Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1364375

GẮNG SỨC

Gắng sức

Chúng ta vừa đọc lại bài Phúc âm của Chúa nhật XXI Mùa thường năm C; không những chỉ trong bài Phúc âm mà cả ba bài đọc đều như muốn nhắc chúng ta nhớ lại hai chiều kích của ơn cứu rỗi.

Chiều kích thứ nhất là chiều kích phổ quát, đó là ơn cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, mọi dân tộc. Chiều kích phổ quát này được loan báo nơi sách tiên tri Isaia mà chúng ta đọc trong bài đọc I, và được nhắc lại nơi đoạn Phúc âm hôm nay là thiên hạ sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Chiều kích phổ quát này dường như nhấn mạnh đến số lượng nhiều hơn, và có thể làm chúng ta hiểu lầm là mọi người tự động được vào Nước Thiên Chúa, nhưng không phải như vậy.

Chiều kích thứ hai của ơn cứu rỗi là chiều kích cá nhân, nhấn mạnh đến phẩm chất, đến mối tương quan giữa mỗi tín hữu với Chúa Kitô, với Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Chiều kích thứ hai này nhắm đến phẩm chất của mối tương quan giữa mỗi người với Thiên Chúa và được thể hiện nơi bài đọc II trong thơ Do thái: “Thiên Chúa yêu thương ai thì Ngài càng thanh luyện, càng uốn nắn người đó nhiều hơn nữa qua những thử thách để người đó mang lại nhiều hoa trái”.

Thiên Chúa thanh luyện để làm cho con người được lớn lên trong tình yêu của Ngài. Chúng ta nhớ lại dụ ngôn về cây nho, ngành nho được nhắc lại nơi Phúc âm thánh Gioan: “Thầy là cây nho thật, Cha Thầy là người trồng nho. Hễ ngành nào thuộc về Thầy mà không sinh quả thì Cha Thầy sẽ chặt đi. Còn nếu ngành nào sinh quả thì Cha Thầy sẽ cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa quả hơn”.

Việc Thiên Chúa cắt tỉa con người được hiểu như là việc Thiên Chúa thanh luyện con người. Nơi bài đọc II của Chúa nhật XXI Mùa thường năm C nói là: “Thiên Chúa sửa dạy con người như người cha sửa dạy con cái trong nhà. Thiên Chúa yêu thương ai thì Người muốn thanh luyện người đó nhiều hơn nữa để mang lại nhiều hoa trái”. Đây là điều mà bài Phúc âm hôm nay thường gọi là bước vào qua cửa hẹp.

Hai chiều kích phổ quát nhắc về số lượng và cá nhân, nhắm về phẩm chất của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa luôn luôn đi đôi với nhau được nhắc lại trong bài Phúc âm chúng ta vừa đọc lại ở phần đầu, khi Chúa Giêsu phán: “Bất cứ ai muốn vào Nước Chúa thì phải đi qua con đường hẹp, phải cố gắng và từ bỏ những gì cản trở con người bước vào Nước Trời”. Thiên Chúa cảnh tỉnh các đồ đệ của Ngài đừng ỷ lại vào những công việc giả tạo của mình.

Trong hai chiều kích này của ơn cứu rỗi, dĩ nhiên chiều kích phẩm chất nhắc đến mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa là điều quan trọng. Càng yêu mến Chúa thì ta càng làm cho nhiều người nhận biết Chúa. Trường hợp các vị thánh là một thí dụ điển hình, các ngài càng yêu mến Chúa thì càng được thanh luyện chính mình, hay đúng hơn càng được Thiên Chúa thanh luyện để có sức ảnh hưởng mạnh và dẫn đưa nhiều người đến với Chúa. Các thánh càng đào sâu chiều kích cá nhân thì càng đến gần Chúa, do đó tâm hồn của các ngài càng mở rộng đến mức độ đại đồng để đón nhận tất cả mọi anh chị em và đưa anh chị em đến với Chúa. Ap dụng cho đời sống mình, càng kết hiệp với Chúa thì ta càng quảng đại với anh chị em; nếu xa lìa Chúa thì ta càng hẹp hòi với anh chị em.

38. Cố gắng mà vào qua cửa hẹp

Nửa đêm có người đến kêu cửa giựt ngược: Xin cha làm phước mẹ con chết hụt mất!

Không trả lời nhiều ít được. Vì nếu nói nhiều thì chắc có tội, khỏi lo. Nếu nói ít thí chắc không có tội rồi, khỏi lo! Cũng không vì một số điều kiện nhất định nào đó được. Không thể ra giá ơn cứu độ hay Nước Thiên Chúa bằng một giá nào nhất định được vì không phải là một món hàng vật chất có giá cả nhất định mà là một giá trị thiêng liêng vô giá, phải đổi bằng tất cả những gì mình có. Người ta muốn biết chắc một số điều kiện rồi cố chịu khó lo cho đủ, có tấm giấy bảo như “miễn tử bài” rồi tha hồ, giờ chót Chúa ban ơn trở lại, bảo đảm không sợ mất linh hồn Giữ 7 thứ sáu đầu tháng Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu bảo đảm giờ chót được ơn ăn năn trở lại hoặc 9 thứ 7 đầu tháng Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ Maria cũng hứa như vậy… Rất nhiều người tin như vậy.

Hãy cố gắng. Chịu khó. Làm một hai chút trong một thời gian nào đó chưa gọi là cố gắng. Cố mà gắng là phải đeo bám luôn. Đá banh ngày nay là áp sát và đeo bám, hở chút là thua. Đội nào sức trẻ đeo bám tốt thì hạn chế được thất bại. Cố gắng thì phải liên lỉ, không sơ hở như Chúa Giêsu nói “như người đợi chủ đi ăn cưới về”. Có nhiều người tìm cách vào mà không vào được. Không phải tại cửa không vào được vì cửa là để cho mọi người vào, mà là tại có người không tìm thấy cửa, tìm chỗ không có cửa.

Vào qua cửa hẹp! Cửa hẹp khó vào. Nhưng hỏng chật đâu vì ít người thích vào. Cố gắng thì vào được.

Dể thì không đáng mấy xu. Càng khó càng đắc gía. Độ khó làm thành giá trị của phần thưởng cao vì có số điểm cao.

ĐG minh họa bằng dụ ngôn: khi chủ nhà đứng dậy khóa cửa lại các người còn đứng ở ngoài gõ cửa gọi xin mở thì ông sẽ trả lời “ta không biết các ngươi là ai”. Giờ chót là vậy. Đợi giờ chót thì sẽ gặp như vậy đó! Dù có nhắc tới “chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt ngài, ngài đã từng giảng dạy trên các đường phố chúng tôi. Năm cô trinh nữ không có dầu phải ra hàng mà mua, trở lai kêu cửa. Cũng nghe đáp “Ta không biết” một cách khô khốc! Nặng hơn, khốc liệt hơn: Cút! Đi khỏi mặt ta, đồ làm điều gian ác! Làm điều gian ác mà muốn vào được sao? Không làm điều Chúa dạy là làm điều gian ác.Thế gian không vào Nước Trời được vì là thế gian. Nước Trời là công chính, thánh thiện. Không làm điều Chúa dạy thì là làm điều gian ác, là thế gian. Ở ngoài mà khóc lóc nghiến răng nhìn thấy từ Nam chí Bắc từ Đông sang Tây thiên hạ tựu đến ăn tiệc sung sướng vô cùng còn con cái trong nhà thì bị bỏ ở ngoài.

Trước hết sẽ nên sau hết. Sau hết sẽ nên trước hết. Trước hết: Do thái rồi những kẻ chức cao quyền trọng, được nhiều đặc ân đặc lợi trong Giáo Hội. Hoặc tự ỷ là đạo dòng, con ông trùm ông câu gì đó!

Là câu trả lời cho những người giữđạo chót, sợ chết hụt.

Là cả một con người, cả một đời sống với rất nhiều việc làm tốt xấu. Giờ chót giải quyết cách nào đây. Xin CG lấy máu châu báu của Nguời rửa con cho sạch bóng cho con lên thiên đàng luôn. Có lẽ nên dạy dễ như vậy cho người ta ham mà giữ đạo nhiều. Nhưng là lừa gạt.

Bỏ Phục sinh cả chục năm, giờ chót rước cha giùm cho trở lại để được rỗi linh hồn, chết hụt mất linh hồn tội nghiệp.

Đạo Chúa nhật, đi lễ bậy bạ một chút Ở ngoài hay đi lễ “ôm”. Trung thành là từng giây từng phút. Chủ về muộn canh hai hoặc canh ba, còn như kẻ trộm, lúc bất ngờ.

Thưởng thiện phạt ác là sao nếu cả đời “làm điều gian ác” Chúa Giêsu bảo “cút” thì ai dám bảo là lên thiên đàng bằng giờ chót. Thiên đàng là phần thưởng lớn lao chỉ dành cho những đầy tớ trung thành bất cứ lúc nào chủ đến cũng sẳn sàng.

Chúa Giêsu chẳng bảo trước hết sẽ nên sau hết cơ mà.

Vậy hãy cố gắng mà vào qua cửa hẹp bằng sự trung thành sẳn sàng luôn, chịu khó hy sinh, dám bán hết của cải bố thí cho người nghèo khó rồi theo “Ta”.

39. Cửa hẹp

Nếu một người nào đó hỏi chúng ta: “Phải chăng chỉ có những người theo đạo Chúa mới được cứu độ?”hay “Có phải chỉ có một số ít người được vào nước trời?”. Chúng ta sẽ trả lời thế nào? Câu hỏi này xưa kia có người đã hỏi Chúa Giêsu. Sở dĩ ông ta hỏi như vậy vì hồi đó có nhiều quan niệm và chủ trương khác nhau. Giáo lý của nhóm Pharisêu thịnh hành lúc ấy cho rằng: thế giới hạnh phúc mai hậu chỉ dành cho một số ít thôi, còn đa số sẽ phải khốn khổ. Còn những người phái khắc khổ Ét-sê-niên thì khẳng định ngon lành rằng: chỉ những thành viên của họ mới được cứu độ. Có lẽ vì có những chủ trương khác nhau như vậy, nên người này đến hỏi Chúa Giêsu cho biết rõ sự thực như thế nào.

Chúa Giêsu đã trả lời. Câu trả lời của Chúa vừa là bài học cho chúng ta vừa là giải đáp để chúng ta có thể trả lời cho những người khác. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: tất cả mọi người đều được cứu độ. Đó là giáo lý trước sau như một của Chúa. Bởi vì “Thiên Chúa là Cha, Đấng mong muốn mọi người được cứu thoát”, “Đấng không muốn bất cứ ai phải hư đi”, “Đấng không muốn một trong những kẻ bé mọn phải hư mất”. Bàn tiệc của Thiên Chúa là bàn tiệc mở ra cho muôn dân, nghĩa là nước trời được mở ra đón nhận mọi người. Chúa đến trần gian, chịu nạn chịu chết cho mọi người, cứu chuộc mọi người, chứ không phải chỉ một số người nào thôi.

Như vậy, Chúa cứu chuộc mọi người là một điều rõ ràng và dứt khoát rồi. Nhưng được cứu độ hay không là hoàn toàn do mỗi người. Vì thế, Chúa Giêsu muốn mọi người đừng bao giờ còn đặt vấn đề một cách sai lầm và tiêu cực rằng: phải chăng chỉ có ít người được cứu độ? Hay tôi có được cứu độ không? Trái lại, phải nói rằng: tôi có muốn được cứu độ không? Bởi vì ơn cứu độ Chúa Giêsu đã lập là phổ quát chung cho mọi người, ơn cứu độ luôn chờ sẵn ngoài cửa mỗi tâm hồn. Và muốn được cứu độ thì phải áp dụng các phương pháp và phương thế đó chính Chúa Giêsu cũng đã đề nghị và chỉ dạy cho chúng ta, đó là cố gắng vào cửa hẹp.

Cửa hẹp không phải vì Thiên Chúa hà tiện, hẹp hòi, khắt khe mà vì con người chúng ta không đủ nhỏ để dễ dàng đi vào. Nói khác đi, cửa nước trời không hẹp mà chính vì chúng ta quá cồng kềnh. Đó là sự cồng kềnh của những hành lý chúng ta đang mang nặng trên vai như tiền bạc, của cải, tình duyên, danh vọng, thú vui, hưởng thụ… Khiến chúng ta bị vướng ngoài cửa. Đó là sự cồng kềnh của cái tôi: cái tôi nặng nề của đam mê, xác thịt. Cái tôi cứng cỏi vì lòng ích kỷ. Cái tôi hèn nhát vì sợ hãi không dám dấn thân… Như thế đó, cánh cửa nước trời mà nhiều người thiện chí đã vào được dễ dàng, thì đã trở thành khung cửa hẹp đối với những người khác, vì cái tôi, vì hành lý của họ quá cồng kềnh. Cho nên, chúng ta vào được nước trời hay không là do chúng ta chứ không phải do Chúa. Thánh Âu Tinh đã nói: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta. Nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta”. Do đó, vấn đề không phải là đòi Thiên Chúa nới rộng cửa, nhưng là chính chúng ta phải biết trở thành bé nhỏ. Nói theo ngôn ngữ đạo đức quen thuộc, là chúng ta phải từ bỏ chính mình, tức là phải từ bỏ những gì chúng ta thích, chúng ta muốn, nhưng không đẹp lòng Chúa.

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy xét lại đời sống của mình, kiểm điểm lại thái độ sống của mình xem: những gì đang là những cái cồng kềnh cản trở chúng ta vào nước trời. Chúng ta hãy lục soát kỹ lương tâm xem: có phải chúng ta đang là nô lệ của rất nhiều ông chủ không? Có những ông chủ rõ ràng như tiền bạc, danh vọng, bia ôm, cà phê đèn mờ, đua đòi, chưng diện, thú vui không lành mạnh… Có những ông chủ khác như ích kỷ, thói quen xấu, giữ đạo vụ hình thức, định kiến, thành kiến đối với người này người khác… Nhiều lắm, mỗi người đều có những ông chủ khác nhau. Đó chính là những cái cồng kềnh khiến chúng ta bị vướng ngoài cửa hẹp, và giả như Chúa gọi chúng ta hôm nay, chúng ta có chắc mình được cứu độ không?

Hơn nữa, bản tính con người hay thay đổi, thích mới nới cũ, ưa chuộng hào nhoáng, chạy theo thị hiếu, mà dễ quên mục đích tối hậu của mình: Một đàng thì bị thế gian cám dỗ, luôn luôn đánh bóng lên những thứ trái cấm như tranh ảnh, sách vở, báo chí, thời trang, hình tượng, phim ảnh, nghệ thuật… càng là trái cấm càng quyến rũ mãnh liệt. Đàng khác, con người lại có tật xấu là mau nản, dễ đầu hàng: một lần thất bại là chúng ta mang mặc cảm và không muốn chỗi dậy nữa, buông xuôi.

Tóm lại, thật nhiều và rất nhiều hình thức lôi kéo, thúc đẩy, xúi giục chúng ta tìm con đường thênh thang, dễ dãi, ngại khó, sợ khổ, tránh con đường hẹp. Vì thế, chúng ta phải luôn nhớ bài học của Tin Mừng hôm nay: phải đi vào con đường hẹp, phải phấn đấu hết mình để vào cửa hẹp. Cũng như tất cả chúng ta đều biết bài học: “Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, thì trên phạm vi siêu nhiên cũng thế, Chúa đã nói: “Ai muốn theo Tôi, hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo”. “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”. Cũng vậy, nếu ở đời “Có khó mới có miếng ăn”. “Không có hạnh phúc nào có thể đạt được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc nước trời đòi hỏi chúng ta phải chịu khó gấp bội mới chiếm được. Xin Chúa cho chúng ta nhớ bài học hôm nay và thực hiện mỗi ngày suốt đời chúng ta.

40. Nước trời

Ngày 15.9.2000, thế vận hội Ôlympic lần thứ 27 lại diễn ra tại nước Úc. Một lá cờ có nền trắng làm nổi bật năm vòng tròn ngũ sắc: xanh dương, vàng, đen, xanh lá cây và đỏ lại được tung bay phất phới. Năm vòng tròn khác nhau nhưng lại được nối kết chặt chẽ với nhau biểu tượng cho sự kết hợp mật thiết của năm châu xây dựng trên tinh thần thể thao bằng hữu và huynh đệ. Ban tổ chức đã ráo riết vận động và thành công trong việc tạo điều kiện cho 199 quốc gia và lãnh thổ về tranh tài thể thao quốc tế. 12.500 vận động viên thay mặt quốc gia đến để tranh nhau từng tấm huy chương mà không có một sự chống đối nào.

Tứ hải giai huynh đệ, có thể nói được là giấc mơ của con người. Vì thế, con người đã chứng kiến bầu khí hân hoan tưng bừng của một ngày khai mạc đại hội khi các đoàn vận động viên đại diện cho các quốc gia diễn hành vào vận động trường, cũng như khung cảnh vui tươi nhộn nhịp khi các vận động viên chung vui nhảy múa trong những giờ phút cuối cùng của nghi thức bế mạc.

Thật ra từ ngàn xưa, giấc mơ tứ hải giai huynh đệ đã được các tiên tri loan báo trong thời Cựu ước, như tiên tri Isaia đã diễn tả trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Thiên Chúa phán: “Ta đến để qui tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta, chúng sẽ rao giảng và dẫn dắt anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến”. Rồi Đức Giêsu đã đến trong lịch sử nhân loại để biến giấc mơ muôn thuở của con người thành hiện thực. Ngài đã loan báo Thiên Chúa là Cha chung của mọi người và vì thế bàn tiệc Chúa dọn ra đã mời gọi con cái của Người không phân biệt dòng máu, dân tộc, màu da, tiếng nói, nam nữ già trẻ. Vì mọi dân nước đều được mời gọi tham dự bàn tiệc của Chúa như Chúa Giêsu đã xác tín trong bài Phúc âm hôm nay: “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.

Tuy nhiên cũng giống như các vận động viên đã đến tranh tài thể thao tại cuộc thi Olympic Sydney, chỉ có một số người đạt được huy chương. Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu lưu ý chúng ta: phòng tiệc Nước Thiên Chúa tuy rộng rãi thênh thang có đủ chỗ cho mọi dân nước, nhưng cửa vào phòng tiệc lại vừa hẹp, lại vừa được mở ra trong khoảng thời gian nhất định. Vì thế, cần phải tỉnh thức và phấn đấu mới lê chân tiến vào được. Một khi cửa phòng tiệc đã đóng không ai còn có thể tranh luận hay van nài để chủ nhà ra mở cửa một lần nữa.

Vậy phải chăng chỉ có một số người được cứu độ?

Đâu phải cứ ai thuộc giống nòi Abraham, “từng được ăn uống trước mặt Ngài”, từng được nghe Ngài giảng dạy trên các đường phố của mình, là đương nhiên được Đức Giêsu, vị chủ nhà, mở cho vào khi gõ cửa. Nhưng phải biết đón nhận lời loan báo Nước Trời và mau mắn hoán cải, ngoài ra còn phải biết phấn đấu để bước chân vào phòng tiệc. Cũng như các vận động viên trong các cuộc tranh tài thể thao phải tranh đấu cam go, phải phấn đấu cao độ để tranh nhau từng ly tại mức đến. Nhưng những thành tích mà họ đã đạt được trong những ngày tranh tài là kết quả của những năm tháng tập luyện gian khổ, của những cuộc đấu sức cam go để được chọn đại diện cho quốc gia mình.

Bàn tiệc cánh chung trong Nước Chúa cũng thế, đây là bàn tiệc của những người thắng trận. Những người đã từng chịu thử thách để chia sẻ cuộc chiến và những khổ đau của Đức Giêsu ở trên bàn thờ thập giá và được tái diễn trên bàn tiệc Thánh Thể.

Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh khung cửa hẹp để chỉ những ai muốn vào tham dự phải biết lách mình qua. Nhiều lúc phải biết hy sinh, đổ máu để đi vào. Nhưng hình ảnh khung cửa hẹp này không làm mất đi vẻ hùng tráng huy hoàng, vui tươi qua lời tiên tri Isaia ở bài đọc một, vì đó là điều kiện cần thiết để được vui tươi. Ai không qua khung cửa hẹp để tiến lên thì không thể tham dự vào cuộc hân hoan trở về được. Muốn vui tươi thật sự tận trong lòng phải thanh tẩy, phải lách mình qua khung cửa hẹp. Nếu không sẽ bị loại ra ngoài, chỗ khóc lóc nghiến răng, nơi đó không còn là hân hoan, vui tươi, hạnh phúc nữa.

Thiên Chúa luôn là Chúa của Tình yêu. Người luôn mở rộng cửa, luôn rộng tay để đón mời nhưng chúng ta phải tự hỏi mình có dám, có xứng đáng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào vòng tay của Thiên Chúa hay không? Thiên Chúa không xua đuổi ai nhưng chính chúng ta phải biết dùng tự do và những khả năng Chúa ban cũng như những ơn thánh của Chúa trong đời sống hằng ngày mà về cùng Chúa. Sống như thế, bàn tiệc cánh chung không phải tìm đâu xa mà chính tại nơi mình đang sống trong hiện tại, lúc bấy giờ. Hãy sống niềm vui thiên đàng và hãy bắt đầu ngay từ trần gian này. Nhưng niềm vui đó tùy thuộc ở cách sống của chúng ta, của gia đình chúng ta và xã hội chúng ta đang sống. Khi mỗi người biết sống thật với lòng trời và hợp với lòng người, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc đó là chúng ta được tham dự vào bàn tiệc của Thiên Chúa và bàn tiệc đó sẽ kéo dài mãi mãi trong cả đời này lẫn đời sau.

Vừa lọt vào bảng xếp hạng tóp ten của làn sóng xanh, bài hát “bạn tôi”của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã mau chóng chiếm được tình cảm của khán thính giả. Bài hát đi vào lòng người đặc biệt nơi người trẻ, qua những hình ảnh thật xúc động về người sinh viên trước ngưỡng cửa vào đời với muôn vàn khó khăn: “Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường, bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số, thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm”.

Đúng vậy, cửa vào đại học đã khó, để sống hoài bão của mình, lại càng khó hơn. Vâng! Để được bước chân vào ngưỡng cửa đại học các bạn sinh viên nghèo đã tốn biết bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử”, bỏ hết những cuộc vui chơi, tất bật trên mọi nẻo đường mưu sinh với không thiếu những giọt mồ hôi, nước mắt để thực hiện hoài bão. Và đích điểm sự thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu.

Con đường vào quê trời cũng vậy, đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.

Vậy thì mỗi người trong chúng ta hãy chọn cho mình một con đường. Đường cao, đường lưng chừng, hay đường thấp? Tôi xin mượn lời thơ của thi sĩ người Anh, John Oxenham tạm kết cho chủ đề chia sẻ hôm nay:

“Trước mặt mỗi người đều chỉ mở ra một con đường

Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp,

Linh hồn cao thượng chọn lấy nẻo cao

Linh hồn thấp kém bước vào ngõ thấp

Và ở giữa hai nẻo đường mù sương ấy,

Số còn lại cứ ngập ngừng qua lại,

Nhưng mỗi người chỉ có

Một con đường mở ra trước mặt:

Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp,

Mỗi người đều phải quyết định xem:

Linh hồn mình sẽ tiến theo lối nào”.

41. Ai được cứu độ

Loài người trên thế giới này tự hào vì mình biết nhiều và cao trọng hơn các loài khác. Nhưng có nhiều người không biết một điều quan trọng là: tôi sẽ đi đâu về đâu? Nhiều người không biết hoặc không muốn biết sự thật đằng sau cái chết dù họ có cảm nhận ít nhiều về vấn đề tâm linh con người.

Người Do Thái nhờ có Mạc khải nên có lòng mong chờ ơn Cứu chuộc. Khi Chúa Giêsu đến rao giảng ơn cứu chuộc, họ chú ý lắng nghe và hỏi Chúa Giêsu về số lượng người được cứu. Nhưng Chúa Giêsu muốn giúp họ hiểu thêm về tiêu chuẩn được ơn cứu độ. Đó là hãy vào qua cửa hẹp. Con đường về nhà Cha là con đường hẹp, con đường thập giá Chúa Giêsu đã đi. Thế gian luôn muốn mở nhiều con đường thênh thang không qua thập giá: con đường của danh, lợi, thú. Đó là những ngõ cụt không đưa đến Thiên Đàng, có khi đó là những cái rọ do ma quỷ bày ra cho loài người tự chui vào và nô lệ cho thế gian. Loài người nếu không biết trông cậy vào Chúa thì sớm muộn cũng bị quỉ ma lừa gạt cách này cách khác. Ma quỉ có thể dựa vào xu hướng chung của con người là tìm sự dễ dãi, thích giàu sang, hưởng thụ, sống theo sở thích, sống vô kỷ luật, ích kỷ, kiêu căng để dẫn con người đi sai con đường lương tâm chỉ bảo. Vì vậy, Chuá Giêsu đã xuống thế làm người, dạy chúng ta phải tìm những điều cao quý, biết bỏ mình phục vụ trong tình bác ái, sống vượt trên mọi tham vọng, và vâng phục thánh ý Chúa. Theo Chúa thì phải lội ngược dòng đời, sống yêu thương, vị tha theo gương Chúa Giêsu. Môn đệ Chúa hãy nghĩ đến phần rỗi linh hồn hơn là phần xác, nghĩ đến ích lợi chung trước khi lo cho tư lợi riêng. Đó không phải là điều Chúa Giêsu đã dạy bảo chúng ta và được ghi lại trong Tin Mừng, được nhắc đi nhắc lại thường xuyên trong các giờ cầu nguyện sao?

Đau khổ và sự dữ trên trần gian là do tội lỗi gây ra. Con cái Chúa cũng không tránh được đau khổ khi sống trên trần gian này. Chính Chúa Giêsu cũng không tìm cách tránh đau khổ. Ngài mang lấy đau khổ của nhân loại mà đưa lên cây thập giá. Vì muốn cứu giúp chúng ta, Ngài không ngại hy sinh. Tuy hôm nay chúng ta còn gặp nhiều gian khó nhưng chỉ là những khổ ải tạm thời. Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho chúng ta một nơi hạnh phúc đời đời, nâng đỡ chúng ta bằng hành động yêu thương, cho chúng ta niềm hy vọng về tương lai xán lạn Chúa dành sẵn cho con cái mình trên quê trời. Những khó khăn chúng ta đang chịu nhắc bảo cho chúng ta biết rằng: Chúng ta đang ở quê tạm, nơi rèn luyện bản thân để trưởng thành trong tình yêu chứ chưa phải là quê thật. Thư gởi tín hữu Do Thái đã nhắc bảo chúng ta: Chúa sửa dạy ai là kẻ người yêu mến và đánh đòn…(Dt.12, 5-7) có người con nào mà cha không sửa phạt vài lần. Những lúc Chúa gởi đòn roi thì ai cũng buồn, nhưng sau này, sẽ mang lại quả bình an và công chính (Dt.12,11-18) Chúa biết cách nào hay nhất để sửa dạy chúng ta, giúp chúng ta đi đúng đường chân lý. Dĩ nhiên, khi Chúa gởi thử thách đến thì chúng ta khổ, nhưng chúng ta hãy nhớ lời Chúa nói với thánh Phaolô: ơn ta đủ cho con. Chúa không cất mọi khó khăn cho chúng ta, nhưng chúa muốn rèn luyện chúng ta nên tinh ròng. Cuộc sống ở trần gian mau qua, không phải khổ sở lâu. Rồi Chúa sẽ sớm đưa chúng ta về hưởng thiên đàng, một phần thưởng cao quí hơn những gì lòng người dám ước mong. Phần thưởng này dành cho những ai biết sống tốt, biết yêu mến đồng loại, trở nên giống Đức Giêsu là Con Một Chúa Cha cũng là Chúa chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đi con đường hẹp, con đường sống theo giới răn Chúa, con đường vì tha nhân, phục vụ cho hạnh phúc đời đời của nhân loại, để mai sau được thừa hưởng Nước Trời.

42. Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

THIÊN CHÚA CỦA MỌI NGƯỜI

Có thời người ta tưởng rằng Thiên Chúa chỉ cứu độ những người Do Thái và những ki-tô hữu. Với thời gian và mặc khải, người ta hiểu hơn về Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương và cứu độ tất cả mọi người.

Thiên Chúa đâu của riêng ai

Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất trích sách tiên tri Isaya cho thấy hình ảnh mọi dân tộc thuộc mọi ngôn ngữ được thấy vinh quang của Thiên Chúa. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn sai một số người thuộc những dân tộc này tới những dân tộc xa hơn để rao giảng loan truyền về Thiên Chúa. Ngài còn chọn những người thuộc những dân tộc này làm tư tế cho Ngài.

Dân Do Thái không là dân tộc duy nhất được Thiên Chúa thương yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi dân tộc thuộc mọi ngôn ngữ ở mọi thời đại. Tư tưởng trong sách tiên tri Isaya tuy dù có từ thời xa xưa, nhưng rất tiến bộ và vượt xa nhiều tư tưởng của thời gần đây. Ngay ngày nay, vẫn còn nhiều người tưởng rằng Thiên Chúa chỉ yêu thương và cứu độ những người Công Giáo hoặc ki-tô hữu. Đúng là nếu ai cố tình từ chối Thiên Chúa và Đức Yêsu khi họ biết rõ, thì người đó bị loại khỏi Nước Thiên Chúa; còn những ai vì không biết hay lầm lẫn mà không trở thành người Công giáo hoặc ki-tô hữu, thì vẫn được cứu độ cho dù họ không theo một tôn giáo nào (Hiến chế Giáo Hội, số 16). Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người, cho dù người đó chưa nhận biết Ngài.

Hãy đọc ý nghĩa những gì xảy ra cho mình

Thiên Chúa yêu thương con người. Tuy nhiên không vì thế mà Thiên Chúa làm tất cả những gì con người ao ước. Những gì không tốt cho con người, Thiên Chúa sẽ không làm cho họ. Tuy nhiên, nếu có gì tốt mà thậm chí trái ý con người, Thiên Chúa vẫn làm cho con người.

Những trái ý và thập giá xảy tới cho con người, có thể được coi như những thử thách và bài học Thiên Chúa dạy dỗ con người. Hãy cố gắng để nhận ra điều Ngài muốn nói với mỗi người qua những gì xảy tới cho mình trong cuộc đời. Thử thách và trái ý, có giá trị riêng của nó. Hãy cố gắng tận dụng, để triển nở và hạnh phúc hơn.

Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp

Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ mọi người (1Tm.2, 4). Tuy vậy, được cứu độ hay không, cũng tuỳ thuộc con người. Hãy vào qua cửa hẹp. Nếu một người chọn thế gian và những xa hoa, không thể vào Nước Trời được.

Nếu không sống theo đường lối của Thiên Chúa hôm nay, lấy gì bảo đảm sẽ sống theo Chúa vào những giây phút cuối đời mình? Hiện tại là quan trọng. Thời gian của đời dương thế này rất quan trọng và không gì có thể thay thế được. Qua hành vi của con người trên dương thế này, người ta có thể giúp những người khác khi họ không còn làm gì được cho họ, như trường hợp những người bị thiểu năng, hoặc các linh hồn nơi luyện tội. Qua hành vi tại dương thế này, con người làm mình trở thành vĩnh cửu, làm mình trở thành thần, trở thành thánh.

Hãy vào qua cửa hẹp, là cách nói khuyến khích con người hãy sống theo lý trí, lương tâm, luật Chúa cũng như những gì là tốt lành. Đừng sống chỉ theo bản năng hoặc xúc cảm của mình. Hãy vào qua cửa hẹp, đòi người ta phải hy sinh và sống cho tha nhân, yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương con người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Nếu không theo Công giáo cũng được cứu độ, vậy tại sao còn cần phải là người Công giáo?
  2. Trở thành ki-tô hữu, có gì hơn người không theo một tôn giáo nào?
  3. Đâu là lý chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người?

43. Một nghề siêu nhiên

Đứng ở trước một căn biệt thự là hai người ăn xin. Họ đang tìm cách để đi vào xin ăn. Lý do mà họ còn do dự là bởi vì ở đằng trước cửa là một con chó to và dữ tợn đang gầm gừ. Một người nói với người kia, “Anh vô đi. Anh thấy không cái con chó đó nó đang sủa nhưng nó cũng đang vẫy đuôi.”Người kia trả lời, “Đó là vấn đề. Tôi không biết nên tin cái nào!”

Trong cuộc sống, chúng ta phải đương đầu với nhiều khuynh hướng mẫu thuẫn nhau: loại bỏ hay chấp nhận, phá hủy hay xây dựng, chiến tranh hay hòa bình. Chúng ta đang suy nghĩ không biết nên tin vào điều gì. Chúng ta lưỡng lự! Chúng ta hỏi mình, “Làm sao tôi có thể thăng tiến cuộc sống của tôi trong cái thế giới đầy dẫy tội lỗi như thế này?” Chúng ta than phiền tại sao không có người nào làm cho thế giới nên tốt hơn. Thế nhưng các bạn có thấy không, ‘người nào’ đó chính là các bạn đấy. Các bạn chính là người hòa giải và người củng cố. Các bạn được gọi để làm công việc của Đấng Cứu Độ. Anh hùng được sai đi để làm công việc anh hùng. Con voi được sai đi để làm công việc của con voi. Con người được sai đi để làm công việc siêu nhiên.

C.B. Eavery, trong bài “Cấp Bậc của Sự Sống,”viết, “Con người có ba cấp bậc sống: bậc con vật, bậc con người, và bậc siêu nhiên.”Nếu bạn chọn sống bậc con vật thì bạn sẽ chỉ tìm thỏa mãn của thân xác và bạn sẽ không bao giờ được thỏa mãn với cuộc sống của bạn. Có lẽ một lúc nào đó thì bạn thích, thế nhưng bạn là một con người có lương tâm và linh hồn, và như thế các bạn không thể nào được thỏa mãn trong xác thể.

Nếu bạn chọn sống bậc con người, dựa trên những vật liệu để làm cho bạn được thỏa mãn, nhiều người sẽ giúp đỡ bạn. Bạn sẽ dùng sức mạnh của mình để giúp chính mình. Các hãng và công xưởng sẽ giúp bạn, thế nhưng khả năng của con người rất hạn hữu.

Nếu bạn chọn sống bậc siêu nhiên, dựa trên nền tảng thánh thiện để làm cho mình được no thỏa, thì bạn sẽ được Thiên Chúa giúp bạn… Thiên Chúa luôn luôn lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ bạn, không phải chỉ có từng lúc, nhưng mọi lúc.

Bản tính của con người thường được người Mỹ ví như chiếc ghế ba chân. Chúng ta có thể tưởng tượng ra được khi một trong ba chân bị gẫy hoặc là ngắn hơn thì chiếc ghế sẽ ra sao rồi. Cũng giống như thế, nếu chúng ta chỉ lo chăm chuốt về thể xác mà quên đi tinh thần, hoặc quá lo về mặt tinh thần mà quên đi thể xác thì con người của chúng ta sẽ bị mất thăng bằng.

Bác sĩ Paul Tournier đã chia sẻ một câu truyện về một người đàn ông bị bệnh rất nặng sau cái chết của người con của ông: Khi tôi đến thăm người đàn ông đó, ông đang nằm ở trên giường. “Chào bạn, tôi đến đây để nói cho bạn biết bạn đang mắc phải cái chứng gì. Nguyên nhân làm cho bạn ra nông nỗi này là bởi vì cái chết của người con bạn. Bạn cảm thấy rằng chính mình là nguyên nhân. Vì thế, bạn đã tự trách mình và chạy trốn cuộc sống hiện tại. Bạn chạy trốn khỏi cuộc sống mà bạn không can đảm để đối diện. Bây giờ bạn đang đứng ở trước một con đường mà nó chia ra làm hai ngả. Một ngả là con đường buông xuôi mà các bác sĩ chúng tôi chẳng làm được gì để giúp đỡ bạn. Con đuờng thứ hai thì khó hơn bởi vì đó là con đường của Chúa Giêsu Kitô. Nếu bạn chọn con đường này thì bạn phải biết vác thánh giá mình mà đi theo Ngài. Con đường này đòi hỏi bạn phải biến đổi. Thế nhưng bạn sẽ không đi một mình, Chúa Giêsu sẽ luôn ở bên cạnh bạn.”Sau khi bác sĩ ngừng lại thì người đàn ông liền đáp lại lời của bác sĩ, “Tôi chọn con đường Chúa Giêsu Kitô. Nhưng tôi cần giúp đỡ bởi vì tôi không biết phải làm gì”(Paul Tournier, “The Healing of Persons”).

Nếu xét về bậc con vật và con người thì người đàn ông đó không thể nào có thể lấy lại tinh thần để sống bởi vì cả thể xác và tâm thần của ông đều bị kiệt quệ. Vấn đề của ông thuộc về mặt thiêng liêng. Ông đang cố gắng để đối diện với cái tai kiếp xảy ra cho người con yêu quí của ông.

“Lạy Chúa, có phải chỉ có một số người mới được cứu độ?”Ai có thể trả lời cho chúng ta câu hỏi này nếu không phải là Thiên Chúa. Thế nhưng điều mà chúng ta biết là Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và lúc nào cũng sẵn lòng để nâng đỡ để chúng ta sống một cuộc sống mới.

44. Cửa hẹp, cửa hạnh phúc

  1. Mỗi năm, cứ đến mùa thi đại học, các thí sinh xem ra lắm kẻ buồn và ít người vui, bởi vì năm nào cũng vậy, số dự thi thì nhiều, nhưng số được tuyển thì ít. Cánh cửa vào đại học, nhất là hệ chính quy xem ra rất hẹp, chỉ dành cho những thí sinh cố gắng, có phương pháp học tốt mới được vào. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, cửa vào Nước Trời là cửa hẹp, nhưng là cửa hạnh phúc, chúng ta làm gì để có thể qua cửa đó được?

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày để giảng dạy, giúp cho người nghe dễ hiểu. Qua hình ảnh “cửa hẹp” này làm chúng ta có thể có những suy nghĩ sau:

  1. Nếu cửa Nước Trời hẹp, hẳn là do chủ nhà Giêsu và những người được mời vào phải “nhỏ bé”. Dĩ nhiên ở đây không nên hiểu theo nghĩa thể lý mà là luân lý. Đức Giêsu là Đấng cao cả nhưng chọn con đường hèn mọn mà như thánh Phaolô đã tóm gọn trong thư gởi tín hữu Philipphê. Người là Thiên Chúa mà sẵn sàng trút bỏ vinh quang của Thiên Chúa để làm con người, mà lại là con người hèn mọn và chấp nhận chết ô nhục trên thánh giá để chuộc tội chúng ta (x.Plp 2,6-7). Vậy ai muốn vào Nước Trời thì hãy trở nên nhỏ bé, mọn hèn như Đức Giêsu.
  2. Nếu cửa Nước Trời là hẹp, mà ta muốn vào dễ dàng thì hành trang của ta phải gọn nhẹ. Gọn nhẹ đó là bớt đi, cắt xén đi những việc không tốt nơi con người mình. Bớt đi lòng vị kỷ, hẹp hòi; bớt đi những đam mê, dục vọng xấu; bớt đi sự hận thù, ghen ghét; bớt đi sự xảo trá, gian tham; bớt đi lòng tự cao, tự đại… nói gọn là bớt đi, cắt tỉa đi những gì làm cản trở ta không thể đến với Chúa và tha nhân được. Có như vậy thì mới có thể vào Nước Trời.
  3. Nếu cửa Nước Trời là hẹp, để qua cách dễ dàng thì phải có sức mạnh. Sức mạnh nỗ lực của bản thân chưa đủ, mà cần nhất là sức mạnh của ơn Chúa giúp. Đức Giêsu đã thấy trước nên Người đã đưa ra phương cách, để ta có thể qua cửa đó được, là mến Chúa và yêu người. Người cũng đã lập các bí tích để nâng đỡ, chữa lành hoặc ban những ơn cần thiết cho người Kitô hữu. Vậy mà ta thờ ơ với các bí tích, nhất là bí tích giải tội và Mình Thánh Chúa thì làm sao có thể vào Nước Trời được!
  4. Nếu ta hình dung vào Nước Trời là có cửa, thì hãy nhớ rằng đã có cửa thì có lúc cửa mở và có lúc cửa đóng. Vì thế như trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe Đức Giêsu cho biết khi cửa đóng rồi, thì chủ nhà sẽ từ chối người đến gõ cửa, dù bất cứ lý do gì (x Lc 13,25-27). Cửa đóng lại là biểu tượng của giờ cánh chung hay giờ chết của mỗi người. Cửa đóng lúc nào, ai mà biết được? Cho nên hãy cố gắng sống thật tốt ngay những phút giây nầy, không chần chờ gì nữa.
  5. Nếu ta hình dung vào Nước Trời thì phải qua cửa, tuy hẹp, nhưng Thiên Chúa mời gọi mọi người vào cửa ấy, từ Đông chí Tây, từ Nam đến Bắc, tất cả đều được mời gọi vào bàn tiệc Nước Trời không trừ ai với điều kiện đơn giản là tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa và thực hành những điều Người dạy: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”(Lc 11,28). Như vậy không được chễnh mãn, ỷ lại mình là Kitô hữu, thì đương nhiên được hạnh phúc Nước Trời, như người Do thái xưa quan niệm là dân riêng của Thiên Chúa, thì Ngài phải lo cho. Hãy nhớ Thiên Chúa là Đấng nhân từ nhưng cũng công bằng vô cùng, là Kitô hữu mà thôi chưa đủ mà còn phải sống đời sống của Kitô hữu nữa thì mới đáng được hạnh phúc Nước Trời.
  6. Nếu ta hình dung vào Nước Trời phải qua cửa hẹp, chính mình phải qua đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn người thân của mình qua cửa đó nữa. Thì những bậc phụ huynh, những người có trách nhiệm hãy lo cho con em mình về cả ba phương diện: thể dục, trí dục và đức dục. Phương cách giáo dục hiệu quả nhất đó chính là bằng đời sống gương mẫu. Khi bảo con đừng chưởi thề nói tục mà ta mở miệng ra là văng tục thì làm sao dạy được nó. Bảo con đi Lễ thờ phượng Chúa mà ta không bao giờ đi, thì thật là khó thuyết phục nó…!
  7. Qua cửa hẹp mới có thể hưởng hạnh phúc muôn đời, tuy biết vậy mà nhiều khi chúng ta không cố gắng. Thí sinh ra sức học để thi vào trường này trường nọ, nhưng rồi bằng cấp, chức vị không thể trường tồn, bởi cái chết sẽ kết thúc tất cả. Lực sĩ ra sức luyện tập, kiêng cử đủ điều nhưng rồi kỷ lục cũ sẽ nhường chỗ cho kỷ lục mới! Còn hạnh phúc Nước Trời thì không bao giờ mất, vậy ta càng có lý do cố gắng hết sức để bước theo Đức Giêsu vào cửa hẹp bởi chính Người là đường là sự thật và là sự sống. Amen.

45. Suy niệm của Lm. Cao Tấn Tĩnh

“HÃY GẮNG MÀ VÀO QUA CỬA HẸP”

Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên hôm nay vẫn theo Phúc Âm Thánh Luca, đúng như chu kỳ Năm C của mình, chứ không như chu kỳ Năm B theo Phúc Âm Thánh Marcô đã được Giáo Hội thay bằng Phúc Âm Thánh Gioan, từ Chúa Nhật 17 đến Chúa Nhật 21 tuần này, với chủ đề về Bánh Hằng Sống bởi trời xuống, trích nguyên đoạn thứ sáu của Phúc Âm thứ bốn này. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng bỏ phần cuối của đoạn 12 về những dấu chỉ thời đại, và nhẩy sang đoạn 13, và chỉ lấy ở đoạn 13 này có tám câu, từ cầu 22 đến 30, sau đó lại bỏ 4 câu cuối của đoạn này để nhẩy sang đầu đoạn 14 vào Chúa Nhật XXII tuần tới. Đó là dấu chứng tỏ cho chúng ta thấy bài Phúc Âm bao giờ cũng phải phản ảnh ý hướng của Mùa Phụng Vụ. Vậy để tiếp theo ý nghĩa về “Lửa”Thánh Linh của bài Phúc Âm Chúa Nhật XX tuần trước, bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C tuần này muốn nói gì, phải chăng đến việc “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”?

Thật ra, nếu đối chiếu với hai bài đọc một và hai trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay, chúng ta thấy bài đọc một theo Sách Tiên Tri Isaia chỉ hợp với phần cuối của bài Phúc Âm và bài đọc hai theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Do Thái lại chỉ hợp với phần đầu của bài Phúc Âm. Trước hết, bài đọc một theo Sách Tiên Tri Isaia chỉ hợp với phần cuối của bài Phúc Âm ở chỗ, cả hai đều nói đến ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Theo Sách Tiên Tri Isaia trong bài đọc một thì ý định cứu độ phổ quát này được bộc lộ qua lời Chúa phán: “Ta đến để qui tụ các dân tộc của đủ mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta… Ta sẽ sai những kẻ đào thoát … đến với các dân nước… đến các bờ cõi xa xăm chưa hề nghe nói về Ta hay chưa thấy vinh quang của Ta…”, và ý định cứu độ phổ quát này cũng được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay: “Người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Nếu bài đọc một hợp với phần cuối của bài Phúc Âm thì bài đọc hai theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Do Thái lại chỉ hợp với phần đầu của bài Phúc Âm, liên quan đến nỗ lực con người cần phải đáp ứng ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa. Nếu Chúa Kitô khuyên dạy người Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay là “hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, thì Thánh Phaolô cũng kêu gọi Giáo Đoàn Do Thái thế này: “Anh em hãy chịu đựng những gian nan thử thách như người môn đệ của Thiên Chúa, Đấng đối xử với anh em như con cái… Vậy anh em hãy kiên cường lên bàn tay rụng rời của mình và đầu gối bại nhược của anh em”.

Như thế, căn cứ vào cả ba bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay, chúng ta thấy có hai vấn đề chính yếu, đó là vấn đề ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và vấn đề nỗ lực con người cần phải đáp ứng ý định cứu độ phổ quát này của Ngài. Tuy nhiên, theo Lời Chúa Giêsu mạc khải trong bài Phúc Âm hôm nay thì hình như vấn đề cứu độ không phải chỉ vỏn vẹn và đơn giản có thế, nghĩa là chỉ cần Thiên Chúa muốn cứu độ con người và chỉ cần con người nỗ lực đáp ứng là xong, là đủ. Đó là lý do, để trả lời cho vấn nạn của một người đặt ra trên đường Người lên Giêrusalem, về vấn đề: “Phải chăng có ít người được cứu độ?”, Chúa Giêsu chẳng những đã nhấn mạnh đến việc con người cần phải đáp ứng ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, khi Người phán: “Quí vị hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, mà còn nhấn mạnh đến cả yếu tố đặc biệt khác nữa, qua lời khẳng định: “Tôi bảo cho quí vị biết: nhiều người sẽ cố vào mà không được”. Ở đây, Chúa Giêsu không nói “ít người”mà là “nhiều người”, và Người cũng không nói “nhiều người”ấy “muốn vào”mà là “cố vào”, tức là không phải “nhiều người”ấy chỉ muốn xuông mà còn hết sức thực hiện ý muốn được cứu độ của mình nữa. Vậy “nhiều người”ấy đã tỏ ra “cố vào”bằng cách nào, nếu không phải, như Chúa Giêsu cho biết tiếp trong bài Phúc Âm qua lời họ tự biện hộ cho mình trước tòa phán xét chí công khi thấy mình hoàn toàn bị xua đuổi loại trừ: “Chúng tôi đã ăn uống chung với Ngài. Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”. Vậy, yếu tố vô cùng thiết yếu để được cứu độ đây không phải chỉ là “ăn uống với Ngài”, như kiểu Kitô hữu Công Giáo chúng ta năng xưng tội rước lễ, cũng không phải như anh em Kitô hữu Tin Lành chỉ nghe “Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”, những lời đã được ghi chép lại trong Thánh Kinh, mà còn là và chính là ở tại việc nhận biết Đấng mà họ “đã ăn uống chung với Ngài”và đã nghe “Ngài dạy dỗ nơi phố xá”. Thật thế, còn ai hơn các vị tông đồ là những người được diễm phúc “ăn uống chung với Ngài”và nghe “Ngài dạy dỗ”, chẳng những nghe “Ngài dạy dỗ nơi phố xá”, nghĩa là chung với dân chúng, mà còn “dạy dỗ”riêng tư nữa, và chẳng những một năm mà là ba năm liền. Ấy thế mà cuối cùng, các Phúc Âm cho chúng ta biết, một vị quay ra phản nộp Thày, tất cả mọi người đào tẩu khi thấy Thày bị bắt, nhất là vị đầu đàn công khai trắng trợn chối bỏ Thày.

Bởi thế, dù có “ăn uống chung với Ngài”và có được nghe “Ngài dạy dỗ”, nếu tận thâm tâm không thực sự nhận biết Ngài như Ngài mạc khải cho biết, thì cuối cùng chúng ta vẫn bị Ngài tuyên bố vĩnh viễn ruồng bỏ: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. Chưa hết, để thành phần hư đi này thấy được lý do chính đáng tại sao Ngài ruồng bỏ họ, dù họ đã “ăn uống chung với Ngài”và đã nghe “Ngài dạy dỗ”, ngay sau khi tuyên phạt họ, Ngài liền cho họ biết thành phần được cứu độ như sau: “Ở đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả mọi tiên tri an lành trong vương quốc của Thiên Chúa…”. Qua việc điểm mặt chỉ tên thành phần được cứu độ như thế, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho riêng dân Do Thái và chung Kitô hữu chúng ta biết yếu tố cứu độ quyết liệt, đó là con người cần phải có Đức Tin Thần Linh, vì thành phần được Chúa Giêsu điểm mặt chỉ tên quả đã sống đức tin, như Thánh Phaolô nhắc lại để làm gương trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đoạn 12 từ câu 8 đến 19 về Abraham, câu 20 về Isaac, câu 21 về Giacóp, và từ câu 35 đến 37 về các tiên tri. Vậy “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”đây có thể được chuyển dịch là “hãy gắng sống đức tin”.

Nếu thành phần được cứu độ chỉ có thế, chỉ đếm được trên đầu ngón tay như thế, thì quả thực những kẻ được cứu rỗi thật là hiếm hoi ít ỏi. Tuy nhiên, ngoài những thành phần tiêu biểu được cứu rỗi trong Dân Chúa thuộc về Cựu Ước này, Chúa Giêsu, ngay sau đó, còn thêm trong bài Phúc Âm hôm nay là: “Người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Như thế thì thành phần được cứu độ cũng nhiều chứ không ít. Thế nhưng, thành phần Dân Ngoại thuộc Tân Ước này sẽ được cứu độ như thế nào, nếu không phải, trước hết, chẳng những bởi ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mà còn bởi ý muốn tự do chọn lựa của Thiên Chúa nữa. Đó là lý do hiện hữu và là tất cả ý nghĩa của lời Chúa Giêsu kết thúc bài Phúc Âm hôm nay: “Có những người sau hết sẽ lên trước hết và có những người trước hết sẽ thành sau hết”. Thành phần “sau hết sẽ nên trước hết”này không phải là thành phần Dân Ngoại hay sao? Điển hình nhất là trường hợp của ba chiêm gia Đông phương, những người chưa hề “ăn uống chung với Ngài”hay nghe “Ngài dạy dỗ”như dân Do Thái trong Mạc Khải Cựu Ước, thế mà họ cũng từ xa đến để triều bái “vua Do Thái mới sinh”, như Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 2 từ câu 1 đến 12; trong khi đó, cũng Phúc Âm này cho biết, chính dân Do Thái, nhờ Mạc Khải Cựu Ước của mình, biết được nơi “vua Do Thái mới sinh”là “ở Bêlem xứ Giuđa”, song họ chỉ thông báo cho dân ngoại biết thôi, chứ họ không tin, nên không đến, thậm chí có đến không phải để triều bái Ngài như ba nhà chiêm gia Đông phương, mà là để tiêu diệt vị hài vương này. Phải chăng chính vì thế Chúa Giêsu đã ám chỉ họ là thành phần “trước hết sẽ thành sau hết”?

Vậy nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay chính yếu nói về thành phần được cứu độ và lý do hay yếu tố khiến họ được cứu độ, thì ý ngghĩa của bài Phúc Âm hôm nay liên hệ với ý nghĩa của bài Phúc Âm về “Lửa”Thánh Linh tuần trước ra sao? Theo tôi, ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI tuần này tiếp tục ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XX tuần trước trong việc phản ảnh chủ đề phụng vụ trong Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh. Ở chỗ, nếu “không ai có thể tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa nếu không có Thánh Thần”, như Thánh Phaolô xác tín trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô, được Giáo Hội lập lại trong bài đọc hai của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mà yếu tố tối khẩn để được cứu độ là Đức Tin Thần Linh, bởi thế, dù là dân Do Thái hay Dân Ngoại, muốn được cứu độ, ai cũng phải có “Lửa”Thánh Linh do Chúa Kitô mang xuống từ trời, và là một thứ “Lửa”đã được Người chính thực thắp lên bằng Cuộc Vượt Qua của Người, trước hết, nơi các tông đồ khi Người sống lại từ trong cõi chết, rồi sau đó, qua các Vị Tông Đồ Chứng Nhân Tiên Khởi này, cũng như các Vị Chứng Nhân Đức Tin Tông Truyền, Người vẫn tiếp tục thắp lên trong lòng người trên khắp thế gian, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang.

Vấn đề thực hành sống đạo: Lời Chúa Giêsu khuyên dạy “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C Hậu Phục Sinh hôm nay có thể được chuyển dịch là “hãy gắng sống đức tin”, bằng không tất cả mọi việc chúng ta làm, như “ăn uống chung với Người”qua việc xưng tội rước lễ, hay như tác động nghe “Người giảng dạy”, qua việc đọc Thánh Kinh chẳng hạn, tự chúng cũng không thể cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không có đức tin, chúng ta đã không xưng tội rước lễ hay đọc Thánh Kinh là những gì siêu nhiên và thiêng liêng giúp chúng ta có thể giao tiếp với “Thiên Chúa là Thần Linh”(Jn 4:24). Vậy làm thế nào để biết mình lúc nào đang thực sự sống đức tin, bằng những việc tỏ ra bề ngoài, và lúc nào thực hiện những việc làm đức tin bề ngoài ấy mà lại phi đức tin, để có thể tránh khỏi số phận: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”.

46. Cửa hẹp – Lm. Bùi Quang Tuấn

Giáo trưởng Meir của người Do thái có viết: “Để được cứu rỗi, người ta phải cư ngụ trên đất nước Israel, nói tiếng Do thái là ngôn ngữ thánh, và sáng chiều đọc kinh Shema”. Có lẽ ý tưởng này xuất phát từ quan niệm “tự tôn chủng tộc”của một số trường phái vốn từng hiện diện trong thời Chúa Giêsu. Theo họ, ai có gốc Do thái đều được cứu độ hết.

Riêng những thành phần bị ảnh hưởng của cuốn mạo thư Esdra thì tin tưởng rằng số người được cứu thoát sẽ không nhiều lắm.

Nhưng dù với quan niệm nào đi nữa, người Do thái vẫn không thể hình dung hay chấp nhận được việc dân ngoại bước vào trong Nước Thiên Chúa. Thế nên, trên con đường tiến lên Giêrusalem, đang khi Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng và môn đệ về Tin mừng Nước Trời, một người Do thái, không rõ thuộc thành phần nào, đã đến xin Ngài giải đáp thắc mắc: “Phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?”

Theo nhận xét của nhà chú giải Kinh thánh Noel Quesson, thì đây là một câu hỏi nóng bỏng và luôn hiện thực. Ông viết: “Một câu hỏi rất nhân bản, căng phồng giòng máu của những quan hệ tình cảm con người. Bởi vì làm sao tôi có thể hưởng hạnh phúc trên trời nếu những người thân yêu không có ở đó? Một câu hỏi rất tự nhiên! Bạn chớ đến dự tiệc Nước Trời một mình; trên những nẻo đường bạn đi, hãy cao rao Tin mừng, vì Lời Chúa hứa là bánh được ban để ta chia sẻ với mọi người. Bất kỳ ai không ước ao “tất cả”đều được cứu, chính người ấy không hoàn thành luật của Nước Thiên Chúa là tình yêu phổ quát”.

Thế nhưng thay vì trả lời trực tiếp cho câu hỏi rất tự nhiên và chân thành đó, Đức Giêsu lại đưa con người vào một sự chọn lựa đầy tính chiến đấu: “Hãy cố gắng đi qua cửa hẹp”. Đức Giêsu không bảo số người được cứu sẽ ít hay nhiều như một sự sắp sẵn hoặc tiền định của Thiên Chúa, nhưng Ngài mời gọi nơi con người một cuộc phấn đấu quyết liệt để đạt đến sự sống muôn đời.

Không phải vì Đấng Cứu Thế không thể xác định con số những ai được cứu thoát, nhưng vì Ngài không muốn đặt người ta vào tình trạng dửng dưng hoặc kinh hoàng. Bởi vì nếu câu trả lời là “mọi người đều lên trời”thì coi chừng một sự buông thả, không còn gì phải lo lắng bị mất phúc đời đời. Còn nếu câu trả lời là “rất ít người được cứu độ”thì liệu mình nhọc công tổn sức mà có chắc được gì hay không?

Tuy nhiên, như Thánh Phaolô xác quyết, “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu rỗi”(1 Tim 2:4). Và Đức Giêsu thì nói: “Cha các ngươi Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này”(Mt 18:14). Như thế, ơn Chúa không hề giới hạn theo khu vực, chủng tộc, số lượng, song là tuôn trào đến khắp mọi nơi và cho hết mọi người. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta “bị”cứu độ. Trái lại họ luôn có tự do để đón nhận hay từ khước. Một chiếc ly không thể chứa được những giọt nước tươi mát của trời cao nếu như chẳng bao giờ ngữa miệng ly lên để hứng. Cũng thế, để hưởng được thành quả của ơn thiêng, người ta phải mở rộng tấm lòng và hướng về cùng Thiên Chúa.

Mặc dầu Máu Đức Kitô có khả năng đem lại sự tha thứ cho mọi người, nhưng nếu tôi không tiếp nhận thì ơn giải thoát cũng không thể thấm đượm tâm hồn. Thế nên, khả năng cứu độ thì bao trùm tất cả, nhưng hiệu năng thì tuỳ thuộc vào nhiệt tâm đáp trả của mỗi người.

Câu trả lời của Đức Giêsu đã chuyển cái nhìn từ số lượng qua chất lượng. Không phải là chuyện ít hay nhiều, nhưng là có năng nổ chiến đấu để giành cho được hạnh phúc Nước Trời hay không.

Không thể mang ảo tưởng: có đạo là tự động vào thẳng thiên đàng. Cũng không phải cứ “lạy Chúa, lạy Chúa”mà đã trở thành người Kitô hữu chính danh, song tôi phải anh dũng như các chiến binh chống lại kẻ thù ma quỉ, thế gian, và xác thịt.

Cuộc đời có biết bao lôi cuốn cam go, nhưng chỉ khi can đảm, không thoả hiệp hay nhân nhượng với kẻ thù, người ta mới có thể nói được như Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện”(2 Tim 4:6-8).

Lắm khi để huấn luyện tôi nên người chiến binh dũng mạnh hầu chiến đấu đến cùng đường, Thiên Chúa cũng phải “quở trách… sửa dạy…và đánh đòn”(Dt 12:5-6). Âu cũng “vì thương con nên cho roi cho vọt”và “có gian nan mới tạo chí anh hùng”.

Trong nhiều bộ lạc Da đỏ Mỹ Châu hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng như sau: khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: “Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.

Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.

Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút đi. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: “Bố đã trở lại”. Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.

Để trở thành chiến binh anh dũng trên mặt trận đức tin, lắm khi tôi cũng phải chấp nhận bao thách đố trong bóng đêm cuộc đời. Những đe doạ của sự dữ, gầm rú của khổ đau, rình chờ của xác thịt như những phương thế giúp tinh luyện lòng tôi thêm can trường dũng mạnh. Và trong suốt chiều dài của những bóng đêm đó, dù tôi có ý thức hay không, Thiên Chúa vẫn luôn bên cạnh dõi mắt trông nhìn.

Có lẽ những khi “bóng đêm”buông xuống lại chính là những lúc tôi được gần Thiên Chúa hơn hết. Nhưng liệu tôi có biết lợi dụng nó như một dịp đi qua cửa hẹp để bước vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa hay không?

home Mục lục Lưu trữ