Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 77
Tổng truy cập: 1366451
ĐỨC GIÊSU DẸP YÊN BÃO TỐ
(Chú giải và Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
TM Máccô theo một cái khung quen thuộc để kể truyện này: một trở ngại phải vượt qua (một trận cuồng phong trên biển), hành động quyền năng của Đức Giêsu (lệnh truyền im lặng), và sự xác nhận (sự yên lặng hoàn toàn và nỗi sợ hãi của các môn đệ). Bối cảnh của câu truyện này rất có thể là quan niệm cổ xưa của Cận Đông về biển: đây là biểu tượng của những quyền lực của hỗn mang và sự dữ đấu tranh chống lại Thiên Chúa. Các độc giả đầu tiên của Mc nắm được ý nghĩa của biểu tượng này đến mức nào, thì khó mà biết. Nhưng chắc chắn câu hỏi của các môn đệ (“người này là ai?”) cho thấy là tác giả muốn nhấn mạnh trên chân tính của Đức Giêsu. Câu hỏi ấy trở thành một lời tung hô mặc nhiên mang tính Kitô học nhìn nhận bản tính thần linh của Đức Giêsu, bởi vì Người làm được những việc Thiên Chúa làm.
Ở đầu bản văn, rõ ràng Mc bận tâm tạo ra một móc nối với những phần đi trước. Ngày sắp tàn là ngày đã có bài giảng dài trên hồ (x. 4,1). Chiếc thuyền Đức Giêsu dùng để qua hồ vẫn là chiếc thuyền Người đã dùng làm bệ giảng trên hồ (x. hình ảnh con thuyền trong Mc: 5,1.21; 6,45; 8,31). Bỏ đám đông ở đầu c. 36 cũng là một điểm móc nối. Riêng với chiếc thuyền: Chuyến vượt hồ bằng thuyền tương ứng với việc dừng lại nơi một ngôi nhà; và cũng như có những giáo huấn đặc biệt Đức Giêsu ban cho các môn đệ được nối kết với lần dừng lại nơi một ngôi nhà (x. 7,17-23; 9,28t; 9,33-50; 10,10-12), thì cũng có những hành vi quyền lực đặc biệt được liên kết với chuyến vượt hồ bằng thuyền. Chiếc thuyền là nơi để Đức Giêsu mạc khải đặc biệt cho các môn đệ (4,35-41; 6,45-52) và là nơi Người chờ đợi các ông tỏ ra hiểu biết các hành vi quyền lực của Người (8,17-21). Chiếc thuyền là nơi có sự hiệp thông đặc biệt chặt chẽ giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Và chính là trong sự hiệp thông rất chặt chẽ này và không thiếu hiểm nguy, mà các hành vi cứu độ và mạc khải quan trọng của Đức Giêsu được thực hiện.
2.- Bố cục
Sau khi đã giản lược một số chi tiết, chúng ta có thể xác định bố cục như sau:
1) Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp sóng gió (4,35-37);
2) Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió (4,38-39);
3) Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng gió (4,40-41).
3.- Vài điểm chú giải
– Hôm ấy, khi chiều đến (35): Tác giả quen dùng hai thành ngữ đi liền nhau để chỉ thời gian, trong đó vế thứ hai xác định vế thứ nhất (x. 1,32.35).
– sang bờ bên kia: nghĩa là sang bờ phía đông của Hồ Galilê. Tại sao Đức Giêsu muốn sang đó: để tránh sự chống đối? để tìm một vùng đất mới mà rao giảng? Ta không được rõ.
– ngủ (38): Giữa trận cuồng phong dữ dội, Đức Giêsu vẫn có thể ngủ, có lẽ vì Người quá mệt, nhưng cũng chắc chắn vì Người vừa hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa (x. Tv 4,9; 3,24-26) vừa chứng tỏ Người luôn làm chủ mọi tình huống.
– Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? (38) Câu hỏi này của các môn đệ đã được làm nhẹ đi rất nhiều trong Mt 8,25 (“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”) và Lc 8,24 (“Thầy ơi! Chúng ta chết mất!”).
– truyền cho biển (39): x. 1,25. Đức Giêsu có thể kiểm soát biển, đây là mặc nhiên khẳng định rằng Đức Giêsu có quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể điều khiển biển (x. Tv 73/74,13-14; 88/89,10-12).
– Câm đi! x. 1,25: động từ phimoô. Cơn bão được coi như một thú dữ. Động từ này cho hiểu rằng Đức Giêsu đang chứng tỏ Người có thể kiểm soát các mãnh lực của tà thần.
– Gió liền tắt và biển lặng như tờ: Nhận định này cho thấy Đức Giêsu hoàn toàn kiểm soát được biển.
– nhát (HL. deiloi, 40): Nhiều lần các tác giả Tân Ước đã cảnh giác về deilia (“sự nhát đảm”). Ở Kh 21,8, những người nhát đảm được kể ra cùng với những người không tin (x. 2 Tm 1,7; Ga 14,1).
– Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? Lời trách này rất nặng, do nhắm thẳng vào các môn đệ (x. 8,14-21). Phải chăng họ đã mất niềm tin vào Thiên Chúa hoặc vào Đức Giêsu? Nếu họ đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, chính là vì họ đã không chịu noi theo Đức Giêsu đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa (4,38). Nếu họ đã mất niềm tin vào Đức Giêsu, chính là họ vì họ đã không cậy dựa vào quyền lực của Đức Giêsu.
– Vậy người này là ai? (41): Bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chế ngự gió và biển, câu hỏi này của các môn đệ hàm chứa một lời tuyên xưng mặc nhiên rằng Người làm được những việc mà truyền thống Cựu Ước thường trình bày là chỉ Thiên Chúa mới làm được.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bản văn vừa cho thấy tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu và các môn đệ vừa diễn tả lộ trình các môn đệ khám phá ra mầu nhiệm Đức Giêsu: họ bước theo Người, họ chứng kiến các biến cố trong đó Người can thiệp, họ khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Chi tiết “có những thuyền khác cùng theo” chỉ được nêu ra ở câu đầu, rồi sau đó cho đến cuối, không xuất hiện nữa.
* Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp sóng gió (35-37)
Sáng kiến vượt hồ là sáng kiến của Đức Giêsu. Các môn đệ luôn thinh lặng bước theo Người và tận tình thực hiện những việc Người đề nghị. Đức Giêsu luôn tỏ ra là chủ, nắm vững mọi hướng đi.
* Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió (38-39)
Nguy hiểm được mô tả bằng các chi tiết về sóng to gió lớn. Nhưng Đức Giêsu vẫn tỏ ra là chúa tể, làm chủ tình hình: Người ngủ. Bình thường các môn đệ chờ đợi Đức Giêsu phản ứng và dạy bảo rồi mới làm theo; nhưng ở đây, thấy bão táp quá nguy hiểm, các ông bị chao đảo trong đức tin, các ông đã phản ứng trước Thầy, các ông thúc bách Thầy bằng giọng hốt hoảng và trách móc. Người đã trỗi dậy, dẹp yên sóng gió. Ở đây, bão và biển được truyền lệnh như những sinh vật; chúng được yêu cầu “im đi!”, “câm mõm lại!”. Quả thật, từ vựng của bản văn là từ vựng của một truyện trừ quỷ.
* Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng gió (40-41)
Dù sao chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ (hoảng sợ và đánh thức Thầy) là chuyện hợp lý. Khó hiểu hơn, đó là những câu hỏi của Đức Giêsu: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (c. 40). Làm sao có thể cấm các môn đệ sợ hãi khi gặp nguy hiểm chết người? Đức tin này là loại đức tin nào, mà ngay trong nguy hiểm cùng cực vẫn loại trừ được nỗi sợ hãi? Đức Giêsu trách các môn đệ là chỉ nhìn đến nguy hiểm và những sức mạnh đe dọa của thiên nhiên chứ không hiểu biết ai là người đang cùng ở trên thuyền với họ.
Chỉ sau khi đã thực hiện phép lạ, Đức Giêsu mới ngỏ lời với các môn đệ; lúc này, họ lại trở về đúng vị trí là những người bước theo, đón nhận giáo huấn. Câu nói: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” chứng tỏ các môn đệ đã được sống với Đức Giêsu khá lâu rồi. Câu hỏi “Vậy người này là ai…?” vừa nhìn nhận quyền lực của Đức Giêsu vừa như muốn tìm ra câu trả lời nơi những người nghe kể lại sự cố. Ta sẽ gặp câu trả lời được đề nghị trên môi Phêrô ở 8,29.
+ Kết luận
Đoạn văn nêu bật sự cần thiết của đức tin trong đời sống người môn đệ. Nếu chúng ta hiểu rộng ra rằng trận bão trên biển ấy là một hình ảnh báo trước cuộc Khổ Nạn mà Đức Giêsu sẽ đi vào, thì bước theo Đức Giêsu, dù ngày hôm qua hay ngày hôm nay, luôn luôn là bước theo Người xuyên qua Khổ Nạn. Và như thế, cần phải có đức tin. Chỉ với giá ấy, người môn đệ mới được tham dự vào cuộc Phục Sinh vinh quang với sự an bình thẳm sâu được.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hình ảnh con thuyền trong đó các môn đệ sống chung với Đức Giêsu là biểu tượng cho cộng đoàn gồm những môn đệ hôm nay vẫn đang muốn bước theo Người. Đó chính là một cuộc “cộng đồng sinh mệnh”, sống chết có nhau. Phản ứng của các môn đệ trong biến cố này là một tấm gương và một lời nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô hữu là đừng rơi vào một thái độ không tin như thế. Nếu chúng ta gắn bó với Đức Giêsu, thì không có hoàn cảnh nào có thể tiêu diệt chúng ta, bởi vì không có hoàn cảnh nào mà Người không chế ngự được.
2. Sai lầm của các môn đệ là chỉ nghĩ đến mình chứ không sẵn sàng chia sẻ nguy hiểm với nhau và với Đức Giêsu. Hoàn cảnh này sẽ được lặp lại khi họ chạy trốn trong đêm Đức Giêsu bị bắt và bị đưa đi đóng đinh. Cơn sóng gió cuối cùng chúng ta sẽ gặp, và không có cách nào tránh được, đó là cái chết. Mỗi người chúng ta đều sẽ phải đương đầu với cái chết; cái chết có thể đến bất ngờ một trận cuồng phong hay chậm chạp từ từ. Nhưng cho dù cái chết đến bằng cách nào đi nữa, chúng ta cũng lo sợ. Bài Tin Mừng này cho chúng ta biết là chúng ta phải tin rằng Đức Giêsu luôn nghĩ đến chúng ta, Người sẽ không để chúng ta phải lo sợ quá mức. Chúng ta tin rằng khi chúng ta cần, Người sẽ lên tiếng bảo cơn sóng gió “Câm đi! Im đi!”
3. Lời mời gọi “Hãy sang bờ bên kia” có nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Với Giáo Hội, “bờ bên kia” mang ý nghĩa là những người hiện giờ không ở trong cộng đoàn chúng ta, họ đang ở “bờ bên kia”, có thể họ là những người vừa di chuyển đến trong xã hội chúng ta, những người “bên phía kia”, là người cao niên, người tàn tật, người bệnh chờ chết, hay người di dân vì chiến tranh trong trại di cư… Đức giáo hoàng Phanxicô dạy trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đồng phải phân định đường đi nước bước mà Chúa vạch ra, nhưng tất cả chúng ta đều được yêu cầu vâng theo tiếng gọi của Người là ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (s. 20).
4. Lời Đức Giêsu trách các môn đệ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” rất đúng cho chúng ta là những người đã biết Đức Giêsu từ lâu, đã sống với Người, đã được chứng kiến biết bao nhiêu việc kỳ diệu Người làm trong đời sống chúng ta, mà vẫn không biết phản ứng hay lấy những quyết định tương hợp với kinh nghiệm ấy. Nhận biết đúng đắn chân tính của Đức Giêsu thì sẽ có một thái độ đúng đắn đối với bản thân Người.
5. Các cộng đoàn chúng ta phải đưa Đức Kitô đến cho người ngoại, nên không thể nào tránh khỏi những khó khăn và đối kháng. Chẳng hạn, không phải mọi nhóm tôn giáo đều tôn trọng tự do của cá nhân; những sứ giả Tin Mừng có thể gặp những nguy hiểm chết người… Tuy nhiên, vì loan báo Tin Mừng là sứ mạng làm nên bản chất Kitô hữu, chúng ta không thể tránh né.
24. Chú giải của Noel Quesson
Giáo huấn bằng dụ ngôn của Đức Giêsu đã nói lên sự phân biệt rõ ràng giữa hai loại người: Đối với những “người ở ngoài”, thì tất cả đều bí hiểm. Còn đối với các “môn đệ”, thì mọi sự đều sáng tỏ trong các mạc khải về mầu nhiệm mà “vị Thầy ” đã thông tỏ riêng cho họ. Trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, tiếp theo một chuỗi những dụ ngôn là bốn phép lạ. Những phép lạ này có đặc tính rõ ràng: Không được thực hiện trước công chúng, nhưng chỉ “trước mặt các môn đệ” . Phải chăng những phép lạ này là những dụ ngôn bằng hành động, phải được hiểu trên bình diện biểu tượng cũng như bình diện thực tế? Các tông đồ giữa cơn bão tố được kể lại hôm nay, gọi Đức Giêsu là “Thầy” (tiếng Hy Lạp là didaskalos có nghĩa là “Thầy dạy dỗ”), việc này phải chăng có một giá trị mạc khải lớn? Vậy chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Người trong biến cố này. Đọc một biến cố để nêu ý nghĩa thần học, không làm cho biến cố đó mất tính cách lịch sử, nhưng mang lại cho nó chiều kích sâu xa hơn.
Chiều hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi?”. Vì Người đang ở trên thuyền, các ông cứ thế chở Người đi bỏ dân chúng ở lại; có những thuyền khác cùng theo Người”.
Trên bình diện thực tế lịch sử, tôi tưởng tượng một buổi chiều hè đẹp trời, Đức Giêsu mượn chiếc thuyền của Simon Phêrô và từ từ rời xa bờ biển Ca-phác-na-um. Sau một ngày nóng bức, bây giờ là buổi chiều tà mát mẻ. Sau khi đã tiếp xúc với đám đông ồn ào, bây giờ là lúc thân mật ân tình với nhóm bạn hữu trên biển. Chính Đức Giêsu đã có sáng kiến tạo ra những giây phút yên tĩnh này:
“Chúng ta hãy qua bờ bên kia”. Gió tốt, cánh buồm căng phồng đang nhẹ rung – Người ta chỉ nghe tiếng nước vỗ nhẹ vào mạn thuyền đang rẽ sóng và tiếng kêu của một vài con chim biển. Sau một ngày giảng dạy bằng dụ ngôn, Đức Giêsu mệt mỏi thiếp ngủ nơi cuối thuyền. Bên cạnh Người là Phêrô đang cầm bánh lái. Nhưng nếu chỉ dừng ở những trang này thì thật đáng tiếc. Chúng ta biết rằng, từng câu, từng chữ trong trình thuật Tin Mừng, đều được khoa Giáo lý ban đầu chú giải. Do đó chúng ta cũng phải đọc và hiểu theo nghĩa tượng trưng, như những chú giải của các Giáo phụ minh chứng.
“Ngày hôm đó”: Đây không phải là một kiểu nói thông thường, có nghĩa là: Ngày giảng dạy bằng dụ ngôn đã chấm dứt. Đối với Thánh Maccô “sự trình bày cán sự kiện nối tiếp nhau là một cấu trúc thần học hơn là một phóng sự “Ngày hôm đó” sẽ không phải một ngày thường. Phêrô sẽ nhớ ngày đó suốt đời. Vì ông gợi nhớ những hình ảnh Thánh kinh: “Ngày hiển hách của “Giavê”, “Ngày Thiên Chúa quyền năng can thiệp mạnh mẽ”, ngày đó có những tai họa cánh chung đi trước (Ga 2,3).
“Chiều tối đến”: Không chỉ là màn đêm buông xuống, mà còn “giờ của bóng tối”, giờ thử thách (Mc 14,17; Ga 9,4-13.30).
“Bờ bên kia”: Không chỉ là bờ hồ đối diện mà còn là bước đi vĩ đại sang bên kia thế giới. Đó là số kiếp của mỗi người vào lúc hoàng hôn của cuộc đời. Đó là ngày trọng đại Ngày của Thiên Chúa”… Tất cả những ngày khác đều phải chuẩn bị cho ngày đó.
Bỗng nổi lên một trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.
Bão tố thực sự. Ngày nay hồ Tibêria vẫn nổi tiếng về những cơn bão bất ngờ và mãnh liệt từ đồi Gôlăng thổi xuống. Hơn ai hết, vì nghề nghiệp Phêrô đã biết rõ điều này. Những cơn gió thổi mạnh đập vào cánh buồm và làm nghiêng ngả chiếc tàu thật nguy hiểm. Nhưng không cần phải đi biển mới bị những cơn bão tố như thế. Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều dùng chữ bão tố để ám chỉ “một cơn thử thách bất ngờ đổ xuống trên con người”. Trong Thánh Kinh, đề tài bão tố thường được dùng để nói về sức mạnh của sự dữ. Công cuộc tạo dựng ta được hiểu như sự chiến thắng của Thiên Chúa trên cảnh hỗn loạn của biển khơi nổi dậy (St 1,2). Theo khoa huyền thoại xưa của Do Thái. Biển cả là “vực thẳm vĩ đại”, nơi những con rồng, những thủy quái, Lêviathan, biểu tượng của Satan, thống trị (Is 27,1; Tv 74,13; G 9,13; Đn 7; Kh 12,13).
Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.
Tôi ngắm nhìn Đức Giêsu đang ngủ, đôi mắt nhắm, hơi thở đều đặn, vẻ bình thản, ở đằng lái thuyền, trong cớn bão tố. Chi tiết này gợi cho tôi tâm tình cầu nguyện nào? Lạy Chúa, Chúa đưa chúng con đi đến đâu? Chúa làm cho chúng con bối rối biết bao? Trong Thánh kinh, có một người khác cùng ngủ trong cơn bão táp, đó là Giona. Người ta phải đến đánh thức ông dậy (Gn 1,3-16). Có phải tình cờ, mà Đức Giêsu nói về “dấu lạ của Gio-na” như một dấu hiệu duy nhất để diễn tả về: Cái chết và sự Phục sinh của Người? (Mt 12,39-40; Lc 11,29-30; Mc 8,12-13). Vả lại các tác giả Kinh thánh thường nói về “cái chết” bằng từ “giấc ngủ” (Tv 13,4; Đn 12,2; Ep 5,14; Ga 11,11; Mc 5,39-41). Hình ảnh này cũng dùng để diễn tả sự “lãnh đạm của Chúa”, sự “vắng mặt của Chúa”: Lạy Chúa, xin Chúa chỗi dậy đi, tại sao Chúa lại ngủ? Chúa hãy thức dậy đi (Tv 44,24; 45,23; 59,6; 78,65; Is 51,9-10). Vâng, đúng vậy trong những cơn bão tố cuộc đời chúng con, dường như Chúa vẫn ngủ. Lạy Chúa, không phải chỉ có con người hiện đại nghĩ ra đề tài “cái chết của Thiên Chúa”, nhưng đó là tình cảm tự nhiên của thân phận con người, khi thấy mình bất lực, bị đe dọa trước một Thiên Chúa không can thiệp để cho lực lượng của thần chết hành động, một Thiên Chúa dường như đang ngủ.
Các môn đệ đánh thức Người dậy, và nói: “Thầy ơi! chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”
Đây là một lời cầu tuyệt diệu, đáng cho chúng ta bắt chước, trước những bão tố cuộc đời.
Người thức dậy, ngăn đe gió, và truyền cho biển: “Im đi? Câm đi?” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
Ở đây chữ được dịch là “thức dậy”, “diégertheis” cũng chính là chữ được dùng để nói “được sống lại, Phục sinh” (Mc 5,41- 16,6.14).
Qua tình tiết có thực mà Maccô kể lại (đó là bài giảng của Phêrô), chúng ta có lý do chính đáng để nhận ra cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là một cơn bão dữ dội: Nó làm lắc lư con thuyền nhỏ bé của cộng đoàn tông đồ, vào lúc Đức Giêsu đã ngủ yên trong cái chết của Người. Nhưng đối đầu với lực lượng thần chết được tượng trưng là “biển cả” Đức Kitô đã Phục sinh. Chúng ta gặp lại kiểu nói của người Do Thái về biển cả, hình ảnh những lực lượng thù địch với con người, vì ở đây, Maccô dùng chính những từ như khi Đức Giêsu “hăm dọa” quỷ dữ để “bắt chúng im lặng” (Mc 1,25; 9,25).
Đức Giêsu nói với họ: “Tại sao lại sợ? Tại sao các người không có đức tin?”
Câu nói rất nghiêm khắc: “Các anh không có đức tin”, “các anh đã mất lòng tin”, thực sự đã được áp dụng vào lúc Đức Giêsu chịu khổ nạn, lúc này tất cả các tông đồ chạy trốn, chối bỏ, hoài nghi. Chúng ta sẽ nghe lặp lại ba lần rằng, các tông đồ “đã không tin”: “Chúa trách sự cứng lòng tin của họ, vì. họ đã không tin những người đã thấy Chúa Phục sinh” (Mc 16,11-13).
Những cơn bão tố đời tôi thế nào? Chúa có làm nhẹ bớt những cơn bão đó không?
Nếu đọc Thánh kinh một cách ngây ngô, chúng ta có thể tin điều đó. Sự bình lặng của hồ Tibêria làm chúng ta mơ tưởng một cuộc sống an bình, trong đó Chúa sẽ thường xuyên can thiệp vào những nguyện nhân tự nhiên để tránh cho chúng ta sự thử thách và cái chết.
Nhưng đọc Thánh kinh cách đúng đắn, sẽ dẫn chúng ta đến sự “thanh tẩy đức tin” theo lời mời gọi của Chúa. Chính qua giấc ngủ của sự chết, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi những thế lực của hỏa ngục và sự chết.
Không phải đức tin nào cũng dẹp yên được bão tố, mà chỉ đức tin nới “Đức Kitô tử nạn và Phục sinh” mới có khả năng. Sự cứu độ mà chúng ta tin, không làm cho chúng ta thoát khỏi những đau khổ gắn liền với bản chất con người cách lạ lùng và đặc biệt.
Sự xác tín vào quyền lực của Chúa đã không ngăn cản Chúa Kitô trải qua, giấc ngủ ở trong hồ. Chính chúng ta cũng phải trả qua thử thách mới đến được “bến bờ bên kia”. Nhưng Đức Giêsu đang ở đó với chúng ta trong những thử thách. Quả thật trang Tin Mừng này có một biểu tượng đáng phục.
Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”
Đây là lần đầu tiên Thánh Maccô ghi lại câu hỏi này của các môn đệ. Câu hỏi chủ yếu nhắm đến lai lịch sâu xa của vị “Thầy” trẻ trung. Người phải chăng chỉ là một ông “Thầy” (Rabbi) như bao ông thầy khác? Người là ai? Người sẽ đưa họ đến đâu? Một ngày gần đây, Đức Giêsu sẽ hỏi Phêrô: “Đối với anh, Thầy là ai?” (Mc 8,29).
Không người nào có thể tự miễn cho mình khỏi phải đặt câu hỏi đó. Và nếu không trả lời thì đó là chấp nhận rằng, những cơn bão trong cuộc đời sẽ kết thúc bằng một sự chìm đắm vào hư vô. “Nhưng nếu người nào ở trong Đức Giêsu, người đó sẽ là một tạo vật mới” (1Cr 5,7). Đức tin được thanh luyện đưa chúng ta vào cuộc sống mới. Lạy Chúa, Chúa đã nói: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam