Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1375237

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Emmanuel, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta

Anh chị em thân mến.

Thời gian gần đây có một bộ phim đã đi vào trong lòng người, đó là phim Hoàng Châu Công Chúa. Khi xem qua bộ phim, mọi người đều có cảm tình với nhân vật chính, một người có lòng nhân ái, nhưng vì thẳng thắng nên thường gặp những đều trắc trở. Mọi người càng thỏa mản hơn khi những trở ngại đó dần dần cũng bị phá vở và an bình lại đến. Đó là vì cô công chúa nhờ có bùa hộ mệnh. Vị thần hộ mệnh rất đắc lực, ngài là một vị vua công minh, một người cha nhân hậu. Khi nào có Ngài ở bên cạnh thì vị công chúa và những người thân không còn phải lo sợ gì hết. Chỉ khi vắng bóng ngài, mọi thế lực thù nghịch mới tìm cách hảm hại. Nhưng tất cả đều được hóa giải khi có ngài ở cùng, khi đó những nguy hiểm, những khổ đau không còn tồn tại được nữa.

Giuse lo sợ vì chưa hiểu được Thánh Ý Chúa. Ông đã có những toan tính riêng tư của mình, những toan tính của sự sợ hãi, những toan tính của con người không có Thiên Chúa Ở Cùng. Ông lo âu bối rối không biết giải quyết như thế nào. Nhưng khi ông tỉnh dậy, ông hành động không do dự nữa, hành động cách can đảm, hành động trong sự bình an và vui mừng. Vì ông đã được biết Thánh Ý Chúa, ông biết có Thiên Chúa Ở Cùng ông, ông biết ông không còn hoạt động cách cô đơn nữa. Khi đó mọi thắc mắc đã được tháo cởi, mọi lo âu đã được cất đi, mọi nguy hiểm mà ông nghĩ tới không còn tồn tại nữa. Ông chỉ còn biết vâng phục trong vui mừng, trong hân hoan, vì Có Thiên Chúa Ở Cùng.

Trong cuộc sống đời người không thiếu những lo âu sợ hãi. Có những điều do hoàn cảnh khách quan đưa đến, cũng có những cái do chủ quan từ bên trong con người. Nếu xét từ nguyên nhân, thì tất cả mọi lo âu sợ hãi trong đời sống đều phát xuất từ cảm giác cô đơn, từ lòng ích kỷ, từ những việc chỉ nghĩ đến bản thân mà quên đi người khác. Quan trọng hơn, đó là vì không thấy Chúa hiện diện ở trong con người của mình, cùng hành động với mình, mà chỉ hành động cách đơn lẻ.

Mỗi người trong chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác cô đơn sợ hãi. Chúng ta cũng đã từng giải quyết nhiều vấn để khúc mắc. Nhưng đã giải quyết như thế nào? Chúng ta đã vượt qua cách khổ sở như lần từng bước đi trong đêm tối, để rồi niếm mùi chua cay thất bại và trải qua nỗi thất vọng ê chề. Chúng ta đã trải qua với sự lo âu thắp thỏm, cùng với những toan tính hại người, nên sợ sẽ bị trả thù. Hay chúng ta đã vượt qua với những bực tức và khó chịu vì không được như ý muốn. Đó là vì chúng ta đã hành động cách cô đơn, hành động mà không Có Chúa Ở Cùng, hành động trong cơn mê, hành động trong đêm tối.

Nếu khi nào chúng cảm thấy bình an thư thái, cho dù bao tai vạ ập đến, những khổ đau cứ dồn vào, những bất hạnh cứ tiếp diễn, mà chúng ta vượt qua cách an toàn, không để lại chút vương vấn trong lòng. Đó là vì chúng ta đang Có Chúa Ở Cùng. Đó là vì chúng ta đã được bừng tỉnh dậy. Nếu chúng ta nhìn thấy được ích lợi chung, nhìn thấy được nhu cầu của bao nhiêu người chung quanh, để sẵn sàng hành động theo tiếng gọi của con tim chân chính, hành động không còn ỷ lại vào con người riêng tư của mình nữa, mà hành động với Chúa Ở Cùng. Nếu được như thế, chúng ta mang được tâm trạng của Hoàng Châu Công Chúa khi có Vua Cha ở Cùng. Quang trọng hơn nữa chúng đang đi trên con đường mà Thánh Giuse đã đi vì vâng nghe Lời Chúa, bởi Ngài đã nhận ra được Có Thiên Chúa Ở Cùng.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn cho mỗi người được sáng suốt, để nhận ra Chúa Ở Cùng Chúng Ta trong hoàn cảnh sống, trong những người chúng ta gặp hằng ngày, trong những công việc chúng ta đã và đang làm, để biết sống và hành động theo Thánh Ý Chúa.

 

  1. Trong kế hoạch của Thiên Chúa – R.St.G

Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. (Mt. 1, 20-21)

Nhiều khi chúng ta làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa vì không biết được tính chất huyền nhiệm. Hôm nay, Tin mừng cho chúng ta thấy Giuse như chống lại đường lối huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Giuse bị đặt trước sự kiện một con trẻ được cưu mang bởi một nữ đồng trinh. Đức Maria, vị hôn thê của ông, được chọn làm Mẹ theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mẹ được chọn đi vào đường lối khác thường. Thái độ của Mẹ thế nào? Thái độ của người công chính ra sao? Không phải thứ công chính giữ theo luật pháp, cũng không theo ý niệm loài người của Maria. Công chính đây theo nghĩa riêng của Kinh thánh là hợp với thánh ý Thiên Chúa. Giuse công chính vì ông kính trọng công trình của Thiên Chúa và thực thi vai trò Thiên Chúa xếp đặt cho ông. Trong khi thánh Giuse chuẩn bị cho Maria hoàn toàn tự do theo đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa đã se định, thì Thiên Chúa đã làm cho ông khám phá ra rằng ông cũng giữ một vai trò thiết yếu đối với xã hội là bảo lãnh cho Đức Giêsu thuộc gia hệ ông. Thực vậy, chính nhờ ông, Đức Giêsu thuộc dòng Đavít. Ông đã làm tròn vai trò đó khi nhận Maria làm vợ, đồng thời bảo đảm cho con trẻ sắp sinh ra có cha trước luật pháp. Nhờ thế Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch đã định cho Đấng Cứu thế thuộc con dòng Đavít.

Khi nhận ra thân phận loài người chúng ta, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rõ rằng chính trong lịch sử đời mỗi người chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày Chúa Cha cũng thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài. Chúng ta có thể noi theo thái độ của người công chính như thánh Giuse không? Với con mắt đức tin, chúng ta có sẵn sàng luôn luôn chú ý tuân theo ý Chúa đang thực hiện trong đời sống chúng ta không?

 

  1. Giuse, người công chính

(Suy niệm của Lm. JB. Hoàng Văn Khanh)

Mở đầu sách Tin Mừng bằng bản gia phả (Mt 1,1-17), thánh sử Mátthêu muốn giới thiệu nguồn gốc lai lịch của Chúa Giêsu: Người là người con của nhân loại, thuộc dòng tộc vua Đavít, được sinh ra bởi Đức Maria. Nhưng do đâu mà Chúa Giêsu thuộc dòng tộc Đavít, vì theo phong tục Do Thái, người ta không kể phụ nữ để xác định gia phả. Vậy Maria thụ thai bởi đâu và đâu là vai trò của Giuse. Trình thuật truyền tin cho Giuse nhằm minh tỏ Đức Maria thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần và Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, con vua Đavít, ứng nghiệm sấm ngôn Isaia (Is 7,14). Giuse có nhiệm vụ nhận Đức Giêsu vào tông tộc của mình, nhờ đó Chúa Giêsu thuộc dòng vua Đavít. Qua trình thuật này, Mt cũng giới thiệu cho ta một mẫu gương sống tinh thần vâng phục trong đức tin : Giuse, người công chính.

  1. Giuse, người công chính

Giuse đính hôn với Maria như các thanh nam nữ từ thời bấy giờ. Theo phong tục Do Thái, khi hai người nam nữ đính hôn, thì đã thành vợ chồng trước luật pháp, nhưng chưa sống chung; một năm sau đính hôn, chồng rước vợ về chung sống. Thời gian đính hôn, muốn bỏ nhau phải ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật.

Sự kiện xảy ra là trước khi về sống chung, Maria đã có thai. Giuse thật khó xử. Tin Mừng viết: “Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Giuse được Tin Mừng gọi là “người công chính” theo nghĩa nào ? Trước hết, công chính có nghĩa là vâng phục lề luật (Rm 4,2; Gl 3,6). Công chính còn được hiểu là lòng xót thương nhân hậu (St 12,19; Tv 37,21; Tv 112,4). Theo luật, Giuse phải tố cáo Maria. Nhưng Giuse lại là người nhân hậu, có lòng thương xót, không muốn làm nhục người phụ nữ mà ông rất tin tưởng, mến yêu và kính trọng; ông không muốn Maria bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm thầm ra đi.

Thứ đến, công chính là hành động phù hợp với ý Thiên Chúa. Giuse không hề hồ nghi Maria, nhưng không thể nhận bào thai. Một mặt, giả như ông chưa biết là Maria thụ thai do quyền năng Thánh Thần, thì cũng nghĩ rằng đây là một mầu nhiệm. Do đó lời sứ thần nhằm thông tin sự thật về bào thai và trao phó cho ông trách nhiệm đặt tên và làm cha đứa trẻ trước pháp luật. Mặt khác, giả như ông đã biết là Maria thụ thai do Thánh Thần, ông cảm thấy mình bất xứng để đón nhận hài nhi, nên muốn âm thầm rút lui. Và như thế, lời sứ thần nhằm xác nhận là thật điều ông đã biết (dĩ nhiên qua tâm sự của Maria) và trao cho ông trách nhiệm đón nhận hài nhi vào dòng tộc của mình.

Dù giải thích cách nào thì lời truyền tin của sứ thần cũng nhắm mục đích giải thích cho biết Chúa Giêsu được thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần; Giuse được trao sứ mệnh đón nhận Người vào dòng tộc vua Đavít; và Người là Đấng Thiên Sai con vua Đavít, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã từng loan báo: “ Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23).

Trước lời truyền của sứ thần, Giuse chỉ biết vâng phục. Ông không nói lời nào mà chỉ tuân theo cách triệt để. Tin là vâng phục và dấn thân hành động. Giuse, cũng như Maria với lời xin vâng, đã hành động theo mẫu gương của tổ phụ Abraham : vâng phục trong đức tin.

  1. Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai cứu độ

Sứ thần trao cho Giuse quyền đặt tên cho hài nhi là Giêsu. Quyền đặt tên đồng nghĩa với việc đón nhận Giêsu vào dòng tộc của mình và trở nên cha của đứa trẻ trước pháp luật. Giuse trở nên bạn trăm năm của Maria và dưỡng phụ của Chúa Giêsu.

Tên “Giêsu” có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Danh xưng này bao hàm căn tính và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Người được Chúa Cha sai đến trong thế gian như là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, để thi hành chương trình cứu độ nhân loại. Đây chính là sợi chỉ đỏ chạy dài suốt Tin Mừng Mátthêu. Cuối cùng, Mt tuyên xưng Người đã chết và sống lại để chu toàn sứ mệnh cứu thế, và Người hằng hiện diện mỗi ngày với Giáo Hội cho đến tận thế (Mt 28,20).

Các nhà chú giải Kinh Thánh còn nhận thấy một tương đồng trong cấu trúc giữa trình thuật về nguồn gốc lai lịch Chúa Giêsu với hai chương đầu Sáng thế (St 1,1-2,4a // Mt 1,1-17; St 2,4b-25 // Mt 1,18-24). Sự tương đồng ấy nhằm cho thấy việc xuất hiện của Chúa Giêsu như một Ađam mới, khởi đầu một sáng tạo mới.

Kết luận

Hãy đến với thánh Giuse với tất cả niềm tôn kính mến yêu và học tập dưới mái trường của ngài tinh thần vâng phục ý Chúa, lòng khiêm tốn, tính tự chủ và tâm hồn nhiệt thành quảng đại phục vụ.

Tin Mừng nói rất ít về Giuse. Tuy nhiên, qua ít đoạn vắn vỏi ấy, ta cũng cảm nhận được một tương đồng giữa Giuse và Đức Maria. Nếu Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, Ngai cũng đã tuyển chọn Giuse làm dưỡng phụ để chăm nom săn sóc. Trước đề nghị của Thiên Chúa, Giuse và Maria đã sẵn sàng vâng phục ý Chúa. Cũng như Maria, Giuse sống thánh thiện, khiêm tốn, yêu thương và hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.

 

  1. Sự công chính của Thánh Giuse

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)

Chúa nhật hôm nay, trước lễ Giáng Sinh, Giáo hội đề nghị chúng ta nghe “loan báo việc sinh Đức Giêsu cho Giuse”.

Mátthêu viết: “Mẹ Người là bà Maria đã đính hôn với Giuse” Đính hôn hay thành hôn có nghĩa là “đến với, phối hợp với một người nào đó,” chỉ việc chung sống vợ chồng. Cô thiếu nữ Dothái được đính hôn vào khoảng tuổi 12, thoát khỏi quyền giám hộ của người cha để ở dưới quyền giám hộ của người chồng vào lúc 13-14 tuổi. Theo phong tục và hôn nhân của người Dothái, đính hôn đã là thành vợ chồng trước pháp luật, nhưng việc rước dâu thường cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước khi rước dâu, nhưng giả thiết có con với nhau trong giai đoạn này, đứa con vẫn là con hợp pháp.

Maria đã đính hôn với Giuse, nghĩa là cả hai như các cặp hôn nhân khác, có dự tính thành vợ chồng. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Người ta đặt câu hỏi: Ông Giuse có biết việc Đức Maria thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần, trước khi Thiên thần báo tin không? Sự công chính của Giuse ở chỗ nào?

Theo nhiều nhà chú giải, Giuse công chính không theo nghĩa vâng lời lề luật. Vì chẳng có luật nào buộc phải ly dị người mới đính hôn (Đnl 22,13-21; 23-27), luật chỉ dạy ly dị khi hôn nhân đã hoàn hợp (Đnl 24,1). Đàng khác âm thầm ly dị, Giuse lại càng bất tuân lề luật. Vì chứng thư ly dị chỉ có giá trị pháp lý, khi mang tính cách chính thức công khai. Vả lại, ly dị âm thầm như thế không thể giữ bí mật được lâu, trong một ngôi làng nhỏ bé như Nadarét. Đàng khác, nếu Giuse coi Maria vô tội, ta không thể hiểu được tại sao ông lại nghĩ đến chuyện ly dị bà, vì pháp luật đâu cho phép. Xét như là hôn phu, ông có bổn phận bảo vệ hôn thê vô tội, chống lại mọi nghi ngờ vô bằng cứ của kẻ khác.

Hơn nữa, trong Tin mừng của Mátthêu, chỉ duy nhất Giuse được gọi là công chính, tựa như Abel người công chính. Abel công chính không phải theo luật, vì lề luật chỉ được công bố với Maisen, nhưng vì kính sợ Thiên Chúa. Vì thế, không thể cắt nghĩa đức công chính của Giuse ” theo luật” được, nhưng công chính vì kính sợ Thiên Chúa.

Nhiều nhà chú giải cho rằng: Trước khi Thiên sứ loan báo, Giuse đã biết Maria có thai bởi quyền năng Thánh Thần, có thể do chính Maria tiết lộ, tâm sự với người mình đính hôn, hay đúng hơn mẹ của Maria, theo tập quán Đông phương. Vì thế, điều làm cho Giuse băn khoăn, không phải vì tiết hạnh của Maria, song là sự thụ thai huyền nhiệm của nàng. Trước mầu nhiệm ấy, Giuse nghĩ: Ông không có quyền đem về nhà một kẻ, Đức Giavê đã dành riêng cho Người, ông không có quyền làm cha đứa con không phải là của ông. Ông nhận ra quyền làm Cha của Trẻ này là chính Thiên Chúa, còn ông, không được coi như cha của đứa con đó.

Thật thiêng thánh! Trước mầu nhiệm ấy, Giuse muốn rút lui và cẩn thận không muốn tiết lộ mầu nhiệm thiên linh ấy nơi Maria (Theo Origène và Eusèbe, từ “deigmatisai” = tiết lộ, không bao hàm ý nghĩa xấu: tố giác, bêu nhục như từ Paradeigmatisai; Touon cũng dịch là tiết lộ, bầy tỏ). Giuse phản ứng như hết thảy mọi kẻ công chính trong Kinh thánh, trước việc Thiên Chúa can thiệp vào đời họ: như Maisen cởi giầy trước bụi gai rực cháy, như Isaia khiếp đảm trước việc xuất hiện của vị Thiên Chúa ba lần thánh (Is 6,3-4), như Êlisabét hỏi tại sao mình được Mẹ Thiên Chúa đến thăm (Lc 1,39-45), như Phêrô cúi mình thưa: “Lạy Chúa, xin hãy xa con vì con là kẻ tội lỗi.” Tuy nhiên, “đang khi Giuse toan tính lìa bỏ Maria, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về.” Giuse kính sợ Thiên Chúa, không phải vì lề luật.

 

  1. Đấng Emmanuel

Giữa lúc dân Israel đang bị lưu đầy ở Babylon, Thiên Chúa đã sai Yêrêmia loan báo một Tin mừng là Ngài sẽ ban cho họ một vị vua sẽ đưa dân lưu đầy trở lại quê hương và thiết lập một dân Israel mới. Vị vua ấy được thánh Matthêu giới thiệu là Đấng Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã ở giữa dân Ngài. Ngài đã ở với họ trong áng mây, cột lửa, Ngài đã ở nơi họ trong Hòm Bia giao ước và nơi các nhân vật đặc tuyển. Nhưng vì muốn ở với họ một cách sâu xa hơn. Ngài đã trở nên Đấng Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Tuy nhiên, để có thể ở giữa loài người, Ngài đã muốn có sự cộng tác của con người. Đức Maria là người đầu tiên và gương mẫu của việc thực hiện kế hoạch Emmanuel. Đứng trước kế hoạch hoàn toàn trái ngược với hoài bão và mơ ước của mình, Người đã tự xoá bỏ mình và cúi đầu vâng phục. Thánh Giuse cũng vậy, sau khi đã được giải thích cho biết về kế hoạch thần linh, Người cũng đã sẵn lòng quên mình để cho ý định của Thiên Chúa được hoàn tất. Chính việc tự xoá mình và hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn và đạt đến mức thiên giới mà không cần quan hệ giới tình.

Đấng Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng tôi vẫn đang làm cho nhân loại xoá bỏ những chia rẽ, đố kỵ, ngăn cách để được hợp nhất với nhau trong tình yêu, bởi vì, Ngài là Tình yêu, Ngài sẽ không thể tìm được nơi ở, bao lâu nhân loại còn đầy những ích kỷ, oán hận, tranh chấp.

Nhưng trên tất cả, Ngài muốn có một chỗ trong tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết mở rộng lòng đón lấy Ngài, nên một với Ngài, nhờ đó Ngài có thể mãi mãi là Đấng Emmanuel cho ta và cho nhân loại hôm nay.

home Mục lục Lưu trữ