Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 47
Tổng truy cập: 1370529
ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
John Newton là con trai một đại uý hải quân người Anh. Khi John lên 10 tuổi, mẹ cậu qua đời. Từ đó cậu bé thường theo bố đi biển. Nhờ vậy mà cậu rành rẽ đường lối ngoài biển khơi. Tuy nhiên vào năm cậu 17 tuổi, cậu bé bất mãn với bố. Cậu bỏ thuyền ra đi lao vào cuộc đời gió bụi. Cuối cùng cậu nhận được việc làm trên chiếc tàu hàng buôn nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu. Cậu thăng quan tiến chức rất lẹ và chẳng bao lâu đã trở nên thuyền trưởng. Chẳng bao giờ Newton bận tâm suy nghĩ đến việc buôn nô lệ là đúng hay sai. Cậu chỉ làm công việc của mình nhằm mục đích kiếm tiền mà thôi. Thế nhưng một biến cố quan trọng đã xẩy đến thay đổi tất cả cuộc đời cậu.
Một đêm nọ một cơn bão dữ dội xuất hiện trên mặt biển. Sóng dâng cao như thác núi xô đẩy và quay vòng chiếc thuyền của Newton như món đồ chơi trẻ con. Mọi người trên thuyền vô cùng kinh khiếp. Lúc bấy giờ bỗng dưng Newton buột lời cầu nguyện. Đây là điều cậu không hề làm kể từ khi rời khỏi thuyền của bố cậu, cậu kêu to: “Lạy Chúa, nếu Ngài thương, xin cứu vớt chúng con, con nguyện sẽ mãi mãi làm nô lệ cho Ngài”.
Chúa nhậm lời cầu xin của cậu và cứu vớt con thuyền. Thế rồi sau khi vào được bờ, Newton đã giữ lời hứa và bỏ nghề buôn nô lệ. Sau đó cậu đi tu, và một thời gian sau trở thành mục sư coi sóc một nhà thờ nhỏ ở Olney, nước Anh. Ở đây vị mục sư trở nên một nhà giảng thuyết kiêm nhà soạn thánh ca lừng danh. Một trong những bản thánh ca cảm động nhất mà Newton đã sáng tác là bản nhạc ca ngợi Chúa về cuộc trở lại của cậu.
Giống như Newton, các Tông đồ cũng gặp phải bão biển dữ dội. Giống như Newton, các ông đã kêu to lên cùng Chúa: “Xin hãy cứu chúng con”. Giống như Newton, các ông cũng đã được biến đổi hoàn toàn sau khi Chúa nhậm lời cầu xin. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Ông này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”.
“Ông này là ai?”. Đây chắc chắn là một câu hỏi căn bản. Dĩ nhiên câu trả lời đã có sắn trong bài đọc 1 và trong Thánh Vịnh đáp ca hôm nay. Bài đọc 1 mô tả Chúa là Đấng Tạo Hoá, chính Ngài đã tạo dựng biển cả, đã đặt ranh giới cho chúng và truyền lệnh cho chúng tuân theo ý muốn của Ngài. (x.G 38,1.8-11). Thánh Vịnh đáp ca là lời kêu cầu Chúa của những thuỷ thủ gặp bão biển. Và Chúa đã ra tay cứu họ. Họ vui sướng, vì trời yên biển lặng. Và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ. Họ tạ ơn Chúa, vì Chúa từ nhân (x. Tv 107).
Trong cả hai bài đọc Cựu Ước này, chúng ta thấy Chúa đang thi hành chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài truyền lệnh cho chúng và chúng tuân phục Ngài. Đây cũng là điều chúng ta thấy Chúa Giêsu đang thực hiện trong Tin Mừng hôm nay.ngài đang biểu lộ chủ quyền của Ngài trên sóng gió. Ngài truyền lệnh và chúng tuân phục ngay. Như thế các bài đọc hôm nay cho thấy Thiên Chúa trong Cựu Ước và Đức Giêsu của Tân Ước là một. Ngài đang thực thi quyền năng của một Thiên Chúa. Thánh Marcô không chỉ muốn nói lên quyền năng của Chúa mà còn muốn khẳng định Ngài chính là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, và mời gọi chúng ta hãy hoàn toàn tin vào Ngài.
Các môn đệ ở chung một thuyền với Chúa, các ông đã biết Chúa quyền năng, có thể làm nhiều phép lạ, nhưng khi sóng gió nổi lên, các ông vẫn hoảng hốt. Các ông quên rằng dù thức hay ngủ, Chúa vẫn là Chúa. Các ông chưa hoàn toàn tin vào Chúa. Chúng ta thường nghĩ mình có đức tin, nhưng trong thử thách, khi cần biểu lộ lòng tin thì nhiều khi ta lại hoảng sợ.
Đời tự nó đã là khó. Đi trong cuộc đời với niềm tin theo cách Chúa dạy lại càng khó hơn. Chúng ta đã vâng lệnh Chúa mà nhổ neo ra khơi, đã tin tưởng vì có Chúa ở đàng lái, ở vị trí hoa tiêu, nhưng có thể đã có lần chúng ta đau đớn vì Chúa lại ngủ giữa phong ba. Điều đó có thật, là kinh nghiệm muôn đời của những ai tin Chúa. Niềm tin không phải là giải đáp dễ dãi, không miễn trừ những khó khăn. Cần phải dày công học tập mới chấp nhận được thực tế đó. Người có niềm tin trưởng thành là người “giữa phong ba khốn cùng ngàn nỗi vẫn luôn thành tín ngợi khen Chúa là thuẫn đỡ, là khiên che, là đồn luỹ”. Phải dám ra đi dù trời đã về chiều, dù có thể gặp phong ba. Nếu không thì chẳng bao giờ sang được “bờ bên kia” của cuộc sống. Chúa có thể ngủ, nhưng Chúa luôn thức vào lúc quyết định để trợ giúp những ai bằng lòng để cho “Chúa ở đằng lái”.
Bão lớn, nước sắp đầy thuyền thì ai mà không sợ? Vậy mà Chúa còn trách: “Sao các con sợ thế, các con không có đức tin ư?”. Các môn đệ lâm nguy thật sự. Trong hoàn cảnh đó, chẳng những nên kêu cứu Chúa, mà đúng là phải kêu cứu Chúa. Nhưng đừng kêu cứu với tâm trạng sợ hãi đến tuyệt vọng như vậy. Phải kêu cứu nhưng hãy kêu cứu trong niềm cậy trông tín thác tuyệt đối. Lời trách cứ của Chúa Giêsu khai mở cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin quý báu: niềm tin vững vàng làm chúng ta thêm can đảm lắm mới có thể tin. Vì tin Chúa, thực tế chính là “ trao thân gởi phận” cho Chúa. Người tin Chúa thực sự thì không sợ, còn người sợ thực sự thì không tin. Trong rất nhiều trường hợp, “yếu tin” đồng nghĩa với “hèn tin”!
Câu hỏi của các môn đệ sau khi được Chúa cứu nguy: “Ngài là ai mà cả gió lẫn biểu cũng đều vâng lệnh?” phải là câu hỏi căn bản cho những ai muốn tin và muốn đạt tới niềm tin trưởng thành vào Chúa Giêsu. Phải trả lời cho thật, cho đúng, cho sâu và sát với hoàn cảnh đời mình. Tin không phải chỉ là xác tín về một chân lý lý thuyết cho thoả trí óc, nhưng là “trao thân gởi phận” cho Chúa, nên phải biết rõ Chúa là ai, đáng tin đến mức nào. Thánh Phaolô là chứng nhân đức tin kiệt xuất, đã trải qua bao gian nan mà vẫn tín trung với Chúa, vì thánh nhân “biết mình đã tin vào ai” (2Tm 1,13). Nếu thực sự muốn tin, chúng ta cũng phải biết: Chúa Giêsu Kitô là ai? Tin Mừng cho chúng ta biết: Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Chân lý ấy quá đơn sơ, chúng ta đều đã biết. Nhưng có thể chúng ta mới biết bằng “cái đầu”, bằng trí óc, chứ chưa biết bằng “con tim”, bằng lòng yêu mến. Tin cuối cùng là yêu, là trung thành gắn bó với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Vậy lòng ta cần phải biết Ngài là Chúa, nghĩa là không chỉ biết rằng Ngài quyền trên cuộc đời mình, Ngài là Chúa của mình. Khi lòng ta chưa biết điều đó, thì dù không nói hay không dám nói ra, tự thâm tâm ta vẫn nghĩ: Lời Chúa chói tai quá! Lệnh Chúa truyền khó khăn qúa! Và sẽ bỏ đi như người Do Thái, vì thầy tin Chúa là phải là phiêu lưu và quá khó khăn! Người có đức tin trưởng thành là người “biết điều”: họ nhận ra Đấng mời gọi là Đấng có quyền, nên họ dấn thân theo lời mời gọi của Ngài vì đó là đòi hỏi của tình yêu.
Hãy vận dụng đức tin để dấn thân vào đời, lấy sức chèo chống, ngăn chận sự ác đang hoành hành. Hãy chạy đến Chúa và phó thác cho Ngài mọi lo lắng của cuộc đời, kiên trì tin tưởng Chúa sẽ cứu thoát chúng ta.
47. Giông bão
Qua hình ảnh mặt biển dạy sóng Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta những gì?
Mặt biển dạy sóng trước hết là hình ảnh của tâm hồn chúng ta.
Thực vậy, nhiều lúc chúng ta đã cảm thấy: những quyến dũ bất chính, những đam mê mù quáng, những cám dỗ nặng nề, quả thực đã trở nên như những ngọn sóng ngầm. Những quyến dũ ấy, những đam mê ấy, những cám dỗ ấy như muốn đè bẹp con thuyền nhỏ bé là tâm hồn chúng ta, nhận chìm nó xuống đáy nước tội lỗi, nếu như Chúa Giêsu, Đấng có quyền làm cho gió yên biển lặng đã không đến can thiệp và giúp đỡ chúng ta. Vì thế chúng ta hãy kêu xin Chúa như các tông đồ ngày xưa:
– Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp chúng con không thì chúng con chết mất.
Mặt biển dạy sóng còn là hình ảnh của thế gian.
Đúng vậy, thế gian là một mặt biển dạy sóng, trong khi đó Giáo hội chỉ là một con thuyền nhỏ bé, mà người cầm lái, là Đức Kitô thì dường như lại đang ngủ say. Những phong ba bão táp và những ngọn sóng trào dâng là những cấm cớ bách hại, là những lập trường bài bác vu khống và chụp mũ, khiến cho chúng ta, những môn đệ của Chúa cũng phải bàng hoàng kinh hãi, nếu không muốn nói là đã đi đến chỗ tuyệt vọng.
Tại sao chúng ta lại sợ hãi? Phải chăng là vì yếu đức tin. Chúng ta nên nhớ rằng, tình thương và sự quan phòng của Ngài luôn canh giữ chúng ta. Chỉ một cái nhìn của Ngài cũng đã đủ để làm cho sóng yên biển lặng, tất cả trở lại trật tự.
Kinh nghiệm của Giáo hội, cũng như của bản thân mỗi người cũng làm chứng như vậy. Điều quan trọng, chúng ta phải luôn xác tín rằng: Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta. Mặc dù đôi lúc Ngài dường như có vẻ ngủ say, nhưng thực sự thì tình thương của Ngài luôn canh giữ chúng ta. Và một khi Ngài đã ở với chúng ta thì không ai có thể chống lại chúng ta.
Thánh nữ Cartarina Sienna ngày kia đã hỏi Chúa, sau khi đã thoát khỏi sự cám dỗ nặng nề:
– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải chiến đấu. Chúa Giêsu đã trả lời:
– Ta ở bên cạnh con để giúp đỡ con.
Chính vì thế, giữa những gian nguy thử thách, giữa những cám dỗ đe dọa, chúng ta hãy biết chạy đến và kêu van:
– Lạy Chúa, xin cứu chúng con, không thì chúng con chết mất.
Điều quan trọng là làm thế nào để Chúa Giêsu thực sự ở trong chúng ta với tất cả tình thương của Ngài?
Tôi xin đưa ra một pháp đó là hãy xa tránh tội lỗi. Vì tội lỗi sẽ đẩy chúng ta xa lìa tình Chúa và làm dấy lên trong tâm hồn cũng như xã hội một trận cuồng phong thảm khốc.
Chính vì thế muốn trấn áp cuồng phong, muốn tái lập trật tự, chúng ta phải biết hãm dẹp những dục vọng xấu xa, những khuynh hướng tội lỗi. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thành công, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ đã kêu lên với Chúa giữa cơn phong ba bão táp:
– Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con, không thì chúng con chết mất.
48. Điều khiển
Rufus Jones có thuật lại câu chuyện sau đây: “Một cậu bé đang chơi trên boong tàu, khi đó một cơn bão tố đang nổi lên. Một hành khách tiến lại hỏi cậu bé: Này cháu, cháu không sợ cơn bão đang đến hay sao? Cậu bé trả lời: “Không, cháu không sợ. Bởi vì cha cháu đang điều khiển con tàu”.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại một câu chuyện xảy ra trong một cơn bão tố. Nhưng nó chỉ giống ở khung cảnh mà lại khác hẳn về nội dung. Nỗi sợ hãi của các môn đệ hoàn toàn trái nghịch với lòng tín thác của cậu bé trong câu chuyện của Jones, một lòng tín thác xuất phát từ một niềm tin vững mạnh.
Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu quở trách: “Tại sao các con nhát gan thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?” Chúng ta cần nhớ lại lời Kinh Thánh đã chép: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”.
Chúng ta không luôn luôn thấy những đối tượng đức tin của chúng ta, đặc biệt khi niềm tin của chúng ta bị che phủ bởi nỗi sợ hãi và lo âu xao xuyến, và nhất là khi chúng ta bị những cơn giông tố trong cuộc đời vùi lấp một cách phũ phàng. Trong những cơn thử thách mãnh liệt như vậy, chúng ta hãy đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác vào chính Thiên Chúa. Vào thế kỷ 19, tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ người Tô Cách lan George MacDonald đã viết: “Con người hoàn hảo về đức tin là kẻ có thể đến với Thiên Chúa trong sự trống rỗng về cảm giác, không có một chút cảm hứng và an ủi nào, chỉ có những thất bại nặng nề, bị bỏ rơi, bị quên lãng hoàn toàn, và vẫn nói với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là nơi con náu ẩn, là thành lũy che chở con”.
Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa là Trạng Sư và là bạn thân thiết của con. Xin Chúa dạy con biết từ bỏ bản thân mà lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu. Con không muốn trốn tránh trách nhiệm của con đối với cuộc đời của mình, nhưng con muốn để Chúa Giêsu chi phối toàn bộ cuộc sống của con.
49. Cuồng phong thử thách _L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Gió dữ gây nên xáo động, mất ổn định, mang tai họa, biểu tượng cho thần dữ. Khi Chúa Giêsu truyền cho gió dữ im đi, Chúa Giêsu bày tỏ quyền năng của Người trên tất cả thần dữ. Vấn đề ở con người đang ở trên chiếc thuyền cùng Chúa, tại sao lại lo sợ cuồng phong?
Tránh né nỗi sợ.
Tâm lý chung của con người trước những biến cố không hay xảy ra đến với mình là tìm cách né tránh. Do không dám đương đầu với những khó khăn, gai góc do chính mình gây ra, người ta thường tìm cách loại bỏ, mặc dù điều ấy vi phạm nặng nề đến lề luật như: phá thai, hủy diệt nhân chứng, mua sự im lặng, tiêu hủy bằng chứng, đổ lỗi. Ở cấp độ nhẹ hơn, hoặc do hoàn cảnh dẫn đến, người ta thường hay lên tiếng trách móc, như các môn đệ kêu trách: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Né tránh nỗi sợ, không giải quyết được vấn đề. Người ta sẽ lại thấy nỗi sợ dường như càng ngày càng lớn hơn. Chấp nhận sóng gió và tìm cách để giải quyết nó một cách can đảm mới thực sự nhận ra trách nhiệm của mình. Việc Chúa Giêsu ngủ trên chiếc thuyền cùng giông bão với các môn đệ cho thấy: Chúa muốn cho các môn đệ cần lớn lên trong cách lãnh đạo của mình sau này.
Tính lười – sức ỳ.
Không thể xem tính lười là một câu trả lời đúng. Thông thường, sức ỳ, tính lười ấy có những nguyên nhân. Thiếu tin tưởng vào bản thân, làm việc gì cũng lo sợ không thành công dẫn đến do dự, chần chừ. Không tìm được người hỗ trợ tinh thần. Cô đơn khi phải đương đầu với khó khăn nên thường trì hoãn. Thiếu mất động cơ làm việc. Ỷ lại vào người khác làm thay thế cho mình, hoặc chán nản với thời gian dài đòi hỏi kiên nhẫn… Những nguyên nhân đó làm cho con người mất khả năng tích cực giải quyết hay thực thi sứ vụ. Chúa Giêsu trách các môn đệ: “Sao lại nhát sợ? sao kém lòng tin?” (Mc 4,40).
Đối diện với khó khăn.
Tĩnh lặng và cầu nguyện: Một trong những điều cần thiết nhất khi gặp trở ngại, khó khăn, Chúa Giêsu dạy “hãy cầu nguyện”. Cầu nguyện để vững niềm tin, cầu nguyện để có một khả năng của ân sủng nâng đỡ. Không ai kém may mắn hơn người khác vì nguồn ân sủng Thiên Chúa trao ban cho mọi người không hề cạn. Cầu nguyện để đủ sáng suốt biết đâu là giới hạn của chính mình, biết giữ kỷ luật, kiểm soát chính mình để tiến tới trong đời sống. Chúa luôn mời gọi sống trưởng thành trong đức tin qua việc Chúa thử thách. Có sóng gió mới biết là đôi khi các môn đệ còn thiếu sức mạnh của niềm tin, thiếu đời sống cầu nguyện để can đảm vững tay chèo, thiếu nghị lực để vượt qua nỗi sợ hãi.
Quả cảm lãnh trách nhiệm.
Chúa Giêsu truyền lệnh cho sóng biển: “im đi, lặng đi” (Mc 4,39). Chúa trao quyền cho con người kiểm soát thiên nhiên và vạn vật khi dựng lên muôn loài. Thế nhưng, con người vẫn sợ hãi? Sợ hãi vì con người đã phạm tội, và tội đã làm suy yếu đi uy quyền của con người. Uy quyền của từng con người rõ ràng nhất là mỗi người có quyền quyết định mọi điều thuộc về mình; người khác hay tổ chức nào khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Uy quyền được trao cho mỗi người để tùy nghi sử dụng theo khả năng. Như đồng bạc Chúa trao, người năm nén, người ba nén, người một nén. Cuối cùng là trách nhiệm trong việc sử dụng quyền của mỗi người. Nhận lãnh trách nhiệm và quả cảm thi hành trong ân sủng Chúa ban, đó là cách thức Chúa mời gọi. Giống như các môn đệ, nếu cứ can đảm lèo lái con thuyền giữa sóng dữ, cứ để Chúa Giêsu ngủ, có chết cùng chết, chắc sự kiện đã xảy ra theo cách khác và các môn đệ đã thấy điều mình hoàn toàn xác tín.
Sống trong cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và nhất là trong đời sống đức tin, nhiều hoàn cảnh thay đổi, niềm tín thác lu mờ, tội lỗi và cám dỗ lan tràn, con người dễ buông xuôi. Xin cho chúng con biết luôn nỗ lực trưởng thành, nhờ ơn Chúa, sống quả cảm, lãnh trách nhiệm, kiên vững lớn lên trong thử thách.
50. Quyền Uy Trên Thiên Nhiên _ Lm Đan Vinh – HHTM
HỌC LỜI CHÚA
TIN MỪNG : Mc 4,35-41
(c 35) Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: Chúng ta sang bờ bên kia đi!” (36) Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền. Có những thuyền khác cũng theo Người. (37) Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. (38) Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?” (39) Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. (40) Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? (41) Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Ý CHÍNH: Đức Giê-su chứng tỏ quyền năng của Người trên gió và biển, tượng trưng cho những thế lực của ma quỉ muốn chống lại Thiên Chúa. Người đã dùng lời quyền năng dẹp yên sóng gió để củng cố đức tin yếu kém của các môn đệ. Đồng thời cũng để các ông vững tin khi gặp phải những cơn thử thách bách hại sau này.
CHÚ THÍCH :
-C 35-36: +Chúng ta sang bờ bên kia đi” :Biển hồ ở đây là hồ Galilê, cũng có tên Giê-nê-sa-rét hay Ti-nê-ri-a. Đây là một các hồ lớn nằm bên trong đất liền xứ Ga-li-lê, dài 21 km và rộng 13 Km. Hồ thấp hơn mặt biển 210 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng thương hay có những trận cuồng phong. Biển hồ theo nghĩa của Thánh Kinh là một thế lực gian ác chống lại Thiên Chúa và con người. Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ tại vùng biển hồ này như : Hóa bánh ra nhiều (x Mt 14,14-31); Đi trên mặt nước (x Mt 14,25); Chữa nhiều bệnh nhân (x Mt 15,29-31); Hiện ra sau khi sống lại (x Ga 21,1); Mẻ cá lạ lùng (x Ga 21,4-8).
-C 37-38: +Và một cơn cuồng phong nổi lên :Cơn cuồng phong đe doạ sẽ nhấn chìm thuyền của các Tông đồ xuống lòng biển, tiên báo những nguy hiểm thử thách mà Hội Thánh sẽ phải trải qua sau này. +Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ: Trong khi chiếc thuyền và những người trên thuyền lâm nguy vì bị bão tố trù dập thì Đức Giê-su vẫn nằm ngủ để thử thách đức tin của các môn đệ. Giấc ngủi còn là hình ảnh ám chỉ về sự chết của Người (x Tv 13,4; Ep 5,14).. +Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?”: Đánh thức là hành động của các môn đệ kêu cầu Đức Giệ-su cứu giúp trong cơn nguy hiểm. Điều này cho thấy lòng tin yếu kém của các ông vì chưa tín vào quyền năng và tình thương của Thầy mình. +Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao?”: Các môn đệ hốt hoảng khi thấy thuyền của các ông sắp bị chìm đắm giữa biển khơi mà xem ra thầy các ông không hay biết.
-C 39-41: +Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”: Đức Giê-su bày tỏ uy quyền trên gió bão và biển động. Khi ra lệnh cho ai là chứng tỏ mình có quyền trên người đó. Khi truyền cho sóng gió yên lặng, Đức Giê-su chứng tỏ quyền năng trấn áp các thế lực gian ác. +Lập tức gió ngưng biển lặng :cho thấy sự dữ đã phải tùng phục uy quyền của Con Thiên Chúa.+ “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?: Đức Giê-su quở trách sự hèn tin của các môn đệ như nhiều lần khác Người đã trách các ông chậm tin vào Người: “Hỡi những kẻ ngu muội và trí lòng chậm tin” (Lc 24, 25); “Người quở mắng sự cứng tin chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ đã thấy Người sống lại” (Mc 16,14).+Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?:Các môn đệ ngạc nhiên và đầy lòng thán phục Đức Giê-su, khi họ được chứng kiến lời phán đầy uy quyền của Người trên thiên nhiên là gió và biển..
CÂU HỎI :
1-Biển hồ Ga-li-lê còn có những tên gọi nào? Dài rộng bao nhiêu?
2-Đức Giê-su đã làm các phép lạ nào tại vùng biển hồ này?
3-Cơn cuồng phong tượng trưng cho điều gì?
4-Đức Giê-su ngủ ở đàng lái trong khi cuồng phong nổi lên nhằm mục đích gì?
5-hành động đánh thức Đức Giê-su nói lên điều gì về đức tin của các môn đệ?
6-Đức Giê-su bày tỏ quyền năng Con Thiên Chúa qua lời nói và hành động nào?
7-Ngoài lần này, Đức Giê-su còn trách các môn đệ hèn tin trong những hoàn cảnh nào nữa không?
8-Các môn đệ đã biểu lộ đức tin thế nào khi chứng kiến phép lạ Đức Giê-su thực hiện trên thiên nhiên?
SỐNG LỜI CHÚA
LỜI CHÚA: Môn đệ liền nói: “Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?” (Mc 4,41).
CÂU CHUYỆN :
1) TÍN THÁC VÀO TÀI NĂNG CỦA CHA:
Trong một chuyến du hành vượt Đại Tây Dương, nhiều du khách đang đứng trên boong ngắm cảnh hoàng hôn mặt trời đang dần lặn xuống biển. Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, chẳng mấy lúc làm tối sầm cả vùng trời. Rồi sấm chớp đổ xuống liên hồi, trên mặt biển giông tố cuồn cuộn nổi lên, gió càng lúc càng thét gào dữ dội. Mọi người trên boong chen lấn nhau đi về phòng mình, duy chỉ một bé trai là tiếp tục chơi trên boong khi trận cuồng phong sắp ập xuống.
Khi có người hỏi «Em không thấy sợ khi cơn giông tố đang ập đến sao?» Em thản nhiên đáp lại: «Em không sợ, vì ba em chính là thuyền trưởng cừ khôi đang cầm lái con tàu này!».
Giống như cậu bé đã tin tưởng ở cha mình đang cầm lái con tàu, mỗi người chúng ta cũng hãy vững tin Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu và quyền năng. Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời chúng ta bước theo đường lối của Ngài để tới bến bình an.
2) CON RUỒI: MỘT TẠO VẬT TINH XẢO CỦA THIÊN CHÚA:
Ngày kia khi tôi đang ngồi ăn trong phòng thì một con ruồi từ bên ngoài bay vào. Nó bay mấy vòng trên bàn rồi nhẹ nhàng hạ cánh xuống miếng chuối ăn dở trên bàn… Con ruồi đã có thể làm bất cứ điều gì nó thích và bay đến bất cứ nơi nó muốn.
Con ruồi chỉ là một sinh vật nhỏ bé và không chứt giá trị, thế nhưng hoạt động của nó lại trổi vượt hơn hẳn một chiếc máy bay tinh xảo đắt tiền… Ruồi cất cánh mà không cần lấy đà như máy bay. Đang bay nhưng nó vẫn có thể đáp xuống ngay. Ruồi không bị rơi, không va chạm vào vật nào khác và cũng không bị tai nạn mjuw máy bay. Nó không cần phải học bay và động cơ cũng không bao giờ bị trục trặc hay gặp sự cố. Và cuối cùng nó có khả năng sản xuất ra ngàn vạn con ruồi tương tự mà không phải tốn bao nhiêu công sức.
Con ruồi cho chúng ta thấy quyền năng vô biên của Thiên Chúa trong vũ trụ thiên nhiên.
3) TẬN MẮT CHỨNG KIẾN PHÉP LẠ TẠI LỘ ĐỨC:
Một sinh viên y khoa người Tây Ban Nha đi viếng trung tâm hành hương Đức Mẹ tại Lộ Đức bên Pháp. Ở đại học Madrid, chàng sinh viên này đã nghe các giáo sư vô tín ngưỡng nói về Lộ Đức như là nơi sản xuất của những mê tín dị đoan trong tôn giáo. Nên trong thời gian ba tháng này, anh sinh viên muốn điều tra thực hư về các phép lạ. Tại đây anh đã được tận mắt chứng kiến một phép lạ như sau :
“Hôm đó tôi đang ở sân Vương cung Thánh đường Lộ Đức cùng với các bà chị của tôi chờ Kiệu Mình Thánh Chúa sắp đi qua. Bấy giờ một bà tuổi trung tuần đang đẩy một chiếc xe lăn đi tới ngay trước mắt chúng tôi. Bà chị tôi chỉ chiếc xe lăn nói: “Kìa hãy coi cậu con trai đáng thương của bà ta!” Đó là một anh chàng khoảng 20 tuổi bị bại liệt và toàn thân biến dạng. Mẹ của anh ta đang lần chuỗi to tiếng, kèm theo lời cầu nguyện “Lạy Đức Nữ Đồng Trinh, xin hãy giúp đỡ chúng con!”.
Khi Đức Giám Mục ban phép lành Mình Thánh cho chàng thanh niên bại liệt, đang lúc anh ta nhìn vào mặt nhật có đựng Mình Thánh Chúa. Đột nhiên chàng thanh niên bại liệt trỗi dậy, từ từ bước ra khỏi chiếc xe lăn và đã hoàn toàn bình phục! Dân chúng thấy vậy liền hô to trong niềm vui hân hoan: “Phép lạ! Phép lạ!”
Sau đó nhờ có giấy phép, nên tôi được xem các bằng chứng xác minh phép lạ này. Tôi không thể diễn tả hết những điều tôi cảm nhận và về tâm trạng tôi lúc đó. Tôi đến từ trường Y Khoa Đại Học Madrid, nơi có nhiều giáo sư vô tín nổi tiếng và nhiều sinh viên bạn học của tôi luôn miệng nhạo báng phép lạ. Thế mà giờ đây, tôi đã được chứng kiến tỏ tường một phép lạ do Chúa Giê-su Thánh Thể thực hiện. Khi ấy tôi đã cảm nhận được một sức mạnh vô song của Chúa và thấy thế giới chung quanh tôi thật nhỏ bé. Tôi đã trở về Madrid, Tây Ban Nha và ba tháng sau tôi chính thức được gia nhập vào Tập Viện Dòng Tên».
4) SỨC MẠNH VÔ SONG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN:
XÁC INH-LÍT (Charles Inglis), một nhà truyền giáo nổi tiếng thánh thiện đã kể lại câu chuyện như sau: trên một chuyến đi biển kia có một nhà truyền giáo tên là GIOÓC-DƠ MU-LƠ ở BỚ-RAI-TƠN, dự định sẽ đến nhà thờ lớn ở QUÊ-BÉC giảng đạo vào chiều thứ Bảy cuối tuần. Nhưng do bị sương mù quá dầy khiến vị thuyên trưởng phải cho tàu chạy chậm và như thế khiến nhà truyền giáo sẽ bị trễ hẹn. Bấy giờ nhà truyền giáo mới nói với thuyền trưởng mình có cách sẽ sớm làm tan làn sương mù kia đi. Thuyền trưởng nghĩ ông này bị mát dây thần kinh nên không thèm để ý. Bấy giờ nhà truyền giáo liền yêu cầu thuyền trưởng cùng quỳ gối cầu nguyện với mình. Rồi ông một mình quỳ gối xuống dâng một lời cầu nguyện sốt sắng, đang khi viên thuyền trưởng vẫn đứng nhìn với con mắt không mấy tin tưởng. Chờ cho nhà truyền giáo cầu nguyện xong, vị thuyền trưởng mới nói: “Ngài có biết độ dày của sương mù kia đến cỡ nào không?”. Nhà truyền giáo trả lời: “Không biết! Nhưng tôi không nhìn vào sương mù. Tôi chỉ nhìn vào Đấng dựng nên sương mù mà thôi”. Viên thuyền trưởng định quỳ gối xuống cầu nguyện thì nhà truyền giáo đã ngăn lại và nói: “Nếu lòng ông không tin thì cầu nguyện nào có ích gì? Hơn nữa, tôi tin chắc Chúa đã nhận lời cầu của tôi rồi nên ông chẳng cần phải cầu thêm làm chi! Tôi đã nhận biết Chúa được 57 năm rồi, và trong suốt thời gian đó không ngày nào mà tôi không thưa chuyện với Người. Bây giờ ông hãy mở cửa ra mà xem việc Chúa làm”. Quả nhiên khi mở cửa ra thì viên thuyền trưởng thấy làn sương mù dày đặc trước đó đã tan biến hết, con tàu lại tiếp tục tăng tốc và cuối cùng đã cập bến đúng theo lịch trình.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy đức tin mạnh mẽ của nhà truyền giáo. Chính Chúa Giê-su đã luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và hoàn toàn tín thác cậy trông nơi Cha. Ngày nay, vì thiếu lòng tin nên người ta coi thường việc cầu nguyện. Mỗi khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gặp gian nan thử thách, người ta thường chỉ biết dựa vào sức riêng mình, đang khi lẽ ra vừa phải xin Chúa ban ơn soi sáng để tìm ra giải pháp tốt nhất, lại vừa phải cố gắng làm hết sức mình để giải quyết các khó khăn trở lực ấy.
SUY NIỆM:
Tin Mừng kể lại cảnh tượng xảy ra trên biển hồ Ga-li-lê: Đức Giêsu đang ngủ. Ngài ngủ vì mệt mỏi sau khi dùng thuyền làm giảng đài để dạy dỗ dân chúng. Các môn đệ đều là các ngư phủ chuyên nghiệp, và vùng biển này là điạ bàn hoạt động quen thuộc của các ông, thế mà lúc này các ông lại đang trong tâm trạng hoảng loạn.
Chúa ngủ trong thuyền giữa cơn bão: Theo Chúa không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió hay được hưởng thái bình thịnh vượng. Ngay cả những lúc chúng ta gần Người nhất, khi không có tội lỗi hay nghi ngờ nào làm ta cách ly Người, thì giông tố vẫn có thể xảy tới. Chúa không hứa cho chúng ta được thư thái an nhàn, nhưng đòi ta phải sẵn sàng chiến đấu, từ bỏ, thậm chí có khi còn phải chịu chết vì danh Người…
Chết đến nơi rồi mà Thầy không lo gì sao?:Câu nói biểu lộ sự kinh hãi tột độ và ngụ ý trách móc Chúa đã không quan tâm giúp đỡ khi môn đệ đang gặp nguy nan. Ngày nay một bộ phận tín hữu chúng ta cũng có tư tưởng này mỗi khi bị cơn bão cuộc đời vùi dập. Từ khi tin theo Chúa chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta sẽ đương nhiên được Chúa che chở và cứu khốn phò nguy như đó là trách nhiệm Chúa phải chu tòàn, đang khi lẽ ra ta phải luôn cầu xin Chúa giúp ta vượt qua thử thách và phó thác cuộc đời trong bàn tay Chúa quan phòng.
Gió liền tắt và biển lặng như tờ: Chúa Giêsu đã lệnh cho sóng gió yên lặng. Ngày nay cũng có người tự hỏi: “Tại sao Chúa lại không ra tay can thiệp cứu giúp các tín hữu mà lại mặc họ phải bị chết chìm trong biển cả cuộc đời?” Nếu chúng ta hiểu câu chuyện chỉ vỏn vẹn là sự dẹp yên bão tố của thời tiết thì chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề làm chúng ta phải nặng lòng. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện này còn lớn hơn thế nữa :
Chúng tôi phải làm gì?: Trong cuộc sống, các tín hữu chúng ta phải thể hiện đức tin bằng cách:
-Khi sự sầu muộn đến như nó phải đến: Ta tin rằng Chúa sẽ biến đổi bóng tối của sự chết thành ánh sáng phục sinh vĩnh cửu. Người sẽ giúp chúng ta tin cậy vào tình yêu vô cùng của Ngài. Chẳng hạn khi ta bị nất đi một người thân yêu, thì chúng ta nên biết rằng: Chết không phải là hết, nhưng là bước vào một đời sống mới vĩnh hằng và mai ngày chúng ta sẽ gặp lại người thân của chúng ta trên Thiên đàng.
-Khi chúng ta gặp phải một hoàn cảnh nan giải: Khi ta không biết phải làm gì, phải giải quyết thế nào mới đúng, chúng ta hãy thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh của con bây giờ thì Chúa sẽ làm gì?” hoặc: “Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì?” Bấy giờ Chúa sẽ nói trong lương tân để giúp chúng ta nhận biết con đường phải đi và ta sẽ có thể mạnh dạn thưa cùng Chúa: “Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha”.
-Khi gặp cơn lo âu bối rối: Khi ta phảilo cho bản thân, lo về một tương lai bất định, lo cho con cái sau này… Chúng ta hãy ý thức về lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa để trông cậy phó thác cuộc đời trong tay Chúa quan phòng. Người sẽ luôn giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đời đời. Bấy giờ tâm hồn chúng ta sẽ được bình an như lời Chúa Giê-su phán: “Hỡi những ai lao nhọc và gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Và tâm hồn các con sẽ được bình an” (Mt 11,29).
THẢO LUẬN:
1) Một người có đức tin vững mạnh có bị thất bại hay gặp phải những sự gian nan khốn khó trong cuộc đời hay không?
2) Một người chỉ biết cầu xin Chúa giúp mà không cố gắng làm việc để tự giải quyết những khó khăn gặp phải thì có phải là người có đức tin vững mạnh không? Tại sao?
3) Vậy khi gặp gian nan thử thách, người tín hữu phải làm gì để chứng tỏ đức tin vững mạnh của mình?
CẦU NGUYỆN :
-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nào chúng con cũng gặp phải nhiều gian nan thử thách. Nhiều khi những sự sui sẻo hoạn nạn lại cứ dồn dập đổ xuống làm con thuyền đức tin của chúng con như sắp bị chìm đắm. Trong những lúc ấy, xin cho chúng con ý thức rằng Chúa vẫn đang ở trong thuyền linh hồn chúng con, để chúng con yên tâm và không còn bị nao núng sợ hãi nữa. Xin cho chúng con biết vừa làm hết sức mình, vừa tín thác cậy trông vào ơn cứu độ của Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ có thể vượt qua các cơn gian nan sóng gió và tới bến bình an.
-LẠY CHÚA. Xin cho chúng con luôn tin vào tình thương quan phòng của Chúa. Cho chúng con biết xử dụng những ơn lành Chúa ban để giải quyết những trở ngại gặp phải trên đường đời. Mỗi khi gặp phải điều gì trái ý, xin cho chúng con biết cầu nguyện như Chúa khi xưa: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho con khòi uống chén này. Nhưng đừng theo ý riêng con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26,39). Xin cho chúng con vừa làm việc vừa cầu xin Chúa trợ giúp như lời bài hát: “Có Chúa đi với con, con sẽ không còn sợ chi. Có Chúa đi với con, con sẽ không còn thiếu gì”. Xin cho con năng dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa về muôn ơn lành Chúa đã thương ban, cho con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a mà dâng lên lời ngợi khen cảm tạ tình thương bao la của Chúa, vì Chúa đã làm cho con biết bao điều lớn lao kỳ diệu (x Lc 1,46-55).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam