Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 70
Tổng truy cập: 1372441
ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Đức Giêsu chịu phép rửa
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Thêm một lần nữa Kitô-hữu nhận ra Đức Giêsu sống trọn thân phận con người, khi Ngài nhận mình đồng hàng với con người cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, chính khi Ngài yêu thương và đồng hóa mình với anh em, thì Thiên Chúa xác chuẩn Ngài là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Ngài tỏ lộ chân tướng của Ngài qua hành vi và cung cách cư xử của Ngài.
1) Đức Giêsu chịu phép rửa
Đức Giêsu được sinh ra trong chuồng chiên cừu, lớn lên và làm việc tại Nazaret. Ngài ăn cùng thức ăn như họ, cùng hưởng bầu không khí như họ, hưởng một nền giáo dục như bao trẻ em làng Nazaret thời đó, đặc biệt nền giáo dục về tôn giáo. Đức Giêsu đã trưởng thành từ làng quê Nazaret, và là người Do Thái hoàn toàn. Khi nghe tin Gioan xuất hiện như một tiên tri, rao giảng mời gọi toàn dân nhận lãnh phép rửa diễn tả lòng sám hối để đón chờ Thiên Chúa can thiệp cứu dân Người, có lẽ Đức Giêsu đã xin phép mẹ Người, tới với Gioan xin ông thanh tẩy cho.
Đức Giêsu đã cùng với bao người Do Thái khác, lắng nghe Gioan giảng dạy, và lần lượt tới để được thanh tẩy trong dòng sông Giordan. Đức Giêsu đã sống như bao người trẻ khác ở Nazarét, và giây phút ở sông Giordan này, Đức Giêsu cho thấy Ngài chia sẻ thân phận con người hoàn toàn, Ngài là người giữa bao người, Ngài hành xử như tất cả mọi người.
Con người, với thể xác và linh hồn, là thực tại vô cùng cao quý. Con người được mời gọi vươn lên thành con người trọn vẹn, thành thánh, chia sẻ sự sống và hạnh phúc với Thiên Chúa. Con người hình thành chính mình qua cung cách cư xử và chọn lựa của mình. Qua hành vi “xin vâng,” Đức Maria trở nên con người tuyệt vời; qua cách hành xử “của ăn của Ta là làm theo Đấng đã sai Ta,” Đức Giêsu cho thấy Ngài là một với Thiên Chúa trong tất cả.
2) Ngài vượt trên tôi, sao Ngài lại đến với tôi?
Theo đức tin của Kitô-hữu, Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa giáng trần, là Đấng vô tội, vậy tại sao Ngài lại chịu phép rửa? Nếu bảo rằng Ngài chịu phép rửa để làm gương cho con người khi Ngài không cần phải chịu phép rửa, phải chăng hàm chứa nói Ngài “giả hình”, “làm bộ.” Khiêm nhường là sự thật, giả hình hay làm bộ, chẳng làm gương sáng cho ai, mà chỉ là gương xấu.
Đức Giêsu chịu phép rửa thống hối, vì Ngài cần phải chịu phép rửa. Đức Giêsu không làm bộ hay giả hình. Ngài chịu phép rửa, vì Ngài đại diện con người, Ngài mang nơi mình tội của tất cả con người, nên Ngài thống hối nhân danh tất cả con người: “đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Ngài chịu phép rửa thống hối không phải vì Ngài, nhưng vì Ngài “gánh tội trần gian,” Ngài đại diện con người xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm của tất cả con người.
Gioan đã nói: “Sao Ngài lại đến với tôi? Tôi mới là người phải đến với Ngài chứ.” Gioan tiền hô đã nhận ra Đức Giêsu là con người đặc biệt, trổi vượt trên mình. Ngày nay, người ta nhận biết chân tính của Đức Giêsu nhờ ánh sáng biến cố phục sinh, nhưng ở thời điểm của Gioan tiền hô, người ta chưa biết điều này. Khi Gioan nhận ra mình “không đáng cởi dây giầy” cho Ngài, Gioan đang làm chứng cho thấy phần nào chân tướng của Đức Giêsu. Đức Giêsu là con người rất đặc biệt.
3) Này là Con Ta rất yêu dấu
Đa số người ta hiểu rằng, Đức Giêsu biết mình là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể, nên Ngài biết hết mọi sự. Tuy nhiên có một số nhà thần học, và ngay cả một số tác giả tin mừng cho thấy Đức Giêsu chia sẻ trọn vẹn thân phận con người, nghĩa là, Ngài không biết trước mọi chuyện, có nhiều điều Ngài không biết. Những người này chủ trương, là người thì không ai biết tất cả tương lai mình, nếu Đức Giêsu biết trước hết mọi chuyện thì Đức Giêsu không chia sẻ trọn thân phận con người. Mà theo đức tin Kitô, Đức Giêsu là người trọn vẹn, nên có nhiều điều Đức Giêsu không biết khi Ngài đang sống tại trần gian.
Là người, là chấp nhận đi trong đêm tối của đức tin. Như Abraham ra đi trong niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, cho dù không biết tương lai mình như thế nào, chỉ tin vào Thiên Chúa và lời hứa của Ngài mà cất bước ra đi. Đức Maria thưa tiếng “xin vâng,” cũng không biết rõ tương lai đời mình, chỉ tin tưởng rằng những gì Thiên Chúa phán với mình sẽ được thành sự. Đức Giêsu cũng không biết rõ tương lai đời mình, nên cũng phải sống trong niềm tin tưởng phó thác như bất cứ con người nào khác. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, là Ngài hành xử theo tiếng gọi của tình yêu, Ngài yêu thương con người đến độ muốn mang vác tất cả tội lỗi cho con người. Đây là một hành vi yêu thương và đẹp tuyệt vời, yêu thương con người ngay khi người tội lỗi: bất toàn và gian ác.
Thiên Chúa đã chuẩn nhận hành vi của Đức Giêsu: “Con là Con Ta rất yêu dấu, Ta hài lòng vì Con.” Theo tin mừng Mác-cô, tiếng này nói cho chính Đức Giêsu. Là người, Đức Giêsu cũng cần một lời chuẩn nhận của Thiên Chúa như bao người khác cần Thiên Chúa chuẩn nhận khi họ được sai gởi thi hành ý định của Thiên Chúa. Hành vi của con người diễn tả chân tướng của họ. Qua hành vi “chịu phép rửa” này, Đức Giêsu biểu lộ chân tính của Ngài: Con Yêu Quý của Thiên Chúa. Đức Giêsu tiếp tục sống, và qua chính cung cách hành xử “yêu thương đến hiến dâng chính mạng sống mình,” Đức Giêsu cho thấy tình yêu của Ngài đối với con người, và cũng mặc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn nghĩ sao về quan điểm: con người hình thành chính mình qua cung cách hành xử và chọn lựa của mình?
2. Bạn có thể trở thành người tuyệt vời không? Bằng cách nào?
12. Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà
Chủ đề: Người đời thường chạy tội, đổ lỗi cho người khác, còn Chúa Giêsu lại sẵn sàng gánh tội cho hết mọi người.
Một trong những thói xấu nghiêm trọng gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội là thói đổ lỗi cho người khác, không chịu nhận trách nhiệm về mình.
Căn bệnh nầy đã xuất hiện ngay từ khởi thuỷ loài người.
Sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm bất tuân lệnh Chúa (St 3, 1-18), Thiên Chúa đến hạch tội A-đam: "Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?"
A-đam bèn đổ lỗi cho cả Thiên Chúa lẫn E-và: Tại vì "người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con mới ăn." Nói như thế, A-đam cho rằng cả Chúa cũng có trách nhiệm trong vụ việc nầy, tại vì Chúa đã trao người đàn bà nhẹ dạ nầy cho ông; giá như Chúa không dựng nên E-và và trao nàng cho Ađam thì đâu đến nỗi nầy).
Bấy giờ Chúa quay ra hỏi tội E-và: "Ngươi đã làm gì?" Người đàn bà liền trút tội cho con rắn: Tại vì "con rắn đã lừa dối con, nên con đã ăn". (St 3, 9-13)
Có vô số dê tế thần để người ta trút hết tội lỗi lên đầu chúng: tại ông, tại bà, tại trời, tại đất, tại gió, tại mưa... Bao nhiêu hậu quả và trách nhiệm đáng phải chịu vì lầm lỗi của mình, người ta đùn đẩy qua cho người khác. Tìm đâu ra con người dũng cảm dám đứng ra nhận lấy phần lỗi của mình và gánh lấy hậu quả do mình gây ra?
Trong khi đó, mặc dầu Chúa Giêsu được Gioan giới thiệu là Đấng quyền thế lớn lao, thậm chí Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người; là Đấng sẽ cử hành một phép rửa ngàn lần cao trọng hơn phép rửa của Gioan - "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước; còn Người, Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần" - vậy mà Chúa Giêsu lại đến với Gioan như một người tội lỗi, chăm chú nghe Gioan rao giảng, hoà mình với những người thu thuế, những tên cướp của giết người, những hạng người đàng điếm, côn đồ và với bao nhiêu người tội lỗi khác để chờ đến phiên mình bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ Gioan làm phép rửa cho.
Nhưng, Chúa Giêsu là Đấng không hề vướng tội, thì sao lại phải chịu phép rửa bởi Gioan?
Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Người nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Người là "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2Cr 5, 21). Người đến làm con "Chiên của Thiên Chúa" gánh lấy tội lỗi thế gian (Ga 1,29) thay cho các con chiên đền tội thời Cựu Ước.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Chúa Giêsu trở thành tội nhân, nên Người phải hoà mình với những tội nhân khác để cho ngôn sứ Gioan làm phép rửa cho Người.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Người đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để đền thay tội lỗi muôn người. "Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá. Để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành". (1 Pr 2, 24).
Cao đẹp thay, quảng đại thay hành vi hạ mình gánh lấy tội lỗi nhân loại của Chúa Giêsu. Người mãi mãi là gương mẫu của chúng ta và đáng cho chúng ta khâm phục tôn thờ.
Lạy Chúa Giêsu,
Biết đến bao giờ con mới chừa bỏ được thói trút tội lên đầu người khác và chối bỏ trách nhiệm của mình?
Biết bao giờ con mới có đủ bản lãnh và can trường để đứng ra chịu trách nhiệm về những thiệt hại mình đã gây ra?
Ước gì tấm gương khiêm nhường của Chúa hạ mình xuống nhận phép rửa dưới dòng sông Gio-đan vì tội lỗi nhân loại sẽ luôn là động cơ giúp con sửa chữa thói chạy tội vô trách nhiệm của mình.
13. Gioan: con người của canh tân
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có ai đó đã nói rằng: “Thà thắp lên một ánh nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Lời này thật đúng vào thời Chúa Giêsu tại thế. Lúc đó dân tộc Israel đang sống trong bóng tối lầm than, đoạ đầy. Họ ao ước Đấng cứu tinh sẽ tới để giải thoát họ khỏi kiếp nôlệ cho ngoại bang. Họ chờ mong Đấng cứu tinh sẽ đến để xoay chuyển vận mạng cho dân tộc và cho chính ban thân của từng người khỏi kiếp sống lầm than. Và một tia hy vọng đã bừng sáng lên khi Gioan xuất hiện. Ông xuất hiện như một nguời hùng của dân tộc, như một nhà cách mạng giải cứu cho dân tộc. Ông đưa ra một phương thế có thể thay đổi vận mạng dân tộc: đó là hãy ăn năn sám hối, hãy trở về với Thiên Chúa Giavê và hãy trung thành với giao ước của Người. Đó cũng là cách để tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì: “cái rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn chặt đi”. Vì ngày thanh luyện trần gian đã đến. Thiên Chúa sẽ dùng nia mà sàn lọc, phân loại tốt xấu. Kẻ tốt sẽ được trọng thưởng, kẻ xấu sẽ bị quăng vào lửa trầm luân muôn đời.
Lời rao giảng của Gioan đã thức tỉnh lương tâm hàng vạn, hàng vạn người. Người ta thấy trong số đông lũ lượt kéo xuống dòng sông Gioađan năm ấy để lãnh phép rửa có đủ mọi thành phần. Từ anh chàng cù bất cù bơ không cửa không nhà đến hạng quyền qúy cao sang, nhà cao cửa rộng. Từ những con người có chức có quyền đến hạng dân đen thấp cổ bé miệng đều cảm thấy mình cần phải sám hối hầu tránh khỏi cơn thịnh nộ của trời đất, của Đấng tạo thành.
Dòng sông hôm ấy dường như náo nhiệt hơn mọi ngày, vì dòng người tấp lập, vì những lời bàn tán xôn sao về ngày thanh luyện trần gian đã tới. Nhưng một sự kiện còn làm họ bàng hoàng kinh ngạc hơn nữa, khi bầu trời trong sáng lạ thường hơn, cửa trời như được mở toang. Ánh sáng từ trời đã tập trung vào một con người đang nài xin Gioan làm phép rửa cho mình.
Gioan đã lưỡng lự, phân vân, vì ông biết đây chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội gian trần. Ông không hiểu nổi tại sao Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện vô cùng lại cần đến phép rửa của ông. Ông tự biết mình đâu xứng đang cởi dây dầy cho người thì làm sao ông có diễm phúc đổ nước trên đầu một con chiên không tỳ vết, chính là Thiên Chúa của ông. Nhưng rồi, ông đã vâng lời để đổ nước cho Đấng mà bản thân ông không đáng cởi dây dầy cho người. Tức thì ông nghe một tiếng nói từ trời phán ra. Không phải là tiếng xót xa tìm kiếm ngày nào của Giavê khi Adam lẩn trốn vì phạm tội. “Ađam – Ađam ngươi đang ở đâu?”. Đó cũng không phải là lời luận tội vì tội Ađam mà luỵ đến con cháu muôn đời. Nhưng đó là lời giao hoà của Thiên Chúa với con người: “Đây là con Ta yêu qúy, hãy nghe lời Người”.
Kính thưa,
Ngày chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, là ngày chúng ta được nhận làm con yêu qúy của Thiên Chúa. Qua cha mẹ và những người đỡ đầu, ánh sáng của đức tin đã được thắp lên trong cuộc đời chúng ta. Nhưng liệu với tuổi đời chồng chất theo thời gian năm tháng. Ta có còn là con yêu qúy của Thiên Chúa và Thiên Chúa có hài lòng về cuộc sống của ta hay không? Hay ta đã bán đi tất cả gia sản của cha mình để buông mình trong những đam mê lầm lạc, trong bóng tối của sa đoạ, tội lỗi, trong những hư danh của trần gian và khước từ ân huệ là con của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta gìn giữ ân huệ cao cả được làm con Thiên Chúa mà còn mời gọi chúng ta hãy trở thành một Gioan cho thời đại hôm nay.
Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan để thức tỉnh nhân loại hãy ăn năn sám hối, hãy trở về với Thiên Chúa hòng tránh cơn thịnh nộ của Đấng tạo hoá chí công.
Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan dám hy sinh vì chân lý, vì tin mừng cho dù phải trả giá bằng sự nghèo đói, đoạ đầy và cả tính mạng của mình.
Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan để giới thiệu Chúa cho tha nhân, ngõ hầu muôn dân khắp mặt đất cùng một tâm tình, một ước nguyện, một lời kinh dâng lên Đấng tạo thành trời đất và muôn vật. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết khiêm tốn để Chúa được tỏ hiện trong đời sống của chúng ta. Amen.
14. Liên đới tội nhân
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có một lần dạy giáo lý tôi hỏi các em: Thông thường khi phạm tội điều đầu tiên mình phải làm gì?
Một em trả lời: thưa cha bỏ chạy ạ!
Nghe qua tưởng là chuyện đùa nhưng điều đó mới là lẽ thường tình. Ai phạm tội mà không bỏ chạy? Ai có tội mà không che dấu tội? Con người trước khi phạm tội thì rất hung hăng nhưng sau khi phạm tội thì lại hoảng loạn sợ hãi như cha ông ta bảo rằng: “Chưa đánh được người, mặt xanh mày tía. Đánh được người rồi hồn vía lên mây”.
Có một đứa bé đang kiễng chân lên trước cổng của một ngôi nhà to lớn để nhấn chuông, nhưng mãi không nhấn được. Cha sở đi ngang qua thấy vậy liền nói: Để cha giúp con. Thế là cha sở bế thằng bé lên cho nó nhấn chuông. Nhấn chuông xong thả nó xuống đất, cha sở mới hỏi: Con còn cần ta giúp gì nữa không? Thằng bé liền nói: Bỏ chạy ạh! Thế là nó ba chân bốn cẳng bỏ chạy, cha sở ngớ người ra chẳng biết nói gì! Hóa ra thằng nhỏ đến nghịch chuông nhà người ta mà cha sở lại tưởng nó có việc nên nhấn chuông!
Ở đời người ta thường chạy tội, đổ tội cho người khác để giảm khinh cho lỗi của mình. Khi phạm tội ông bà nguyên tổ đã chạy trốn trong bụi cây. Trốn không được nên Adam đã đổ tội cho Eva. Eva đổ tội cho con rắn. Cain thì chối tội. Cuộc đời quanh ta cũng có biết bao người sợ tội, sợ liên lụy nên không dám nhận lỗi lầm về mình, càng không dám để lộ tội lỗi của mình cho người khác biết.
Ở Việt Nam có biết bao con đường chưa xong đã hư, và cũng có biết bao cây cầu chưa khánh thành đã đổ xập. Thế nhưng, điều đáng tiếc là chúng ta cũng chỉ nghe họ đổ tội cho nhau dù đã gây nên biết bao thiệt hại cho xã hội về vật chất, về tiền, có khi cả về mạng sống con người.
Ở gia đình cũng có biết bao cha mẹ thiếu trách nhiệm giáo dục con cái, thiếu cả gương sáng nên con cái hư hỏng, nhưng điều đáng tiếc là họ chỉ đổ tội cho nhau và không bao giờ sám hối về tội của mình.
Có biết bao thanh thiếu niên phạm pháp và xì ke ma túy khi bị bắt họ cũng không nhận lỗi lầm của mình mà còn đổ tội cho cha mẹ vì quá nuông chiều.
Có biết bao mối tình bất chính đã gây nên hậu quả là những cái thai ngoài ý muốn. Điều đáng tiếc là họ cố tình che dấu tội của mình bằng việc tàn sát các thai nhi vô tội.
Chúa Giê-su là Đấng hoàn toàn vô tội. Ngài là Đấng cao cả đến nỗi Gioan bảo không đáng cúi xuống cởi quai dép cho người. Thế mà Ngài lại đến với Gioan như một tội nhân. Ngài hòa mình giữa bao tội nhân để nhận lãnh phép rửa sám hối của Gioan.
Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gioan là một khởi đầu cho một chuỗi những liên đới với tội nhân. Ngài đã chấp nhận đứng chung với tội nhân để gánh lấy hậu quả của tội lỗi nhân gian. Hậu quả của tội lỗi là đau khổ, là sự chết. Chúa Giê-su đã gánh lấy tội nhân loại khi phải sống kiếp người đầy thăng trầm và khổ đau. Ngài gánh lấy tội nhân loại khi bị kết án, tẩy chay loại trừ. Ngài còn gánh lấy tội nhân gian khi bị chết treo trên thập giá để đền thay tội lỗi nhân gian. Ngài hiến dâng mạng sống mình thành của lễ giao hòa với Thiên Chúa Cha. Qua cuộc Tử Nạn và phục sinh của Ngài mà nhân loại chúng ta được giao hòa với Chúa Cha, được gọi Thiên Chúa là Cha, và được thừa tự phần phúc thiên đàng do công phúc của Chúa Giê-su.
Cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao khi con người biết nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi, không chạy tội nhưng luôn khiêm tốn nhìn nhận cái sai để sửa, để rút kinh nghiệm, để canh tân. Cuộc đời sẽ không còn nước mắt của sự bỏ rơi, thất vọng khi ai cũng can đảm liên đới với mảnh đời bất hạnh để cảm thông, để an ủi và giúp họ vượt qua những khổ đau. Cuộc đời sẽ công bằng hơn khi ai cũng dám làm dám chịu mà không chạy tội hay đổi tội cho người khác.
Ước gì chúng ta đừng bao giờ chối tội, chạy tội mà luôn biết nhìn nhận những khuyết điểm, những sai lỗi của mình để ăn năn sám hối và canh tân đời sống. Ước gì chúng ta cũng biết liên đới với tội nhân như Chúa Giê-su để dâng những việc lành phúc đức, những lời kinh nguyện, những hy sinh lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi nhân gian. Amen.
15. Các biến cố cơ bản – Camille Gagnon
Nhân dịp một số biến cố, chúng ta đã khám phá được tình yêu Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu chúng ta nhắc lại những biến cố này và tạ ơn Chúa.
Lịch sử cuộc đời chúng ta.
Khi người ta yêu cầu ai đó kể lịch sử đời họ trong một cuộc phỏng vấn hoặc để viết một tiểu sử, người ấy sẽ kể những giai đoạn nổi bật và nối kết những bước ngoặt quyết định với một số biến cố, một số gặp gỡ, một số nơi chốn.
Đôi khi chỉ cần một điệu nhạc ngắn đã đủ khơi dậy một niềm say mê đối với Beethoven hoặc Pink Floyd. Một quyển sách có thể làm cho ta ham thích địa lý hoặc lịch sử. Một cuộc gặp gỡ, một bài diễn thuyết có thể là khởi điểm của một sự nghiệp nghệ sĩ hoặc khoa học. Những biến cố này chúng ta có thể gọi là “biến cố cơ bản”.
Trong một cuộc đời, những biến cố như thế không nhiều lắm và trong số những biến cố ấy, một số sẽ tác động nhiều hơn, nhất là những biến cố đã quyết định những mối liên hệ của chúng ta: bước đầu của một tình bạn, việc lựa chọn người phối ngẫu. Những nơi chốn hoặc giờ giấc đã xảy ra những cuộc gặp gỡ đó ghi dấu sâu đậm nơi ký ức đến nỗi chúng trở thành những biểu tượng thiêng liêng của người yêu hoặc của tình yêu.
Tin Mừng mô tả một biến cố cơ bản như thế đối với Chúa Giêsu: việc Chúa chịu phép rửa trên bờ sông Giođan từ tay Gioan.
“Con là Con Ta yêu dấu”
Không gì có vẻ báo trước sẽ xảy ra một điều đặc biệt khi Chúa tiến đến để hoàn thành nghi lễ thanh tẩy. Bản văn Tin Mừng chỉ kể lại rằng “Vào thời ấy, Chúa Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan”. Không có dàn cảnh, người ta không trải thảm để Chúa Giêsu đi xuống nước. Gioan Tẩy Giả không có vẻ nhận ra Chúa ngay tức khắc. Mọi sự xảy ra nơi Chúa Giêsu là người muốn sống chân thành một kinh nghiệm tôn giáo, muốn thể hiện việc hoán cải theo lời mời gọi của Gioan. Chỉ lúc ra khỏi nước Chúa Giêsu mới ý thức về tầm quan trọng của cử chỉ này. Những gì Ngài vừa mới sống sẽ có một ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời của Ngài. Ngài khám phá rằng Ngài được Thiên Chúa yêu như một người con một, một người con ưu ái: “Cha đã đặt nơi con tất cả tình yêu của Cha”.
Để hiểu rõ hơn kinh nghiệm mà Chúa Giêsu đang sống đây, ta nên nghĩ đến một tiếng sét ái tình. Chính trong bối cảnh này mà ta có thể tưởng tượng Chúa Giêsu ra khỏi nước, trầm lặng, lòng sốt mến, rồi ngẩng đầu lên nhìn thấy một chim bồ câu đang bay. Lúc đó chim bồ câu trở thành biểu tượng thiêng liêng của kinh nghiệm nội tâm của Ngài, của điều Ngài vừa khám phá. Sứ vụ và sự dấn thân của Chúa Giêsu sẽ phát xuất từ khám phá này, từ tiếng sét này. Chim bồ câu sẽ là biểu tượng nhắc nhở Ngài về sứ vụ ấy.
Sống lại phép rửa của chúng ta.
Đi từ phép rửa của Chúa Giêsu, việc Bí tích thánh tẩy được coi như biến cố cơ bản của đời sống Kitô, nghĩa là của sự dấn thân của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự cam kết của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đó là khởi điểm cuộc mạo hiểm làm con cái Chúa của chúng ta. Nếu ý thức điều này cha mẹ chúng ta sẽ yêu thương chúng ta bằng một tình yêu hoàn hảo nhất khi giới thiệu với chúng ta một người “Cha” khác, một người Cha lớn hơn các ngài. Rủi thay chúng ta đã không biết gì về biến cố thánh tẩy của mình.
Chỉ dần dần, nhờ những biến cố khác, những sự việc ngẫu nhiên khác chúng ta mới có thể khám phá tình yêu của Thiên Chúa.
Hôm nay Tin Mừng cho chúng ta dịp ôn lại lịch sử tôn giáo của chúng ta và nhắc lại với chúng ta những xúc động mạnh, những lễ hội, những tang chế là những dịp đã mặc khải cho chúng ta tình yêu Chúa. Tôi chắc chắn rằng nhiều người trong anh chị em đang có trong ký ức của mình kỷ niệm về một dịp nào đó đã giúp mình “gặp gỡ” Thiên Chúa.
Kinh nguyện Thánh Thể trong đó lịch sử cứu độ thế giới được tóm tắt lại sẽ giúp chúng ta nhớ lại những biến cố cơ bản của cuộc đời chúng ta trong niềm tri ân.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam