Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1365618

ĐỨC TIN

 

ĐỨC TIN

Một người giầu có nọ muốn thưởng cho người quản lý của mình. Ông cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho ông một căn nhà sang trọng, với những vật liệu đắt giá và những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giầu: Ông tính toán từng đồng trong việc mua sắm vật liệu cũng như chỉ mướn những thợ xoàng nhất với giả rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành một cách tương đối tốt đẹp.

Khi người giầy có trở về, người quản lý đem tất cả chìa khóa của căn nhà đến cho ông và báo cáo đã làm đúng như chỉ thị của ông. Ông chủ hài lòng, khen người quảnlý và thưởng cho căn nhà đó. Trong những năm kếtiếp, khi phải chi tiền để tu sửa căn nhà, người quản lý không ngừng hối tiếc: giả như tôi biết trước đâh là căn nhà ông chủ tặng cho tôi, thì tôi đã không xây cất nó một cách xoàng xĩnh như thế.

Đức tin có thể ví như một căn nhà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Tuy nhiên, đón nhận và xây dựng căn nhà ấy là phần của con người; căn nhà ấy có làm cho con người được hạnh phúc hay không là tùy ở việc xây dựng của con người. Chúa Giêsu đã nói: Ngài đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Sự sống dồi dào ấy không chỉ ở đời sau; hạnh phúc thật không chỉ được hứa hẹn cho mai sau, nhưng ngay từ đời này, khi con người đón nhận và sống đức tin một cách sung mãn, con người sẽ cảm mến được hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ và những ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài sẽ được gấp trăm ngày từ đời này. Và nhận được gấp trăm người từ đời này là gì, nếu không phải là niềm vui và bình an trong tâm hồn. Niềm vui và bình an ấy, con người chỉ có được khi sống cho đến tận cùng những cam kết của niềm tin.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặ lại câu hỏi nền tảng: Chúng ta có thực sự an vui, hạnh phúc và hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Kitô không? Niềm tin của chúng ta có được diễn tả cụ thể bằng những hành động của bác ái yêu thương chưa? Những giá trị của tin mừng có thực sự thấm nhập vào tâm hồn và hướng dẫn cuộc sống chúng ta không?

 

37."Coi vậy"

(Suy niệm của Br. Minh Trân, CRM)

Kỳ vừa qua tôi có dịp thăm một gia đình người quen ở Port Arthur. Trước nhà họ có trồng cây hồng mềm, nhiều trái vàng tươi, trông rất bắt mắt. Thấy vậy tôi buột miệng: "Chà! hồng chín xem ngon hén." Nhưng anh chồng nói: "Coi vậy chứ chưa ăn được đâu thầy ơi. Chát lắm... và nhựa không à. Phải đợi cho nó thật chín mềm mới ăn được." Chồng vừa dứt lời thì vợ liền tiếp: "Nhưng mà con nghe người ta mách là nếu muốn ăn trước hình như phải ngâm nước muối một ngày, rồi đem ủ vào hũ gạo thêm một hai ngày nữa thì hồng sẽ hết chát và hết nhựa..." Nhìn mấy trái hồng treo lủng lẳng trên cây, tôi thầm nghĩ ăn được mấy trái hồng này xem ra cũng vất vả thiệt. Và hình như đọc được ý tôi, chị vợ bèn thốt lên: "Coi dzị mà hổng phải dzị đâu thầy ơi."

Qua Lời Chúa hôm nay, tôi rút ra được hai bài học: đối với mình phải sống thế nào, và đối với tha nhân phải xử thế làm sao. Thứ nhất, Chúa dạy rõ: "... giống như những cây tốt sinh trái tốt, người lành phát sinh những việc thiện hảo..." Theo thánh kinh, nói về cây tốt là nói về "phẩm hạnh đi trước hành động." Hay nói cách khác, các việc làm của một người tỏ cho thấy tình trạng "trái tim" của họ. Điều này có nghĩa là Chúa muốn dạy chúng ta phải sống liêm chính, bác ái yêu thương, sống thật thà ngay thẳng, có sao nói vậy, và nói thì phải làm. Đừng nói một đàng rồi làm một nẻo. Thứ hai, đối với người khác Chúa dạy chúng ta nên thận trọng, ý tứ trong việc xử thế -- đừng xét đoán, cũng đừng kết án, vì rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng đã cảm nhận "coi dzị mà hổng phải dzị." Đọc lại mấy câu trước đoạn Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy thánh sử Luca ghi rõ: "Hãy từ tâm, cảm thông với người khác như Cha các con trên trời... đừng xét đoán... cũng đừng kết án... hãy tha thứ...." Suy nghĩ kỹ chúng ta thấy xét đoán hoặc kết án người khác thật là một điều bất công. Thử hỏi sao lại không bất công một khi mình không biết rõ họ là ai, không hiểu được hoàn cảnh của họ thế nào, cũng chẳng đả thông ý định trong lòng của họ ra sao... thế mà lại xét đoán, kết án họ? Con người chỉ nhìn thấy bề ngoài. Chỉ Thiên Chúa mới nhìn thấy bên trong, và đó mới là điều can hệ. Hạnh các thánh đã chứng nhận điều đó. Thử hỏi được bao nhiêu vị thánh mà lại không có một quá khứ đáng phàn nàn? Nhưng khác một điều là quá khứ của các ngài đã được nhận ra, được tha thứ, và được khắc phục. "Coi dzị mà hổng phải dzị." Phải chăng Lời Chúa đến với chúng ta hôm nay là một lời cảnh tỉnh? "... Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã..." (6:42) Theo tiếng Hy lạp, từ ngữ giả hình chỉ về kịch sĩ. Trong Phúc âm, từ ngữ giả hình luôn luôn làm giảm uy tín cũng như danh dự cá nhân, và ám chỉ đến sự thiếu thành thật. Thánh Luca dùng từ ngữ giả hình ba lần: một lần ám chỉ những người Pharisêu (12:1), và hai lần nhắm đến những người chống đối Chúa Giêsu (12:56, 13:15). Nhìn trái hồng mềm có người biết khi nào ăn được và cũng có người chẳng biết khi nào ăn được. Nhưng nhìn những người sống liêm chính, và năng "để ý đến những lỗi lầm của mình trước" thì có lẽ ai cũng nhận ra. Điều này thường hay được nhắc đi nhắc lại trong nền luân lý Hy lạp, và thiết tưởng cũng chính là lẽ sống mà Chúa Giêsu hằng khuyên dạy chúng ta.

 

38.Chú giải của Noel Quesson

Luca đã tập họp trong bài diễn từ này của Đức Giêsu, những câu ngắn, những “logia " hoặc “lời” về thái độ của các môn đệ chân chính: Chúa nhật vừa rồi, chúng ta đã nghe giớ răn phải yêu thương các kẻ thù... hôm nay, vấn đề là thái độ của chúng ta đối với anh em trong cộng đoàn...

Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù, được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”

Đây là một dụ ngôn hết sức ngắn như một câu tục ngữ. Chúng ta lưu ý thể nghi vấn của dụ ngôn ấy: Đức Giêsu không trả lời thay chúng ta. Người khêu gợi ý thức của chúng ta. Trong đoạn văn song song của Thánh Mát-thêu: nhận xét này dùng để cảnh giác chống lại: Người Biệt Phái, họ tự hào "hướng dẫn" những người khác nhưng lại là những "người mù " trước biến cố trọng đại của Đức Giêsu.. Đấng. phát ngôn của Thiên Chúa (Mt 15,14; Ga10, 40). Phần Luca, ngài nghĩ nhiều đến những người đứng đầu các cộng đoàn Kitô hữu mà ở nơi khác, ngài gọi là các "người hướng dẫn" (Lc 22.26) "hégouménoi". Ở Đông Phương, các Cha dòng đứng đầu tu viện luôn luôn được gọi là các Hogoumènes.

Lời của Đức Giêsu về những người "hướng dẫn mù” tự hào mình dẫn dắt được những người khác có thể được áp dụng cho tất cả chúng ta bởi vì trong lãnh vực này hay trong lãnh vực khác, chúng ta đều có trách nhiệm "hướng dẫn": một gia đình, một xí nghiệp, một nhóm, một hiệp hội, một đô thị. Trách nhiệm của tôi là gì? Tôi có trách nhiệm với ai? Ai thuộc về tới? Tôi có khả năng không? Tôi có sáng suốt không? Tôi có nhìn thấy rõ ràng không? Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho tất cả những người mà con có trách nhiệm. Xin Chúa giúp con tránh được các cạm bẫy đó, những cái "hố" đó trên đường đi của chúng con. Xin Chúa làm cho con nhìn thấy rõ.

Học trò không hơn thầy, có học hết chứ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.

Một dụ ngôn ngắn khác: thầy và trò. Để được sáng suốt để trở nên một' "Người hướng dẫn" tốt, một người phụ trách tốt, phải được một ông thầy tốt đào tạo. Trong việc đào tạo ở trường Đại học, các nhà bác học danh tiếng nhất hôm nay đều nói về các ông thầy "đỡ đầu” của họ với lòng tôn kính và biết ơn; các ông thầy đỡ đầu ấy đã hướng dẫn việc học tập của họ cũng như khi họ làm luận văn và khi họ gặp khó khăn trong công việc, họ lại đến gặp các ông thầy ấy để tham vấn. Cũng thế "Người thợ học việc" phải tôn kính và biết ơn "thầy dạy nghề" của mình.

Tuy nhiên ngày nay, người ta nhận thấy một sự từ khước ông thầy, một sự đề cao bệnh hoạn về tính chất không định hướng trong sư phạm cũng như trong các thương vụ. Thời thượng bây giờ là chia sẻ, giao lưu... và người ta khó mà chấp nhận những bài giảng của các bậc thầy, những bài thuyết giáo. Khía cạnh tích cực của xu hướng này đang được đánh giá: Đó là lúc nào cũng hoạt động hơn và sự tham gia của cá nhân trong việc lãnh hội một kiến thức nào đó. Nhưng khía cạnh tiêu cực của việc từ chối ông thầy là một lòng kiêu ngạo, một sự từ chối tiếp nhận mà trong thực hành dẫn đến một thứ bình quân ở cấp thấp (cào bằng xuống thấp).

Thật vậy không có chân lý hay khoa học nào mà không được tiếp nhận. Điều đó đúng với các chân lý khoa học, chúng chỉ phát triển nhờ một thứ tuân theo thực tại, khuôn mình theo các sự vật. Điều đó càng đúng hơn đối với các chân lý đức tin vốn không phải để chinh phục mà là để tiếp nhận. Khi điều chủ yếu là tiếp nhận sự mạc khải thì học trò không thể hơn thầy... mà chỉ có thể để cho thầy đào tạo. Và Đức Giêsu tự giới thiệu như vị thầy đó; Người biết nhưng việc mà chúng ta không biết.

Nền văn minh của các sách vở in ấn đã thay đổi sâu sắc tương quan "thầy trò" bằng cách trí thức hóa tương quan ấy. Trong những nền văn minh truyền khẩu, người ta không thể học một mình, tiến bộ một mình, nhưng chỉ tiếp xúc lâu dài với "ông Thầy", nhà “hiền triết", "thầy guru”: Lúc đó, không chỉ là sự truyền đạt kiến thức bằng đầu óc nhưng là học tập một nghệ thuật sống... mà không một cuốn sách nào có thể truyền đạt được. Đức tin trước hết được chuyển thông từ người này qua người khác. Còn hơn cả mốt kiến thức, đó chính là một đời sống. Đức Giêsu tự giới thiệu như “vị thầy của sự sống": phải chăng tôi thường tìm gặp Người? phải chăng tôi khao khát sự "đào tạo" sống ấy mà Người đề nghị? Tôi có là một "môn' đệ” chân chính không? Lạy Chúa, xin giúp đỡ chúng con để con không nên bằng lòng với những kiến thức lý thuyết về Tin Mừng, những biết sống với Chúa ngày này qua ngày khác.

Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?

Chúa nhật vừa rồi, chúng ta đã nghe Đức Giêsu nói với chúng ta đừng xét đoán đừng lên án. Nhưng, khi người ta có trách nhiệm (và chúng ta đều có trách nhiệm ở một số điểm) người ta phải đưa ra những phán đoán, chỉnh, lý những sai lầm, giúp đỡ những người khác thậm chí nói trái ý họ và sẵn sàng xung đột với họ nếu chúng ta nhận thấy có cả điều xấu. Đó là bổn phận của trách nhiệm “cảnh cáo anh em": “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi" (Mt 18,15; Lc17,3) Môn đệ của Đức Giêsu không thể giữ sự trung lập trước một số hoàn cảnh hay tình - thế.Những trong vai trò sửa chữa, chỉnh lý, trong cuộc chiến đấu chống lại điều ác Đức Giêsu cảnh giác chúng ta trước một cám dỗ rất thường gặp: Chúng ta có nguy cơ phóng đại điều xấu nơi những người khác và giảm thiểu điều xấu trong chúng ta! Hình ảnh cái rác và cái xà khó mà quên được và một Câu Chuyện giống vậy thuộc Phương Đông làm cho câu chuyện chua chát hơn. Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con trước hết phải trở nên đòi hỏi đối với chính mình, phải sắng suốt đối với chính mình. Xin Chúa giúp chúng con nhìn thấy trong những người khác điều tích cực nhiều hơn đều tiêu cực.

Hỡi kẻ đạo đức giả! lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

Đức Giêsu đối xử mạnh mẽ với Người phóng đại cái rác trong con mắt người anh em, như “kẻ đạo đức giả", trong bản văn tiếng HyLạp là "upocritès:. Từ này dịch ra tiếng Do Thái là "hanef", có nghĩa là "Con Người có phán đoán sai lầm và không biết nhận ra chân lý, còn quay lưng lại với Thiên Chúa". Theo Lu ca, Đức Giêsu còn dùng từ ngữ mạnh mẽ đó trong hai lần khác: "Những kẻ đạo đức giả kia, sao các người lại không biết nhận xét những dấu chỉ của thời đại" (Lc 12,56) "Những kẻ đạo đức giả kia. Thế ngày Sabát ai trong các ngươi không chăm sóc súc vật của mình...?" (Lc 13,15). Từ ngữ còn mạnh hơn sự giả hình. Dụ ngộn này về "cái xà và cái rác" đã trở thành truyền thuyết. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ mà xói rằng: "Quả đúng như thế mà! "... Khi nghĩ về người khác. Nhưng một cách chính xác, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải cáo giác chính mình... Trước khi thay đổi xã hội, như người ta nói, việc canh tân chính mình không phải là vô ích. Một lần nữa, người ta phải ngạc nhiên mà thừa nhận rằng Đức Giêsu ít khuyến cáo những “canh tân về cơ' cấu” vốn chẳng thay đổi được gì nếu lòng người không thay đổi.

Và chính Giáo Hội phải không ngừng canh tân trước khi có ý định đổi thay thế giới. Và mỗi Kitô hữu phải không ngừng hoán cải bản thân trước khi hoán cải những người khác. Thay vì "kết án", thay vì tuyên bố "rứt phép thông công", thay vì mất thời gian để "xét đoán"... Đức Giêsu mời gọi chúng ta biết khiêm nhượng để cùng nhau tìm cách cải thiện và phải bắt đầu từ chính mình.

Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng chẳng có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!

Đây là dụ ngôn cụ thể thứ tư. Đức Giêsu là một người thực tế: người ta phán đoán một con người theo hành động thực tế của người ấy, như nhận xét một cây theo quả, mà không theo những ý định hoặc lời tuyên bố đẹp đẽ. Con người hiện đại cũng có đặc tính quan tâm đến hiệu quả. Đức Giêsu cũng thế. Nhưng Người nhấn mạnh để cái bên ngoài phải tương ứng với cái bên trong.

Vì thế, người ta nhận ra người môn đệ chân chính qua các hành động của người ấy. Một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng sự phân biệt "lừng danh": "tín hữu không hành đạo" chỉ là một ảo tưởng và một sự biện minh dễ dãi.

Chính quả cho biết cây tốt hoặc có sâu... sống hoặc có bệnh.

Chính những “hành động" cho biết một người "tin" hay không... Yêu mến hay không... hy vọng hay không. Và Tin Mừng của 'Luca 'tiếp tục bằng những lời này mà sách kinh đã cắt quá sớm: "Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. "...Tại sao anh em gọi Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa mà anh em không làm điều Thầy dạy?" Lạy Chúa, xin giúp chúng con thực hành điều chúng con tin tưởng.

 

39.Suy niệm của Noel Quesson

Trong bản văn Lc 6, 34-49, ta thấy một chuỗi những phán quyết của Đức Giêsu hơi bất thường, được nối kết giữa những phán quyết này với những phán quyết kia nhờ những từ mốc nối (“mức độ”, “mắt”, “cây”, “miệng”, “nhà”). Sự lặp đi lặp lại những từ thường được gọi là “tiếng này gợi lại tiếng kia”, là một cách thức được sử dụng trong các nền văn minh truyền khẩu, không có chữ viết, để ghi nhớ một số lời nói nào đó. Nhờ đó, ta mới có một bằng chứng tốt về sự nắm giữ Lời Chúa Giêsu mà các thế hệ đầu tiên của Kitô giáo đã bảo trì, không phải ở trong “sách vở”, nhưng ở trong “ký ức và trong lòng họ”.

Còn tôi, tại sao tôi không biết học thuộc lòng một số câu nào của Chúa Giêsu?

Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?

Qua hình ảnh cụ thể này, Đức Giêsu muốn cảnh giác: hãy có thái độ sáng suốt. Anh em đừng để người ta lôi cuốn mà không kiểm chứng mình đang đi đâu, đang theo ai? Có những người hướng dẫn giả, những ngôn sứ giả, làm dân chúng lầm lạc … Anh em hãy mở to mắt mà nhìn.

Sao ngươi thấy cái rác trong con mắt của anh em, mà cái xà trong con mắt của mình lại không thấy?

(Từ móc nối: người mù, con mắt).

Qua hình ảnh cụ thể khác, Đức Giêsu dạy: anh em hãy tỏ ra sáng suốt đối với chính mình. Anh em biết phòng ngừa biết bao người hướng dẫn giả, các ngôn sứ giả … Anh em thường phẩm bình những vị có trách nhiệm hay các người anh em khác dễ dàng … Vậy anh em hãy nhìn kỹ vào đời sống riêng tư của mình cách sâu xa hơn … Hãy mở to mắt trên chính mình! Hãy tự phê bình mình trước đi.

Anh em rất dễ nhìn thấy khiếm khuyết của Giáo Hội, của các linh mục, các Kitô hữu, thường không đồng lập trường với anh em về một số điểm nào đó … Thế thì, thỉnh thoảng anh em hãy để ý nhìn ra những khiếm khuyết riêng của mình xem sao.

Sao ngươi lại dám nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”… Đồ giả hình! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã …

Chúng ta không thường làm giảm nhẹ sắc thái của Tin Mừng sao! Ta không ưa những lời nói thẳng nhặt! Nhất là chúng lại nhắm thẳng vào ta. Đức Giêsu có thể đang nói với tôi, tôi thật là giả hình khi mở miệng phẩm bình kẻ khác.

Cuộc sống chung quanh chúng ta sẽ vui thú hơn biết bao, nếu ta đối xử nghiêm chỉnh với mình hơn với người khác, nếu chính ta biết áp dụng cho mình những lời khuyên tốt mà ta thường nhiều lần nhắc nhở kẻ khác, nếu ta cùng mau mắn cải thiện mình, đồng nhịp với việc cải thiện tha nhân.

Ta không luôn đổ thừa rằng, chính vì lỗi lầm của “kẻ khác” mà mọi sự trở nên xấu hơn sao! Chẳng hạn như: Vì chính quyền làm điều này … Các nghiệp đoàn đã không thực hiện việc kia … Giá kể các chủ nhân tăng cường hơn ở lãnh vực này … Giá kể các thợ thuyền tích cực hơn ở vấn đề đó … Nếu các Cha sở đã làm việc tốt hơn … Nếu chồng tôi khá hơn ở điểm này … Nếu những người lối xóm của tôi …

Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt anh em.

“Nhìn lại đời sống” là một tập luyện thiêng liêng phản ánh tinh thần Tin Mừng rất cao: đó là đặt lại vấn đề về chính mình, là ngắm lại, nhìn lại đời sống cá nhân và những dấn thân riêng tư của mình. Nhưng thay vì duyệt xét lại đời sống của mình, ta lại chỉ nhắm đến việc phẩm bình kẻ khác; thì đó là một bức hí họa đáng ghét!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sáng suốt, biết nhìn rõ, nhờ đó chúng con có thể giúp đỡ anh em chúng con nhìn rõ hơn.

 

40.Chú giải của William Barclay

LUẬT SỐNG

Chúng ta đọc thấy một chuỗi những câu nói có vẻ không liên hệ nhau. Có hai cách giải thích: có thể Luca thâu góp những lời Chúa Giêsu đã nói trong những dịp khác nhau và ông cho chúng ta một bảng tóm lược các luật sống. Hoặc có thể đây là điển hình về phương pháp giảng dạy của Do Thái. Người Do Thái gọi giảng dạy là charaz, nghĩa là xâu chuỗi. Các rapbi có dạy rằng diễn giả không nên nói lâu về một đề tài, nhưng để hấp dẫn thính giả, nên thay đổi mau chóng từ đề tài này sang đề tài khác. Vì thế lời giảng của người Do Thái có vẻ rời rạc đối với chúng ta. Đoạn Kinh Thánh này được chia làm bốn phần.

1. Câu 39-40, Chúa Giêsu cảnh cáo thính giả rằng không giáo sư nào có thể đưa học trò mình đi xa mức độ mà chính mình đã đạt và đây là lời cảnh cáo hai chiều cho chúng ta. Trong khi học, chúng ta chỉ nên học với một giáo sư tốt nhất vì chỉ có giáo sư ấy mới có thể đưa chúng ta tới một độ cao nhất. Trong khi dạy, chúng ta đừng quên rằng chúng ta không thể dạy điều gì mình không biết.

2. Câu 41-42, đây là một tỷ dụ về tính khôi hài của Chúa Giêsu. Hẳn Ngài đã mỉm cười khi vẽ bức hoạ về một người có cái xà trong mắt mình mà cứ cố gắng moi một cái rác ra khỏi mắt kẻ khác. Chúa Giêsu dạy rằng chúng ta không có quyền phê bình khi chúng ta còn khuyết điểm. Điều này có nghĩa là chúng ta không có quyền đoán xét gì cả, bởi “có nhiều điều xấu trong những người tốt nhất, có nhiều điều tốt trong những người xấu nhất giữa chúng ta, đến nỗi ai trong chúng ta cũng phải xấu hổ khi muốn moi tội kẻ khác”.

3. Câu 43-44 nhắc nhở chúng ta chỉ có thể nhận xét người khác qua việc làm của họ. Có người nói với một giáo sư: “tôi không thể nghe lời ông nói vì đã thấy con người của ông rồi”. Giảng và dạy, cả hai điều là “sự thật qua nhân cách”. Lời hay không bao giờ thay thế được việc tốt. Điều đó rất thích hợp cho ngày nay. Chúng ta sợ hãi tiếng đe doạ của các phong trào thế tục. Chúng ta không bao giờ đánh bại được các phong trào đó bằng cách viết nhiều sách báo và tổ chức nhiều cuộc giảng thuyết. Con đường duy nhất để chứng tỏ tính siêu việt của Kitô giáo là chúng ta phải sống thế nào cho mọi người thấy Kitô giáo sản xuất ra những người tốt thật.

4. Câu 45. Trong câu này Chúa Giêsu nhắc chúng ta xét cho cùng, lời nói ở môi miệng chúng ta chỉ là sản phẩm của lòng chúng ta. Không ai có thể mở miệng nói về Chúa nếu Thánh Linh không ở trong lòng người ấy. Không có điều gì bộc lộ rõ tâm trạng của một người cho bằng chính lời nói của họ, khi họ không ý tứ lúc nói năng, khi họ tự do phát ngôn, nghĩ sao nói vậy. Nếu bạn hỏi thăm đường đến một chỗ nào đó, người thì bảo nó ở gần nhà thờ nọ, người khác lại bảo nó ở gần rạp hát kia, người khác lại chỉ nó gần sân bóng đá, người khác nữa nói nó gần một công sở. Chính câu trả lời cho một câu hỏi bất ngờ có thể cho thấy tư tưởng của người đó thường tập chú vào đâu và những sở ước của họ đặt ở đâu. Lời nói của chúng ta phản ánh tâm địa của chúng ta.

 

41.Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

Luca bất ngờ lưu ý độc giả rằng họ đang đứng trước một dụ ngôn, từ này mời gọi tìm ý nghĩa các câu mà không dừng lại ở hình ảnh. Chúng ta thấy ở đây việc từ chối đoán xét người khác, bởi vì những lời nói khác nhau, riêng lẻ của Chúa Giêsu đã được tập họp lại bởi sự liên kết các ý tưởng với nhau. Sự thay đổi thể văn ở câu 39a là có ý nghĩa: nó được dùng để biểu lộ việc thay đổi các nhân vật mà các môn đệ phải tỏ ra nhân ái; sau kẻ thù bây giờ là anh em, là tha nhân trong cộng đoàn Giáo Hội.

Nhưng hãy chú ý! Không đoán xét không có nghĩa là đặt tất cả trên một bình diện (cc. 39-42)! Có nhiều Kitô hữu còn lâu mới trưởng thành trong đời sống Kitô giáo (x. 1Cr 3,1-3); vì người mù tối họ không có thể tự phụ hướng dẫn người khác đến ánh sáng trọn vẹn của niềm tin, cũng không thể phê bình người khác được. Cuộc sống của người tín hữu là một chuẩn bị dài lâu để trở nên hoàn thiện (được huấn luyện đầy đủ); cuối cùng môn đệ sẽ như Thầy là Chúa Kitô: Ngài nghĩ rằng mỗi người có thể hoán cải, thay đổi đời sống. Ước gì mỗi người học sống theo gương mẫu Chúa Giêsu để lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân sẽ làm cho họ có khả năng hướng dẫn người khác. Ngoài ra, sẽ là đạo đức giả, là đóng kịch, khi rêu rao về một cuộc sống chính trực mà chính mình lại không dấn thân vào. Chỉ có một cuộc hoán cải liên tục, dẫn tới một cách hành xử đúng đắn, mới giải thoát ta khỏi mù loà và cho phép ta sửa đổi được cách sống của người khác.

Khi mời gọi ta ”quét dọn trước cửa nhà mình”, dụ ngôn cọng rơm và cái xà nhắc ta phải tốt trước đã rồi mới bảo người khác sống tốt được; nó cũng dẫn vào đề tài của các câu 43-49: người môn đệ đích thực phải có những hành vi phù hợp với đức tin của mình. Điều đặc biệt là động từ ”làm” (thực hành) trở đi trở lại năm lần, từ những cây sinh (làm ra) quả tốt (c.43) đến người đem ra thi hành (làm) –hoặc không- những lời của Chúa Giêsu (cc.46-47.49). Một cách có ý nghĩa, người ta thấy hai hạng người (hoặc hai loại cây) đối nghịch nhau, tốt và xấu, như trong các mối phúc.

Hai dụ ngôn về cây và quả, tiếp theo là việc áp dụng, bắt đầu bằng việc soi sáng cho những gì là cội nguồn của hành động (cc. 43-45). Như phẩm chất của trái cho phép lượng giá phẩm chất của cây, cũng vậy, tất cả những gì con người làm nảy sinh ra –cách sống của họ, điều tốt hoặc điều xấu, cũng như những lời họ nói- đều biểu lộ những gì ở tận thâm cung lòng họ. Vì không ai thấy và chỉ có Chúa biết, tâm hồn là một nơi định đoạt phần rỗi của con người, bởi lẽ chính nơi tâm hồn mình mà con người yêu hay ghét.

 

42.Chú giải của Fiches Dominicales

NHÌN VÀ HÀNH ĐỘNG NHƯ MÔN ĐỆ

ĐÍCH THỰC CỦA ĐỨC GIÊSU

I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

l. Một cái nhìn sáng suốt và ân cần,

Hai tuần trước, với "các mối phúc" "những lời than" ta khai mào điện từ trong bình nguyên. Chúa nhật tuần rồi, ta tiếp tục với giáo huấn về tình yêu không giới hạn, tình yêu, như Chúa Cha giàu lòng thương xót, đến độ yêu thương cả kẻ thù Hôm nay, ta sẽ đọc đoạn kết gồm 4 câu riêng rẽ của Đức Giêsu mà Luca tập hợp lại do liên ý, rồi xếp chúng vào mục "các dụ ngôn".

Ba câu đầu nói về cái nhìn. Cái nhìn phải sáng suốt và trước tiên phải nhìn vào chính mình. Với tha nhân, cái nhìn phải ân cần.

Đó là những lời "chỉ nam" cho đời sống cộng đoàn. Vì đôi khi cộng đoàn trở nên mù quáng, lôi kéo những người khác sa ngã theo. Những lời đó cũng có thể nói cho các môn đệ, lúc nào cũng vội vàng xét đoán và chỉ trích người khác hơn là sửa đổi chính mình. Sẽ sai lầm nếu muốn trở nên nhân chứng của lòng xót thương mà lại có trái tim và ánh mắt không thương xót.

Hugues Cousin viết: "Sống đức tin là một cuộc chuẩn bị lâu dài để nên hoàn thiện" (“được đào tạo chu đáo ") theo câu ai cũng có thể hoán cải, thay đổi lối sống. Ước gì mọi người đều được đào tạo trong trường học Đức Giêsu để lòng thương cảm đối với người tội lỗi sẽ khiến họ có khả năng hướng dẫn người khác: Thật là giả hình đóng kín, khi ca tụng một con đường (chính trực mà bản thân không theo. Chỉ có sự hoán cải không ngừng nghỉ mới đưa tới nếp sống chân thực, giúp thoát khỏi cảnh mù tối và cho phép ta sửa lỗi người khác" (L'Evangile de Luc", Ccntunon, trg 98).

2. Một hành động thấm đẫm Tin Mừng:

Câu cuối cùng đề cập đến hành động của Kitô hữu: như ta biết "cây" nhờ "quả", cũng thế hành vị và lời nói bộc lộ cho thấy trái tim người Kitô hữu có thực sự thấm nhuần Tin Mừng không. Louis Monloubou bình luận rất xác đáng rằng: "Vì con người hành động theo bản chất của mình; dù giả dối, hành vi và lời nói cũng phản chiếu chính xác những gì sâu xa trong đáy lòng anh ta. Ai không có tinh thần Tin Mừng không thể nói ra những lời lẽ mang âm hưởng Tin Mừng". (“L’Evangile de Luc", Salvator, tr. 149).

II. BÀI ĐỌC THÊM:

1. Ánh mắt Đức Giêsu.

(Mgr. L. Daloz, trong "Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người", DDB, trg 50-51)

Anh mắt Đức Giêsu nhìn khác ta và Người mong ánh mắt ta cũng được đổi mới: sao cho ánh mắt ấy không phải là ánh mắt đui mù dẫn người khác sa vào hố sâu. Sao cho ánh mắt ta không bị cây xà che kín nhưng được sáng tỏ. Anh mắt Đức Giêsu, ánh mắt Thiên Chúa nhìn vào thực tế hiện hữu của ta, vào sự thực của nếp sống ta, là một ánh mắt khích lệ, khơi gợi, hoạt động. Lời lẽ mà ánh mắt ấy phiên dịch không chỉ là những chỉ dẫn cho trí khôn, nhưng đã trở nên lời lẽ động viên. Lời ấy dẫn đến hành động và xây dựng một đời sống mới trên nền đá vừng chắc. Khi nhìn ai, Người thấy trong đó hình ảnh Thiên Chúa, Cha của Người, Người thấy những đứa con. Người tỏ cho họ biết họ là ai và phải sống như thế nào để trở nên những người con đích thực của Cha".

2. Những người thực sự kiến tạo một thế giới mới.

(“Sách lễ các Chúa nhật Emmaus", trg l012).

Ai chẳng mong muốn kiến tạo một thế giới mới chan hòa mình yêu và bình an?

Nhưng rất nhiều khi, hành động vì thế giới của ta bắt đầu bằng phê phán kẻ khác.

Thế là ta đã tự động chiếm chỗ của Thiên Chúa phán xử. Làm thế, ta chỉ chà đạp những người chung quanh và loại mình ra ngoài cuộc chơi mà thôi. Cứ nghĩ mình ngay tình, cứ tưởng mình hành động cho việc thiện ích, ta tiếp tục gây chia rẽ.

Khi tố cáo giới chức quyền Do Thái, những kẻ thực sự phản chứng do thái độ của họ, Đức Giêsu kết án xu hướng bản năng của mọi người. Chúng ta ai mà chẳng kết án tha nhân, khi cứ tự coi chân lý của riêng mình như là Chân Lý viết hoa. Như thế ta chỉ là những tiên tri giả, phá huỷ thế giới mới mà ta tự hào là góp tay kiến tạo.

3. “Lời lẽ và con tim”.

(Mgr. L. Daloz, trong "Nước Trời đã đến gần" DDB. 1994, trg 182- 183).

"Điều nói ngoài miệng, tràn ra từ tâm hồn..."

Nhiều lần, Đức Giêsu đã phải lên tiếng về tầm quan trọng của lời nói.

Đức Giêsu mời ta khám phá lại nguồn cội của lời nói. Thật hữu ích khi nghe Người, nhất là trong thời buổi mà người ta dễ dãi cho rằng lời nói bay đi. Tìm lại tính chất nghiêm trọng của lời nói, nội dung và hệ quả của nó, là góp phần vào việc sám hối của Kitô hữu. Ngày nay lời nói thường hối hết mau qua. Đức Giêsu tái lập trách nhiệm của con người với lời nói. Người truy nguyên lời nói từ trái tim. Lời nói mang dấu ấn của người nói. Lời nói chứa chất những ý hướng và tình cảm của người nói, ngay cả khi lời nói trung dung hoặc diễn tả dưới hình thức thật khách quan: luật Rôma, luật Napôlêon đều mang dấu ấn tinh thần của thời đại họ sống và quan niệm của những nhà làm luật!... Tin Mừng soi sáng mọi hoàn cảnh, kể cả những hoàn cảnh hiện thực nhất. Lối so sánh mà Đức Giêsu sử dụng thật mạnh mẽ: so sánh cây và quả. So sánh mạnh mẽ và rất ý nghĩa, vì quả lớn lên nhờ nhựa cây nên quả chứa đựng nhiều phẩm chất cũng như những khiếm khuyết của cây...

Cũng vậy, lời lẽ không chỉ bên ngoài con người. Lời nói chính là sự bộc bạch của tâm hồn: "Và lòng có đầy miệng mới thốt ra". Lời nói cho biết con người, và những gì họ chất chứa trong lòng. Lời nói chứa đầy những tư tưởng, tình cảm, đam mê của người nói. Như thường lệ, Đức Giêsu kéo ta chú ý đến nội tâm con người. Người đi đến tận thâm tâm con người. Chẳng có luật lệ bên ngoài để xét xử lời nói. Chính lời nói biểu lộ phẩm chất, con người của họ. "Người tốt rút ra từ kho tàng tốt lành của mình những điều tối dẹp. Người xấu, rút ra từ kho tàng xấu xa của mình những điều xấu xa". Lời nói bộc bạch loại kho tàng mà người nói cất giấu trong mình.

 

43.Những điều kiện của lòng nhiệt thành

Bố cục: Có thể chia đoạn này thành 5 phần:

- cc 39-40: thí dụ về người hướng đạo mù.

- cc 41-42: thí dụ về cái xà và cọng rác.

- cc 43-44: thí dụ về cây và trái.

- câu 45: thí dụ về "kho tàng" trong lòng.

- câu 46-49: phải thi hành những lời dạy trên

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng phần theo bố cục này.

DẪN NHẬP

Đoạn này là một phần của "Bài giảng trên cánh đồng" (6,17-49).

Bài này giảng cho ai? Cho các môn đệ (c.20 "Đức Giêsu ngước mắt nhìn các môn đệ và nói...").

Nội dung chính: Đức Giêsu dạy cách sống của người môn đệ.

Trong "Bài giảng trên núi" do Mt ghi lại, cách sống của người môn đệ chủ yếu là phải gương mẫu. (như muối ướp trần gian, như đèn tỏa sáng trước mặt mọi người, Mt 5,13-16). Còn trong "Bài giảng trên cánh đồng" do Luca ghi lại. Luca kể ra những điều kiện cần có để có thể là một môn đệ gương mẫu.

I - NGƯỜI HƯỚNG ĐẠO MÙ: 39-40

1) Phần này gồm hai câu nói của Đức Giêsu: c.39 "làm sao kẻ mù dắt được kẻ mù..." và c.40 "môn đệ không hơn Thầy được...".

Hai câu này được Mt ghi lại ở hai nơi khác nhau (Mt 15,14 và Mt 10,24) vậy có lẽ đây là hai logia, nghĩa là hai câu nói rời mà Đức Giêsu đã nói vào hai lúc khác nhau, nhưng ở đây chúng được Luca tập họp chung lại. Vì thế mà ta thấy sự liên hệ giữa chúng không được chặt chẽ, đưa đến một logic cũng lỏng lẻo.

2) Muốn cho có logic, có lẽ ta phải đảo ngược lại như sau:

- Trên nguyên tắc, môn đệ dốt hơn thầy.

- Do đó, nếu thầy mà mù quáng để dạy những điều sai lầm, thì môn đệ còn bị sai lầm hơn nữa.

- Người môn đệ của Đức Giêsu có trách nhiệm hướng dẫn kẻ khác (họ trở nên "thầy" của kẻ khác). Trước khi làm việc hướng dẫn này, họ phải cẩn thận đừng để mình bị sai lầm.

Muốn thế, một mặt họ phải cố gắng rập khuôn theo Đức Giêsu - Tôn sư của họ. Và mặt khác phải tự phê tự sửa trước khi phê bình và sửa chữa người khác.

3) Tóm lại: điều kiện thứ nhất của người môn đệ gương mẫu là phải sáng suốt bằng cách rập khuôn theo Tôn sư Giêsu và tự phê tự sửa.

II - CÁI XÀ VÀ CỌNG RÁC: 41-42

41   - Ngoài trách nhiệm hướng dẫn người khác theo đúng giáo huấn của Tôn sư Giêsu, người môn đệ đôi khi cũng phải sửa lỗi người khác ("lấy cái rác trong con mắt anh em ra"). Những câu trong phần này không cấm đoán việc sửa lỗi, trái lại chúng nói về việc sửa lỗi ấy.

      - Nhiều khi việc sửa lỗi không được công bằng vì lý do thành kiến, tự ái, hồ đồ vv... khiến ta xem một lỗi nhỏ của người khác thành lỗi nặng. Ngược lại xem một lỗi nặng của bản thân như lỗi nhỏ. Cho nên để việc sửa lỗi được công bằng và hữu ích thì trước tiên không được sửa lỗi người khác do động cơ tự ái, thành kiến hoặc chỉ để chứng tỏ uy quyền.

42   - Nguy hiểm thứ hai phải đề phòng khi sửa lỗi người khác, đó là giả hình ("Thấy cái rác trong con mắt anh em mà không thấy cái xá trong con mắt mình"; "Hỡi kẻ giả hình"). Nghĩa là bên trong và bên ngoài của ta không hợp nhau: trong lòng mình xấu thế mà mình tỏ ra tốt và muốn sửa cái xấu nơi người khác. Vậy trước khi sửa người thì phải sửa chính mình ("Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong con mắt người anh em")

III - CÂY VÀ TRÁI: 43-44

1) Chỉ có thể tránh nguy hiểm giả hình nếu như hành động bề ngoài của ta hợp với bên trong của ta. Đối với biệt phái và luật sĩ, một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với Luật. Đức Giêsu sâu sắc hơn: một hành động là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.

2) Trên thực tế, lòng người không phải tuyệt đối hoặc tốt hoặc xấu, không ai hoàn toàn tốt mà cũng không ai hoàn toàn xấu. Thí dụ về cây và trái ở phần này xem ra không thực tế vì nó giả thuyết lòng người đơn thuần là tốt hẳn hoặc xấu hẳn.

Đây là kiểu nói đơn giản và cường điệu của Đức Giêsu để làm nổi bật bài học của Ngài và cũng dễ hiểu cho độc giả bình dân vốn không quen những phân biệt tế nhị của người trí thức.

IV - KHO TÀNG TRONG LÒNG: 45

1) Trong phần này, Đức Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt.

2) Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì? Đó là những giáo huấn của Đức Giêsu.

V. PHẢI THI HÀNH: 46-49

Tất cả những lời dạy trên đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng ích lợi gì, và người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ Đức Giêsu. Họ chỉ như một cái nhà được xây trên cát mà thôi. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành thì mới xứng đáng là môn đệ Ngài, họ như cái nhà được xây trên đá vững chắc.

KẾT LUẬN

Người môn đệ của Đức Giêsu không phải chỉ là người chấp nhận thương yêu kẻ thù (đoạn trước: cc 27-36), mà còn phải là người nhiệt thành muốn cho người khác tiến bộ trên con đường tốt. Cho nên người môn đệ lo hướng dẫn người khác, đôi khi nếu cần thì sửa lỗi người khác. Nhưng trước khi hướng dẫn người ta thì mình phải sáng suốt theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu. Trước khi sửa lỗi người khác thì mình phải tự sửa mình cho đúng với giáo huấn của Đức Giêsu.

 

44.Từ tự vẫn đến tự lực cánh sinh

(Suy niệm của Lm. Augustine SJ.)

Cha Phêrô (tức Abbé Pierre Grouès sinh ngày 5.8.1912 tại thành phố Lyon, Pháp) là người sáng lập nên cộng đoàn Emmau lo giúp người nghèo, người vô gia cư theo chương trình tự lực cánh sinh, có kể câu chuyện về một người trở nên cộng sự viên đắc lực của cha như sau:

Đó là một người khi ra khỏi tù phải đi lang thang không nơi nương náu. Người đàn ông này thất vọng đến độ lấy dao cắt mạch máu ra! Có người phát hiện ra sự việc chẳng lành đó, liền gọi điện thoại cho cha Phêrô. Cha lập tức tới hiện trường. Nhìn người đàn ông cánh tay máu me chảy đầm đìa, cha Phêrô đã không lên tiếng an ủi mà còn ra lệnh cho anh: "Anh đừng tự vẫn! Có quá nhiều người kém may mắn đang cần tôi giúp đỡ. Tôi cũng đang bệnh và tôi cần anh giúp một tay!"

Những lời cha Phêrô nói vừa tới tai anh liền khiến cặp mắt lờ đờ của anh bỗng sáng lên! Anh để cho người ta băng bó vết thương. Rồi từ đó anh trở nên một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của cha Phêrô.

Hình ảnh của cha Phêrô gợi cho thấy hình ảnh của chính Đức Kitô. Còn hình ảnh của người đàn ông lấy dao cắt mạch máu mình ra chỉ vì thất vọng, là hình ảnh của thế giới hôm nay mà Đức Giêsu đến để cứu thoát. Người muốn cứu thế giới loài người bằng cách huy động nơi con người, nguồn ơn chính Người ban cho họ. Họ không những cần cứu lấy bản thân mà còn phải nỗ lực cứu giúp nhiều người theo chương trình cứu nhân độ thế chính Đức Giêsu đứng ra thực hiện.

Băng bó những tấm lòng tan nát

Toàn bộ sách Tin Mừng của Luca là để cho thấy Đức Kitô thực hiện chương trình đó như thế nào. Ngay tại hội đưòng Nadarét, Người đã trích dẫn sách ngôn sứ I-sa-i-a cho thấy Người được sai đến với thế giới là để "Công bố một năm hồng ân của Chúa và băng bó những tấm lòng tan nát" (Is 61,1-2; Lc 4,18). Rồi khi Người đã qui tụ được một số môn đệ và chọn trong số họ mười hai Tông Đồ, tượng trưng mười hai chi tộc của Dân Mới của Thiên Chúa, thì Người giảng bài giảng quan trọng về các mối phúc thật. Đó là lúc Người xuống núi cùng với các môn đệ trong đó có mười hai người mới được chọn làm Tông Đồ. Người dừng lại ở một chỗ đất bằng và đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi tuốn đến, kể cả vùng duyên hải Tia và Xiđon ngoại đạo. Thế mà Luca cho thấy Đức Giêsu ngước mắt lên "nhìn các môn đệ và nói với họ" (Lc 6,20) về các mối phúc! Điều đó cho thấy điều kiện tiên quyết để được hạnh phúc thật là phải sống gắn bó với bản thân Đức Kitô trong tư cách là môn đệ của Người. Ai đã được gọi làm môn đệ thì phải duy trì và tăng triển trong ơn đó. Những người hãy còn "chân ướt chân ráo" lần đầu tiên tiếp cận với lời rao giảng của Đức Kitô, họ cũng cần phải có thái độ sẵn sàng bước theo Người, thì mới lãnh hội được điều Ngưòi giảng dạy.

Vậy trong bài giảng quan trọng "nơi đồng bằng" Đức Giêsu lần lượt công bố cho thấy

- Những mối phúc thật và những bất hạnh (Lc 6,20-26)

- Phải yêu kẻ thù để trở nên con Đấng Tối Cao (cc.27-35)

- Đề tài của bài Tin Mừng hôm nay (cc.39-45)

- Phần kết là phải thực hành lời Đức Giêsu dạy (cc.46-49)

Quả thật mối giây liên lạc giữa các câu 39-45 của bài Tin Mừng hôm nay xem ra không được rõ theo ý kiến của nhiều nhà bình giải Kinh Thánh.

Mù lại dắt mù sao được

C.39: "Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này…" Thực ra Người kể 5 dụ ngôn liên tiếp. Mỗi dụ ngôn chỉ là một so sánh ngắn đòi người ta phải suy nghĩ về ẩn ý ở trong đó

Mù lại dắt mù sao được? Mt 15,14 cũng dùng hình ảnh này để áp dụng với người Pharisêu là người dẫn dắt dân chúng đi lạc đường. Ở đây Luca áp dụng hình ảnh "người mù" với các môn đệ và đòi hỏi họ phải sáng suốt trong vai trò lãnh đạo cộng đoàn.

C.40: Đồ đệ không hơn Thầy: câu này có thể được nối kết với câu trước bằng mối giây được hiểu ngầm. Thử hỏi khi nào người môn đệ Đức Kitô được kể là sáng suốt, tức không bị mù quáng? Thưa: đó là lúc người ấy chấp nhận giáo huấn của Thày Giêsu một cách đầy đủ, với niềm thâm tín rằng mình luôn phải cố gắng hơn nữa, không bao giờ được dừng lại trên đường theo sát gót bước Thày.

Tại sao chỉ thấy rác nơi mắt người khác?

C.41-42: Tại sao anh chỉ thấy cái rác nơi con mắt người anh em?… Phải sáng suốt, đó là điều người môn đệ Đức Kitô phải áp dụng cho chính bản thân mình trước đã. Anh phải nhận thấy chính mình cần phải được sửa chữa khi tra tay sửa chữa người khác.

Lời dạy của Đức Kitô ở đây gây nên vấn đề là: nếu mọi người đều phải đấm ngực ăn năn về những lỗi lầm của mình, tức là còn có "rác cả đống" nơi con mắt mình, thì có được lo chuyện sửa chữa anh em mình qua việc rao giảng, huấn dụ và khuyên bảo họ chăng? Chưa sửa chữa mình xong mà cứ còn tiếp tục làm những chuyện đó thì có sợ mình trở nên "người đạo đức giả hình" theo bài Tin Mừng hôm nay chăng? Vấn đề vừa nêu càng trở nên gay cấn đối với thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ đòi mọi người phải sống thực với mình. Cần phải thống nhất lại đời sống. Bên trong ăn khít với bên ngoài. Đó là những điều kiện phải có để người ta tin.

Nóng như lửa trở nên dịu hiền!

Vài điều suy nghĩ sau đây có thể là cần thiết:

(1) Chúng ta có gương của các thánh tông đồ, như thánh Phaolô rất ý thức về sự bất toàn của mình (Phi.3,12; 2Co 9,7) nhưng ngài vẫn tiếp tục thi hành bổn phận rao giảng. (2) Thực ra, người lo thừa tác vụ rao giảng chẳng bao giờ được quyền tự đắc cách chung hay cách riêng về đề tài mình trình bày. Ngược lại, phải nói rằng người đó giảng cho chính mình trước khi rao giảng cho người khác. (3) Ai không lo sửa mình thì sớm muộn sẽ bị anh em chỉnh. Chính thánh Phêrô đã bị tông đồ Phaolô chỉnh trong thư cho Ga-lát 2,11-14. (4) Chư thánh nêu gương cho chúng ta về việc rao giảng chống lại những tật xấu mà chính các ngài phải đối phó. Thánh Phanxicô Salêsiô trước nóng như lửa sau trở nên con người hết sức dịu hiền. Thánh Inhaxiô Lôi-ô-la mở ra cả một lối sống khiêm nhường theo bề sâu trong Linh Thao khi chính ngài phải đối phó với tính kiêu căng cả thể. Riêng thánh Âu-tinh đã giảng về khiết tịnh sau khi chính ngài đã từ bỏ con đường đam mê xác thịt.

C.43-45: Cây tốt không sinh trái hư thối… Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau mới tránh được cái gọi là đạo đức giả hình, là điều mà Đức Giêsu luôn chống đối. Nuôi dưỡng ý xấu ở trong lòng sớm muộn sẽ phát sinh ra hành động xấu cũng như cây xấu sẽ sinh ra trái hu thối vậy.

Bật lên tia sáng ở cuối đường hầm

Trở lại câu chuyện cha Phêrô cứu sống con người thất vọng muốn tự huỷ mình. Khi cha Phêrô lên tiếng nói với người ấy "Anh đừng tự vẫn! Có quá nhiều người kém may mắn đang cần tôi giúp đỡ. Tôi cũng đang bệnh và tôi cần anh giúp một tay", lời đó bật lên như một tia sáng ở cuối đường hâm. Lời cha Phêrô thực là trong suốt cho thấy giá trị sự sống của một con người đang sa xuống vực thẳm. Anh cần bước ra khỏi đó vì có nhiều người cần đến anh. Cha Phêrô thực đã thực thi lời Chúa vì biết tránh tình trạng người mù dắt người mù thì cả hai đều sa xuống hố (c.39); ngược lại người sáng mắt là kẻ có khả năng kéo người mù bước ra khỏi vực thẳm.

Cha Phêrô là con người thao thức, luôn cố công theo sát gót bước thầy chí thánh là Chúa Giêsu. Chào đời vào ngày 5.8.1912 tại thành phố Lyon nước Pháp trong một gia đình có 8 người con, mà cha Phêrô là người con thứ 5. Ở tuổi 19, cậu Phêrô đã gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn Ca-pu-xi-nô của thánh Phanxicô Á-xi-di và đã chịu chức linh mục ở tuổi 26. Nhưng vì sức khỏe không cho phép, nên cha đã sống đời linh mục triều. Cha luôn đứng về phía người nghèo và người bị áp bức. Tại nhà thờ chánh toà thành phố Gơ-nốp (Grenoble) cha đã từng bao che cho người Do Thái bị lính Quốc Xã của Hít-le bắt bớ. Năm 1949 cha thiết lập nên cộng đoàn E-mau để giúp những người nghèo và người vô gia cư tự lực cánh sinh. Cha là người có thể hiểu thấu lời Chúa dạy hôm nay là "Học trò không hơn thày, có học hết chữ cũng chỉ bằng thày mà thôi" (c.40).

Lòng có đầy thì miệng mới nói ra

Khi kêu gọi kẻ thất vọng đang tìm đường hủy diệt mạng sống mình, cha Phêrô đã tế nhị xin người đó giúp đỡ mình làm việc thiện để giúp đỡ những người khác không được may mắn trong cuộc sống. Làm như vậy là cha đã thực thi lời Chúa dạy ở cc.41-42. Quả thật, cha đã khéo léo khơi dậy lòng thương người nơi đương sự thay vì lên án đương sự. Vì chính cha luôn nuôi dưỡng lòng thương người nên miệng mới dễ dàng nói lên được điều tốt lành có sức cứu sống một người đang tìm cách tự hủy mình (c.45).

 

45.Suy niệm của Lm. Damien, OFM.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người mù và cái rác cái xà để dạy các môn đệ phải nhìn lại chính mình trước khi nhìn kẻ khác; và dụ ngôn xem trái thì biết cây, để dạy các môn đệ cách phân biệt kẻ lành với người bất lương.

Mù lại dắt mù.

Phải chăng khi dùng dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu muốn nhắm đến những Biệt phái và kinh sư Do thái? Họ mù đối với Thiên Chúa vì không nhận ra Ngài là con Thiên Chúa. Họ mù đối với con người vì chỉ đánh giá con người trên luật lệ bề ngoài nhưng lại thiếu lòng nhân ái. Họ mù đối với chính cuộc sống của họ vì họ chỉ chú trọng đến cái bên ngoài mà bỏ quên tâm hồn mình: "Các ngươi như mồ mả,bên ngoài thì sơn phết tốt đẹp, nhưng bên trong thì thối tha."

Ở trong tình trạng mù đó, làm sao họ lại có thể dẫn dắt kẻ khác được: "Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ sa xuống hố".

Cái rác và cái xà.

Trong dụ ngôn nầy cũng thế, Chúa Giê-su nhắm đến những kinh sư và Biệt phái, những kẻ tự cho mình là công chính vì đã giữ đúng luật lệ bề ngoài . Trước người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chuá Giêsu đã lột mặt nạ họ bằng một câu ngắn gọn: "Ai thấy mình không có tội thì ném đá chị ấy trước đi!" Khi nhìn rõ chính mình, họ liền rút lui có trật tự .

Chúa Giêsu luôn là mục tiêu để Biệt phái và kinh sư rình mò và giăng bẩy để bắt bẻ và lên án: Chúa có vi phạm luật sabbat không, có nói lời phạm thượng không... Và trước các phép lạ hiển nhiên không chối cãi được, họ tìm cách cắt nghĩa sai với ác ý và cố chấp: ông ấy lấy quyền qủi cả mà trừ quỉ. Thái độ hay bắt bẻ , dò xét và sẵn sàng lên án của Biệt phái và Kinh sư hoàn toàn đi ngược với thái độ khoan dung của Chúa Giêsu . Và cuối cùng họ như đã thắng vì họ đã lên án tử được cho Chúa.

Tục ngữ Ba tư có câu: " Mỗi người chúng ta đều mang trên mình hai cái giỏ rác, dỏ rác của mình thì mang sau lưng còn dỏ rác kẻ khác thì mang trước ngực, nên chỉ ngửi thấy mùi hôi thối của kẻ khác mà không bao giờ ngửi thấy mùi hôi thối của chính mình.

Khi suy gẫm những dụ ngôn trên đây, tôi thấy lời Chúa như một luồng ánh sáng chiếu dọi vào cuộc sống của tôi, cũng như vào xã hội mà tôi đang sống. Và tôi không được an tâm lắm . Bởi lẽ nhiều khi vô tình hay hữu ý, tôi cũng sống thiếu lòng nhân ái, cũng có những thái độ hay lời lẽ chỉ trích phê bình hoặc lên án kẻ khác một cách dễ dàng. Những xích mích giữa người với người, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xóm giềng hầu hết là do thái độ tiêu cực trên đây mà ra. Và có lẽ tôi phải luôn lặp lại cho chính mình lời dạy của Chúa: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng".

Xem trái thì biết cây.

Với dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách phân biệt người tốt và người xấu: "Lòng có đầy ứ thì miệng mới nói ra". Trái đây là lời nói, căn cứ vào lời nói mà phân biệt kẻ tốt người xấu . Chúa Giêsu cũng đang nhắm đến những người Biệt phái và Kinh sư Do thái là những người luôn rình chực bắt bẻ, lên án Chúa cũng như kẻ khác. Vì tâm địa họ xấu.

Trong xã hội hôm nay, tật xấu mà Chuá Giêsu đề câp đến trên đây chưa phải là hết mà hình như còn gia tăng nữa là đàng khác. Một sự thật hiển nhiên là hễ khi đề cập đến kẻ khác thì không mấy khi nghe nói tốt mà phần nhiều chỉ nghe nói xấu: "Lòng có đầy ứ thì miệng mới nói ra."

Khi suy gẫm lời Chuá trên đây, một lần nữa, tôi cũng không được an tâm cho lắm. Nhiều khi vô tình, tôi cũng không tránh được những lời nói hay thái độ thiếu lòng nhân ái khoan dung đối với kẻ khác. Tôi không có quyền chê trách ai cả, vì chính tôi cũng đang phạm phải cái sai lầm của Biệt phái và Kinh sư xưa.

Lời Chúa luôn là ánh sáng, đang cật vấn tôi và thúc dục tôi phải cố gắng bắt chước Đức Kitô, sống khoan dung như Cha trên Trời.

Tiêu diệt kẻ thù.

Một hoàng đế Trung Hoa nói: " Một khi chinh phục được quốc gia ấy rồi, ta sẽ tiêu diệt hết tất cả địch thù của ta."

Ông đã chinh phục được như lời ông nói. Cả đình thần ai cũng hồi hộp chờ đợi lệnh thảm sát của ông. Họ xì xầm: máu sẽ chảy thành sông! Nhưng họ rất bỡ ngỡ khi thấy tất cả bọn địch thù cùng ngồi ăn với nhà vua, nói nói cười cười rất vui vẻ; họ bèn tâu:

- Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng đã nói sẽ tiêu diệt tất cả các địch thù kia mà! Sao lại thế nầy? Vị hoàng đế trả lời:

- Thì ta đã tiêu diệt hết cả bọn rồi còn gì, các khanh không thấy sao? Đây toàn là bạn của ta, đâu có địch thù nữa đâu. Ta đã tiêu diệt họ bằng cách biến thù thành bạn.

Đó là cách Thiên Chuá đã tiêu diệt kẻ thù của Người, và vũ khí là lòng nhân hậu.

 

home Mục lục Lưu trữ