Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1371461

ĐỨC GIÊSU BIẾN HÌNH VINH QUANG

Đức Giêsu biến hình vinh quang

Câu chuyện được viết sau khi Đức Giêsu Phục sinh vinh quang, đã đuợc tin vững vàng, đã được rao giảng rộng rãi và cũng để củng cố đức tin của các tín hữu.

Để hé mở cho biết từ từ về chính mình Đức Giêsu bắt đầu bằng câu hỏi: người ta nói Thầy là ai? Phêrô đã đáp đúng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng mọi người chưa hiểu đúng mặc dù Người đã giải thích bằng "loan báo sự thương khó". Đấng Kitô phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết, ngày thứ ba mới sống lại vinh quang, Nhưng người ta sợ sự thương khó nên sự sống lại vinh quang bị che khuất mắt họ. Đức Giêsu cho ba môn đệ thân tín nhất thấy trước trong chốc lát sự sống lại vinh quang mong các ông hiểu mà tin và giúp người khác tin: Người biến hình vinh quang.

Vài điểm CHÚ GIẢI

- Sáu ngày sau: không phải ngày thứ sáu mà là ngày trước ngày sa bát, là ngày cuối, ngày sống lại.

- Đức Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan di theo mình: Ba môn đệ thân tín nhất, sẽ có mặt trong giờ Đức Giêsu hấp hối. Thân tín, đi theo là điều kiện khởi đầu để thấy sự biến hình vinh quang.

- Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi: Điều kiện tiếp theo là "đi riêng ra một chổ, chỉ mình các ông thôi" với Đức Giêsu. Không còn với ai hết, tách riêng ra khỏi những người khác chưa đủ điều kiện để được thấy.

- Tới một ngọn núi cao: Núi nào? Chỉ một nơi riêng biệt dành cho những việc quan trọng nhất. Trong văn chương Do thái những điều trọng đại thì được xảy ra trên núi. Núi: quan trọng bậc nhất.

- Rồi Người biến hình trước mắt các ông: Thiên tính tiềm ẩn trong Đức Giêsu hiển lộ ra.

- Y phục người trở nên rực rỡ trắng tinh, không thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy: Chưa có ngôn ngử để diển tả đúng thực tế siêu nghiệm nầy, đành phải dùng những từ ngữ có sẳn dù không cân xứng. Con người được nhìn thấy qua y phục.

- Ông Êlia và ông Môsê hiện đến đàm đạo với người: Êlia trước Môsê vì đi ngược từ Đức Giêsu. Lịch sử được tính từ Đức Giêsu vế trước cũng như về sau. Êlia là các tiên tri, Môsê là lề luật. Cả hai là Cựu Ước. Bàn giao Cựu Ước cho Đức Giêsu để Người lập ra Tân Ước.

- Thưa Thầy được ở đây thì tốt lắm: ở đây là hiện tại vinh quang mà các ông thấy. Là cách diễn tả đơn sơ nhất về visio beatifica (phúc kiến) hạnh phúc thiên đàng cũng là chính xác nhất. Ở đây tốt lắm: không thể tốt hơn nữa nên cũng không muốn đi đâu nữa. Hoàn toàn thoả mãn rồi.

- Chúng con xin làm ba lều: Trong cuộc Xuất Ai Cập Hòm bia Thiên Chúa tượng trưng cho sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa ở trong lều.

- Bỗng có một đám mây bao phủ các ông: Đám mây và tiếng phán từ trong đám mây là văn chương do thái tả sự hiện diện của Thiên Chúa. Đáp lại lời của Phêrô: Thiên Chúa không ở trong lều mà ở trong đám mây: Thiên Chúa ở trên trời. Không cần làm lều.

- Và từ đám mây có tiếng phán: Thiên Chúa ở trên trời, hiện diện trong đám mây. Có tiếng phán mới nhận ra có Thiên Chúa.

- Đây là Con Ta yêu dấu: Đức Giêsu của phép rửa đã biến hình vinh quang. Lời tuyên bố "Con Thiên Chúa" được hiện thực. Con Thiên Chúa đồng bản tính thì cũng có vinh quang như Thiên Chúa. Con yêu dấu "đẹp ý Cha hoàn toàn". Vâng ý Cha trong moi sự.

- Hãy vâng nghe lời Người: Xứng đáng được vâng lời, nghe lời. Là điều kiện cuối cùng để chúng ta được "biến hình" hầu hưởng vinh quang như Đức Giêsu biến hình.

- Không thấy ai nữa chỉ con một mình Đức Giêsu: Môsê, Êlia thuộc thời kỳ quá độ đã bàn giao cho Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa uỷ nhiệm làm Đấng cứu độ. Đức Giêsu mới cứu độ. Đi theo Người thì được cứu độ. Chỉ Đức Giêsu mà thôi. Ngoài Người không có ai khác.

Khi cho Con xuống thế làm người Thiên Chúa Cha dã vạch ra chương trình cuứ độ. Đức Giêsu phải hoàn thành mọi chi tiết thì mới được Thiên Chúa tôn phong là Đấng Cúư Độ và Chúa. Trên thập giá khi Đức Giêsu tuyên bố "đã hoàn tất" thì Người được Thiên Chúa cho sống lại vinh quang. Người đã mở ra con đường tới sự sống lại vinh quang cho loài người. Đó là con đường làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn đường thập giá mà muốn đường "làm con". Đức Giêsu làm con yêu dấu của Thiên Chúa thì cũng được thông phần vinh quang của Thiên Chúa. Và tiếng Chúa Cha đã căn dặn "hãy nghe lời Người". Là điều kiện Chúa Cha đã đặt ra.

Phương tiện để thực hiện tốt điều kiện của Chúa Cha là đi theo Đức Giêsu trên con đường của Người: Được Đức Giêsu đem đi "theo", đi riêng, lên núi cao, nhất là nghe lời Ngưòi, chỉ một mình Đức Giêsu (không còn Môsê và Êlia, cũng không còn tiếng phán từ đám mây). Tóm lại phải làm sao để nghe lời Đức Giêsu tốt nhất. Có các dòng tu chiêm niệm tập trung học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện. Ngày nay người ta quan tâm tới "thực hành" nhiều hơn nên có những dòng tu hoạt động xã hội nhưng trên căn bản của LỜI. Lời là ý của Thiên Chúa. Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết ý của Thiên Chúa để làm theo và được làm con như Người. Vâng ý Cha là làm con.

Lời Chúa mới biến hình chúng ta được. Lời được thực hành mới có kết quả.

Hãy thực hành Lời Chúa Cha "Hãy nghe Lời Người".

 

42. Cuối đường hầm hay trên đỉnh núi?

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Vân Lực)

Với tốc độ 300.000 cây số một giây, ánh sáng có thể bay nhanh tới những miền xa thẳm trong chớp mắt. Không vật nào có thể di chuyển nhanh như thế. Nhờ ánh sáng Chúa biến hình hôm nay, ba môn đệ cũng phóng tầm nhìn rất xa, xa tới tận bản tính Thiên Chúa. Chính vì thế, các ông đã xác định được hướng sống và tìm được nền tảng của niềm hi vọng cho cuộc đời. Trong ánh sáng thần kỳ, Đức Giêsu đã mạc khải tất cả sự thật về Người. Sứ mệnh Người hiện rõ từng nét. Chúng ta tìm về ánh sáng đó để cùng các môn đệ ngất ngây chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt vời của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ muôn dân.

ÁNH SÁNG THẦN KỲ

Nếu không được chứng kiến ánh sáng thần kỳ trên núi, các môn đệ mãi mãi sống trong giằng co bất tận giữa thực tế và mộng tưởng. Giấc mơ Thiên sai vẫn đẹp như ngày nào. Thiên sai phải là một anh hùng cái thế thực hiện tất cả những giấc mộng bá chủ của dân tộc Do thái. Thực tế Thày lại tiên báo về một Thiên sai đau khổ và bị những nhà lãnh đạo dân chúng tiêu diệt khỏi mặt đất (Mt 16:21; Lc 9:22; Mc 8:31). Lời Thày như dẫn các môn đệ vào con đường hầm dầy đặc bóng tối.

Nhưng đã đến lúc ánh sáng lóe lên ở cuối đường hầm. Đức Giêsu muốn lôi các môn đệ ra khỏi cảnh hoang mang đó. Người phải củng cố niềm tin các môn đệ. Nếu không, các ông sẽ mất hẳn chiếc phao và sẽ trôi dạt đến một chân trời vô định. Cả sự nghiệp Thày trò sẽ tan tành ra mây khói. Bởi vậy Thày quyết định dẫn ba môn đệ thân tín nhất lên núi để tìm một điểm mốc cho tương lai.

Núi là nơi lý tưởng để Thày trò cầu nguyện. Nhưng lần này khác hẳn. “Núi là nơi thường chứng kiến những mạc khải siêu nhiên và những cuộc thần hiển” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:615). Sau khi đã leo tới đỉnh núi, “Người biến đổi hình dạng trươc mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.” (Mc 9:3) Đức Giêsu đã xuất hiện nguyên hình. Thân xác không cản nổi luồng sáng từ thiên tính Người. Niềm tin các môn đệ bừng dậy. Có lẽ trong niềm tin Phật tử, Đức Phật cũng tỏa ra một thứ hào quang tương tự khi chứng ngộ, thành đạo dưới gốc cây bồ đề (?). Bởi vậy nói theo kinh nhà Phật, trong cuộc biến hình hôm nay, Đức Giêsu cũng đã thành con đường dẫn các môn đệ thoát khỏi bến mê và trở về nhà Cha an toàn.

Trong ánh sáng biến hình, các môn đệ sẽ hiểu được lời Đức Giêsu hứa về “Triều Đại Thiên Chúa đầy uy lực” (Mc 9:1) và xác tín “Thày là Đức Kitô” (Mc 8:30). Nói cách khác, Thày tự mạc khải là Đấng quyền năng có sứ mạng cứu nhân độ thế. Trong địa vị và vai trò lớn lao đó, Thày xứng đáng là vị lãnh đạo muôn dân vào Đất Hứa. Thày xuất hiện để lời các tiên tri trở thành hiện thực. Chính vì thế hai ông Môsê và Eâlia đã xuất hiện để củng cố và chiếu sáng niềm tin các môn đệ vào sứ mạng của Thày. Đúng hơn, hai ông là cái nền đánh bóng dung nhan Đức Giêsu.

CHÂN TƯỚNG VỊ THIÊN SAI

Nhưng trên hết, chính lúc các ông ngây ngất về dung nhan Thày trổi vượt hơn các ông Môsê và Eâlia, thì “có một đám mây bao phủ các ông” (Mc 9:7). Mây là biểu tượng Thiên Chúa hiện diện. Phải được nhắc lên đám mây, các ông mới nghe được tiếng Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7). Lời trìu mến chừng nào! Tất cả cơ nghiệp Chúa Cha là Đức Giêsu! Nhưng cơ nghiệp ấy Chúa Cha đã không ngần ngại hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Hình ảnh Abraham sẵn sàng sát tế Isaac chỉ diễn tả phần nào tấm lòng hi sinh cao cả của Thiên Chúa đối với con người. Abraham chỉ bị thử thách, chứ không sát tế người con yêu quí. Trái lại, “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8:32). Thiên Chúa Cha quí trọng mạng sống Con Cha tới mức nào. Vậy mà Người đã hi sinh mạng sống ấy cho chúng ta (Disciples in Mission [Homily Guide, Lent Cycle B] 1999:10). “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” (1 Cr 6:20).

“Tiếng trong đám mây làm liên tưởng tới vị tiên tri trong Đệ Nhị Luật (18:15) sẽ được lắng nghe vào những ngày sau hết” (Faley 1994:231). Đám mây và Lời Chúa Cha chứng minh rõ ràng tự bản tính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Còn ai xứng đáng cho các môn đệ nghe lời hơn không? Vậy mà từ xưa tới nay, các ông vẫn hoang mang vì dư luận! Bởi vậy từ nay, dù Thày có nói những điều trái tai gai mắt, các môn đệ cũng phải chấp nhận. Sự thật vẫn là sự thật. Thày không sợ sự thật. Thày muốn môn đệ cũng phải đối diện với sự thật. Vì “sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32).

Thấy cảnh Đức Giêsu biến hình, Phêrô cảm thấy lúng túng. “Ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (Mc 9:6). Một kinh nghiệm khó quên. Một cảm nghiệm thần bí tuyệt vời. Tuyệt vời đến nỗi ông muốn kéo dài mãi cảnh thần tiên đó. Đề nghị dựng ba lều chỉ là một cách nói lên điều ông không biết diễn tả làm sao nỗi vui sướng ngây ngất. Nhưng Đức Giêsu không muốn các môn đệ “ngủ quên trên chiến thắng”. Ngay trên núi, sau khi chứng kiến cảnh Thày biến hình, các ông đã bị trả về thực tế. “Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (Mc 9:8). Thực tế trơ ra đó. Nhưng thực tế không phải chỉ có thế. Các ông lại phải tiếp tục nghe những điều nhức nhối tâm can phát ra từ miệng Thày. Thày trò rủ nhau xuống núi. Thày tiếp tục quả quyết về số phận không thể tránh: “Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê.” (Mc 9:12) Lúc này có lẽ các ông đã sẵn sàng nghe Đức Giêsu hơn, vì ai có thể tẩy mờ hình ảnh Thày biến hình khỏi tâm trí các ông? Làm sao các ông quên được lời phán từ đám mây: “Hãy vâng nghe lời Người”. Nghe lời Người để tìm đến sự sống, chứ không phải cái chết. Đúng hơn, niềm hi vọng sẽ bừng dậy khi “Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mc 9:9) Đó mới là điều ám ảnh tâm trí các ông suốt đời. Đức Giêsu Phục sinh sẽ là câu trả lời đích xác, dẹp yên mọi xôn xao trong lòng các ông từ trước tới nay. Từ đây giấc mộng Thiên sai bá chủ sẽ nhường bước cho niềm hi vọng Phục sinh lớn lao đó. Ánh sáng biến hình chỉ là bóng mờ so với ánh sáng Phục sinh. Nhưng không chứng kiến hay cảm nghiệm được ánh sáng biến hình, người ta có thể ngộ nhận về sứ mệnh thiên sai của Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao “Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mc 9:9) Trong ánh sáng Phục sinh, các môn đệ mới nhận thấy rõ ràng “nơi Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã can thiệp để cứu độ dân Người.” (Fisichella 1995:669) Người chính là vị Thiên sai đến thực hiện tất cả những lời Thiên Chúa hứa giải thoát nhân loại.

Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới, nhân loại vẫn còn sống trong những đường hầm chật chội, tăm tối. Sự dữ và bất công còn hiện diện khắp nơi. Chính vì thế người Kitô hữu vẫn chưa thể nghỉ yên. “Sứ mệnh Thiên sai vẫn còn đó như mời gọi dân thiên sai thực hiện cuộc giải thoát toàn vẹn và sau cùng. Biến cố huyền nhiệm Phục sinh chắc chắn đã mang lại ơn cứu độ. Biến cố đó không chuẩn chước, nhưng đúng hơn thúc ép chúng ta phải trở nên khí cụ thực hiện công bình và từ bi ở bất cứ nơi đâu sự dữ còn hoành hành”(Fisichella 1995:669). Nhờ đó, hòa bình sẽ là dấu chỉ rõ nhất của Thiên Chúa tình yêu giữa một xã hội đầy bạo động và sa đọa này.

Hi vọng không phải lóe lên ở cuối đường hầm, nhưng chiếu toả mãnh liệt trên đỉnh núi. Hôm nay sau khi chiêm ngưỡng dung nhan Đức Giêsu, các môn đệ đã nhận thấy “sức mạnh duy nhất của Thiên Chúa là sức mạnh tình yêu, tình yêu toàn năng” (TGM Angelo Comastri: Zenit 12/3/2003) đang hoạt động mãnh liệt trong tâm hồn con người và toàn thể vũ trụ.

 

43. Tìm vinh quang Thiên Chúa ở đâu?

(Suy niệm của Lm. Trần Xuân Lãm)

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống trần gian mang hình hài thể xác con người như ta, nhưng hôm nay Ngài tạm thời từ bỏ hình dạng bình thường của con người, để mặc lấy một hình dạng khác rất siêu phàm: "Y phục Ngài rực rỡ, trắng tinh, không thợ giặt nào ở trần gian giặt trắng như vậy". Sự sáng láng chiếu tỏa vinh quang của thiên giới.

Đức Ki-tô chính là Đấng Messiah ẩn mình, người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa, hôm nay được tỏ bày trước kỳ hạn vinh quang, qua việc các đại diện của lề luật và ngôn sứ là Mô-sê và Ê-li-a, hiện ra và đàm đạo với Ngài. Đây là lần thứ hai có tiếng phán từ trời về Chúa Giê-su: "Này là Con Ta chí ái" (Mc 9:7)

Trong lúc còn thử thách ở cuộc đời trần gian, chúng ta được mời gọi tin phục hoàn toàn vào Thiên Chúa qua mọi biến cố trong cuộc đời. Thiên Chúa ẩn náu mình đi không muốn tỏ vinh quang và quyền phép uy nghi của Ngài ra, để ép buộc chúng ta nghe lời Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta tự do và Ngài tôn trọng tự do đó. Hơn nữa, có tự do mới có công phúc.

Tuy nhiên những ai đọc và suy niệm lời Chúa, những ai có con mắt đức Tin trong sáng thì đã thấy và đã biết Thiên Chúa uy quyền và vinh quang ở đâu: ở trong Bí tích Thánh thể, trong các Bí tích, trong Phúc âm, trong mọi biến cố, hoàn cảnh cuộc đời. Chúa hiện ra ở đó còn uy quyền sáng láng hơn cả khi biến hình trên núi cao hôm nay.

Bài Phúc âm còn ngụ ý dạy chúng ta, nếu muốn được nhìn thấy Thiên Chúa vinh quang và uy nghi thì phải lên núi cao, vượt trên mọi thấp hèn của xác thịt. Bên cạnh đó, chúng ta cần sẵn sàng bước theo con đường thập giá của Đức Ki-tô, vì con đường ấy dẫn chúng ta đến vinh quang và phúc trường sinh muôn đời.

 

44. Đức Giêsu hiển dung

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)

“Ngày nay, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cũng chẳng khác gì các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan: hiểu sai lời Đức Giêsu, hiểu sai những thực tại thần thiêng được ban cho trải nghiệm, cứ mãi chỉ mang tư tưởng nhân loại chứ không phải tư tưởng của Thiên Chúa...”

Có một mối liên hệ sâu xa giữa biến cố được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 9,2-10) với lời tiên báo về số phận của Con Người trong Mc 8,31. Trước phản ứng rất mạnh mẽ của ông Phêrô (đại diện cho nhóm các đồ đệ) đối với lời tiên báo đó (8,32), Đức Giêsu, vốn đầy tình thương yêu nhân lành đối với các đồ đệ, đã muốn giúp các ông hiểu và đón nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa, bằng cách cho các ông được trải nghiệm một thực tại ngoại thường: biến cố hiển dung.

“Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao” (c.2). Tác giả Tin Mừng không nói rõ đó là ngọn núi nào. Có lẽ ông muốn ám chỉ núi Sinai, là ngọn núi mà ở đó, ông Môsê và ông Êlia (các nhân vật sẽ xuất hiện trong c.4) đã được chứng kiến các cuộc thần hiện của Thiên Chúa (x. Xh 34,1-8; 1V 19,8-18). Trước đây, các đồ đệ đã từng được biết rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia (8,30), nhưng các ông lại hiểu sai về tư cách và sứ mạng Mêsia của Người. Đức Giêsu đã cố gắng giúp họ không hiểu sai, bằng cách nói cho họ biết về số phận đang được dành sẵn cho Con Người (8,31), nhưng Người đã thất bại trong nỗ lực đó (8,32). Bây giờ Người đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng ra một nơi, để một lần nữa, giúp các ông điều chỉnh cái ý tưởng sai lầm của các ông về Đấng Mêsia và giúp các ông đón nhận những hệ luận của việc gắn bó với Người. Những gì các ông sắp trải nghiệm sẽ là một cuộc thần hiện, cho các ông thấy tình trạng vinh quang của Đức Giêsu sau khi Người chiến thắng sự chết. Người muốn cho các ông cảm nghiệm trước ánh vinh quang của Đấng sắp đi vào cuộc khổ nạn kinh hoàng.

“Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (cc.2c-3). Vinh quang của Đức Giêsu được trình bày qua các chi tiết về vẻ huy hoàng của y phục của Người. Theo quan niệm đương thời, y phục là cách diễn tả con người, và trong trình thuật này, nó có giá trị ám chỉ nhân tính của Đức Giêsu. Y phục đó bây giờ “trở nên rực rỡ, trắng tinh”. Sự rực rỡ và trắng tinh thuần khiết đó biểu tượng cho vinh quang thần linh thấm đẫm nhân tính của Người. Đó là vinh quang thực của Đấng bị trao nộp vào tay người đời vì sự sống thật của nhân loại. Sự chết mà Người sắp trải qua sẽ thất bại tận căn trước vinh quang thần linh này. Và vẻ huy hoàng thuần khiết đang được tỏ lộ nơi Đức Giêsu này có nguồn gốc thiên thai, chứ không phải là kết quả của nỗ lực nhân loại: “Không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”.

“Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu” (c.4). Sự xuất hiện của hai nhân vật vĩ đại của Cựu Ước là các ông Môsê và Êlia, đã đem vào trong những thực tại mà các đồ đệ đang trải nghiệm một đường nét và ý nghĩa mới: mối liên hệ của Cựu Ước với Đức Giêsu. Tác giả Mc đã không nói rằng ông Môsê và ông Êlia đến, mà là các ông “hiện ra”, như thể một thực tại đang còn ẩn giấu bây giờ được tỏ lộ ra. Đàng khác, ông Môsê và ông Êlia hiện ra là để cho các đồ đệ của Đức Giêsu thấy, và tác giả không hề nói gì về vẻ vinh quang của các vị ấy. Hai vị là đại diện của Cựu Ước (Lề Luật và các ngôn sứ) như đã được ban truyền cho dân. Và tuy hiện ra cho các đồ đệ thấy, nhưng ông Môsê và ông Êlia không nói gì với các ông mà chỉ đàm đạo với Đức Giêsu. Điều này có nghĩa là Cựu Ước chẳng truyền đạt cho các đồ đệ của Đức Giêsu sứ điệp nào nếu không qua Đức Giêsu. Ông Môsê và ông Êlia xuất hiện trong sự quy hướng về Đức Giêsu mà thôi. Chính Đức Giêsu mới là Đấng xác định giá trị của Cựu Ước. Môsê và Êlia, tức là Lề Luật và các ngôn sứ, không phải là những giá trị tuyệt đối, mà là những thực tại tùy thuộc vào thực tại Giêsu. Đức Giêsu và sứ điệp của Người siêu vượt hơn hẳn mọi thực tại cao quý nhất của mặc khải Cựu Ước. Những gì Đức Giêsu nói và thực hiện thì quan trọng hơn hẳn những gì ông Môsê và các ngôn sứ đã dạy.

“Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia" (c.5). Sự tiến triển của biến cố hiển dung bị đoạn tục bởi sự kiện ông Phêrô lên tiếng. Được trực tiếp chứng kiến những gì đang diễn ra, ông Phêrô hướng về Đức Giêsu (chứ không phải về ông Môsê hay ông Êlia) và thưa chuyện với Người.

Ông Phêrô đưa ra một đề nghị, nhân danh các bạn (“chúng con”) và hy vọng sẽ được Đức Giêsu đồng ý. Điểm chính yếu trong đề nghị là việc làm ba cái lều, một cho Đức Giêsu, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia. Có hai khía cạnh đáng chú ý, được diễn tả bằng danh từ “lều” và số từ “ba”. Hạn từ “lều” gợi ý về lễ Lều: ông Phêrô nối kết cuộc hiển dung của Đức Giêsu với sứ mạng Mêsia của Người, và ông hiểu đó là sứ mạng Mêsia theo hướng dân tộc chủ nghĩa. Với số từ “ba” và được phân chia rõ ràng là “một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”, ông Phêrô đang đặt cả ba vị trên cùng một bình diện, xóa mờ sự tùy thuộc của các ông Môsê và Êlia đối với Đức Giêsu và đặt các ông ấy trong tư thế độc lập. Thực tại đang xảy ra, như chúng ta đã nói trên kia, là ông Môsê và ông Êlia xuất hiện chung với nhau trong sự quy hướng về Đức Giêsu. Nhưng trong đề nghị của ông Phêrô, thì Đức Giêsu, ông Môsê và ông Êlia đồng hàng với nhau, và mỗi vị có vai trò riêng của mình, mỗi vị có “lều” riêng của mình. Đức Giêsu là Đấng Mêsia; ông Môsê: Lề Luật và các thiết chế; ông Êlia: nhà cải cách tôn giáo vĩ đại. Bằng cách đó, ông Phêrô cho thấy ý tưởng của ông về Đấng Mêsia (x. 8,29.33). Một cách gián tiếp, ông Phêrô phủ nhận sự mới mẻ của sứ điệp và vai trò của Đức Giêsu và Nước Thiên Chúa.

Rõ ràng ông Phêrô đã được nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, nhưng chưa hiểu. Đúng ra, cần phải nối kết vinh quang đang được hé lộ trong biến cố hiển dung này với thực tại phục sinh của Con Người sau cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, như Đức Giêsu đã từng nói trước (8,31), nhưng ông Phêrô chưa thực hiện được sự nối kết đó. Ông vẫn đang còn mang tư tưởng của loài người chứ chưa phải là tư tưởng của Thiên Chúa (8,33).

“Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (c.6). Tại sao các ông lại kinh hoàng đến độ không biết nói gì? Có yếu tố nào đe dọa các ông ở đây? Trong sự sợ hãi và cảm thấy bị đe dọa đó, ông Phêrô lại chỉ ngỏ lời với Đức Giêsu thôi, chứ không nói gì với các ông Môsê và Êlia, chứng tỏ ông cảm thấy kinh hoàng là vì một điều gì đó nơi Đức Giêsu. Quả thực, ông và các bạn đang được chứng kiến vinh quang thần linh tỏ lộ nơi Đức Giêsu. Các ông hiểu rằng nơi Người đang có mãnh lực thần linh của chính Thiên Chúa, vốn là mãnh lực có thể gây chết chóc cho người phàm một khi họ được chứng kiến. Và điều đó gây ra nỗi kinh hoàng tột độ cho các ông.

“Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người" (c.7). Xuất hiện yếu tố thứ ba của cuộc thần hiện. Yếu tố thứ nhất là sự biến đổi hình dạng của Đức Giêsu, cho thấy tư cách và vị thế thần linh của Người. Yếu tố thứ hai là sự xuất hiện của các ông Môsê và Êlia, chứng tỏ Đức Giêsu là điểm đến, là đỉnh điểm, là điểm quy chiếu của tất cả Cựu Ước. Bây giờ xuất hiện yếu tố thứ ba: Đức Giêsu được công bố là Con Thiên Chúa, Đấng hiến dâng chính mạng sống mình, Đấng là Lời tối hậu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Có thể nói sự xuất hiện của đám mây và tiếng phán từ đám mây chính là đỉnh điểm của cuộc thần hiện. Đám mây vừa mạc khải vừa che giấu sự hiện diện của Thiên Chúa. Và trong thực tế, đám mây đã thế chỗ của những chiếc lều mà ông Phêrô muốn làm. Nói chính xác hơn, sự xuất hiện của đám mây bao trùm đồng một trật Đức Giêsu, ông Môsê và ông Êlia, chính là sự từ chối, hoặc chí ít cũng là sự điều chỉnh, cái đề nghị vừa được phát biểu của ông Phêrô. Khi đề nghị làm ba cái lều “ở đây” là ông Phêrô đang muốn cầm giữ cả ba vị trong cõi đất này, với hy vọng rằng vương quốc Mêsia, nhờ các Ngài, sẽ được khai mở như là một thực tại thế tạm. Trái lại, Thiên Chúa cho thấy rằng vinh quang của Đức Giêsu và thực tại Người mang đến, tự bản chất, thuộc về cảnh vực thần linh chứ không phải là những thực tại thế tạm.

Cùng với đám mây và từ đám mây, có tiếng phán. Tiếng ấy không nói với Đức Giêsu nhưng là nói với các môn đệ và cung cấp cho các ông lời giải thích về những gì đang diễn ra. Phần thứ nhất của lời giải thích là một khẳng định: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đại từ “đây” rõ ràng loại trừ ông Môsê và ông Êlia khỏi điều được công bố và đồng thời nhấn mạnh tính cách hơn hẳn của Đức Giêsu so với hai vị đó. Ngữ đoạn “là Con của Ta” cho thấy một cách tường minh rằng thực hữu của Đức Giêsu xuất phát từ chính Thiên Chúa, rằng hành động của Người là hành động của chính Thiên Chúa, rằng lời của Người là lời của chính Thiên Chúa. Định ngữ “yêu dấu” nhấn mạnh mối tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu.

Phần thứ hai là một lời kêu gọi: “Hãy vâng nghe lời Người”. Đức Giêsu là Tôn Sư độc nhất, là Đấng công bố lời tối hậu của Thiên Chúa. Các môn đệ chỉ phải vâng nghe lời Người mà thôi. Cựu Ước (mà đại diện ở đây là các ông Môsê và Êlia) không có gì để nói trực tiếp với các môn đệ nữa nếu không phải là qua Đức Giêsu. Như thế, không hề có hai mặc khải song song hay tiếp nối (Cựu Ước và Đức Giêsu), mà chỉ có một mặc khải duy nhất nơi Đức Giêsu, Đấng thực hiện và hoàn tất những gì được nói trong Cựu Ước, Đấng quyết định giá trị và đem lại sự trường tồn cho những thực tại Cựu Ước.

Tác giả Tin Mừng không nói gì về phản ứng của các môn đệ đối với những gì vừa được công bố từ đám mây. Trong Kinh Thánh, một khi được ý thức, lời của Thiên Chúa sẽ gây nên nơi người nghe sự sợ hãi. Nhưng các môn đệ ở đây không phản ứng gì. Hình như tác giả Tin Mừng có ý ngầm cho biết rằng các ông đã chẳng hiểu đúng ý nghĩa của những thực tại đang diễn ra, y như trước đây các ông đã không hiểu đúng ý nghĩa lời tiên báo của Đức Giêsu (x. 8,31tt).

“Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (c.8). Trái với đề nghị của ông Phêrô, các ông Môsê và Êlia đã biến đi. Từ nay, họ không còn vai trò gì trong lịch sử nữa, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, Đấng duy nhất mà các môn đệ phải vâng nghe lời, Đấng duy nhất là tôn sư và ngôn sứ. “Chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”.

Sau đó, các Ngài rời cảnh vực thần linh và trở về với lịch sử trần trụi. Cho đến lúc này, như chúng ta đã hơn một lần nói ở trên, các môn đệ chưa hiểu đúng những thực tại mà các ông vừa được trải nghiệm. Vì thế, “ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (c.9). Chỉ khi vinh quang của Người được liên kết chặt chẽ với sự từ chối và cái chết mà Người đã từng nói cho các ông biết, thì các ông mới có thể nói lại cho người khác những gì các ông vừa được trải nghiệm trên núi. “Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì” (c.10).

Ngày nay, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cũng chẳng khác gì các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan: hiểu sai lời Đức Giêsu, hiểu sai những thực tại thần thiêng được ban cho trải nghiệm, cứ mãi chỉ mang tư tưởng nhân loại chứ không phải tư tưởng của Thiên Chúa... Nhưng đồng thời, ngay trong Mùa Chay thánh này, biết đâu Chúa vẫn đang hiển dung cho chúng ta một cách nhiệm mầu... Từng chi tiết của cuộc hiển dung trong bài Tin Mừng hôm nay đều đáng được suy niệm một cách nghiêm túc và đều có ý nghĩa sâu xa đối với đời sống đức tin của chúng ta....

 

45. Con đường Chúa và tôi đi

Hôm nay, Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, chúng ta được thánh sử Maccô trình bày về cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Cuộc biến hình này mạc khải Thiên tính của Chúa Giêsu, đồng thời mạc khải con đường mà Chúa Giêsu phải đi. Đó cũng là con đường mà các môn đệ và tất cả chúng ta cũng phải đi qua.

Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã ở với Chúa Giêsu hằng ngày, họ đã nhìn thấy Ngài, lắng nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm, nhưng họ vẫn chưa thực sự nhận ra Ngài là ai, hôm nay họ mới nhìn thấy vinh quang của Con Thiên Chúa lần đầu tiên, và họ thật sự là hạnh phúc.

Thật thế, Thiên Chúa là tình yêu. Ngài vẫn từng phút từng giây đổ tràn tình yêu của Người vào đời sống chúng ta. Thánh Macco kể lại việc Chúa Giêsu cho ba môn đệ hôm nay lên núi cao để hiểu biết về Người hơn. Ngài đưa họ vào đời sống thâm sâu của Người. Đó là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống này là tình yêu không ngừng trao ban và nhận lãnh. Tình yêu đó là nguồn mạch sự sống và nguồn mạch hạnh phúc. Sự sống và hạnh phúc ấy đổ tràn vào tâm hồn những ai đến sống thân mật với Chúa. Ai đã một lần nếm cảm hạnh phúc ấy rồi, vĩnh viễn không thể tách rời Thiên Chúa được nữa. Chính vì thế, sau khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu và sau khi nghe lời Chúa Cha nói: "Đây là Con Ta yêu dấu", Phêrô cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn đến độ muốn ở lại mãi mãi trên núi, không muốn trở uống nữa. Hay hai môn đệ Gioan và Anrê, sau một buổi chiều sống với Đức Giêsu đã quyết định đi theo làm môn đệ của Người. Thánh Phaolô sau khi được đưa lên tầng trời thứ ba đã mạnh dạn nói: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo...? Không, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta".

Trên núi Tabor, cuộc biến hình của Chúa Giêsu cho chúng ta thêm xác tín " Chúa Giêsu chính là con yêu quý của Thiên Chúa". Người Con này vinh quang rực rỡ nhưng đã chẳng những bằng lòng mà còn vui lòng đi vào con đường khổ nạn và thập giá để mang ơn cứu độ cho mọi người. Người Con này đã hoàn toàn vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa, dù phải trải qua con đường đau thương và khổ giá. Ngài chấp nhận đi con đường khổ giá và vâng phục cho đến chết trên cây thập giá để dẫn đưa nhân loại đi qua con đường thập giá này mà đến bến bờ vinh quang mai ngày. Và ba ông đã thấy vinh quang của Chúa Giêsu, ba ông được biết chương trình của Thiên Chúa, chương trình của Chúa đó là chương trình của tình yêu. Tình yêu này được minh chứng qua sự hy sinh; Chúa Cha, vì yêu thương ta, đã đành hy sinh Con Một yêu quý của Người. Ngài đã không dung tha cho chính con yêu quý của người nên Thánh Phaolo đã diễn tả: "Thiên Chúa đã không dung tha chính Con Một mình nhưng lại phó nộp vì tất cả chúng at, há Ngài lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với con của Ngài sao" (Rm 8, 32). Nếu Thiên Chúa đã ban cho Người Con Duy Nhất của Ngài thì Ngài còn tiếc gì chúng ta nữa. Còn phần Chúa Con, Ngài đã chấp nhận liều mạng sống như lời Người nói: "Không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu". Chương trình tình yêu của Chúa để cứu chuộc ta được thực hiện qua sự đau khổ và cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu Kitô mặc dù là Thiên Chúa nhưng đã mặc lấy xác phàm, trở nên con người sống ở giữa loài người, chấp nhận hy sinh, chấp nhận từ bỏ tất cả để đi vào cuộc khổ nạn, nhằm mang ơn cứu rỗi chúng ta. Ngài đã hy sinh tất cả, hy sinh cả mạng sống mình để làm theo ý Chúa Cha. Vì thế, Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh trên hết mọi loài, sau khi cho Ngài từ cõi chết sống lại.

Mầu nhiệm hy tế của Chúa Giêsu được thực hiện một lần cho đến muôn đời. Và hằng ngày hy tế thánh này vẫn được tái diễn nơi Thánh lễ mà linh mục cử hành. Khi tham dự Thánh Lễ là dấu hiệu và bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa, biết ơn Chúa và cố gắng sống đổi mới theo hướng tích cực hơn, góp phần làm cho thế giới này được biến đổi mang màu sắc và phẩm chất yêu thương, một tình yêu hiến mạng sống của Chúa Giêsu Kitô dành cho nhân loại.

Rồi đây ba môn đệ sẽ bước với Thầy Giêsu đi vào con đường đau khổ chết trên thập giá. Biến hình chỉ là một hào quang lóe lên ngắn ngủi, bất ngờ, báo trước vinh quang phục sinh sắp đến. Thân xác Chúa Giêsu sẽ được vào vinh quang viên mãn khi thân xác ấy chịu đóng đinh vì yêu mến Chúa cha và yêu thương nhân loại tột đỉnh. Chúa Giêsu Kitô đã chấp nhận đi vào con đường đau khổ, bước vào cái chết và tiến đến phục sinh vinh hiển để ban ơn thánh hóa và cứu chuộc con người. Theo dấu chân Chúa Giêsu đã đi qua, Hội thánh vẫn luôn tiếp tục hành trình đó nhằm mang ân sủng cứu độ con người bằng Thánh Lễ và các Bí tích. Do đó, ý thức được tình thương mà Thiên Chúa dành cho, chúng ta hãy tri ân Thiên Chúa và siêng năng đến lãnh nhận ân sủng từ Thánh Lễ và các Bí tích. Để làm được điều này, đòi buộc chúng ta đón nhận bằng tình yêu. Chấp nhận hy sinh thời giờ, công việc, các thú vui, danh lợi...trong cuộc sống.

Tiếp tục con đường Chúa Giêsu đã đi, chúng ta thấy Hội thánh và cụ thể là các vị Giáo sĩ, tu sĩ và những người có tâm hồn thành tâm thiện chí. Họ chấp nhận và bước theo Thầy Giêsu, đi con đường Ngài đi. Họ đã sống từ bỏ và đã hy sinh. Họ muốn làm theo ý Chúa và Hội Thánh. Con tim của họ tràn đầy yêu thương vì con tim này được tu luyện, bồi dưỡng bởi tình thương nhân từ của Thiên Chúa. Họ không quản ngại cho đi sức khỏe, thời gian, tuổi thanh xuân. Họ đã sống cho tình Chúa và cho tình người. Họ can đảm cho đi sứ mạng hữu hình và thiêng liêng. Dám sống quên mình cho đàn chiên vì sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại. Hơn nữa, noi gương Chúa Giêsu, các vị kể trên đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng, sẵn sàng bước theo Chúa Kitô, đi theo con đường Ngài đã đi, sống sứ mạng dấn thân cho sứ vụ. Dù gặp gian nan, thử thách, đau khổ và như con đường thập giá Chúa Giêsu đã đi qua, họ luôn tin vào Chúa Kitô, xác tín rằng mình cũng sẽ được phục sinh vinh hiển với Ngài. Như Chúa Giêsu, Chúa Cha là lẽ sống của Ngài thì chính Chúa Kitô cũng chính là lẽ sống của họ. Chính niềm tin phục sinh ấy giúp họ bắt đầu và bắt đầu lại, giúp họ tiếp tục rồi lại tiếp tục cuộc hành trình sống chúng nhân giữa đời trong sứ vụ của mình.Đồng thời chúng ta cũng nhận thấy họ cũng phải chiến đấu với ba thù. Chúng ta hãy biết ơn các vị Giáo sĩ và tu sĩ là những người mang đức tin và ơn cứu độ cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn cho họ trung thành bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi với lòng tin, cậy và yêu mến Chúa mãnh liệt.

Mỗi người chúng ta cũng phải đi qua con đường khổ giá để bước vào vinh quang, bước đến tình yêu và sự sống đời đời mà Chúa sẽ ban tặng cho chúng ta.Vì thế, chúng ta hãy vui lòng đi trên con đường mà Chúa Giêsu và các bậc tiền nhân đã đi để được hưởng hạnh phúc với các ngài. Hơn nữa chúng ta tin rằng có Đấng ủng hộ chúng ta là Đấng đã đi trước mở đường cho chúng ta. Do đó, như Chúa Giêsu đã biến hình, chúng ta cũng sẽ được biến hình hằng ngày, biến đổi cả con người cũ kỹ, yêu hèn, tội lỗi của chúng ta nếu chúng ta dám từ bỏ lối sống ích kỷ, chấp nhận cuộc sống yêu thương tha nhân... Ngày nay có thể người ta không thấy Chúa biến hình nhưng họ sẽ cảm nghiệm phần nào khi thấy các người Công Giáo sống vui tươi, chan hòa tình người, tình yêu thương. Họ thấy được những người sống mãnh liệt vào niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô.

Là người Công giáo, chúng ta được tái sinh bởi Bí tích Rửa tội, nghĩa là chúng ta được chết cho con người cũ tội lỗi và sống cho con người phục sinh của Chúa Kitô. Người Công Giáo khi đó được gia nhập công đoàn Hội Thánh, được nuôi dưỡng Mình Máu Chúa và được tha thứ không ngừng để bước đi theo Chúa Giêsu trong Bí tích Giải tội. Mặt khác, chúng ta không ngừng nhận được các hồng ân khác hằng hằng ngày. Chúng ta hãy tri ân Chúa. Chúng ta hãy cám ơn Hội Thánh. Đồng thời chúng ta hãy mạnh dạn bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi, chúng ta chấp nhận vượt qua khó khăn vất vả trong cuộc sống, chúng ta chấp nhận hy sinh hằng ngày để làm sáng danh Chúa, để đi con đường Ngài đi. Chúng ta hãy sống thân mật và gắn bó với Chúa Giêsu. Chúng ta nhận ra con người chúng ta là hồng ân Thiên Chúa ban tặng.

Khi đã biết những sự thật về Chúa và về bản thân, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác về con người và thế giới. Ta sẽ nhìn mọi người bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Ta sẽ nhìn thế giới như thể nó đã được biến hình trong Chúa Giêsu. Ta sẽ nhìn thấy tình yêu Chúa dành cho mỗi người. Mỗi người đều là kết quả của tình yêu cứu độ của Chúa. Ta cũng sẽ nhìn thấy con đường mình phải đi là con đường thánh giá. Chính những đau khổ sẽ thanh luyện, giúp ta nên tinh tuyền để càng ngày càng gần gũi thân mật với Chúa hơn, để can đảm đi theo con đường đau khổ và phục sinh mà Chúa Kitô đã đi trong niềm tin và lòng mến chứa chan.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con nhận ra tình yêu thương mà Chúa dành cho chúng con. Đồng thời xin cho chúng con can đảm bước theo con đường mà Chúa đã đi với lòng tín thác thật sự và lòng yêu mến nồng nàn. Amen.

home Mục lục Lưu trữ