ĐỊNH LUẬT BẤT BIẾN
Lc 20, 27 - 38 Lã Mộng Thường Nhìn lại bản thân cũng như môi trường sống, thế giới sinh vật chung quanh, và vũ trụ vô hạn định, con người nhận thực được sự thể hiện hữu hữu hình cũng như vô hình đang biến chuyển không ngưng nghỉ. Nơi cơ thể mỗi người, thân xác đang phát triển hoặc thoái hoá từng giây từng phút. Mỗi nhịp tim đập chuyển đi một lượng máu mới. Mỗi hơi thở một lượng không khí không giống nhịp thở cũ. Từng tế bào biến dịch và nơi mỗi tế bào, từng âm điện tử, trung hòa tử xoay quanh dương điện tử với những vận tốc khác nhau chẳng khác gì hệ thống thái dương hệ. Tư tưởng, quan niệm, nhận định, ý thích, ước mơ nơi mỗi người cũng luôn luôn biến dịch tùy thời gian và không gian.
Nơi thế giới, vạn vật chung quanh, thời tiết luân chuyển thay đổi liên tục không ngưng nghỉ. Cây cối, sinh vật, đất đai cũng đang biến chuyển dẫu con người để ý nhận biết hay không. Lớp người này qua đi, thế hệ sau tiếp nối. Môi trường sống biến đổi, cuộc sống con người thay đổi, quan niệm đổi thay tạo nên nhận định thay đổi chẳng bao giờ ngừng. Tuy nhiên, bởi nhãn quan hạn hẹp đồng thời vô tình hoặc không để ý nhận định, đặt vấn đề, con người sống như bị phải sống, yêu thích sự sống, e sợ sự chết xác thân dẫu biết rằng không thể tránh thoát thực thể tự nhiên đã được sinh ra thì phải chết. Mỗi người ngay khi được sinh vào đời đều đã tự mang nơi mình bản án tử bất dịch.
Bình thường, cũng chỉ vì không để ý nhận định về thực thể của chính mình, con người đành chấp nhận tin theo những gì người khác nói để tạm được yên lòng sống cho qua kiếp người. Thí dụ, chấp nhận mình có linh hồn nhưng không dám tự đặt câu hỏi linh hồn mình là gì, mầu sắc xanh, đỏ, tím, hoặc vàng, không dám thử dù chỉ trong ý nghĩ kiếm tìm sao cho có thể nhận biết linh hồn mình ra sao, hình dạng thế nào. Thêm vào đó, bởi không để ý nhận định, con người dễ dàng chấp nhận những nhận định phiến diện thế tục như một chân lý bất di dịch. Chẳng hạn, chúng ta thường nói, tai nghe, mắt thấy. Thực tế minh chứng, đã biết bao người có mắt, tai tốt lành nhưng sau khi chết, sau khi linh hồn ra khỏi xác thì con mắt đâu thể nhìn được gì, cặp tai nào nghe được chi. Điều dễ dàng ai cũng có thể nhận định nếu để ý, con mắt, cặp tai và ngay cả ngũ quan, xác thân, bộ óc, chỉ là phương tiện cho một thực thể nơi mình được gọi là linh hồn hoạt động.
Hoạt động của thực thể này, của linh hồn của một người chính là ước muốn, ý định, suy tư, tham vọng. Như vậy, thân xác con người là phương tiện cho linh hồn người đó thực thi ước muốn, ý định, tham vọng của linh hồn. Có thể nói, cuộc đời một người là cơ hội hay phương tiện cho linh hồn hoạt động hoặc học những bài học cần phải học bởi “Ai nên khôn không khốn một lần.” Xét thế, vấn đề được đặt ra lại là tại sao mình được sinh vào đời và sau khi xác thân qua đi, linh hồn sẽ ra sao, đi về đâu.
Lời Chúa cho chúng ta biết qua bài Phúc Âm Luca, “Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng. Còn những ai đã được xét là đáng hường đời sau, cùng sự sống lại từ cõi chết thì sẽ không cưới vợ lấy chồng! Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại” (Lc. 20:34-36). Chúng ta thường nghĩ đến sự sống và sự chết xác thân nên đã lầm lẫn giữa sự hiệu hữu của xác thân và sự hiện hữu của linh hồn. Linh hồn không thể chết. Câu Phúc Âm, “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt. 16:19). Ai cầm buộc được mình điều gì nếu không phải là chính mình, chính niềm mơ, ước muốn, ý định, tham vọng của một người trói buộc họ. Ý định, ước muốn là hoạt động, sản phẩm của linh hồn. Nơi trần thế này, linh hồn một người tạo nên và theo đuổi ước muốn, ý định nào đó thì khi xác thân qua đi, linh hồn người đó vẫn theo đuổi ước muốn ý định đó. Linh hồn một người bị cầm buộc bởi ý định, ước muốn của chính mình.
Suy như vậy, linh hồn không thể chết. Sự sống của linh hồn chính là dứt khỏi những ước muốn, ý định lầm lạc thế tục để trở về nguyên bản của mình, thoát khỏi sự chết tâm linh. Linh hồn được phát xuất tự Thiên Chúa, cội nguồn quyền lực hiện hữu nên khi nhận biết được thực thể của mình sẽ được gọi là sống lại từ cõi chết tâm linh. Tất nhiên, linh hồn không có hình thể nên được nói, “Như thiên thần.”
Cuộc đời một người là phương tiện, nói cách khác, là cơ hội cho linh hồn nhận thức bản thể thực thể của mình, nhận thức thực thể Tin Mừng Nước Trời, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Mỗi người chính là hiện thể của Thiên Chúa đang hoạt động nơi giòng sống vĩnh cửu đang biến chuyển.
CÓ SỐNG LẠI KHÔNG ? HÃY TÌM HIỂU…
Lc 20, 27 - 38 Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Có sống lại không ? chết rồi con người sẽ đi đâu ? Đây là những vấn nạn cần phải suy nghĩ, tìm hiểu và giải quyết. Bởi vì, tự bản tính con người là loài hay chết : con người hợp thành bởi xác và hồn, có hợp thì có tan. Nhưng khi tạo dựng con người nguyên tuyền, Thiên Chúa ban cho con người đặc ân rất đặc biệt và cao quí: “ Con người không phải chết”, mà sau cuộc sống trần gian sẽ được Chúa đưa lên trời cả hồn lẫn xác để hưởng hạnh phúc đời đời cùng Chúa.
Tuy nhiên, con người đã phản nghịch lại Thiên Chúa, do đó, đặc ân không phải chết được Chúa cất đi. Vì tội, nên con người tất cả đều phải chết. Nên, hữu sinh tất hữu tử !
CUỘC SỐNG HÔM NAY SẼ QUYẾT ĐỊNH CHO CUỘC SỐNG MAI SAU: Đáng lẽ con người sẽ chẳng bao giờ phải chết, nếu ông bà tổ tiên không bất tuân lệnh truyền của Chúa. Và Chúa tuyên phạt Adong khi phạm tội:” Vì ngươi theo vợ mà ăn trái cây Ta đã truyền cho ngươi rằng ngươi không được ăn, thì đất đai hãy là đồ chúc dữ vì cớ ngươi, có đau lkhổ ngươi mới nhờ được nó mà có ăn mọi ngày đời của ngươi. Những gai cùng góc sẽ mọc lên cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ bả ngoài đồng nội. Ngươi phải đổ mồ hôi đẫm mặt mới có bánh mà ăn, cho đến lúc ngươi trở về bụi đất.Bởi ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về bụi đất “ (Stk 3, 17-19 ). Do tội nguyên tổ gây ra, nên trong con cái loài người không ai tránh khỏi cái chết. Người công giáo tin cái chết chỉ là ngưỡng cửa đưa vào chốn trường sinh. Con người mỗi người chỉ có một cuộc sống, cuộc sống đời này sẽ quyết định cho cuộc sống đời sau. Những công việc từ bi, bác ái, các việc thiện sẽ đảm bảo cho hạnh phúc ngày mai. Sống cái hiện tại với tất cả con người thật của mình. Sống tử tế, bác ái và làm việc phúc đức sẽ đảm bảo cho hạnh phúc mai sau. Chết là sự thực hiển nhiên vì có hợp phải có tan. Có sinh có chết. Đó là định luật tất yếu của con người. Còn đối với người Kitô hữu, vì có đức tin, nên tin rằng thân xác con người chắc chắn sẽ sống lại, nhưng sống lại để sống như thiên thần hay sống như loài quỷ dữ thì lại là một vấn đề. Chắc chắn thân xác con người sẽ sống lại, nhưng sống lại để được thưởng hay chịu phạt đời đời lại là một vấn đề khác con người cần phải quan tâm. Căn cứ vào đâu để Thiên Chúa thưởng phạt con người? Hôm nay, đời này quyết định số phận ngày sau. Do đó, con người phải biết dùng thời giờ, cơ hội, dịp để làm lành, tránh dữ. Đó cũng là đảm bảo con người được chết lành, là dấu hiệu báo trước con người sẽ sống lại để hưởng trọn vẹn hạnh phúc trong Nước Trời.
HÃY TÌM KIẾM NƯỚC TRỜI: Chuyện cô Bé quàng khăn đỏ đã bị mụ phù thủy bỏ thuốc độc, đã nằm yên như chết và cô Bé chỉ tỉnh dậy khi các chú lùn phát hiện ra cô và giúp cô tìm lại sự sống. Cô Bé quàng khăn đỏnằm chết là hình ảnh của người Kitô hữu an nghỉ trong ơn nghĩa Chúa.Sau một giấc ngủ dài, người Kitô hữu được chính Đức Giêsu cầm tay nâng dậy, đưa vào tiệc cưới Nước Trời. Thánh Công Đồng Vaticanô II trong hiến chế: Giáo Hội trong thế giới ngày nay đã viết :” Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực, nhưng Giáo Hội được mạc khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này…”.Để giải bầy và tiết lộ bí mật về sự sống lại cho các người Xa đốc vốn không tin có sự sống lại, Chúa Giêsu đã cho hay rằng : Đời sau khác hẳn đời này. Người ta không lấy vợ cũng chẳng lấy chồng vì con người đã trường sinh đâu cần gây nòi giống nữa. Con người lúc đó sống ngang hàng với các thiên thần ( Lc 20, 36 ). Thánh Phaolô đã viết:” Việc kẻ chết sống lại cũng vậy :…gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí “ ( 1 Co 15, 43-44). Con người sẽ không mãi mãi bị giam hãm trong sự chết mà tìm lại được quyền bất tử của mình. Chính vì thế, con người phải sống tốt, phải lắng nghe và thực thi lời Chúa, phải làm lành lánh dữ. Lời Chúa mời gọi con người suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người. Trước khi lìa đời, con người thường bị vây hãm bởi những lo âu, run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối thời gian, của cải, vật chất, bởi những đớn đau của bệnh họan, bởi sức tấn công củasự dữ, của ma quỷ vv…Trong những giờ phút ấy, lời Chúa sẽ là sức mạnh cho con người:” Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành “. Con người rồi cũng phải rời bỏ thân xác, đành rằng thân xác đã cho con người những ngày tháng tốt lành. Con người phải thoát ra khỏi thân xác để đi vào ơn cứu dộ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm điều vĩnh cửu hơn là những sự tạm bợ mau qua của cuộc đời.
CHẾT VÀ SỐNG LẠI
Lc 20, 27 - 38 Pm. Cao Huy Hoàng
Câu chuyện của người Mẹ và 7 bảy anh em trong sách 2 Macabe 7,1-2.9-14 đã gửi đến cho chúng ta những xác tín về sự sống lại, về đời sau. Niềm xác tín ấy được soi sáng bởi Thánh Linh và cũng chính niềm xác tín quan trọng ấy đã giữ họ trung thành với Lề Luật của Thiên Chúa, qua truyền dạy của Moise: Không ăn thịt heo. Không phải họ không quí trọng thân xác, nhưng họ được linh hứng cho biết thân xác nầy được Chúa ban cho và dù có mất đi dưới tay người phàm họ cũng sẽ lấy lại được. Họ “sẵn sàng thà chết hơn là vi phạm luật của cha ông” (c.2). Họ xác tín “Vua Vũ Trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (c.9). Đối với họ, sự sống và tất cả những gì thuộc về sự sống ở đời nầy đều là của Chúa ban, và dù có mất đi, họ vẫn đặt hy vọng nhờ Thiên Chúa họ sẽ lấy lại được (c.11). Họ thà chết trong khi dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại (c.14).
Điểm ưu việt của đoạn sách nầy là : niềm xác tín Phục sinh vào thời kỳ Tin Mừng và Tin Mừng Phục sinh chưa xuất hiện. Một cõi sống ở đời sau có thể nói là còn mơ hồ trong tâm tưởng loài người, thì bảy anh em đã tuyên tín về sự sống lại trước mặt vua chúa quan quyền thế gian. Dấu ấn mạc khải do Thánh Linh thật rõ nét và sống động đến nỗi người đời sau, những người đã tiếp nhận ánh sáng Tin mừng Chúa Giêsu và Tin Mừng Phục Sinh của Ngài, phải ngẫm nghĩ mà tự xấu hổ về niềm tin của mình.
Đức tin không lý luận
Không chỉ các người thuộc nhóm Sađốc, thời Chúa Giêsu, mà cả loài người, cả chúng ta nữa, cho đến hôm nay vẫn thích dùng cái lý trí nhỏ bé của mình mà suy luận về những mầu nhiệm cao siêu thuộc về Thiên Chúa, trong đó có Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô và sự sống lại của thân xác chúng ta. Từ cái suy luận duy lý trí nảy sinh những ảo tưởng về một thực tại thuộc phạm vi Đức Tin. “ Vậy, trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy anh em đều lấy nàng làm vợ”.(Lc 20,33). Một suy luận hoàn toàn con người thì còn gì là mầu nhiệm.
Câu tuyên tín “Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại” bắt đầu bằng hai từ “Tôi tin”, cho thấy rằng lý trí của tôi không nhất thiết phải tham gia gì thêm nữa. Không phải là một đức tin mù quáng, nhưng là sự hy sinh của lý trí một cách chính đáng, để niềm tin của tôi không bị chao đảo lung lay hay thay đổi, vì với lòng khiêm tốn, tôi biết lý trí của tôi không thể làm điều vượt qua khả năng của lý trí.
Cơn cám dỗ về đức tin là một cơn cám dỗ nguy hiểm nhất, do bởi thần kiêu ngạo dữ tợn nhất, luôn thúc bách lý trí ta lý luận không phải để chấp thuận, mà tìm mọi cách để từ chối, phản bác. Nhóm Sađốc đã bị sập bẫy của Satan khi dùng những lý luận để bảo thủ cho mình cái chủ trương không có sự sống lại, không có đời sau. Những lý luận chỉ dựa trên những gì có thể thấy được, có thể sờ đụng, có thể trải nghiệm. Họ hiểu sự sống lại và đoàn viên trong Nước Thiên Chúa như là một thế giới khác với thế giới hôm nay, nhưng giống y như thế giới hôm nay về mọi sinh hoạt con người.
Chúa Giêsu nói: “Con cái đời nầy cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì họ được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,34-36)
Tôi nghĩ đây không phải là một lời giải thích của Chúa Giêsu, nhưng là một định tín. Chỉ có Đức Tin mới thấu đạt được, chứ không dễ chấp nhận theo lý luận con người. Không thể lấy một thực tại hữu hình, mà so sánh mới một thực tại vô hình; không thể lấy một sự đã trải nghiệm đem so sánh với sự chưa trải nghiệm, mà sự chưa trải nghiệm ấy lại thuộc về tương lai của mỗi người, của nhân loại.
Con đường dẫn đến cái chết để phục sinh
Người tín hữu hôm nay có một ưu thế hơn anh em nhà Macabê vì nền tảng niềm tin “xác loài người sẽ sống lại” được đặt vào “sự phục sinh của Chúa Giêsu”. Chính vì tôi tin Chúa Giêsu Phục Sinh mà tôi cũng tin tôi sẽ được sống lại với người. Tôi không nhất thiết phải dùng lý trí con người, suy luận, tưởng tượng hay hình dung sự sống lại ấy thế nào, sinh hoạt như thế nào. Tôi chỉ cần biết một điều là để được Phục sinh với Chúa Giêsu, để sống lại như Ngài, tôi phải đi theo con đường của Ngài: “con đường dẫn đến cái chết để phục sinh”. Vì nếu không đi theo con đường của Ngài, tôi sẽ lao vào “con đường dẫn tới cái chết không phục sinh”.
Vậy con đường của Chúa Giêsu là con đường khiêm hạ, con đường từ bỏ, con đường yêu thương phục vụ cho đến chết. Có thể tôi chưa thấy một người bằng xương bằng thịt phục sinh trở về để tôi hỏi người ấy về sinh hoạt của thế giới bên kia, nhưng tôi có thể thấy chung quanh tôi có những người sống trọn vẹn cho Thiên Chúa theo đường hướng của Chúa Giêsu khi họ từ bỏ tất cả cho vinh danh Chúa. Họ có thể chia sẻ cho tôi những cảm nghiệm về sự sống đời sau mà họ đang có. Vâng chính họ đang sống trước mầu nhiệm phục sinh ngay ở dương gian nầy khi họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và theo ý định của Ngài qua việc kết hiệp với Chúa Giêsu và đi theo con đường Chúa Giêsu đã vạch ra, “con đường dẫn đến cái chết để phục sinh”.
Lời Chúa hôm nay cho tôi thêm một cơ hội xác tín điều tôi vẫn tuyên xưng: “tôi tin xác loài người sẽ sống lại”, “ tôi tin một cuộc sống đời đời” và còn là cơ hội nhắc nhớ tôi không những phải hy sinh cái lý trí nhỏ bé của mình mà còn phải biết tránh “con đường dẫn tới cái chết không phục sinh” để đi vào con đường của Chúa Giêsu, con đường từ bỏ, hy sinh, yêu thương, phục vụ… “con đường dẫn đến cái chết để phục sinh”.
Lạy Chúa, xin cho con yêu mến và tín thác hoàn toàn vào Chúa, xin cho con khát khao sống sự sống của Chúa, để không còn phải thắc mắc nào khác hơn là con luôn tự hỏi: “ Tôi có từ bỏ mọi sự để hoàn toàn thuộc về Chúa khi còn ở dương gian này hay chưa?”.
|