Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 38

Tổng truy cập: 1372783

DỰ TIỆC

Dự tiệc – Lm. Vũ Đình Tường

Hầu như ai trong chúng ta cũng có lần tham dự tiệc. Hoặc là do chính gia đình mình tổ chức hoặc là do người thân quen tổ chức mời tham dự. Tiệc có thịt và rượu là món chính, ngoài ra còn những món phụ khác làm cho bữa tiệc thêm thịnh soạn. Cũng có thể là món phòng trường hợp có thực khách thích rau hơn thịt, cá. Có bữa tiệc không có thịt cũng chẳng cá được gọi một tên đặc biệt là tiệc chay. Dù tiệc mặn hay chay vấn đề tổ chức, thiệp mời cũng đòi hỏi nhiều công sức. Nếu không cẩn thận sẽ quên việc này, sót việc nọ làm cho việc tổ chức thành luộm thuộm, vá víu và hậu quả là niềm vui giảm, lo lắng tăng và bất bình, cãi vã, đổ thừa là điều ắt phải có.

Tiệc mừng thường đi sau tin vui để đón tin vui. Tin vui dù lớn hay nhỏ đều quan trọng, cần thiết trong cuộc sống. Tin vui được coi là một phần trong cuộc sống, là ước vọng làm cho cuộc sống thêm hạnh phúc, ý vị. Tổ chức tiệc to nhỏ lệ thuộc vào niềm vui lớn nhỏ và hoàn cảnh tài chánh gia đình. Tùy theo cách mời mà thực khách đoán biết tầm mức quan trọng khi được mời. Mời qua điện thoại, mời lúc gặp ngoài đầu đường, cuối thôn, gặp nhau mời tới cho thêm vui. Mời có danh thiếp là tiệc mời quan trọng, trịnh trọng nhất. Theo phong cách đó người được mời dự tiệc nếu không là thân nhân thì cũng là người quen của gia đình. Vì thế vui mừng chấp thuận hay từ chối lời mời đều có ý nghĩa, nguyên nhân riêng của nó. Có nhiều lí do khách từ chối tham dự tiệc như cách trở ngàn trùng, giấy phép xuất nhập cảnh, sức khoẻ hay ngay cả hoàn cảnh tài chánh gia đình không cho phép và cũng có khi vì công ăn việc làm.

Dụ ngôn nhà vua tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử (Mat 22,1-14) bị các thực khách từ chối tham dự mang một ý nghĩa đặc biệt. Thứ nhất không phải một người mà nhiều người cùng từ chối. Thứ hai lí do đưa ra rất chung chung, bận công ăn việc làm. Thử hỏi mấy ai không bận công ăn việc làm. Thứ ba thiệp gởi mời trước ngày khai tiệc để khách có giờ chuẩn bị. Thứ tư đây là tiệc cưới hoàng gia, đúng ra phải hãnh diện, vui mừng mới phải. Thực khách lại chối từ không tham dự. Tệ hơn nữa còn xỉ vả, giết chết gia nhân hoàng tộc. Quả là hành động khiêu khích. Giết người vô tội trở thành kẻ có tội. Lí do khách vin vào từ chối là hành động phản kháng nhà vua. Hoàng tử chỉ là nạn nhân của phản kháng và gia nhân bị giết là vật tế thần của khiêu khích. Đối với thứ dân từ chối tham dự tiệc cưới của gia đình là hình thức phản kháng cho biết chưa thân thiết mấy, tình bạn còn lỏng lẻo nên coi nhẹ lời mời, không quan tâm, liệt vào ưu tiên hàng đầu.

Khách dự tiệc cũng cần chuẩn bị chu đáo vừa cho mình vừa khỏi làm mất mặt chủ tiệc. Một người tham dự tiệc cưới mà mà mặc áo công nhân đi dự sẽ lạc lõng. Dù không ai nói gì, mọi người nhìn vào cách ăn mặc lập dị đó cũng đủ cho chủ tiệc buồn. Như thế tham dự tiệc vui đã không chia vui, mang lại niềm vui; trái lại mang đến nỗi buồn, nỗi lo cho chủ tiệc.

Nước trời thường được ví như ngày hội vui, tiệc cưới. Tiệc thiên quốc do Chúa các đạo binh thiết đãi. Là ngày vui mừng hoan hỉ vì không còn tiếng rên xiết, không còn than van. Vui vì sự chết bị tiêu diệt. Ngày người ta không chôn xác người mà chôn chiếc khăn tang, vùi sâu vào lòng đất vì không bao giờ cần đến nó nữa. Nước trời được ví như tiệc cưới. Khách mời nằm trong danh sách chọn lựa. Không phải mời cách trống không, chung chung mà sai gia nhân đi mời. Tới ngày chủ còn sai gia nhân nhóm đi nhắc nhở khách, nhóm nhắc lại lời mời. Khách được mời không đáp nghĩa. Họ cũng không chuẩn bị để dự tiệc và cũng chẳng sẵn sàng. Trái lại còn chê trách, phản kháng lời mời gọi.

Nghĩ người rồi nghĩ đến ta. Tiệc Thánh Thể chính là hình ảnh tiệc cưới nước trời. Mỗi Kitô hữu hãy thành tâm nhìn lại thái độ, hình thức, phong cách chúng ta chuẩn bị tâm hồn, trong ngoài khi tham dự thánh lễ. Tham dự với tâm hồn sốt sắng, thành tâm, yêu mến. Trái lại tham dự có tính cách hời hợt, làm cho có lệ, cho xong tránh tội. Đến trễ về sớm, đứng ngoài sân ngó vào, vừa nói chuyện vừa tham dự thánh lễ. Tất cả những tâm tình thái độ trên cách nào đó bộc lộ nội tâm và tâm tình tham dự tiệc cưới nước trời. Coi thường bí tích Thánh Thể có khác chi nhóm thực khách được nhà vua mời tham dự tiệc cưới, họ đã không đi còn viện lí do bài bác, phê bình, chê trách.

Chúng ta hãy xin ơn biết yêu mến, quí trọng Bí Tích Thánh Thể.

 

47. Lửa mến – Lm. Vũ Đình Tường

Cả trẻ em lẫn người lớn đều chơi trò giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu của người khác. Trẻ con nghe cha mẹ kêu gọi nhưng chúng giả bộ không nghe, làm ngơ tiếp tục chơi trò chơi bởi con tim chúng đang nồng cháy với trò chơi. Người lớn có vẻ lịch sự hơn khi giả bộ điếc từ chối lời mời gọi của anh em. Họ cáo lỗi với nhiều lí do khác nhau với hi vọng giữ được hoà khí, không làm phật lòng người anh em. Tất cả các lí do đều đúng nhưng không phải tất cả đều chính đáng. Tựu chung thì người nào cũng viện cớ vào công việc bận rộn với những lời hứa từ trước và không thể thất hứa. Những lí do trên cho chúng ta thấy một điều rất thật đó là cuộc sống con người trong thời đại kĩ nghệ, từ già đến trẻ đều bận rộn, kể cả người già về hưu cũng bận bịu suốt ngày. Tất nhiên công việc của họ ít hơn nhưng tuổi già họ chậm hơn, mau mệt hơn vì thế cần nhiều thời gian cho cùng công việc.

Phúc Âm hôm nay nói vể dụ ngôn vua nước trời tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử. Thiệp mời phát ra nhưng người nhận được thiệp đều từ chối vì người nào cũng bận rộn công việc không thể tham dự tiệc cưới. Những lí do từ chối tựu chung vào một iếu tố duy nhất đó là con tim họ đang nồng cháy với việc trần thế, không phải việc thiên quốc.

Thứ nhất cuộc sống tân tiến chính là cuộc sống hàng ngày con người phải chạy đua với máy móc. Ai cũng biết sức người sao so với sức máy nhưng vẫn phải chạy, không thể ngừng. Đời sống mệnh danh là có mức sống cao chính là mức sống đòi hỏi bận rộn từ sáng tinh sương cho đến khuya. Mệt nhoài người ra thế mà đôi khi có ngày công việc bỏ dở không làm hết.

Thứ hai mưu sinh cho cuộc sống là ưu tiên hàng đầu trong mọi thứ ưu tiên. Vì thế việc đáp trả lại lời mời gọi tham gia vào cộng đoàn dân Chúa trở thành ưu tiên thứ yếu, ưu tiên phụ. Bởi phải chạy đua, cạnh tranh liên tục nên mấy ai có giờ nghỉ thảnh thơi thoải mái. Khi được nghỉ lại dành thời giờ cho việc nhà, sơn chỗ này, sửa chỗ nọ, quét dọn chỗ kia, cuối ngày vẫn chưa xong và tất nhiên không có giờ nghỉ.

Thứ ba nhiều người tự an ủi là mai mốt có giờ sẽ phục vụ cộng đoàn, hiện nay chưa thể. Ai cũng biết mai mốt rất ít khi đến. Hơn nữa thời giờ của người bận rộn thì bay đi rất nhanh nên quay lại thấy ôi thôi già mất rồi. Đời sống cộng đoàn giầu mạnh là nhờ cộng tác tài đức của mỗi thành viên. Không cộng tác vào cộng đoàn mình đang sinh hoạt sẽ làm cho cộng đoàn đó thiếu đi một ít sinh khí sống động. Ít người cộng tác quá cộng đoàn đó sẽ sống èo ọt.

Thứ tư liên quan đến sức khoẻ con người. Cơ thể con người mau chóng thích ứng với hoàn cảnh nhưng nó có giới hạn riêng của nó. Nếu ép nó chịu đựng quá mức nó sẽ tự huỷ do sức ép quá mức của công việc. Bệnh nan y xảy đến là điều không trể tránh. Lúc đó con người lại than trách cuộc đời sao nặng nhọc quá sức thế. Ít ai chịu nhận lỗi do mình gây nên.

Thứ năm thuộc về lãnh vực tâm lình. Chúng ta tin là Thiên Chúa ở tận đâu đâu, xa lắm, Ngài đang bận rộn điều hành vũ trụ mù xa. Quan niệm Chúa ở xa đưa đến việc vắng bóng Chúa trong đời, vắng bóng Chúa trong gia đình, vắng Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày, và con tim nguội lạnh thờ ơ đời sống đức tin. Đời sống đạo nguội lạnh thì việc tham gia phục vụ cộng đoàn hẳn là băng giá. Bởi tin là Thượng Đế xa vời nên cảm thấy iên ổn trong việc thờ ơ, nguội lạnh đời sống đạo và iên tâm lo việc kiếm sống.

Trở lại với dụ ngôn chúng ta thấy vua nước trời có cách giải quyết riêng của Ngài. Người được mời dự tiệc cưới từ chối tham dự không làm cho tiệc cưới phải đình chỉ, cũng chẳng làm cho nó kém vui. Vua sai gia nhân ra đầu đường, góc phố gặp ai mời người đó vào dự tiệc cưới và hội trường chật ních người từ muôn phương dồn đến. Trong số đó có kẻ giầu, người nghèo, kẻ sang người hèn, kẻ quyền quí giới bình dân. Thành phần tham dự tiệc cuới nước trời dành cho những con tin nồng cháy, mau mắn đáp lại lời mời của Đức Vua.

 

48. Không có gì vui hơn tiệc cưới

Mỗi thánh lễ nhắc lại dụ ngôn của sự mời gọi này: ”Phúc cho những người dược mời tới dự tiệc của Chúa!”. Nhưng Matthêu nhà đạo đức nhanh chón báo động với chúng ta: Khốn thay kẻ từ chối lời mời và khốn thay kẻ nào đến mà không cố gắng để làm cho mình xứng đáng dự tiệc.

Dầu sao tôi cũng muốn ở giây lát trong niềm vui trong sáng. “Nước Trời giống như một ông vua dọn tiệc cưới cho con trai mình”. Khi nói điều ấy, Chúa Giêsu thấy được nhiều điều! Chúa Cha và đám đông con người. Và Ngài, Con của vua và là người anh em phổ quát. Ngài là Đấng không chỉ “ở giữa” Chúa Cha và con người mà thôi, nhưng “hướng về Chúa Cha” và “được trao ban cho con người”. Kết hợp Thiên Chúa với nhân loại trong các tiệc cưới lạ lùng. Không có gì vui hơn tiệc cưới. Đừng bao giờ đánh mất cái nhìn về lễ hội vô cùng của Tin Mừng là lễ hội mở tất cả các cửa của Thiên Chuá cho tất cả mọi người.

Chúa Giêsu nhấn mạnh trên sự miệt mài của Chúa Cha để nói với chúng ta: các ngươi hãy đến, tất cả đã sẵn sàng! “Ngài sai các đầy tớ... Ngài lại sai các đầy tớ khác... Ngài nói với các đầy tớ: các ngươi hãy mời tất cả những người mà các ngươi có thể gặp”. Kẻ nào không cảm thấy vui vẻ vì được Thiên Chúa mời thì kẻ ấy không nhận biết Thiên Chúa.

Thế thì tại sao có nhiều người từ chối? Matthêu phác hoạ còn Luca thì xác định những lý do: “Người thì đi ra đồng, kẻ thì lo buôn bán”, Matthêu nói như thế. Còn Luca thì bảo: “Tôi vừa mua một đám ruộng... Tôi vừa mua mấy con bò... Tôi mới cưới vợ”.

Đó là những lý do tuyệt vời, và biết bao Kitô hữu cuối cùng từ chối những lời mời của Thiên Chúa bằng mọi lý do tốt đẹp! Giờ đây dụ ngôn không còn được nói lên cho những người Do thái bị đe doạ là những người ngoại đạo sẽ thay thế họ nữa, dụ ngôn được nói với những Kitô hữu. Trong các bài phỏng vấn về cách thức sống đức tin, những Kitô hữu nói với tôi: “Tôi không hành đạo, tôi không đọc kinh”. Những lý do họ nêu ra đôi khi bi đát, nhưng thường thường tôi nghe gần giống như những từ trong dụ ngôn: “Tôi quá bận bịu vì chuyện này chuyện nọ...”

Bởi vì bạn đang đọc những bài suy niệm này nên bạn không ở trong trường hợp đó, nhưng chúng ta hãy chú ý, Thiên Chúa lúc nào cũng mời gọi.

Chúng ta có thể nghĩ rằng có hai dụ ngôn: dụ ngôn vói về lời mời gọi lớn lao và những lời từ chối, và dụ ngôn người được mời bị loại ra. Thực ra, đây cũng cùng một ý tưởng mời gọi, nhưng sự mời gọi rộng rãi đến nỗi cuối cùng trong phòng tiệc có cả “người tốt lẫn kẻ xấu”. Điều này nhắc lại các dụ ngôn cỏ lùng và lưới cá trong đó Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng bất cứ những người nào được Thiên Chúa mời gọi cũng sẽ có cơ may trở nên tốt lành.

Ở đây nữa họ cũng phải nỗ lực. Dụ ngôn bắt đầu bằng sự biết ơn đầy kinh ngạc: “Phúc cho những kẻ được Chúa mời dự tiệc!”. Dụ ngôn kết thúc bằng việc trở lại thái độ của người được mời. Chúng ta đang ở trong phòng tiệc, đây chính là Giáo hội, cộng đoàn dự lễ Chúa nhật, tiệc Thánh thể. Cũng không thiếu lời mời gọi chúng ta: “Chúng ta hãy nhìn nhận chúng ta là những kẻ tội lỗi...”. Và trước khi rước lễ: “Lạy Chiên Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, xin cho chúng con một bộ đồ cưới”.

 

49. Những người được chọn và được gọi.

Thánh Matthêu trình bày ở đây ba dụ ngôn mà chắc chắn Chúa Giêsu đã nói đến trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng đúng ra, được quy hợp thành một toàn thể, các dụ ngôn đó giúp khám phá những viễn tượng mới cách phong phú hơn, vì những dụ ngôn đó chứng tỏ lập trường của những nhóm khác biệt đối với nước Thiên Chúa. Nhóm thứ nhất gồm có nhiều hạng người lãnh đạm hờ hững. Thái độ lãnh đạm của họ rất trầm trọng, vì đây là một việc tối hệ, dụ ngôn nói về tiệc cưới của Thái Tử, đó là một cuộc lễ duy nhất chỉ có những ai sang trọng mới được dự. Hơn nữa, lời mời gọi được lập lại nhiều lần biểu thị tính chất bất nhất của khách mời. Thái độ nhửng nhưng hình như là một xúc phạm.

Áp dụng dụ ngôn vào giáo hội, họ là những người đáng lẽ phải hiểu biết ý nghĩa dụ ngôn để cải hóa, nhưng vẫn đứng ngoài như những kẻ không tha thiết gì cả. Thương mại làm họ chú tâm hơn kinh nguyện, dương thế có giá trị hơn Thiên đàng, thời gian có ý vị hơn vĩnh cửu, bản ngã quý hơn Thiên Chúa. Họ không phải là thù địch, cũng không phải là vô thần, cũng không phải là vô tôn giáo. Nhưng họ không có thì giờ, chỉ hoàn toàn bận tâm với những lo âu trần thế.

Rồi sẽ ra sao? Thiên Chúa cũng không chú ý đến họ, để họ bị bỏ rơi và quên lãng. Nếu họ ngoan cố trong tình trạng này, họ sẽ bị kết án vĩnh viễn: “Ta không biết các ngươi. Ngày nay trước nhiệt tình đấu tranh chính trị, trước nhịp độ vội vã của cuộc sống kinh tế, trước cảnh náo động của thế giới, nhóm này hình như quan trọng đặc biệt.

Nhóm thứ hai gồm những người tự xưng là đối thủ. Trong dụ ngôn, đó là những người xử dụng tiệc cưới để nổi loạn và từ chối không theo hoàng vương. Mọi việc đều sôi nổi tạo nên một cuộc tranh chấp đẫm máu và thanh trừng tàn bạo. Áp dụng vào giáo hội, họ là những người vô thần cuồng tín, chiến đấu mạnh mẽ, là những bè phái tự cho là sáng suốt, là những người coi Tôn giáo là một loại thuốc phiện mê dân, coi đức tin như một loại ký sinh trùng bám vào nhân loại; coi luân lý công giáo làm suy giảm ý thức quốc gia, coi Giáo Hội là một chế định do những người đen tối thiết lập để che chở những kẻ trí thức nhỏ bé. Họ chống đối Kitô giáo và Giáo Hội bằng lời nói, bút mực, hay hành động có tổ chức. Khi họ nắm chính quyền họ xử dụng luật pháp, cảnh sát, và trong trường hợp thất bại, họ dùng đến quân đội, thanh toán Kitô giáo: Đó là mục đích họ theo đuổi.

Tuy nhiên, cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa luôn luôn thất bại thảm khốc. Quan niệm tạp chủng về một siêu nhân loại sẽ gây nên cảnh trụy lạc dưới ảnh hương củ ác quỷ và phi nhân. Khi cả gan chống lại Thiên đàng sẽ bị rơi xuống hỏa ngục.

Nhóm thứ ba, gồm những người bước vào phòng tiệc nhưng không mặc áo cưới. Bên ngoài, họ là những người được mời, nhưng tâm tình bên trong của họ không hòa hợp với hoàn cảnh. Có lẽ họ cũng có áo cưới, nhưng họ coi việc mặc áo vào là vô ích. Phong độ của họ chứng tỏ họ khinh bỉ chủ tiệc. Thuộc về nhóm này còn có những ai thực sự là thành phần của Giáo Hội và tham dự vào đời sống Giáo Hội như những người Công Giáo sùng tín, nhưng mặt khác, họ khinh chê lời các Tông đồ, không mặc lấy Đức Kitô, không thấm nhuần tinh thần của Ngài. Đó là những chi thể chết của nhiệm thể. Họ tha hóa nhiệm thể và bóp méo nhiệm thể. Họ là những cành cây héo úa của Thiên Chúa, những cành cho khô khẳng, là những người Công giáo trong ngày Chúa nhật. Bên ngoài họ có vẻ quen thuộc với tôn giáo, nhưng trong tâm hồn họ vẫn xa lạ với tinh thần Đức Kitô. Trong dụ ngôn, số phận của họ là bị trục xuất khỏi lễ tiệc vì họ đã làm phiền lụy đến buổi tiệc và bóp méo hình ảnh buổi tiệc. Nếu họ cố chấp trong tình trạng của họ, họ sẽ bị Chúa tuyên phạt đời đời.

Sau cùng, nhóm thứ tư gồm những người đã chấp nhận lời mời gọi và rất mực khôn ngoan vì được hạnh phúc bất ngờ. Họ đến từ khắp nơi, dù biết rằng họ không có liên quan gì đến đặc ân này. Họ vô cùng hân hoan. Đó là những người ý thức về ơn sủng. Họ biết rằng, tiếng gọi của Chúa là do lòng thương xót, được ban xuống cho những người xa lạ, những chiên lạc, những tội nhân và những người bất xứng. Nhưng khi đã nghe tiếng gọi đó, họ cố gắng trả lời. Vì thế đời sống của họ là một đại lễ. Họ được tham dự vào tiệc cưới Con chiên. Họ vui sướng như ở Cana, bên những bình đầy rượu cách lạ lùng. Họ sẽ vẫn là những người bạn của quân lang. Tiếng gọi được ban xuống cho nhiều người, nhưng trong số những người đó có những người biệt phái coi mình là những kẻ ưu tuyển rồi lên mặt khoe khoang. Họ chỉ là thiểu số. Ngược lại, trong nước Chúa, cũng có những người tùy thuộc vào một thành phần ưu tuyển luân lý và công giáo, song vẫn không dám giả hình kiêu ngạo, tự mãn với ơn chọn lựa.

 

50. Lễ cưới Nước Trời - P. Trần Đình Phan Tiến

Vâng, kính thưa quý vị, Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII (A) hôm nay (Mt 21, 1-14) một lầm nữa Chúa Giêsu lại dùng dụ ngôn nói về Nước Trời. Dụ ngôn hôm nay là “Dụ Ngôn Tiệc Cưới “. Có thể đoạn Tin Mừng hôm nay hơi khó hiểu, nếu chúng ta hiểu một cách nông cạn, theo nghĩa đen. Nhưng, nếu chúng ta hiểu theo ý nghĩa của niềm tin, ý nghĩa siêu nhiên, thì chúng ta sẽ thấy một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì, điều mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là điều mà Chúa yêu thương chúng ta.

Khởi đi từ Bài đọc I (Is 25, 6-10a), chúng ta thấy sự “ khải hoàn “ sự vinh quang từ Thiên Chúa, sự mong đợi sự thết đãi từ Thiên Chúa đối với dân của Ngài. Bởi vì, ngoài Thiên Chúa ra, dân riêng của Ngài, ai chăm sóc, ai vỗ về, ai yên ủi? Chúng ta thấy, niềm vui thường đi kèm với yến tiệc. Yến tiệc khoản đãi từ Thiên Chúa còn gì là cao cả hơn?! Theo đó, phần thưởng chiến thắng, phần thưởng được ban ra từ Thiên Chúa, thì không có gì có thể so sánh được. Đó là niềm an ủi, niềm khích lệ, niềm mong đợi của sự công chính cho người công chính.

Theo đó, chúng ta thấy, từ trước Chúa Cứu Thế, dân Thiên Chúa đã mang một tâm tình mong đợi như vậy. Và Isaia đã được chính Thiên Chúa mở miệng cho nói những điều trên. Cho thấy, điều mà Tiên tri Iasia nói chính là hình bóng một Nước Thiên Chúa mà con người luôn mong đợi. Nhưng khốn nỗi thay, khi Thiên Chúa ban Nước ấy cho con người, thì họ lại khước từ.

Vâng, từ thực tế nêu trên, chúng ta mới thấm thía được ý nghĩa Tin Mừng hôm nay.

Tin Mừng hôm nay (Mt 22, 1-14) có thể chia ra ba ý chính:

Ý nghĩa “Dụ ngôn tiệc cưới “ (Mt 22, 1- 10)

Y phục tiệc cưới (c 11- 12)

Sự tuyển chọn của Thiên Chúa. (c 13 -14)

Chúng ta thấy, đoạn Tin Mừng hôm nay có nhiều tình tiết “ đối chọi” nhau. Ngay chính đoạn đầu, chúng ta thấy có sự “thất bại”, có sự “ thất trung, thất tín” trong bữa tiệc cưới. tiệc cưới là một niềm vui lớn trong đời người, lại là tiệc cưới của Con “ Ông Vua “, tức hoàng tử. Chúng ta hãy đặt mình vào trong chính trường hợp như vậy. Có vị vua nào mà không có niềm kiêu hãnh, sự tự hào, dù là vị vua rất mực nhân từ. Càng nhân từ, càng xứng đáng với niềm hãnh diện của một vị vua. Chúa Giêsu rất chận thật, rất chân lý và tâm lý, khi miêu tả Nước Trời bằng một dụ ngôn “ Tiệc Cưới “. Điều nầy phù hợp với tâm tình và đặc tính của một vị Vua là Thiên Chúa.

Bởi vì, Thiên Chúa sẽ trừng phạt và sẽ hành động như vậy, không còn cách nào khác hơn. Với cương vị là một “ Vị Vua Trời “, Thiên Chúa đã quá nhân từ, khi con người tội lỗi đã quá mạo phạm, chống lại, khước từ ân sũng của Ngài.

Chúng ta thấy, về mặt nghĩa đen và câu chữ là một sự bất trung, thất tín, một sự chống lại Thiên Chúa. Nhưng về ý nghĩa siêu nhiên, thì Nước Trời qua dụ ngôn Tiệc Cưới chính là bữa tiệc cứu độ (messianic banquet). Chúng ta hiểu được bữa tiệc cứu độ, “Bữa Tiệc Thánh”, cụ thể như Thánh Lễ Missa ngày nay, thì chúng ta mới hiểu được sự phù hợp của câu chuyện “Tiệc Cưới Nước Trời “ hôm nay. Việc mời là sự tự do của lòng tốt, không phải bắt buộc mời. Sự mời thể hiện tính cách tôn trọng, tử tế, yêu mến. Nhưng sự từ chối, tỏ vẻ khinh khi, phớt lờ. Thái độ không đáp trả là thái độ dể ngươi. Nhưng cũng có những trường hợp chính đáng. Nhưng trong dụ ngôn, cho thấy hai lần mời, khách được mời đều tỏ rõ thái độ xem thường. Lần đầu, là những khác đã được mời trước, nhưng họ không chịu đến (c 3). Lần thứ hai, Nhà vua nói rõ: Tiệc đã sẵn sàng, cỗ đã bày xong, rượu ngon, thịt béo, mọi sự đã sẵn sàng. Mời quý vị đến dự tiệc cưới. (c 4). Nhưng lần nầy, không những họ không đi, mà lại tỏ ra cho thấy những lý do vì tư lợi, kẻ thì đi buôn bán, người đi thăm trang trại. Còn tệ hơn co những kẻ lại bắt các đầy tớ cảu vua đáng đập và giết đi. (c 5- 6). Như vậy, không còn là lý do chính đáng nữa, mà là lý do phụ rẫy, lý do xem thường vị vua. Như vậy, tất nhiên vua sẽ nổi cơn thịnh nộ mà tru diệt bọn ác nhân. Và rồi vua cho mời tất cả những kẻ không được mời trước đây, lúc nầy không phân biệt người sang, kẻ hèn, ai cũng được mời. Có nghĩa là ơn cứu độ được ban cho hết mọi dân nước, chứ không còn dành riêng cho một dân nào. Theo đó giáo hội luôn gồm hai thành phần kẻ lành và người tội lỗi. Ơn cứu độ ở đây hiểu là “ Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh “ của Đức Kitô. Nhưng khách được mời dự tiệc “bắt buộc” phải mặc y phục lễ cưới. Điều nầy theo phong tục của người Do-thai. Khi đến dự tiệc cưới, khách mời phải mặc y phục của bữa tiệc đó, không được mặc y phục tự do, hay theo ý mình. Nhưng, phải mặc trang phục lễ cưới, bởi vì, để tỏ thái độ kính trọng với người chủ tiệc. Từ ý nghĩa thực tế, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh nầy để miêu tả dụ ngôn.

Nhưng, y phục tiệc cưới ở đây chính là thái độ đón nhận Tin Mừng và thực thi Tin Mừng. Điều nầy có nghĩa là: Muốn đón nhận ơn cứu độ, muốn vào Nước Trời, thì kẻ ấy phải ăn năn, sám hối, cải thiện đời sống. Đó chính là y phục lễ cưới. Không có y phục lễ cưới, minh nhiên, người ấy không thể vào dự tiệc cưới của “Vua Trời “ được. Ơn Cứu độ được trao ban nhưng không, nhưng muốn được cứu độ, thì phải mặc lấy tâm tình sám hối, như vậy, mới có thể đón nhận Nước Trời được. Nước Trời là nơi có Thiên Chúa ngự trị, mặc nhiên phải mặc lấy “ Tâm tình “ của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại, có lần Chúa Giêsu đã nói: “ Không phải những kẻ kêu lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời. Nhưng những kẻ nghe và thực hành Lời Chúa (ý muốn của Cha Thầy) mới được vào mà thôi!” (Mt 7, 21 -22)

Ở câu 13, chúng ta “ trói tay chân nó lại và ném ra ngoài, ở đó sẽ khóc lóc và nghiến răng “, câu nầy đưa ra có vẻ gay gắt. Sự dẫn ra gay gắt của dụ ngôn hợp lý với khuôn mẫu lịch sử cứu độ. Nhưng, không thích hợp với những hàng chữ của câu chuyện. Vì chúng ta thấy, vị vua vừa muốn mời người ta dự tiệc. Có người từ chối, nhưng khi mời tất cả những người không định mời trước đó, nhưng khi thực khách đã đông, thì vua lại chú ý đến người dự tiệc không mặc y phục lễ cưới, ngay tức khắc bị đuổi ra ngoài. Như vậy, ơn cứu độ được trao ban nhưng không, nhưng người muốn đón nhận phải là người có lòng “ sám hối “. Có nghĩa là người đó phải có “ tinh thần của anh trộm lành”. Y phục lễ cưới là “ tâm tình người trộm lành “.

Qua đó, thánh Matthuê muốn phân biệtt giữa sự kêu gọi lúc ban đầu đối với sự cứu độ của Thiên Chúa và sự tuyển chọn và bảo tồn sau cùng. Theo đó, sự cánh chung không phải là sự tự động hóa. Do vậy, những người có niềm tin được cảnh báo chống lại sự tự phụ, tự mãn. Thánh Matthuê đã thường khiêm tốn nhìn nhận, bằng cách truyền thống của ngài, theo dụ ngôn “ những kẻ tá điền sát nhân “. (Mt 21, 33 -46)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con bằng những dụ ngôn về Nước Trời. Để chúng con hiểu và thực thi ý muốn của Cha trên Trời. Xin thương cho chúng con biết đón nhận ơn cứu độ từ nơi Chúa và biết cải tà quy chánh, sống theo đường lối của Chúa, vì đó là y phục lễ cưới Nước Trời. Như vậy, chúng con mới xứng đáng được vào dự tiệc cưới với Người. Amen.

home Mục lục Lưu trữ