Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1373347
Đức Tin Và Lề Luật
Cập nhật : 17-06-2016 |
ĐỨC TIN VÀ LỀ LUẬT (CN XII/TN-C)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XII/TN-C – Lc 9, 18-24) trình thuật câu chuyện “Ông Phê-rô tuyên xưng đức tin”. Nói đến vấn đề tuyên xưng đức tin thì không thể quên những lời thư của Thánh Phao-lô gửi các giáo đoàn, bởi chính ngài đã được thử thách triệt để qua biến cố Đa-mat, từ một kẻ mắc bệnh “mù nội tâm” (mù quáng tin tưởng vào giáo huấn của các bậc thầy về Lề luật Do-thái, chuyên đi lùng giết các người theo Ki-tô) đã trở nên một tông đồ dân ngoại kiệt xuất rao giảng về Đấng Cứu Đô Giê-su Ki-tô. Thánh nhân đã để lại một gia tài to lớn là các thư gửi các giáo đoàn mà trong đó luôn nhấn mạnh đến vấn đề thiết thân của ngài cũng như của các tín hữu: Đó là vấn đề “Đức Tin”. Bài đọc 2 hôm nay (Gl 3, 26-29) là một minh họa:
Nếu chỉ đọc đoạn trích (Gl 3, 26-29) với câu mở đầu: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.” (Gl 3, 26), thì không thấy có vấn đề gì, nhưng nếu đọc đoạn văn ở trước đoạn trích (“Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mạc khải. Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa.” – Gl 3, 23-25) sẽ nảy sinh vấn nạn: Chỉ có nhà tù mới có quản giáo (những người được giao nhiệm vụ giam giữ không để các phạm nhân trốn trại, đồng thời quản lý giáo dục tù nhân). Lề luật là quản giáo thì người tin (tín hữu) là tù nhân. Tù nhân bị quản giáo giam giữ thì còn đâu tự do để sống và thực hành đức tin. Có lẽ cũng vì thế nên Thánh Phao-lô còn nhấn mạnh: “Con người được nên công chính nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.” (Gl 2, 16; Rm 3, 21-22). Như vậy thì chằng hóa ra Lề luật trói buộc đức tin sao?
Lề luật là những luật lệ thời Cựu Ước hướng dẫn dạy dỗ con người tin vào Đức Chúa, Không kể đến tất cả các Thánh thư, Thánh vịnh đều đề cập đến đức tin, chỉ cần lướt qua cuốn sách Luật điển hình (Đệ Nhị Luật) cũng đủ thấy biết bao điều Luật dạy phải thực hành (làm, hành động) thể hiện đức tin: “Đây là mệnh lệnh, là những thánh chỉ và quyết định mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền phải dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành trong đất anh em sắp sang chiếm hữu. Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ được sống lâu.” (Đnl 6, 1-2); “hỡi Ít-ra-en, phải kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc?” (Đnl 10, 12-13) "Hãy giữ tất cả mệnh lệnh mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay. Ngày anh (em) sang qua sông Gio-đan vào đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), anh (em) sẽ dựng những tảng đá lớn, anh (em) sẽ viết trên tảng đá ấy mọi lời của Luật này; như vậy anh (em) sẽ được vào đất mà ĐỨC CHÚA đã hứa ban.” (Đnl 27, 1-3).
Luật lệ là như vậy, và vì thế những câu quả quyết mạnh mẽ của thánh Phao-lô về giá trị của đức tin đến nỗi loại trừ việc giữ Luật, đã gây ra sự băn khoăn cho độc giả. Tuy nhiên, đức tin mà thánh Phao-lô đề cập không chỉ giới hạn vào việc chấp nhận một chân lý trừu tượng, nhưng là một đức tin sống động, cố gắng càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Đức tin đòi hỏi những hành động diệt trừ tội lỗi và con người cũ, đồng thời để cho Thánh Linh hướng dẫn ngõ hầu phát sinh những hoa quả của đức ái (“Đức tin hành động nhờ đức ái” – Gl 5, 6). Vì thế nên sau khi nói “Con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy”, Thánh Phao-lô cũng khẳng định lập trường của mình: “Vậy có phải là chúng ta dựa vào đức tin mà huỷ bỏ Lề Luật chăng? Không phải thế! Trái lại, chúng ta củng cố Lề Luật.” (Rm 3, 27-31). Như vậy, ngài quả thật đã thấm nhiễm tận căn cơ mạc khải của Đấng đã chữa lành bệnh mù nội tâm cho mình. Vâng, chính Đức Giê-su đã dạy: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17-19).
Hơn thế nữa, Thánh Phao-lô còn xác quyết: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ… Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.” (Rm 10, 9-10); “Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.” (1Tx 5, 8). “Tin thật trong lòng, xưng ra ngoài miệng, sống tiết độ, mặc áo giáp, đội mũ chiến”, đó phải chăng là những hành động thể hiện đức tin? Điều đó cho thấy lời khẳng định của thánh Phao-lô "con người được cứu độ nhờ đức tin, chớ không phải nhờ làm những gì Luật dạy” không có gì là mâu thuẫn, khó hiểu cả.
Trở lại với bài Tin Mừng trình thuật việc “Ông Phê-rô tuyên xưng đức tin” (Lc 9, 18-21). Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ 2 câu: “Dân chúng nói Thầy là ai?” và “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Nếu chỉ đọc sơ qua, sẽ nghĩ rằng đây chỉ là dịp Đức Giê-su muốn kiểm chứng lòng tin của các môn đệ; nhưng nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy là Người còn muốn đi sâu hơn, để coi lòng tin của các môn đệ là hoàn toàn do tự bản thân hay có bị tác động bởi dư luận không? Như vậy là hai câu hỏi của Đức Giê-su đã nhắm vào cả 2 mặt khách quan và chủ quan của các môn đệ. Về mặt khách quan, Người muốn biết các môn đệ đã nghe dân chúng (là những khách thể) nhận định về Người như thế nào và có ảnh hưởng gì tới các môn đệ hay không. Còn về mặt chủ quan, Người muốn biết chính các môn đệ (chủ thể) đã hiểu về Người như thế nào.
Tại sao lại phải cần như thế? Ấy cũng bởi vì Đức Giê-su Thiên Chúa dư biết lòng dạ con người rất dễ bị dao động bởi những ảnh hưởng ngoại tại. Đó là những dư luận mà tác nhân là những người cùng sống trong một cộng đồng xã hội. Dư luận là ý kiến nhận xét, khen chê của số đông đối với một nhân vật hay một sự việc nào đó. Nhìn chung, tác động của dư lụân rất mạnh, nhất là ở 2 luồng dư luận: khen và chê. Với bản tính Thiên Chúa, Đức Giê-su chẳng cần hỏi, Người cũng quá rõ các môn đệ với thân phận mỏng giòn yếu đuối của con người, chắc chắn không nhiều thì ít cũng bị ảnh hưởng từ bên ngoài, ấy là chưa kể bên trong còn chưa vững chắc. Ở đây, Người muốn các môn đệ khi nghe Thầy hỏi sẽ giật mình nhìn lại bản thân và có như thế mới hiểu rõ con người thật của mình, để từ đó có hướng khắc phục những yếu đuối và củng cố đức tin cho vững vàng.
Còn một điểm đáng lưu ý nữa là sau khi Đức Giê-su hỏi các môn đệ và nhận được câu trả lời, thì ngay lập tức “Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (Lc 9, 21). Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Quả thật, muốn nói về Đức Ki-tô cho người khác, các môn đệ không những cần phải biết rõ Đấng mình muốn nói đến đích thực là ai, mà còn phải chia sẻ cả những cảm nghiệm đức tin của bản thân về Đấng ấy. Do đó, lời nghiêm cấm của Đức Giê-su cho thấy là hiện thời Phê-rô và các bạn Tông đồ chưa thực sự hiểu về Người, thì chưa thể rao giảng công trình cứu độ của Người. Lời tuyên xưng của Phê-rô tuy rất chính xác, nhưng đó mới chỉ là tuyên xưng ngoài miệng, còn trong lòng ngài vẫn chưa hết bán tín bán nghi. Một cách cụ thể thì lời tuyên xưng của Phê-rô mới chỉ là bằng con tim chớ chưa thật sự thông qua lý trí xác định niềm tin của mình. Và đó là lý do Đức Giê-su nghiêm cấm các Tông đồ không được nói với ai về vịêc này.
Cứ thử nghĩ kỹ mà xem, khi phải nói với ai điều mà trong lòng mình còn hồ nghi, thì liệu tác dụng có đem lại hiệu quả không? Lời dạy của Đức Giê-su: “Lòng có đầy miệng mới nói ra” (Lc 6, 43) cho thấy chỉ khi nào kho kiến thức của bản thân đầy đủ và chắc chắn thì lời nói ra mới có sức thuyết phục. Khi mà các môn đệ tuy có lòng yêu mến Thầy thực sự, nhưng vẫn chưa hiểu thấu đáo về Thầy một cách chính xác, thì nhiều khi lời nói của các ngài lại có tác dụng ngược (thay vì làm cho người ta yêu mến và chạy đến với Thầy, thì lại lảng xa, thậm chí chống đối lại). Thực tế đã chứng minh, chỉ đến ngày Lễ Ngũ Tuần, kiến thức, kinh nghiệm đã được trang bị đầy đủ, đồng thời còn được Thánh Thần gia tăng sức mạnh của đức tin và lòng can đảm, thì các Tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng và đem lại thành quả rực rỡ.
Sau khi đã giải thích Đấng Ki-tô là ai trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã thẳng thắn mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23). Một lời mời gọi lạ lùng chưa từng thấy. Mời gọi người khác theo mình, thường thì phải cho họ thấy thoải mái, sung sướng và bản thân họ được hưởng những điều lợi, chớ ai lại đòi họ phải chấp nhận “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Quả thật Lời dạy của Đức Ki-tô luôn hàm chứa những nghịch lý lạ lùng và khó hiểu, thật khó mà chấp nhận. Và cũng vì thế nên đám đông – kể ngay cả những thân nhân của Người – đều cho là “Người mất trí”; còn đám kinh sư Pha-ri-sêu thì lại nói rằng “Người bị quỷ ám” (Mc 3, 21-22). Ấy là chưa kể đến các môn đệ cũng đã có lần thốt lên “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (Ga 6, 60).
Nếu chưa thật sự thấu hiểu vấn đề tận căn, mà cứ liều mình đi loan báo những điều mà mình vẫn còn bán tín bán nghi như thế, thì hậu quả sẽ ra sao? Đức Ki-tô nghiêm cấm các môn đệ không được nói với ai cũng là vì thế. Tuy nhiên, cái gọi là nghịch lý chỉ xuất phát từ lý trí con người với sự bất toàn cố hữu, còn với Thiên Chúa thì “những điều không thể sẽ trở thành có thể” (Mt 19, 26). Quả thực không có cây thập giá, người ta sẽ không thể hiểu nổi Đức Giê-su là ai và theo Người có ý nghĩa gì. Trong một thế giới chứa đầy sự hận thù ghen ghét, luôn cổ xuý cho chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, thì tình yêu và phục vụ là thập giá cho những ai sống vị tha. Đức Vua Tình Yêu Giê-su đến thế gian “không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Vậy những kẻ muốn theo Người “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23) là điều tất yếu vậy.
Lạy Chúa! Mang danh là Ki-tô hữu, là môn đệ và là bạn của Đức Giê-su, nhưng nhiều khi con chưa cảm nghiệm được Người là ai. Con chỉ được học, được nghe Giáo hội dạy: “Người là Đấng Cứu Độ trần gian”, và không ít lần con tuyên xưng mạnh mẽ rằng con tin điều đó. Tuy nhiên, con mới chỉ tin điều ấy như một kiến thức sách vở không ăn nhập gì đến đời sống thực tế của con. Cũng bởi vì bản thân con chưa một lần sống bằng, sống bởi, sống với Thập Giá Chúa Ki-tô. Cúi xin Chúa ban ơn và thêm sức cho con có được cảm nghiệm thực sự về sự hiện diện sống động của Đức Giê-su trong tâm hồn con, và thật lòng xác tín rằng Người chính là lẽ sống của con, ngõ hầu con có thể dấn thân cộng tác với Người trong công trình đem Chúa đến cho mọi người; để nhờ đó, con tìm được sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu.
Ôi! “Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật XI/TN-C).
JM. Lam Thy ĐVD. |
Nguồn : gxta |
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam