Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 35
Tổng truy cập: 1375140
DÒNG SÔNG
Dòng sông
Hôm nay toàn thể Hội thánh mừng kính trọng thể mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Không một ngày nào Hội thánh và mỗi người chúng ta lại không tuyên xưng mầu nhiệm ấy, bởi vì mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, mỗi khi đọc kinh sáng danh thì đó là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng có lẽ chẳng mấy khi ta quan tâm để tìm hiểu xem mầu nhiệm này có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời của chúng ta. Bởi vì nói tới các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta dễ có cảm tưởng đó là những chuyện xa vời và chẳng liên hệ gì tới đời sống của mình. Nhưng không phải thế. Mầu nhiệm nào cũng rất gần gũi và liên hệ mật thiết với đời sống của con người, bởi mầu nhiệm nào cũng là một luồng ánh sáng soi cho chúng ta hiểu rõ thân phận mình và dẫn lối để chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc.
Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể tìm được một hình ảnh, một ngôn từ nào để diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm dùng hình ảnh một dòng sông để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình.
Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?
Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người. Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy ta như thế. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Mà tin vào Chúa Kitô chính là thể hiện trong đời mình cuộc sống của Người, nghĩa là suy nghĩ, nói năng, hành động và cư xử như Người. Điều Chúa Kitô quan tâm nhiều nhất và đã sống triệt để nhất chính là tình yêu thương. Người yêu Chúa Cha nên thi hành mọi sự theo ý Cha. Người yêu con người nên chấp nhận chết để cho con người được sống.
Yêu Chúa và yêu người, đó chính là ta đang sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vậy.
36. Sống hoà nhịp
Ngày kia, có một người nông dân đi lên thành phố. Khi đang đi bộ trên một con đường đông đúc, thì đột nhiên, anh ta nói với một người bạn cùng đi với mình: “Tôi có thể nghe được tiếng kêu rúc rích của một con dế”. Người bạn của anh ngạc nhiên và hỏi: “Làm sao mà anh lại có thể nghe được tiếng dế, giữa tất cả những tiếng động ồn ào này?”
Người nông dân đáp lại: “Bởi vì hai tai của tôi hòa nhịp được với tiếng dế”.
Thế rồi anh ta lại càng cố tình lắng nghe nhiều hơn, và dõi theo âm thanh đó, anh đã tìm ra được một con dế đang bò trên bờ cửa sổ. Người bạn của anh không thể nào làm được điều này. Nhưng người nông dân không hề tỏ ra ngạc nhiên. Thay vào đó, anh móc vài đồng xu từ trong túi áo ra, và ném chúng xuống lề đường. Khi nghe được tiếng leng keng của mấy đồng xu, những người qua đường liền ngừng lại nhìn theo dấu vết của chúng.
Người nông dân nói: “Bạn hiểu ý tôi chứ: Không có ai trong số những người này có thể nghe được tiếng dế, nhưng tất cả bọn họ đều có thể nghe được âm thanh của tiền bạc. Người ta nghe được cái gì hòa nhịp với hai tai của họ, và không thể nghe được tất cả những thứ còn lại”.
Điểm cần ghi chú ở đây khá rõ ràng: Nếu ít bị lo lắng phiền muộn, chúng ta có thể hòa nhịp với Thiên Chúa. Voltaire đã nói: “Ngay khi mở đôi mắt của mình ra, thì tự nhiên, người ta thừa nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Và Abraham Lincoln đã nói: “Tôi có thể nhận thấy con người có thể nhìn xuống mặt đất, và trở nên một người vô thần ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mà người ta có thể nhìn lên bầu trời, và nói rằng không hề có Thiên Chúa”.
Khi nhìn vào sự vật nào đó hoặc người khác, người ta sẽ nhận biết ngay rằng những sự vật này không tự hiện hữu được, mà chính là nhờ Thiên Chúa. Tương tự như một căn nhà phải có người xây dựng ra nó, một cái áo do người may, một cánh cửa do thợ mộc. Như vậy, thế giới chứng tỏ rằng phải có Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa.
Khi nhìn vào một công trình nghệ thuật, không thể nào bạn không nghĩ đến người nghệ sĩ. Nhìn vào thế giới tạo vật, mà không nhận thấy Đấng Tạo hóa, chính là mù quáng, không thấy được ý nghĩa của toàn thể công việc sáng tạo, và ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân mình. Tuy nhiên, thật đáng buồn là có nhiều người nhìn, mà vẫn không thấy gì. Họ lắng nghe, mà vẫn không nghe được gì. Đức Giêsu đã nói về Thiên Chúa, như là một người Cha đầy lòng xót thương và khoan dung. Người nói về chính mình, với tư cách là Con của Cha, và Người gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để trợ giúp chúng ta sống tư cách người môn đệ và con cái của Thiên Chúa.
Chúng ta đang trực diện với một mầu niệm vĩ đại. Tuy nhiên, bất cứ người con nào cũng đều có thể thấu hiểu, bằng cách cầu nguyện và sống mầu nhiệm này. Chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như là một người Cha (và người Mẹ), một người Cha yêu thương chúng ta một cách sâu sắc. Chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu như là một người Anh, Đấng hiến tặng cho chúng ta chính cuộc đời của Người. Và chúng ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần như là một người Bạn. Đấng trợ giúp chúng ta sống theo Đức Giêsu, và liên kết chúng ta với nhau, như là anh chị em trong một cộng đoàn của lòng tin và tình yêu thương. Với tư cách là những người Kitô hữu, đây là bầu khí mà trong đó chúng ta sinh sống, di chuyển và hiện hữu.
37. Đủ ánh sáng chưa?
Bà Rose đã viết thư cho bà Abby như sau, "Chào bà Abby, năm nay tôi đã 40 tuổi và tôi mong muốn tìm được một người đàn ông chạc tuổi của tôi, nhưng ông ấy không được có những tất xấu." Sau đó, bà Abby đã trả lời cho bà Rose như sau, "Kính thưa bà Rose, đó là người đàn ông mà tôi cũng mong muốn để tìm." Một điều hiển nhiên là cả hai bà Rose và Abby sẽ không bao giờ tìm được người đàn ông hoàn hảo mà họ hằng luôn mong muốn bởi vì người đàn ông hoàn hảo đó không hiện hữu trên thế gian này. Tất cả loài người chúng ta đều có những khuyết điểm. Nói theo tiếng của Thánh Kinh là chúng ta là kẻ có tội
Vậy thì chúng ta đi đâu để mà tìm được một con người hoàn hảo? Hôm nay Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta một Đấng hoàn hảo mà tất cả chúng ta có thể tin tưởng, cậy trông, và phó thác trót cả cuộc đời chúng ta cho Ngài. Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội đặt bài đọc Phúc Âm hôm nay vào ngày Lễ này thật là có ý nghĩa bởi nó nhắc đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay kể cho chúng ta mẩu đổi thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông Nicôđêmô là một trong đám người Pharisiêu đã nhận ra sự siêu nhiên ở con người Chúa Giêsu. Ông đã đến với Chúa Giêsu để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Bắt đầu cuộc đối thoại, Chúa Giêsu đã khuyên Nicôđêmô rằng nếu ông muốn chiếm được Nước Trời ông phải được sinh lại trong nước và Thần Khí. Chúa Giêsu còn nói với Nicôđêmô, "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài... Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" (Jn 3:16-17).
Qua bài Phúc Âm này, chúng ta thấy sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã sai Con Ngài xuống thế gian, Chúa Con xuống thế gian để cứu chuộc nó, và Chúa Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống. Nhận xét một cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy sứ mệnh của Ba Ngôi Thiên Chúa đều qui về một điểm đó là: yêu thương loài người chúng ta và muốn ban ơn cứu độ chúng ta để chúng ta có thể hưởng vinh quang Nước Trời.
Suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta rút ra được bài học mà Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô trong bài Phúc Âm hôm nay: "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để nhờ Con của Người, mà được cứu độ". Chúa Giêsu đến không phải để lên án thế gian nhưng để thể hiện tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Ngài đã trở nên giá chuộc thế gian. Chúng ta phải tránh không lên án bất cứ ai nhưng hãy yêu thương người khác.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã kết thúc với câu, "Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ là: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa" (Jn 3:21).
Ánh sáng ở đây phải hiểu như thế nào? Một Thầy Rabbi đã hỏi các học sinh của mình câu hỏi này, "Trong đêm tối, thế nào mới là có đủ ánh sáng?" Một học sinh trả lời, "Khi có thể nhìn thấy và phân biệt được rõ ràng được con vật đang ở trước mặt con là con chó hay con chó sói". Một học sinh khác trả lời, "Khi con có thể phân biệt được cái cây ở trước mặt con là cái cây gì." Một học sinh khác trả lời, "Khi con gần bước tới một cái hố mà con bất chợt nhận ra nó và ngừng bước". Sau đó, Thầy Rabbi mới nói, "Đây là câu trả lời đúng nhất mà Thiên Chúa đã nói với chúng ta: Có đủ ánh sáng có nghĩa là khi chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của người khác là những khuôn mặt của người anh em chúng ta."
Xin cho chúng con biết sống trong sự yêu thương bác ái. Chúng con xin tuyên xưng đức tin một Chúa Ba Ngôi: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
38. Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
(Giảng lễ thiếu nhi – Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt CSsR)
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng Chúa Ba Ngôi là sao? Ai có thể trả lời được?... Là Một Thiên Chúa có Ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần. "Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy." (GLCG số 253). Vì sao có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà không phải là ba Thiên Chúa nhưng chỉ một Thiên Chúa? Phải giải thích thế nào đây, có bạn nào giúp cha không?...
Tèo và Tí là đôi bạn thân học chung lớp tại trường Nguyễn Trường Tộ. Tí là người Công Giáo, còn nhà Tèo thờ Phật. Có lần Tèo đến chơi ngay lúc Tí đang học bài giáo lý "Chúa Ba Ngôi", chuẩn bị cho cuộc thi "Em hiểu Lời Chúa" do cha xứ tổ chức trong trại hè năm ấy. Tèo vừa nghe liền thắc mắc hỏi Tí: "Làm sao mà một có ba, mà ba lại chỉ có một được hả Tí?" Nếu có bạn nào đó hỏi chúng con về mầu nhiện Chúa Ba Ngôi như Tèo hỏi Tí, chúng con có trả lời được không?... Tí trả lời với Tèo là "được". Tí nói: "Cũng như một tam giác đều có ba cạnh bằng nhau nhưng chỉ có một tam giác thôi. Hay bạn xem ngón tay của mình nè. Một ngón có ba đốt, ba đốt nhưng chỉ có một ngón tay thôi." Tí trả lời như thế tốt lắm nhưng không cho biết gì về ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo.
Có truyền thuyết kể rằng thánh Augustinô, một vị thánh lớn của Giáo Hội, sống vào thế kỷ thứ tư. Ngài rất thông thái, đã viết nhiều cuốn sách về Đạo, đặc biệt là cuốn "Tự Thuật". Ngài đã cố gắng suy nghĩ để tìm cách giải thích tại sao một Thiên Chúa có Ba Ngôi, mà Ba Ngôi lại chỉ có một Thiên Chúa chứ không phải là ba Thiên Chúa. Một hôm, ngài đi dạo trên bờ biển đẹp. Ngài thấy một em nhỏ đào cái lỗ trên bãi cát dài bị những cơn sóng xô lên đập xuống phẳng lì một màu trắng ngà rất xinh. Em cầm chiếc vỏ sò liên tục múc nước biển đổ vào lổ. Nước thấm nhanh xuống cát chẳng để lại dấu vết gì. Em bé cứ mãi miết làm chẳng để ý chung quanh. Có cái gì đó thúc đẩy, thánh Augustino bước tới hỏi em bé: “Con đang làm gì vậy?” Em bé ngước mặt lên nhìn thánh Augustino và nói: “Con có thể múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này, còn ngài, ngài không thể hiểu hết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi." Thánh Augustinô sững sờ! Tại sao một em thiếu nhi lại biết được mình đang nghĩ gì? Đến khi thánh nhân bình tĩnh trở lại thì không còn thấy em bé nữa, và người ta coi đó như là thiên thần đến nhắc nhở thánh Augustino về sự siêu vời vượt quá trí tuệ con người của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tìm cách giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có cái hay, là qua đó cho thấy, niềm tin vào Mầu nhiệm không mù quáng; xét về phương diện lý trí, cuộc sống có rất nhiều hình ảnh cho chúng ta hiểu được phần nào. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tìm cách giải thích: “Một mà Ba, Ba mà Một”, nhưng là lắng nghe Lời Chúa để biết Thiên Chúa Ba Ngôi đối với chúng ta thế nào.
Các con có nhớ bài đọc thứ nhất trích từ sách gì không?... "Sách Xuất Hành." Đúng rồi. Con giỏi lắm! Tác giả sách thánh kể, có một hôm, ông Mô-sê thức dậy lên núi Xinai theo lệnh của Đức Chúa. Chúa hiện ra với ông. Chúa nói gì?... Chúa giới thiệu về Chúa, Chúa đi qua trước mặt ông Môsê và nói to: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.”
Còn bài đọc hai trích từ sách nào?... "Từ thứ hai của thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Côrintô". Con giỏi!... Trong đó, thánh Phaolô nói cho chúng ta biết như thế này: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.” Khi gần kết thúc bài đọc, chúng ta nghe thánh Phaolô nói thêm: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần." Nếu trong bài đọc một, chúng ta chỉ được biết về Đức Chúa là Thiên Chúa "nhân hậu, từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” thì trong bài đọc hai, chúng ta được thấy một cách rõ ràng về Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là nguồn tình thương và bình an, Chúa Giêsu là nguồn ân sủng tức là nguồn ơn cứu độ vô tận ban cho con người, Chúa Thánh Thần là ơn hiệp thông có nghĩa là nối kết chúng ta lại với nhau và với Chúa. Như thế, mỗi Ngôi mỗi cách nhưng đều chung một điểm là yêu thương ta. Do đó, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe công bố, thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Thiên Chúa yêu....” Ai nhớ đọc tiếp giúp cha?... “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời."
Như vậy, cả 3 bài đọc trong Thánh lễ hôm nay đều nói cho chúng ta biết: Chúa Cha thương chúng ta, Chúa Con tức là Chúa Giêsu thương chúng ta và Chúa Thánh Thần thương chúng ta, Ba Ngôi Thiên Chúa cùng thương chúng ta. Nhưng cha hỏi thật các con nhé: các con có thấy Chúa thương mình không? Con thấy Chúa thương con thế nào?... Cha thấy Chúa thương cha, vì hồi đó cha thích đi tu mà cha cứ sợ cha tu không được. Vậy là cha cầu nguyện, cha đi, cuối cùng cha tu được. Chúa nhậm lời cha nên cha thấy Chúa thương cha. Hay như bạn Thảo chia sẻ, bạn ấy thấy Chúa thương bạn vì nhờ ơn của Chúa mà kỳ thi vừa rồi bạn được điểm cao. Bạn Tuấn thì cảm nhận Chúa thương gia đình mình khi mẹ được ơn Chúa thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo. Tất cả những cảm nhận đó rất quí, nhưng thấy Chúa thương mình khi mình được ơn là bình thường. Độc đáo hơn làthế này: cách đây không lâu cha vào bệnh viện thăm một bệnh nhân. Người ấy kể cho cha nghe cơn đau của bệnh ung thư khủng khiếp như thế nào, đến độ cha nghe cũng cảm thấy sợ! Nhưng có điều rất lạ; người ấy vừa kể mà cứ nói cám ơn Chúa, Chúa thương cho mình sức chịu đựng. Cha khâm phục một đức tin như thế!... Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là ơn quí nhất mà Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta.
Ơn quí nhất, tình thương lớn nhất mà Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta là gì các con biết không?... Là Ba Ngôi Thiên Chúa bao bộc cuộc sống của ta. Con người khi mới sinh bé xíu, rồi lớn lên thành người lớn, thêm tuổi nữa thì già và cuối cùng là chết. Chết là hết phải không chúng con?... Không! Chết là về với Chúa. Vậy cuộc đời của người Kitô hữu là con đường về nhà Cha trên Trời. Nói một cách chính xác thì mỗi ngày trong cuộc sống Chúa Giêsu dẫn ta về, Chúa Cha đang đứng đợi, Chúa Thánh Thần ban sức để ta đi. Đây chính là ơn quí nhất Thiên Chúa ban cho chúng ta, và đây cũng chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng ta.
Quí ÔBACE, và các em thiếu nhi thân mến. Tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, một khi hiểu về ý nghĩa của Mầu Nhiệm dựa trên Lời Chúa thì thái độ sống của chúng ta cần thiết thế này: Vì Chúa Cha đang đợi nên em luôn cầu nguyện. Vì Chúa Giêsu dẫn đường nên phải theo Ngài sát, đừng làm gì khác với Ngài. Vì Chúa Thánh Thần ban sức nên em luôn xin Ngài sức mạnh để thực hiện lời Chúa Giêsu. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam