Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1371277

ĐỨC GIÊSU TẠI SAMARI

Đức Giêsu tại Samari- JKN

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Các cụm từ «đã đến giờ» và «giờ đã đến – và chính là lúc này đây» trong bài Tin Mừng có ý nghĩa gì? Giờ đó là giờ nào?

2. Thế nào là «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí»? Thế nào là «thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật»? Trái ngược với hai kiểu thờ phượng ấy là thờ phượng thế nào? Chúng ta đang thờ phượng Thiên Chúa theo kiểu nào: kiểu lỗi thời của các kinh sư Do Thái hay kiểu «mới» của Đức Giêsu?

3. Có cần thiết phải sửa đổi cung cách thờ phượng của chúng ta không? Nếu không thì sao? Việc thờ phượng kiểu lỗi thời có còn giá trị không?

Suy tư gợi ý:

1. Việc thờ phượng Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước

Vào thời Cựu Ước, trình độ tâm linh của con người còn non kém, đầu óc con người thường chỉ hướng về những gì cụ thể, hữu hình, dễ thấy, nghĩa là họ hướng ra ngoài hơn là vào nội tâm. Vì thế, việc thờ phượng Thiên Chúa chủ yếu gồm những việc cụ thể, thấy được, được thực hiện trong thời gian và không gian rõ rệt. Từ bản chất, thờ phượng Thiên Chúa chính là nhìn nhận Thiên Chúa là chủ tể vũ trụ, có toàn quyền trên tất cả mọi sự, trong đó, con người coi mạng sống và của cải của mình là quí giá nhất. Để biểu lộ sự nhìn nhận quyền chủ tể đó của Thiên Chúa, đúng ra con người phải sát tế chính mạng sống mình; nhưng làm như thế, con người sẽ dần dần chết hết, là điều mà Thiên Chúa không muốn. Vì thế, con người bèn sát tế những con vật như chiên bò làm của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa thay cho mạng sống của mình (x. St 4,3; 8,20; Xh 20,24; 29,18; Lv 1,14; v.v…). Có lần, để thử thách niềm tin và tinh thần hy sinh hiến dâng ấy, Thiên Chúa yêu cầu Abraham sát tế đứa con trai duy nhất của mình là Isaác làm lễ vật toàn thiêu: khi thấy Abraham không tiếc với mình đứa con duy nhất, Thiên Chúa đã ra tay cứu Isaác (x. St 22,1-14). Đó là cách thờ phượng Thiên Chúa thời Cựu Ước.

Đến thời Đức Giêsu, Ngài đã khai mở một kỷ nguyên mới, thích hợp với trình độ tâm linh con người vốn đã lên cao hơn. Vì càng về sau, con người càng có khả năng tư duy trừu tượng hơn, biết hướng vào nội tâm hơn. Vì thế, việc thờ phượng Thiên Chúa phải mặc lấy một hình thức mới hợp với trình độ mới: tức cao hơn, mang tính nội tâm hơn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chủ trương một cách thờ phượng Thiên Chúa mới mẻ hơn, cao cấp hơn. Ngài nói: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem (…) Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. (…) Thiên Chúa là thần khí, nên những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật ».

2. Thời Tân Ước: thờ phượng trong thần khí và sự thật

Đức Giêsu nói khi Ngài còn sống: «Đã đến giờ», «Giờ đã đến – và chính là lúc này đây». Như vậy, Đức Giêsu yêu cầu con người thay đổi cách thờ phượng Thiên Chúa cho xứng hợp với trình độ mới của con người đã được 2000 năm, một thời gian rất dài! Nhưng ta thử xét lại xem, cách thờ phượng của chúng ta trong thế kỷ 21 này đã thay đổi và tiến bộ đúng như yêu cầu của Đức Giêsu cách đây 2000 năm chưa? Sau 20 thế kỷ tiến bộ về vật chất đến mức chóng mặt, con người đã tiến bộ về tâm linh thế nào, đặc biệt trong cách thờ phượng Thiên Chúa? Chúng ta đã nội tâm hóa việc thờ phượng ấy chưa, hay vẫn còn mang nặng tính bề ngoài, tính vật chất, tính câu nệ hình thức, và vẫn còn lệ thuộc nặng nề về thời gian lẫn không gian? Việc thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta hiện nay đã đúng với tinh thần Tân Ước của Đức Giêsu chưa, hay vẫn theo tinh thần Cựu Ước của đám kinh sĩ và biệt phái Do Thái xưa, vốn đã bị Đức Giêsu coi là lỗi thời từ 2000 năm nay?

Thiết tưởng chúng ta nên đặt lại vấn đề này một cách nghiêm chỉnh, và sửa đổi lại những gì chưa đúng. Điều quan trọng chúng ta cần tìm hiểu là: Thế nào là «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật»?

* Thờ phượng trong thần khí

Đức Giêsu nói: «Thiên Chúa là thần khí, nên những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí». Thần khí (pneuma – esprit – spirit) là tinh thần, tâm linh, thuộc thế giới nội tâm, không thấy được. Thần khí thì ngược với vật chất, thể lý, thuộc thế giới bên ngoài, cụ thể, thấy được. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa hữu hình, nên việc thờ phượng Thiên Chúa không nhất thiết phải xảy ra ở bên ngoài, trong không gian và thời gian. Theo Đức Giêsu, Ngài là thần khí, là tinh thần, là thiêng liêng, nên việc thờ phượng Ngài cũng phải thực hiện trong thần khí, trên bình diện tinh thần, nghĩa là một cách thiêng liêng, trong nội tâm con người. Hành vi thờ phượng phải là hành vi của tâm hồn, là thái độ của nội tâm, hơn là hành vi của thể xác. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa cứ phải nghe ta nói, nhìn ta biểu lộ ra ngoài mới hiểu được ta; trái lại, Ngài biết hết, thấu hiểu hết những gì ta nghĩ, ta cần, ta muốn nói: «Cha trên trời thừa biết anh em cần những gì rồi» (Mt 6,32; Lc 12,30). Vì thế, xét về phía Thiên Chúa, việc thờ phượng Ngài không cần thiết phải biểu lộ ra bên ngoài bằng lời nói, bằng lễ nghi, bằng những biểu hiện bên ngoài: «Khi cầu nguyện, anh em đừng nhiều lời như dân ngoại; họ tưởng cứ nói cho nhiều là được nhận lời» (Mt 6,7). Điều Ngài mong muốn nằm trong thái độ nội tâm của chúng ta: tinh thần từ bỏ, tự hủy, lòng quảng đại, biết ơn, khâm phục, nhất là tình yêu dành cho Ngài. Nếu Giáo Hội chủ trương phải biểu lộ việc thờ phượng ra bên ngoài thì không phải là vì Thiên Chúa mà vì con người: để việc thờ phượng mang tính cộng đoàn, tính Giáo Hội, hay để biểu lộ vinh quang Thiên Chúa cho con người, v.v…

Ngày nay, cần phải thay thế việc thờ phượng Thiên Chúa qua những hình thức bên ngoài bằng việc thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí. Lễ vật dùng để sát tế, để toàn thiêu không còn là chiên, bò, hay bất kỳ một vật nào khác, mà phải là «cái tôi» ích kỷ và kiêu căng của ta, là ý riêng của chúng ta, là những dự định dù tốt hay xấu nhưng không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Bàn thờ hay đền thờ – nơi sát tế – là chính tâm hồn ta. Thời điểm sát tế không còn là một thời điểm cố định nào do con người qui định, mà phải là thời gian liên tục. Vì sát tế không còn là một hành động xảy ra vào những thời điểm nhất định nào đó, cho bằng một thái độ nội tâm thường hằng trong đời sống ta, thậm chí trở thành một yếu tố cố định trong bản tính của ta. Cầu nguyện cũng không còn là một hành động cho bằng một trạng thái thường hằng của nội tâm. Một biểu hiện lý tưởng của việc thờ phượng trong thần khí đã được Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay: «Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người». Việc quan tâm thi hành thánh ý Thiên Chúa phải thay thế cho việc quan tâm thực hiện ý riêng mình, phải trở thành lương thực nuôi sống đời sống tâm linh của ta.

* Thờ phượng trong sự thật

Thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật khác với thờ phượng Thiên Chúa trong giả dối. Thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật đòi hỏi những gì mình nói với Thiên Chúa phải phản ảnh đúng những tâm tình, ý nghĩ trong đầu óc mình, và đúng với thực tế của đời sống mình. Còn thờ phượng Thiên Chúa trong giả dối là có sự khác biệt giữa điều mình cầu nguyện với tâm tư, tình cảm và đời sống thực tế của mình. Cầu nguyện như thế chẳng những hoàn toàn vô ích mà còn xúc phạm và tỏ ra coi thường Thiên Chúa nữa. Nếu không thể thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật, thì thà rằng đừng thờ phượng còn hơn là thờ phượng Ngài trong giả dối.

Ngày xưa, người ta có thể giết chết một con vật làm lễ toàn thiêu, để tượng trưng cho việc họ nhìn nhận quyền Chủ Tể trên mọi sự của Thiên Chúa. Hành động tế tự đó hoàn toàn xảy ra ở bên ngoài. Nhưng bên trong, người ta vẫn có thể tiếc với Thiên Chúa những chuyện rất nhỏ: chẳng hạn họ không thể từ bỏ một ý riêng, một sở thích, một vật đang muốn chiếm hữu, hoặc hoãn thi hành một dự định, hy sinh một cơ hội, v.v… để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Như vậy, hành động thờ phượng bên ngoài chẳng phù hợp chút nào với tâm trạng bên trong. Chính vì thế, có lần Đức Giêsu nói về việc thờ phượng của họ: «Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng trí chúng thì lại xa Ta. Việc chúng thờ phượng Ta thật là vô ích» (Mt 15,8-9; Mc 7,6-7; x, Is 29,13).

Ngày nay, có biết bao người khi cầu nguyện thì nói rằng mình yêu mến Chúa, sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa; nhưng trong đời sống thì chẳng thấy họ yêu mến Ngài ở chỗ nào. Họ thường nói với Chúa: «Xin tha cho con như con vẫn tha kẻ có nợ với con», nhưng trong thực tế, họ chấp nhất và bắt bẻ lỗi người khác từng chút một! Điều tệ hại là người ta vẫn cảm thấy an tâm, họ tưởng rằng làm như thế là đã chu toàn bổn phận thờ phượng đối với Thiên Chúa! Thiên Chúa rõ ràng không ưa lối thờ phượng đó. Ngôn sứ Isaia diễn tả sự ngao ngán và dị ứng của Thiên Chúa đối với kiểu thờ phượng bên ngoài ấy: «Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu» (Is 1,11b.13b-15). Thử đặt mình vào địa vị của Ngài xem ta có thể chấp nhận một cung cách thờ phượng như thế không? Tại sao ta lại có thể đang tâm tiếp tục thờ phượng Ngài theo kiểu ấy?

Cầu nguyện

Tôi nghe Chúa nói với tôi: «Ta đã chán những lễ nghi rỗng tuếch, ghét những những nghi thức trang trọng mà người cử hành chẳng tỏ ra có chút tình thương nào trong lòng. Ta cần tình thương của con người, nhưng họ lại chỉ dâng lên Ta toàn những nghi thức, lời kinh trống rỗng!»

 

 

 

 

 

61. Tẩy rửa – Lm. Vũ Đình Tường

 

Trong hình ảnh thế giới loài vật có những điều nhờ ống kính và phát minh khoa học ta mới được nhìn thấy. Đó chính là hình ảnh một đàn cá con không sợ mà lại bu quanh một con cá lớn. Con cá lớn rất thân thiện, hiền lành, tỏ ra hoà nhã và có nhiều cảm tình với lũ cá bé. Chúng không đồng loại cá, khác loại nhưng lại thân thiện đến thế. Người ta hay ví von xỉa răng cọp nhưng ít ai nhìn thấy; còn xỉa răng cá thì quá rõ ràng. Cá bé bơi vào miệng cá lớn ăn những thịt cá dính chân răng con cá lớn. Con cá lớn mở miệng, phồng mang, xoè vây cho lũ cá con nhào vào những chỗ hiểm hóc, đầy nguy hiểm đó. Vì sao? Theo các nhà nghiên cứu thì con cá lớn cần đám cá con tẩy rửa những nơi hiểm yếu mà nó không tự tẩy rửa được. Người ta thấy hình ảnh con cá trườn mình trên cát vì chúng dùng cát lau rong rêu dơ dính trên vảy cá. Một hình thức tẩy rửa thông thường của loài cá. Bạn nào nuôi hồ cá trong nhà thấy cá con hay hớp cát rồi phun ra là hình thức rửa răng cá cho sạch. Những chỗ khó khăn như mang cá, miệng và vi là những nơi cá tự nó không thể thanh tẩy nên nhờ lũ cá con đến làm công việc thanh tẩy dùm. Cả hai đều có lợi. Cá lớn được tẩy sạch vết nhơ lại được một màn đấm bóp không mất tiền. Lũ cá nhỏ cũng có lợi vì được một bữa ăn ngon lại không tốn phí chi cả. Trên đồng cỏ lũ chim đậu lưng trâu cũng làm cùng công việc thanh tẩy đó. Chúng bắt rận cho trâu bò.

Đời sống động vật là như thế. Con người cũng cần thanh tẩy qua hình thức tắm rửa cho sạch sẽ bản thân. Thử quên tắm vài ngày bạn sẽ biết ngay cái mùi vị của chính mình. Có lẽ không cần phải lâu như thế chỉ cần đóng kín cửa phòng sau một đêm ngủ dài, sáng ra bạn nhận thấy cái mùi khác lạ. Trên chuyến bay dài hơn mười giờ đồng hồ, không khí trong máy bay lúc mới tươi mát thế nào, nửa đường bay bạn cảm thấy cái không khí đó vẫn mát lạnh nhưng vẻ trong lành bắt đầu nhiễm mùi vị và cuối chặng bay thì cái mùi đó tăng rõ.

Thông thường chúng ta cho đền thờ là nơi thánh nên gọi là đền thánh. Thực ra trên trần gian không nơi nào dơ hơn đền thờ. Đền thờ là nơi cực dơ, quy tụ mọi thứ bẩn thỉu. Một Chúa Nhật nào đó bạn ngồi quan sát xem. Còn có một thứ tội nào trên gian trần mà không xuất hiện trong đền thờ. Thùng rác chứa các chất dơ trần thế từ thề gian đến nói dối, từ cướp của đến giết người, từ gian dâm đến bán dâm đều có mặt nơi toà giải tội. Xét về phương diện đó thì đền thờ chính là nơi bẩn thỉu nhất, phòng giải tội chất chứa mọi thứ dơ bẩn trên đời. Đền thờ được gọi là đền thánh vì con người tội lỗi đến đó đổ bỏ mọi thứ dơ bẩn để trở nên tốt lành, trở nên thánh thiện hơn nên đền thờ là đền thánh vì giúp người ta nên thánh. Đền thờ là nơi tất cả các tội phạm, các bí ẩn cuộc đời được phơi bày. Mọi dấu kín được thổ lộ để tâm tư con người được thoải mái, để tâm hồn được bình an, để bản thân thấy nhẹ nhàng. Đền thờ chính là thùng rác công cộng cho mọi người tự do đến đổ rác, không từ loại rác nào, từ rác thông thường đến rác nguy hiểm mang chất phóng xạ đều được tự do đổ.

Thế sao Đức Kitô lại dùng roi, xua đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ. Ngài lật tung bàn của người đổi tiền, thả chim cho bay đi tự do. Câu trả lời cho thắc mắc này nằm gọn trong hai chữ ‘ buôn bán hay chợ búa’. Buôn bán hay nơi chợ búa là nơi trao đổi. Đền thờ là thùng rác chung của xã hội. Ai muốn đổ rác đều có quyền và được tự do làm công việc đổ rác. Những người bị Đức Kitô xua đuổi vì họ không đến đền thờ để đổ rác mà đến đền thờ để buôn bán rác. Kẻ đến đổ rác thì được mời gọi. Kẻ đến sống nhờ buôn bán rác thì bị xua đuổi. Đức Kitô thanh tẩy đền thờ vì người ta làm cho đền thờ thành nơi buôn bán. Trung tâm của buôn bán dối trá, điêu ngoa, thề gian, làm chứng dối.

Đến đền thờ đổ rác chính là tìm sự sống chân thật. Có được sự sống thật nhờ biết vất bỏ rác rưới trói buộc con người. Nhờ vất bỏ nên cảm thấy tự do, thảnh thơi, thoải mái. Đến đền thờ buôn bán rác kiếm sống là tìm kiếm sự sống giả tạo, sư sống tạm bợ nên bị ngăn cản, cấm đoán.

Chúng ta xin ơn biết cách đổ rác và tránh xa việc buôn rơm, bán rác.

 

 

 

 

 

62. Phải bị thiệt thân

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

 

Các môn đệ Chúa Giêsu khi chứng kiến việc Thầy mình thịnh nộ trước sự kiện người ta biến đền thờ thành nơi buôn bán, đã nhớ lại lời Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Một cơn thinh nộ đúng nghĩa bằng việc lấy dây làm roi đánh đuổi người buôn bán và chiên bò, lật nhào bàn ghế và tung vãi tiền của những người đổi bạc. Quả là to gan, nếu không là tên phạm thượng thì cũng là phường phá hoại. Cần phải nghiêm trị nếu không sẽ mất hết luật lệ, mất hết truyền thống, tôn ti…

Trước hết cần phải cật vấn ông này lấy quyền gì mà làm những sự to gan, tày trời như vậy. Những người Do Thái lúc bấy giờ, cách riêng những người đang có trọng trách đã kinh ngạc trước câu trả lời của Chúa Giêsu: Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại. Dĩ nhiên họ chẳng thể hiểu nội hàm câu trả lời của Người. Sau này, khi chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy chí thánh, các môn đệ mới hiểu Thày dùng chính mạng sống của mình để làm dấu chỉ cho việc Người có quyền hành sử những sự to gan như thế. Đã chấp nhận hy sinh mạng sống vì sự việc gì đó thì nó phải có tầm quan trọng đáng kể và việc đó chính là thanh tẩy đền thờ.

Thanh Tẩy nhà thờ vật chất gỗ đá (église – church): Chuyện nhỏ. Quét bụi, lau chùi bàn ghế nhà thờ… là chuyện phải làm. Người ta vẫn làm thường nhật hay thường kỳ mà chẳng một ai thắc mắc. Ra những quy luật để gìn giữ các nhà thờ thực sự là nơi quy tụ tín hữu cho việc thờ phượng, tránh các lạm dụng làm mất sự thiêng thánh, thì cũng là chuyện dễ đón nhận và tuân giữ. Nhiều nơi, nhiều giáo xứ khi có điều kiện đã xây phòng hội, xây phòng giáo lý để tách các việc hội họp, dạy giáo lý ra khỏi nhà thờ. Đây là việc làm chính đáng nhưng cũng vẫn là chuyện không lớn.

Thánh hiến hay làm phép một ngôi nhà thờ cũng chẳng là chuyện trọng đại nếu xét về công sức bỏ ra. Chỉ một thánh lễ do đức Giám mục chủ sự hay do một linh mục được uỷ quyền thì mọi sự gọi là hoàn tất.

Thanh tẩy Nhà Thờ (Église – Church): Chuyện lớn. Khi hai từ nhà thờ được viết hoa thì đã không còn là một công trình kiến trúc vật chất, cho dù vẫn còn nhiều người, nhiều tập thể vì thiếu hiểu biết hay cố tình làm như không biết, gọi là “bọn Nhà Thờ” hay “Nhà Thờ”, mà thực ra đó là Giáo Hội. Thanh tẩy Giáo Hội ư? Chuyện lớn đấy! Đó là một cơ cấu tổ chức, là một thực thể có tính thánh thiêng. Đó là tập thể những người có niềm tin. Và cũng không thể không kể, cho dù chỉ là đại diện, đó là những người đang có quyền cao, chức trọng. Trong niềm tin và theo giáo lý, Giáo Hội được Công đồng Vatican II trình bày với hình ảnh nền tảng đó là đoàn dân Thiên Chúa. Thế nhưng dưới cái nhìn người bình dân trong đạo và theo nhãn quan của bà con ngoài đạo thì quý đấng bậc có “chức vụ cao trọng” được đồng hoá với Giáo Hội cách nào đó

Để làm cho cơ cấu tổ chức và luật lệ thực sự có ra vì con người chứ không ngược lại, thì quả là chuyện không nhỏ chút nào (x. Mc 2,27). Công đồng Vatican II đã kết thúc vào năm 1965, thế mà phải đến năm 1983 Bộ tân Giáo Luật mới được hình thành. Thử hỏi nội dung và tinh thần của bộ Giáo Luật 1983 đã được triển khai và áp dụng ra sao và ở mức độ nào? Chuyện “phép vua thua lệ làng” hình như vẫn tồn tại ít nhiều nơi này nơi kia. Để giúp những người đang mang trọng trách với chức vị lớn trở thành ” người hầu thiên hạ” thì cũng không phải là việc một sớm một chiều (x.Mc 9,35). Chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” là chuyện vẫn không là cá biệt. Thỉnh thoảng có một vài tín hữu giáo dân vì thành tâm mà bạo miệng lên tiếng về một vài tình trạng “cha chú” đó đây, thì cũng dễ bị hứng “búa rìu” cách này cách khác.

Thanh tẩy đền thờ tâm hồn: chuyện hệ trọng. “Bách niên chi kế, mạc như thụ nhân” (Quản Trọng). Và kế ngàn đời là trồng con cái Chúa. Trồng người con Chúa ra sao đây? Bản Thập giới mà bài trích sách Xuất Hành trình bày không hề lỗi thời mà trái lại. Chúa Kitô đã minh nhiên nhắc lại điều này với một vị luật sĩ và với người thanh niên muốn nên trọn lành (x.Mt 19,16-19). Để mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình thì chuyện thanh tẩy là chuyện phải làm cả đời.

Theo thiển ý, để có những đền thờ tâm hồn trong sáng, thánh thiện, xứng đáng, thì một trong những điều cần thanh tẩy đó là sự tham lam. Thánh Tông đồ dân ngoại đã từng gọi tham lam là một hình thức “thờ ngẫu tượng”. Chúa Kitô cũng đã từng ví “của tiền” (dĩ nhiên có cả chức quyền, danh vị) như một vị thần, khi nói rằng không được làm tôi hai chủ (x.Lc 16,13). Và thực tiển minh chứng rõ ràng lòng tham lam đã giết chết hay làm băng hoại tình người thật khó lường.

Thanh tẩy nhà thờ gỗ đá, cách riêng Nhà Thờ viết hoa hay đền thờ tâm hồn chắc chắn phải có trả giá. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng, dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh…(1 Cr 1,22). Chúa Kitô đã chấp nhận để người ta phá “thân thể Người” để rồi xây lại sau ba ngày không phải chỉ để thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem mà đặc biệt để thanh tẩy cái Nhà Thờ viết hoa cũng như các đền thờ tâm hồn, tức là con người qua mọi thời đại.

Môn đệ không trọng hơn Thầy (x.Ga 15,20). Rất nhiều người, nhiều vị thánh đã từng to gan tiếp bước chân Thầy chí thánh nhiệt thành lo việc thanh tẩy Nhà Thờ viết hoa, thanh tẩy các đền thờ tâm hồn. Và số phận của họ đã dẩy đầy truân chuyên. Nói gì cho xa, để có được thành quả là Công Đồng Vatican II và gìn giữ cũng như phát triển thành quả ấy thì nhiều vị, nhiều đấng bậc đã chấp nhận bao hy sinh, khổ ải, truân chuyên. Cuộc đời của Hồng Y Ives Congar, cha Marie -Dominique Chenu, Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI… là những minh chứng hùng hồn.

Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Một quy luật như là tất yếu. Đã sợ thiệt thân thì hầu chắc không làm được sự gì tốt cho việc nhà Chúa. An thân, thủ phận, hay sống theo “chủ nghĩa cơ hội” thật không xứng với người môn đệ Chúa Kitô. Có thể có nhiều lý do, nhưng chắc chắn có lý do này, đó là chưa nhiệt tâm lo việc nhà Chúa.

 

 

 

 

 

63. “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”

 

Các em thiếu nhi thân mến,

Có bao giờ các em đọc kinh hay hát thánh ca trong nhà thờ mà không suy nghĩ gì đến lời kinh, tiếng hát cuả mình không? Có khi nào ngồi đây nghe giảng mà tâm trí các em đang bay ở mãi tận khung trời xa xôi nào đó không? Đó chính là lối thờ phượng máy móc, vụ hình thức của những nguoi đi đạo lâu năm. Họ đọc kinh theo thói quen. Họ hát theo thói quen. Họ nghe giảng theo thói quen. Họ không còn ý thức đến hành vi của mình nữa, và cũng không có một cảm xúc hay một tâm tình thờ phượng đích thực nào trong những việc làm của mình.

Người ta kể rằng: một người kia nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn mình đến một ngôi nhà thờ trong một ngày chúa nhật. Tại đó người này thấy người nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng âm nhạc, ca đoàn và cộng đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả. Rồi đến khi linh mục đứng lên giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả. Người ấy rất đỗi ngạc nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: “Ông không nghe thấy gì, vì không có gì để nghe cả. Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi. Tâm hồn họ trống rỗng. Họ không thờ phượng Chúa từ trong cõi lòng. Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra. Họ nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chúa lâu rồi.

Qua câu chuyện này, người ta muốn nói điều gì? Thưa, câu chuyện này dậy ta một bài học quan trọng: khi nào ta vào nhà thờ, thờ phượng Chúa, ta hãy đến đó với một tấm lòng ước muốn ra mắt Chúa, và tôn kính Ngài trong mọi việc ta làm trong nhà thờ. Ta hãy đọc kinh với thái độ tin tưởng và yêu mến. Ta hãy hát với thái độ ca ngợi Chúa thật, dù là hát trong ca đoàn hay chung với cộng đoàn. Nếu ta đứng lên nói, hãy nói với thái độ tôn thờ Chúa. Cầu nguyện cũng phải chân thành tập trung vào Chúa, ngay cả khi nghe lời Chúa cũng phải có thái độ thờ phượng. Khi nào ta ý thức được như thế thì giờ thờ phượng mới có ý nghĩa. Và chỉ những lúc đó, tiếng ca ngợi của ta từ nơi đất thấp, mới bay lên tận trời cao được.

Hôm nay Chúa Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài đã thấy gì trong đó? Họ đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Họ lợi dụng Đền thờ để lợi dụng lẫn nhau. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền nhằm lợi nhuận. Kẻ mua để dâng cúng trong đền thờ chỉ nhằm mục đích phô trương giả hình. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương như thế, để họ thu lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ. Chính vì Đền thờ bị lạm dụng., Chúa đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ. Chúa đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghiã đích thực của Đền thờ. Vậy ý nghiã đích thực của Đền thờ là gì?

Thưa, Đền thờ là nơi cầu nguyện. Chúa bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chúa, mà là thờ quyền lợi của mình. Đồng thời, khi Chúa Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài ám chỉ đến Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Như vậy qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân ước là thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Thế nên, “đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, vì Thiên Chúa là Thần Khi và những kẻ thờ phượng Người phải thờ trong Thần khí và sự thật” (Ga 17, 23).

Ngày hôm nay, người ta vẫn có thể lạm dụng Đển thờ bằng nhiều cách:

– Có những người đến nhà thờ nhưng lại lo ra chia trí trong lòng. Đó là những người có xác mà không có hồn. Họ chỉ là những thây ma trơ trẽn và nguội lạnh. Họ xem lễ chứ không dự lễ, vì họ không đóng góp tấm lòng của mình vào việc thờ phượng Chúa.

– Có những người đi lễ vì người khác đi mình cũng đi hay chỉ vì cha mẹ bắt phải đi. Đó là những người thờ phượng giả hình. Họ không sống những điều mình tin. Họ lấy “vải thưa che mắt thánh”. Họ chỉ che được mắt thế gian nhưng không che dấu được Thiên Chúa. Họ đến nhà thờ nhưng không gặp được Chúa nên đời sống họ cũng không có gì thay đổi.

– Nhưng điều quan trọng mà hôm nay sứ điệp Lời Chúa muốn nhắn gởi chúng ta, chính là hãy chỉnh đốn lại đền thờ tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta có Chúa ngự trị hay không? Chúng ta đang tôn thờ Thiên Chúa hay tôn thờ những danh lợi thú trần gian?

Mùa Chay là mùa mợi gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống. Có thể nói mùa chay là mùa giúp chúng ta nhìn lại đến thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chúa thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chúa ngự trị.

Lạy Chúa, tâm hồn con là đền thờ của Chúa, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn. Xin Chúa hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.

 

 

 

 

 

64. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

Phép lạ hoặc những việc làm của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan thường mang ý nghĩa biểu tượng. Dấu lạ được thánh Gioan kể lại là để nói lên một thực tại khác về Chúa Giêsu. Thí dụ phép lạ khiến ông La-da-rô sống lại cho ta biết Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Cũng vậy, việc Chúa lên Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua và tẩy uế Đền Thờ là để nói lên rằng Chúa Giêsu sẽ thay thế cho Đền Thờ. Thiên Chúa không còn ngự trị trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem hay tại Ga-ri-dim nữa, nhưng trong Đức Kitô, để “những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23). Thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ Mới là Chúa Kitô chắc chắn phải là một đề tài ta cần suy nghĩ và xét lại trong mùa Chay về cách thờ phượng và cầu nguyện của ta.

a) “Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”

Khác với các sách Tin Mừng nhất lãm, sách Tin Mừng Gioan nói Chúa Giêsu lên Giê-ru-sa-lem nhiều lần và việc tẩy uế Đền Thờ xảy ra ngay ban đầu sứ vụ của Người. Đặc biệt những lời của Chúa Giêsu nói trong dịp này cũng mang một sắc thái hoàn toàn khác. Không phải những câu trích dẫn ngôn sứ I-sai-a và Giê-rê-mi-a, nhưng là những lời của chính Chúa Giêsu nói với mọi người: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Do đó lệnh truyền của Chúa Giêsu không chỉ đòi ta phải suy tư về ý nghĩa của Đền Thờ Mới, nhưng còn đòi ta phải có những hành động cụ thể để thanh tẩy đền thờ của Chúa Thánh Thần, tức là thân xác và tâm hồn của ta.

Thật là một hình ảnh tuyệt vời nếu ta hiểu tất cả con người Chúa Giêsu là Đền Thờ Thiên Chúa ngự. Nơi Người, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại kết hiệp với nhau trong một ngôi vị, tức là Ngôi Hai Thiên Chúa. Không những Thiên Chúa hoàn toàn ngự trong Chúa Giêsu, mà còn nhờ Chúa Giêsu ở lại với nhân loại (Emmanuel = Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Đến với loài người qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn mọi sự đổi mới. Đời sống mới của ta phải theo lề luật mới là giáo lý Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng đến để kiện toàn Lề Luật. Việc phụng tự biểu lộ quan hệ giữa ta với Thiên Chúa cũng phải đổi mới. Đền thờ Giê-ru-sa-lem không còn là trung tâm thờ phượng, nơi duy nhất người ta đến với Chúa nữa. Nhưng từ nay, Chúa Giêsu thay thế cho Đền Thờ và là nơi thể hiện việc thờ phượng đích thực. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Sa-ma-ri: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem… Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”. Chỉ trong Chúa Giêsu mới có sự thật toàn vẹn và thần khí Thiên Chúa đầy tràn. Do đó chỉ trong Người mới thể hiện việc thờ phượng đích thực. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn muốn mỗi người môn đệ phải là “người thờ phượng đích thực” và trở nên một đền thờ sống động, hoặc những viên đá sống động để xây dựng Hội Thánh Người. Thánh Phao-lô khẳng định: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16).

Giáo Hội là Thân Thể Mầu nhiệm Chúa Kitô. Người là Đầu và ta là chi thể của Nhiệm Thể ấy. Như vậy, khi ta hiệp cùng Giáo Hội thờ phượng Thiên Chúa trong Chúa Kitô thì việc thờ phượng đó là đích thực. Ta cũng hiểu được tại sao Giáo Hội luôn luôn kết thúc các lời nguyện với câu: Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Bởi vì nếu không nhờ Đức Kitô, Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người, lời cầu nguyện cũng như việc thờ phượng của ta không bao giờ có thể đạt tới mức thập toàn được.

b) “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”

Nếu ý thức ta là đền thờ Thiên Chúa ngự, ta sẽ thấy lời nói trên của Chúa Giêsu bắt ta phải suy nghĩ về tình trạng đền thờ của ta. Trước hết Chúa gọi tâm hồn ta là “nhà Cha tôi” và lúc nào cũng phải là nơi xứng đáng để Chúa Cha hiện diện tại đó. Chúa đã nhìn thấy nguy cơ có thể xảy ra cho ta, đó là tâm hồn ta biến thành “nơi buôn bán”. Ta thử tưởng tượng lại khung cảnh buôn bán tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Những ồn ào, cãi vã, gian dối, lường gạt… đầy dẫy trong khung cảnh buôn bán ấy và không thích hợp chút nào cho việc thờ phượng và cầu nguyện. Sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 7:11) gọi nơi buôn bán ấy là “sào huyệt của bọn cướp”. Thực đúng như vậy. Khách hành hương từ xa tới Đền Thờ ít khi quan tâm vấn đề tiền bạc. Còn đám con buôn thì lợi dụng thời cơ và lòng đạo đức của khách hành hương, tìm đủ cách moi tiền của họ để làm giầu cho mình.

Tình trạng này vẫn xảy ra tại nhiều nơi hành hương trên thế giới hôm nay. Nếu tới Đất Thánh và Giê-ru-sa-lem, ta cũng khó mà kiếm được vài ba chỗ có được khung cảnh cầu nguyện thích hợp. Có lẽ chỉ có Na-da-rét và núi Tám Mối phúc là còn khung cảnh thanh tĩnh giúp ta sống lại những quan hệ mầu nhiệm Chúa Kitô. Tại những nơi hành hương nổi tiếng như Lộ-đức và Fatima, chung quanh Đền thánh việc buôn bán sầm uất không kém! Đó là những buôn bán bên ngoài. Còn những buôn bán bên trong tâm hồn thì sao? Trong Giáo Hội, tinh thần buôn thần bán thánh vẫn là điều khiến nhiều người đặt vấn đề. Ngày nay Giáo Hội Hoa-kỳ đã bị ràng buộc trong cơ cấu hành chánh và tiền bạc, không sao tìm được lối thoát. Không có tiền, làm sao trả lương các linh mục, thư ký văn phòng, giám đốc thánh nhạc, giám đốc giáo lý… chưa kể những khoản bảo trì cơ sở vô cùng tốn kém. Có những giáo phận bỏ ra cả mấy triệu bạc để thuê một công ty “gây quỹ”, đặt chỉ tiêu cho các giáo xứ phải quyên góp cho đủ! Do đó thật khó mà tránh được tinh thần buôn bán ngay trong những công việc đạo đức.

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tình trạng buôn bán trong tâm hồn mỗi Kitô hữu. Chúa Giêsu dạy ta “đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”. Người để cho ta nhận diện từng thứ, rồi đem “tất cả” ra khỏi tâm hồn ta. Tâm hồn ta trước hết phải là “lều hội ngộ” để Chúa và ta gặp gỡ mọi lúc. Chúa Giêsu, sự thật toàn vẹn và Thần Khí đầy tràn, phải chiếm hữu tất cả con người của ta để loại trừ đi cảnh buôn bán và sào huyệt của bọn cướp. Thánh Phao-lô cho ta thấy sự trái ngược giữa hoa quả của Thần Khí và hoa quả của tính xác thịt, là những điều có thể gặp thấy trong tâm hồn ta. Nếu ta biết đem tất cả những gì thuộc tính xác thịt ra khỏi tâm hồn và thay thế bằng những hoa quả tốt lành của Thần Khí, ta sẽ là một đền thờ xứng đáng cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).

c) Suy nghĩ và cầu nguyện

Nếu coi mùa Chay như là mùa “dọn dẹp tâm hồn”, tôi có chương trình cụ thể nào để tẩy uế đền thờ tâm hồn tôi? Tôi phải đem “tất cả những thứ này” ra khỏi tâm hồn tôi, vậy đó là những thứ gì?

Tôi hiểu thế nào là thờ phượng trong sự thật và thần khí? Chúa Giêsu là sự thật toàn vẹn giúp tôi hiểu gì về Thiên Chúa? Và thần khí của Người dạy tôi sống như thế nào?

Việc thờ phượng với tính cách cá nhân và cộng đồng của tôi như thế nào? Tôi tham dự vào việc thờ phượng của toàn thể Giáo Hội một cách tích cực hay hời hợt? Tôi tham dự vào đời sống của Nhiệm Thể Chúa Kitô như thế nào? Tôi đã làm gì để đóng góp vào việc giúp cho Giáo Hội được lành mạnh thêm và chiếu tỏa hình ảnh Chúa Kitô hơn ngay trong cộng đoàn đức tin tôi thuộc về?

Cầu nguyện

“Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,

nếu Hội Thánh được ví như một thân thể

gồm nhiều chi thể khác nhau,

thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu

một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.

Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.

Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.

Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,

thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,

các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu,

cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,

ơn gọi của con chính là tình yêu.

Con đã tìm thấy

chỗ đứng của con trong Hội Thánh:

nơi Trái Tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,

và như thế con sẽ là tất cả,

vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,

mọi ước mơ của con được thực hiện.”

– dựa theo lời của thánh Têrêxa

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 62)

 

 

 

 

 

65. Suy niệm của Đan Vinh.

 

TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1) Ý chính: Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ.

Với lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa, Đức Giêsu không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi Đền Thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn với tiền bạc, chiên bò, chim câu… ra khỏi Đền Thờ. Người tẩy uế Đền Thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa sẽ phải được cử hành trong Đền Thờ Mới là thân xác Phục Sinh của Người và sẽ tồn tại mãi mãi, thay cho sự thờ phượng tại Đền Thờ Giêrusalem bằng gỗ đá chỉ có tính tạm thời và sẽ bị phá hủy sau này.

2) Chú thích:

* Gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò r a khỏi Đền Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ (Ga 2,13-15):

+ Lễ Vượt Qua của dân Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem: Vào thời Đức Giêsu, lễ Vượt Qua là một trong ba đại lễ, buộc người Do Thái ở khắp nơi phải hành hương về đền thánh Giêrusalem để sát tế và ăn bữa tiệc chiên vượt qua, kỷ niệm biến cố Xuất Hành, trong đó Đức Chúa dùng Môsê, giải phóng con cháu Giacóp là dân Do Thái khỏi ách làm nô lệ cho dân Ai cập.

+ Người thấy trong Đền Thờ: Đền Thờ là dấu chỉ Đức Chúa hiện diện giữa dân Người.

Câu hỏi: Theo lịch sử dân Ítraen thì đã có bao nhiêu Đền Thờ được xây dựng tại Giêrusalem và cấu trúc của các Đền Thờ ấy thế nào?

Đáp: Không kể đền thờ tạm là Nhà Lều trong thời gian 40 năm dân Do Thái đi qua sa mạc, còn có ba Đền Thờ được xây dựng tại Giêrusalem là Đền Thờ Salômon, Đền Thờ Sau Lưu Đầy và Đền Thờ Hêrôđê như sau:

Đền thờ Salômon: Dưới triều vua Đavít, tuy Hòm Bia đã được đem về Giêrusalem, nhưng vẫn còn được để giữa Mái Lều Vải Nhà Tạm (x.2 Sm 6,17). Vua Đavít muốn xây một Đền Thờ để kính Đức Chúa. Nhưng ngôn sứ Nathan tuyên sấm lời Đức Chúa là sẽ dành việc xây dựng ấy cho con của ông (x.2 Sm 7,2.13). Sau đó, vua Salômon đã thực hiện ý định của vua cha Đavít vào năm 970 và Đền Thờ đã được hoàn tất sau 7 năm thi công (1 V 6,37-38). Đền Thờ này nằm giữa một khu đất rộng là Sân Trước. Tại đây có Bàn Thờ Toàn Thiêu bằng đồng (x. 1 V 8,64). Đền Thờ có chiều dài ba mươi thước, chiều rộng mười thước và chiều cao mười lăm thước, gồm Gian Tiền Đình, Gian Cung Thánh và Nơi Cực Thánh. Tại Gian Cung Thánh có Bàn Thờ Hương, Bàn Bánh Tiến và Mười Chân Đèn bằng vàng (x. 1 V 6,20-21; 7,48-49). Nơi Cực Thánh nằm giữa Đền Thờ có một Bàn Thờ bằng gỗ bá hương và được dát bằng vàng ròng (x.1 V 6,2. 16-22). Tại Nơi Cực Thánh, Hòm Bia Giao Ước được đặt ngay dưới đôi cánh của hai bức tượng Thần sứ Kêrubim. Vào năm 586 trước Công Nguyên, quân Babylon xăm lăng tàn phá thành Giêrusalem và Đền Thờ Salômon này cũng bị phá hủy. Các báu vật trong Đền Thờ đã bị chiếm đoạt mang về Babylon.

Đền thờ sau lưu đày: Được xây trên nền của Đền Thờ cũ và kích thước cũng như trước. Đền Thờ này kém bề thế hơn và Nơi Cực Thánh để trống không. Trong Gian Cung Thánh có đặt một Chân Đèn 7 Ngọn thay cho 10 ngọn đèn như trong Đền Thờ Salômon trước đó. Dân hồi cư trước hết đã tái lập Đền Thờ Toàn Thiêu. Việc xây dựng Đền Thờ Kéo dài trong 5 năm và được thánh hiến vào năm 515 trước Công Nguyên. Năm 169 Đền Thờ này lại bị vua Antiôcô IV chiếm đoạt và xúc phạm. Đến năm 164, Giuđa Máccabê đã thanh tẩy Đền Thờ, lập một Bàn Thờ Toàn Thiêu mới và trang hoàng lại Gian Cung Thánh.

Đền thờ Hêrôđê: Để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng, Hêrôđê đã mở rộng chu vi và trang trí lại bên trong Đền Thờ. Công việc trùng tu Đền Thờ bắt đầu từ năm 20 trước Công Nguyên và đến năm 26 sau Công Nguyên mới tạm xong và được tổ chức khánh thành các công trình chính (x.Ga 2,20). Sau đó việc trùng tu Đền Thờ lại tiếp tục đến năm 63 sau Công Nguyên mới chấm dứt. Về mặt cấu trúc: Đền Thờ có bốn hàng cột nằm ở ba mặt của Đền Thờ: Về phía Đông có hành lang Salômon (x. Cv 3,11; 5,12); Phía Tây Bắc có pháo đài Antônia thông ra sân ngoài. Nơi đây thường xuyên có một tiểu đoàn quân lính Rôma trú đóng, mục đích giữ gìn an ninh trật tự trong các dịp lễ lớn của dân Do Thái và sẵn sàng trấn áp bạo loạn (x. Cv 21,31-37). Đền Thờ có bốn cổng lớn. Một bức tường bằng đá được dùng làm ranh giới cấm lương dân vượt qua. Nội vi Đền Thờ có nhiều sân: Bên ngoài bức tường đá là sân lương dân, là nơi các luật sĩ thường lui tới bàn luận với nhau (x. Cv 3,11). Sân nữ giới nằm giữa nơi có dân chúng ra vào và ăn thông với Cửa Đẹp (x. Cv 3,2). Tiếp theo là sân Ítraen dành cho nam giới. Cuối cùng là sân Tư Tế. Tại đây có đặt một Bàn Thờ Toàn Thiêu. Cách đó 10 thước, toàn bộ thánh điện được thiết kế giống như Đền Thờ ngày xưa gồm Tiền đường, Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh. Về số phận của Đền Thờ Hêrôđê: Đức Giêsu đã tiên báo sự sụp đổ của Đền Thờ này (x. Lc 21, 5-7). Người cũng báo cho các tín hữu biết trước về ngày thành Giêrusalem bị quân thù kéo đến bao vây và sẽ bị tiêu diệt. Sự kiện này được coi như hình bóng của Ngày Tận Thế (x. Lc 21,20-28). Quả thật, lời tiên báo của Đức Giêsu đã trở thành hiện thực: Dân Do Thái đã nổi loạn và quân Rôma do tướng Titô chỉ huy đã đến bao vây Giêrusalem. Đến ngày mùng 06 tháng 8 năm 70, thành đã bị thất thủ. Trong lúc hỗn loạn, một tên lính Rôma đã ném một bó đuốc vào trong Đền Thờ, lửa bốc cháy tấm màn che giữa Gian Cung Thánh và Nơi Cực Thánh và toàn bộ Đền Thờ đã bị thiêu hủy. Chỉ một ít đồ thánh như chân đèn 7 ngọn và Bàn Thờ Dâng Bánh còn sót lại và được mang về Rôma như chiến lợi phẩm (x. Dcr 14,1).

+ Có những kẻ bán chiên bò bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền: Tại sân lương dân, các Tư Tế cho một số người bán chiên, bò và chim câu… để dân chúng mua mà dâng làm lễ vật cúng tế trong Đền Thờ (x. Ga 2,14; Lc 2,24). Cũng có cả những người ngồi đổi tiền từ đồng tiền của Rôma lưu hành ngoài xã hội, trên đồng tiền có hình và ký hiệu của hoàng đế Xêda (x. Lc 20,24-25), nên bị cấm lưu hành trong Đền Thờ. Dân Do Thái muốn đóng thuế Đền Thờ hay góp tiền trùng tu Đền Thờ (x. Lc 21,1-2) thì trước hết phải đổi từ tiền của Rôma thành tiền của Đền Thờ tại bàn đổi tiền rồi mới được đóng góp (x. Ga 2,14).

+ Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ: Sự bất kính do bọn con buôn gây ra như thế khiến Đức Giêsu rất đau lòng. Người nổi cơn thịnh nộ và đã dùng giây thừng cột thú vật được ném bừa bãi ở nơi đó, chấp lại thành roi rồi dùng roi ấy đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ.

* Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,16-19):

+ “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”: Nói câu này, Đức Giêsu tự xưng là Con Thiên Chúa. “Nơi buôn bán” hay “hang trộm cướp” là kiểu nói diễn tả tình trạng bất kính ở trong Đền Thờ, một nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa! Thế là ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã tuyên sấm quở trách dân Do Thái xưa (x. Gr 7,11).

+ “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”: “Sẽ phải thiệt thân” nghĩa là “sẽ phải chết”. Như vậy ý nghĩa lời Thánh Vịnh 69,10 như sau: lòng nhiệt thành với Đền Thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x.Ga 15,5).

+ Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”: “Người Do Thái” trong câu này ám chỉ các chức sắc Đền Thờ như các Tư Tế và Lêvi. Họ bực tức khi thấy Đức Giêsu đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ. Do đó họ hạch hỏi Đức Giêsu dựavào dấu lạ nào để chứng minh mình được Thiên Chúa sai đến thực sự và có quyền xua đuổi con buôn như thế. Trước đây họ cũng nhiều lần đòi Đức Giêsu chứng minh Người được Thiên Chúa sai đến, bằng cách phải làm phép cho họ thấy mà tin Người (x. Mt 12,38; Mc 8,11; Lc 11,16).

+ “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”: Ở đây, Đức Giêsu cho họ một phép lạ làm chứng Người được Thiên Chúa sai đến, là phép lạ Người sẽ sống lại nội trong ba ngày. Tuy nhiên Đức Giêsu xử dụng kiểu nói dụ ngôn mà các ngôn sứ hay dùng là đã gọi thân thể của mình là Đền Thờ. Câu này có nghĩa là: Dù họ có giết chết Người thì cũng chỉ trong ba ngày Người sẽ sống lại.

* Người Do Thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết chổi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói (Ga 2,20-22):

+ Phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong: Các đầu mục Do Thái đã hiểu sai ý của Đức Giêsu. Họ hiểu lời Người theo nghĩa đen nên mới nói về thời gian xây dựng Đền Thờ mất 46 năm (Khởi công năm 20 trước Công Nguyên và đến năm 26 sau Công Nguyên mới tạm hoàn thành những công trình chính), đang khi ý Đức Giêsu ám chỉ Đền Thờ là Thân Thể của Người. Sau này khi Thượng Hội Đồng Do Thái xét xử Đức Giêsu do Caipha chủ tọa có hai kẻ đứng ra cáo gian rằng: “Tên này đã nói: Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại” (Mt 26,61). Họ cũng nhắc lại điều tố cáo này khi lăng nhục Người trên thập gía (x. Mt 27,40).

+ Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người: Thân Thể Đức Giêsu phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra cho loài người (x. Ga 1,14). Thân Thể ấy là Đền Thờ Mới, là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23-24).

+ Khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó: Chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh và được ơn Thánh Thần tác động, các môn đệ mới hiểu chính xác về lời nói và việc làm của Đức Giêsu (x. Ga 12,16; 14,26).

+ Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói: Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh và Lời Đức Giêsu tiên báo đều đã được ứng nghiệm (x. Ga 18,9.32). Do đó cả hai đều được các môn đệ tôn trọng.

* Trong lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giêsu không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người (Ga 2,23-25):

+ Nhiều kẻ tin vào danh Người. Nhưng chính Đức Giêsu lại không tin họ: Phép lạ chỉ kích thích trí tò mò làm cho người ta đến xem để biết thực hư ra sao. Nhưng đức Tin là bởi nghe (x. Rm 10,17) chứ không bởi thấy, như lời Đức Giêsu Phục Sinh nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”(Ga 20,29). Một số khá đông dân chúng tin Đức Giêsu vì đã thấy các phép lạ Người làm (x. Ga 12,17-18). Nhưng đức tin dựa trên mắt thấy như vậy là đức tin bất toàn và không bền vững. Do đó Đức Giêsu không mấy tin các tín hữu này. Thực vậy, khi bị xét xử trước tòa quan Philatô, trong số đám đông dân chúng đòi kết án tử hình thập gía cho Đức Giêsu, chắc không thiếu những kẻ đã từng tin và hoan hô Người là “Con Vua Đavít”, “Đấng nhân Danh Chúa mà đến!” lúc Người khải hoàn vào thành Giêrusalem (x. Lc 19,37-38; Ga 12,12-15). Đàng khác, không phải cứ trông thấy phép lạ là người ta sẽ tin. Các kẻ thù của Đức Giêsu đã từng chứng kiến bao phép lạ người làm, thế mà họ đâu có tin. Ngược lại còn quyết tâm tiêu diệt Người nữa (x. Ga 11,45-53). Họ xuyên tạc để lôi kéo dân chúng đừng tin theo Người, như nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mc 3,22).

+ Người biết họ hết thảy: Thánh gioan đã ghi lại nhận xét này khi thấy dân chúng nô nức đi theo Đức Giêsu. Người biết rõ ý của họ và đã nói thẳng với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê!” (Ga 6,26). Trong phép lạ chữa bệnh nhân bại liệt, Mátthêu cũng viết: “Đức Giêsu biết ý nghĩa của họ liền nói: Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?…” (Mt 9,4).

HỌC SỐNG LỜI CHÚA

1) “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây. Đừng biến Nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16):

Câu chuyện: Tiếng chim hót trong bụi mận gai.

Thỉnh thoảng đài truyền hình VN lại cho chiếu bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà tác gỉa là một nữ văn sĩ người Úc theo đạo Tin Lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã đứng trên quang điểm của đạo Tin Lành để phê phán luật độc thân của hàng giáo sĩ Công Giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội.

Câu chuyện về một linh mục là Cha Ráp (Ralph). Ráp là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh mục này có khá nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút nhiều người đến với mình. Nhưng đồng thời ông ta cũng muốn được nổi danh và ham mê tiền bạc. Trong số các người mến mộ Cha Ráp, có một bà già quí phái giàu có. Bà quí mến Cha cách đặc biệt nhưng không được đáp lại, nên tình yêu đã biến thành thù hận. Thay vì trả thù theo kiểu thường tình, thì người đàn bà này có sáng kiến gài bẫy để bôi đen cuộc đời vị linh mục trẻ: Trước khi chết, bà đã làm tờ di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản kếch sù của bà cho Giáo Hội Công Giáo, với điều kiện duy nhất là Giáo Hội phải cử Cha Ráp làm quản lý số tài sản đó. Cách trả thù của bà quí phái giàu có đã thành công: Cha Ráp dần dần được cất nhắc lên địa vị khá cao trong Giáo Hội. Nhưng đồng thời chính đồng tiền mà Cha quản lý đã làm cho đời sống tinh thần của Cha ngày một xuống cấp và cuối cùng Cha đã sa ngã vào các đam mê tội lỗi, trái với sự tình nguyện “sống độc thân vì Nước Trời” mà Cha đã khấn hứa.

Suy nghĩ và thảo luận:

+ Suy nghĩ: Câu chuyện trên dầu sao cũng nói lên một thực tại: Hễ là người thì dù ở trong bất cứ hoàn cảnh hay bậc sống nào, nếu không biết khôn ngoan phòng tránh, thì đều có nguy cơ bị ngã gục trước sức mạnh của đồng tiền! Thực ra: Tiền của là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống: “Đồng tiền liền khúc ruột!”, hay như lời Chúa dạy: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21). Tiền bạc giúp người ta sống xứng với nhân phẩm: “Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc!”. Tiền bạc cần để duy trì các hoạt động của mọi tổ chức từ trên xuống dưới, mà còn làm được rất nhiều việc hữu ích về phụng vụ, truyền giáo, bác ái xã hội, phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh… Tuy nhiên, “Tiền của sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu”. Bao lâu ta coi đồng tiền là phương tiện thì nó giúp ta làm được rất nhiều việc tốt đẹp hữu ích cho Chúa và tha nhân. Vì “có tiền mua tiên cũng được!”. Nhưng nếu ta quá coi trọng đồng tiền, biến nó trở thành mục đích cuộc đời mình. Nếu lúc nào ta cũng lo kiếm tiền bằng bất cứ giá nào, thì bấy giờ đồng tiền sẽ trở thành ông chủ và sẽ sai khiến ta ăn ở bất công với người dưới, bất nhân độc ác khi cố tình làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại, hoặc khi tranh chấp quyền lợi với đối phương, gian dối và lừa đảo trong các quan hệ kinh doanh làm ăn, vô lương tâm và không còn nghĩ tới tội phúc, thưởng phạt đời sau…

+ Thảo luận: Theo bạn thì việc thờ phượng Thiên Chúa tại nhà thờ và làm chứng cho Đức Kitô ngoài xã hội, Giáo Hội có cần tiền bạc không và cần tiền làm gì? Bạn sẽ làm gì để giúp Giáo Hội có tiền bạc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách tốt đẹp hơn? Giả như Đức Giêsu sắp đến viếng thăm bạn, vậy cần phải cấp thời thanh tẩy những gì trong tâm hồn của bạn để tránh bị Người nổi giận?

2) Tránh trở nên chướng ngại vật cản trở tha nhân tìm đến với Chúa:

Câu chuyện: Niềm tin của Thánh Găngđi nước Ấn độ:

Khi còn là một sinh viên, Găngđi (Mahatma Gandhi) được du học tại Nam Phi một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Găngđi có dịp đọc Kinh Thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám Mối Phúc thật trong phần Bài Giảng Trên Núi. Ong rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân…Găngđi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo chính là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội An Độ quê hương của ông. Găngđi nghĩ mình nên tìm hiểu và sớm gia nhập vào Kitô giáo.

Ngày nọ, Găngđi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau: “Đây là Nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến Nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin!”. Găngđi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: “Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Người. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Người! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo đâu có hơn gì Ấn Giáo có phân biệt giai cấp của tôi? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn Giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ!”.

Suy niệm: Vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta chắc cũng có lần trở thành một chướng ngại vật, ngăn cản anh chị em lương dân tìm đến gặp Chúa. Chỉ cần một lời nói sẵng giọng và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh dễ coi thường tha nhân, một hành động hẹp hòi ích kỷ trái với tinh thần quảng đại vị tha của Tin Mừng hoặc một gương mù gương xấu nơi vị chủ chăn… là có thể chúng ta đã xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó còn cơ hội nào khác để trở lại.

3) Cứ phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2,19):

Câu chuyện: Tiền vào nhà, Chúa đi ra:

Ở bên Pháp, có đôi vợ chồng bác nông dân kia làm tá điền cho một ông bá tước giàu có. Đội vợ chồng này tuy nghèo nhưng lại có lòng đạo đức. Mỗi buổi sáng, khi vừa nghe tiếng chuông nhà thờ là hai vợ chồng đã lập tức thức dậy và mau mắn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng. Sau lễ, họ trở về nhà, vội ăn sáng rồi vác cuốc ra đồng làm việc và mãi đến chiều tối mới trở về nhà. Ngày nào hai vợ chồng cũng đều đọc kinh tối chung với nhau trước khi ngủ. Họ luôn sốngvui vẻ hòa thuận và chưa hề nghe họ cãi vã to tiếng với nhau bao giờ. Họ được mọi người trong làng khen ngợi bình chọn là một gia đình đạo đức tiêu biểu và họ trở thành gương sáng cho các đôi vợ chồng khác học tập noi theo. Ông chủ đất này muốn thử xem lòng đạo đức của đôi vợ chồng tá điền kia có thật hay không. Một hôm, ông sai gia nhân mang một túi đựng 100 đồng tiền vàng đến bí mật để ngay trước cửa nhà của đôi vợ chồng bác tá điền. Sáng hôm ấy, khi mở cửa đi lễ như thường lệ thì phát hiện ra một túi tiền vàng được ai đó để trước cửa nhà. Thế là đôi vợ chồng thôi không đi lễ nữa và vội đóng cửa lại để đếm tiền. Đếm đi đếm lại mãi, đến nỗi họ chẳng thiết gì đến ăn uống và không ra đồng làm việc. Sau khi đã nắm vững số tiền đang giữ, hai vợ chồng bàn định tìm chỗ để cất giấu cho an toàn. Mỗi người một ý không ai chịu ai cả, và lần đầu tiên họ đã cãi vã nhau. Cuối cùng họ nhất trí sẽ để túi tiền ngay dưới gối và nằm đè lên cho chắc ăn. Tuy vậy, họ vẫn khống yên tâm, nên cả hai đều không dám rời xa chiếc giường. Thực đúng như lời Chúa đã phán: “Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mt 6,21). Lúc nào tâm trí họ cũng nghĩ tới số tiền kia đến dộo ăn uống ngủ nghĩ thất thường. Cũng từ hôm ấy, hai vợ chồng chẳng còn tha thiết cùng đi dâng lễ mỗi sáng và đọc kinh tối chung với nhau nữa! Lòng họ lúc nào cũng lo sợ sẽ có ngày chủ nhân túi tiền đến đòi lại số tiền ấy. Sau một tuần căng thẳng, cả hai vợ chồng đều suy nhược và bị cảm ho đau nhức phải nằm liệt giường. Khi biết rõ tình trạng của đôi vợ chồng này, một hôm ông bá tước đã đến thăm hỏi. Trong cuộc nói chuyện, ông đã ôn tồn giải thích cho đôi vợ chồng biết nguyên nhân gây ra bệnh của họ. Ông cũng tường thuật cặn kẽ các việc ông đã làm cách đó một tuần để chứng minh lời Đức Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ!…Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24), và lời thánh Phaolô: “Lòng yêu mến tiền của là căn nguyên của mọi sự dữ” (1 Tm 6,10). Ông bá tước đã thuyết phục được đôi vợ chồng tá điền sẵn lòng trả lại túi vàng cho ông không thiếu đồng nào. Cũng từ lúc đó, đôi vợ chồng tá điền đã tìm lại được sự bình an trong tâm hồn. Họ lại vui tươi yêu đời, sớm hôm đọc kinh dự lễ để thờ phượng Chúa, phó thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng, và thực thi giới răn yêu thương như Đức Giêsu đã dạy.

HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU

1) Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ ra uy nghiêm và quyết liệt khi dùng roi xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ, không ngại bị họ thù ghét làm hại. Nếu Chúa sống trong thời đại của chúng con hôm nay, chắn hẳn Chúa đã phải mạnh tay hơn để tẩy uế, khi nhiều ngôi Thánh Đường đã bị coi thường. Một số nhà thờ vì không có khuôn viên và chung quanh là đường đi, nên bị một số người thiếu ý thức đem rác đến đổ bừa bãi, biến sân nhà thờ thành một bãi rác lộ thiên. Rồi chó mèo tự do phóng uế làm mất vệ sinh chung sân Nhà Chúa. Rồi cả những phần tử bất hảo cũng kéo đến tổ chức ăn nhậu, bài bạc, hút chích và đàng điếm… gây cảnh ồn ào náo loạn làm mất sự trang nghiêm trật tự lẽ ra phải có ở nơi dành riêng cho việc thờ phượng.

Lạy Chúa, nhất là thân xác của chúng con là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, thế mà nhiều lần đã trở nên nhơ uế khi chúng con suy nghĩ, nói năng và hành động theo thói thế gian, chiều theo tính xác thịt của mình thay vì theo ý Chúa, khi chúng con chiều theo các đam mê lạc thú bất chính mà phạm tội mất lòng Chúa. Trong những ngày Mùa Chay này, xin Chúa giúp chúng con thanh tẩy tâm hồn và thể xác nhờ siêng năng đến nhà thờ cầu nguyện dâng lễ, tích cực tham dự các buổi tĩnh tâm, làm các việc hãm mình để biểu lộ tâm tình sám hối, quyết tâm đổi mới đời sống để mỗi ngày trở nên con ngoan hiếu thảo của Chúa Cha, và sống hòa thuận yêu thương để trở thành anh chị em thực sự của mọi người.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria. – Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2) Lạy Thánh Mẫu Maria, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã trả lời cho các đầu mục Do Thái về dấu lạ chứng minh Người có quyền xua đuổi con buôn ra khỏi Đền Thờ. Đó là: ” Cứ phá hủy Đền Thờ do tay người phàm xây dựng, và chỉ trong ba ngày tôi sẽ xây dựng một Đền Thờ khác không phải do tay người phàm!” (Mc 14,58; Ga 2,19).

Lạy Mẹ, chúng con hiểu rằng Chúa muốn dạy chúng con: cần phải phá hủy con người cũ với những đam mê tội lỗi, để từ đó phát sinh ra một con người mới thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Những việc thờ phượng có tính hẹp hòi, nặng hình thức phải được thay bằng một tâm tình yêu mến tha thiết. Cần phải thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23). Vậy trong những ngày Mùa Chay này, xin Mẹ giúp chúng con thanh luyện và đổi mới cách thờ phượng theo thánh ý Chúa.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria. – Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

 

 

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ