không có mục đích bênh vực việc thụ thai đồng trinh cho bằng là chứng minh làm sao Chúa Giêsu đã trở nên con cháu Đavít và là Đấng Thiên sai dòng dõi Đavít, mặc dầu Người được mang thai đồng trinh, một yếu tố đã gây nên vấn nạn lớn lao. Hai phần của chương đầu Mt như thế làm nên hai vế của cùng một chứng minh vậy.

Một luận cứ xác nhận khác là chính lời của thiên sứ (cc 20-21), nếu được hiểu đúng. Cách dịch hay nhất có lẽ như thế này: “Hỡi Giuse, con Đavít, chớ sợ đem Maria về nhà làm vợ vì quả thật (Hy ngữ: gar; pháp ngữ: can certes) thai sinh nơi bà là công thành của Thánh Thần, nhưng (Hy ngữ: dé) bà sẽ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu; vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi “. Đúng vậy, lối dịch chữ gar ra vì quả thật thường được thấy trong Tân ước (1 Cr 9, 19; 2 Tx 2, 20; Mt 18, 7; 22,14; 24,6…). Thành ra qua lời mình, thiên sứ giả thiết là Giuse đã biết Maria mang thai đồng trinh rồi và chính việc thụ thai này đã thúc đẩy ngài rút lui trước sự can thiệp của Thiên Chúa; tuy nhiên thiên sứ ra lệnh cho ông dù sao (“nhưng”) cũng phải chấp nhận đặt tên cho đứa trẻ và đưa nó vào dòng dõi Đavít.

“Giêsu”: tên chỉ định con người và, đặc biệt trong Kinh Thánh, chỉ định chức vụ mà Thiên Chúa đặt định cho trong lịch sử cứu rỗi. Iêsous là phiên âm hy lạp của tiếng hy bá Yehôshua (Xh 24, 1 3) hoặc Yéthua (Nhm 7, 7), “Giavê là sự cứu độ”, một tên riêng khá phổ thông trong Cựu ước và Tân ước.

“Vì (từ ngữ mở đầu câu nói về ơn gọi, cái ơn gọi được diễn tả qua danh tánh mà Thiên Chúa truyền phải đặt cho đứa trẻ) chính Người sẽ cứu” (động từ “cứu” cũng tái xuất hiện trong ba Tin Mừng Nhất Lãm: 15- 15- 17 là n trong Mt-Mc-Lc, trong khi chỉ mình Lc gán cho Chúa Giêsu tước hiệu “Đấng Cứu Thế” nơi chương 2, 11 và dùng chữ “ơn cứu độ “) dân mình tức Giáo Hội, Israel đích thực; lao, “dân”, là một từ ngữ riêng của Mt (14 lần, trong lúc Mc chỉ dùng hai lần) dùng để chỉ dân Thiên Chúa) khỏi tội lỗi (x.Tv 130, 8; ta không được bảo toàn thể Do thái giáo đương thời Tân ước đều mong chờ một Đấng Thiên sai thuần túy có tính cách quốc gia và chính trị; Thánh vịnh Salomon 17 vẫn hy vọng rằng Con Đavít sẽ quy tụ dân Người, thanh tẩy và thánh hóa họ).

“Mọi sự này xảy ra…” (cc.22-23). Công thức quen thuộc này của Mt không muốn quả quyết rằng giữa các bản văn Cựu ước và thực tai của Tân ước có một cái gì bình đẳng. Mt cho rằng bao giờ cũng vẫn là chính Thiên Chúa điều khiển lịch sử thánh, nhưng các thực tại Tân ước mới là đích điểm và là sự viên mãn của Cựu ước.

“Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai”: Mt trích Is 7,14 (x.2V 16, 5- 9) theo bản 70 với chữ parthenos, “tính nữ”, trong lúc nguyên bản dùng chữ almâ, là tiếng vừa chỉ một thiếu nữ, vừa chỉ một người vợ trẻ. Vì thế, dựa vào Is 7,14, Do thái giáo miền Palestine không mong chờ một Đấng Thiên sai sinh hạ đồng trinh, nhưng dù vậy Đấng Thiên sai cũng sẽ là một người con đầu lòng (Lc 2,7). Trong hoàn cảnh lịch sử của Is 7,14, vị ngôn sứ chỉ loan báo một biến cố sắp gây chưng hửng cho vua Achaz cũng lòng tin.

“Emmanuel”: Mt chẳng cố ý nêu ra một tên mới của Đấng Thiên sai, song chỉ muốn nói lên ý nghĩa của con người và của công cuộc Người thực hiện. Chính Is 7,14, bản văn ông trích dẫn, và 8,8 cũng đã không nhấn mạnh đến sự hiện diện đơn thuần của Thiên Chúa, điều mà cả Kinh Thánh đều giả thiết, nhưng đến sự hiện diện tích cực, hằng cứu giúp của Ngài. Như vậy, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa dân Ngài để cứu vớt họ. Lời hứa long trọng của Chúa Kitô vinh hiển “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, 28,20) đánh dấu việc thể hiện hoàn toàn lời loan -báo trên. Như thế, Tin Mừng Mt mở đầu và kết thúc với ý tưởng này là: Thiên Chúa đã hiện diện tích cực với nhân loại trong con người Chúa Giêsu.

Nơi câu 24-25, Mt ghi nhận: sau khi được Thiên Chúa báo mộng, Giuse không còn thụ động nữa; ngài “tỉnh giấc” hay “chỗi dậy” tuân hành răm rắp lệnh truyền. Chi tiết các câu 24- 25 tương ứng sít sao với lời dạy của thiên sứ (cc.20-21) và với lời giải thích cùng trích dẫn sấm ngôn (cc.22-23). Như câu 23, câu 25 nhận xét rằng Maria còn đồng trinh lúc hài thi sinh ra; thành ra kiểu nói “ông đã không biết bà cho tới ngày bà sinh con” không phủ nhận cũng chẳng ám chỉ sự đồng trinh sau đó. Vả lại ta nên nhớ mẫu tính đồng trinh của Đức Maria không có ý nghĩa sinh vật học (mặc dầu sự kiện có thật) song là Kitô học, nghĩa là diễn tả đức tin của Giáo Hội vào thần tính và nhân tính của Chúa Giêsu.

KẾT LUẬN

Ở hai đầu của lịch sử Lời hứa, có hai ơn gọi làm âm vang cho nhau và bổ túc nhau: ơn gọi Abraham, cha của Lời hứa, và ơn gọi Giuse, kẻ mà lòng vâng phục mệnh lệnh thần linh đã giúp thực hiện lời Thiên Chúa hứa là cho Đấng Emmanuel tới. Và nhờ được Giuse đưa vào dòng dõi Đavít, kẻ thụ thác Lời hứa, Chúa Kitô từ nay liên hệ trực tiếp với mỗi người con cháu Abraham, đón con cháu đông như sao trên trời chẳng ai đếm nổi (St 15, 5).

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

  1. Sự công chính của thánh Giuse không nằm ở chỗ ngài muốn bí mật ly dị Đức Maria. Thật ra nó nằm ở chỗ thánh nhân từ chối coi mình là cha đứa trẻ mà ngài biết là Con Thiên Chúa. Ngài sợ mang tiếng chiếm đoạt vai trò mà Chúa không ủy thác. Sở dĩ ngài muốn ly dị Đức Maria đó là vì tế nhị, vì vâng theo thánh ý Chúa, Đấng không giao cho ngài sứ mạng gì đối với Đức Maria và Hài nhi cả. Đối với Giuse, Thiên Chúa có mặt trong công chuyện này. Thiên Chúa đã sử dụng vị hôn thê của ngài, và vì thế ngài muốn rút êm để khỏi làm cản trở việc thực hiện một chương trình ngài không hiểu thấu. Nói cho đúng, sự “công chính” của thánh Giuse chính là ý thức của ngài về Thiên Chúa, là sự tôn trọng của ngài đối với mầu nhiệm và thánh ý Thiên Chúa. Người Kitô hữu cũng phải có lòng kính trọng sâu xa như vậy đối với các dự tính của Thiên Chúa về mình, phải có ý thức về sự siêu việt của Thiên Chúa mỗi khi Ngài cho ta cảm nhận sự hiện diện của Ngài trong đời sống thường ngày: qua niềm vui, qua Thánh Thể, qua thử thách, qua lời kêu van giúp đỡ của tha nhân v.v…
  2. Thánh Giuse đã đón nhận Chúa Giêsu Kitô hằng sống. Chúng ta cũng phải đón nhận Người như thế, vì Chúa đang thực sự sống động trong Giáo Hội; nhờ Giáo Hội mà Người tự thông ban cho ta qua Thánh Kinh và Thánh Thể. Ngày nay, tin vào sự hiện diện sống động của Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Thể không khó hơn việc thánh Giuse tin rằng con trẻ mà vị hôn thê của ngày chờ đợi thật là Con Đấng Tối Cao..
  3. Thánh Giuse im lặng: Thánh Kinh không ghi lại một lời nào của ngài, một kẻ dù sao vẫn là con cháu Đavít và đã cho Chúa Giêsu được nên con Đavít.
  4. Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Giêsu: Thiên-Chúa-cứu. Sở dĩ Thiên Chúa ở với chúng ta, đó là để luôn luôn cứu chúng ta. Sự hiện diện của Người trong đời ta là nguồn bình an và hoan lạc lớn lao nhất. Ngày nay, Chúa Giêsu là Emmanuel đối với chúng ta hơn bao giờ hết, vì sau khi sống lại, người đã hứa ớ với chúng ta cho đến tận thế.

 

  1. Chú giải của William Barclay

CHÚA KITÔ BƯỚC VÀO THẾ GIAN (1,18-25)

Đối với cách suy nghĩ của người Tây phương, những mối liên hệ trong đoạn Kinh Thánh này thật rắc rối. Trước hết, Giuse được nói là hứa hôn với Maria, sau đó lại nói là Giuse định âm thầm ly dị nàng, và kế đó Maria lại được gọi là vợ Giuse. Những mối liên hệ này tiêu biểu cho thể thức hôn nhân thông thường của người Do Thái. Trong hôn nhân Do Thái có ba bước:

(i) Hứa hẹn. Khi đôi bạn còn nhỏ, chưa biết nhau, sự hứa hẹn thường do cha mẹ hoặc do người chuyên làm mai mối. Hôn nhân được xem là một bước vô cùng quan trọng nên không thể tuỳ thuộc đam mê và tình cảm con người được.

(ii) Đính hôn. Đính hôn tức là xác nhận sự hứa hẹn khi trước. Vào lúc này, sự hứa hẹn do cha mẹ đôi bên chủ xướng hoặc người mai mối thức hiện có thể bị xoá bỏ, nếu người nữ không bằng lòng. Nhưng một khi đã đính hôn thì đôi bên bị ràng buộc với nhau cách tuyệt đối. Thời gian đính hôn kéo dài chừng một năm. Trong năm đó, đôi bạn được kể là vợ chồng dù họ không có những quyền của chồng và vợ. Nếu muốn chấm dứt thì chỉ có cách duy nhất là ly dị. Trong luật Do Thái chúng ta thường thấy câu nói hơi lạ này: người con gái có vị hôn phu chết trong năm này thì được gọi là “trinh nữ goá”. Maria và Giuse đang ở giai đoạn này, họ đã đính hôn. Nếu Giuse muốn chấm dứt thì không thể làm gì khác hơn là ly dị và theo luật thì trong năm đó Maria được kể là vợ của Giuse.

(iii) Giai đoạn thứ ba là hôn nhân chính thức được cử hành vào cuối năm đính hôn. Nếu chúng ta nhớ những phong tục cưới gả thông thường của người Do Thái thì mối quan hệ trong đoạn sách này hoàn toàn là bình thường và rõ ràng.

Chính trong giai đoạn này, Giuse được báo tin là Maria đã mang thai và do bởi Thánh Thần, và ông phải đặt tên con trai đó là Giêsu. Tiếng Hy Lạp Giêsu tương đương với tên Do Thái là Joshua (Giôsuê). Giôsuê có nghĩa là “Đức Chúa là sự cứu rỗi”. Nhiều năm trước đó, tác giả Thánh Vịnh đã nghe Chúa phán “Chính Người sẽ cứu chuộc Israel khỏi các sự gian ác” (Tv 130,8) và Giuse được báo con trẻ sinh ra, lớn lên sẽ làm Chúa Cứu Thế, Đấng sẽ cứu dân Chúa khỏi tội. Chúa Giêsu được sinh ra để làm Đấng Cứu Thế hơn là để làm Vua, Ngài đã bước vào thế gian không vì Ngài nhưng vì loài người và để cứu chuộc chúng ta.

SINH BỞI THÁNH THẦN (1,18-25)

Đoạn sách này cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã sinh ra do tác động của Chúa Thánh Thần, và cho chúng ta biết về sự “sinh đồng trinh”. Đây là một điểm giáo lý. Điều chúng ta quan tâm ở đây là tìm hiểu “sinh đồng trinh” có nghĩa gì đối với chúng ta. Lần đầu tiên đọc đoạn sách này, chúng ta sẽ thấy thật ra nó không nhấn mạnh ở điểm Chúa Giêsu do một trinh nữ sinh ra cho bằng sự Giáng Sinh của Ngài là do công việc của Chúa Thánh Thần: “Maria, Mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse, song trước khi chung sống, thì nàng đã thụ thai bởi Thánh Thần”. Những câu này được gạch dưới và in bằng chữ lớn. Đó là điều Matthêu muốn nói với chúng ta. Vậy trong sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu, tác động đặc biệt của Thánh Thần có nghĩa gì? Chúng ta hãy gạt bỏ mọi hồ nghi, mọi biện luận mà chỉ tập trung vào chân lý lớn đó như Matthêu muốn. Theo quan niệm của người Do Thái, Thánh Thần có những chức năng nhất định. Chúng ta không thể đem vào đoạn sách này ý niệm đầy đủ của chúng ta về Thánh Thần, vì đó là những điều Giuse không hề biết. Chúng ta phải giải thích dưới ánh sáng của ý niệm Do Thái về Thánh Thần, vì đó là ý niệm mà Giuse buộc phải đem vào sứ điệp này và là tất cả điều ông biết.

  1. Theo ý niệm Do Thái, Thánh Thần là ngôi vị đem chân lý đến cho loài người: Chính Thánh Thần dạy các ngôn sứ điều phải nói, chính Thánh Thần của Thiên Chúa dạy cho con người điều phải làm, chính Thánh Thần trải qua các thời đại và và thế hệ đã đem chân lý của Thiên Chúa đến với loài người. Cũng vậy, Chúa Giêsu là Đấng đem chân lý của Thiên Chúa đến với loài người. Nói cách khác, Chúa Giêsu có thể cho ta biết Thiên Chúa như thế nào? Ngài muốn chúng ta ra sao? Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta thấy Thiên Chúa như thế nào. Trước khi Chúa Giêsu đến, người đời chỉ có ý niệm mơ hồ và thường sai lạc về Thiên Chúa, cùng lắm họ chỉ có thể đoán chừng và dò dẫm. Nhưng Chúa Giêsu đã phán: “Ai thấy Ta tức là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Trong Chúa Giêsu chúng ta thấy tình yêu, sự thương xót, tấm lòng tìm kiếm, sự thánh thiện của Thiên Chúa như chưa từng thấy ở nơi nào trong thế gian. Khi Chúa Giêsu đến thì giai đoạn đoán mò đã qua và giai đoạn biết chắc đã đến. Trước khi Chúa Giêsu đến, con người không biết sự thiện chân chính là gì, chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là con người chân chính, sự thiện chân chính và sự vâng phục chân chính ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đến để chúng ta biết sự thật về Thiên Chúa và về loài người.
  2. Người Do Thái tin rằng Thánh Thần không những đem chân lý của Thiên Chúa đến cho loài người mà cũng làm cho loài người có thể nhận ra chân lý đó.

Cũng vậy, Chúa Giêsu mở mắt cho con người thấy chân lý. Con người bị mù bởi chính sự ngu dốt của mình và họ bị thành kiến dẫn đi sai lạc. Tội lỗi và đam mê làm nhãn quan và tâm trí họ tăm tối. Chúa Giêsu có thể mở mắt cho chúng ta thấy được chân lý. Trong một tiểu thuyết của William J.Locke có kể một người đàn bà giàu có, suốt nửa đời nàng dành cho các chuyến du lịch thăm các thắng cảnh và các phòng triển lãm tranh ở khắp thế giới, nàng mệt mỏi, buồn chán, nhưng rồi nàng gặp một người Pháp tuy không giàu nhưng có một kiến thức uyên bác và lòng yêu cái đẹp tha thiết. Người ấy đến với nàng và tình bạn này đã làm mọi sự hoàn toàn đổi khác. Nàng nói với chàng “Tôi chưa bao giờ biết vạn vật như thế nào cho đến lúc anh dạy tôi cách nhìn chúng”. Đời sống cũng hoàn toàn khác hẳn khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cách nhìn đời. Khi Chúa Giêsu ngự vào lòng, mắt chúng ta sẽ thấy sự việc hoàn toàn đổi khác, vì Ngài mở mắt để chúng ta có thể thấy chúng cách xác thực.

SÁNG TẠO VÀ TÁI TẠO (1,18-25)

  1. Người Do Thái đặc biệt liên kết Thánh Thần của Thiên Chúa với công cuộc tạo dựng: Chính do Thánh Thần mà Thiên Chúa hoàn thành công cuộc sáng tạo. Ban đầu Thánh Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước và trên cảnh hỗn mang để tạo thành thế giới (St 1,2). Tác giả Thánh Vịnh nói “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Chúa, cả cơ bình Ngài bởi hơi thở của miệng Ngài mà có” (Tv 33,6). Cả tiếng Do Thái Ruah, lẫn tiếng Hy Lạp, pneuma đều dùng vừa chỉ “hơi thở” vừa chỉ “thần linh”. “Chúa sai thần Chúa ra, là chúng được dựng nên” (Tv 104,30), Gióp nói “Thần của Đức Chúa đã sáng tạo tôi. Hơi thở của Đấng Toàn Năng đã ban cho tôi sự sống” (G 33,4). Thánh Thần là Đấng tạo dựng thế gian và là Đấng ban sự sống.

Cũng vậy, trong Chúa Giêsu có quyền năng sáng tạo và quyền năng ban sự sống của Chúa cho thế gian. Trong Chúa Giêsu chính quyền năng đó đã khiến cảnh hỗn mang trong thuở ban sơ trở nên trật tự, và chính quyền năng đó đem lại trật tự cho cuộc sống rối loạn của chúng ta. Chính quyền năng đó hà sinh khí vào trong vật không có sự sống, cũng đến để hà sinh khí vào trong sự yếu đuối và hư hỏng của ta. Có thể nói rằng chúng ta không sống cho đến chừng nào Chúa Giêsu ngự vào đời sống ta.

  1. Người Do Thái đặc biệt liên kết Thánh Thần không những với công cuộc tạo thành nhưng còn với công việc tái tạo nữa. Êdêkien vẽ bức tranh ảm đạm của trũng hài cốt khô. Ông tiếp tục mô tả hài cốt khô đã sống lại như thế nào. Kế đó ông nghe Chúa dạy “Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống” (Ed 37,14). Các Rápbi Do Thái có một câu nói: “Chúa dạy cùng Israel: Trong thế gian này Thần Ta đã đặt sự khôn ngoan trong các ngươi, nhưng trong tương lai Thần Ta sẽ khiến các ngươi lại sống”. Khi con người chết trong tội lỗi, trong sự mê muội thì Thần Khí Chúa có thể khiến khiến họ lại sống. Cũng vậy, trong Chúa Giêsu có quyền năng thay đổi và tái tạo sự sống. Ngài có thể khiến linh hồn chết trong tội được sống lại. Ngài có thể phục hưng những lý tưởng đã chết, Ngài có thể khiến ý hướng thiện và đã hư mất được mạnh mẽ trở lại, Ngài có thể đổi mới và tái tạo cuộc sống khi nó đã mất tất cả ý nghĩa.

Ngoài sự kiện Chúa Giêsu Kitô do một trinh nữ sinh ra, trong đoạn này còn nhiều điều khác nữa. Trọng tâm của tường thuật Matthêu là sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động đặc biệt chưa từng có trong thế gian này. Thánh Thần đã đem chân lý Chúa đến cho nhân loại. Chính Thánh Thần đã giúp con người đón nhận chân lý khi được nghe và chính Thánh Thần là Đấng duy nhất có thể tái tạo linh hồn con người khi đã mất sự sống. Chúa Giêsu cho chúng ta biết Thiên Chúa như thế nào và con người sẽ ra sao. Chúa Giêsu mở mắt tâm linh làm cho chúng ta có thể thấy chân lý của Chúa. Chúa Giêsu là quyền năng sáng tạo đến giữa loài người, Chúa Giêsu là quyền năng tái tạo có thể giải phóng linh hồn khỏi sự chết là hậu quả của tội lỗi.

 

home Mục lục Lưu trữ