Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1371134
ĐỪNG VỘI TRÁCH TÔMA
Đừng vội trách Tôma
(Suy niệm của Huệ Minh)
Khi bước vào cửa một ngôi thánh đường nào đó, đập vào mắt chúng ta đó là tượng Chúa Giêsu Phục Sinh, bàn thờ, hoa, nến... Tượng, hoa, nến... cũng còn xa với con mắt chúng ta. Gần hơn cả đó là những hàng ghế... có thể ngồi được, có thể sờ được và cảm nhận được và xác tín rằng đó là ghế, làm bằng gỗ, được đánh vécni màu nâu...
Nhờ vào những giác quan của con người mà chúng ta có thể xác nhận được đó là ghế và ghế là dùng để ngồi.
Thế nhưng, trong cuộc sống chúng ta, ngoài những cái chúng ta có thể sờ được, thấy được, ngửi được thì có những cái không thể sờ được. Ví dụ như tình yêu và niềm tin. Rõ ràng là con yêu cha yêu mẹ bao nhiêu ta không thấy, ta không cân đo đong đếm được tình yêu nhưng ai yêu nhau có thể cảm nhận được. Và, bên cạnh tình yêu còn có niềm tin. Ta có thể tin người này và không tin người kia. Niềm tin cũng chẳng thể nào kiểm chứng bằng cách sờ, ngửi, nắm được nhưng trong lòng ta xác tín và ta tuyên xưng.
Nói như thế, con người, ai ai cũng thích và cũng mong kiểm chứng được những gì trước khi ta nói là ta tin. Đó cũng là tính cách hết sức bình thường của con người.
Hôm nay, ta nghe lại câu chuyện cũng hết sức bình thường, hết sức đời thường của con người,
Nhiều người vội trách Tôma. Xin đừng trách Tôma.
Thử quay lại hình ảnh của Tôma. Hết sức bình thường bởi lẽ Tôma muốn kiểm chứng thầy mình đã Phục sinh như thế nào. Tám ngày sau, có Tôma ở đó và Tôma đã thưa với Thầy: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"
Khuất phục và tin!
Và sau đó, Chúa Giêsu nói: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"
Vâng! Vẫn là một lời mời gọi cho con người.
Dừng lại một chút để nhìn lại dòng chảy lịch sử cứu độ. Thiên Chúa vẫn can thiệp, Thiên Chúa vẫn cứu độ con người từng ngày từng phút từng giây... thế nhưng liệu rằng con người có tin hay không mà thôi. Niềm tin vẫn là điều gì đó mời gọi, bỏ ngõ cho con người.
Dừng lại để nhìn thấy một chút sự hiện diện của Thiên Chúa
Một người già khằng cú đế được chọn để làm cha cha dân của mình. Ai? Xin thưa đó là Abraham. Chẳng ai có thể tin được Abraham được chọn, được gọi để làm cha đẻ của lòng tin. Ở cái tuổi không còn làm được gì nhưng Thiên Chúa đã làm. Thiên Chúa bày tỏ tình thương của Ngài trên cuộc đời của Abraham. Tin không?
Một anh chàng vừa nhút nhát, vừa có cái tật nói ngọng lại được Thiên Chúa mời gọi để phát ngôn cho mình. Chẳng ai có thể tin được điều này nhưng rồi Thiên Chúa vẫn bày tỏ quyền năng của Ngài trên con người ngọng nghệu mang tên Môsê.
Một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong nhà đã được Thiên Chúa chọn, Thiên Chúa dùng để làm thủ lãnh hướng dẫn dân của mình. Ai? Xin thưa đó là anh chạng Đavit nhỏ bé có mái tóc hoe. Đavit đã đứng lên để làm người hướng dẫn dân Thiên Chúa.
Một anh chàng ngư phủ chối đạo và chối Thầy bây bẩy lại được Thiên Chúa chọn và gọi để làm cột trụ cho Giáo Hội, cho nhà của mình. Ai? Phêrô đã làm cột trụ vững chắc cho Giáo Hội. Ai có thể tin được không? Thiên Chúa đã làm như thế.
Để diễn tả tình yêu của mình cho nhân loại. Tưởng chọn khuôn mặt tai to mặt lớn, thế nhưng Chúa lại chọn Maria Mađalêna. Một khuôn mặt thế nào thì ít nhiều ta hiểu. Thế nhưng, Thiên Chúa đã dùng khuôn mặt này. Ai chấp nhận và ai tin. Thiên Chúa chấp nhận, tin và chọn lựa.
Một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Thiên Chúa. Ai đây? Thiên Chúa lại chọn một người chuyên bắt đạo: Saolô gốc thành Tác-xô.
Cái nhìn của Thiên Chúa hoàn toàn ngược cái nhìn con người.
Và, đó là quá khứ! Còn hiện tại thì sao?
Cách đây không lâu, còn mới và còn mới lắm.
Kỷ niệm đáng nhớ với Giáo Hội Hoàn Vũ trước thông tin Đức Thánh Cha Benedic 16 từ chức vì tuổi già sức yếu.
Lời xin từ chức đã để lại bao nhiêu lời đồn đãi cho cả và thiên hạ. Nào là thời này là thời cuối, nào là đây là ngày cùng tận … và giáo hoàng do ma quỷ đưa lên … Và rồi trước bao nhiêu lời đồn đãi thì vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, cả Giáo Hội và thế giới nữa đã sửng sốt trước tin Đức Phanxicô đắc cử.
Ngày hôm nay, khi nhìn lại lịch sử con người và nhất là lịch sử cứu độ, chúng ta thấy một Thiên Chúa vẫn sống, vẫn hoạt động và vẫn yêu thương con người theo cách của Ngài.
Với một Bênêđic quá sáng về sự khôn ngoan, biệt tài thì Phanxicô lại tỏa sáng bằng đời sống khiêm hạ và khó nghèo.
Nói ít nhưng đã sống và đã sống thật một cuộc đời đơn sơ và khiêm hạ.
Từ năm 1998, ngài là tổng giám mục của Buenos Aires, nơi tác phong của ngài khá khiêm nhường và gần gũi dân. Ngài sử dụng xe buýt, thăm viếng người nghèo, sống trong một căn hộ đơn giản và tự nấu lấy các bữa ăn. Với nhiều người tại Buenos Aires, ngài đơn giản chỉ là “Cha Jorge”.
Đức Thánh Cha đã chọn một chiếc xe đơn giản khi đi viếng Đức Mẹ và ngài cũng hạn chế tối đa số lượng người tháp tùng. Ngài mang đến một lẵng hoa đơn sơ để dâng kính Đức Mẹ và quì xuống cầu nguyện trong âm thầm. Trước khi rời Đền thánh, ngài đã chào và bắt tay các nhân viên phục vụ Đền thánh, và trên đường ra xe ngài cũng đã chào thăm mọi người đi đường. Nhận xét về buổi sáng đầu tiên của Đức Thánh Cha, cha Lombardi nhận xét: dọc lộ trình đi thăm viếng Đức Mẹ và ghé thu dọn đồ đạc ở nhà trọ, Đức Thánh Cha đã gây ngạc nhiên cho nhiều người bằng cử chỉ đơn sơ và tình cảm. Từ nhân viên Đền thánh, nhà trọ, cho đến những em học sinh đang đi học khi bất ngờ gặp Đức Thánh Cha trên đường đều cảm nhận được sự ân cần và thân thiện của Đức Thánh Cha.
Đức Giáo Hoàng muốn giải thích rõ tại sao Ngài chọn tên Phanxicô. Ngài nói rằng trong lúc cuộc kiểm phiếu cho thấy Ngài gần được bầu làm Giáo Hoàng, một người bạn của Ngài là Hồng y Claudio Hummes của Brazil ôm Ngài và nói với Ngài là đừng quên người nghèo. Tân Giáo Hoàng cho biết câu nói đó làm Ngài nghĩ tới Thánh Phanxicô thành Assisi, là người tận tụy phục vụ người nghèo suốt đời và là biểu tượng của hòa bình và khổ hạnh, và đó là lý do tại sao Ngài chọn tên Phanxicô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói Thánh Phanxicô “muốn một giáo hội cho người nghèo,” và đó cũng là điều Ngài muốn.
Hết sức tuyệt vời khi một xã hội, một thế giới quay cuồng với địa vị, với vật chất, với hưởng thụ... Đức Thánh Cha Phanxicô đã sống nghèo thật sự, đi theo con đường nghèo của Chúa Giêsu đã đi.
Thiên Chúa đã làm những điều mà con người không bao giờ nghĩ tới.
Tin hay không tin đó là chuyện của con người.
Trở về với bản thân chúng ta, cuộc đời chúng ta.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã, đang và mãi mãi ở trong cuộc đời chúng ta đó thôi. Thế nhưng mà chúng ta đâu có nhận ra Ngài. Không chỉ Tôma, các môn đệ mà biết bao nhiêu chứng nhân của Giáo Hội đã tuyên xưng niềm tin Phục Sinh.
Phần chúng ta? Niềm tin vào Chúa Phục sinh nay đang ở đâu? Lòng chúng ta còn chỗ cho Chúa Phục Sinh hay không hay là chúa nào đó đã lấp đầy?
Nhìn lên, thật sự thì chúng ta không bằng ai, không bằng nhiều người thật nhưng thật sự khi nhìn xuống, chúng ta hạnh phúc, chúng ta may mắn hơn nhiều người.
Mới đây vài hôm, có việc vào bệnh viện Tai Mũi Họng và thấy nhiều và nhiều người nghèo đau bệnh lê lết ở trong bệnh viện. Giữa những cơn nóng gắt chảy mồ hôi dù mới chớm vào hạ đã đủ làm cho con người mệt mỏi cộng thêm với bệnh hoạn nữa thì quả là cay đắng.
Có trẻ mới lên 3 lên 5 thôi nhưng 2 tai của bé đều không nghe được. Cha mẹ của cháu đã cố gắng chạy chữa để gắn máy nghe cho cháu ở phía bên trong của lỗ tai với cái giá cao ngất ngưỡng.
Có trẻ vừa mới lớn đã ung thư vòm họng và điếc hoàn toàn.
Chúng ta quá may mắn, chúng ta hạnh phúc hơn nhiều người. Dù bệnh đi chăng nữa nhưng chúng ta vẫn có một mái ấm, vẫn còn có chỗ tựa nương và người này người kia chăm sóc. Những bệnh nhân ở quê nghèo dắt díu vào bệnh viện sao mà thương quá! Quần áo cũng chẳng có chỗ mà phơi, cơm cháo bữa no bữa đói.
Mới vài hôm thôi, vào viện Nhi Đồng thăm con của người bạn bị đau. Xa xa cánh cổng bệnh viện thấy người ta xúm lại xung quanh một thùng cháo. Hỏi ra mới biết đây là lòng thơm thảo của một gia đình kia, bữa thì cơm, bữa thì cháo, ngày nào đến thì có 250 phần cho người nghèo. Bảo vệ của bệnh viện không cho phát ở cổng bệnh viện nữa nay nhóm thiện nguyện bèn phải đi ra xa một chút để không bị … đuổi.
Chắc có lẽ chúng ta may mắn chưa phải xếp hàng trong số 250 người chờ lãnh phần cháo ở trước cổng bệnh viện Nhi Đồng như thế.
Hay là chúng ta chưa phải lê lết ở trong trung tâm ung bướu để chờ chữa bệnh hay cũng chờ những xuất cơm từ thiện.
Chúa thương chúng ta nhiều, Chúa ban cho chúng ta quá nhiều ơn và Chúa bao bọc cả cuộc đời của ta nhưng ta có thấy Chúa trong đời ta đâu. Một lớp tiền, một lớp danh vọng, một lớp quyền lực dày đặt nó đã bao phủ con mắt chúng ta, phủ lấp cả cuộc đời chúng ta để rồi làm sao chúng ta có thể thấy Chúa Phục Sinh đến trong đời ta được.
Đáng tiếc thay của đời, quyền lực và danh vọng tất cả cũng chỉ là phù vân giả tạo mà thôi.
Chúa đã sống và vẫn sống trong đời ta nhưng liệu rằng ta có nhận ra Ngài hay không mà thôi
Niềm tin vào Chúa Phục Sinh vẫn bỏ ngõ, vẫn mở ngõ trong cuộc đời của ta.
Ta đừng vội trách niềm tin của Tôma nhưng ta hãy cúi mình lặng lẽ nhìn lại niềm tin của ta. Ta đã tin vào Chúa được bao nhiêu và ta đã tín thác vào lòng thương xót Chúa được mức nào.
Hôm nay, Giáo Hội kính lòng thương xót Chúa như nhắc nhớ ta về lòng thương xót bao la mà Chúa đã tuôn đổ trên đời ta. Ý thức như vậy để ta trân trọng tình thương của Chúa dành cho ta và ta cũng chia sẻ lòng thương xót Chúa cho anh chị em đồng loại sống quanh ta.
2. Bình an của Chúa
(Suy niệm của Huệ Minh)
Tin mừng Ga 20: 19-31: Tin Mừng hôm nay thánh Ga cho thấy, sau khi Đức Giê-su bị bắt, bị xử tử và được an táng, thì tình trạng của các môn đệ thật đáng thương: các ông luôn ở trong tình trạng sợ hãi...
CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Nếu mà cộng đoàn để ý một tí thì, các linh mục khi mà mở đầu thánh lễ thì các linh mục chào: Chúa ở cùng anh chị em hoặc là cái lời chào nó long trọng hơn một tí nữa là:Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em! Nhưng mà lễ nào Đức Giám Mục chủ Tế thì ngài không chào như các linh mục chào, mà ngài lại chào là: "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em."
Cái lời chào “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” đó chính là lời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ. Sau khi Phục sinh CHÚA Giêsu gặp các môn đệ Chúa Giêsu nói: " Bình an cho các con. "
Với người Do Thái thì họ vẫn dùng cái từ Salon để mà chào nhau. "Salon" nghĩa là "bình an". Nhưng ở đây cái bình an Chúa Giêsu nói: "Bình an cho các con."
Và cái lời chào của Chúa Giêsu chào các môn đệ không phải là lời chào xã giao như là mọi người vẫn chào nhau. Nhưng, lời chào "Bình An" này là một Ân ban, là Quà Tặng của Chúa Giêsu phục sinh.
Và rồi mỗi người chúng ta đến nhà thờ để mà đón nhận cái ơn bình an đó! Ai trong chúng ta, dù có nói ra hay không nói, vẫn mong cho mình được cái ơn bình an cho cá nhân, cho gia đình, cho họ hàng, cho làng xóm, cho họ đạo.
Và rồi, Chúa Giêsu chào ban "bình an" đó cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho các Môn Đệ xem tay và cạnh sườn. Mà chúng ta thấy lúc này, cái bàn tay nó đâu còn đẹp đẽ nữa! Bàn tay đã bị đóng đinh, Bàn tay đã bị rách nát rồi! Và cạnh sườn đã không còn nguyên vẹn nữa. Cạnh sườn đã bị lưỡi đòng đâm thấu cạnh nương long. Khi Chúa Giêsu bị chết treo trên thập giá.
Chúa Giêsu Kitô phục sinh muốn cho các môn đệ xác tín rằng Ngài sống lại thật, chứ không phải là ma. Và rồi Mỗi người chúng ta nghĩ như thế là đúng, bởi vì nếu Chúa Giêsu không phải là Chúa Giêsu phục sinh sau khi chịu chết thì tay chân lành lặn. Và cạnh sườn thì cũng chẳng có bị lỗ nào cả. Và các bài tường thuật về Chúa Giêsu đều bao hàm hai ý tưởng rằng: Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết để đào sâu cái ý nghĩa của Mầu nhiệm Phục Sinh. và rồi chúng ta thấy Cái mầu nhiệm phục sinh này nó đã giằng co, cũng như đặt ra trước mặt mọi người sự lựa chọn trả lời niềm tin của mình.
Sự kiện của Chúa Giêsu phục sinh này đã làm cho người ta suy nghĩ, và đã làm cho một số người không tin. Để rồi có những người, họ moi ra bản dịch kinh thánh gọi là tác động của Tin Mừng theo Thánh Giuđa có từ thế kỷ thứ I.
Thì đại khái là cái bảng Tin Mừng này thì nói rằng là: Chúa Giêsu không phải chết và Phục Sinh, Chúa Giêsu bỏ đi sang Ai Cập và có gia đình.
Rồi với cái tiểu thuyết rất là hấp dẫn Mật Mã Da Vinci, không chỉ là viết mà còn làm phim nữa! Gây ảnh hưởng xấu và cũng như làm lung lay niềm tin của nhiều người.
Có mấy người hỏi là: cha ơi con xem phim đó thì thấy hay đúng!
A! thì ra là hay và cũng đúng thôi! Bởi lẽ đó là một cái cuốn tiểu thuyết trinh thám, mà có nhiều chi tiết hấp dẫn. Tác giả muốn nói với mọi người rằng là chúng tôi dựa trên những sự kiện có thật. Có thật đến độ mà người ta nói rằng: Chúa Giêsu có bà Maria (Maria Mácđala) làm bạn đời! và rồi sau đó có con cái, và nhiều chuyện khác nữa!
Rồi cái sách Tin Mừng theo Thánh Giuđa đó! Theo Giuđa đó thì Ngài bỏ Do Thái sang Ai Cập, có gia đình. Rồi làm cho người đọc rất là hoang mang, bởi vì họ không chân nhận là Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết. Thế nhưng ngược lại với những cái lời đồn, những lời chất vấn, gây hoang mang đó! Các Môn Đệ khẳng định rằng: CHÚA Giêsu đã sống lại thật!
Khi mà Chúa Giêsu cho các môn đệ xem cạnh sườn, xem bàn tay thì Ngài muốn nói rằng: Đấng chịu đóng đinh và Phục Sinh chỉ là một.
Và điều đó muốn gợi lên Niềm tin của mỗi người chúng ta về Chúa Giêsu phục sinh đó là: "Nếu không có khổ nạn thì sẽ không có phục sinh." Và “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì sẽ không có sinh hạt.”
Và cái Bình an mà Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ không phải là bình của thế gian. Bình an của thế gian là gì? Bình an của thế gian, nhiều người người ta quan niệm rằng: bình an đó là làm sao tìm cho thật nhiều tiền, tìm cho được nhiều của cải. Và người ta cho đó là bình an. Và ngay như trong Tin Mừng, có một người phú hộ tự nhủ rằng là linh hồn ta cứ an vui thoải mái, sống hưởng thụ thôi! Nhưng mà, Chúa bảo đó là người ngu. Bởi vì: ngay đêm nay Chúa lấy linh hồn của ngươi thì sao? Và đó là cái kiểu bình an của thế gian đó!
Bình an của thế gian là tích lũy quyền lực, có nhà cửa, có người bảo vệ, có người lo lắng, có người cơm bưng nước rót. Thế nhưng xét cho bằng cùng, cái bình an đó không có bình an, nên họ phải lo lắng họ phải kiếm người này người kia canh giữ cho họ!
Và chúng ta thấy trong cuộc sống những người đó đầy những tính toán làm hại người khác, sao có sự bình an được! Càng giàu có thì dường như càng bất an, bởi vì sợ bệnh hoạn tật nguyền đến thì của cải vật chất ai sẽ xài.
Và trong bằng chứng của cuộc đời, nhiều người giàu có lắm! Nhưng mà vẫn không kéo dài được cái sự sống của mình bởi vì bệnh hoạn nó ập đến. Ngược lại những người nghèo khi bệnh hoạn ập đến nhưng họ cảm thấy bình an, bởi vì họ có Chúa là nguồn sống, là nguồn vui của họ, và họ nói rằng là không có cái gì có thể cướp được sự bình an đó! Bởi vì họ đã cảm nếm được sự bình an từ ĐỨC Giêsu Kitô Phục Sinh.
Và chúng ta đón nhận sự bình an mà của Chúa Giêsu Kitô phục sinh đến với chúng ta, khi chúng ta biết mở lòng ra đón nhận và đón nhận trong tình yêu thương trong sự bỏ mình để qua con đường thập giá, qua con đường khổ đau thì chúng ta được nhận cái sự bình an của Chúa.
Chúng ta thấy các môn đệ, khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, khi Chúa Giêsu bị đánh đòn, các Môn Đệ dường như đã bỏ đi hết. Chỉ còn một mình Mẹ Maria và Gioan ở dưới chân cây thập giá, các môn đệ thân tính bỏ đi hết. Nhưng rồi, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, CHÚA Giêsu đã hiện ra cho các môn đệ, lòng trí và cuộc đời cũng như chí hướng, cũng như tất cả cuộc đời của các môn đệ đều thay đổi. Tất cả các môn đệ đều không sống cho chính mình nữa.
Như Thánh Phaolô nói: Tôi sống mà không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi!...Không ai có thể tách được tình yêu của tôi với Đức Kitô, dù gian truân, dù là chiều cao, chiều sâu, dù là chiều rộng, muôn chiều sâu, dù là thần phù, thần chết... không tách được tình yêu của chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô. Và Ngài coi mọi sự là rơm rác, để đạt được cùng đích là Đức Kitô. và chính thánh Phêrô, cảm thấy nhục nhã và không dám chết như thầy là đóng đinh bình thường, nhưng xin cho được chết ngược để đền bù về những tội lỗi, những yếu đuối, những bất xứng của mình.
Niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh đã khởi đi từ các môn đệ. Để từ 12 môn đệ niềm tin phục sinh ấy vẫn cứ lan mãi trong cuộc đời của chúng ta.Qua đâu khổ, trong qua đau khổ, với đau khổ các môn đệ vẫn được bình an. Có sức mạnh Thánh Thần của Đức Kitô Phục sinh trong cuộc đời bởi vì có sự bình an thật của Đức Kitô Phục sinh trong cuộc đời của mình.
Mỗi người chúng ta vẫn yếu đuối trong cái thân phận làm người của mình. Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta, để Dẫu rằng, chúng ta sống trong đau khổ, chúng ta bệnh hoạn tật nguyền, nghèo khổ thiếu thốn, nhưng chúng ta có Đức Kitô phục sinh như các Môn Đệ, thì chính cái sự bình an của Đức Kitô phục sinh thì không ai lấy đi được. Và chính cái sự bình an đó là bình an đích thực mà mỗi người chúng ta cần đến.
Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là Đấng ban bình an ngày xưa cho các môn đệ, thì cũng đến ban bình an cho chúng ta. Để rồi có Ngài trong cuộc đời, chúng ta luôn luôn bước đi trong bình an. Dẫu rằng, cuộc đời của chúng ta vẫn còn đó những khổ đau, những thử thách, những sóng gió. Amen.
3. Bình an
Bình an là một khát vọng của con người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thế nhưng, có lẽ chưa bao giờ nhân loại được hưởng một sự bình an toàn dien. Người ta có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh, có thể áp đặt một nền hòa bình và có thể ký kết những bản hòa ước. Nhưng không ai hiểu thấu được lòng người, để có thể đem lại một sự bình an vào tận cõi thẳm sâu ben trong, bởi vì ít ai có được sự bình an đích thật ngay trong cõi lòng mình, đễ rồi có thể chia sẻ cho người khác.
Con người chỉ có thể kiến tạo sự hòa bình bên ngoài, nhưng không có khả năng chế ngự, điều khiển được những đợt sống ngầm vẫn sôi sục ở đáy lòng. Vì thế, hòa bình trên thế giơi từ trước cho đến nay thường chỉ là một nền hoàn bỉnh giả tạo và mong manh. Dĩ nhiên, có được nền hòa bình ấy vẫn còn tốt hơn là không chi, hay chỉ biet lao mình vào lửa đạn chiến tranh.
Sự bình an mà Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại không phải là loại bình an đó, nhưng là một sự bình an của chính tâm hồn, mà Ngài đã có được khi chến thắng tội lỗi, bằng cái chết của Ngai trên thập giá. Sự bình an của Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng, khi chấp nhận hy sinh mạng sống cho chúng ta. Nói cách khác, đó là sự bình an mà Chúa Giêsu đã có thể chia sẻ cho chúng ta, sau khi Ngài đã thực sư chia sẻ chính mình Ngài cho chúng ta. Sự bình an của Đấng giờ đây cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, vì không còn thuộc về mình, nhưng đã thuộc trọn về những người mình yêu thương. Thánh Phaolô gọi đó là sự bình an của thập giá, và như lời thánh tông đồ đã xác quyết: Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại sự bình an cho muôn loài dướt đất và muôn vật trên trời.
Như vậy, bình an của thập giá là bình an của Đấng đã lấy chính máu mình làm phương tiện thiết lập giao ước mới, hay có thể nói một cách cụ thể hơn, đó là chất keo dính, gắn bó nhận loại vơi Ngài và găn bó nhân loại với nhau. Nói khác đi, Chúa Giêsu đã lấy cái chết của mình để xoa bỏ tội lỗi, đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét, khiến cho nhân loại từ nay được hỏa giải với Chúa và trở nên một thân thể duy nhất.
Như vậy, nhờ thập giá, Chúa Giêsu đã hòa giải nhan loại với Thiên Chúa, cũng như đã hòa giải nhân loại với nhau, từ đó phát sinh ra sự bình an chân thật. Chính vì thế, để có được sự bình an Chúa trao ban, chúng ta cũng phải sống tinh thần hòa giải. Hòa giải với Thiên Chúa bằng cách xóa bỏ mọi tội lỗi, cũng như hòa giả với anh em bách cách xóa bỏ mọi hận thù. Và như chúng ta thường xác quyết: Sự bình anh chính là hoa trái của việc hòa giải với Thiên Chúa và với anh em.
4. Hãy năng chạm vào Lòng Thương Xót Chúa
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu đã mặc khải với Thánh Faustina. Qủa thế, năm 1980, với tông thư “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chọn Chúa Nhật II Phục sinh là ngày kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót Chúa.
Khi nói đến Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), Thánh Kinh Cựu ước viết: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Ngài đã làm ra” (Kn 11:24). Hay “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31:3)… Còn Tân ước thì kể: dụ ngôn về đứa con hoang đàng (Lc 15,14-32), dụ ngôn Con Chiên Lạc (Lc 15,4-7) và dụ ngôn Đồng Bạc Bị Mất (Lc 15,8-9)… Nhưng, tựa trung LCTX được mặc khải qua cái chết và Phục sinh của Chúa Giêsu, có nghĩa là LCTX của Chúa thể hiện nơi mỗi người chúng ta đó là ơn tha thứ và cứu độ.
Qủa thế, Chúa Giêsu thực hiện LCTX bằng việc “thi ân giáng phúc, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (Cv 10,38), “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35), cho kẻ chết sống lại (Ga 11,1-44) và rồi chính Ngài Ngài để mình bị bắt, bị đối xử tệ, bị kết án, bị đánh đòn, đội vòng gai, bị đóng đinh vào Thập giá, chết và sống lại. Như vậy, Thập giá và phục sinh của Chúa Giêsu là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa muôn đời dành cho con người. Qủa thế, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Cho nên, Lòng Thương Xót Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tin vào Chúa Con bị đóng đinh, chịu chết và sống lại là được thấy Chúa, vì Chúa đã sống lại và chúng ta cũng sẽ được sống (Ga 14,9), nghĩa là tin tình yêu đó hiện hữu trong thế giới này sẽ làm cho chúng ta được cứu độ ngay đời này và đời sau. Cứu độ là gì? Cứu là cứu lấy, độ là đưa qua. Chúa cứu chúng ta tội lỗi đưa ta đến sự thánh thiện, Chúa cứu lấy cái chết phần hồn đưa ta đến phục sinh cả hồn lẫn xác.
Cụ thể, trang Tin Mừng hôm nay kể Chúa Giêsu tỏ các vết sẹo tình yêu Chúa, tức là các vết sẹo của LTXC ngang qua cho các tông đồ, đặc biệt ông Tôma đã xem tận mắt và tận tay đụng vào những vết sẹc của Chúa. Người ta nói: “tốt khoe, xấu che”, hơn nữa theo tâm lý thường tình khi nhìn lại những vết sẹo, gợi lại nỗi đau đớn khổ sở nên chẳng ai muốn nhìn, chẳng ai dám khoe, ấy vậy mà Chúa Giêsu hôm nay khoe, tại sao? Vì đưa xem vết sẹo tình, Chúa Giêsu mời chúng ta đụng vào trái tim Đức Giêsu, một Chúa có trái tim đầy tình yêu tha thiết, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu. Cho xem và đụng vết sẹo tình là cho biết và đụng vào Chúa Giêsu Phục sinh đang hiện diện giữa họ cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá, máu và nước đổ ra để chúng ta được chữa lành, biến đổi tận cân từ tâm hồn ra thể xác nhờ tình yêu và quyền năng của Chúa. Xem và đụng vào sẹc tình là đụng đến Chúa phục sinh, chính nguồn bình an đương nhiên, chúng ta cũng chạm và có được bình an của Chúa. Xem và đụng vào sẹo tình là đụng đến Chúa phục sinh, tin vào Ngài chúng ta sẽ được phục sinh đồng hình đồng dạng và đồng tư tưởng, lời nói và việc làm như Ngài.
Cho nên, bài đọc 2, Thánh sử Gioan nói: “Ai tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1 Ga 5:1). Chúng ta được Thiên Chúa tái sinh, vậy chúng ta phải yêu thương yêu thương nhau, nếu không thì chúng ta là những người ích kỷ và nói dối. Yêu thương cũng là thương xót. Vì vậy, Thánh Gioan nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Ngài. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian” (1Ga 5,2-4). Vì vậy, chẳng lạ chi, bài đọc hai kể “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”.
Vậy, LTXC thật tuyệt với biết bao! Chúng ta được tận hưởng LTXC thì chúng ta phải thực thi LCTX với tha nhân: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32). Trong tâm tình đó, Tông đồ Giuđa gởi lời chúc tới tất cả chúng ta: “Chúc anh em được đầy tràn lòng thương xót, sự bình an và tình thương” (Gđ 1,2), và “hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (Gđ 1,21).
Cho nên, ngày 13 tháng Ba 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20-11-2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ. Với “Năm Thánh Lòng Thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót.
Đức Kitô phục sinh là hiện thân cuối cùng của LCTX, dấu hiệu sống động trong lịch sử nhân loại cho đến tận thế. Xin cho mỗi người chúng biết chạy đến đụng chạm vào LTXC qua việc sống Lời Chúa và Rước Mình Máu Ngài để được Chúa xót thương chữa lành hồn xác chúng ta hằng ngày. Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin thương xót chúng con. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin Thánh Faustina và Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng đỡ chúng con luôn. Amen.
5. Sai đi
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, không phải chỉ để an ủi và củng cố niềm tin của các ông sau những giây phút kinh hoàng của cuộc thương khó, mà còn trao ban cho các ông một quà tặng và một sứ mạng. Vay quà tặng ấy là gì? Sứ mạng ấy là gì?
Quà tặng ấy trước hết là niềm vui. Đây không phải là một niềm vui dễ dãi, hời hợt, nhưng là một niềm vui sâu sắc, đằm thắm mà người ta chỉ có thể đạt được, sau khi đã vất vả khó nhọc làm một điều tốt. Nó giống như niềm vui của một người trồng lúa khi mùa gặt đến, niềm vui của một bà mẹ lúc sinh con.
Tiếp đến quà tặng ấy là sự bình an. Đây chính là kết quả của một cuộc chiến đầy cam go với tội ác, để rồi sau cùng đã được hoà giải với Thiên Chúa, cũng như với anh em.
Sau hết quà tặng ấy còn là chính Chúa Thánh Thần như lời Ngài đã phán: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, các ông nhận lấy Chúa Thánh Thần cũng như một số quyền hành khác nữa, không phải để hưởng thụ một mình, mà còn phải chia sẻ với anh em hầu chu toàn sứ mạng đã được trao phó đó là sai đi.
Đúng thế, các tông đồ ngày xưa cũng như Giáo Hội ngày nay đã nhận được sứ mạng đi tới với con người để cứu vớt họ. Trải qua dòng thời gian, các tông đồ cũng như Giáo Hội không ngừng khi khắp thế giới, gặp gỡ con người thuộc mọi chủng tộc, thuộc mọi ngôn ngữ, thuộc mọi nền văn minh cũng như thuộc mọi thể chế chính trị, để minh chứng rằng Đức Kitô đã phục sinh. Ngài đang sống và Ngài là Đấng cứu độ. Giáo Hội cố gắng xoá bỏ khoảng cách giữa Phúc Âm và nhân loại, giữa Đức Kitô va con người, đồng thời cố gắng hiện diện với mọi người, để qua hành động của mình, người ta sẽ cảm thấy có Đức Kitô hiện diện với họ.
Do đó một câu hỏi quan trọng cần phải được đặt ra cho mỗi người chúng ta, đó là: Qua đời sống, cũng như qua hành động, liệu chúng ta có ra sức làm cho Đức Kitô hiện diện với những người đang cùng sống chung với chúng ta hay không? Liệu chúng ta có đem tinh thần của Ngài vào trong môi trường chúng ta đang song và trong những sinh hoạt chúng ta đang thực hiện hay không? Vậy chúng ta rao giảng Đức Kitô phục sinh bằng những cách nào? Dĩ nhiên không phải chỉ bằng lời nói, mà hơn thế nữa, cách hữu hiệu hơn cả đó là làm chứng bằng chính cuộc sống và hành động. Bởi vì gương sáng và việc làm của cuộc sống bao giờ cũng có tính cách hấp dẫn và lôi cuốn đối với những người xunh quanh.
Và để kết luật tôi xin gợi lại nơi đây tư tưởng của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông huấn về việc Loan báo Tin Mừng, ngài viết như sau: Đối với Giáo Hội, phương thế Phúc Âm hoá thứ nhất vẫn là làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu đích thực, tức là sống phó thác cho Thiên Chúa, đồng thời cũng là hiến thân cho anh em bằng một lòng nhiệt thành không giới hạn.
6. Đức tin là một ân ban của Lòng Thương Xót Chúa
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.)
Người Công Giáo Việt Nam chúng ta thường hay nhận xét một biến cố hay một nhân vật nào đó, ít có mấy người để ý đến điều đang tiềm ẩn đằng sau những mặt nổi hay chiều sâu bên trong nơi những con người mà ta nhận xét. Vì thế, nhiều khi chúng ta khá chủ quan để kết luận một vấn đề, nên dễ dẫn đến chuyện đóng khung sự kiện hay đối tượng mà ta đánh giá trong một khoảng tham chiếu rất phiến diện dựa trên chuẩn mực mà chính ta đưa ra….
Với thánh Tôma mà hôm nay Tin Mừng nhắc đến, ngài cũng chịu sự nhận xét khá tiêu cực của nhiều người trong chúng ta, qua cái nhìn và lối suy diễn rất hiện sinh: “Tôma, vị Tông đồ cứng lòng tin”.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng Lời Chúa và ân sủng do lòng thương xót của Người, chúng ta nhận thấy một điều quan trọng nơi câu chuyện Tin Mừng ngang qua nhân vật và cách biểu cảm của thánh Tôma.
1. Tiến trình căn bản của đức tin
Đức Tin là một ân ban của lòng thương xót Chúa cho ai thì người đó được. Điều này đã được Đức Giêsu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha khi nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Quả thật, không phải ai muốn mà được, nhưng còn phải được chính Thiên Chúa là người dẫn lần ta đến với đức tin như chính thánh Phaolô đã viết: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).
Tuy nhiên, đức tin ấy không thể trưởng thành mà không có môi trường, không có cộng đoàn. Vì thế, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được lãnh nhận hồng ân đức tin ấy trong tương quan và ngang qua cộng đoàn.
Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở một bầu khí đức tin cộng đoàn thì chưa đủ, mà nó lại phải trở về với mối tương quan cá vị giữa ta với Chúa, để đức tin của chúng ta mang tính cá biệt với Thiên Chúa, rồi sau đó trở về hòa nhập với cộng đoàn để được lớn mạnh.
Đây cũng là tiến trình đức tin của Tôma mà Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta.
Niềm tin của thánh nhân vào Đức Giêsu, Đấng Phục sinh được khai mào từ lời chứng của cộng đoàn: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" (Ga 20,25). Đây là lời klhẳng định của các Tông đồ khi Tôma vắng mặt trong biến cố Đức Giêsu hiện ra với các ông vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi sống lại từ cõi chết.
Với Tôma, một người hiện sinh về việc tìm tòi cốt lõi của vấn đề, thì lời chứng của cộng đoàn chỉ đóng một vai trò dẫn đường để đưa ngài tới chỗ chính mình phải là người chủ động cảm nghiệm trực tiếp vấn đề mang tính cá vị: "Nếu tôi không thấy tôi không tin" (x. Ga 20, 25). Qua câu nói này của thánh Tôma, chúng ta nhận thấy ngài là một con người ngay thẳng, chân tình và rất thực tế.
Chính vì điều này mà Đức Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót đã mặc khải trực tiếp khi tỏ tình thương đối với vị Tông đồ này cách đặc biệt sau 8 ngày.
Quả thế, khi hiện ra với các Tông đồ lần này, Đức Giêsu đã nhắm thẳng vào Tôma, nên Ngài đã lên tiếng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27). Đứng trước lòng thương xót của Đấng mà thánh nhân đang đi tìm, ngài đã không dám thực hành điều đã nói với các Tông đồ là: sỏ tay vào vết đinh, thọc tay vào cạnh sườn…, mà ngay lập tức, ông đã quỳ mọp xuống và tuyên xưng niềm tin của mình các mạnh mẽ mang tính cá vị và tuyệt đối: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20, 28). Đây là đỉnh cao của lời tuyên tín Phục Sinh nơi Tôma.
Nhờ vào lòng thương xót của Đức Giêsu cách đặc biệt, nên cũng từ đây, Tôma nhận ra một chân lý rằng: tin rồi mới thấy cách trọn vẹn. Thấy Đấng Phục Sinh thì cũng thấy Đấng là Thầy của mình trước đó. Thấy Đấng Phục Sinh cũng là thấy Thiên Chúa của mình. Điều này đã đem lại một sự mãn nguyện mang tính tuyệt hảo và hạnh phúc viên mãn của Tôma.
2. Đức tin của mỗi chúng ta
Từ những trải nghiệm đức tin của thánh Tôma, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta xem lại những xác tín và biểu hiện đức tin của mỗi người.
Thật vậy, chúng ta khám phá ra một chân lý rằng: Đức tin không chỉ một phía từ Thiên Chúa ban, cũng chẳng phải do sự cố gắng thuần túy cá vị, mà nó được kết hợp cả hai từ trên xuống dưới, tức là do lòng thương xót của Thiên Chúa ban nhưng không cũng như nghị lực rất cố gắng của mỗi người và được nuôi dưỡng bởi cộng đoàn.
Điều này lý giải cho chúng ta thấy rằng: nếu bất kể cái gì ta cũng thuần phục và gán cho ơn thánh thì sẽ rơi vào tình trạng: “Kính nhi viễn chi” hay không bao giờ dám bàn luận và cũng chẳng cần phải đào sâu hơn nữa, bởi lẽ “mọi chuyện đã rồi” nên chỉ tin mà thôi. Tin như thế, có thể rơi vào tình trạng cả tin rồi lại chẳng tin! Nó giống như số phận của những hạt giống bên bụi gai, vệ đường và đá sỏi.
Còn nếu dựa vào lý trí thuần túy, chúng ta có thể rơi vào trạng thái phỏng chiếu đức tin của mình trên những gì mắt thấy, tai nghe, hay cân đo đong đếm được và phải đáp ứng nhu cầu thỏa mãn sự hiếu tri. Nếu lấy điều này làm tiêu chuẩn, chúng ta rất có thể rơi vào sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, vô cảm và bất tín giống như những Kinh sư và người Pharisêu.
Mặt khác, nếu chỉ dựa vào tập thể, tức là đức tin của tôi phụ thuộc vào cộng đoàn, thì đức tin mạnh mẽ hay là yếu ớt của cộng đoàn cũng là tâm thức của tôi. Tin như thế, không chừng chúng ta đang lấy cộng đoàn làm bình phong hay ngụy biện cho sự hời hợt, giả tạo và hình thức của mình. Điều này có nguy cơ rơi vào tình trạng: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Rất giống như đám đông dân chúng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta một kinh nghiệm được lấy từ mẫu thức của thánh Tôma.
Trước tiên, đừng cả tin mọi chuyện. Cần phải suy thấu dựa trên ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, Giáo Huấn của Giáo Hội. Lấy Lời Chúa làm nền tảng, Giáo Huấn của Giáo Hội làm điểm tựa cho niềm tin của mình.
Thứ hai, “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin!" điều này soi sáng cho chúng ta: Không phải bất cứ cái gì cũng đo lường được bằng đơn vị định lượng của khoa học, nhưng nhiều khi nó còn được đo bằng từ ánh mắt đến trái tim, từ lòng với lòng. Bởi lẽ, nhận thức của con tim đôi khi khác hoàn toàn với nhận thức của lý trí.
Cần nắm vững điều căn cốt của đức tin chính là: vun đắp, cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa để đức tin do lòng thương xót của Người ban được lớn lên trong tâm hồn, đồng thời làm sao cho đức tin của mình được chung nhịp đập với đời sống đức tin của cộng đoàn.
Cuối cùng, đức tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng trong mối tương quan cá vị từng người, để qua đó, ta mới có đủ cảm thức và nhạy bén thực sự với ơn Chúa và hòa nhập được với đời sống cộng đoàn. Có thế, chúng ta mới vươn tới một đức tin vừa mang tính khả giác, vừa mang chiều kích ân sủng và mầu nhiệm. Điều ta muốn thấy mà không thấy thì hãy bắt đầu bằng đức tin, để từ đó, đức tin sẽ dẫn ta đến điều ta không thấy và điều ta không thấy mà tin sẽ đem lại cho mình hạnh phúc trọn vẹn như lời Đức Giêsu đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã tỏ lòng thương xót đến thánh Tôma. Xin Chúa cũng thương xót đến chúng con như Chúa đã thương xót đến thánh Tôma khi xưa. Tất cả những ước nguyện đó, con xin tín thác nơi lòng thương xót Chúa. Amen.
7. Tôma
Một phần nào đó, tất cả chúng ta đều giống Tôma. Thực vậy, chúng ta chỉ tin một khi đã thấy. Tinh thần khoa học ngày nay làm cho chúng ta đặt lại tất tất cả các vấn đề. Chúng ta phê bình, chúng ta phân tích, chúng ta thí nghiệm, chúng ta kiểm chứng trước khi ưng thuận.
Rồi từ đó chúng ta bước sang lãnh vực đức tin. Chúng ta đòi hỏi đức tin phải có những lý lẽ hợp lý, xác thực như những sự kiện của khoa học. Vì thế, những chân lý mạc khải, đối với chúng ta thật khó mà chấp nhận.
Tuy nhiên, để khỏi lầm lẫn tai hại, chúng ta cần phải xác định: đối tượng của đức tin khong phải là đối tượng của khoa học. Phạm vi của khoa học là vật chất, cho nên nó đòi hỏi những sự vật cụ thể, khả dĩ có thể thực nghiệm được. Còn phạm vi của đức tin là siêu nhiên, cho nên nó đòi hỏi những chân lý khả dĩ đem lại cho con người sự giải thoát. Và những chân lý ấy phải được dựa trên uy quyền và lời chứng của Đức Kitô. Khoa học chỉ có thể biến đổi cái thế giới vật chất bên ngoài, nhưng đức tin sẽ biến đổi cái thế giới tâm linh bên trong của mỗi người chúng ta.
Chúng ta thấy khi Chúa hiện đến, Tôma liền nhận ra Ngài và quỳ gối xuống tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Tất cả mọi nghi ngờ đều tan biến. Tôma chấp nhận toàn bộ thực tế và nhìn nhận Đức Kitô, người đã chết mà nay lại đang sống. Ông không cần sờ vào vết thương của Ngài, chỉ sự hiện diện của Ngài, một sự hiện diện đầy yêu thương và uy quyền đã củng cố niềm tin và thay đổi hẳn con người Tôma.
Và như thế, chúng ta sẽ rút ra được một bài học quý giá, đó là trong phạm vi đức tin, chúng ta cần tìm tòi, cần đào sâu để có được một đức tin kiên vững. Đó mới chỉ là bước thứ nhất. Bởi vì có đức tin mà thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải sống đức tin. Hay nói một cách khác liệu đức tin có đủ mạnh để làm chuyển biến cuộc đời, cũng như đổi thay chính con người chúng ta hay không?
Muốn được như thế, không gì hơn là hãy sống gắn bó và tiếp xúc thân mật với Đức Kitô. Sự tiếp xúc này, ngày xưa đã biến đổi các môn đệ từ những người u mê dốt nát, hèn nhát và sợ sệt trở thành những người thông suốt giáo lý Tin Mừng và nhất là can đảm loan truyền và làm chứng cho Tin Mừng đó. Lạy Đức Kitô phục sinh, xin hãy biến đổi và uốn nắn con người chúng con.
8. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Chúa nhật II Phục Sinh cũng là Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Bài Tin mừng trong Chúa nhật này được đọc chung trong cả ba năm A,B,C, kể lại hai lần hiện ra của Đức Kitô Phục sinh.
Tôma là nhân vật đáng chú ý nhất trong trình thuật này. Bởi vì, ông không có mặt khi Đức Kitô Phục sinh hiện ra lần thứ nhất. Mặc dầu, sau đó các môn đệ khác báo cho ông biết “Chúng tôi đã xem thấy Chúa.” Nhưng, chẳng những ông không tin mà còn thách thức rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.” (Ga 20,25). Thực ra, ông Tôma không được diễm phúc thấy Đức Kitô Phục sinh hiện ra lần thứ nhất là do lỗi tại ông. Do ông không ở với các Tông đồ khác. Do ông sống thiếu liên kết với Tông đồ đoàn. Vậy mà chẳng những ông không nhận lỗi của mình mà còn cả gan thách thức. Nhưng Đức Kitô Phục sinh là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài không chấp nhất Tôma. Trái lại, Ngài còn đáp ứng đòi hỏi của Tôma. Ngài đã hiện ra và bảo Tôma rằng: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27). Như vậy, có thể nói vì Tôma mà có cuộc hiện ra lần thứ hai này.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Thứ nhất, phải sống liên kết với Giáo hội, cộng đoàn, gia đình: là thành phần của Giáo hội, mỗi người chúng ta cần phải sống liên kết với Giáo hội. Sự liên kết đó được thể hiện qua việc tuân phục Đức Thánh Cha, Đức Giáo Mục Giáo phận và những người được Ngài bổ nhiệm coi sóc chúng ta. Sự liên kết đó được thể hiện qua việc sống hiệp thông và tuân phục những người đại diện cộng đoàn: trong giáo xứ có cha xứ; trong cộng đoàn dòng tu có bề trên; trong gia đình có ông bà, cha mẹ, anh chị; trong các ban đoàn, hội đoàn luôn có người đứng đầu. Nếu biết sống hiệp thông và liên kết không những làm cho Giáo hội, cộng đoàn, gia đình…được vững mạnh mà còn giúp cho chúng ta có cơ hội sống tốt hơn. Còn nếu chúng ta sống riêng lẽ, thiếu sự liên kết, hiệp thông thì không những sẽ mất hạnh phúc gặp Chúa như Tôma mà hậu quả còn tệ hại hơn thế nữa. Về phạm vị Giáo hội: chúng ta vẫn thấy có những người, những gia đình sống thiếu sự liên kết, tuy họ có danh sách trong giáo xứ nọ giáo xứ kia nhưng vẫn không tham gia sinh hoạt, không đóng góp công việc chung; có những người xưng mình là kitô hữu nhưng vẫn “bắt cá hai tay”, nghĩa là họ vẫn đi lại với các tổ chức chống phá Giáo hội nhằm mục đích trục lợi; có những người công giáo nhưng theo phong trào “Sứ điệp từ trời”, họ không tuân phục Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Về phạm vi gia đình: có những người vợ người chồng sống thiếu liên kết nên đã xảy ra chuyện “chồng ăn chả vợ ăn nem”; có những người con không nghe lời cha mẹ dạy bảo, thậm chí còn bỏ nhà ra đi, dần dần lây nhiễm với bạn bè xấu nên trở thành những kẻ trộm cắp, nghiện ngập và cuối cùng đã đẩy mình vào con đường lao lý tù tội. Đó là hậu quả của những người sống thiếu liên kết với Giáo hội, với cộng đoàn và với gia đình.
Thứ hai, phải có tinh thần tha thứ: Đức Kitô đã tha thứ cho biết bao nhiêu người tội lỗi. Ngài tha thứ tội lỗi cho kẻ trộm lành cùng đóng đinh với Ngài trên Thánh giá. Ngài tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài. Ngài không nhớ đến tội chối Thầy của Phêrô, tội bỏ trốn của các Tông đồ khác, sự cứng lòng tin của ông Tôma. Ngài còn dạy Phêrô không chỉ tha thứ bảy lần mà còn bảy mươi lần bảy, tức là phải tha thứ luôn luôn. Như vậy, tinh thần tha thứ là một đặc tính của Lòng Thương Xót Chúa và chắc chắn đó cũng phải là đặc tính của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Là con người thì không ai tránh khỏi sai lỗi: chúng ta sai lỗi với Chúa, sai lỗi với Giáo hội, giáo xứ, cộng đoàn; chúng ta sai lỗi với các thành viên trong gia đình: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em; chúng ta sai lỗi với những người xung quanh, những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Người khác cũng có thể sai lỗi với chúng ta. Chính vì thế, khi chúng ta sai lỗi thì hãy thành tâm nhận lỗi của mình và xin sự tha thứ. Còn khi người khác có lỗi với chúng ta thì hãy sẵn sàng tha thứ cho họ. Tha thứ chẳng những giúp chúng ta sống thoải mái, nhẹ nhàng hơn mà còn là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta như lời Kinh Lạy Cha chúng ta thường đọc: “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” (Mt 6,12)
Thứ ba, phải sống tinh thần chia sẻ: Chia sẻ về niềm tin, chia sẻ về của cải vật chất.
Chia sẻ niềm tin: sau khi gặp Đức Kitô phục sinh bà Maria Mađalêna đã đi báo tin cho các Tông đồ, các Tông đồ và các môn đệ báo tin cho nhau. Chẳng những thế, sau ngày lễ Ngũ Tuần, các ngài đã ra đi khắp nơi để rao giảng và làm chứng về sự phục sinh của Đức Kitô. Vì sự xác tín mạnh mẽ vào sự Phục sinh của Đức Kitô, nên bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô đã thu phục được khoảng 3000 người trở lại. Và trải qua 20 thế kỷ, Giáo hội tiếp tục loan báo Tin mừng Phục Sinh cho những người khác. Từ con số 12 hiện nay số người công giáo có khoảng 17% dân số thế giới. Giáo hội vẫn luôn mời gọi chúng ta tiếp tục chia sẻ Tin mừng Phục sinh cho những người khác tùy vào khả năng và hoàn cảnh sống của mình.
Chia sẻ của cải vật chất: Trong bài đọc I hôm nay, sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy tinh thần chia sẻ của các kitô hữu thời sơ khai. Mọi người trong cộng đoàn đều đồng tâm nhất trí với nhau, họ yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Mọi người đều để tất cả của cải mình có làm của chung: Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các Tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. (x. Cv 4,34-35). Việc làm này trở thành gương sáng cho những người xung quanh. Cho nên, các tín hữu rất được mọi người lương dân mến chuộng. Tinh thần chia sẻ của các tín hữu tiên khởi là bài học cho mỗi người chúng ta hôm nay. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết quảng đại dâng cúng của cải mình có làm của chung để Giáo hội có điều kiện làm việc bác ái, từ thiện. Đồng thời, mỗi người biết quảng đại chia sẻ cho những người nghèo, những người tàn tật, ốm đau tùy hoàn cảnh và địa vị của mình. Vì “hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!” (Lc 6,38).
Lạy Chúa Kitô phục sinh, xin tăng thêm niềm tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống liên kết với Giáo hội và với nhau, luôn có tinh thần tha thứ và biết chia sẻ niềm tin và của cải vật chất cho những người khác. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam