Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 47
Tổng truy cập: 1374962
ĐƯỜNG EMMAUS
Đường Emmaus – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.
Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.
Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.
Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.
Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.
Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Có những cuộc gặp gỡ đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến, hăng hái nhiệt tình trong tâm hồn. Bạn có kinh nghiệm này bao giờ chưa?
2) Gặp Chúa Giêsu đã biến các môn đệ thành những con người khác hẳn. Bạn có mong ước được gặp Chúa để thay đổi cuộc đời không?
3) Để sống tinh thần chia sẻ, bạn phải làm gì?
10. Đường hy vọng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.
Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.
Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hia ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.
Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.
Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.
1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.
Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một “Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói”. Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.
Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông “Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.
2) Ánh sáng lời Chúa gieo mầm hy vọng.
Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.
Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.
Khi trái tim mở rộng đón nhận, lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.
3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng
Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra ChúaGiêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bàn tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.
Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.
Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mị đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.
Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?
2) Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?
3) Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?
4) Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không?
11. Quay đầu – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Theo luật tự nhiên, con người có sinh và có tử. Khi nghe tin có người thân qua đời, chúng ta bàng hoàng thương tiếc và lòng buồn rười rượi vì sự thiếu vắng. Dù có sầu thương và nhớ nhung nhưng khi chôn táng người qúa cố xong, chúng ta cũng phải rời bỏ mộ phần để trở về. Ai trong chúng ta cũng có những trải nghiệm đau thương trong cuộc đời ô trọc này. Khi một người thân lìa đời, chúng ta thường tu họp cầu nguyện, khóc than, chia buồn và tiễn biệt. Sau khi đưa tiễn người qúa cố tới nơi an nghỉ cuối cùng, thì ai nấy lại trở về quê quán và tiếp tục cuộc sống bình thường như dòng sông tiếp tục chảy. Hai môn đệ trên đường Emmau về quê cũng không ngoại lệ. Khi Thầy Giêsu đã chịu tử hình thập giá, xác được hạ xuống xức dầu thơm rồi chôn trong mồ, thì kể như mọi việc đã hoàn tất. Chấm dứt một đời người. Hai môn đệ buồn bã trở về quê hương xứ sở để tiếp tục đời sống như xưa.
Phúc âm kể rằng hai môn đệ đang trên đường về quê, thì xuất hiện một vị khách lạ cùng muốn đồng hành: Đang khi họ nói truyện và trao đổi với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người (Lc 24, 15-16). Vị khách thông hiểu Kinh Thánh đã dẫn đường mở trí cho cả hai ông. Họ không nhận ra Thầy của mình. Họ đã chứng kiến mọi điều đau thương đã xảy ra cho Thầy mấy ngày qua. Còn gì mà hy vọng nữa chứ. Cho dù sau đó, họ có nghe mấy chị phụ nữ loan tin Chúa đã sống lại, nhưng tin này lại quá sức tưởng tượng. Họ không thể tin được những sự kiện lạ lùng là có kẻ chết tự mình sống lại. Thế là hai môn đệ bỏ ngoài tai tất cả. Chúng ta có thể tưởng tượng hoàn cảnh tại thành Giêrusalem của hai ngàn năm về trước, sự thông tin còn rất giới hạn và cuộc sống xô bồ đổi thay. Tuần trước đó, dân chúng đón Chúa vào thành, tung hô ca ngợi. Mấy ngày sau, cũng chính nhóm người đó, lại giơ tay xin tha cho Ba-ra-ba, tên trộm cướp và giết Giêsu. Làm sao có thể tin được những dư luận hay luận dư của người đời?
Câu truyện dài được thánh Luca kể, đi tới kết luận có hậu, là hai môn đệ đã được mở mắt nhìn xem và nhận ra Chúa. Với một cử chỉ rất thân quen và ý nghĩa: Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất (Lc 24, 30-31). Cùng là một vị khách lạ, lúc đầu, hai môn đệ không nhận ra Thầy, nhưng khi Thầy cầm bánh trao cho họ, môn đệ mới nhận ra Thầy mình. Như thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không còn bị giới hạn trong một dáng vẻ hay hình thể nào và không ai có thể nhận ra Chúa, nếu Chúa không ban ơn soi sáng. Dựa vào nghi thức bẻ bánh, các môn đệ đã nhận ra chính là Thầy của mình. Đây là khởi đầu của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể.
Sự kiện bẻ bánh rất quan trọng đặt nền tảng cho niềm tin qua mọi thời đại. Giáo hội đã duy trì, sắp đặt và chính thức hóa nghi thức này qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể trong thánh lễ. Trung thành với lời truyền của Chúa Giêsu là các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy. Hai môn đệ đã nhận ra Thầy của mình qua một cử chỉ rất đơn sơ, nhưng chứa đựng một thông điệp vô cùng quan trọng. Chúng ta biết vào thời Giáo hội sơ khai, nghi thức bẻ bánh trở thành dấu chỉ và trung tâm của mọi cuộc tụ họp cầu nguyện của các tín hữu. Sau khi hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu đã đang hiện diện, họ đã mau mắn trở lại Giêrusalem để gặp gỡ các tông đồ. Quay đầu là bờ. Hai môn đệ đã trở về cùng qui tụ với các tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh.
Sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật biến cố Chúa Giêsu chịu chết theo dự định của Thiên Chúa và có cả trách nhiệm của con người: Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu đã bị nộp và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi (Tđcv 2, 23). Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã qui lỗi sự thông đồng của những người sát hại Chúa. Nhiều người đã đồng ý giơ tay xin tha kẻ cướp và giết đi Đấng Thánh của Thiên Chúa. Thái độ cần có để lãnh nhận ơn cứu độ là sự ăn năn sám hối. Chúa đã chịu mọi hình khổ để đền tội thay cho chúng ta. Giá máu châu báu của Chúa có uy quyền tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi của cả nhân loại.
Sự sống lại của Chúa Kitô là một sự chiến thắng vinh quang. Thần dữ và sự chết không còn quyền hành gì đối với Người: Sau khi bẻ gẫy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết, mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó (Tđcv 2, 24). Người đã chiến thắng tử thần và mang lại sự tự do đích thực cho con người. Nhân loại không còn bị kìm hãm trong đau khổ, sự tội và sự chết. Chúa Kitô đã mở đường giải thoát và hy vọng vào một cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Kitô là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc. Chúng ta không còn sợ hãi trước cái chết. Vì ai cũng phải bước qua sự chết để vào cõi sống đời đời.
Sự sống lại của Chúa Kitô đã trả lời cho nhiều vấn nạn khó khăn mà chúng ta đang gặp phải. Khi chúng ta thường đối diện với những lo lắng khổ đau, như khi phải chăm lo cho những người con dị hình, bất toại, khuyết tật hoặc chạm trán với sự chết chóc của người thân yêu trong gia đình. Khi chúng ta rơi vào sự thất vọng vì buồn sầu, bệnh hoạn, thiên tai, động đất, sạt lở, sóng thần, bão tố, chiến tranh, loạn lạc và tai nạn giao thông xe cộ, tầu bè và máy bay... Những sự cố xảy ra trong những ngày qua, khi nghe tin những người thân thuộc trong gia đình bị mất tích trong chuyến máy bay (Malaysia Airlines MH 370) hay chiếc tầu Sewol bị chìm ở Nam Hàn kéo theo cả trăm học sinh chôn vùi dưới đáy biển. Ai có thể cầm được nước mắt. Ai có thể trả lời cho những sự mất mát qúa to lớn xảy ra cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thân hữu và mọi người. Nếu chúng ta không có niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, sự khổ đau của chúng ta sẽ không có đáp án. Chúng ta sẽ buồn đau và chết lặng trong sự tuyệt vọng.
Thánh Phêrô đã mời gọi mọi người hãy tin tưởng vào Chúa Kitô sống lại. Giá máu châu báu của Người sẽ cứu thoát linh hồn chúng ta: Anh em đã được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố (1Petr 1, 19). Đây là niềm tin cao quí được các tông đồ truyền lại và Giáo Hội bảo toàn suốt 20 thế kỷ qua. Sự sống lại không phải là niềm tin phù phiếm, mơ hồ hay mê tín dị đoan. Một sự thật trong đời sống đức tin. Chúng ta bước đi trong niềm tin Kitô Giáo, chứ không phải là một sự kiện khoa học thực nghiệm cụ thể. Niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô sống lại được minh chứng bằng đời sống, bằng các chứng nhân và sự tốt lành thánh thiện của con người hôm nay: Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa (1Petr 1, 21).
Truyện kể: Có một ông đã can đảm nhảy xuống dòng nước xoáy để cứu một cậu bé bị rớt xuống sông. Đây là một sự thách đố ghê gớm. Dòng sông nước chảy xiết, như nhờ có phép lạ, người đàn ông một tay đã với được cành cây và trong khi một tay chộp lấy tay của cậu bé. Thập tử nhất sinh, sau cùng ông đã cứu được cậu bé an toàn thoát chết. Ông đưa cậu bé về nhà và trao cho mẹ chăm sóc. Trước khi rời nhà, cậu bé nói: Cám ơn ông rất nhiều đã cứu sống cháu. Người đàn ông nhìn vào mắt cậu và nói: Rất tốt, nhưng bảo đảm đời sống của cháu đáng giá trị để được cứu sống. Đời sống của mỗi người chúng ta rất quí báu. Vì thân xác linh hồn của chúng ta được chính Con Một Thiên Chúa đã lấy máu đào để cứu độ.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Chúa phán: Phúc cho ai không thấy, mà tin. Chúng con xác tín niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng con sẽ được bước đi trong ánh sáng và tiến tới sự sống đời đời.
12. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau.
Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn.
Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.
Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: "Lạy Chúa hãy ở lại với con”.
Hôm nay thánh Luca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Emmau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất.
Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau.
Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức?
Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước màu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam