Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1365110

Đức Giêsu Chữa Người Mù Thành Giêricô

Cập nhật : 26-10-2012
 

Đức Giêsu chữa một người mù thành Giêrikhô

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

“Anh mù Bartimê là hình ảnh của tất cả những ai còn chưa được thấy ánh sáng của Chúa Kitô.”

Đức Giêsu đang ở cuối cuộc hành trình lên Giêrusalem. Vào cuối giai đoạn hoạt động tại Galilê, Người chữa lành một người mù tại Bếtsaiđa (8,22-26). Bây giờ, vào cuối hành trình lên Giêrusalem, Người chữa lành một người mù tại Giêrikhô (10,46-52). Đây là phép lạ cuối cùng của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mc.

Bài Tin Mừng bắt đầu bằng việc mô tả khung cảnh (c.46). Sau đó, tác giả tỏ ra quan tâm cách đặc biệt đến cách thức người mù đến được với Đức Giêsu (cc.47-50). Cuối cùng, sau một cuộc đối thoại ngắn, Đức Giêsu chữa lành người mù, cho anh ta được sáng mắt, và anh ta lập tức lên đường đi theo Người (cc.52-52).

“Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô” (c.46a). Người chỉ còn cách Giêrusalem khoảng chừng 30km, tức là khoảng một ngày đi bộ nữa thôi. Đích đến của cuộc hành trình đã rất gần.

“Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Bartimê, con ông Timê” (c.46b). Chưa một người nào trong số những người được Đức Giêsu chữa lành trong Mc mà được tác giả Tin Mừng mô tả kỹ như anh Bartimê này: anh bị mù, đang ngồi bên vệ đường để ăn xin, tên anh là Bartimê, anh là con của ông Timê. Chỉ những người được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ của Người mới được tác giả Mc mô tả kỹ như thế (x. 1,16-20; 2,14).

“Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" (c.47). Chắc chắn là chính đám đông đã nói cho anh mù biết đó là Đức Giêsu Nadarét. Nhưng chúng ta không biết do đâu mà anh ta lại kêu cầu Người bằng một danh hiệu của Đấng Mêsia: “Con vua Đavít”. Có phải tác giả Mc đã đặt trên miệng anh Bartimê một lời cầu nguyện Kitô giáo sau này? Dù sao, Đấng Mêsia vẫn được trông đợi là Đấng sẽ mở mắt cho người mù (x. Is 35,5).

Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" (c.48). Lúc này, đám đông từ chỗ giúp đỡ anh mù, đã trở thành một chướng ngại vật, ngăn cản anh đến với Đức Giêsu. Nhưng đồng thời, chính sự ngăn cản này vừa là thách thức vừa là cơ hội để người mù chứng tỏ lòng tin của mình.

“Đức Giêsu đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây!" (c.49a). Mệnh lệnh này cho thấy giữa Đức Giêsu và anh mù đang tồn tại một khoảng cách và chính đám đông đang là chướng ngại vật ngăn cản anh mù gặp Đức Giêsu. Người quyết định đến gặp người mù và yêu cầu đám đông xóa bỏ khoảng cách đó.

“Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!". Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu” (cc.49b.50). Hành vi vất chiếc áo choàng để đến với Đức Giêsu của anh mù trước hết chứng tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ của anh đối với Người, đến độ anh sẵn sàng và nhanh chóng vất bỏ ngay cả thứ quý giá và cần thiết nhất của mình khi nó có thể cản trở cuộc gặp gỡ của anh với Người.

Và thế là xảy ra cuộc gặp gỡ hồng phúc của anh mù với Đức Giêsu. Cuộc gặp được bắt đầu bằng một câu hỏi của Đức Giêsu. “Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (c.51a). Đây cũng chính là câu hỏi Đức Giêsu đã hỏi các ông Giacôbê và Gioan trong bài Tin Mừng tuần trước (10,36). Hai vị đó đã xin những chỗ nhất trong Vương Quốc vinh quang. Phần mình, “anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được" (c.51b).

Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" (c.52a). Người mù đã diễn tả lòng tin của mình vào Đức Giêsu khi anh kêu xin Đức Giêsu là con vua Đavít hãy dủ lòng thương anh và nhất là khi anh mạnh mẽ muốn đến với Người. Với lòng tin đó, anh đã góp phần của chính mình vào việc cứu chính bản thân anh, phần đóng góp cần thiết, cho dù yếu tố quyết định vẫn là quyền năng và tình yêu của Đức Giêsu. Ơn cứu độ mà sự chữa lành người mù này là hình ảnh biểu tượng, là ơn huệ hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Nhưng về phần mình, con người cần phải sẵn sàng đón nhận ơn ấy bằng lòng tin. Người mù đã đến với Đức Giêsu với lòng tin mạnh mẽ. Và anh được cứu.

“Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (c.52b). Trong số tất cả những người đã được Đức Giêsu chữa lành trong Mc, chỉ duy có anh Bartimê này gắn bó và đi theo Đức Giêsu “trên con đường Người đi”. Mà con đường Đức Giêsu đang đi là con đường lên Giêrusalem, và Người đang đến rất gần Giêrusalem, ở đó, Người sẽ bị nộp và chịu chết. Đức Giêsu có thêm một môn đệ mới.

Giữa điểm đầu và điểm cuối của câu chuyện, anh Bartimê đã thay đổi. Ban đầu, anh ngồi trên vệ đường, mù lòa và ăn xin bên lề đường. Bây giờ, anh bước đi trên đường, mắt sáng và đi theo Đức Giêsu. Ban đầu, anh là người bị gạt ra bên lề. Bây giờ, anh hòa mình vào cộng đoàn môn đệ “đi theo Đức Giêsu trên con đường Người đi”.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

1. Anh mù Bartimê là hình ảnh của tất cả những ai còn chưa được thấy ánh sáng của Chúa Kitô. Người đến và sẵn sàng chữa lành tất cả mọi người và cho họ trở thành môn đệ của Người, “đi theo Người trên con đường Người đi”.

2. Anh Bartimê đã mạnh dạn kêu xin Đức Giêsu, cho dù bị những người chung quanh ngăn cản. Anh dứt khoát đứng dậy, vất áo choàng và đến với Đức Giêsu. Anh có một lòng tin mạnh mẽ. Với lòng tin đó, anh đã góp phần mình vào việc cứu chính bản thân anh, phần đóng góp cần thiết, cho dù yếu tố quyết định vẫn là quyền năng và tình yêu của Đức Giêsu. Ơn cứu độ là ơn huệ hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Nhưng về phần mình, con người cần phải sẵn sàng đón nhận ơn ấy bằng lòng tin.

3. Lòng tin đôi khi đòi hỏi chúng ta dám đi ngược với đám đông xung quanh chúng ta. Đám đông yêu cầu anh Bartimê im lặng, nhưng anh vẫn nhất định diễn tả lòng tin của mình bằng những tiếng kêu thống thiết và mạnh mẽ. Thế giới hôm nay cũng nhiều lần yêu cầu chúng ta im tiếng, không được tuyên xưng lòng tin của mình. Anh mù Bartimê được cứu không phải vì anh đã nghe theo đám đông, mà là vì anh đã gặp được Đức Giêsu và tin vào Người.

 
Nguồn : gxnl

home Mục lục Lưu trữ