Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1374879

ĐỨC MESSIA ĐẾN

ĐỨC MESSIA ĐẾN

Dân chúng coi Gioan như Đấng Messia. Nhưng vị tiền hô cũng không phải là Vua; nên Ngài nói: ‘không phải ta đâu, mà là Đấng khác’. Vị tiền hô hướng họ tới Đức Kitô. Đó không phải là người ích kỷ, vì người ích kỷ thì vẫn muốn chiếm đoạt tha nhân, nhưng đây là người của Chúa, một người bất vụ lợi đưa đường tha nhân về với Thiên Chúa. Phải, giữa Đấng Messia và Ngài có một sự cách biệt quá lớn lao như người đầy tớ nghĩ mình không đáng cởi giây giày cho chủ mình.

Cả hai phép rửa cũng khác nhau như vậy. ‘Tôi, tôi rửa anh em trong nước, sẽ có Đấng quyền năng hơn tôi: Ngài sẽ rửa các ông trong Thánh Thần và trong lửa’. Phép rửa của Gioan chỉ là bên ngoài, như nước chảy trên thân xác, còn phép rửa của Chúa Giêsu, bên trong, như lửa thiêu huỷ tất cả, như Thánh Thần mà sức nóng của Ngài ăn sâu vào tận đáy lòng và biến đổi tất cả.

CON THIÊN CHÚA (3, 21-22)

Những gì xảy ra ở bờ sông Giođan khi Thánh Thần hiện ra và Lời Chúa Cha phán mang hai ý nghĩa:

Trước hết đối với chính Chúa Giêsu đây thêm môt kinh nghiệm lớn cho Ngài cũng như nơi đền thờ lúc Ngài mười hai tuổi. Trời mở ra, đó đâu phải là chỉ là chi tiết bên ngoài, mà trước hết là một hiện tượng tôn giáo thâm sâu. Ánh sáng chan hoà từ bản tính Thiên Chúa tràn lan trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu. Tiếng nói của Chúa Cha đến với Ngài và Thánh Thần trở nên hữu hình qua một biểu tượng; có thể nói là Chúa Giêsu đứng ở giữa.

Như vậy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã được nhắc đến danh xưng ở đây: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Điều mà Chúa Cha gọi rõ ràng là ‘Con yêu dấu của Cha’ thì Chúa Thánh Thần đã để hiện ra tỏ tường bằng cách riêng của Ngài. Chúa Giêsu là một trong Ba Ngôi; Ngài biết, Ngài cảm thấy nơi mình con người được lôi cuốn vào luồng lửa của đời sống Ba Ngôi. Ngài thấy hoàn toàn khác với người thường. Ngài là Con độc nhất, ở trong tình yêu duy nhất và đặc biệt Chúa Cha trong sự phong phú vô song và lạ lùng của Chúa Thánh Thần.

Vì thế, chẳng ngạc nhiên gì khi thấy Người Con độc nhất này ưu thắng như vậy, khi thấy Vị phi thường kéo được tất cả về với mình trong tình trạng xuất thần như vậy, khi thấy Ngài được đưa vào sự dồi dào của tinh thần này như ngoài mình, là sa mạc có lẽ người ta sẽ nói Con Thiên Chúa không thể giữ như vậy lâu hơn giưã nhân loại. Chính Ngài, chỉ mình Ngài, được bao quanh bởi cả một đám đông.

Nhưng Đấng Thiên Chúa, cũng hiện diện ở bờ sông Giođan cho họ. Đó là lý do họ nghe tiếng nói. Tất cả phải biết là Ngài đã được cưu mang và đón nhận bởi Cha trên trời: như vậy tất cả những cái Người Con sẽ nói phải được coi như là Lời của Thiên Chúa Cha, tất cả những cái Ngài làm sẽ đầy Thánh Thần Chúa và được Thánh Thần kích động.

Còn Thần khí biểu lộ dưới hình bồ câu bay xà xà: Thần khí phong phú tràn lan trên nước Khởi nguyên và trên Đức Maria cũng là chính Thần khí xuống trên Chúa Giêsu để, bằng quyền năng sáng tạo của mình, biến đổi những lời giảng và các tác vi nhân tính của Chúa Giêsu bằng một thế giới mới, một đời sống mới, một sự sáng tạo mới: thế giới của siêu nhiên, thế giới thần thiêng giữa lòng nhân loại.

Biến cố hãn hữu này sắp được thực hiện đây khi mà Chúa Giêsu mang một hình thức bình dị, đã chọn con đường thông thường của muôn người khác và giao tiếp với các tội nhân.

Sự nâng cao lên khỏi nhân tính này trong sự thanh khiết thần thiêng, sẽ được hoàn thành vào lúc Ngài tự hạ nhận phép rửa thống hối giữa hạng tội lỗi và cho lớp tội nhân.

Rồi đây cả vũ trụ sẽ thấy rằng Đấng bị hạ xuống, được nâng lên và là Đấng tinh tuyền, thánh thiện, Đấng đó đang bước vào dòng sông chất đâỳ tội lỗi để cho những làn sóng tội lỗi đổ tràn trên mình. Lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai được thực hiện, coi bên ngoài thì hoàn toàn là âm thầm, ít giá trị, không lôi kéo được chú ý gì mấy. Tuy nhiên, thực sự là đã để lộ ra những cái khác thường và hấp dẫn mà mọi người từ nay phải lưu tâm. Chính Thiên Chúa đã quyết định chọn việc khởi đầu này và chứng nhận sự kiện đó.

23. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Thiên Chúa.

Một người mẹ đã quyết định truyền dẫn lòng tự tin vào những người con của bà sớm bao nhiêu có thể. Sau khi bà được người con đầu lòng, và tên nó là Matthêu, bà hỏi đi hỏi lại nó rằng, “Tại sao mẹ yêu con?” Bà đã dạy cho nó phải trả lời mỗi khi bà hỏi câu đó là, “Bởi vì con là Mátthêu.” Sau khi đứa con thứ hai ra đời, nó tên là Lillian, bà cũng dùng một chiêu thức lập đi lập lại câu hỏi, “Tại sao mẹ yêu con?” Lillian không cần suy nghĩ và ngần ngại trả lời ngay, “Bởi vì con là Mátthêu.”

Tại sao Thiên Chúa lại yêu tất cả các bạn, nào là Mátthêu, Lillian, Roberts, Mary, Alice…? Bởi vì bạn là bạn! Bạn là con Chúa trong Chúa Giêsu.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca nói cho chúng ta về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, “Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:22). Điều này gợi lên một câu hỏi thách đố đó là: Bạn có thể nào vượt qua khỏi những cách thức suy nghĩ quá quen thường nhật của mình để lắng nghe lời Thiên Chúa nói với bạn, “Con là Con yêu dấu của Cha” không? Bạn có thể nào phá đi cái hàng rào “người lớn” của bạn và trở nên như một trẻ nhỏ để tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Thiên Chúa chăng?

Trong một lớp Thánh Kinh dành cho người lớn, vấn đề được bàn đến vào ngày hôm đó là việc cầu nguyện. “Hãy xin, thì sẽ được”, thầy giáo đã trích lời này từ trong bài giảng trên núi của Chúa Kitô. Sau đó, thầy giáo hỏi các học sinh trong lớp rằng các em có cầu nguyện hằng ngày không? Một học sinh đã giơ tay trả lời rằng em cầu nguyện để được khỏe mạnh. Một người đàn bà trả lời, “Tôi cầu nguyện cho được hạnh phúc.” Một vài người khác thì cầu nguyện cho được ơn cứu độ ở đời sau. Tuy nhiên, một bà cụ già vẫn cứ lắc đầu lia lịa với những câu trả lời mà bà nghe được. Khi đến phiên của bà, bà đã nói, “Việc cầu nguyện rất đơn giản. Tôi tin Chúa, và tôi cầu nguyện xin Chúa cũng tin tôi.”

Tuy nhiên, bạn có thấy không! Vấn đề không phải là chỗ mình cố gắng để thay đổi ý định của Thiên Chúa về bản thân của mình! Ngài đã tin tưởng ở bạn! “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Chính Ngôi Lời đã nhập thể làm người để mặc khải cho chúng ta về tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với con người. Các bạn đã có trong trí của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Các bạn là một trong những thành phần của công cuộc sáng tạo để đem nó đến chỗ viên mãn trong Nước Tình Yêu của Ngài.

Cho dù là bạn có gặp khó khăn gì trong giây phút hiện tại, cho dù là bạn có gặp những nỗi gian truân gì mà bạn không được người khác thông cảm, bạn hãy tin tưởng rằng sự hiện diện của bạn trên trái đất này được Thiên Chúa quan phòng cách đặc biệt.

Bạn đừng tầm thường hóa công trình kiệt tác của Ngài bằng cách là các bạn tự đặt mình vào khuôn đúc của cuộc sống. Đừng hạn chế cuộc sống của mình vào một khuôn khổ nào cả. Bạn hãy biết chấp nhận chính mình! Hãy vui mừng hân hoan vì bạn là bạn.

Một đứa bé đi học về và đến nói với bố mình, “Thầy giáo con nói là tối mai sẽ có một cuộc họp giữa phụ huynh và thầy giáo tại trường học.” Ông bố lại hỏi lại, “Bố có cần phải đi không?” “Con nghĩ là họ sẽ mong có sự hiện diện của bố,” đứa con trả lời lại, “bố biết không, đây là cuộc họp nhỏ bao gồm thầy giáo, hiệu trưởng, bố và con.”

Hôm nay, xin đề nghị các bạn làm một cuộc họp nhỏ, sớm bao nhiêu có thể, giữa Thiên Chúa và chính bạn. Bạn hãy nghe lời Chúa Giêssu nhủ bảo hôm nay và trở thành một em bé. Hãy đàm thoại và tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy lắng nghe lời Ngài, “Con ơi, con là con của Cha. Con là con rất yêu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha. Cha tin tưởng ở nơi con.” Hãy cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Hãy dìm mình vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa, và cảm nghiệm được sự vượt qua cái biên giới đóng khung mà nó đã kéo bạn xuống.

Hãy để cho tất cả những lo lắng phiền muộn trôi đi! Hãy tin tưởng vào lời phán quyết của Chúa và đừng sợ hãi gì. Hãy tin tưởng vào Chúa và hãy xây dựng cuộc sống của mình bằng cách này và bạn sẽ cảm nghiệm được một cuộc sống đầy đủ và tràn ra cho những người chung quanh.

Bạn có thể trở thành nhà giảng thuyết hiệu lực nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Để trở thành cha mẹ tốt, người vợ và chồng tốt, người hàng xóm tốt, hãy biết dùng cái nguyên liệu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng bạn. Bạn cần phải tin tưởng vào cái nguyên liệu đó. Nó sẽ ban cho bạn sức mạnh, hy vọng và trang bị cho bạn biết phục vụ người khác trong sứ mệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy.

Hãy phó mình cho Thiên Chúa như một em bé. Hãy lắng nghe lời Ngài như một người con ngoan thảo. Nếu bạn tin tưởng vào Chúa thì một sự việc lạ lùng sẽ xảy ra. Đó là bạn sẽ biết kính trọng tất cả mọi người, và bạn sẽ biết phải sống với mọi người ra sao.

24. Con Yêu Dấu.

Theo các nhà chú giải, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, chấp nhận thân phận tội nhân để xin Gioan Tiền hô làm phép rửa. Thế nhưng, cũng chính nhờ đó, Ngài đã thánh hóa nước và ban cho nước một hiệu quả kỳ diệu đó là trao ban ơn sủng. Hay nói cách khác, chính nhờ đó Ngài đã thiết lập bí tích Rửa tội.

Đồng thời trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài đã được Chúa Thánh Thần tấn phong, như lời tiên tri Isaia đã xác quyết: – Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Hơn thế nữa, chính trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Ngài đã được Chúa Cha nâng lên qua lời truyền phán: – Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

Với chúng ta cũng vậy, kể từ khi lãnh nhận dòng nước thanh tẩy, chúng ta cũng đã được Chúa Cha nhận làm con cái Ngài.

Để hiểu được tình trạng của chúng ta, trước và sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, cũng như để hiểu được ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của địa vị làm con cái Chúa mà bí tích Rửa tội đem lại, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại câu chuyện về ông Maisen trong Cựu ước.

Thực vậy, lúc bấy giờ Pharaon vua Ai Cập ra lệnh giết hết các trẻ nam của người Do thái, vì sợ rằng họ sẽ sinh sôi nảy nở ra nhiều và trở nên một thế lực chính trị hùng mạnh. Có một phụ nữ Do Thái, sinh được một con trai. Bà lén nuôi đứa bé trong một thời gian, nhưng cảm thấy không ổn. Và thế là bà bèn làm một chiếc thúng, trát nhựa, rồi đặt đứa bé nằm trong đó và thả trôi theo dòng nước.

Rất may có một nàng công chúa xuống tắm, nghe thấy tiếng trẻ khóc trong đám lau sậy, bèn sai nữ tì xuống vớt. Nàng công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi và đặt tên cho là Maisen, nghĩa là được vớt lên khỏi nước.

Trước khi được vớt lên khỏi nước, Maisen sẽ phải chết và nếu có sống thì cũng chỉ là sống một kiếp nô lệ đọa đày. Còn sau khi được vớt lên khỏi nước, Maisen trở thành con của nàng công chúa, có một cuộc sống an nhàn trong hoàng cung…

Với chúng ta cũng thế, trước khi lãnh nhận dòng nước rửa tội, chúng ta là những kẻ phải chết do hậu quả của tội nguyên tổ. Còn sau khi lãnh nhận dòng nước Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và được quyền thừa hưởng phần sản nghiệp Nước Trời.

Thế nhưng để xứng đáng với địa vị cao cả này, chúng ta phải làm gì? Tôi xin thưa: – Chúng ta phải làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách vâng theo thánh ý của Ngài.

Thực vậy, thế nào là một người con ngoan trong gia đình? Một người con ngoan trong gia đình chắc chắn không phải là người con vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại, phải là người con mau mắn vui vẻ vâng theo những lời chỉ dạy của chạ mẹ.

Nếu Đức Kitô đã được Chúa Cha tuyên phong: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, thì chắc hẵn Ngài luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Thực vậy, nhìn vào cuộc đời của Ngài, chúng ta sẽ thấy được sự thật ấy. Trong suốt quãng đời công khai, Ngài hằng băn khoăn để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Ngài đã từng nói với các môn đệ: – Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai ta.

Ngay cả trước khi ra đi chịu chết, nỗi băn khoăn ấy vẫn còn được thể hiện: – Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này cho Con, nhưng không theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi.

Thánh Phaolô đã diễn tả về thái độ này như sau: – Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Với chúng ta cũng vậy, để trở thành người con yêu dấu của Chúa, chúng ta cũng phải chu toàn thánh ý Ngài ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười giới răn, qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhất là luật yêu thương của Phúc âm, cũng như qua giáo huấn của Hội Thánh.

Có chu toàn thánh ý Chúa giữa lòng cuộc đời, thì trong ngày sau hết, chúng ta mới được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã từng tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giócđan:

– Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

25. Người thân.

Nếu thánh Gioan tẩy giả sống trong thế giới chúng ta, có lẽ ông sẽ được mời tham gia vào chương trình “tìm người thân”. Người ta sẽ tìm cách bắt ông nói về bản thân ông, về thời thơ ấu, tổ tiên, và những lý do khiến ông rao giảng. Nhưng có lẽ ông sẽ hướng những kẻ nói chuyện với ông về Đấng mà ông đã đến để giới thiệu cho người ta biết, Đấng mà ông “không xứng đáng cởi dây dép”.

Gioan là một trong những người nói năng mạnh mẽ và có sức thu hút. Ông nói thẳng. Ông lay động những thói quen, thức tỉnh những kẻ ngủ mê. Trước “… màn ảnh truyền hình của ông…”, Chúa Giêsu say mê sứ điệp của con người đã gây nên bao nhiêu vấn nạn và bao nhiêu tranh cãi. Gioan có lý: “Hãy hoán cải, hãy quay về với Thiên Chúa. Hãy sinh hoa quả hoán cải. Mọi cây không sinh quả tốt sẽ bị chặt đi. Ai có hai áo thì hãy chia sẻ với kẻ không có”.

Nối gót toàn thể dân chúng, Chúa Giêsu quyết định chịu phép rửa: Ngài sẽ không trở về Nagiarét nữa. Ngài đang đứng trước một tiếng gọi cần phải đáp lại ngay. Ngài đáp lại một lời mời gọi trực tiếp của vị ngôn sứ cuối cùng.

Phép rửa của Gioan là một hành vi công khai. Chấp nhận để ông rửa cho tức là dấu ta chấp nhận lời ông kêu gọi và quyết định thay đổi để tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu tham gia công việc hoán cải của dân Ngài. Khi chịu phép rửa, Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài đã nhận lấy thân phận làm người của chúng ta, rằng Ngài đã nhập thể trong một lịch sử, lịch sử của một dân tộc “cứng đầu cứng cổ”, một dân tộc tội lỗi cần được Thiên Chúa hoán cải, cần quay về với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng muốn nói về mình cho dân tộc của Ngài. Ngài đến trà trộn với những kẻ bé mọn, yếu kém, những kẻ nhận mình là tội lỗi. Ngài tự xưng giống những kẻ xung quanh Ngài mọi đàng. Ai có thể ngờ rằng con người giống như mọi con người ấy lại là Đấng Mêsia được mong chờ? Đấng Mêsia mà dân chúng hình dung là người chiến thắng, oai phong, có kẻ hầu người hạ bao quanh và được kính nể bởi quyền uy của mình? “Và dân chúng vẫn chờ mong…”

Khi trở thành một người trong chúng ta, Chúa Giêsu biểu lộ quyền uy của Ngài một cách khác với cách mà người Do thái vẫn tưởng. Chính bằng sự hiền từ, kiên nhẫn, khiêm nhượng, bằng việc phục vụ những kẻ bé nhỏ, những kẻ bị bỏ rơi, mà Ngài thiết lập vương quốc của Ngài.

“Chúa Giêsu cũng lãnh nhận phép rửa, và, đang khi Ngài cầu nguyện”. Hậu quả lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Chúa Cha tuyên bố Ngài là Con Thiên Chúa và ủy thác cho Ngài sứ vụ cứu thế. Nếu Chúa Giêsu được nhìn nhận là Con, cả chúng ta nữa, chắc chắn chúng ta cũng được tham dự vào địa vị làm con với Ngài và chúng ta sẽ luôn luôn có thể tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa Cha để được đón nhận như là con cái thực sự. Chúng ta cũng có thể tự coi mình như em và môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ có thể tham dự vào sứ vụ của Ngài là bênh vực kẻ nghèo, loan báo Tin Mừng, chữa lành những con tim bị đời gây thương tích.

Là Kitô hữu đã được rửa tội, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Đấng mà Gioan loan báo. Chúng ta phải sẵn sàng nói với những kẻ nghe chúng ta: “Đấng mà các bạn tìm kiếm, Ngài sẽ làm phép rửa cho các bạn trong thần khí, chúng tôi chắc chắn về điều này. Ngài sẽ cho các bạn biết tình yêu của Chúa Cha. Hãy hoàn toàn tin tưởng mà đến với Ngài. Ngài sẽ đem đến cho các bạn những gì các bạn chờ mong. Hãy liên lỉ tìm kiếm Ngài, không phải vì lương thực có thể hư nát nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh viễn”.

26. Phép rửa

Phép rửa của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta về phép rửa tội của chính chúng ta. Có nhiều lễ nghi mà người ta có thể giữ trong Giáo Hội. Nhưng tất cả những lễ nghi này đều trở nên mờ nhạt, khi so sánh với ân sủng cơ bản đối với tất cả: Phép Rửa rội. Khi chúng ta đứng trước ngai tòa Thiên Chúa, thì những lễ nghi khác không còn quan trọng nữa. Phẩm giá của chúng ta sẽ chỉ tùy thuộc vào một điều mà thôi – mức độ chúng ta sống ơn phép rửa tội của chúng ta.

Lễ nghi của phép rửa tội là một lễ nghi tuyệt đẹp. Khi lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta được chính thức nhận một tên, và được đón tiếp vào gia đình của dân Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện thật đáng yêu được đọc lên cho chúng ta. Thân thể chúng ta được ghi dấu thánh giá, dấu hiệu tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta. Nước được đổ xuống trên chúng ta. Nước là biểu tượng của sự tẩy rửa, chúng ta được tẩy rửa khỏi tội lỗi. Nhưng đặc biệt hơn, nước còn là biểu tượng của sự sống. Trong phép rửa tội, chúng ta được chia sẻ sự sống không thể chết được của Thiên Chúa.

Cơ thể chúng ta được xức dầu thánh không chỉ một lần, mà đến hai lần. Giống như cơ thể của các vận động viên được bôi một lớp dầu, để mang lại cho họ sức khỏe trong cuộc tranh tài. Cũng vậy, chúng ta được xức dầu thánh, để ban cho chúng ta sức mạnh, trong cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi, nhằm chống lại sự dữ. Và cũng giống như các vị vua, các ngôn sứ, và các linh mục đã được xức dầu, và do đó, đánh dấu rằng họ trở thành những người rao giảng của Thiên Chúa đối với cộng đồng. Cũng vậy, chúng ta được xức dầu, để trở nên những sứ giả của Đức Kitô, trong thế giới này.

Thân thể của chúng ta được phủ lên một chiếc áo trắng tinh, đó là dấu hiệu bên ngoài của nhân phẩm người Kitô hữu. Chúng ta được trao cho một cây nến, được thắp sáng từ ngọn nến Phục sinh, mang ý nghĩa ánh sáng quý giá của đức tin. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta ra khỏi bóng tối, để đi vào ánh sáng kỳ diệu nơi Con của Người.

Những gì diễn ra trong lần Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa, cũng xảy ra cả cho chúng ta nữa. Thiên Chúa kêu gọi đích danh chúng ta. Người nói với mỗi người chúng ta “Con là con trai yêu dấu của Ta”, hoặc “Con là con gái yêu dấu của Ta”. Và thần khí Chúa đáp xuống trên chúng ta, để giúp chúng ta sống đời sống của một Kitô hữu, và để tham gia vào sứ vụ của Đức Giêsu.

Từ quan điểm thiêng liêng, phép rửa tội là một điều vĩ đại nhất có thể xảy ra cho chúng ta. Được lãnh nhận phép rửa tội là được kitô hóa, nghĩa là được trở nên giống như Đức Kitô. Nhưng điều này không xảy ra một cách tự động, như là kết quả của việc được lãnh nhận phép rửa tội. Người ta phải học hỏi ý nghĩa của việc trở nên một người Kitô hữu là gì, và phải lớn lên trong ý nghĩa này. Đây là công việc của cả một đời người. Đến cuối cuộc đời, người ta hỏi một vị thánh, xem ngài đã là người kitô hữu chưa, thì ngài đáp lại chưa.

Trong Giáo Hội, có nhiều ơn gọi. Nhưng ơn gọi quan trọng nhất vượt lên trên tất cả các ơn gọi, phổ biến đối với tất cả những người đã được chịu phép rửa tội, đó là ơn gọi mà chúng ta đã được đón nhận vào lúc rửa rội – ơn gọi trở thành người môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ơn gọi cốt lõi. Tất cả những ơn gọi khác trong Giáo Hội đều phải được coi như liên hệ với ơn gọi này.

Chúng ta tổ chức thật lớn ngày sinh nhật của mình. Cũng vậy, chúng ta nên cử hành ngày lễ rửa tội của chúng ta một cách long trọng, bởi vì đó là ngày mà chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa. Mỗi khi vào nhà thờ, và lấy nước thánh làm dấu, là chúng ta đang tự nhắc nhở mình về phép rửa tội của chúng ta, và tự cam kết sống trọn vẹn với ơn gọi của phép rửa tội. Sống theo ơn gọi của phép rửa tội, là sống tư cách người môn đệ của Đức Giêsu.

home Mục lục Lưu trữ