Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1371491

ĐỪNG BIẾN NHÀ CHA TA THÀNH NƠI BUÔN BÁN

“Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16)

Các em thiếu nhi thân mến,

Có bao giờ các em đọc kinh hay hát thánh ca trong nhà thờ mà không suy nghĩ gì đến lời kinh, tiếng hát cuả mình không? Có khi nào ngồi đây nghe giảng mà tâm trí các em đang bay ở mãi tận khung trời xa xôi nào đó không? Ðó chính là lối thờ phượng máy móc, vụ hình thức của những nguoi đi đạo lâu năm. Họ đọc kinh theo thói quen. Họ hát theo thói quen. Họ nghe giảng theo thói quen. Họ không còn ý thức đến hành vi của mình nữa, và cũng không có một cảm xúc hay một tâm tình thờ phượng đích thực nào trong những việc làm của mình.

Người ta kể rằng: một người kia nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn mình đến một ngôi nhà thờ trong một ngày chúa nhật. Tại đó người này thấy người nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng âm nhạc, ca đoàn và cộng đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả. Rồi đến khi linh mục đứng lên giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả. Người ấy rất đỗi ngạc nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: “Ông không nghe thấy gì, vì không có gì để nghe cả. Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi. Tâm hồn họ trống rỗng. Họ không thờ phượng Chúa từ trong cõi lòng. Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra. Họ nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chúa lâu rồi.

Qua câu chuyện này, người ta muốn nói điều gì? Thưa, câu chuyện này dậy ta một bài học quan trọng: khi nào ta vào nhà thờ, thờ phượng Chúa, ta hãy đến đó với một tấm lòng ước muốn ra mắt Chúa, và tôn kính Ngài trong mọi việc ta làm trong nhà thờ. Ta hãy đọc kinh với thái độ tin tưởng và yêu mến. Ta hãy hát với thái độ ca ngợi Chúa thật, dù là hát trong ca đoàn hay chung với cộng đoàn. Nếu ta đứng lên nói, hãy nói với thái độ tôn thờ Chúa. Cầu nguyện cũng phải chân thành tập trung vào Chúa, ngay cả khi nghe lời Chúa cũng phải có thái độ thờ phượng. Khi nào ta ý thức được như thế thì giờ thờ phượng mới có ý nghĩa. Và chỉ những lúc đó, tiếng ca ngợi của ta từ nơi đất thấp, mới bay lên tận trời cao được.

Hôm nay Chúa Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài đã thấy gì trong đó? Họ đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Họ lợi dụng Đền thờ để lợi dụng lẫn nhau. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền nhằm lợi nhuận. Kẻ mua để dâng cúng trong đền thờ chỉ nhằm mục đích phô trương giả hình. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương như thế, để họ thu lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ. Chính vì Đền thờ bị lạm dụng., Chúa đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ. Chúa đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghiã đích thực của Đền thờ. Vậy ý nghiã đích thực của Đền thờ là gì?

Thưa, Đền thờ là nơi cầu nguyện. Chúa bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chúa, mà là thờ quyền lợi của mình. Đồng thời, khi Chúa Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài ám chỉ đến Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Như vậy qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân ước là thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Thế nên, “đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, vì Thiên Chúa là Thần Khi và những kẻ thờ phượng Người phải thờ trong Thần khí và sự thật” (Ga 17,23).

Ngày hôm nay, người ta vẫn có thể lạm dụng Đển thờ bằng nhiều cách:

Có những người đến nhà thờ nhưng lại lo ra chia trí trong lòng. Đó là những người có xác mà không có hồn. Họ chỉ là những thây ma trơ trẽn và nguội lạnh. Họ xem lễ chứ không dự lễ, vì họ không đóng góp tấm lòng của mình vào việc thờ phượng Chúa.

Có những người đi lễ vì người khác đi mình cũng đi hay chỉ vì cha mẹ bắt phải đi. Đó là những người thờ phượng giả hình. Họ không sống những điều mình tin. Họ lấy “vải thưa che mắt thánh”. Họ chỉ che được mắt thế gian nhưng không che dấu được Thiên Chúa. Họ đến nhà thờ nhưng không gặp được Chúa nên đời sống họ cũng không có gì thay đổi.

Nhưng điều quan trọng mà hôm nay sứ điệp Lời Chúa muốn nhắn gởi chúng ta, chính là hãy chỉnh đốn lại đền thờ tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta có Chúa ngự trị hay không? Chúng ta đang tôn thờ Thiên Chúa hay tôn thờ những danh lợi thú trần gian?

Mùa Chay là mùa mợi gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống. Có thể nói mùa chay là mùa giúp chúng ta nhìn lại đến thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chúa thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chúa ngự trị.

Lạy Chúa, tâm hồn con là đền thờ của Chúa, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn. Xin Chúa hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.

 

 

 

 

 

24. Nhà Cha là nhà cầu nguyện

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Có một người nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn mình đến một ngôi nhà thờ trong một ngày Chúa Nhật. Tại đó, ông thấy người nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng nhạc, ca đoàn và cộng đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả. Rồi đến khi linh mục đứng lên giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả. Người ấy rất đỗi ngạc nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: “Ông không nghe thấy gì, vì không có gì để nghe cả. Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi. Tâm hồn họ trống rỗng. Họ không thờ phượng Chúa từ trong cõi lòng. Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra. Họ nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chúa lâu rồi!

Đôi khi chúng ta cũng đến với Chúa bằng hình thức bên ngoài mà chằng có tâm tình bên trong. Ðó chính là lối thờ phượng máy móc, vụ hình thức của những người đi đạo lâu năm. Họ đọc kinh theo thói quen. Họ hát theo thói quen. Họ nghe giảng theo thói quen. Họ không còn ý thức đến hành vi của mình nữa, và cũng không có một cảm xúc hay một tâm tình thờ phượng đích thực nào trong những việc làm của mình.

Hôm nay Chúa Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài đã thấy gì trong đó? Người Do Thái đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán. Họ lợi dụng Đền thờ để lợi dụng lẫn nhau. Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền nhằm lợi nhuận. Kẻ mua để dâng cúng trong đền thờ chỉ nhằm mục đích phô trương giả hình. Ngay cả các tư tế cũng chủ trương như thế. Họ thu lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên. Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ.

Chính vì Đền thờ bị lạm dụng., Chúa đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ. Chúa đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghiã đích thực của Đền thờ. Chúa bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chúa, mà là thờ quyền lợi của mình. Đồng thời, khi Chúa Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài cũng ám chỉ đến Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Thân thể Ngài cũng bị phá huỷ bởi sự gian ác của con người, nhưng rồi Ngài sẽ sống lại sau ba ngày trong mồ.

Ngày hôm nay, người ta vẫn có thể lạm dụng Đển thờ bằng nhiều cách:

– Có những người đến nhà thờ nhưng lại lo ra chia trí trong lòng. Đó là những người có xác mà không có hồn. Họ ví tựa như những thây ma trơ trẽn và nguội lạnh. Họ xem lễ chứ không dự lễ, vì họ không đóng góp tấm lòng của mình vào việc thờ phượng Chúa.

– Có những người đi lễ vì người khác đi mình cũng đi hay chỉ vì cha mẹ bắt phải đi. Đó là những người thờ phượng giả hình. Họ không sống những điều mình tin. Họ lấy “vải thưa che mắt thánh”. Họ chỉ che được mắt thế gian nhưng không che dấu được Thiên Chúa. Họ đến nhà thờ nhưng không gặp được Chúa nên đời sống họ cũng không có gì thay đổi.

– Nhưng điều quan trọng mà hôm nay sứ điệp Lời Chúa muốn nhắn gởi chúng ta, chính là hãy chỉnh đốn lại đền thờ tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta có Chúa ngự trị hay không? Chúng ta đang tôn thờ Thiên Chúa hay tôn thờ những danh lợi thú trần gian?

Mùa Chay là mùa mợi gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống. Có thể nói mùa chay là mùa giúp chúng ta nhìn lại đến thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chúa thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chúa ngự trị.

Lạy Chúa, tâm hồn con là đền thờ của Chúa, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn. Xin Chúa hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.

 

 

 

 

 

25. Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây.

(Trích trong ‘Manna’)

 

Suy Niệm

Trong sách Tin Mừng, hiếm khi ta thấy Đức Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa. Ngài lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội. Chính Ngài đã mời ta học nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhượng. Vậy mà ở đây ta lại thấy Đức Giêsu dùng roi để đuổi những người buôn bán bồ câu, chiên bò, Ngài còn lật nhào bàn ghế của những người đổi bạc! Dù rằng những chuyện buôn bán này chỉ diễn ra ở ngoài phạm vi Đền Thờ, nơi tiền đình dành cho dân ngoại, nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của những người đi hành hương vào dịp lễ Vượt qua, nhưng Đức Giêsu vẫn thấy đó là một điều bất kính, vì chúng tạo ra một bầu khí ồn ào, hỗn độn.

Đức Giêsu vốn qúy trọng Đền Thờ Giêrusalem. Ngài gọi đó là nhà Cha của tôi, nhà cầu nguyện. Ngài không muốn nơi Thánh này trở thành cái chợ. Ngài không chấp nhận nhà của Cha Ngài bị xúc phạm. Chính tình yêu đã khiến Đức Giêsu nổi giận. Ngài thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ, dù điều đó sẽ đưa Ngài đến chỗ thiệt thân.

“Cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”

Đức Giêsu ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đền thờ ở đây là chính thân thể Đức Giêsu. Thân thể được phục sinh của Ngài sẽ là Đền Thờ mới, nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Ngài cũng muốn thanh tẩy các nhà thờ của chúng ta. Ngài muốn chúng thực sự là nơi thờ phượng, nơi lắng đọng để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Có khi thánh lễ của chúng ta trở nên máy móc, buồn tẻ. Có khi lại ồn ào, nặng tính trình diễn.

Dù sao thánh lễ vẫn cần một cái hồn, một sức sống lan tỏa từ Chúa Giêsu phục sinh.

Để tâm đến việc sửa nhà thờ là cần, nhưng không đủ.

Mỗi Kitô hữu cần để tâm xây dựng con người mình, bởi lẽ đó là đền thờ của Cha và Con (x. Ga 14,23).

Chính thân xác ta cũng là đền thở của Thánh Thần (x. 1Cr 6,19). Có những đền thờ thánh thiêng đã trở nên phàm tục. Đam mê vô độ của thân xác đã trục xuất Thánh Thần.

“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!” Chúa Giêsu hôm nay cũng giận dữ như thế khi thấy con người của chúng ta bị vấy bẩn, đền thờ của Ba Ngôi bị nhơ nhớp.

Tha nhân quanh ta cũng là những đền thờ. Có nhiều đền thờ bị xuống cấp, tước đoạt và sụp đổ…

Mùa chay là mùa tu sửa các đền thờ, để mọi đền thờ đều dẫn đến Đền Thờ Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn nghĩ gì về bầu khí nơi nhà thờ của bạn? Bạn nghĩ gì về bầu khí của Thánh Lễ? Bầu khí đó có giúp bạn lắng đọng để gặp mình và gặp Chúa không?

Trong mùa Chay này, bạn thấy có đền thờ nào cần sửa gấp không? Đền thờ lòng bạn có gì cần phải loại bỏ để có chỗ cho Chúa không?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.

 

 

 

 

 

26. Điên rồ cho Thiên Chúa

(Peter Feldmeier – Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)

 

“Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23)

Tin Mừng quả là điên rồ, nhưng điên rồ như thế nào? Bài đọc phụng vụ hôm nay trích trong thơ thứ nhất Thánh Phaolô tông đồ gửi cho giáo đoàn Côrinthô. Ngài viết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp kiếm tìm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ (1Cor 1,22).

Vậy, phải chăng Tin mừng thật điên rồ, thật vô lý, và dẫn con người đi vào lầm lạc? Sự khôn ngoan mà con người thường hay đề cao có thực sự phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Chúa (Kn 7,26) hay không?

Chắc chắn, Thánh Phaolô muốn khẳng định rằng, sự khôn ngoan theo quy chuẩn xã hội loài người sẽ bị cáo chung bởi Tin mừng. Tin mừng đưa dẫn chúng ta tiếp cận sự khôn ngoan không theo dạng thức mà thế gian vẫn hướng về. Cũng trong lá thư này, Thánh Phaolô đã nhắc các độc giả, để giúp họ biện phân đâu là sự khôn ngoan đích thực. “Khi anh em được Chúa kêu gọi, trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song, những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh… (1,26-27). Sự xét định theo tiêu chí của thế gian không phải là đường lối của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã tóm kết nghịch lý này, khác với suy nghĩ bình thường của xã hội loài người, khi Ngài tuyên bố “Phúc cho những ai sống tinh thần nghèo khó” và “Những ai tìm mạng sống mình, sẽ mất nó. Ai liều mất mạng mình vì tôi, sẽ tìm được chính mạng sống ấy” (Mt 5,3; 10,39).

Đức Giêsu không phải là người hùa chạy theo đám đông, hay dễ theo xu hướng của cộng đồng xã hội. Thay vì rập theo não trạng chung của dân chúng, Ngài lại tuyên bố những điều hoàn toàn trái ngược. Chúng ta cũng thấy điều tương tự trong trình thuật Tin mừng hôm nay. Đức Giêsu lên Giêrusalem, Ngài thấy trong đền thờ có một khu vực người ta đang bán bê, chiên, bồ câu, và có những người đổi tiền ngồi đó. Đức Giêsu mạnh tay xua đuổi họ ra ngoài, và còn lật tung những bàn đổi tiền, khiến tiền bạc đổ vãi tung tóe. Ngài truyền lệnh đem tất cả thứ đó ra khỏi đền thờ, “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi bán buôn”.

Việc mua bán trong khu vực đền thờ hồi xưa, không bị coi là một sự phạm thánh. Thậm chí, người Do Thái còn xem đó là một việc đạo đức tốt lành. Khách hành hương thường mua những lễ vật để tiến dâng cho Chúa. Điều này chẳng có gì xấu. Vả lại việc mua bán này chỉ diễn ra tại khu vực tiền sảnh bên ngoài đền thờ, là những chỗ mà ngay cả dân ngoại vẫn có thể lui tới. Khách hành hương đến đền thờ cần có lễ vật, và những người buôn bán giúp họ thực thi bổn phận tôn giáo rất chính đáng. Có lẽ, vì luật Do Thái cấm tôn thờ ngẫu tượng, nhưng việc buôn bán giao dịch lại phải dùng tiền Rôma có in hình Xêda, hoàng đế của đế quốc, nên phải chăng vì thế mà Đức Giêsu đã phản ứng gay gắt? Có phải thế không? Chúng ta sẽ từ từ tìm ra câu trả lời, và khám phá ra ý nghĩa sâu xa của câu chuyện nêu trên.

Đối với dân Israel, đền thờ là chốn linh thiêng nhất, biểu thị cho việc Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Ngài. Tác giả Thánh vịnh đã viết “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi, mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng” (Tv 27,4). Tin mừng thuật lại, sau này các học trò của Đức Giêsu nhìn vào hành động của Ngài trong đền thờ Giêrusalem như một hành vi tiên tri, diễn bày niềm tin sâu xa mà tác giả thánh vịnh đã miêu tả: “Vì nhiệt tâm lo cho nhà Chúa, mà con đã chịu thiệt thân” (Tv 69,4). Đi sâu vào ý nghĩa của biến cố, chúng ta mới có thể nhận ra rằng, những quy chuẩn theo não trạng con người dễ làm cho chúng ta trở nên mù tối trước những thực tại thánh thiêng. Chúng ta cần phân định đâu là những gì hợp pháp mang tính phàm tục, và đâu là những gì thuộc phạm trù linh thánh.

Khi những vị đầu mục Do thái giáo cai quản đền thờ tra vấn Đức Giêsu, đòi Ngài phải minh chứng bằng một dấu chỉ cho thấy Ngài có quyền hành xử như vậy, Đức Giêsu một lần nữa lại tuyên bố sự cáo chung của những quy chuẩn khôn ngoan theo não trạng con người. Ngài nói” Cứ phá hủy đền thờ này đi, sau ba ngày ta sẽ xây lại”. Họ chỉ biết nghĩ về một ngôi đền thờ bằng gỗ, bằng đá, nhưng Đức Giêsu nói về ngôi đền thờ khác, là chính thân xác Ngài. Sự sống lại của Ngài là dấu ấn chung cuộc, khải thị cho thế giới về những gì Ngài đã nói, đã hành xử. Ngài muốn nói về sự khôn ngoan đích thực cho thế giới hôm nay, một thế giới trong đó người ta vẫn nghĩ tưởng rằng cái chết là dấu chấm hết cuối cùng. Đức Giêsu chính là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa, và sự hiện diện của Ngài diễn bày cho chúng ta chân lý này.

Tất cả những điều đó bị coi là ngu xuẩn đối với họ. Những luật lệ theo quy ước và não trạng hạn hẹp đã khiến họ trở nên mù tối trước chân trời rộng mở của chân lý vĩnh hằng.

Tin mừng không phải là những gì xuẩn ngốc hay ngu dại. Tuy nhiên, sống giữa một thế giới đầy sợ hãi, khi con người thường hay sống cố thủ và tự mãn, người ta vẫn nghĩ tưởng Tin mừng là như thế. Lá thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ vừa qua nói về vấn đề hòa bình đã bị quần chúng công kích mạnh mẽ. Người ta cho rằng Giáo hội quá ấu trĩ và không đi sát với những trào lưu chính trị của thế giới. Lá thư nêu bật giáo huấn về sự phân bổ của cải sao cho công bằng và hợp lý, đồng thời phải phân phối những tiện ích xã hội để phục vụ đồng đều cho hết mọi người. Chế độ tư bản, khuyến khích người ta làm giàu, khuyến khích quyền tư hữu một cách ích kỷ, mà không lo cho thiện ích chung, là một chế độ đáng bị lên án và cần phải loại trừ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị và cả Đức Thánh Cha Bênêđictô đều nhấn mạnh về giáo huấn này. Lệnh truyền của Thiên Chúa là phải chăm lo cho sự sống nội tại nơi từng mỗi con người. Nhưng điều này dường như con người xã hội hiện nay vẫn không chấp nhận. Người Công giáo từ lâu đã cố gắng hòa nhập với xã hội, nhưng có một nguy hiểm to lớn là chúng ta dễ bị chao đảo về đức tin, hoặc đức tin trở nên suy yếu, khi chúng ta đang từ từ bị xã hội đồng hóa, bị thỏa hiệp và chúng ta không dám can đảm nêu bật căn tính của mình.

Chúng ta có dám can trường sống đức tin, phần nào có vẽ như “điên rồ” trong cái nhìn của thế giới ngày hôm nay hay không?

 

 

 

 

 

27. Uy quyền Đấng Thiên Sai – Cố Lm. Hồng Phúc

 

Chúng ta thường gọi 10 giới răn là căn bản lề luật Thiên Chúa. Người Do thái gọi đó là “Thập điều” (Decalogue) của Thiên Chúa nói lên ý muốn cứu độ của Ngài. Mười lời đó không phải bản tuyên xưng đức tin, một bản tóm lược luân lý, nhưng là những lời nhắn nhủ của Chúa gửi đến con cái của Ngài. Trong mùa Chay, chúng ta hãy đến dưới chân núi Sinai, như ngày xưa dân Israel tập họp dưới núi thánh, để nghe lời thân mật của Chúa. Chúa nói như Cha nói với con, Cha khuyên bảo con. Tất cả Thập điều đều tóm tắt trong một câu và phải được khắc ghi vào tâm khảm mỗi người: “Ngươi hãy thương yêu”. Hãy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Tình thương đó, khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã tỏ ra một cách cực độ khi chịu đóng đinh trên thập giá. Phaolô gọi đó “là cớ vấp phạm cho người Do thái, một sự điên rồ cho người ngoại giáo”. Làm sao hiểu được tình thương của Thiên Chúa? Yêu đến bỏ trời xuống thế, yêu đến chết trên thập giá để đền tội chúng ta.

Thiên Chúa đã cứu rỗi chúng ta bằng phương cách chúng ta không thể hiểu nổi.

Trong khi có người tự cho là thông thái như dân Hy lạp dùng lý luận để tự cứu vãn, trong khi người Do thái tự cho là có thể dùng chay giới, giữ luật lệ để vào thiên đàng thì Thiên Chúa dùng tình thương và tình thương đến điên dại như Phaolô suy tưởng.

Tình yêu Chúa Cha nung nấu tâm can của Chúa Giêsu và bộc lộ ra bên ngoài hôm nay bằng một cử chỉ táo bạo mà Gioan đã chứng kiến và tường thuật lại. Đó là việc Chúa xua đuổi con buôn bán ra khỏi đền thờ. Lễ vượt qua của dân Do thái gần đến, Chúa Giêsu lên đền thờ. Ngài thấy trước mắt trong khuôn viên đền thờ Cha Ngài, diễn ra một cảnh hỗn loạn không thể chịu được. Người ta bày bán chiên bò. Người ta mở bàn đổi tiền bạc. Ngài chắp giây thừng làm roi, hất tung bàn ghế và đánh đuổi tất cả ra khỏi đền thờ. Ánh mắt Ngài chiếu sáng và miệng Ngài hô to: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.”

Ngài phẫn nộ để cho mọi người biết Ngài là ai.

Ngài tỏ uy quyền của Đấng Thiên Sai, như lời tiên tri Malachia đã loan báo; Ngài xuất hiện trong đền thánh để tẩy uế nơi tôn nghiêm này. Nhà chức trách đền thờ hiểu điều đó nên họ không vặn hỏi lý do mà chỉ đòi một dấu chứng minh. Chúa trả lời cách khô khan: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”; “Ngài có ý nói đền thờ là thân thể Ngài.”

Ngài cho biết “Con Chiên chân thật của Thiên Chúa chính là Ngài” (Gio. 1,29) đến trong đền thờ. Nghi lễ của đạo cũ đã quá thời. Ngài là Con Chiên Pascal bị tế sát vì chúng ta (1Cor. 5,7-8) và sẽ dẫn đưa chúng ta vào “trong nhà của Cha Ngài” (Gio. 14,2).

Bằng cử chỉ hôm nay, Chúa Giêsu không có ý bãi bỏ những nơi thờ phượng, nhưng đã chấn chỉnh và nói lên bản chất chân thật của nó. Dưới con mắt của Gioan, đền thờ của Đạo mới chính là Thánh Thể của Chúa Giêsu, rồi đây sau 3 ngày nằm trong nhà mồ, sẽ khởi hoàn sống lại.

Là người tín hữu trong Giáo hội, chúng ta có bổn phận lo cho Chúa có một nơi thờ phượng trang nghiêm xứng đáng, vì “nhiệt thành với nhà Chúa”. Nhưng đừng quên xua đuổi quét sạch những gì làm hoen ố tâm hồn chúng ta là đền thờ Chúa ngự.

 

 

 

 

 

28. Thanh tẩy đền thờ

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)

 

Vào thời Chúa Giêsu, dân Do thái vẫn có những hội đường để mỗi ngày sa-bát, ngày thứ bảy, họ đến đây để nghe lời Chúa và cầu nguyện. Đây không phải là nhà thờ hay đền thờ như chúng ta ngày nay. Họ chỉ có một đền thờ duy nhất tại Giê-ru-sa-lem để tế lễ Thiên Chúa, là một nơi linh thiêng thánh thiện. Vậy tại sao lại có chuyện buôn bán, đổi chác tiền bạc ở đền thờ, đến nỗi Chúa Giêsu phải nổi giận, xua đuổi?

Trước hết, về việc buôn bán ở đền thờ. Mỗi năm, vào những dịp đại lễ, như lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần… theo tập tục và thói quen đã trở thành như một luật lệ, bắt buộc các tín hữu khi đến đền thờ dự lễ đều phải dâng vào đền thờ một lễ vật nào đó làm của lễ dâng Thiên Chúa. Người giàu có thì dâng chiên bò, người nghèo thì dâng bánh rượu, dầu hương, chim câu… Nhưng vì gần đền thờ không có chợ, nên các tư tế đã lợi dụng cơ hội để làm ăn: hoặc là chính họ hoặc họ cho phép các con buôn đã nộp thuế cho họ, được buôn bán các thứ lễ vật đó cho những người đến dự lễ. Và đã là chuyện buôn bán thì có người mua kẻ bán, người trả người thách, lại với số đông người, không thể không ồn ào, om xòm, lộn xộn… làm cho khu vực đền thờ có vẻ là một chợ phiên hơn là nơi yên tĩnh để cầu nguyện và tế lễ.

Về chuyện đổi chác tiền bạc. Theo luật buộc: mỗi năm mỗi người trưởng thành phải nộp ½ đồng Xê-ken, tức là một nửa đồng tiền Do thái. Đây là một thứ thuế nghĩa vụ, ai cũng phải nộp và chỉ được nộp tiền Do thái, chứ không nộp thứ tiền nào khác, mặc dầu thời ấy tiền Rô-ma và tiền Hy lạp rất thông dụng, vì những thứ tiền ấy in hình vua ngoại đạo, nên cấm lưu hành trong khu vực đền thờ. Vì thế, để có tiền Do thái nộp thuế cho đền thờ, những người đến dự lễ phải đổi tiền. Đó là lý do sinh ra cái nạn đổi tiền và có những quầy đổi tiền trong đền thờ.

Trước sự bất kính đối với đền thờ như thế, Chúa Giêsu đau xót và nổi giận. Ngài xua đuổi họ. Việc này làm cho các tín hữu hài lòng, duy có nhóm tư tế bực mình, hạch hỏi Chúa: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”. Chúa bảo họ: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.

Hành động của Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là xua đuổi các con buôn, là đụng chạm đến quyền lực và lợi nhuận của hàng tư tế, nhưng sâu xa hơn, đó là cử chỉ tượng trưng, nhằm phủ nhận một cung cách thờ phượng đã bị làm cho biến chất. Và không những phủ nhận nghi thức phụng tự, Chúa Giêsu còn phủ nhận luôn đền thờ bằng gỗ đá, một đền thờ lộng lẫy, huy hoàng, tráng lệ đã được vua Hê-rô-đê cả ra lệnh xây dựng từ năm 19 trước công nguyên và mãi đến năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Tin Mừng kể lại hôm nay xảy ra vào năm 28 sau công nguyên. Như vậy đã ròng rã 46 năm trời xây cất vẫn chưa xong.

Khi phủ nhận các nghi thức phụng vụ cũ, phủ nhận cả đền thờ gỗ đá, Chúa Giêsu giới thiệu một đền thờ mới, đền thờ đích thực, đó là thân xác Phục Sinh của Ngài, khi Chúa nói: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”, Chúa có ý nói đến thân xác của Ngài. Ngài sẽ bị giết chết, nhưng trong ba ngày Ngài sẽ sống lại.

Chúng ta đang sống trong Mùa Chay, đoạn Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta hai điều: Thứ nhất, mỗi người tín hữu đươi coi là một đền thờ của Thiên Chúa. Nhưng hiện giờ đền thờ ấy có xứng đáng để Thiên Chúa ngư hay không hay là một cái chợ trưng bày đủ thứ, nhất là những thứ cấm kỵ: tham vọng, ích kỷ, hận thù, bất trung, ghen ghét, gian dối…? Không nhiều thì ít, có lẽ đền thờ nơi chúng ta còn đang bất xứng, chúng ta cần thanh tẩy, sửa chữa.

Thứ hai, gia đình Ki-tô hữu cũng được mời gọi trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Liệu trong ngôi đền thờ ấy, các thành viên có biết lấy yêu thương, sự khoan dung tha thứ mà đối xử với nhau, hay ngôi đền thờ đã trở thành quán trọ mạnh ai nấy sống? Liệu trong ngôi đền thờ ấy có Thiên Chúa ngự trị hay đang bị đủ thứ ngẫu tượng chi phối, những ngẫu tượng có tên là tiền bạc, tham vọng, ích kỷ, hận thù, gian dối?

Tóm lại, mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa ngự trị. Nhưng có thể Thiên Chúa đã mất chỗ, nghĩa là tội lỗi, những cái xấu, những cái tiêu cực… đã chiếm chỗ của Chúa. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ tất cả những cái đó để trả lại chỗ cho Thiên Chúa bằng sự ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.

Xin Chúa cho Mùa Chay thánh này là mùa hồng ân cho chúng ta: cho mỗi người chúng ta trở thành một đền thờ xứng đáng, và cho gia đình chúng ta cũng là một đền thờ tốt đẹp để Thiên Chúa ngự trị, chúc lành và ban ơn cho chúng ta.

 

 

home Mục lục Lưu trữ