Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 49
Tổng truy cập: 1370437
ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
§ Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Trong ngày kính mừng Đức Maria, người phụ nữ khiêm tốn thành Nagiaret được rướclên trời cả hồn lẫn xác, Giáo Hội mượn lời thánh Gioan trong sách Khải Huyền để ca ngợi Mẹ: “Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” (12, 1).
Có lẽ chúng ta hơi bị choáng ngợp trước vẻ uy nghi cao cả của người phụ nữ ấy. Trong vinh quang của người có vẻ như Đức Mẹ rất xa cách, rất khác với chúng ta. Thế nhưng, chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của người ở trần gian, chúng ta sẽ thấy rằng người cũng giống chúng ta, gần gủi và quen thuộc với chúng ta biết bao! Và chúng ta sẽ hiểu rằng hạnh phúc mà người đang hưởng cũng được cũng chính là hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta ngày sau.
1. Một cuộc đời khó nghèo.
Điều thứ nhất đập vào mắt chúng ta khi nhìn lại cuộc đời của Đức Mẹ, đó là Đức Mẹ đã sống nghèo khó, khiêm nhường. Đức Giêsu Kitô, thuộc dòng dõi Đavit, đã không muốn ra đời trong một lâu đài giữa những bậc giàu sang quyền thế. Mẹ đã sinh Người ra trong một hang lừa giữa đồng quê vắng vẻ.
Khi dâng con vào đền thờ, Mẹ đã không có tiền để mua một con chiên, mà chỉ mua được một đôi chim bồ câu làm của lễ.
Gia đình của Thánh Giuse và Đức Mẹ ở Nagiaret là một gia đình thợ thủ công bình thường, không cùng khốn nhưng cũng không có gì dư giả. Lúc di cư sang Ai Cập, Thánh Gia Thất lại chịu sự bấp bênh của một cuộc sống nơi xa lạ quê người. Có lẽ Giuse đã phải đổi nghề, phải chạy đôn chạy đáo tìm cho được một mái nhà, phải bắt đầu tạo ra những quan hệ bạn bè mới và kiếm một việc làm độ nhật.
Cuối cùng, sau khi đã hồi hương, là cuộc sống ẩn dật, âm thầm, khiêm tốn và đơn điệu, hoàn toàn không có gì trổi bật.
2. Một cuộc đời lao động cần cù.
Điều thứ hai chúng ta nhìn thấy trong cụôc đời Đức Mẹ, đó là cuộc đời lao động cần cù.
Trong lúc Giuse đổ mồ hôi hành nghề thợ mộc, Mẹ Maria đã phải làm tất cả mọi công việc của một người mẹ và nội trợ trong gia đình: may vá, quét dọn, đi gánh nước, đi chợ, xay bột, nấu nướng, tính toán việc chi tiêu… Khi trẻ Giêsu đến tuổi đi học, hẳn là Mẹ đã phải theo dõi việc học hành của con. Maria là một bà mẹ hiền trong gia đình. Về một người mẹ gia đình, người ta không có gì nhiều để nói. Người ta biết quá rồi; về một người mẹ gia đình, người ta không nói bà làm việc nhưng người ta nói bà có quá nhiều việc tất bật phải làm. Làm gì có chuyện ngồi chơi xơi nước, đi vô đi ra, hoặc giết thời giờ bằng việc đánh bài đánh bạc, hay tụm ba tụm bảy nói chuyện dông dài.
3. Một cuộc đời đau khổ.
Cuộc đời người nghèo, cuộc đời người lao động thường đầy những chiến đấu, thử thách. Đó cũng là điều chúng ta thấy nơi Đức Mẹ. Thử tưởng tượng Đức Mẹ đã sợ hãi biết bao khi biết rằng vua Hêrôđê đang tìm giết con mình; Người đã lo lắng biết chừng nào khi mất con trong mấy ngày liền ở Giêrusalem! Rồi làm sao lòng Mẹ không đau thắt lại khi thấy, ngay trong đám người đồng hương, những khuôn mặt hằn học chống đối Chúa Giêsu. Đức Mẹ linh cảm cái chết bi thảm đang chờ đợi con mình. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu cũng nói rõ cho các người thân của mình biết. “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người và sẽ nộp người cho dân ngoại hành xử. Họ sẽ nhạo báng Người, nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và treo Người trên thập giá” (Mc 10,33-34)
Như thế Đức Mẹ chuẩn bị tinh thần để đón nhận cuộc tử nạn của Con mình. Như Chúa Giêsu, Mẹ không nguyền rủa bọn thù địch, Mẹ chịu đau khổ trong thinh lặng, thưa vâng với Thánh Ý của Thiên Chúa cho tới cùng. Dưới chân thập giá, Mẹ đã mở rộng trái tim ôm ấp cả nhân loại khi trở nên mẹ của Tông đồ Gioan và qua Gioan, Mẹ của tất cả mọi người.
Trong mọi nỗi gian truân thử thách, Mẹ đã luôn luôn giữ được miền tin tưởng phó thác và sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Mẹ đã cảm nghiệm được Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu công bố:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
Phúc thay ai hiền hoà,
Phúc thay ai lo phiền sầu khổ,
Phúc thay ai bị ngược đãi vì chính đạo
Phúc thay cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta nhục mạ và vu khống, anh em hãy vui mừng và hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao.
4. Một cuộc đời sống đức tin.
Đừng ai nói rằng: Đức Maria được Chúa ban nhiều đặc ân phi thường cho nên mọi sự đã trở nên dễ dàng cho mẹ. Không đâu! Ngay chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, cũng đã phải khóc lóc rơi lệ và phấn đấu để học cho biết tuân phục thánh ý của Đức Chúa Cha (x. Hipri 5,7), huống hồ là Đức Maria!
Quả thực Mẹ cũng đã phải bước đi trong đức tin. Mà tin là chưa nhìn thấy tỏ tường, là còn phải lần mò trong bóng tối, là chưa thấy rõ được 100% ý nghĩa của các biến cố xẩy ra cho mình. Kinh thánh cho ta thấy điều đó.
Khi thiên sứ đến truyền tin cho Người biết Người sẽ làm mẹ Chúa Cứu Thế, Maria đã tự hỏi một cách rất tự nhiên: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Sau khi lạc mất con ở Giêrusalem, rồi tìm lại được con trong Đền thờ, cậu bé Giêsu đã nói: “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Phúc âm ghi tiếp: “Ông bà không hiểu lời Chúa Giêsu vừa nói” (Lc 2,50). Nhưng Phúc âm cũng chép rằng Đức Mẹ hằng nghi nhớ các kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng. Nhờ sự suy nghĩ lặng lẽ đó mà ý nghĩa nhiệm mầu của cuộc đời Mẹ gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu dần dần được sáng ra, mặc dù vẫn còn mây mù che phủ. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Mẹ tiếp tục sống với Giáo Hội mới khai sinh, trong lòng tin. Người Con yêu dấu của Mẹ, Mẹ không còn nhìn thấy nữa, không còn đụng chạm tới nữa, nhưng Mẹ biết rằng Người đang sống với Mẹ và với các môn đệ yêu dấu của người. Mẹ khao khát chờ đợi ngày thực hiện lời con Mẹ đã hứa: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em và Thầy sẽ trở lại đem anh em đi theo, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó” (Ga 14,3)
Sự cao cả của Đức Mẹ chính là đã tin và sống theo lòng tin, như bà Isave đã nói: “Em thật là diễm phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói cho em biết” (Lc 1,45)
5. Đức Mẹ và chúng ta.
Cuộc đời của Đức Mẹ ở trần gian, chẳng có gì là hiển hách, trổi trang, và so với vinh quang chói lọi mà Thiên Chúa dành cho Mẹ trên trời, nó chẳng có gì đáng kể và có vẻ như không có gì dính dáng tới. Song kỳ thực cuộc đời bình thường ấy đã chuẩn bị cho vinh quang trên trời. Hơn nữa cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu trong cuộc sống trần gian tạm gởi ấy rồi. Vì cuộc đời sống hằng ngày của Mẹ với những vui buồn, sướng khổ, nhưng bổn phận, những lo âu và hy vọng, Mẹ đã sống nó trong lòng tin yêu và trung tín, luôn luôn làm thánh ý của Đức Chúa Cha, thưa vâng với Chúa trong mọi sự và kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu. Chính lòng yêu mến, trung thành và tuân phục của Mẹ đối với Chúa đã mang lại giá trị cao cả và vĩnh cửu cho mọi tình tiết và cảnh ngộ tầm thường của cuộc đời Mẹ.
Chúa Giêsu đã dạy: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Ga 12,50)
Là thành phần của gia đình Thiên Chúa, chúng ta hãy ý thức về niềm hạnh phúc đang chờ chúng ta sau cuộc hành trình ở trần gian. Thánh Gioan viết: “Chúng ta là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào điều ấy chưa được tỏ hiện. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người vì Người thế nào chúng ta sẽ được thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2). Còn thánh Phaolô cũng động viên chúng ta: “Những đau khổ ở đời này không sao sánh nổi với niềm vinh quang được dành cho chúng ta” (Rm 8,18)
Cuộc đời bình thường của ta sẽ nên cao cả nếu như chúng ta biết noi gương Đức Mẹ sống trung thành với đức Chúa Cha và để cho Chúa Giêsu luôn hiện diện với ta, trong cuộc sống gia đình, cuộc sống lao động, khi vui, khi buồn, cho tới hơi thở cuối cùng. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ hồn xác lên trời củng cố lòng tin và lòng trông cậy của chúng ta.
51. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
Bài Tin Mừng Lu-ca 1:39-56 cho ta một hình ảnh sống động về hiệu quả ơn cứu chuộc, tiếp nối biến cố Truyền Tin vừa được thánh sử kể lại trước đó. Mỗi người trong câu truyện biểu lộ tâm tình của mình đối với công việc của Thiên Chúa theo cách của mình. Thai nhi Gio-an chưa nói được thì “nhảy lên vui sướng.” Bà mẹ Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần thì cảm nhận ân phúc của Thiên Chúa ban cho mình qua người thân: “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?” Nhưng quan trọng nhất vẫn là tâm tình tạ ơn và ngợi khen của Mẹ Ma-ri-a, Đấng “có phúc” và “đã tin”. Lời lẽ trong bài ca Ngợi khen (Magnificat) phản ảnh một tâm hồn luôn mở rộng đón nhận ân sủng Thiên Chúa cũng như sự thánh thiện và khiêm nhường của Mẹ. Những yếu tố như phản ứng của mẹ con bà Ê-li-sa-bét, ân sủng của Thiên Chúa và sự thánh thiện của Mẹ Ma-ri-a, tất cả đều được nêu cao để giúp ta hiểu tột đỉnh của ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ, đó là sự kiện Hồn Xác Lên Trời.
a) Mẹ Ma-ri-a đầy ân phúc và đức tin
Ân phúc là quà tặng Chúa ban và đức tin là đáp lại ân sủng của Thiên Chúa. Hiểu như thế, ta sẽ nhận ra tất cả cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a là một mối quan hệ sống động giữa Mẹ và Đấng Tạo Dựng, từ khởi đầu với đặc ân không hề mắc tội tổ tông truyền cho tới khi được đưa về trời cả xác lẫn linh hồn.
Trong biến cố Truyền Tin, sứ thần Gáp-ri-en đã kính chào Mẹ là “Đấng đầy ân sủng.” Có nghĩa là Mẹ được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt và trang điểm cho Mẹ với tất cả những gì quý giá nhất. Không có đặc ân nào cao trọng hơn ơn Vô nhiễm nguyên tội. Ngoài Chúa Giê-su ra, không ai trong loài người đã được gìn giữ cách đặc biệt để ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ đã không bị một chút ảnh hưởng nào do hậu quả tội A-đam. Có lẽ chỉ có Gio-an Tiền hô là được khỏi tội nguyên tổ khi Chúa Cứu Thế trong lòng Mẹ Ma-ri-a đến thăm, nhưng ít ra ông cũng đã sống trong ảnh hưởng của tội ấy sáu tháng trời.
Đầy ân phúc cũng có nghĩa là được đẹp lòng Thiên Chúa, theo như sứ thần đã khẳng định. Thêm vào đó, lời giải thích của sứ thần cho ta thấy một chiều kích khác của tình trạng đầy ân phúc: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Khi ta có Thiên Chúa đầy tràn trong tâm hồn tức là ta được đầy tràn ân phúc. Cho nên Mẹ Ma-ri-a quả thực là đầy ân phúc, trước hết vì Mẹ được đầy tràn Thánh Thần, hoặc nếu diễn tả theo hình ảnh của Chúa Giê-su, Đức Mẹ cũng được “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu” (Lc 3:22), hoặc “được đầy Thánh Thần” (Lc 4:1) hay “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy” (Lc 4:14). Mẹ cũng đầy ân phúc vì quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Mẹ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã ở lại với dân Người dưới hình thức một đám mây che phủ Nhà Tạm và Lều Chứng Ước, dẫn dắt họ ban ngày và che chở họ ban đêm (Ds 9:18-22; 10:24). Giờ đây, sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa cũng ở nơi Mẹ Ma-ri-a qua thân xác con người của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su, ân sủng được nhập thể của Thiên Chúa.
Đó là những gì Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Ma-ri-a. Đáp lại, Đức Mẹ đã tiếp nhận Ân Sủng với tất cả lòng tin. Đức tin của Mẹ là nền tảng để Mẹ nhận ra Thiên Chúa là Đấng nào và Người đã làm gì cho ta. Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ đích thực, là Đấng Toàn Năng. Danh của Người thật cao cả và Người luôn hành động để bênh vực kẻ nghèo hèn. Người độ trì Ít-ra-en và Người trung thành giữ lời hứa. Đức tin của Mẹ đã tóm tắt lại tất cả những gì Kinh Thánh nói cho ta biết về Thiên Chúa và Mẹ đã dệt thành một bài ca Ngợi khen. Phải đi từ nền tảng đức tin sâu xa ấy của Mẹ, ta mới có thể hiểu được bài ca đã được sống qua từng biến cố cuộc đời Mẹ. Không là bài ca hời hợt với mỹ từ, nhưng là bài ca sống động mới chỉ diễn tả được một phần thực tại cuộc sống của Mẹ.
b) Linh hồn và xác Đức Mẹ lên trời là hoa trái của tình trạng đầy ân phúc và đức tin
Để nắm bắt được chân lý này, ta cần nhờ thánh Phao-lô soi sáng cho ta hiểu. Ngài trình bày sự sống lại của Chúa Ki-tô như nền tảng cho sự sống lại của mọi người. Sự Phục sinh của Chúa Ki-tô và sự kiện Linh hồn và xác Đức Mẹ lên trời không phải là hai sự kiện tách biệt nơi hai vị, nhưng được đan kết với nhau vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tham dự vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa một cách đặc biệt và cũng lãnh nhận hiệu quả ơn cứu rỗi một cách đặc biệt qua và trong Đấng Mẹ đã cưu mang. Do đó, ta chỉ có thể thấy ý nghĩa của việc Linh hồn và xác lên trời của Mẹ nếu ta nắm vững được ý nghĩa của sự Phục sinh của Chúa Ki-tô. Trong thư 1 Cô-rin-tô, thánh Phao-lô khẳng định: được chỗi dậy từ cõi chết, Chúa Giê-su là “hoa quả đầu mùa.” Tiếp đến, thánh Phao-lô trình bày: “Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15:22-23). Thử hỏi có ai “liên đới với Đức Ki-tô” khắng khít hơn là chính Thân mẫu Người? Có ai “theo thứ tự của mình” sát với Đức Ki-tô cho bằng chính Mẹ Ma-ri-a? Như vậy, đặc ân Hồn Xác lên trời Thiên Chúa dành cho Mẹ Đấng Cứu Thế trước ngày quang lâm của Chúa Giê-su hẳn không có gì là quá đáng, nhưng rất xứng hợp với vai trò của Mẹ trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Cũng như Mẹ Ma-ri-a, tôi có là người mang những ân phúc của Thiên Chúa không? Những ân phúc đó là gì? Tôi đã đáp lại tình thương của Người như thế nào?
Để chuẩn bị cho ngày được sống lại, được lên trời với Chúa Giê-su, tôi có liên đới với Chúa Ki-tô như Mẹ Ma-ri-a đã liên đới với Con Mẹ không? Tôi phải diễn tả sự liên đới ấy như thế nào?
Tôi có mang ân sủng của Thiên Chúa đến cho anh chị em chung quanh không?
Ý tưởng nào trong bài ca Ngợi khen của Đức Mẹ hợp với hoàn cảnh của tôi nhất?
Cầu nguyện:
“Lạy Mẹ Ma-ri-a,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giê-su,
Mẹ đưa Con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giê-su khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giê-su
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 51)
52. Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Tên gọi của ngày lễ hôm nay nói lên một ân huệ rất đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Đức Maria. Đức Mẹ được về trời, không chỉ có phần linh hồn, nhưng cả thân xác nhân loại của Mẹ cũng được về trời. Điều đó có nghĩa là một con người trọn vẹn được cứu chuộc và tôn vinh. Ơn cứu chuộc nhờ công nghiệp của Đức Giêsu là ơn cứu chuộc dành cho con người toàn diện. Chúng ta hãy đọc lại tín điều được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII tuyên bố ngày 01-11-1950: “Chúng Tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác”. Thiên Chúa muốn cứu với con người cả hồn và xác. Đạo Chúa không chỉ chú ý tới phần hồn mà quên phần xác; không chỉ chú trọng tới tương lai mà quên hiện tại; không chỉ nhấn mạnh tới sự sống linh thiêng mà quên cuộc sống trần gian.
Ơn cứu độ cũng không chỉ dành riêng cho con người, mà còn dành cho cả vũ trụ. Hình ảnh người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải Huyền cho thấy Đức Maria là một người phụ nữ vũ trụ. Tác giả say sưa chiêm ngắm một người Phụ nữ kỳ lạ “mình mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Giáo Hội Công giáo đã nhận ra chính là hình ảnh của Đức Maria, người Phụ nữ đã cộng tác với Thiên Chúa để sáng tạo một dân tộc mới trong Đức Giêsu Kitô. 12 ngôi sao tượng trưng cho 12 chi tộc của Israel mới, được tái tạo nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Như thế, cùng với Mẹ, cả một vũ trụ được canh tân tỏa sáng, đem lại niềm hân hoan cho những ai thuộc về Đức Giêsu. Mẹ Maria, một tín hữu suốt đời khiêm cung và tuân phục thánh ý Chúa, thì nay chính Chúa đã dùng cả vũ trụ mà trang điểm cho Mẹ. Mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú… đó là những vị thần linh đối với một số tín ngưỡng bình dân, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, những gì mà nhiều người coi là thần linh nay chỉ là đồ trang sức của Mẹ.
Đức Mẹ đã làm gì để có thể được tôn vinh như vậy ? thưa, Mẹ đã cộng tác với công trình cứu chuộc của Chúa; Mẹ đã miệt mài loan báo tình thương của Ngài. Thánh Luca kể với chúng ta về một cuộc “lên đường” của Mẹ. Mẹ lên đường sau khi nhận lãnh sứ điệp từ trời. Mẹ lên đường cách vội vã để kể lại cho gia đình người chị họ là Bà Isave biết những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Có thể nói, suốt cuộc đời của Mẹ là một cuộc “lên đường”, luôn sẵn sàng và chu đáo, không so đo tính toán. Bài ca tôn vinh mà Mẹ cảm hứng cất lên tại nhà Bà Isave chính là điều Mẹ vẫn tâm niệm. Mẹ đã hòa cuộc đời mình vào niềm mong đợi của Israel. Mẹ đã cùng với cả dân tộc vui mừng trước biến cố Ngôi Lời nhập thể. Đây không còn là một biến cố chỉ dành riêng cho Mẹ, nhưng dành cho cả nhân loại, vì ơn cứu độ của Thiên Chúa được gửi đến cho mọi người và mọi tạo vật. Chính từ thái độ sẵn sàng lên đường của Đức Mẹ, mà hôm nay, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà mời Mẹ tham dự một cuộc “lên đường” khác: Mẹ tiến vào thiên quốc trong tiếng reo vui của các thiên thần, cùng với cả nhân loại tung hô, với cả vũ trụ làm đồ trang sức.
Tuy vậy, cuộc đời của Mẹ không phải lúc nào cũng được êm ả an bình. Hình ảnh người Phụ nữ trong sách Khải Huyền bị Con Mãng Xà đe dọa và khủng bố cho ta thấy một Đức Maria phải đối diện với những thử thách, nhưng Mẹ luôn kiên vững và phó thác, ngay cả giờ phút thương đau dưới chân thập giá. Vâng, đó cũng là hình ảnh cuộc đời mỗi tín hữu chúng ta, cần phải noi gương Mẹ mà vươn lên mỗi ngày để trung tín với Chúa trong ơn gọi nên thánh.
Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Bởi lẽ Đức Mẹ là thành phần nhân loại. Mẹ là một con người, mang nơi mình một thân xác như chúng ta, sống giữa cuộc đời trần thế như chúng ta, mà Mẹ đã được thưởng công và tôn vinh. Nếu chúng ta cố gắng sống như Mẹ, yêu mến và vâng phục như Mẹ, chúng ta cũng được về trời để cùng với Mẹ, với các thánh và toàn thể tạo vật tôn vinh Thiên Chúa.
Ngày lễ này cũng mời gọi chúng ta hãy yêu mến Giáo Hội vì mỗi chúng ta là thành phần, yêu mến cuộc sống hôm nay cùng với vũ trụ thiên nhiên xinh đẹp, vì muôn tạo vật sẽ được cứu thoát cùng với chúng ta, trong bài ca ngợi bất tận để tôn vinh Thiên Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu.
53. Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời
– NguoiTinHuu
Vào ngày 1 tháng Mười Một 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII xác định sự Thăng Thiên của Ðức Maria là một tín điều: “Chúng tôi tuyên bố, bày tỏ và xác định đó là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, là đức vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, sau khi hoàn tất chu trình cuộc đời trần thế, đã được lên trời cả hồn và xác để hưởng vinh phúc trên thiên đàng.” Ðức giáo hoàng tuyên bố tín điều này sau khi hội ý các giám mục, các thần học gia cũng như giáo dân. Rất ít người chống đối. Ðiều mà đức giáo hoàng long trọng tuyên bố thì đã có từ lâu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.
Ngay từ thế kỷ thứ sáu, đã có các bài giảng về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Trong các thế kỷ tiếp đó, các Giáo Hội Ðông Phương kiên trì tin tưởng vào học thuyết này, trong khi một số học giả Tây Phương vẫn còn do dự. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13 sự tin tưởng này đã trở thành phổ quát.
Kinh Thánh không nói gì về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Tuy nhiên, trong Khải Huyền chương 12, có nói về một người nữ bị vây hãm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự dữ. Nhiều người coi phụ nữ này tượng trưng cho dân Chúa. Vì Ðức Maria là hiện thân của cộng đồng Dân Chúa vừa trong Cựu Ước và Tân Ước, sự Thăng Thiên của ngài có thể coi như một thí dụ điển hình cho sự chiến thắng của người nữ. Ngoài ra, trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Côrintô 15:20, ngài nói về sự phục sinh của Ðức Kitô như hoa quả đầu mùa của những kẻ còn mê ngủ. Vì Ðức Maria liên hệ rất mật thiết với các mầu nhiệm cuộc đời Ðức Giêsu, nên không ngạc nhiên khi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội để tin tưởng rằng Ðức Maria cũng được chia sẻ sự vinh hiển với Chúa Giêsu. Ở trần thế, Ðức Maria được gần gũi với Chúa Giêsu như thế nào thì ở trên trời ngài cũng phải được ở với Chúa cả hồn lẫn xác.
Lời Bàn
Trong ý nghĩa ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta dễ nhận ra một ý nghĩa mới trong kinh Magnificat. Trong sự vinh hiển, ngài tuyên xưng sự cao cả của Thiên Chúa và tìm thấy niềm vui trong Ðấng Cứu Chuộc của ngài. Thiên Chúa đã làm những điều trọng đại cho Ðức Maria và ngài giúp người khác nhận biết sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ngài là nữ tì hèn mọn rất mực tôn kính Thiên Chúa và đã được tôn vinh lên bậc cao cả. Từ vị thế uy quyền của Ðức Maria, ngài sẽ giúp những người hèn mọn và nghèo khổ tìm thấy sự công chính nơi trần thế, và ngài khuyên bảo những người giầu có và quyền thế đừng coi tiền của và thế lực như nguồn hạnh phúc.
54. Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời
Khiêm nhường làm theo thánh ý Thiên Chúa để phục vụ tha nhân.
Thiên Chúa luôn yêu thương, chúc lành, và mong muốn mọi sự tốt lành cho con người; ngược lại, ma quỉ luôn ghen tương, phá hủy, và mong muốn con người làm nô lệ cho chúng. Để thực hiện điều này, chúng luôn tìm mọi cách để đề cao sự tự do và tính kiêu hãnh nơi con người. Trong Vườn Địa Đàng, chúng đã cám dỗ cặp vợ chồng đầu tiên, ông Adong và bà Evà, dùng tự do để bất tuân lệnh Thiên Chúa. Hậu quả của sự bất tuân làm con người xa cách Thiên Chúa và phải chết. Để chuộc tội cho con người, Mẹ Maria và Đức Kitô là Adam và Eve mới, đã chọn một phương cách hoàn toàn ngược lại: tuyệt đối khiêm nhường và vâng lời làm theo mọi ý định của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những gì Mẹ Maria và Đức Kitô đã vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa, để mang lại sự sống mà con người đã đánh mất. Trong Bài Đọc I, Sách Khải Huyền nói về cuộc tranh chấp giữa Người Phụ Nữ và Con Mãng Xà: Con thú dữ đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô so sánh và mặc khải Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: “Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Adong mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” Trong Phúc Âm, khi được chị họ khen ngợi là người có phúc hơn mọi phụ nữ, Mẹ Maria đã khiêm nhường tuyên xưng: tất cả những gì Mẹ có được đều do bởi Thiên Chúa. Mẹ chỉ là người nữ tỳ hèn hạ được Đấng Tối Cao cho cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kẻ ngày đêm tố cáo anh em của ta trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.
1.1/ Cuộc giao chiến giữa Thiên Chúa và ma quỉ: Tác-giả Sách Khải Huyền tường thuật thị kiến ông thấy xảy ra trên không trung: Hai nhân vật chính ông thấy xuất hiện là người Phụ Nữ đang mang thai và con Mãng Xà đang chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.
Hầu như mọi người đều cho con Mãng Xà này là hiện thân của Satan vì những đặc tính mà tác giả đã đề cập tới: “đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất.” Nhưng ai là người Phụ Nữ mà tác giả mô tả ở đây? Có hai ý kiến khác nhau:
(1) Người Phụ Nữ là Đức Mẹ và Người Con sắp sinh là Chúa Giêsu: Ý kiến này rất phổ thông trong thời Trung Cổ, đặt căn bản trên sự kiện sau: Trước hết, tác giả đề cập đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hòm Bia của Cựu Ước để so sánh với Hòm Bia của Tân Ước là cung lòng Mẹ Maria khi cưu mang Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa. Thứ đến, tác giả mô tả vinh quang tuyệt đỉnh của Đức Mẹ: “mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” Ngoài Đức Mẹ, không một ai được mô tả có vinh quang tuyệt đỉnh như thế. Sau cùng, tác giả cũng đề cập đến sứ vụ và uy quyền của người con: “người con trai này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân.”
(2) Giáo Hội và các tín hữu: Ý kiến này có từ thời sơ khai của Giáo Hội, cho người Phụ Nữ là Mẹ Giáo Hội và người con là mỗi tín hữu. Con Mãng Xà tượng trưng cho đế quốc Rôma, vì luôn tìm dịp để bách hại đạo thánh Chúa. Người theo ý kiến này trưng dẫn các lý do thần học: Đức Mẹ có thể bị đau đớn và quằn quại khi sinh con như câu số 12:2 mô tả không? Đức Mẹ có phải trốn vào sa mạc trong thời hạn 1,260 ngày như câu 12:6 mô tả không? Sau cùng, phải cắt nghĩa câu 12:17 thế nào khi con Mãng Xà “đi giao chiến với những người còn lại trong giòng dõi của Bà, những người giữ lời chứng của Đức Giêsu!” Ngoài ra, hình ảnh người Phụ Nữ rất phổ thông trong văn chương cổ điển của Đông Phương và Kinh Thánh (Isaiah 50:1, Jeremiah 50:12), được dùng để chỉ một dân tộc, một quốc gia, hay một thành phố.
Ý kiến thứ nhất được nhiều người đồng ý hơn; tuy nhiên, ý kiến này không hoàn toàn đối nghịch với ý kiến thứ hai, mà còn bao hàm nó, vì Đức Mẹ là hiện thân của Giáo Hội; các tín hữu là môn đệ của Đức Kitô và cũng là con cái của Mẹ. Ma quỉ không những muốn nuốt chửng Đức Kitô mà còn tất cả những ai tin vào Ngài. Tác giả có thể có hai hình ảnh khi mô tả thị kiến: cá nhân như Mẹ Maria và Đức Kitô, tập thể như Giáo Hội và các tín hữu.
1.2/ Quyền lực Thiên Chúa chiến thắng quyền lực của ma quỉ: “Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.” Sa mạc là chỗ ẩn phổ thông cho các tín hữu khi bị bách hại. Hình ảnh con cái Israel trong sa mạc dường như được nhấn mạnh ở đây. Con số hay được dùng trong Kinh Thánh: 1,260 ngày tương đương với 42 tháng hay 3 năm rưỡi, để chỉ một thời gian khá lâu, nhưng không vĩnh cửu.
Tác giả nghe có tiếng hô to trên trời: “Thiên Chúa chúng ta thờ, giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.” Đây là lời báo trước kết quả của cuộc giao chiến: Thiên Chúa và Đức Kitô sẽ toàn thắng quyền lực của ma quỉ. Satan và các đồng bọn của chúng sẽ bị trừng trị và tiêu diệt.
2/ Bài đọc II: Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.
2.1/ Đức Kitô cứu nhân loại khỏi nọc độc của sự chết: Thánh Phaolô so sánh hai sự kiện lịch sử quan trọng: sự sa ngã của ông Adong trong Vườn Địa Đàng và sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô trong mồ thánh để nói lên hậu quả xảy ra cho con người. Vì ông Adong đã bất tuân Thiên Chúa và phạm tội, nên nọc độc của tội di truyền đến mọi người, và hậu quả của tội là sự chết. Hậu quả này được đảo ngược bởi Đức Kitô, vì Ngài đã vâng lời Thiên Chúa gánh lấy hậu quả tội lỗi cho con người; và vì Ngài đã sống lại vinh hiển nên con người không còn phải chết nữa.
2.2/ Đức Kitô sẽ trao lại vương quốc cho Cha Ngài: “Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.” Thoạt đọc, một người có thể cho Đức Kitô không ngang hàng với Thiên Chúa Cha; nhưng sự thực không phải như thế.
Chúng ta có thể dùng một hình ảnh để suy luận điều thánh Phaolô muốn diễn tả ở đây: như một vị tướng lãnh nhận sứ vụ từ nhà vua để chinh phục quân thù, Đức Kitô cũng lãnh nhận sứ vụ từ Chúa Cha để thi hành. Khi Ngài đã hoàn tất sứ vụ tiêu diệt thù địch cuối cùng là sự chết,
Ngài trao lại con người đã được cứu chuộc cho Thiên Chúa; giống như vị tướng trao lại lãnh thổ đã bị xâm lấn cho vua mình.
3/ Phúc Âm: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.
3.1/ Làm theo thánh ý Thiên Chúa là lý do được Thiên Chúa chúc phúc.
(1) Chị họ Elisabeth nhận ra sự cao trọng của Mẹ Maria: Khi Mẹ Maria vào nhà ông Zachariah và chào hỏi bà Elisabeth, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà Elisabeth được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.” Người con bà Elisabeth đang cưu mang trong lòng là Gioan Tẩy Giả, hai thai nhi đã nhận ra nhau do Thánh Thần tác động; và Bà Elisabeth cũng nhận ra diễm phúc được làm Mẹ Thiên Chúa của Maria, người em họ mình.
(2) Lý do của sự cao trọng và được chúc phúc: Bà Elisabeth nhận ra lý do Maria được chúc phúc, và nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Con người được chúc phúc là vì niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, chứ không vì bất cứ việc gì con người làm. Mẹ Maria tin vững mạnh nơi Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và Mẹ đã thưa lời “Xin Vâng” với sứ thần Gabriel.
3.2/ Khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân: Theo sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu cao trọng là người biết khiêm nhường phục vụ tha nhân.
(1) Khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa: Mẹ Maria biết nguồn gốc của sự cao trọng của Mẹ là nơi Thiên Chúa; Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn hạ của Ngài. Vì thế, Mẹ Maria đáp trả lời khen ngợi của chị họ Elisabeth như sau: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”
Ngược lại với cách đáp trả của Đức Mẹ, là cách con người kiêu hãnh nhận những gì Thiên Chúa và tha nhân đã làm cho, là của mình. Họ nghĩ vì họ có tài đức, hay có vận may, hay nhờ những cố gắng riêng, mà họ được như hiện tại. Bài kinh Magnificat là một thức tỉnh cho loại người này, họ phải biết khôn ngoan nhận ra và cư xử thích đáng trước khi quá muộn: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời.”
(2) Khiêm nhường phục vụ tha nhân: Lòng yêu mến Thiên Chúa phải được bày tỏ qua những việc làm cụ thể cho tha nhân. Mẹ Maria đã chọn đi thăm viếng và ở lại phục vụ người chị họ mình ba tháng, vì Mẹ biết chị họ đã cao niên và son sẻ, dù Mẹ có thể chọn ở nhà để dưỡng thai. Người kiêu hãnh có thể nghĩ: chị họ phải đi thăm và phục vụ mình, vì mình là Mẹ của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: Chúng ta cần sáng suốt để nhận định:
– Thiên Chúa là Đấng uy quyền và khôn ngoan: Ngài phác họa và điều khiển toàn bộ Kế Hoạch Cứu Độ cho con người qua sự vâng lời và khiêm nhường thực hiện của Đức Kitô.
– Mẹ Maria đã khôn ngoan nhận ra Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để cung cấp cho Đức Kitô một thân xác, cần thiết cho Kế Hoạch Cứu Độ.
– Noi gương Mẹ, chúng ta cầu xin để chúng ta cũng nhận ra thánh ý Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để mưu cầu phần rỗi cho chúng ta và cho tha nhân. Đừng bao giờ rơi vào bẫy kiêu hãnh của ma quỉ để đánh cắp những ơn lành của Thiên Chúa và lạc xa đường cứu độ.
1 Đức khiêm nhường của Đức Maria.
Hôm đó đã diễn ra một cuộc gặp gỡ đơn giản, bình thường giữa hai con người. Lịch sử không có một ghi nhận nào. Hai người phụ nữ, hãi người mẹ tương lai. Hai người đàn bà hạnh phúc được cưu mang đứa con trong mình. Những đứa con họ không hy vọng có được…
Đức Maria là trung tâm của cầu nguyện. Người chị họ Êlisabét vui mừng đón tiếp em mình. Bà chào Maria, chúc phúc cho Mẹ theo truyền thống dân tộc. Bà công bố Mẹ và đứa con trong lòng được Thiên Chúa chúc phúc.
Chẳng mấy chốc, câu chuyện trao đổi hướng tới cầu nguyện. Thiên Chúa là trung tâm của lời cầu nguyện ấy. Cuộc nói chuyện của cả hai biến thành lời ca ngợi Thiên Chúa cứu độ. Lời Maria thốt lên là những lời tạ ơn.
Lạy Chúa, Ngài là Đấng kỳ diệu vượt xa hẳn những điều kỳ diệu trên thế giới này. Chúa đã thực hiện điều lạ lùng nơi tôi, một thiếu nữ yếu đuối. Lạy Chúa, toàn năng và là Đức Chúa, Ngài đã kêu gọi nữ tỳ của Ngài dù tôi chỉ là một thiếu nữ, chỉ là một phụ nữ.
Cuộc trao đổi lời chào giữa Maria và Êlisabét diễn tả một cuộc trao đổi khác giửa Thiên Chúa và một phụ nữ, thay mặt cho nhân loại. Maria nhìn thấy vinh quang và thánh thiện của Thiên Chúa tỏ lộ trong giao ước lạ thường này.
Cũng trong chiều hướng ấy, lời cầu nguyện của Maria là lời ca ngợi những ai nhận biết và sẽ nhận biết sự can thiệp quá đỗi lạ lùng, rất khó tin của Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện của Mẹ vừa dựa trên những nhận định đầy khôn ngoan về Thiên Chúa, vừa dựa trên những lý luận về bản tính hay hành động của Người. Nhờ đó, tâm hồn Mẹ luôn sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Lời cầu nguyện của Mẹ nối kết với Thiên Chúa trên những con đường đầy bất ngờ, trong sự khiêm tốn nhận biết rằng chúng ta hành động là do Thiên Chúa thúc đẩy.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ khiêm tốn loan báo những việc kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ bởi vì những việc ấy không những là các dấu chỉ về hoạt động của Người mà còn nói lên vẻ huy hoàng và sự thánh thiện của Người nữa.
Lạy Mẹ Maria, sự khiêm tốn của Mẹ đã không huỷ diệt gì khi loan báo sự hiện hữu của Thiên Chúa làm người và Đấng vĩnh cửu đi vào lịch sử nhân loại.
Lạy Mẹ Maria, sự khiêm tốn của Mẹ là nét đơn sơ trong tâm hồn khi Mẹ đón nhận chương trình của Thiên Chúa về Mẹ và nhân loại một lần cho mãi mãi, dù về phương diện nhân loại, chương trình ấy khó có thể tưởng tượng nổi.
Lạy Chúa Maria, sự khiêm tốn của Mẹ đã giúp Mẹ có mặt ngay trung tâm ơn cứu độ nhân loại do Thiên Chúa thực hiện và giúp Mẹ nhất trí với lời hứa của Thiên Chúa từ ngàn xưa khi đồng ý trao ban một thân hình cho con Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, sự khiếm tốn của Mẹ mở cửa cho sứ thần hoá lạ lùng chưa từng có Mẹ lên trời ngự bên Thiên Chúa.
2 Hình ảnh cuộc biến đổi của chúng ta.
Sự sùng kính Đức Maria đích thực không hệ tại việc gia tăng và phát triển khai những lời ca ngợi và ngưỡng mộ đối với những đặc ân Mẹ đã nhận, nhưng là học ở Mẹ để trở nên và để là một người tin. Có thể nói thêm được rằng chúng ta chỉ có thể đề cập đến Đức Maria trong đức tin, “nghĩa là qua Mẹ, chúng ta tìm kiếm chính Thiên Chúa, hoặc nói rõ hơn chính Đức Giêsu con Mẹ”. Chính Grignon de Monfort, một người rất nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Maria viết rằng: “Nếu chúng ta gọi tên Maria, tiếng vọng trả lời sẽ là Giêsu”.
Maria đã học trong cùng một ngôi trường khắc nghiệt như con mình. Nhiều trang Tin Mừng cho chúng ta thấy những đổ vỡ Mẹ gánh chịu để theo bước con mình trong đức tin. Maria đã sống đức tin cách sâu xa. Chính Êlisabét đã đề cao điều ấy một cách tuyệt diệu khi chúc mừng Mẹ “phúc cho em vì đã tin…” Đức cha Garron tự hỏi, Hội Thánh, Công đồng Vaticanô II và Phụng vu điều đi ngược lại với khuynh hướng tự nhiên thúc đẩy chúng ta “tô vẽ thái quá cho Đức Maria khi gán cho Mẹ những vinh quang kỳ diệu. Với thái độ như vậy, chúng ta sẽ tiến tới tận đâu đây!”.
Lộ trình thiêng liêng của Đức Maria có thể là lộ trình của chúng ta. Tiến bước theo Mẹ, chúng ta đến gần Đức Giêsu. Mặc lấy cái nhìn đức tin của Mẹ, chúng ta học theo Mẹ để nhìn ngắm Đức Giêsu như chính Mẹ đã chiêm niệm và từ từ khám phá. Như Mẹ, chúng ta có thể tiến trienể qua niềm vui và nỗi khổ, phát hiện và sự ngạc nhiên, và thường ngay cả nỗi đau khổ và sự không hiểu, như trường hợp Đức Maria và thánh Giuse ở đền thờ (Lc 2,50). Đức cha Garron giải thích, cái nhìn của Maria về con mình rất tương hợp với những giai đoạn kế tiếp nhau của sự lớn lên mà thánh Luca đã nói rõ: Maria đã thấy Đức Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Chúa…” (Lc 2,52). Do đó, chúng ta sẽ tôn trọng chân lý của mọi sự và tư tưởng của chính Đức Maria khi cùng với Mẹ làm lại cuộc hành trình mà trước kia Mẹ đã không ngừng rảo bước.
Chính trong viễn ảnh này, chúng ta có thể đặt biến cố Mông Triệu như một kết luận. Biến cố ấy nói cho chúng ta biết cuộc phiêu lưu của đức tin sẽ kết thúc thế nào. Đức Maria, Hòm Bia của giao ước mới, bước vào vinh quang của Chúa Cha. Đức Trinh Nữ được Thiên Chúa cho hưởng phúc vinh quang, chính là hình ảnh cho tương lai của chúng ta. Bài đọc thứ nhất so sánh Maria với Hòm Bia đích thực, nghĩa là nơi Thiên Chúa ngự, là lều tạm nơi để Lời Chúa và Bánh Thánh. Biến cố Mông Triệu giống như sự đảo ngược tình thế. Giờ đây, chính Đức Maria được đón tiếp trong Thiên Chúa, từ nay Mẹ ở trong Người. Chúng ta không còn ở phạm vi ưu đãi, nhưng bước sang ơn gọi chun, vì đạt đến Đất Hứa sau cuộc phiêu lưu trên sa mạc là lời Thiên Chúa hứa cho mỗi người trong chúng ta.
55. Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời – Giuse Nguyễn Văn Lộc
Trong Thánh Lễ Trọng hôm nay, chúng ta được mời gọi ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm, đôi khi rất nặng nề của cuộc sống, để chiêm ngưỡng và ca mừng Đức Maria, Mẹ của chúng ta, được Thiên Chúa ban đặc ân Hồn Xác Lên Trời.
Thật ra, chúng ta vẫn ca mừng Đức Mẹ, khi đọc kinh Kính Mừng. “Kính Mừng” có nghĩa là chúng ta ca mừng Đức Mẹ một cách kính cẩn: “Kinh Mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ”. Trong kinh Kính Mừng, chúng ta ca mừng Đức Mẹ trước, rồi sau đó mới xin ơn: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…”. Chính thái độ ca mừng Đức Mẹ sẽ chuẩn bị cho chúng ta đón nhận những ơn huệ mà Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, và cũng chính thái độ ca mừng này sẽ giải thoát chúng ta khỏi thái độ ngược lại là ghen tị gây chết chóc, đó là không vui khi thấy người khác may mắn hơn mình, được hưởng nhiều ơn hơn mình.
Chúng ta cùng cầu nguyện đặc biệt cho mọi người mang tên thánh là Maria, nhất là những người nhận lễ Đức Mẹ Lên Trời làm ngày lễ Bổn Mạng.
———–
Thánh Lễ Vọng
14/8/2011
Bn 15, 3-4.15-16; 16, 1-2; 1Cr 15, 54b-57;
Lc 11, 27-28
«Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm»
Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : « Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm ». Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe được những lời khen tặng bố mẹ tương tự, khi thấy một người con vừa ngoan vừa giỏi. Tất cả chúng ta đều sinh ra từ bố mẹ, ước gì cách sống của chúng ta khiến người khác phải khen tặng bố mẹ của chúng ta. Và cách sống tốt nhất là cách sống phát xuất từ lòng biết ơn, giống như cách sống của chính ĐGS: cả cuộc đời của Ngài là lời tạ ơn Chúa Cha; vì thế bí tích Thánh Thể mà Ngài đã thiết lập và chúng ta cử hành mỗi ngày, còn được gọi là bí tích Tạ Ơn.
– Lời khen tặng rất đỗi đời thường của người phụ nữ, nhưng lại chất chứa cả một mầu nhiệm lớn lao. Đó là qua ơn huệ được cưu mang ĐGS và cho Ngài bú mớm, Đức Mẹ sẽ mãi mãi gắn bó với ĐGS, cả ở dưới đất lẫn ở trên trời. Giáo Hội xác tín rằng, nếu ĐGS đã phục sinh và lên trời, thì Đức Maria cũng lên trời cùng với ĐGS, con của Mẹ.
– Sự hiệp thông ân sủng giữa Mẹ và Con, và giữa Con và Mẹ, làm cho chúng ta được an ủi và hi vọng rất nhiều. Chúng ta hãy nhớ lại trong TM có trường hợp, vì thương người Mẹ mà Chúa cứu người con; và hôm nay khi Chúa cho Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta cũng xác tín rằng, vì thương người con, Chúa cũng sẽ cứu người mẹ. Như thế, Chúa cũng yêu thương, những người chúng ta thương yêu. Chính vì vậy mà chúng ta được mời gọi luôn cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống, cũng như cho những người đã qua đời. Và, vì tất cả chúng ta đều có Đức Maria là Mẹ, chúng ta xác tín rằng, Mẹ Maria thương và chia sẻ ân phúc của Mẹ cho chúng ta. Và quả thực, như kinh nghiệm đức tin cho thấy, Mẹ vẫn luôn gần gũi và chia sẻ ân huệ cho chúng ta.
Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời
– Và chính sự hiệp thông ân sủng giữa ĐGS và Mẹ Maria đã làm cho GH nhận biết và tuyên xưng ơn huệ hồn xác lên trời của Đức Mẹ. Thật vậy, vào năm 1950, được cổ vũ bởi rất nhiều thỉnh nguyện, Đức GH Piô XII tuyên bố trong tông hiến Thiên Chúa Vô Cùng Đại Lượng (Munificentissimus Deus) rằng: “Kết thúc cuộc đời dương thế, Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đức Maria Đồng Trinh, đã được nâng lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.”
– Để đi đến một kết luận long trọng như vậy, Đức Piô XII đã dựa vào truyền thống cổ xưa của Giáo Hội, có ít nhất từ thế kỷ V, về ngày lễ “An Giấc” (Dormitio) hoặc “Được Nâng Lên” (Assumptio) của Đức Mẹ. Cũng theo Tông Hiến của Đức Piô XII, tất cả những suy tư của các Giáo Phụ về niềm tin “Đức Mẹ An Giấc” hoặc “Đức Mẹ Được Nâng Lên” đều lấy ngôi vị của Đức Giê-su, Con TC làm nền tảng. Chúng ta hãy nghe lại câu nói này của Đức GH Pi-ô XII: Mẹ hết sức gắn bó với Con mình, người con mang thần tính, và Mẹ luôn thông phần vào vận mệnh của Con Người Ấy.”
– Qua Tông Hiến của Đức Piô XII, chúng ta có thể nhận ra rằng toàn bộ hành trình của Đức Mẹ, và đặc biệt là hành trình “Lên Trời” mà chúng ta cử hành trọng thể hôm nay, đều đặt nền tảng tối hậu trên sự kết hợp với hành trình của Đức Giêsu-Kitô (x. 1Cr 15, 20-26). Thực vậy, thân xác đã cưu mang Đức Kitô thì không thể bị bỏ mặc cho bị hư nát; và Đấng đã liên kết rất mật thiết với Đức Kitô không thể bị lìa xa khỏi Ngài trong chiến thắng sau cùng. Có một kết luận rất quan trọng cho chúng ta, đó là, sự kết hợp huyền nhiệm và bất khả phân của Đức Mẹ với Đức Giêsu-Kitô cũng phải là tiêu chuẩn cho lòng sùng kính của chúng ta đối với Đức Mẹ.
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời TC”
– «Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm». Nhưng khi nghe mối phúc này, ĐGS đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời TC”. Nhưng người lắng nghe và tuân giữ lời TC một cách hoàn hảo, lại cũng chính là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Như vậy, Mẹ Maria có tới hai mối phúc: Phúc, vì Mẹ đã cưu mang ĐGS; và phúc, vì Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ Lời TC.
– Nếu mối phúc thứ nhất Mẹ là người duy nhất được hưởng, và Mẹ không thể chia sẻ cho chúng ta, Mẹ chỉ chia sẻ hoa trái là ĐKT, “Con lòng Mẹ được chúc phúc”, thì mối phúc thứ hai của Mẹ, đó là phúc cho những ai lắng nghe và tuân giữ lời TC, Mẹ có thể chia sẻ cho chúng ta cách trọn vẹn. Quả thực, nếu chúng ta cũng lắng nghe và tuân giữa Lời TC, chúng ta sẽ trở thành người thân của ĐGS, người con của Mẹ, và do đó, chúng ta trở thành người thân của nhau không phân biệt gia đình hay dân tộc, như chính ĐGS đã nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21)
———————-
Thánh Lễ Chính Ngày
Lc 1,39-56
Đức Maria, trong lời tán tụng TC «Magnificat» bất hủ, mà GH mời gọi chúng ta nhận làm của mình mỗi ngày trong Giờ Kinh Chiều, đã tuyên xưng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Trong năm Phụng Vụ, chúng ta mừng kính nhiều “điều cao cả” mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Đức Mẹ, và chắc chắn ơn huệ “Lên Trời”, mà chúng ta tôn vinh trong ngày lễ hôm nay, là điều cao cả nhất và cũng là điều nhiệm mầu nhất, mà TC đã ban cho Đức Mẹ.
Tuy nhiên, bài TM của ngày lễ hôm nay lại mời gọi chúng ta chiêm ngắm ơn huệ cao cả Lên Trời của Mẹ, Mẹ của chúng ta, như là một cuộc hành trình về với TC, ngang qua con đường đi đến với người khác. Nếu cách thức Mẹ đi đến với TC, ngang qua ơn huệ Lên Trời là duy nhất, thì con đường Mẹ đã đi qua và được kể lại trong bài TM thì thật là nhân tính, thật là gần gũi với chúng ta.
Chúng ta hãy xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa, đồng hành và dạy dỗ chúng ta, để chúng ta:
Biết đón nhận Lời Chúa vào cung lòng và vào cuộc đời chúng ta; và đem Lời Chúa đến, không phải cho ai xa xôi, nhưng đến với người chị em của mình.
Biết chào hỏi và gặp gỡ người chị em, theo cách của Mẹ, nghĩa là làm cho người chị em vui mừng và thốt lên lời ca tụng Chúa, như bàElizabeth.
Và sau cùng, xin cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm sâu đậm về TC như Đức Mẹ, như mẹ tuyên xưng trong lời ca tụng bất hủ Magnificat:
Đấng toàn năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả
Danh Người thật chí thánh chí tôn
1. Nhìn ngắm Mẹ Elizabet và Mẹ Maria, diện đối diện (c. 39-45)
Kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng ta hình dung khung cảnh của cuộc gặp gỡ giữa hai chị em. Nghe biết chịElizabeth, vừa hiếm muộn vừa đã có tuổi, nhưng lại có thai, Đức Maria liền vội vã lên đường đi thăm hỏi và giúp đỡ bà chị của mình. Em đi giúp chị sắp sinh con là điều vẫn còn xẩy ra trong đời thường của chúng ta, nhất là với những cuộc sinh ra đặc biệt. Và chính trong sự việc rất nhỏ bé của đời thường này mà Ân Huệ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được nhìn nhận và tuyên xưng.
Tư thế diện đối diện, có thể làm chúng ta nghĩ đến cách sắp xếp vị trí của các đan sĩ khi hát kinh, đó chính là trung tâm mà từ đó lời ca tụng được khai sinh. Hay như chính nhóm tĩnh tâm của chúng ta. Bởi lẽ, lời ca tụng là một sự hiệp thông. Chúng ta không thể ca tụng Chúa, nếu không hiệp thông với nhau.
Cuộc gặp gỡ có nhiều người hơn chúng ta tưởng (lời của bàElizabethsẽ nói rõ cho chúng ta trong cuộc gặp này thực sự có bao nhiêu người), vì Bà Elizabeth vừa nghe Đức Maria chào hỏi, đứa con trong bụng bà nhảy lên! Như thế, cùng với mẹ, em bé cũng đã nghe được (điều này y học ngày nay đã chứng thực), nhưng nghe được tiếng của ai? Tiếng chào của «Dì Maria». Nhưng với ơn gọi đang chờ đợi mình là «Người đi trước mặt Chúa» (1,17), em bé Gioan như đã nghe được tiếng của em bé Giêsu (nói theo tương quan họ hàng là em Giêsu của mình) ngang qua tiếng của «Dì Maria». Vì khi còn trong bụng mẹ, một cách nào đó, tiếng của mẹ là tiếng của con. Và đó chính là trường hợp của bé Gioan : em đã nhảy lên trong bụng mẹ, chắc chắc là vì Mẹ của em cũng đã rạo rực trong lòng khi nghe tiếng chào của Mẹ Maria. Bằng chứng là, Mẹ Elizabeth được tràn đầy Thánh Thần và kêu lớn tiếng.
Như thế, ở bên trong cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, ẩn dấu một cuộc gặp gỡ khác nhiệm mầu và vô hình, nhưng rất hiện thực và sống động (vì Gioan hẳn đã làm mẹ nhói đau, nhưng là cái đau của hạnh phúc!) giữa hai người con; và cả hai đều là ơn huệ tuyệt đối của Thiên Chúa. Sau này, theo các Tin Mừng kể lại, họ sẽ gặp nhau công khai tại sông Giođan, nhưng họ đã gặp nhau từ trước rất lâu qua cuộc gặp gỡ rất đỗi bình thường của hai người mẹ.
Trong cuộc sống, những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác ban đầu tưởng chừng như tình cờ hay vô nghĩa, nhưng lại ẩn chứa một hay thậm chí nhiều cuộc gặp gỡ «nhiệm mầu» khác, và mang lại những hoa trái làm nên cuộc đời chúng ta, mà sau này chúng ta mới biết. Khi «về quê», nhất là vào những dịp đặc biệt, chúng ta sẽ nhớ lại một cách tự nhiên những kỉ niệm xưa, những «cố nhân», những cuộc gặp gỡ làm nên con người chúng ta hôm nay. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng những cuộc gặp gỡ đang chờ chúng ta ở phía trước cũng sẽ chất chứa biết bao hoa trái trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà chúng ta không sao lường được.
Lắng nghe Mẹ Elizabeth
Lời của Mẹ Elizabeth mở đầu và kết thúc đều bằng lời tuyên xưng ân phúc của Mẹ Maria: phúc được Thiên Chúa ban nhưng không cho cả hai Mẹ Con; phúc vì Mẹ Maria đáp lại bằng lòng tin vào Lời Thiên Chúa. Lời này làm chúng ta nhớ lại biến cố Truyền Tin, ở đó chúng ta nhận ra rằng lòng tin của Mẹ Maria thật là tuyệt đối, bởi vì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ một hành động tuyệt đối; lòng tin của Mẹ là tuyệt đối, còn là vì Mẹ đã đón nhận trước cách triệt để cả một hành trình dài đằng đẵng và đầy bất trắc phía trước.
Ở giữa câu nói, Mẹ Elizabeth nói về mình: «Bởi đâu tôi được…; này tai tôi…», nhưng hoàn toàn như người đón nhận : đón nhận với sự khiêm tốn cuộc viếng thăm của «em Maria», đón nhận với tất cả «tấm lòng» lời chào hẳn là rất đỗi bình thường và đơn sơ của cô em, và sau cùng là đón nhận hiệu quả của lời chào (vì mẹ đâu có làm chủ được chuyện con nó giẫy trong bụng). Chúng ta có thể tự hỏi, làm sao lời chào của Mẹ Maria mang lại hiệu quả kì diệu như thế, lại «đánh động» người nghe sâu xa như thế? Hằng ngày và nhất là trong dịp lễ lớn, chúng ta cũng sẽ chào hỏi rất nhiều và cũng nhận được rất nhiều lời chào hỏi. Làm sao để lời chào của chúng ta đánh động người nghe, như lời chào của Đức Mẹ?
Như thế, lời của Mẹ Elizabeth hoàn toàn hướng về em của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hướng về chịElizabethtrong cuộc hành trình «thăm viếng» (thực tế là hơn cả thăm viếng!). Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho người khác, đó chính là hiệp thông và ca tụng, vốn là ơn gọi của con người. Thái độ ngược lại là đóng kín và ghen tị.
Lời của Mẹ Elizabeth thật là đẹp, đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời «Kính Mừng» vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất là với «Sự Vui Thứ Hai», chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một hành trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị em, bà con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh «Kính Mừng», chính là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của Mẹ, Ân Huệ Giêsu Kitô.
Thiên Chúa Đấng Cứu Độ Tôi
Mẹ Elizabet ca tụng Mẹ Maria bằng lời chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin! (Lc 1,45) Đức Maria dâng lời tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận. Trong trình thuật này của Luca, chúng ta chứng kiến biến cố khai sinh của bài ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ. Và mỗi khi chúng ta đặt mình vào chủ thể «Tôi» của bài ca, chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.
Kinh nghiệm Thiên Chúa của Đức Mẹ, trước hết, đó là kinh nghiệm : Thiên Chúa là Đấng cứu độ, và tiên vàn không phải Thiên Chúa, Đấng cứu độ loài người, nhưng là Thiên Chúa, «Đấng cứu độ của tôi». Kinh nghiệm này làm cho con tim của Đức Mẹ thực sự «bừng cháy» và thốt lên lời ngợi khen Thiên Chúa, là Đức Chúa của mình.
Tĩnh từ sở hữu «của tôi», hay «của con» thật nhỏ bé và đơn sơ nhưng dấu ẩn cả một bí mật, một tương quan rất thiết thân. «Của tôi», «của con», «của bố», «của mẹ», «của anh», «của chị», «của em»… Khi nghe hay nói những từ này, lòng chúng ta hẳn đã xao động, bởi vì đó là ngôn ngữ của tình yêu. Thánh Inhã, trong các bản văn, khi nói tới Đức Kitô hay Thiên Chúa, ngài luôn thêm tĩnh từ sở hữu «của chúng ta» (x. Linh Thao 23; 158).
Ngoài ra, tĩnh từ sở hữu «của con» còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong bối cảnh Kinh Thánh, bởi vì nó thuộc về ngôn ngữ của giao ước: Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Qua lời giao ước, hai bên cam kết sẽ thuộc về nhau mãi mãi. Và tương quan thuộc về này của giao ước hoàn toàn không xa lạ với chúng ta. Thực vậy, qua phép rửa, «Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của con; và con, con trở thành con của Thiên Chúa». Tương quan giao ước này là nền tảng cho mọi tương quan giao ước khác, được diễn tả qua lời cam kết hôn nhân, lời cam kết chức thánh, lời tuyên khấn, lời tuyên hứa…
«Thiên Chúa là Đấng cứu độ», lời tuyên xưng này, đối với chúng ta trong thực tế, có thể đã trở thành một chân lí khách quan, thậm chí một công thức, vì thế không thực sự liên quan đến cuộc đời cụ thể và như nó là của mỗi người chúng ta, không diễn tả một kinh nghiệm thiết thân, không mang lại niềm vui ca tụng; «Thiên Chúa là Đấng cứu độ», nhưng Ngài chưa thực sự là «Đấng cứu độ của con». Kinh nghiệm của Đức Mẹ về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn này để đi vào tương quan «thuộc về nhau» với Thiên Chúa.
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi…” (c. 48-49)
Trong tương quan thiết thân với Thiên Chúa, Mẹ Maria tự nhận mình là «nữ tì hèn mọn», và chắc chắn Mẹ luôn nhận mình là như thế, bởi lẽ trước đó trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã nói về mình: «Tôi đây là nữ tì của Đức Chúa» (Lc 1,38). Vì thế, chúng ta nên từ bỏ não trạng thời Trung Cổ là thích gom góp mọi thứ tước hiệu mô tả sự vĩ đại và vẻ đẹp của Mẹ. Chúng ta hãy tôn trọng tước hiệu mà Mẹ tự nhận cho mình. Như thế, không còn là những đặc ân «ngoại thường» lôi kéo sự chú ý của chúng ta nữa, nhưng là Đức Trinh Nữ của Israel, «nữ tì hèn mọn của Đức Chúa», đại diện cho những người nghèo của Đức Chúa, đã sống một cuộc đời bình thường và đã tự xóa mình đi trước sứ mạng của Con Mình, để rồi lại xuất hiện trong giờ thử thách của Thập Giá. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế.
Khởi từ thân phận «nữ tì hèn mọn», Đức Maria tuyên xưng: «Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả». Mẹ hèn mọn nhưng lại được Chúa làm những điều lớn lao. Như thế, sự lớn lao của Mẹ hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này là tâm điểm của bài ca Magnificat, bởi vì những gì Mẹ nói ở đầu chính là để dẫn đến kinh nghiệm thiết thân này, và từ kinh nghiệm thiết thân này, Mẹ nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi nhân loại và nơi dân tộc của Mẹ.
Những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, không trừu tượng chút nào, vì «Lời Chúa» đụng chạm đến thân xác, tâm hồn và cả cuộc đời của Mẹ. «Lời Chúa» chạm đến con người của Mẹ, hình thành nơi cung lòng của Mẹ, sinh ra và lớn lên trong cuộc đời của Mẹ, đồng hành với Mẹ cho đến tận cùng, và cuối cùng mãi mãi trở nên một với Mẹ. Nơi Mẹ, «Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la»[1]; nơi Mẹ, Lời Chúa trở nên hiện hữu ở mức độ cô đọng nhất, nghĩa là ở mức độ «Ngôi Lời Thiên Chúa».
Ngay lúc này Đức Mẹ đã cảm nhận được lời chúc khen của mọi thế hệ dành cho Mẹ, trong đó có lời chúc khen của thế hệ chúng ta hôm nay. Về phần Mẹ, luôn với cung cách của một «nữ tì», Mẹ chúc khen Thiên Chúa: «Danh Người thật chí thánh chí tôn», bởi vì tất cả tất cả những gì Thiên Chúa làm cho Mẹ là do lòng đoái thương hoàn toàn nhưng không.
“Chúa hằng thương xót” (c. 50-56)
Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, về những gì Thiên Chúa làm cho mình, Đức Mẹ trong bài ca Magnificat khám phá ra cách hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử con người và nhất là trong dân tộc mình: như Thiên Chúa đã đoái nhìn đến phận nữ tì của Mẹ, Thiên Chúa cũng bày tỏ lòng thương xót với
những ai kính sợ Người,
những người khiêm nhường,
những người đói nghèo.
Và Đức Mẹ cảm nhận Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót một cách duy nhất và đặc biệt với Israel, tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, không phải vì Israel «đạo đức thánh thiện» nên Chúa trả công, nhưng bởi vì Ngài nhớ lại lời hứa thủy chung đến muôn đời của Ngài ngay từ buổi khởi đầu. Tuy nhiên, lời của Mẹ cũng thật mạnh mẽ, nếu không muốn nói là dữ dội, khi diễn tả cung cách của Thiên Chúa đối với
phường lòng trí kiêu căng,
những ai quyền thế,
những người giàu có.
Vì đó là những lựa chọn ngẫu tượng, nghĩa là lựa chọn hư vô: ngẫu tượng dang vọng, ngẫu tượng quyền bính, ngẫu tượng vật chất. Những Lời này của Mẹ hôm nay, một ngày kia sẽ trở thành lời của chính Đức Giêsu, Con của Mẹ, trở thành chính cung cách hành xử của Ngài ngang qua Thập Giá, để giải phóng con người khỏi mọi thứ ngẫu tượng bằng cách bắt chúng phải lộ diện, và đồng thời bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa cho con người.
* * *
Mỗi khi đọc hay hát bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhận lời của Mẹ làm của mình, nếu không lời của chúng sẽ chỉ là giả tạo. Nhận lời của Mẹ làm của mình, điều này có nghĩa là kinh nghiệm Thiên Chúa thực sự là «Đấng cứu độ của tôi», bằng cách nhận ra những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đúng là chúng ta không được ban những ơn cao cả như Đức Mẹ, nhưng chúng ta được thụ hưởng, được chia sẻ những gì Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và chỉ khởi đi từ kinh nghiệm thiết thân về Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người khác, trong cộng đoàn, gia đình, lối xóm, giáo xứ, công sở,… và dân tộc Việt Nam.
Cuối cùng, chính khi chúng ta có cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa, cả cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành bài ca Magnificat, tán tụng Thiên Chúa, như cuộc đời của Mẹ Maria, «Nữ Tì Hèn Mọn» của Đức Chúa.
Giuse Nguyễn Văn Lộc
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam