Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1370765

ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN

ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN

(Ga 15,11-17)

Điều chính trong đoạn này là Chúa Giêsu cho các môn đệ Ngài biết, chính Ngài đã chọn họ. Không phải chúng ta đã chọn Chúa, nhưng bởi ân sủng và tình thương, Chúa đã kêu ghọi, chọn lựa chúng ta.

Từ đoạn này, chúng ta có thể liệt kê những điều tuyệt diệu khi được chọn và được gọi.

Chúng ta được chọn để vui mừng. Dù đường đi của Kitô hữu có khó khăn đến đâu trong cả hành trình lẫn mục đích, vẫn là con đường. Trong việc làm phải, làm đúng, bao giờ cũng có niềm vui. Kitô hữu là người luôn vui mừng. Kitô hữu u sầu là một điều mâu thuẫn. Thật sự Kitô hữu nào cũng là tội nhân, nhưng là tội nhân đã được tha thứ và cứu chuộc, niềm vui nằm ngay trong sự kiện đó. Làm sao không vui mừng khi chúng ta đang đi trên con đường sống với Chúa Giêsu.

Chúng ta được chọn để yêu thương. Chúng ta được sai đi vào thế gian để yêu thương. Nhiều khi chúng ta sống như thể được sai đến thế gian để tranh đua, cãi lẫy và đánh đấm nhau. Nhưng Kitô hữu đã được sai vào thế gian, để vừa sống vừa chứngminh cho người khác thấy ý nghĩa của tình yêu đối với nhau. Ở đây, Chúa Giêsu nêu ra một lơi tự xưng quan trọng khác. Nếu chúng ta hỏi Ngài: Thầy lấy quyền gì mà đòi hỏi chúng tôi phải yêu thương nhau? Ngài đáp: Chẳng có tình yêu nào lớn hơn là phó mạng sống vì bạn mình, và Ta đã làm như thế. Nhiều người dạy người ta yêu mến lẫn nhau, nhưng cả cuộc đời họ cho thấy việc đó họ làm sau cùng. Chúa Giêsu ban bố một mệnh lệnh mà chính Ngài đã làm trước nhât.

Chúng ta được gọi để trở thành bạn của Chúa Giêsu. Chúa bảo Ngài không gọi các môn đệ là đầy tớ (douloi) nữa, mà gọi họ là bạn hữu. Câu này có ý nghĩa cho những nguơì nghe lần đầu tiên hơn là cho chúng ta ngày nay. Danh hiệu “douloi”, nô lệ, đầy tớ, tôi tớ của Chúa không phải là danh hieu đáng xấu hổ, nhưng là một vinh dự lớn. Môsê là một douloi, nô lệ tôi tớ của Chúa (Đnl 34,5), Giôsê cũng vậy (Gs 24,29), Đa-vít cũng thế (Tv 89,20). Phaolô kể danh hiệu này là một vinh dự (Tt 1,1) và Giacôbê cũng vậy (Gc 1,1). Những nhân vật lỗi lạc nhất trong quá khứ hãnh diện khi được Chúa gọi là douloi (tôi tớ) của Chúa. Chúa Giêsu phán: “Ta còn có một điều cao trọng hơn cho các ngươi, các ngươi không còn là tôi tớ nữa mà là bạn than của Ta”. Chúa Giêsu ban tặng một địa vị thân thiết với Ngài, mà ngay đến các nhân vật lỗi lạc nhất vẫn không biết, cho tới khi Ngài đến thế gian.

Nhưng ý niệm làm bạn với Chúa có một bối cảnh lịch sử. Abraham là bạn của Chúa (Is 41,80). Sách Khôn Ngoan 7,27 cho biết sự khôn ngoan làm cho người ta trở thành bạn của Chúa. Nhưng từ này còn được minh hoạ bằng một tập tục vốn có trong triều đình các hoàng đế Rôma lẫn các vua phương Đông. Trong các triều đình ấy, có một nhóm người được tuyển chọn, họ được gọi là bạn của vua. Họ được diện kiến nhà vua bất cứ lúc nào, họ được quyền vào cả phòng ngủ của vua lúc sáng sớm. Nhà vau thảo luận với họ trước khi họp bàn với các tướng lãnh và các quan chức. Các bạn của vua là những nhân vật có liên hệ gần gũi, thân cận nhất với vua.

Chúa Giêsu đã gọi chúng ta để làm bạn với Ngài và với Thiên Chúa. Đó là một đặc ân kỳ diệu. Chúng ta không còn phải đứng từ xa, nhìn về phía Ngài mà chờ đợi. Chúng ta không còn là những nô lệ chẳng có chút quyền ra mắt chủ, không như đám đông chỉ đứng xa nhìn thoáng bóng nhà vua đi ngang qua nhân một cơ hội hết sức hiếm hoi. Chúa Giêsu làm một việc lạ lùng: Ngài cho phép chúng ta được sống gần gũi, thân mật với Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn là người lạ cách biệt chúng ta, nhưng là bạn thân của chúng ta.

Chúng ta được gọi để làm bạn cộng tác với Chúa Giêsu. Ngài không chỉ gọi và chọn chúng ta để ban cho một loạt các đặc ân diệu kỳ, mà Ngài muốn chúng ta trở thành bạn cộng tác với Ngài. Nô lệ chẳng bao giờ là bạn cộng tác,người cùng hùn hạp làm ăn với chủ. Theo luật Hy Lạp, nô lệ được định nghĩa là một công cụ sống, chủ chẳng bao giờ trao đổi ý kiến với nô lệ, nô lệ bị sai bảo phải làm việc mà không được giải thích lý do. Nhưng Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Các bạn không phải là nô lệ mà là bạn cùng cộng tác với tôi. Tôi đã nói cho các bạn biết mọi việc. Tôi đã nói cho các bạn những gì Thiên Chúa Cha đã nói với tôi”. Chúa Giêsu dành cho chúng ta danh dự làm bạn cộng tác với Ngài, Ngài chia sẻ tâm sự với chúng ta, cho ta biết kế hoạch, mục tiêu và kỳ vọng của Ngài. Một sự lựa chọn quan trọng được đặt ra trước mắt chúng ta. Chúng ta có thể chấp nhận hoặc khước từ viec cộng tác với Chúa Giêsu trong việc đưa thế gian trở về với Thiên Chúa.

Chúa chọn chúng ta làm sứ giả. Ngài phán: “Ta đã chọn các con để sai các con đi”. Ngài không muốn chúng ta sống đời ẩn tu, trốn trách thế gian. Khi một hiệp sĩ đến chầu vua, người ấy không muốn cả đời chỉ yến ẩm tiệc tùng và bầu bạn với vua, người ấy đã xin “Xin hãy phái thần đi làm nhiêm vụ để bệ hạ và toàn dân được ích”. Chúa Giêsu chon chúng ta, trước hết để chúng ta đến với Ngài, sau đó là để ra đi, đến với người thế gian. Đó là mầu mực và nhịp điệu hằng ngày của đời sống chúng ta.

Chúng ta được chọn để trở thành người truyền giáo. Ngài chọn chúng ta để ra đi và mang lại kết quả. Những kết quả vững bền qua mọi thời gian. Phương pháp truyền giáo là sống đời sống Kitô hữu, phương pháp đưa người ta đến với niềm tin là chỉ cho họ thấy kết quả của đời sống Kitô hữu. Chúa Giêsu không sa chúng ta đi tranh luận để bắt người ta theo đạo, chũng không để doạ để họ theo đạo, nhưng thu hút họ đến với đạo Chúa. chúng ta phải sống sao cho đời sống đạt kết quả diệu kỳ, đến nỗi nhiều người khác cũng ao ước được như the.

Chúa chọn chúng ta để trở thành con cái tràn đầy đặc ân trong gia đình của Chúa. Ngài chọn chúng ta để bất luận chúng ta nhân danh Ngài cầu xin điều gì, thì Chúa Cha sẽ làm cho. Một lần nữa chúng ta đối diện với một trong những khẳng định quan trọng, liên hệ đến việc cầu nguyện mà chúng ta cần thấu triệt. Nếu nghĩ không kỹ thì dường như câu này có nghĩa là Kitô hữu, người được chọn của Chúa Kitô, sẽ nhận được tất cả những gì mình cầu xin. Chúng ta đã đề cập đến vấn đề, nhưng cũng nên suy gẫm thêm lần nữa. Tân Ước có quy định một số luật lệ rõ ràng về vấn đề cầu nguyện.

Cầu nguyện phải bởi đức tin (Gc 5,15). Nếu chỉ theo hình thức, chiếu lệ, thói quen nhắc đi nhắc lại những lời đúng theo một công thức, ước lệ nào đó, thì lời cầu nguyện ấy sẽ không được chấp nhận. Khi lời cầu nguyện không có hy vọng thì không thể linh nghiệm được. Nếu xin Chúa thay đổi mình, mà không tin mình có thể thay đổi được, lời cầu nguyện sẽ chẳng ích lợi. Muốn cầu nguyện nơi tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa.

Phải cầu nguyện trong danh Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không thể xin điều gì mà Chúa không đồng ý. Chúng ta không thể xin để nhận được gia tài bất hợp pháp của một người nào đó hay để được những điều bị cấm đoán. Chúng ta không thể xin cho một tham vọng nào đó được thành tựu nếu nó khiến người người khác bị tổn thương, hoặc thiệt hại. Chúng ta không thể nhân danh Đấng Yêu Thương để xin Ngài báo thù các kẻ thù của mình. Bất cứ lúc nào chúng ta cố gắng biến cầu nguyện thành điều giúp mình thực hiện các tham vọng riêng tư, để thoả mãn các ước muốn cá nhân, lời cầu nguyện sẽ không linh nghiệm, vì như thế không phải là cầu nguyện.

Cầu nguyện phải thuận theo ý Chúa. Mỗi khi cầu nguyện, trước hết phải nhận biết mình chẳng bao giờ hiểu biết hơn Chúa. Yếu tính của lời cầu nguyện không phải để thay đổi ý Chúa, nhưng để xin “Ý Cha thể hiện”. Vì vậy, lời cầu nguyện đích thực không phải là xin Chúa đem đến điều mình muốn, nhưng xin Ngài cho chúng ta sẵn sàng chấp nhận đieu Ngài muốn.

Lời cầu nguyện không bao giờ được vị kỷ. Thoạt nghe qua thì tưởng Chúa Giêsu đưa ra một vấn đề hết sức dễ dãi. Ngài phán nếu hai người đồng ý với nhau để xin điều gì, Ngài sẽ ban cho (Mt 18,19). Chúng ta khong nên hiểu câu này theo nghĩa đen nông cạn, vì như thế có nghĩa đơn giản là nếu bạn “động viên” để nhiều người cùng cầu xin một điều gì đó, thì việc đó sẽ xảy ra. Nhưng câu ấy có nghĩa là: Khi cầu nguyện, không nên chỉ nghĩ đến các nhu cầu của riêng mình mà thôi. Thí dụ đơn giản nhất là vào ngày nghỉ, người công nhân chắc phải xin trời nắng tốt, trong khi có lẽ bác nông dân lại xin trời mưa. Khi cầu nguyện, chúng ta không nên hỏi, “điều này có lợi gì cho tôi?” mà phải hỏi “Việc này có ích cho tất cả mọi người không?”. Sự cám dỗ lớn nhất trong khi cầu nguyện là dường như chỉ có vấn đề của mình là quan trọng, còn vấn đề của người khác thì chẳng cần quan tâm tới. Một lời cầu nguyện như vậy sẽ không thể linh nghiệm được.

Chúa Giêsu đã chọn chúng ta để trở thành những thành viên được đặc ân, ưu quyền trong gia đình Chúa. Chúng ta có thể và nên dâng mọi sự lên cho Chúa trong khi cầu nguyện. Nhưng không nên tìm câu trả lời theo sự hiểu biết hạn hẹp, hay theo ước muốn bất toàn của mình, mà phải chấp nhận câu trả lời của Chúa theo sự khôn ngoan và tình yêu trọn vẹn của Ngài. Càng yêu mến Chúa chúng ta càng vâng phục ý Chúa.

 

 

 

 

 

82. Đôi bạn chân tình – Như Hạ, OP

 

Không dễ gì kiếm được một người bạn. Người bạn đem lại nguồn an ủi, cơ hội và niềm vui lớn lao. Tình bạn có thể chia sẻ và hi sinh tất cả cho nhau. Thử tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu vắng hẳn tình bạn. Về một phương diện, tình bạn còn quan trọng hơn mọi thứ tình yêu khác. Vả lại, thường tình yêu cũng bắt đầu bằng tình bạn và lớn lên trong tình bạn. Tình bạn đẹp đen nỗi Đức Giêsu cũng muốn lên một sự thật: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:14).

TRI ÂM

Đức Giêsu muốn yêu thương con người bằng một tình bạn thắm thiết. Người không muốn có một cách biệt quá xa như chủ tớ, mặc dù giữa Người và nhân loại khoảng cách còn xa hơn ngàn lần. Nhưng tương quan phải thật gần gũi mới cảm thấu được tình yêu sâu đậm dành cho nhau. Người như quên tất cả địa vị của mình. Làm sao một tạo vật như chúng ta có thể dám mơ ước trở thành người bạn tri âm của Thiên Chúa? Nhưng Người từng tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15). Như thế, con người đã được nâng lên hàng bạn thân của Chúa. Nếu cứ để nhân loại trong hàng nô lệ hay tôi tớ, làm sao Thiên Chúa bắc nổi nhịp cầu tri âm? Một khi đã coi các môn đệ là tri âm, Đức Giêsu đã chia sẻ cho họ sự hiểu biết về Chúa Cha (Ga 14:20). Như thế Người đã làm cho họ mãn nguyện. Người đã có thể tâm sự sâu xa với họ về cái chết của Người cho toàn thể nhân loại. Vì yêu thương, Người đã săn sóc họ tận tình, đến nỗi đã quì xuống rửa và hôn chân họ. Đó là một bài học nhưng cũng là dấu chỉ báo trước sự hi sinh cực kỳ sâu xa. Cúi xuống thật sâu để nâng họ lên ngang hàng với mình. Một khi đã được nâng lên, họ hoàn toàn được tin tưởng và ủy thác tất ca sứ mạng cứu độ muôn dân. Chính trong tình yêu, Thầy đã “cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16).

Muốn thế, trước tiên các môn đệ phải được giải thoát khỏi ách nô lệ toi lỗi. Đó là một hồng ân cao cả, là điều kiện tối thiểu để có thể đi sâu vào tình yêu Thiên Chúa. Chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban tặng một giá trị và địa vị tuyệt vời cho nhân loại. Trong tương quan này, Thiên Chúa đã trao hiến một cách vô thường. Không thể tìm đâu một sự trao hiến kỳ diệu hơn thế. Quả thực, nơi thập giá, Đức Giêsu cho thấy “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Họ đáng hưởng tình yêu cao cả đó, vì đã được nâng lên hàng tri âm của Chúa. “Những bạn hữu của Đức Giêsu là những người có quan hệ gắn chặt với Chúa (Ga 13:23 tt; 19:26; 11:3). “Mình với ta tuy hai mà một”. Họ sung sướng vì được trở nên “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8:17). Như thế, họ là những người đặc biệt đón nhận mạc khải về Chúa Cha và được kết hiệp bằng những mối ràng buộc trong ‘nhà’ Thiên Chúa (Ga 14:20)” (Faley 1994:350). Họ có thể đi lại tự nhiên và hưởng dùng mọi thứ trong ngôi nhà đó, vì từ đây “tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15:31).

Hạnh phúc đó vượt quá lòng mong đợi của các môn đệ. Chính nhờ hạnh phúc đó mà “niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11). Muốn niềm vui trọn vẹn, phải “ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Nếu không, sự chia cắt sẽ gây nên nhức nhối. Cả Thầy lẫn môn đệ đều không vui. Chính Đức Giêsu cũng chỉ giữ được niềm vui trọn vẹn với Chúa Cha, nếu “ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15:10). Tình yêu là giây nối kết bền vững giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Tình yêu đó không phải là mot thứ lượm ngoài đường, nhưng phải là kết quả của mồ hôi nước mắt khi nỗ lực “giữ các điều răn của Thầy” (Ga 15:10). Điều răn của Thầy không phức tạp và khó khăn như luật lệ Do thái hay dân ngoại. Rất đơn giản. “Đây là giới răn của Thầy: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Nghĩa là, thực tế “Thầy yêu thương anh em đến nỗi thí mạng vì anh em. Đến lượt anh em cũng phải thí mạng cho nhau”. Đó là mức hi sinh lớn lao do tình yêu đòi hỏi. Không hi sinh, chắc chắn không thể có tình yêu. Đó là mức đo tình yêu Đức Giêsu đối với Chúa Cha, và tình yêu môn đệ đối với Đức Giêsu.

Trong tình yêu, Thiên Chúa luôn đưa ra sáng kiến trước. Ngươi làm tất cả để chiếm đoạt trái tim con người. Người muốn gần gũi như bạn tri âm, để nói cho biết về lòng hăng say hăm hở lùng kiếm tình yêu như thế nào. Nhưng trong rừng người trước mặt, tại sao chỉ có một số được tuyen chọn? Lọt vào mắt xanh của Chúa, quả thực là một đại phúc. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16). Họ không được tuyển chọn để sống một mình, nhưng để sống thành cộng đoàn. Ơn gọi và sứ mệnh Kitô hữu luôn đòi phải sống trong tương quan với người khác. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu phải lên tiếng: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15:17).

SỨC MẠNH TRI ÂM

Đức Giêsu đã xác định rõ tương quan bằng hữu giữa Người và các môn đệ. Kitô hữu có nghĩa là người bạn của Chúa Kitô. Một khi đã tâm đầu ý hợp, tình tri âm này sẽ biến thành một sức mạnh vạn năng, đến nỗi “tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15:16). Từ đầu, nhờ nên một với Đức Giêsu, Giáo hội đã cầu xin Chúa Cha ban Thánh Linh mở rộng sứ mạng truyền giáo cho Dân Ngoại. Chúa Cha đã nhận lời. Thánh Linh chính la tình yêu, một “tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7). Hơn nữa, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Do đó, tình yêu không biết đến bất cứ ranh giới nào. Tình yêu đã được thể hiện một cách vô cùng mãnh liệt khi Thien Chúa “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Thiên Chúa cũng không ra khỏi định luật đòi hỏi của tình yêu: HI SINH.

Chính vì hi sinh lớn lao đó, Giáo hội mới có khả năng đến với muôn dân. Trên bước đường đến với muôn dân, Giáo hội luôn bị cám dỗ co cụm lại chính mình. Trong Giáo Hội tiên khởi, những tín hữu thuộc giới cắt bì đã trở thành kỳ đà cản mũi. Nếu Thánh Linh không can thiệp, chắc chắn không ai có thể dẹp nổi những não trạng cục bộ đó. Thực tế, “những tín hữu thuộc giới cắt bì đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa” (Cv 10:45). Giáo Hội đã có đà phóng tới. Cái nhìn Giáo Hội đã mở rộng đến nỗi thánh Phêrô có thể cả quyết: “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:35). Không phải tới công đồng Vatican II, Giao Hội mới khám phá ra các thánh ngoại giáo. Ngay từ đầu, Thánh Linh đã cho thấy những khuôn mặt hết sức dễ thương trong cộng đồng dân ngoại.

Tuy thế, tới nay cám dỗ vẫn còn đó. Giáo Hội vẫn luôn luôn phải đương đầu với những thứ kỳ đà cản mũi. Ngay trong cộng đồng dòng tu, vẫn có những cơ cấu hay con người bảo vệ một thứ quyền lợi riêng tư nào đó. Chẳng hạn, có những tỉnh dòng Đa Minh chỉ nhận những người gốc Ái Nhĩ Lan. Có những tranh chấp lớn nhỏ giữa triều và dòng khắp nơi trong Giáo Hội. Tại sao Giáo Hội lại đánh mất tính phổ quát ngay chính nơi cần phải làm chứng đặc tính Công giáo hơn bất cứ nơi nào? Một tình yêu đánh mất chiều kích vô biên, co còn phát xuất từ Thiên Chúa không? Nếu không phát xuất từ Thiên Chúa, tình yêu đó làm chứng cho cái gì?

Thế nên, Giáo Hội vẫn cần đến Thánh Linh để canh tân chính mình hầu xứng đáng là bạn tri âm của Chúa. Chỉ trong tình tri âm với Chúa, Giáo Hội mới có thể nghe được tất cả mạc khải về tình yêu và nói về tình yêu cho người khác. Giáo Hội đang mất thế đứng tại nhiều nơi trên thế giới vì đã bị những quyến rũ của quyền bính kéo Giáo Hội xa lìa mối tình tri âm đó. Hơn lúc nào, cần phải cầu nguyện cho Giáo Hội, một người bạn tình của Chúa!

 

 

 

 

 

83. “Các con hãy yêu thương nhau” – Lm. Thu Băng

 

Đức Thánh Cha Gioan 23 trong phiên họp Hội Đồng Giám Mục để bàn luận về nền tảng Đức Ái của đời sống Kitô Giáo. ngài hỏi: “Chư Huynh nghĩ xem đâu là cùng đích của đời sống Kitô Giáo?”

Các ngài trả lời hầu như giống nhau rằng: “Cùng đích của đời sống Công giáo là: Nhận biết – Yêu mến – Phụng sự Chúa ở đời này để được nước Thiên đàng đời sau.”

Đức Thánh Cha nói cười vui vẻ: “Chư Huynh nghĩ vậy chưa đủ, còn có phần ích kỷ. Phải có phần giúp đỡ người khác cùng nhận biết, cùng yêu mến, cùng phụng sự Chúa, cùng vui hưởng thiên đàng”.

Đó là khía cạnh rộng lớn Chúa truyền dạy qua bài Phúc âm hôm nay “Các con hãy yêu thương nhau”.

Yêu và giúp người khác thực hiện điều đẹp lòng Chúa, tránh xa những gì mất lòng Chúa và mất lòng người ta.

Việc giúp đỡ người khác của chúng ta không phải như cái giúp của ông thầy, của sư phụ dạy truyền cho đệ tử. Nhưng là cái giúp thực hành ngay trong cuộc sống mình:

– Giữ giới luật Chúa – cho người khác noi theo.

– Giữ lời nói đoan chính

– ăn mặc xứng kỳ đức.

– ăn uống không phàm phu tục tử, không bê bối.

– Đời sống vợ chồng lành mạnh, ấm êm.

– Dạy con cái cho phải phép.

– Trước một ngưòi khác tôn giáo, biết tỏ lối sống đạo giáo cua mình…..

Mội điều chúng ta đang thực hiện cách tốt đẹp, có điều cần chú ý hơn trong giai đoạn này là: khía cạnh dạy con theo gương cha mẹ.

Dạy con từ thuở lên ba

Dạy vợ từ thuở về nhà làm dâu.

Cha mẹ sinh con trời sinh tính

Nhưng: Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Hiện trạng ngày nay: Trẻ con lang thang, cao bồi, phá phách xóm làng, quần áo theo thời theo mốt….

Các anh chị làm dáng làm đẹp (Ok): Bồng bềnh mái tóc mây, bộ tóc Kenedy (Ok). Bo áo đầm xòe dễ coi (Ok). Những điều đó xứng kỳ đức lắm. Mặc đẹp sẽ không dám ba trợn ở dọc đường.

Các em nhỏ chưa đến tuổi thành niên:

Mặc áo mùa đông cho mùa hè – Cha mẹ nhìn con ăn mặc không thấy chướng mắt. Các em mặc áo người lớn khi còn đang là con nít. Quần xắn móng heo, chân đi dép Nhật. Nếu để làm hề thì trên sân khấu đã có đạo diễn, còn ở ngoài đường không ai là đạo diễn cả. Cha mẹ hãy dạy cho con hiểu và chúng sẽ nghe, đừng bảo ” Con tôi nó đâu có vậy”.

Nó có vậy khi không có mặt bố mẹ ở đó. Muốn biết con ai không khó gì, cứ ra các quán hàng là thấy mặt thôi. Muốn biết nghe nói con ai, nghe nói nó làm gì, cứ đến nhà thờ trước giờ Thánh Lễ là phân biệt được kẻ tốt người xấu thôi. Đừng để con hư hổ mặt mẹ cha. Tóm lại, vì mến Chúa, thương người, chúng ta sống sao cho trọn đạo, sống sao cho xứng kỳ đức và răn dạy con cái để nên gương cho mọi người. “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta và dạy người khác yêu mến và làm như vậy”.

 

 

 

 

 

84. Con tim đập nhịp thần linh

(Suy niệm của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)

 

Bài chia sẻ cho Phúc Âm tuần trước đã nói là bài Phúc Âm Chúa Nhật VI Phục Sinh năm B tuần này có chất chứa chi tiết về một thứ nhựa sống thần linh, một thứ nhựa sống được Chúa Kitô là Cây Nho hay Thân Nho thông sang cho Giáo Hội, cho Kitô hữu là các cành nho của Người, để các cành nho hiệp nhất với Người ấy có thể nhờ đó sinh muôn vàn hoa trái. Vậy nhựa sống thần linh ở trong bài Phúc Âm tuần này đây là gì, nếu không phải là đức ái trọn hảo, là Tình Yêu Thiên Chúa? Bởi vì, nếu không có yêu thương cũng chẳng có sự sống, chủ đề của 4 tuần cuối của Mùa Phục Sinh. Chính bởi yêu thương Thiên Chúa mới tự động đến với con người, tìm kiếm con người, dù con người tạo vật vô cùng thấp hèn chẳng là gì trước nhan Ngài, trái lại, còn đáng bị trầm phạt muôn đời vì đã chống phản Người. Chính bởi yêu thương Thiên Chúa chẳng những đã đến với con người, nhưng không đến với con người như là một vị chủ tể đến với bầy tôi tớ, mà là đến để nâng con người lên hàng bạn hữu với Ngài, sống thân tình thiết nghĩa với Ngài. Theo lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay thì có hai dấu hiệu Thiên Chúa quả thực chứng tỏ cho thấy Ngài hết lòng muốn làm bạn với con người và muốn con người làm bạn với Ngài, đó là việc Ngài hy sinh mạng sống cho con người và tỏ cho con người biết tất cả những gì về Ngài.

Đúng thế, theo tự nhiên, chẳng có ai lại chết cho kẻ thù của mình, kể cả cho người dưng nước lã. Mạng sống là cái gì quí nhất thì phải được đổi lại hay thay thế cũng bằng những gì tương đương hay đáng giá hơn. Vậy nếu một khi con người được Thiên Chúa hy sinh mạng sống mình cho nơi Con của Ngài thì không phải là con người vô cùng quí giá trước mặt Thiên Chúa hay sao!?! – “Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu của mình. Các con là bạn hữu của Thầy…”. Cũng theo tự nhiên, chẳng có ai lại đi tâm sự với một người thù ghét mình, hay với một người chẳng bao giờ quen biết, hoặc thậm chí cả với những người ruột thịt nữa, (đó là lý do thực tế cho thấy nhiều khi bạn bè còn thân hơn cả anh em trong nhà, nhất là trường hợp kết bạn trăm năm). Vậy một khi Thiên Chúa tỏ hết mình ra cho con người qua Chúa Giêsu Kitô là “tất cả sự thật” (Jn 16:13), là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, đến nỗi “ai thấy Thầy là thấy Cha” (Jn 14:9), thì không phải là Ngài đã coi con người như bạn hữu của Ngài hay sao!?! – “Thầy không gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết gì về chủ của mình. Song Thầy gọi các con là bạn hữu, vì Thầy đã tỏ cho các con biết tất cả những gì Thầy đã nghe thấy nơi Cha Thầy”.

Nếu nói đến chủ tớ là nói đến quyền bính, thì nói đến bạn bè là nói đến yêu thương. Vậy một khi Thiên Chúa muốn làm bạn với con người là Thiên Chúa yêu thương con người và muốn con người yêu mến Ngài. Thực tế cho thấy, con người tạo vật chỉ có khả năng yêu hay chỉ biết yêu khi được yêu, được nâng lên làm bạn với Thiên Chúa mà thôi. Nghĩa là họ được Thiên Chúa ban cho họ khả năng để yêu như Ngài yêu. Đó là lý do con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (x Gen 1:26), với tâm linh để nhận biết Ngài yêu họ ra sao và với tự do để đáp lại tình Ngài thương mến. Thiên Chúa đã yêu thương con người nơi Con của Ngài, và Con của Ngài đến để cho con người thấy rằng “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) đã yêu con người biết là chừng nào, “yêu đến cùng” (Jn 13:1), yêu đến thí mạng sống mình làm giá chuộc họ (x Mt 20:28): “Cha Thầy đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu các con như thế”. Một trong những con người đã ý thức được thực tại thần linh này, đã ý thức được chẳng những bản tính trọn hảo của Thiên Chúa mà còn đã triệt thấu được cả bản chất của tình yêu lẫn nguyên tắc yêu thương, đó là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” (Jn 13:23; 19:26; 20:2; 21:20), người môn đệ được ngả đầu (biểu hiệu cho tâm linh con người) vào ngực (biểu hiệu cho tình yêu) Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly (x Jn 13:25). Về bản tính toàn thiện của Thiên Chúa, người môn đệ này đã cảm nghiệm rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Về bản chất của tình yêu, người môn đệ ấy đã nhận thức ở câu cuối cùng trong bài đọc thứ hai hôm nay: “Tình yêu là ở chỗ không phải chúng ta yêu Thiên Chúa mà là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã sai Con Ngài đến làm của lễ đền tội lỗi của chúng ta” (1Jn 4:10). Về nguyên tắc hay đường lối yêu thương, người môn đệ này huấn dụ, đối với chính Thiên Chúa: “Phần chúng ta, hãy mến yêu, vì Ngài đã yêu chúng ta trước” (1Jn 4:19); còn đối với tha nhân, thánh nhân đã nói đến trong lời mở đầu của bài đọc thứ hai hôm nay là: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa”.

Huấn dụ của “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” này về nguyên tắc hay đường lối yêu thương trên đây hoàn toàn chính xác, đúng như lời Chúa Kitô đã khẳng định trong bài Phúc Âm về vai trò chủ động tỏ mình của Thiên Chúa và vai trò tích cực đáp ứng của con người khi minh định: “Không phải là các con đã chọn Thầy mà là Thầy đã chọn các con để các con đi sinh hoa kết trái”. Đúng thế, con người tạo vật chúng ta được dựng nên từ hư vô, không hề biết Thiên Chúa là Đấng nào và ra sao để yêu Ngài như Ngài là và như lòng mong muốn của Ngài, cho tới khi Ngài tỏ chính bản thân của Ngài ra, tỏ tất cả bản thân của Ngài ra nơi Con Ngài. Thế nhưng, cho tới khi biết được sự thật vô cùng mầu nhiệm diễm phúc này, biết được Thiên Chúa yêu thương mình vô cùng như thế, con người tội nhân vô cùng hèn hạ, khốn nạn và bất lực cũng không thể nào yêu mến Ngài và đáp lại tình Ngài cho cân xứng, nếu không được tình Ngài chiếm đoạt, để con người có thể yêu Ngài bằng chính quả tim của Ngài. Vấn đề ở đây là làm sao con người bất toàn và bất lực của chúng ta có thể chiếm được quả tim thần linh này để nhờ đó xứng đáng đáp lại Đấng “đã yêu thương chúng ta trước”?

Bài Phúc Âm hôm nay đã cho chúng ta câu giải đáp ngay ở hai câu đầu tiên, nhất là ở câu thứ hai: “Như Cha Thầy yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu các con như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” đây là gì, nếu không phải là hãy chấp nhận tình yêu của Thầy, hãy tin tưởng vào Thầy, nhất là hãy tích cực đáp lại tình yêu của Thầy, bằng cách hãy sống tình yêu của Thầy, hay hãy mang tình yêu của Thầy các con cảm nghiệm được mà chia sẻ. Đó là lý do, ngay sau hai cầu mở đầu bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ của Người biết cách thức để có thể “sống trong tình yêu của Thầy”, cũng như để có thể đáp lại tình yêu của Người, hay sống tình yêu của Người.

Để có thể “sống trong tình yêu của Thầy”, thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô, như Người cho biết, cần phải: “tuân giữ các giới răn của Thầy”, tức đáp lại các ước muốn của Thầy. Và các giới răn của Thầy hay các ước muốn của Thầy đây là gì, nếu không phải, như Người minh định sau đó, là “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Nếu “Thầy đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu nhau như vậy” (Jn 13:34), mà Thầy đã yêu các con “đến cùng” (Jn 13:1), đến “tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (Jn 17:19), một tác động hoàn toàn vượt trên bản năng bảo tồn, hoàn toàn nghịch lại với khuynh hướng yêu sự sống mình của con người (x Jn 12:25), thì thực tại “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” là một chứng cớ hùng hồn nhất và hiển nhiên nhất cho thấy Chúa Kitô “là sự sống” đang sống trong Kitô hữu, và đang tiếp tục yêu thương nhân loại bằng chính con tim của Kitô hữu, một con tim đã bị tình Người chiếm đoạt để chỉ rung động theo những Nhịp Đập Thần Linh, những nhịp đập của một Vị Thiên Chúa Làm Người!

 

 

 

 

 

85. Nhái Thầy – Lm. Bm. Minh Trân, CRM

 

Dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, tôi có dịp về thăm quê hương Việt Nam và dâng lễ tạ ơn. Trong chuyến đi này tôi học hỏi được nhiều điều. Một trong những điều tôi còn nhớ là “nhái.” Nhái ở đây không phải là cóc, nhái. Nhưng là bắt chước người khác. Ở Việt Nam có nhiều mặt hàng họ “nhái” rất tài. Nếu không phải trong nghề, hoac không để ý cẩn thận, người ta sẽ bị lầm một cách dễ dàng. Chiếc xe honda “Spacy” đời mới của Nhật trị giá $85 triệu. Nhưng chiếc xe honda “Spacy” của Trung Quốc, “nhái” y như thật vậy, thì chỉ có $23 triệu thôi.

Thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại rằng Chúa Giêsu cũng đã “nhái” Chúa Cha và muốn mỗi người chúng ta “nhái” Chúa trong việc yêu mến nhau. Chúa truyền dạy: ” Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con… Các con hay yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con.”

” Yêu mến nhau” ở đây không phải là lời khuyên, nhưng là lệnh truyền. Do đó, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề này. Có nghĩa là, không làm không được. Không làm sẽ chết. Thật thế, tìm hiểu Thánh Kinh, chúng ta thấy điều Chúa truyền dạy ở đây được ghi lại ngay sau dụ ngôn cây nho và cành nho (15:1-8). Trong dụ ngôn cây nho và cành nho này, thánh Gioan ghi rõ rằng cành nho chỉ có thể sống và sinh hoa kết quả một khi ở lại với cây nho. Lìa cây, cành sẽ chết. Tương tự, trong đoạn Tin Mừng này, thánh Gioan đã nhắc đi nhắc lại 2 lần rằng “hãy ở lại trong Thầy.” Ở lại trong Thầy có nghĩa là “tuân lệnh Thầy truyền.” Và lệnh truyền đó không gì khác hơn chính là: “hãy yêu mến nhau.” Nói ngược lại, không yêu mến nhau là không tuân lệnh Thầy truyền, không ở lại trong Thầy… và hậu quả của nó sẽ dẫn đến sự chết.

Yêu mến nhau bằng cách nào? Yêu làm sao? Hiến mạng sống mình? Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong chuyến đi mục vụ tại Houson, Texas, tôi có được nghe câu chuyện thật cảm động và đầy ý nghĩa của một chị trong ca đoàn thuộc Giao xứ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chị bị tai nạn xe hơi, gãy xương vai và què chân… và trong lúc này, chị đang mang thai được 5 tháng. Chị được đưa vào phòng cấp cứu. Bác sĩ nói chị cần giải phẫu để đưa đứa bé ra. Tại vì, để chữa trị cho chị cần phải chích thuốc mê và do đó sẽ ảnh hưởng đến mạng sống của đứa bé. Chị nói bác sĩ cứ việc chữa trị, không có thuốc mê cũng không sao. Chị không muốn mất con. Chị kể lại rằng những lần con dao mổ rach xuống thân mình, “nó đau… đau không thể tả được… đau muốn chết được… nhưng tất cả vì con.”

Chết cho người mình yêu để minh chứng tình yêu của mình, chết như Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta được sống, có lẽ chúng ta không có nhiều dịp. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể “nhái” Chúa trong việc sống cho người mình yêu. Để thật sự hoàn toàn sống cho người mình yêu, chắc hẳn cũng đòi chúng ta phải nỗ lực hết mình trong việc chết đi cho chính mình, chết đi hằng ngày hằng giờ, chết đi trong những ước muốn cá nhân, chết đi qua những lần trao ban thì giờ, của cải, sức lực… và một khi thực sự chết đi như thế, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy sự sống tươi vui và dào dạt là dường nào.

Người ta thường nói:

“Sướng gì hơn sướng làm lành

Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu.”

Tôi cũng xin nhái:

“Nhái gì hơn nhái Thầy mình

Yêu thương trao hiến… trọn tình… mới dza.”

home Mục lục Lưu trữ