Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 78

Tổng truy cập: 1376225

ĐỪNG SỢ

Đừng sợ

(John.W. Martens - Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Hãy can đảm lên. Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27)

Chỉ đảo qua những bản dịch Kinh Thánh cổ xưa chuyển sang Anh Ngữ, ví dụ bản dịch của Douay-Rheims hay của King James, chúng ta sẽ thấy hạn từ ma (ghost) xuất hiện hơn cả một trăm lần ở mỗi bản dịch. Các bản dịch này chuyển ngữ từ hạn từ Hy Lạp hagios pneuma thành thuật ngữ “Holy ghost” (ma thánh). Trong các bản dịch hiện hành, các dịch giả thường sử dụng từ “Holy Spirit” (thần khí). Từ ngữ “ghost” (ma) trong các văn bản hiện nay chỉ dùng để chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp Phantasma và hạn từ này chỉ xuất hiện trong trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước, như được thuật lại trong Mt 14,26. Tuy nhiên, từ ngữ ghost trong bản dịch của Douay-Rheims và King James không ám chỉ ý niệm ma quái, mà  nói  về một cuộc thần hiện (apparition) hoặc về sự xuất hiện của thần khí (spirit), thì có lẽ chính xác hơn.

Điều này lý giải lý do tại sao ý niệm của từ ngữ này dần dần được chuyển đổi. Ngày nay, người ta dang dần dần loại bỏ những hình ảnh ma quái trong các phim hoạt hình, trong các câu chuyện cho trẻ em, hay trong các hóa trang ngày lễ Halloween (trước lễ các Thánh). Vì thế, thuật ngữ holy ghost (ma thánh thiêng) không còn biểu thị cho 2 khía cạnh “thánh thiện và thiêng liêng” nữa. Ám ảnh sợ hãi không nhất thiết phải gắn liền với hình ảnh ghost (ma). Dẫu sao, khi người ta dùng từ ngữ phantasma  với ý niệm về ma quái, hoặc về thần hiện, hoặc nói về thần khí, rõ ràng từ ngữ này không nhắm đến một con người bằng xương bằng thịt bình thường xuất hiện trước mặt các môn đệ. Cho nên, sự liên tưởng khi nhìn thấy một phantasma (có vẻ giống như ma quái) đang đi trên mặt nước khiến các ông khiếp sợ. Họ la toáng lên “ma kìa” và rất kinh khiếp.

Khi có một người lạ hay một người chúng ta không hề quen biết xuất hiện, thường  chúng ta sợ. Đây là phản ứng tự nhiên của chúng ta cũng như của các tông đồ. Tuy nhiên, trong lần gặp gỡ này, Đức Giêsu muốn vén mở đôi điều về thần tính của Ngài cho các học trò mình. Thoạt đầu, Chúa  đi trên mặt nước cách lạ thường không phải nhằm khải thị thần tính của Ngài, cho dù sự kiện đó rõ ràng biểu hiện năng quyền của Ngài có thể thống trị thiên nhiên. Điều sâu xa Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho các môn đệ , giữa lúc các ông đang khiếp hãi, là lời trấn an “Hãy can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ”. “Thầy đây” là thuật ngữ dịch từ tiếng Hy Lạp “egô eimi” có nghĩa “Ta là”. Đây cũng là lời bày tỏ căn tính của Đức Chúa Giavê trong cựu ước, được sách xuất hành 3,14 thuật lại. Chúa nói với Môisen: “Ta là (Đấng) Ta Là” – Ego sum qui sum . Đức Giêsu muốn phá tan nỗi khiếp sợ của các môn đệ bằng cách khẳng định sự hiện diện của Ngài giữa cơn giông bão, và sâu xa hơn, đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hữu thể của Đức Giêsu. Thiên Chúa đang hiển hiện nơi thân xác của chính Đức Giêsu.

Phêrô xuất hiện, và ông đã đáp trả lời trấn an của Thầy mình. Ông tin rằng đây không phải là một bóng ma, một phantasma, nhưng là chính Đức Giêsu Đấng đang gọi mời ông và các môn đệ. Phêrô bắt đầu bước xuống biển và đi trên mặt nước. Nhưng một lần nữa, ông lại sợ khi sóng to gió lớn nổi lên. Quyết tâm của ông bị chao đảo. Ông từ từ lún chìm trong dòng nước. Cho dù Đức Giêsu có nói hay không nói với Phêrô “ Sao kém tin thế”, thì Phêrô cũng đã gào lên với Chúa “Thưa Thầy, xin cứu con”. Đây là một động thái tổng hợp cả hai mặt: vừa nghi ngờ khiến ông bị chìm, vừa bày tỏ lòng tin như một phương sách cuối cùng. Lòng tin đó khởi dẫn ông tìm đến ơn cứu độ giữa lúc bị chìm dưới biển. Không phải chỉ Phêrô, nhưng tất cả những ai lúc đó đang ở trên thuyền, chứng kiến những sự kiện nói lên sự trọng thị đối với Đức Giêsu - chính xác hơn là sự tôn phục Ngài, chúng ta cũng như các tông đồ sẽ phải thốt lên “ Đúng Ngài là con Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã mặc khải  uy quyền của Ngài vượt trên sức mạnh thiên nhiên và khuất phục cả những mãnh lực làm chúng ta chảo đảo sợ hãi. Nhưng quan trọng hơn hết, Ngài khải thị cho chúng ta chính thần tính của Ngài và biểu tỏ sức mạnh có thể cứu lấy những gì đã hư mất.

Đa phần chúng ta chưa từng có kinh nghiệm về sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa sâu xa như các môn đệ, và trải nghiệm đức tin giống như các ngài đã kinh qua khi thắng vượt được sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi. Các ngài e rằng, mình có thể  rơi vào những ảo giác bên ngoài nhằm đánh lừa , và cái họ thấy trước mắt chỉ là một bóng ma đầy kinh khiếp. Vì thế, đây là mấu chốt khiến câu chuyện ma trong trình thuật Tin Mừng hôm nay trở nên khá thú vị. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng đến với chúng ta trong hình hài thân xác, hoặc giữa cơn bão tố, hay trong lúc chúng ta chao đảo đức tin. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta trong muôn vàn cách thái khác nhau. Ngôn sứ Elia đã đến một cái hang trên núi Horeb, ngọn núi của Chúa, để gặp Chúa. Nhưng Chúa không hiện diện trong cơn giông bão. Ngài không có mặt trong cơn động đất, trong núi lửa, nhưng Chúa đến trong “tiếng gió hiu hiu nhè nhẹ”. Sau khi Elia nghe những âm thanh nhẹ nhàng này, ông tiến ra đứng trước cửa hang để đón gặp Chúa. Trong sự thanh vắng sau cơn bão tố, Chúa đã xuất hiện , hoàn toàn tĩnh lặng giữa núi rừng. Thần khí của Chúa đã đến với Elia dưới một  một dạng thức thiêng liêng. Người ta có thể sánh ví , Ngài đến giống hệt như một bóng ma vậy.


 

6. Kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu

Thánh Phêrô đã kêu lên: "Lạy Ngài, xin cứu giúp con". Lời kêu xin thật ngắn gọn, và khẩn thiết để giúp Phêrô thoát khỏi sóng to gió lớn. Lời kêu cầu đó, Phêrô nhắm vào chính Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy noi gương Phêrô mà kêu cầu Chúa Giêsu, để Ngài ban ơn giúp ta đứng vững trước mọi khó khăn ở đời này và hưởng hạnh phúc ở đời sau.

"Lạy Ngài, xin cứu giúp con". Lời của Phêrô đã thốt lên trong sợ hãi, để xin Chúa Giêsu cứu giúp. Trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" Phêrô lo sợ, khi thấy mình nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng! ngay lúc đó Phêrô ý thức Chúa Giêsu đang hiện diện trước mặt ông và sẵn sàng cứu giúp ông. Cho nên, Phêrô đã kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu một cách dứt khoát và trông cậy vào Ngài. Nhờ đó, Phêrô được Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy và đưa lên ông thuyền bình an. Cho dù, đức tin Phêrô còn yếu kém, như Chúa Giêsu đã khiển trách ông: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi".

Trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, Danh Thánh Chúa Giêsu luôn vang lên mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh qua môi miệng của mọi hạng người khi gặp Ngài. Lời kêu cầu của họ thật ngắn gọn: như các thánh Tông đồ đã kêu cầu ngài cứu giúp khi thấy thuyền sắp chìm: "Lạy Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất". Hay người mù ăn xin nài nỉ: "Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy". Ngay khi Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá, danh Thánh của Ngài cũng vang lên qua anh trộm lành: "Lạy Ngài, khi vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi". Những lời kêu cầu đó, đôi khi chỉ vì sợ sệt hay muốn Ngài chữa lành bệnh mà thôi. Nhưng, tất cả đều tin rằng ChúaGiêsu sẽ giúp đỡ họ. Đối với Chúa Giêsu thì không từ chối một ai, sẵn sàng đón nhận và giúp họ nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống tại thế cũng như đời sống mai sau.

Chính Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã cảm nhận đều này. Thánh nữ luôn kêu cầu danh Thánh Chúa Giêsu mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh: khi gặp gian nan thử thách, đau khổ bệnh tật hay an vui hạnh phúc. Đặc biệt, khi đối diện với cái chết thánh nữ thân thưa: "Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa". Những lời kêu cầu đó như là một sức mạnh giúp ngài chấp nhận tất những gì xảy ra trong cuộc đời của thánh nữ. Cho nên, sau khi từ giã thế gian, nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi ngài như lúc còn sống.

Có thể nói, Danh Thánh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả những lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: "nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con". Cũng như, tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu "và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ". Đối với chúng ta, nhiều khi chưa nhận ra giá trị của việc kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu. Thực tế cho thấy nhiều người khi gặp thất bại, đau khổ, đã kêu Danh Thánh Ngài để trách móc: "Lạy Chúa Giêsu, tại sao để cho con đau khổ, bệnh tật" hay có người đã thốt lên: "Giêsu ơi! Tao đã thua mày". Đây là dịp chúng ta hãy xác tín rằng. Chúa Giêsu luôn hiện diện bên cạnh ta và sẵn sàng giúp đỡ ta trong mọi lúc mọi nơi, nếu chúng ta kêu cầu danh Thánh Ngài, cho dù đức tin của chúng ta con yếu kém: như Ngài đã phán: " Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Vì vậy, khi gặp gian nan thử thách, đau khổ, bệnh tật. Chúng ta hãy bày tỏ: "Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con. Xin chữa lành con". Chắc hẳn Ngài sẽ cứu chúng ta như đã từng đưa tay nắm lấy Phêrô; Ngài sẽ chữa lành cho chúng ta như từng chữa lành cho người cùi được sạch, người mù được sáng mắt. Đối Chúa Giêsu, Ngài luôn mở rộng bàn tay đón nhận những người tội lỗi biết ăn năn thống hối trở về, như đón nhận Giakêu hay hứa ban cho anh trộm lành được ở với Ngài. Như thế, khi chúng ta tội lỗi, xúc phạm đến Ngài hãy nói với cả con tim mình: "Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con". Cụ thể hơn, một chút nữa, trước khi rước lễ ta hãy ý thức những lời ta sẽ kêu cầu: "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh". Hơn nữa, khi ta làm việc, khi ăn uống, hay khi nghỉ ngơi...Chúng ta hãy thân thưa: "Lạy Chúa, xin làm việc cùng con,..."

Lời kêu cầu vào Danh Thánh Chúa Giêsu là con đường đơn giản nhất của việc cầu nguyện. Nếu chúng ta thường xuyên lặp đi lặp lại danh Thánh Ngài mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh với một tâm hồn khiêm tốn, tin tưởng, phó thác vào Chúa Giêsu, thì lời kêu cầu này không biến thành những lời lãi nhãi, những giúp chúng ta nắm giữ được Lời Chúa và nhờ lòng kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Vì, Chúng ta đã ý thức Ngài đang hiện diện và sẵn sàng giúp đỡ ta. Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ giúp ta luôn đứng vững trước sống to gió lớn của cuộc đời. Và khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta sẽ rạng rỡ môi cười như Thánh nữ Têsêsa: một nụ cười mãn nguyện. Đồng thời, Chúa Giêsu sẽ nói với mỗi người chúng ta như nói với anh trộm lành: "Ngày hôm nay con sẽ ở trên Thiên đàng với Ta". Amen.


 

7. Uy quyền – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tiên tri Êlia xuất hiện và làm nhiều việc phi thường tại miền Bắc Kinh Thành nước Israel dưới thời vua Ahab, vào thế kỷ thứ 9, trước Công Nguyên. Theo sách Các Vua, Êlia đã bảo vệ việc tôn thờ Thiên Chúa Yavê chống lại thần Baal thuộc xứ Canaan. Êlia đã thực hiện một số việc lạ lùng như cho kẻ chết sống lại, cho lửa từ trời xuống và được cất nhắc lên trời trong xe lửa. Trong sách Malachi, nói về sự trở lại của Êlia trước ngày Chúa quang lâm. Trong Tân Ước, có nhắc đến tên Êlia, khi người ta so sánh tiên tri Êlia với Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ông Êlia xuất hiện cùng với Môisen trong sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê.

Chúng ta không biết nhiều về tiểu sử đời tư của tiên tri Êlia. Tên Êlia có nghĩa là Chúa của tôi là Yavê. Tại Israel, khi vua Ahab và hoàng hậu Jezebel tôn thờ các thần dân ngoại và xây dựng đền thờ kính thần Baal. Baal là thần xứ Canaan, họ tin rằng thần này chịu trách nhiệm về việc làm sấm chớp, mưa bão và sương sa. Jezebel nhập cư các thầy tư tế và các tiên tri của thần Baal vào đất Canaan. Êlia cảnh cáo và thách thức vua Ahab và các đồ đệ của thần Baal là sẽ có hạn hán trong ba năm. Êlia cũng đã thách đố quyền lực của thần Baal trên của lễ toàn thiêu. Kết qủa thần Baal chỉ là hư danh. Êlia đã toàn thắng trước mặt chư dân, nhưng vì ghen tương, bà hoàng hậu Jezebel tìm cách trả thù, nên ông phải trốn chạy lên núi. Chúa đã nâng đỡ an ủi ông trong cơn khốn cùng: Chúa phán cùng ông Êlia rằng: Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xẻ núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa. Nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất (1Vua 19, 11).

Bài phúc âm hôm nay, sau khi Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, Chúa ở lại trong hoang địa để cầu nguyện. Thánh Matthêô viết: Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông (Mt 14, 25). Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Một sự kiện lạ lùng. Con người bình thường với sức nặng khi bước xuống nước sẽ bị chìm xuống. Ở miền Nam Do-thái, vùng Giuđêa có Biển Chết, nước rất mặn. Khi xuống nước tắm, chúng ta có thể nằm ngửa và thân xác sẽ nổi trên mặt nước và không cần phải cựa quậy chân tay. Khi đứng thì nhẹ nhàng nhưng nằm thì thân xác có thể nổi. Không ai có thể đi trên mặt nước. Trong một vài cảnh lạ quảng cáo trên truyền hình, đôi khi chúng ta cũng thấy có người đi trên mặt nước, nhưng phải cẩn thận quan sát vì có sự dàn dựng phía sau để che mắt thiên hạ. Cũng giống như tất cả các nhà ảo thuật, họ đều có kỹ năng chuyên môn để qua mắt bà con. Chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn ngọn của các sự việc cách cụ thể trên sách vở báo chí.

Chúa Giêsu đi trên mặt nước và đến với các tông đồ vào ban đêm: Chúa Giêsu nói với các ông rằng: Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ (Mt 14, 27). Các tông đồ là những người chài lưới rất quen thuộc với khung cảnh sóng biển. Khi thấy sự kiện lạ, các ông hoảng sợ. Đúng thế, ai mà không sợ chứ! Một phản ứng rất tự nhiên của con người. Các sự kiện lạ vượt ra ngoài qui luật của không gian và thời gian. Chúa Giêsu củng cố đức tin của các ông bằng các dấu lạ, để các ông nhận ra uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta thấy các tông đồ được chứng kiến nhiều phép lạ mà Chúa đã thực hiện, nhưng tới lúc nguy nan và khó khăn, đức tin của các tông đồ cũng vẫn bị lung lay và sợ hãi.

Ông Phêrô tính tình rất thật thà và nhiệt thành. Ông đã xin Chúa cho đi trên mặt nước, Chúa chấp nhận, nhưng: Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sấp mình xuống nên la lên rằng: Lạy Thầy, xin cứu con (Mt 14, 30). Phêrô là dân chài lưới. Ông sống trên sông nước và tắm lội hằng ngày, vậy mà khi gió thổi mạnh, ông chìm xuống và vội la lên, xin Chúa cứu. Đứng trước Đấng có quyền phép vô cùng, Phêrô cảm thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối. Ông cậy dựa vào tình thương của Chúa để xin cứu vớt. Có Chúa, con còn sợ chi ai. Tính tình của ông Phêrô rất bộc trực nhưng chân thành. Chúa Giêsu đã yêu thương và trao cho ông quyền trên các tông đồ. Chúa còn trao quyền cho ông cai quản Giáo Hội mà Chúa thiết lập. Chúa hỏi ông và ba lần ông đã tuyên xưng: Lạy Thầy, con mến yêu Thầy.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng đối diện với năm chìm bảy nổi. Nhưng các khó khăn và thất bại trong cuộc sống là những bài học giúp chúng ta sống trưởng thành hơn. Mới đây, trong một cuộc họp hàng tháng, chúng tôi đã chia sẻ về các vấn đề gây sự ưu tư trong cuộc sống đạo. Một linh mục chia sẻ rằng: Mỗi ngày cha đều dâng lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa, vậy mà sau ba mươi năm linh mục, cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu. Tính nào vẫn tật đó. Các tính xấu cứ lập đi lập lại. Lời chia sẻ rất chân tình. Hầu như ai trong chúng ta cũng thế. Tội đó đã xưng mười năm trước, nay vẫn còn tái phạm. Đôi khi chúng ta muốn sửa đổi và chừa tội, nhưng chỉ thay đổi và chừa cải được chút chút. Sau vài suy nghĩ, tôi tự an ủi rằng: Dù sao chúng ta cũng còn tiếp tục ở lại trong ơn nghĩa Chúa cho tới ngày hôm nay. Cũng giống như thức ăn thức uống giúp nuôi dưỡng chúng ta qua tháng ngày, nhờ từng bữa ăn bổ sức mà chúng ta còn sống khỏe tới ngày hôm nay. Tạ ơn Chúa.

Mỗi ngày sống là một ngày mới hoàn toàn. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa. Sống ngày hôm nay cho trọn vẹn. Ngày hôm qua có bị ngã, bị chìm thì sự việc cũng đã qua. Chúng ta không thể làm gì được với quá khứ. Bình sành đã bể là đã bể. Hàn gắn lại là việc của ngày hôm nay. Chúng ta không nên ngồi đó để phiền trách về quá khứ đã qua. Cái đã qua giúp chúng ta học hỏi nhiều kinh nghiệm để tiến thân và sống tốt hơn. Đừng chìm đắm trong qúa khứ, nhưng hãy vui sống giây phút hiện tại mà chúng ta đang có đây. Phêrô đã chìm xuống nước và vội la lên, xin Thầy cứu con. Nếu có khi nào chúng ta bị rơi chìm, thất bại và chán nản, hãy nhớ rằng chúng ta có Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng có uy quyền trên hết mọi tạo vật. Hãy thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin cứu con!.

Phần thưởng của cuộc sống là sự an vui và hạnh phúc. Khi con người nhận rõ vai trò, sứ vụ và cùng đích của cuộc đời, thì không còn phải lắng lo nhiều. Niềm tin sẽ dẫn dắt chúng ta hoàn thành sứ mệnh của con người trong cuộc lữ hành. Hãy tránh dần sự tranh chấp vô thưởng vô phạt để duy trì tình thân ái. Bỏ bớt cái tôi cao ngạo và dễ ghét, để cùng hòa đồng xây dựng sự hài hòa trong an bình. Tất cả mọi sinh hoạt đều qui hướng tạo niềm an vui hôm nay và ngày mai. Niềm vui lớn lao nhất của chúng ta là được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong niềm tin sống đạo và ân sủng của các Bí tích trong Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô, để đồng thừa hưởng gia nghiệp đã hứa ban. Không riêng gì dân Do-thái mà tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô: Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phụng tự và lời hứa (Rm 9, 4). Chúng ta sẽ được thừa kế gia sản ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành sẵn cho loài người qua Con Chúa Nhập Thể và cứu chuộc.

Lạy Chúa, Chúa là chủ của muôn loài muôn vật. Chúa có quyền sáng tạo, biến hóa và tái tạo. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con trở thành những mảnh đất phì nhiêu sinh hoa kết trái nhân đức tốt lành trong cuộc sống. Xin cho chúng con can đảm tin tưởng và dõi theo lối bước của Chúa. Hãy lắng nghe lời của Thầy Chí Thánh: Thầy đây, các con yên tâm, đừng sợ!


 

8. Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con

(Suy niệm của Lm. Anmai)

Liệu người ta có sống được không khi không có lòng tin? Câu trả lời dường như quá dễ dàng, người ta chết vì thiếu cơm thiếu gạo, thiếu chất dinh dưỡng hay thuốc men chứ có ai chết vì thiếu lòng tin!

Nhưng cứ thử hình dung, một đứa trẻ nếu không có lòng tin vào tình thương, vào trách nhiệm của cha mẹ mình thì dù có ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ mọi tiện nghi, thậm chí được học hành thì đứa trẻ ấy cũng chẳng bao giờ được sung sướng. Nếu sống như vậy nó chỉ là một đứa trẻ vất vưởng mồ côi, có lẽ trong số những trẻ bỏ nhà đi bụi đời nhiều em đã mang theo cõi lòng tan hoang như thế. Bình thường, ra khỏi cái thế giới của gia đình, một thiếu niên có thêm lòng tin mới, tin vào thầy cô bạn bè, nhà trường. Chúng đau khổ khi bị bạn bè chơi xấu, và đâu đó nhà trường đã biến thành thị trường, người dạy không vì chúng mà vì túi tiền của cha mẹ chúng nên chúng đã hỗn láo, hư hỏng hoặc lớn lên ra trường đi làm, chúng tìm mọi cách để tận thu lại với đời.

Vợ chồng mà không tin nhau thì dù nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm thì cũng chỉ là một sự "liên hiệp", và những cuộc hành lạc hợp pháp. Không niềm tin thì không thể có tình yêu, còn hạnh phúc càng là chuyện hoang tưởng.

Một cuộc sống thiếu lòng tin thì đó không phải là cuộc sống...

Chẳng hiểu làm sao mà ngày hôm nay con người sống trong một thế giới thiếu vắng lòng tin để rồi từ thiếu vắng lòng tin nó đã gây ra cho con người biết bao nhiêu là xáo trộn, biết bao nhiêu à bất an. Ngày hôm nay người ta phải đối diện với quá nhiều sự giả trá, sự gian tà để rồi không còn tin vào nhau như xưa nữa.

Nhan nhản, sách báo, tivi, các chương trình truyền thông đại chúng cho chúng ta thấy một cuộc đời thật ê chề, thật chán chường. Tất cả chỉ là những lời hứa hão huyền, những lời hứa cuội. Mới đây thôi, tuần qua, một sự kiện đáng nhớ của người dân Sài Gòn: cơn mưa chiều ngày 1 tháng 8 đã biến Sài Gòn thành một dòng sông. Do đâu? Do người ta hứa hẹn, người ta thiếu trách nhiệm để ma lo cho dân. Ngân sách rót ra cho chuyện sửa chữa cầu cống, ngập lụt đổ ra bạc tỷ, tiền ấy gom góp từ mồ hôi nước mắt của dân, vậy mà sau những trận mưa thì người dân hoàn toàn chịu trận. Chịu riết rồi chẳng còn ai tin vào lời hứa là sẽ lo cho dân, sẽ phục vụ dân nữa. Một lần, hai lần, ba lần người ta còn cố gắng chờ đợi để mà tin nhưng nhiều lần quá chẳng ai còn can đảm để mà tin.

Ngoài đường là như vậy, còn trong nhà thì sao? Trong nhà hình như cũng nhuốm một cái màu đen tối của sự mất niềm tin vào nhau. Ai cũng sợ sống sự thật, đối diện với sự thật để rồi người ta không còn đến với nhau thật lòng nữa. Chắc có lẽ từ cái lối sống "làm láo báo cáo hay" nó nhen nhúm vào trong con người ta khi nào mà người ta không hay để rồi ai cũng báo cáo, cũng "nổ" cũng tô son trát phấn về mình. Vì sao? Vì sợ người đối diện biết cái bộ mặt thật của mình nên người ta phải làm như vậy. Và khi làm như vậy đến một lúc nào đó cũng xuất đầu lộ diện thì thử hỏi còn ai dám tin vào nhau nữa?

Cay đắng, bi đát ở chỗ là con người, ai ai cũng thấy và cần sống với những người có niềm tin vào nhau nhưng rồi người ta cư xử với nhau làm sao đấy. Cứ thật thật giả giả lẫn lộn để rồi đi tìm một lòng tin nguyên vẹn hơi bị hiếm.

Đứng trước vấn nạn của lòng tin, chúng ta có lòng tin như thế nào với người xung quanh và người xung quanh chúng ta có tin chúng ta hay không? Cách riêng, người kitô hữu, người có Chúa thì sống lòng tin như thế nào?

Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lòng tin. Phêrô, là người đã từng theo Thầy mình đi rao giảng nhưng đụng chuyện Phêrô cũng chưa tin vào Chúa, vẫn ngờ vực Chúa. Qua thái độ ngờ vực của Phêrô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách móc ông. Chúng ta nhìn lại đời mình, chúng ta theo Chúa nhiều năm lắm, có người hai chục, có người ba chục, có người bốn chục... được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ủ ấp nhiều nhưng hình như chúng ta vẫn mang trong mình thái độ ngờ vực như Phêrô thì phải. Thế nhưng chuyện hay nơi Phêrô là sau bao nhiêu lần ngã lên vấp xuống nhưng cuối cùng Phêrô đã tin và sống chết với Thầy. Còn chúng ta, chúng ta sẽ sống sao với Thầy của chúng ta?

Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta đặt lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã theo Chúa nhiều năm nhưng hiện giờ lòng tin của chúng ta vào Chúa như thế nào? Chúng ta tin vào người đời hay tin vào Thiên Chúa.

Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta trong các thánh vịnh:

Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời

Thì hơn tin cậy ở người trần gian

Tin vào thần thế vua quan

chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời (Tv 117, 8.9)

Cuộc đời mỗi người chúng ta vẫn bị giằng co, vẫn đứng giữa cái ngã ba đường là dựa vào Chúa hay dựa vào thần thế vua quan, tin vào Chúa hay tin vào của cải vật chất? Đây không phải là chuyện đơn giản mà là chuyện chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật.

Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn lại tất cả các biến cố lớn bé từ khi cất tiếng khóc chào đời đến ngày hôm nay chúng ta thử hỏi xem ai đã quan phòng cho cuộc đời chúng ta? Ai yêu thương chúng ta? Ai là thành luỹ đời chúng ta? Ai là cùng đích đời chúng ta? Vậy mà chúng ta đã không dựa vào tình yêu, vào đấng quan phòng, vào thành luỹ, vào Chúa của đời chúng ta mà chúng ta cứ quanh quẩn mãi trong cái thế giới vật chất, trong cái thế giới mau qua chóng tàn này.

Tuần trước, khi đang giúp cho một đôi hôn phối do một cha trong Dòng nhờ bỗng dưng cô bé nói với tôi rằng: "Mẹ bạn trai con đi coi thầy rồi, phải là trong tháng 10 này phải cưới vì tuổi của con và tuổi của anh ấy chỉ cưới trong tháng 10. Nếu không thì chúng con phải đợi đến 3, 4 năm nữa mới cưới được!".

Tôi nghe xong tôi ngạc nhiên vì tôi biết rằng hai bên đều là đạo gốc, được học hành giáo lý nghiêm túc ở một giáo xứ lớn hẳn hoi mà nói với tôi như thế! Hoá ra là mẹ của chú rễ dù là người có đạo nhưng hình như chẳng còn tin vào Chúa mà tin vào ông thầy bói. Tôi bèn nói với hai bạn trẻ rằng tôi cảm ơn mẹ của chú rễ. Và, nếu được xin kính mời bà mẹ của chú rễ đến đây, dẫn tôi đến với ông thầy bói nào đó đã coi cho hai bạn. Tôi nói rằng:

Thứ nhất: tại sao ông thầy bói coi cho hai bạn được mà sao không coi tương lai cho ông như thế nào? Tại sao ông phải đi lượm bạc cắc từ những người nhẹ dạ và thiếu lòng tin vào Chúa? Nếu giỏi, sao ông không coi chiều nay xổ số ra số mấy để ông mua nguyên tập vé số để có nhà lầu xe hơi mà phải đi coi bói thế này?

Thứ hai: nếu được nhờ ông coi xem tương lai tôi có làm giám mục hay không? Nếu tôi làm giám mục tôi mời ông về ở trong "Toà" với tôi? Làm gì mà ông coi được? Ngay cái bản thân của ông ông không biết ông sống ngày nào, chết ngày nào sao mà coi được cho ai?

Và còn nữa về chuyện thiếu lòng tin vào nhau, thiếu lòng tin vào Chúa nên đến với bói toán. Nhất là các cô các chị. Đôi khi chồng mình mệt mỏi hay có vấn đề gì không chịu hỏi, chạy tới hỏi ông thầy bói và khi mở bài lên con đầm bích. Ông phán ngay cho một câu là chồng chị có một người nước da ngăm ngăm theo đuổi! Thế là về nhà mặt nặng mày nề với ông chồng mà không chịu hỏi thực hư!

Thời buổi ngày hôm nay người ta thường nói đùa với nhau là "lên cung trăng" rồi mà người ta còn tin vào bói toán. Thật ra số người tin vào bói toán ngày nay còn nhiều chứ không phải là ít, cách riêng là nữ giới. Vì nhẹ dạ, vì thiếu lòng tin và nhất là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa nên họ dựa vào bói toán là điều dễ hiểu. Lẽ ra trong những cơn gian nan thử thách của cuộc đời họ tìm đến Chúa, họ cậy vào Chúa nhưng không, họ đã tìm đến những con người tầm thường của thế gian.

Và như đã nói ở trên, cuối đời Phêrô hối hận về tất cả những gì mình làm buồn phiền Thầy mình nên Ngài đã làm lại tất cả những gì có thể được để minh chứng cho tình yêu của Ngài đối với Thầy Chí Thánh. Và với lời nguyện xin quen thuộc của Ngài khi Chúa Giêsu hiện ra sau khi Phục Sinh với mẻ cá lạ, mỗi người chúng ta trong từng phút từng giây của cuộc đời cũng biết thưa như Phêrô: "Lạy Ngài ơi thương đến! Xin củng cố giúp con! Này lòng tin con đây còn mỏng dòn non yếu! "Lạy Ngài ơi thương đến! Xin củng cố giúp con! Này lòng tin con đây hầu đã vỡ tan rồi" (bài Con tin thưa Thầy - linh mục Thành Tâm)

Khi và chỉ khi ta đặt niềm tin của ta vào Chúa như Phêrô thì cuộc đời ta mới bình an giữa muôn sóng sóng gió của cuộc đời này được.

Nguyện xin Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch của lòng tin đến và ở lại trên cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta luôn trao phó cuộc đời của chúng ta vào trong bàn tay của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào mà chúng ta đang sống.


 

home Mục lục Lưu trữ