Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1365907

GẶP GỠ CHÚA

Gặp gỡ Chúa.

Những hạng người nào đã được diễm phúc gặp gỡ Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem? Trước hết là các mục đồng, những người canh giữ đoàn vật. Họ là những người nghèo và hơn thế nữa, họ còn là những người bị khinh dể bị coi thường. Các luật sĩ và Biệt phái thường gọi họ là bọn dân đen. Cái đám người không biết đến lề luật, họ là những kẻ bị chúc dữ. Thế nhưng, chính đám người bị chúc dữ ấy, chính đám người không biết đến lề luật ấy lại là những người đầu tiên được đón nhận Hài Nhi Giêsu.

Tiếp đến là những nhà bác học xa lạ. Đường không quen, nẻo không thuộc. Họ từ xa mà đến, dám chấp nhận mọi hy sinh gian khổ. Cái nghèo của những người này chính là thái độ sẵn sàng của họ. Các Luật sĩ và Biệt phái coi họ là dân ngoại. Thế nhưng, cái đám dân ngoại này lại được diễm phúc gặp được Hài Nhi Giêsu.

Từ những sự kiện trên chúng ta rút ra được hai nhận định. Nhận định thứ nhất đó là sự gặp gỡ giữa người giàu và kẻ nghèo nơi Hài nhi Giêsu. Đúng thế, từ xưa cho đến nay vẫn có một hố ngăn cách giữa giàu và nghèo. Sự ngăn cách này được tạo nên bởi những nghi ngờ và thù oán. Mỗi bên đều có cái lý của mình. Tuy nhiên trong lịch sử đã có một khoảnh khắc trong đó giàu và nghèo không còn đố kỵ nhau, đó là khoảng khắc Chúa Giêsu sinh ra. Bởi vì có những người giàu, giàu về tiền bạc cũng như giàu về kiến thức đã đến viếng thăm một Hài nhi nghèo nàn, sinh ra không cửa không nhà.Thế nhưng, cái nghèo của Hài Nhi Giêsu mà ba nhà đạo sĩ khám phá ra đã không đẩy lùi họ, trái lại còn hấp dẫn họ, không làm cho họ hổ thẹn, trái lại còn làm họ cảm thấy được tôn vinh. Vì vậy, không ngỡ ngàng, không nghi vấn, họ tự dâng của lễ cho một Hài Nhi của người nghèo, như triều cống cho một hoàng tử của đế vương.

Nhận định thứ hai đó là các mục đồng và dân ngoại là những người ít được chuẩn bị nhất lại nhận ra Chúa. Trong khi đó các Luật sĩ, Biệt phái và tư tế, là những người đã được chuẩn bị nhiều nhất, đã được thông tin hoàn toàn nhất, bởi vì chính họ đã cho các đạo sĩ biết rõ nơi gặp gỡ đích thực của vị Vua mới sinh ra, thế nhưng cuối cùng họ đã không nhận ra Ngài. Họ có dư khả năng để biết nhưng lại không có khả năng để hiểu. Đúng thế, họ biết được bằng trí tuệ, bằng những phương tiện thông tin đầy đủ có trong tầm tay, nhưng muốn hiểu thì còn cần đến tấm lòng, cần đến con tim nữa.

Các mục đồng là những kẻ thiếu học, còn các nhà đạo sĩ là những người thiếu thông tin. Họ không có khả năng để biết, nhưng lại có khả năng để hiểu. Không phải chỉ sáng trí, có học là đủ để đi vào những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trái lại, cần phải có thiện chí, cần phải có tấm lòng, dám chấp nhận những hy sinh, dám từ bỏ cái tự cao tự đại của mình, thì mới có thể đến gần và gặp gỡ Chúa.

Bởi đó, là những người có đức tin, thế nhưng chúng ta đã gặp gỡ Chúa như các mục đồng và như ba nhà đạo sĩ phương đông hay chưa?

 

 

7. Thiên Chúa tỏ mình – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Ngày xưa người ta quen gọi lễ Hiển Linh là lễ Ba Vua, sở dĩ vậy vì trong Tin Mừng đọc trong Thánh Lễ hôm nay, ba nhà đạo sĩ tìm kiếm để bái yết hài nhi Giêsu. Ba nhà đạo sĩ là những người trổi trang về kiến thức uyên bác; họ có thể đọc dấu chỉ thiên nhiên để nhận ra sự xuất hiện của những người đặc biệt. Từ ngữ “vua” được dùng trong “ba vua” là để chỉ người trổi trang hơn người khác về phương diện nào đó.

Qua biến cố mục đồng tới viếng hài nhi, người ta nhận ra Thiên Chúa đã tỏ mình cho những người Do Thái nghèo nhưng có tâm hồn mở rộng sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa. Với biến cố ba nhà đạo sĩ đi viếng hài nhi, Giáo Hội nhận ra Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.

Người Do Thái cho rằng họ là dân được tuyển chọn, còn các dân tộc khác là dân ngoại. Với biến cố Đức Giêsu và việc các dân tộc khác đón nhận Tin Mừng, người ta nhận ra rằng tất cả mọi dân tộc đều thuộc về Thiên Chúa, tất cả các dân tộc đều được Thiên Chúa yêu thương như dân tộc Do Thái. Hôm nay với trình thuật các đạo sĩ tìm kiếm và bái lạy Đức Giêsu, Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa cũng mặc khải cho dân ngoại. Thiên Chúa yêu thương dân ngoại như Ngài đã từng yêu thương dân tộc Do Thái. Mọi dân tộc đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc, mọi con người, chứ không phải chỉ riêng dân tộc Do Thái.

Kitô hữu phải là người cảm nghiệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và đặc biệt cho chính mình. Kitô hữu cũng phải là người sống bình an và hạnh phúc, vì ý thức mình là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương. Ngài tha thứ mọi lỗi lầm, và không chỉ vậy, còn mời gọi mọi người vào chia sẻ sự sống vĩnh cửu hạnh phúc với Thiên Chúa. Một khi phần nào cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và bình an hạnh phúc, Kitô hữu thấy mình phải chia sẻ niềm vui này, tin mừng này cho những người anh em của mình chưa biết Đức Giêsu, ngõ hầu họ cũng có niềm vui này. Bản chất Kitô hữu là rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân được nghe, hiểu và sống đáp trả tình yêu Thiên Chúa.

Ngày nay nhiều người “dị ứng” với từ ngữ truyền giáo, vì từ ngữ này gợi lên nơi người ta ấn tượng rao giảng để kéo người khác bỏ đạo của họ để theo Kitô giáo. Nếu có ý hướng như vậy, người ta mang nặng tính phe phái và giành giựt nhiều hơn là chia sẻ tin mừng. Một Kitô hữu đúng nghĩa phải là người muốn chia sẻ tin mừng với người khác, vì mình nghĩ rằng biết Đức Giêsu là điều rất tốt và ích lợi cho mọi người. Tuy nhiên, Kitô hữu phải là người luôn tôn trọng người khác, tôn trọng tự do và tín ngưỡng của tha nhân; nếu ai đó đón nhận Tin Mừng, thì đó là vì chính họ thấy sự thật, họ cũng được bình an và hạnh phúc hơn khi trở thành Kitô hữu.

Khi một Kitô hữu muốn rao giảng tin mừng, họ phải tự vấn chính mình: “niềm tin vào Đức Giêsu mang gì lại cho tôi? Tin vào Đức Giêsu, có làm cho tôi sống bình an và hạnh phúc hơn không? Nếu tin vào Đức Giêsu Phục Sinh không giúp gì cho tôi, thì tại sao tôi lại muốn làm cho người khác trở thành Kitô hữu như tôi?” Lời mời gọi rao giảng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh đòi Kitô hữu phải xét lại niềm tin của mình, lối sống của mình. Nếu đời sống của tôi không là đời sống toát lên nét tươi vui của một người hạnh phúc, thì làm sao tôi có thể rao giảng tin mừng được! Nếu tôi sống u buồn thất vọng, tôi là phản chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Tôi phải sống sao, để đời sống của tôi không trở thành phản chứng.

Kitô hữu là người có Chúa Kitô nơi mình, là người bạn của Đức Giêsu Kitô, là người muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Cách sống của Đức Giêsu Kitô phải là cách sống của mỗi Kitô hữu. Kitô hữu phải là người có cùng chọn lựa với Đức Giêsu Kitô, phải biết yêu thương con người hôm nay như chính Đức Giêsu đã yêu, phải là người yêu đến cùng anh em mình, người thân mình, những người mình gặp gỡ, và thậm chí cả những kẻ không ưa và ghét mình. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài, Kitô hữu cũng phải tha thứ cho những người làm hại họ.

Kitô hữu phải là người trung thành như Thiên Chúa là Đấng Thành Tín. Thiên Chúa không bao giờ phản bội, và Kitô hữu cũng không bao giờ được phản bội ai. Không làm hại ai. Chỉ muốn điều tốt cho tha nhân, chỉ tìm lợi ích cho người khác chứ không làm hại họ, đó phải là cách sống của Kitô hữu. Có được như vậy, nhiều người sẽ ngạc nhiên và sẽ tìm hiểu niềm tin của Kitô hữu; để rồi nếu họ muốn họ có thể chia sẻ niềm tin Kitô hữu, để họ cũng được bình an và hạnh phúc như những Kitô hữu. Kitô hữu phải là men trong bột, phải là ánh sáng cho thế gian. Kitô hữu tuy có cùng nỗi bận tâm và gian nan như bất cứ con người nào sống trên đời, nhưng ánh sáng đức tin đã soi sáng cho họ, giúp họ tuy sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn có muốn người khác có cùng niềm tin với bạn không? Tại sao?

2. Nếu không tin vào Đức Giêsu, bạn có được như hiện tại không? Tại sao?

3. Phải rao giảng thế nào để con người ngày nay dễ đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô?

 

 

8. Hiển Linh – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Lễ Hiển Linh ngày xưa thường được gọi là lễ Ba Vua. Tin Mừng hôm nay cho thấy các đạo sĩ đi tìm để dâng lễ vật lên vua người Do Thái. Các đạo sĩ là những người có học, họ đại diện cho những người luôn quan sát thiên nhiên và truy tìm chân lý. Họ đã không quản ngại đường xa để tìm đến với Sự Thật.

Nhận biết Thiên Chúa nhập thể là một ân sủng

Các mục đồng được Thiên Chúa cho biết về Đấng Cứu Thế, Đấng là qùa tặng của Thiên Chúa cho tất cả loài người, qua các thiên thần. Còn những người học thức, được Thiên Chúa cho biết về Đấng Vua đặc biệt của người Do Thái qua ánh sao, qua những dấu chỉ tự nhiên. Các mục đồng đơn sơ được gặp Đức Giêsu cách dễ dàng và giản dị, còn ba nhà đạo sĩ uyên thâm đã phải trải qua khoảng đường dài, những cuộc truy tìm qua những trung gian, chẳng hạn với vua Hêrôđê, mới có thể gặp được Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.

Tất cả đều nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa để các vị đạo sĩ có thể tìm được và nhận ra vị Vua đặc biệt nhưng bình thường này. Vì làm sao chỉ với ánh sao, các vị đạo sĩ có thể biết đâu là em bé giữa bao nhiêu em bé ở Bêlem? Vua Hêrôđê không thể nhận ra đâu là vị vua đặc biệt này, nên đã giết tất cả các em bé, còn các vị đạo sĩ làm sao nhận ra được “chính là Ngài”? Dù là người đơn sơ hay người có học, nhận ra được Thiên Chúa, đều là ân sủng.

Đón nhận con người, là đón nhận Thiên Chúa

Người làng Bêlem không đón nhận Đức Mẹ, thánh Yuse, là không đón nhận Thiên Chúa. Vua Hêrođê không đón nhận hài nhi “vua người Do Thái”, là không đón nhận Thiên Chúa. Dân chúng và những người lãnh đạo dân tìm cách giết Đức Giêsu, là họ giết Thiên Chúa.

Dân Do Thái không biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể nên đã giết Ngài. Người Bêlem không biết hài nhi trong dạ người phụ nữ trẻ đói nghèo là Thiên Chúa nhập thể, nên đã từ khước cho các ngài một chỗ trú chân. Người làng Nazarét không biết em bé Giêsu là Thiên Chúa làm người, nên không nhận ra ân sủng mà họ đang được hưởng: sống gần bên Thiên Chúa nhập thể. Không biết, nên không đón nhận. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người về điều này, ngay cả với những người giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, 34).

Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người, nhưng những mục đồng thì nhận biết còn người giầu làng Bêlem thì không nhận biết, các đạo sĩ nhận biết nhưng Hêrôđê và những người thông luật ở Yêrusalem không nhận biết, ông già Simêon nhận biết nhưng tư tế dâng tiến Ngài cho Thiên Chúa thì không nhận biết Ngài. Xin cho chúng ta có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn để nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện với chúng ta trong từng giây phút của cuộc đời.

Mầu nhiệm dấu kín nay được tỏ lộ

Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, mọi tầng lớp dù vô học hay trí thức. Ba nhà đạo sĩ là những người có học, quan sát thiên nhiên để truy tìm chân lý, và Thiên Chúa đã tỏ lộ cho họ qua thiên nhiên. Vì thế rất có lý để tin rằng những người nghiên cứu khoa học xã hội hay tự nhiên đều có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua công việc của họ.

Thiên Chúa dùng mọi cách để đến với con người. Có thể là ánh sao, có thể là lời thỉnh vấn, có thể là dấu chỉ đơn sơ đối với người tin chất phác như “hài nhi vấn tã nằm trong máng cỏ” (Lc.2, 12). Trong mọi trường hợp, đều cần tấm lòng đơn sơ, dù là người chất phác vô học hay người trí thức. Một người ít học hay có học, nhưng không có lòng sẵn sàng đón nhận chân lý thì không thể gặp gỡ Thiên Chúa được, cụ thể như người làng Bêlem hay các luật sĩ ở Yêrusalem.

Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Đây là mầu nhiệm vô cùng lớn, được ẩn dấu từ muôn thuở nay tỏ lộ cho con người. Làm sao Thiên Chúa lại có thể thành người? Làm sao Đấng vô hạn lại có thể thành con người “hữu hạn”? Làm sao Thiên Chúa duy nhất lại có thể là ba? Người Hy-Lạp không thể chấp nhận điều này, vì không hợp lý. Người Do Thái không thể chấp nhận Đấng Thiên Sai có thể bị giết trên thập giá. Kitô-hữu là người “không logic” theo một nghĩa nào đó, vì đã chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, đã tin Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi Vị.

Xin cho con người vâng phục Thánh Thần, để có thể đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo bạn, người ít học và người học cao hiểu rộng, ai dễ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể hơn? Tại sao?

2. Làm sao con người biết rằng Thiên Chúa yêu thương con người?

3. Thiên Chúa có yêu thương những người ngoại không? Tại sao?

 

 

9. Tỏa sáng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Lễ Hiển Linh theo nguồn gốc văn tự Epiphaneia (Epiphany: manifestation or striking appearance). Tiếng Hy-lạp cổ dùng chữ Theophaneia (Theophany meaning ‘vision of God’). Theo truyền thống, Lễ này được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng. Dịp Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giêsu và sự hiển linh của Con Chúa cho các Dân Ngoại. Trong khi các tín hữu Đông Phương tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, được xem là sự hiển linh của Con Chúa cho toàn thế giới. Từ năm 1970, Giáo Hội Công Giáo Rôma, nghi thức Latinh đã cử hành Lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng 1 và là Lễ buộc. Các quốc gia khác có thể cử hành vào Chúa Nhật, sau ngày 1 tháng 1. Lễ Hiển Linh còn được gọi là Lễ Ba Vua.

Từ 700 năm trước Công Nguyên, tiên tri Isaia đã loan tin vui về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi (Is 60, 1). Ánh sáng sẽ bừng lên trong đêm tối và con dân sẽ đón nhận vinh quang Thiên Chúa. Đấng Cứu Thế là ánh sáng đến trong thế gian để xua trừ bóng tối của tội lỗi và gian tà. Mọi dân sẽ hướng về nguồn ánh sáng để dõi tìm ơn cứu độ: Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (Is 60. 3). Theo truyền thuyết, những nhà chiêm tinh, nhà khôn ngoan, còn gọi là các đạo sĩ hay ba vua, đã chiêm ngắm bầu trời và nhận ra vì sao lạ. Họ đã dõi theo ánh sáng của vì sao lạ để tìm đến bái thờ Đấng đã được sai đến.

Tiên tri Isaia đã tiên báo về việc các bậc quân vương tiến về để thờ lạy Chúa Hài Nhi. Các nhà Đạo Sĩ Phương Đông cùng đến dâng Chúa của lễ là vàng, nhũ hương và mộc dược. Isaia đã có thị kiến về đoàn người từ các phương xa tìm đến bái thờ: Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa (Is 60, 6). Các biến cố được ghi lại như một câu truyện xảy ra gọn gàng trong một thời gian ngắn ngủi. Thật ra lịch sử ơn cứu độ được mạc khải một cách tiệm tiến qua từng biến cố trong thời gian dài. Trong đêm hồng phúc, trước tiên Chúa tỏ hiện cho những mục đồng đơn sơ và nghèo nàn, tiếp đến là Chúa bày tỏ mình cho những người đại diện bên ngoại giáo đến từ xa và sau cùng Chúa đã tỏ mình cho toàn thể nhân loại trên thế giới.

Dựa vào Kinh Thánh và lịch sử của ơn cứu độ, chúng ta biết có nhiều tâm hồn khao khát đi tìm kiếm và mong chờ Chúa. Khi thời gian chuẩn bị đã mãn, dấu chỉ đã tỏ hiện, lòng con người thôi thúc khát mong và mùa hồng ân đã cận kề, các Đạo Sĩ tìm hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."(Mt 2, 2). Các nhà Đạo Sĩ đã miệt mài kiếm tìm qua dấu chỉ mà không quản ngại gian khó. Các ngài đã được Thiên Chúa đáp trả như lòng mong ước. Chúa Giêsu đã dậy: Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt 7, 8). Hồng ân Chúa bao la tuyệt vời, đoàn người dân ngoại đã được chứng kiến tận mắt ơn Cứu Độ đã tỏa sáng: Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến (Mt 2, 11).

Truyện kể có một bé gái cùng với mẹ đi viếng hang đá. Bà mẹ giải thích cho em rằng ba nhà Đạo Sĩ dâng tiến của lễ cho Chúa Hài Nhi là vàng, nhũ hương và mộc dược. Cô bé nhìn Hài Nhi trong máng cỏ một cách cung kính rồi quay sang hỏi mẹ: Tại sao họ không mang đến cho Chúa Hài Nhi một cái giường nhỏ? Một tấm lòng và một sự quan tâm thực sự, cô bé cảm nhận được nhu cầu của cuộc sống thật. Sự kiện Chúa Giêsu sinh ra nơi hang lừa, máng cỏ đã khơi dậy được tâm tư và sự cảm thông của lòng người. Chúa đến trong nghèo nàn để mời gọi chúng ta cùng chia sẻ tâm tình với những người cùng khổ nghèo đói. Nhu cầu thực tế của cuộc sống là miếng cơm manh áo và nơi chỗ nương thân. Chúa Hài Nhi Giêsu đã chạm đến cái cùng cực của thân phận con người. Từ đó, Chúa mời gọi chúng ta: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."(Mt 25, 40).

Hình ảnh Ba Vua hay các Đạo Sĩ bái quỳ dâng tiến lễ vật và thờ lạy Chúa Hài Nhi bày tỏ lòng tin kính và bái phục. Họ không nghĩ về thân phận hay địa vị của mình nhưng thần phục trước Đấng được sai đến. Vất vả đường xa lặn lộn kiếm tìm nguồn sự sáng, các nhà đạo sĩ đã thỏa tâm. Sau khi gặp được Chúa Hài Nhi, họ đã theo đường khác để trở về quê hương xứ sở. Chúng ta chắc rằng họ là những người khôn ngoan biết ngước nhìn lên để tìm hướng đi. Mỗi người chúng ta cũng có những ước vọng và khao khát những điều cao thượng. Sự cao siêu phải từ trên dọi chiếu. Chúng ta không thể cúi mặt chỉ đi tìm những của cải trần gian mau qua chóng hết. Cuộc đời của con người không chỉ tìm kiếm của ăn, áo mặc, danh vọng, địa vị và tìm thỏa mãn bản năng, nhưng có sứ mệnh và mục đích cao cả hơn bội phần. Chúng ta cần phải hướng tới, nhìn lên và khát mong niềm vui bất diệt của cuộc sống thật mà Thiên Chúa đã an bài: Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em (Eph 3, 2).

Lễ Hiển Linh, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho Dân ngoại. Chúng ta thuộc về dòng dõi những người dân ngoại, nhưng lại được thừa hưởng ân sủng ơn cứu độ. Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô để cùng chia phần sự sống. Thánh Phaolô đã diễn tả mầu nhiệm cao siêu được truyền ban cho các thế hệ. Nay Chúa cũng đang tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại qua đời sống của Giáo Hội: Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người (Eph 3, 5). Tuy không phải là dân Do-thái, như những kẻ được chọn, nhưng chúng ta hãnh diện tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô qua ân sủng của Ngài. Chúng ta trở thành dưỡng tử và được dự phần trong tiệc cưới Nước Trời.

Cùng đến máng cỏ Bêlem, ngắm nhìn Chúa Hài Nhi, các mục đồng và các đạo sĩ tiến dâng lễ vật, hôm nay chúng ta sẽ dâng gì cho Chúa Hài Nhi? Kể câu truyện của thánh Giêrôm. Chúa Giêsu hỏi: Giêrôm, con lấy gì mừng Ta nhân ngày Ta sinh ra? Thưa, con xin dâng lòng con. Được, nhưng còn gì nữa? Con xin dâng mọi kinh nguyện và tất cả tâm tình của con. Còn gì nữa? Con xin dâng tất cả những gì con có và tất cả con đây. Ta muốn nữa? Thưa Chúa Hài Nhi, con chẳng còn chi cả? Chúa muốn con dâng gì nữa đây? Hãy cho Ta các tội của con. Ủa, để làm gì? Hãy cho Ta các tội của con, để Ta có thể tha thứ cho con tất cả. Ôi Chúa Giêsu, Chúa làm con phát khóc lên được.

Lạy Chúa, con có nhiều quà lắm nhưng không biết dâng Chúa món gì. Món quà mà con thích thì Chúa lại không ưa. Những món qùa Chúa mong, con lại muốn giữ lại cho mình. Xin cho con biết rộng mở tâm hồn để biết cho đi mà không cần phải so đo tính toán. Con xin dâng Chúa khả năng, thời giờ, của cải và cả những điều con ưa thích. Con dâng cả tội lỗi yếu hèn và sự bất toàn của con, xin Chúa đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung.

 

 

10. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những chi tiết tương phản lạ thường.

Tương phản giữa Giêrusalem và Bêlem: Giêrusalem, thủ đô hoa lệ, trung tâm văn hoá chính trị của nước Do thái, nhưng đã khước từ, không đón tiếp Đấng Cứu thế. Trong khi đó, Bêlem, một thị trấn bé nhỏ, nghèo nàn lại là nơi đón tiếp Đấng Cứu thế hạ sinh.

Tương phản giữa những người có đạo và những người ngoại đạo: Các bậc chức sắc thông thạo Kinh thánh, nhưng chỉ ngồi im tại kinh thành, không chịu lên đường, nên không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba nhà đạo sĩ mà ta quen gọi là Ba Vua, là những người ngoại đạo, không am tường Kinh thánh, nhưng đã biết tìm tòi học hỏi, dấn thân lên đường, nên đã gặp được Chúa.

Tương phản giữa Vua giả và Vua thật: Hêrôđê được gọi là Vua, nhưng lại cứ nơm nớp lo âu, sợ mất ngai vàng, nên tìm cách tiêu diệt người khác. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô, Vua Trời lại thản nhiên bình an trong cảnh khó nghèo, mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người xa gần.

Tất cả những tương phản ấy đáng cho ta suy nghĩ. Đấng Cứu thế không đến theo cơ chế, nhưng rất bất ngờ. Người không đến trong những cung điện sang trọng nhưng đến trong một chuồng bò tăm tối, hôi tanh. Người không đến trong quyền lực nhưng trong sự yếu đuối, khiêm nhường.

Tất cả những tương phản ấy khiến ta phải lo sợ. Không phải cứ có đạo là gặp đựơc Chúa. Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa. Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm. Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường.

Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa. Các Ngài là những tâm hồn thiện chí.

Là những tâm hồn thiện chí, luôn luôn khao khát điều lành, nên các Ngài luôn để tâm tìm kiếm. Đêm đêm ngước mắt lên trời cố dò tìm dấu vết thần linh. Chắc chắn không phải chỉ trong phút chốc mà các Ngài phát giác ra ngôi sao lạ, nhưng phải trải qua nhiều năm tháng kiên trì chiêm ngắm bầu trời, cặn kẽ theo dõi đường chuyển dịch của các vì tinh tú, các Ngài mới có thể nhận biết ngôi sao lạ khi nó xuất hiện.

Việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn. Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.

Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.

Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường. Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ, loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện có thật. Một buổi chiều, một người lái xe con đi trên con đường miền núi vắng vẻ. ở một khúc quanh, người ấy phát hiện một gia đình bị hỏng xe. Đường vắng, trời tối, họ lo âu sợ hãi vì đó là đoạn đường thường xảy ra cướp bóc. Biết sửa chữa xe, nên người ấy đỗ xe, xuống giúp sửa chữa. Xe hỏng nặng. Người ấy phải chui vào gầm xe, tháo ra từng bộ phận. Tối mịt xe mới nổ máy. Cả gia đình mừng rỡ, muốn trả công cho người ấy. Nhưng người ấy không lấy công. Cả gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ hẹn ngày lên thăm. Khi lên thăm, gia đình mới biết đó là một vị giám mục. Gia đình đem lòng cảm phục và xin theo đạo cả nhà. Vị Giám mục ấy chính là một Đức Cha ở cao nguyên Trung phần vào những năm 60.

Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin cầu chúc tất cả anh chị em có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Ba Vua thiện chí ở những điểm nào?

2. Bạn có gặp thử thách trong đời sống đạo không? Khi gặp thử thách, bạn đã ứng xử thế nào?

3. Theo bạn, cách nào hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa: giảng giáo lý, tranh luận, sống bác ái?

4- Tuần này, bạn quyết tâm làm gì để thực hành Lời Chúa?

 

home Mục lục Lưu trữ