Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1374902

ĐƯỢC GỌI

Được gọi – Mar. Phạm Hoàng Đăng

 

Bài Tin Mừng ngày hôm nay được chia làm ba phần khác nhau, nhưng đều có mối liên kết cuối mỗi phần để tạo nên một bức tranh đẹp trong sứ vụ của người mục tử đang trên hành trình tìm kiếm đàn chiên của mình.

– Chúa Giêsu rao giảng – Ngài bắt đầu sứ vụ của Ngài

– Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên – Ngài chọn những trợ tá xứng đáng cho Ngài.

– Và Chúa Giêsu tiếp tục rao giảng – nhưng thêm một chi tiết nữa, đó là chữa bệnh và trừ quỷ.

Cả ba phần đều chứa đựng nhiều cảm xúc của nguời đọc về lòng nhân từ, yêu thương của Chúa. Mọi người bị cuốn vào phần đầu tiên và phần thứ ba nhiều hơn khi Chúa rao giảng, chữa bệnh và trừ quỷ. Nhưng điểm chính trong bản văn Tin Mừng hôm nay lại ở phần giữa, phần mà Chúa gọi những môn đệ đầu tiên.

Lẽ dĩ  nhiên không đơn giản mà đường đột Chúa đến gọi các vị ngư phủ mà họ theo, dễ gì phải không. Chúa Giêsu, Ngài biết rõ những nguời mình sẽ gọi là ai, gia cảnh thế nào. Đơn giản là trong những thời gian rao giảng xung quanh vùng biển hồ Galilê này, Người đã quan sát, đã nhận biết đối tượng mà Người sẽ chọn lựa là ai. Và dĩ nhiên ở chiều ngược lại, các ngư phủ cũng biết rõ về cái ông tên Giêsu mà hay đi lang thang dọc bờ biển rao giảng điều tốt lành đó như thế nào, ra sao,…hai bên đã hiểu nhau và giờ chỉ còn chờ một mẫu số chung nữa mà thôi.Rồi thì một ngày đẹp trời nọ, giữa họ đã có mẫu số chung, một mẫu số hoàn hảo.

Bản văn của Matthew không chỉ được đọc và nhìn như là việc gọi đơn thuần, nhưng cần phải được mỗi người để ý và khoanh tròn những động từ có sức cuốn hút mãnh liệt dành cho chính bản thân mỗi người đọc.

“Thấy, gọi, bỏ, theo”

Những động từ dứt khoát, không do dự từ nơi người gọi và cả người được gọi. nhữngđộng từ đọng lại những suy tư trăn trở cho bất kỳ người Kitô hữu nào, trong bất kỳ bậc sống nào khi đã hiểu những động từ này gắn liền với cuộc đời mình.

Vợ chồng được Chúa thấy và mời gọi họ vào đời sống hôn nhân, và họ cần dám từ bỏ những ích kỷ, ghen tương, mâu thuẫn gia đình mà theo  lẫn nhau. Theo với lời hứa chung thuỷ mà họ từng cầm tay nhau thề hứa trước Chúa. Theo để tha thứlầm lỗi cho nhau, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời nhau.

Ở ơn gọi tu trì hay đời sống độc thân thì lời mời gọi nơi những động từ ở bài đọc hôm nay càng đuợc hiểu và đáp trả mãnh liệt hơn. Chúa đã thấy và mời gọi, Ngài gọi bằng tình yêu, bằng cái nhìn êm ái…và sự đáp trả để được nên thánh cũng bằng những động từ dứt khoát “Bỏ và Theo”. Bỏ -bỏ mọi sự- như ta biết rằng Thánh Phêrô cũng có gia đình, có vợ, con. Nhưng trong bản văn hôm nay thì ta thấy được một cụm từ “ lập tức bỏ” sự từ bỏ không lưu luyến, không vấn vương mà là “ lập tức”- rất dứt khoát.

Cũng có thể là đằng sau đó là một cuộc chia tay, cuộc gặp gỡ ngắn gọn, nhẹ nhàng “ em ở lại, anh đi nhé…”của Thánh Phêrô. Nhưng thực tế cho thấy một sự quyết định dứt khoát theo Chúa của Thánh nhân. Tương tự như với anh em của Giacôbê và Gioan, lại cụm từ “ lập tức bỏ” xuất hiện. hai anh em ông này cũng dứt khoát bỏ thuyền- vật chất thế gian, bỏ cha- tình thân ruột thịt mà đi theo Chúa.

Gần như chắc chắn sẽ có nhiều người phản ánh sự dứt bỏ phũ phàng của các ông. Nhưng điều cốt yếu ở đây và sự khẳng định cụ thể là các ông đã từ bỏ, từ bỏ thật sự để bôn ba cùng Thầy Giêsu. Sự bôn ba bắt nguồn từ việc họ đã được thấy và được gọi. Ánh mắt nhìn mãnh liệt và lời gọi êm ái nhưng dứt khoát.

Ngày nay, những động từ trên cũng vẫn tiếp tục được nhắc đến trong mỗi bậc sống của mỗi người chúng ta. Mỗi người được gọi, gọi từ ngàn xưa vì tình yêu bao la của Chúa. Người được gọi không có gì- không cần phải là đại gia, quan chức, nhưng là bất kỳ ai và vì họ xứng đáng được gọi. Lời mời gọi và đáp trả là của mỗi cá nhân. Chỉ khi bỏ và theo từ khi họ được thấy và được gọi thì họ mới nhận ra rằng họ được Thiên Chúa mời gọi. Cứ như càng học, càng quên, khi theo –khi đáp trả thì mới ngộ ra rằng mình đã theo. Và sự theo được thể hiện nơi lòng trung tín, yêu thương và tha thứ cho nhau trong mỗi bậc sống của mỗi người.

 

 

 

 

 

22. Suy niệm của André Sève.

 

ĐỨC KITÔ Ở NƠI NÀO MÀ KHÔNG CÓ AI BỊ LOẠI TRỪ CẢ

Matthêu thích tạo nên những toàn thể. Trước khi cống hiến cho chúng ta Bài Giảng Trên Núi đầy ấn tượng, ngài tổng hợp công việc truyền giáo của Chúa Giêsu trong cái bước đầu nhiều sóng gió, trong đó cái nhìn khám phá ra những chân trời càng ngày càng rộng lớn hơn. (Tôi đọc đến đoạn 23 bởi vì cắt đứt một bố cục hoàn toàn như vậy là điều đáng tiếc).

Động thái thứ nhất: Chúa Giêsu lui về Galilê, rời Nagiarét để lấy Caphanaum làm cơ sở hoạt động và bắt đầu giảng dạy.

Động thái thứ hai: Chúa Giêsu đi trên bờ hồ và nói với bốn người: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các con trở thành những kẻ đánh lưới người. Từ bỏ tất cả, họ theo Ngài”. Thế là khai sinh một Giáo Hội có bản chất truyền giáo.

Động thái thứ ba: Ngài rảo “khắp” miền Galilê. “Khắp” là từ mấu chốt. “Danh tiếng của Chúa Giêsu đồn ra khắp miền Syri; người ta đem đến cho Ngài tất cả những ai đau ốm; rất nhiều người theo Ngài”. Tầm nhìn không ngừng mở rộng ra và lời trích dẫn tiên tri Isaia rất có ý nghĩa: “Galilê của các dân tộc!”.

Galilê là ngã ba đường nơi có nhiều người qua lại, người ngoại giáo sống lẫn lộn với người Do Thái. Trong khi xác định rằng Chúa Giêsu chọn Galilê để truyền giáo, Matthêu muốn lưu ý ngay tầm vóc của sự cứu độ của Đấng Cứu Thế. Trước tiên được dành riêng cho người Do thái, sự cứu độ sẽ lan tỏa tới tất cả mọi người.

“Ánh sáng đã xuất hiện trên những người ngồi trong bóng tối và sự chết”.

Trước khi lắng nghe chi tiết những lời nói của Chúa Giêsu trước khi xem Ngài hành động, sự suy niệm của chúng ta cần phải có tầm cỡ cần thiết để không bao giờ thu hẹp bất cứ cái gì thuộc về sự cứu độ. Tôi không biết đã đọc ở đâu: “Chúa Kitô ở nơi nào mà không có gì đóng kín, nơi mà không có người nào bị loại trừ”. Tôi vui mừng, nhưng sau đó cảm thấy nực cười: trong lịch sử, nhân danh chính Chúa Kitô, có biết bao nhiêu là bức tường và biết bao nhiêu sự loại trừ.

Những người trẻ tuổi khó mà hiểu được những chia rẽ giữa những người Kitô hữu và những hình thức loại trừ. Ít nhất trên đểm này họ là những người thầy của chúng ta do sự cảm nhận Tin Mừng tế nhị hơn của họ. Biết bao lần tôi đã nghe những người Kitô hữu ở tuổi trưởng thành tỏ ra khinh bỉ một loại người nào đó. Họ nói “Bọn họ!”. Giống như thể có những người được Chúa thương riêng, những người Công Giáo và nhất là những người hành đạo, sau đó là vô số người bị Chúa quên lãng, những người mọi rợ, những quái nhân, những kẻ vô luân, những kẻ không tin có Chúa.

Không, “không tin có Chúa” chỉ có nghĩa khi nói về những người từ chối Thiên Chúa (nhưng họ từ chối Thiên Chúa nào?). Trước mặt Chúa, chỉ có những con cái của Ngài mà thôi. Điều này có khó chấp nhận hay không? Do đâu mà có sự loại trừ cuồng nhiệt như thế?

Có thể là do quan niệm “dân tộc được chọn” ít được giải thích cho sáng tỏ. Ở đây, tôi sẽ không tránh né một câu hỏi làm tôi luôn bối rối: ‘tại sao có sự chọn lựa của Thiên Chúa’. Tôi thường gặp câu hỏi này trong những bài phỏng vấn tôi, khi thì dưới dạng một sự khắc khoải, khi thì đầy tức giận. Người ta nói với tôi: ‘Bạn được sinh ra trong một gia đình Công Giáo, còn tôi được sinh ra trong một gia đình cộng sản triệt để vô thần. Do đó bạn có đức tin, còn tôi thì không. Tại sao Chúa của bạn cho những người này tất cả còn những người khác thì không cho gì hết?’. Tôi không trả lời được. Tôi không biết tại sao thế giới được chia ra thành người Do Thái, người Kitô hữu, người Hồi Giáo, người Phật Giáo, người theo thuyết không thể biết và người vô thần.

Tôi có thể nói lên hai điều. Trước hết khẳng định rằng Chúa ban tất cả hoặc không ban gì hết là sai. Những điều Ngài cho thì khác nhau và Ngài để cho những khác biệt đó hoạt động. Tạo vật của Ngài là một thế giới những sự khác biệt. Những nơi nào có con người hiện hữu thì nơi đó Chúa để mắt nhìn đến người đó. Ngài ban cho người đó những ơn sủng phù hợp với điều người đó làm nhằm hoàn thành nhiệm vụ làm người của họ, cho dù người đó sống vào thời kỳ nào, ở đâu và có nền văn hoá nào.

Tiếp đến, tất nhiên đã có một dân tộc được chọn: dân tộc Do Thái. Và một dân tộc thứ hai được chọn, đó là những người Kitô hữu nối tiếp dân tộc Do Thái (Matthêu nhấn mạnh rất nhiều trên sự liên tục này). Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế được các sứ ngôn loan báo. Ngài là Môisê mới của một dân tộc không biên giới. Người Kitô hữu chỉ được cứu độ để trở thành những kẻ cứu độ, để trở thành những dấu chỉ của sự cứu độ của Chúa Giêsu Kitô được trao ban và được sống bằng nhiều cách mà không có kẻ nào bị loại trừ cả.

Ý tưởng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người sẽ giúp chúng ta tránh được việc co mình lại cố thủ và loại trừ. Chúng ta chỉ có quyền gọi Chúa Giêsu là “Đấng Cứu độ chúng con” nếu điều đó muốn nói với chúng ta: Đấng Cứu độ mọi người. Trong miền Galilê của các dân tộc đã bắt đầu một sự quy tụ mà không ai có quyền giới hạn cả.

 

 

 

 

 

23. Nước Trời đang đến

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

 

Không thể phủ nhận một trong những chủ đề chính của lời rao giảng của Chúa Kitô đó là “hãy ăn năn sám hối” (x.Mt 4,17; Mc 1,15). Sám hối ăn năn không chỉ là nhìn nhận sự sai lầm trong thái độ, hành vi của mình, cũng không chỉ là ân hận về những lầm lỗi mình đã phạm, nhưng còn là một sự thay đổi tận căn lối sống của mình. Các nhà chú giải Kinh Thánh thường phân tích hạn từ “Metanoia”, nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng…để khẳng định ăn năn sám hối là thay đổi cách ăn, nếp ở, thay đổi hướng đi, để trở về với Thiên Chúa, sống theo đường lối Thiên Chúa chỉ dạy.

Làm cho một người thay đổi lối sống quả là không dễ chút nào, nhất là khi lối sống ấy đã trở thành nếp do một quá trình hình thành từ lâu. Tuy nhiên, với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể. Và một phương thế Thiên Chúa đã thực thi đó là chiếu giải ánh sáng tình yêu diệu kỳ. Sứ ngôn Isaia đã loan báo xưa: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng…” (Is 9,1). Ánh sáng ấy chính là tình yêu, là ân sủng mà Thiên Chúa đổ xuống trên họ, khi cho họ thoát khỏi ách gông cùm nô lệ. Thánh sử Matthêu đã lấy lại lời của sứ ngôn Isaia để áp dụng vào trường hợp dân chúng vùng Capharnaum, những người đang hưởng phúc lành của Chúa Giêsu, Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38).

Để mời gọi các nhà lãnh đạo cũng như dân chúng sám hối ăn năn, thay đổi đời sống, thì các ngôn sứ ngày xưa thường nghiêng chiều việc cảnh báo về các tai hoạ do Thiên Chúa sẽ đoán phạt nhiều hơn là tình yêu và lòng từ nhân của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước là Gioan tẩy giả cũng như vậy. Ngài nghiêm nghị cảnh báo nhiều người thuộc phái Pharisiêu và phái Sađốc: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống… cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quẳng vào lửa” (Mt 3,7-10, x.Lc 3,7-18).

Chúa Giêsu thì trái lại, Người chủ yếu mạc khải về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa để con người cảm mến, tin tưởng trở về. Các Tin Mừng Nhất lãm tường thuật lời rao giảng của Chúa Giêsu khi Người khởi đầu sứ vụ như sau: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Nước Thiên đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17); “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe đó là: ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Tin Mừng thứ tư thì tuờng thuật việc Chúa Giêsu hoá nước thành rượu ngon tại một tiệc cưới ở Cana cho dù trước đó Người nói rằng giờ của Người chưa đến (x.Ga 2,1-12).

Trời càng sáng thì những chỗ bẩn, chỗ nhơ càng lộ rõ. Ân phúc của Thiên Chúa là ánh sáng giúp con người nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Hơn thế nữa, tình yêu của Thiên Chúa chính là ánh sáng dẫn đưa con người quay bước trở về. Khi biết mình được yêu, được tha thứ, được đón nhận thì tội nhân sẽ can đảm chỗi dậy và đổi thay. Trên con đường chiếu giải ánh sáng thiên linh, Chúa Giêsu mời gọi một số người cộng tác là các tông đồ, các môn đệ. Người đã sai các vị đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời bằng việc chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và chia sẻ ơn bình an (x.Mt 10,1-16).

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban và sai Con của Người đến thế gian không phải để luận phạt thế gian nhưng để những ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời (x.Ga 3,16-17). Đến thế gian, một trong những sứ mạng chính yếu của Chúa Kitô đó là mạc khải chân dung Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng đầy quyền năng và cũng là Đấng toàn thiện, toàn hảo, Đấng không chỉ “không dập tắt tim đèn còn khói, không bẻ gảy cây lau bị giập” mà còn “cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân”, Đấng khộng chỉ sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trên núi để đi tìm một con chiên lạc đàn mà còn sẵn sàng giang rộng cánh tay đón nhận đứa con đi hoang trở về, cho dù lý do nó trở về là để kiếm chút cơm canh lót dạ mà thôi (x.Mt 6,43-45; Lc 15).

Có thể nói rằng đường lối của Thiên Chúa chủ yếu là tỏ bày tình yêu để con người cảm mến, tin tưởng mà hoán cải, đổi thay. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nhận ra đây là đường lối chung của Thiên Chúa dành cho người bé mọn, kẻ yếu đuối, người tội lỗi, thấp hèn. Còn với một số ít người xem ra cố chấp, tự hào về tài năng, chức quyền hay về chút công trạng của mình mà ở lỳ trong tội, thì Chúa Kitô có vẻ nghiêm khắc cách khác thường. Nhiều người biệt phái, luật sĩ hay tư tế Do Thái thời bấy giờ ở trong trường hợp này. Và Chúa Kitô đã dùng những kiểu nói đanh thép để cảnh tỉnh họ như “khốn cho các nguơi”, hay “vô phúc cho các ngươi” (x.Lc 6,24-26; 11,37-52; Mt 23,1-36).

Cũng như các môn đệ năm xưa, chúng ta hôm nay được Chúa Kitô mời gọi làm kẻ chài “lưới người như lưới cá”. Để mời gọi tha nhân hoán cải ăn năn không gì hơn là hãy cho họ thấy Nước Trời đang ở giữa họ (x.Lc 17,21), tức là nỗ lực dệt xây một môi trường sống trong tình thương và chân lý, trong bình an và sự liên đới hiệp thông, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của thần dữ. “Nếu Tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,21). Khi chúng ta tích cực gieo rắc ân tình, thì một cách nào đó, chúng ta làm cho người yếu đuối, kẻ tội lỗi nhận biết họ vẫn được yêu thương, được đón nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên mạnh mẻ cảnh báo những ai vì quá tham danh, hám lợi hay vì cao ngạo mà cố chấp và cố tình ở lỳ trong tội, đồng thời gây cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn, gây thiệt hại cho những người cô thân, phận bé. Nước Trời thường được Chúa Giêsu ví như bữa tiệc đầy sơn hào hải vị mà Thiên Chúa ban cách nhưng không (x.Mt 22,1-10), nhưng Nước Trời cũng được ví như tấm lưới kéo từ biển lên, cá tốt thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì bị vứt ra ngoài (x.Mt 13,47-48).

 

 

 

 

 

24. Suy niệm của Charles E. Miller

ĐỨC KITÔ GỌI ĐÍCH DANH TÊN CỦA CHÚNG TA NƠI PHÉP RỬA TỘI

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

 

Ngày hôm nay thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu kêu gọi một số tông đồ. Ngài có thể kể câu chuyện này cách chung chung, nghĩa là chỉ thông báo cho chúng ta biết Chúa Giêsu tụ họp một số môn đệ ở chung quanh Người, thay vì ngài trình bày như thế, thánh Matthêu đã cho chúng ta biết tên của các vị tông đồ được Chúa Giêsu kêu gọi. Các tông đồ đó là Simon (sau này tên là Phêrô) và Andrê em của ông. Giacôbê và Gioan em ông. Có một điều gì đó đặc biệt nơi cái tên của chúng ta.

Trên một “sô” diễn trên tivi, có một bài hát diễn tả tình cảm thật đẹp khi chúng ta đi đến một nơi mà mọi người đều biết tên của bạn. Thật hồi hộp và cảm động biết bao khi bốn người dánh cá nghe thấy Chúa Giêsu gọi tên họ, mời gọi họ đi theo Người. Họ phải bịn rịn lắm khi từ bỏ nghề nghiệp, gia đình và nhà cửa để đi theo Chúa Giêsu. Họ đã thấy nơi Chúa Giêsu có điều gì đó rất khác với những chứng nhân trước đó. Phải có ánh sáng đức tin trợ giúp họ, để họ nhìn thấy Chúa Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa. Nhưng lúc ban đầu ánh sáng ấy không mạc khải cách kỳ diệu như tiên tri Isaia đã tiên tri khi ông viết: “Dân chúng đi trong tối tăm nay đã thấy ánh sáng lớn lao”. Nhưng đó mới chỉ là một ánh sáng mờ nhạt, một ánh sáng cho phép họ có những lúc vẫn còn nghi ngờ ở Chúa Giêsu, có lúc còn chối Chúa, hay bỏ rơi Chúa trong cuộc thương khó của Người. Nhưng ánh sáng đó không hề tắt bao giờ. Đúng hơn, nó đang dần dần lớn lên và khi Chúa Thánh Thần ngự đến vào ngày lễ Hiện Xuống, ánh sáng đó đã trở thành một ngọn lửa chiếu sáng và ấm áp. Sự tận tuỵ đã thay đổi sự nghi hoặc.

Những điều đó cũng đã xảy ra cho chúng ta như thế. Qua Giáo Hội, lúc chúng ta chịu phép rửa tội, Đức Kitô đã gọi đích danh tên của mỗi người chúng ta. Người nói qua giọng vị linh mục: “Anna (hoặc Anrê) Linh (hoặc Long) (hay bất cứ tên nào) Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Chúng ta được trao cho một ngọn nến cháy sáng, biểu hiện cho đức tin của chúng ta. Cho dù lúc đó chúng ta là những đứa bé hay những người đã trưởng thành, chúng ta lãnh nhận ánh sáng đức tin. Đầu tiên ánh sáng ấy chỉ là một đốm sáng mờ nhạt nhưng với bí tích Thêm Sức, bí tích này kiện toàn phép rửa tội, ánh sáng đó trở nên sáng rực.

Với đức tin chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trong thế gian, được thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi tin Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa, Tin Mừng mà chúng ta vẫn tiếp tục lắng nghe Thánh Kinh và những lời giáo huấn khác của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng sứ vụ truyền giáo đã dẫn Người lên Giêrusalem, nơi mà Người phải chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta. Đức tin của chúng ta dạy rằng nhờ việc chúng ta thông dự vào tiệc Thánh Thể, chúng ta được chia sẻ sự kỳ diệu của sự chết và sự sống lại của Con Thiên Chúa.

Chúng ta theo Đức Kitô bởi chúng ta là thành phần của thân xác Người, thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội. Chúng ta có thể cảm nghiệm được tâm tình của Thánh Vịnh 27: “Chúa là ánh sáng và là Đấng Cứu Độ tôi, tôi còn sợ chi ai? Chúa là nơi nương ẩn của đời sống tôi, tôi còn sợ gì ai?

Thánh Vịnh viết tiếp: “Một điều tôi xin Chúa, một đều tôi kiếm tìm, đó là được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi”. Chúng ta phải luôn luôn trung thành với ơn gọi phép Rửa của chúng ta, để được ở lại trong nhà Chúa là Giáo Hội của Người và đừng bao giờ nghi hoặc, hoặc bỏ rơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã kêu gọi đích danh tên chúng ta để chúng ta trở nên những người tiếp bước của Người.

 

 

home Mục lục Lưu trữ