Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 52
Tổng truy cập: 1365903
GẶP GỠ: THÀNH SỰ TẠI NHÂN
GẶP GỠ: THÀNH SỰ TẠI NHÂN- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Gặp gỡ là cùng có mặt tại một không gian, là sự giáp mặt, tiếp xúc giữa những người thân quen hay cùng có một mối liên hệ nào đó. Vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng C này giáo hội khi dọn cho chúng ta bàn tiệc Lời Chúa, đặc biệt qua bài Tin mừng, muốn giới thiệu hai cuộc gặp gỡ. Một là giữa hai chị em Isave và Maria và hai là giữa Thai Nhi Giêsu với bà Isave và Thai nhi Gioan Tẩy giả. Đã nói đến sự gặp gỡ thì hàm ý có những hiệu quả tốt đẹp phát sinh. Qua cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ cũng như hai thai nhi trên, hiệu quả tốt đẹp đã xảy ra. Bà Isave đầy ân sủng Thánh Thần, xác nhận sự diễm phúc của cô em Maria cũng như nói lên hồng ân mà trẻ bé Gioan Baotixita trong dạ của bà đang hưởng nhận. Chúng ta đừng quên cuộc gặp gỡ ấy cũng đem niềm vui cho cả nhà Giacaria, vì nay đã có người góp sức cho việc hạ sinh trẻ Gioan. Điều này được hé lộ khi Tin mừng tường thuật rằng Maria ở lại với gia đình Giacaria – Isave độ ba tháng mới trở về nhà mình (Lc 1,56).
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Câu đối của người xưa nhấn mạnh đến cái duyên, tức là phần số đã được trời sắp đặt, chuẩn bị, an bài từ trước, như là nguyên nhân chính làm nên sự gặp gỡ hay không gặp gỡ. Theo viễn kiến này, thì người ta cũng có thể nói như người xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” hoặc như tác giả Thánh Vịnh: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126,1). Thế nhưng dưới cái nhìn của mạc khải thời Tân Ước, thì phải chăng chúng ta cũng có thể nói ngược lại: Mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân.
Mưu sự tại thiên: Thiên Chúa đã yêu thương, chọn gọi loài người từ ngàn xưa để ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu là thông phần sự sống với Người trong Con Một của Người là Đức Kitô. Thánh Phaolô đã trình bày ý định nhệm mầu này bằng bản thánh ca: “…Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người…”(Eph 1,3-14).
Thánh ý của Thiên Chúa là ban cho thế gian chính Con Một dấu yêu, trong một thân xác cụ thể, làm dấu chỉ và làm phương thế cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã nói: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).
Khi ban Người Con Một vào trần gian, Thiên Chúa muốn mạc khải cho biết nguồn gốc đích thực của mọi loài, cách riêng loài người chúng ta chính là Người, vị Thiên Chúa duy nhất đầy quyền năng đáng tôn thờ và cũng là người Cha đầy lòng thương xót đáng mến yêu trên hết mọi sự, đồng thời qua đó, mạc khải cho chúng ta biết mình là anh chị em với nhau, bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ…(x.Mt 5,9; 43-48). Nói một cách không sợ sai lầm rằng chúng ta đã biết một trong những nội hàm của “mưu sự tại thiên”: Đó là Thiên Chúa muốn mọi người gặp gỡ Người để được hạnh phúc và gặp gỡ nhau để sống tình huynh đệ.
Thành sự tại nhân: Chúng ta vốn quen với câu nói của thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi”. Thánh giáo phụ vừa nói lên quyền năng cao cả của Thiên Chúa, vừa nói lên đường lối của Người, Đấng là Tình Yêu (x.1Ga 4,8). Thiên Chúa đã thương ban cho loài người, hình ảnh của Người, có lý trí và ý chí tự do. Đây là hệ lụy tất yêu của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi có sự ý thức và tự nguyện. Có thể dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo khi đề cao vai trò của nhân loại, thế nhưng đó là một cách thế hành động của Thiên Chúa. Dù rằng đầy quyền năng và không có sự gì là không thể, nhưng Thiên Chúa lại muốn có sự tự do cộng tác của con người trong việc thi ân, cứu độ con người.
Để chuẩn bị một dân tuyển lựa, Thiên Chúa không bắt ép, nhưng mời gọi Abraham, một người chăn nuôi súc vật đã khá cao niên lên đường (x. St 12,1-5). Để cho Ngôi Lời Nhập thể cứu đời, Thiên Chúa không ra chỉ thị mà lại ngỏ ý, đề nghị Maria, một thiếu nữ thôn dã cộng tác (x. Lc 1,26-38). Khi công khai rao giảng tin mừng Chúa Giêsu thường lặp đi lặp lại câu nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Mt 11,15).
Điều gì cần có nơi phía loài người để thánh ý Thiên Chúa được thành sự? Chúng ta có thể nhận ra đó là lòng thành và sự khiêm nhu trong một tâm hồn đầy lửa mến, khát khao sự thiện. Để cho thánh ý Thiên Chúa được thành hiện thực, nghĩa là có sự gặp gỡ thực sự giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau, thì phía con người không thể thiếu:
– Một sự hướng thiện trong tình mến: Biết bao cuộc họp mặt giữa người với người, giữa vị đại diện quốc gia này với quốc gia kia mà vẫn chưa trở thành sự gặp gỡ, nghĩa là chưa mang lại kết quả. Trong nhiều lý do rất có thể có lý do là một trong hai phía chưa thực sự có tình yêu thương nhau hoặc chưa thực sự hướng thiện, nghĩa là tìm kiếm điều tốt trong chân lý.
– Một tấm lòng thành đầy sự khiêm nhu:Khi sinh thời, cách riêng trong quảng đời rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tiếp xúc rất nhiều người nhưng vẫn có đó không ít người chưa gặp gỡ Người mà trong số đó có nhiều người biệt phái, luật sĩ. Lý do chính yếu mà tin mừng tường thuật, đó là vì họ thiếu lòng thành và sự khiêm hạ. Họ là những người có tai mà không nghe, đúng hơn là không thèm nghe; có mắt mà không thấy, đúng hơn là không muốn thấy. Làm sao có sự gặp gỡ khi một phía cố tình bịt tai, che mắt?
Trở lại với hai bà mẹ đang mang thai, một trẻ, một già là Isave và Maria. Tình yêu của của hai bà mẹ dành cho Thiên Chúa, cho con người đã quá rõ. Một người tuy như là bất hạnh trước người đời vì son sẻ mà vẫn kiên trung trong sự công chính trước mặt Thiên Chúa và không ai chê trách được điều gì (x.Lc 1,6), một người thì tràn trề ân sủng (x.Lc 1,28), và cả hai đều đầy ơn Thánh Thần (x.Lc 1,35; 41). Lòng thành và sự khiêm hạ của Maria đã rõ nét qua lời thưa xin vâng và lời ca Magnificat: “Chúa đã đoái thương phận hèn tớ nữ…”(x.Lc 1,48). Bà Isave đã nhìn nhận tất cả là ơn Chúa “khi Người đã thương cất nỗi hổ nhục bà phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1,25).
Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách để gặp gỡ con người, đồng thời giúp con người gặp gỡ nhau. Thế nhưng trong vấn đề này, chúng ta có thể nói rằng “mưu sự tại thiên mà thành sự tại nhân” vậy.
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG- C
NIỀM VUI VÌ CÓ ĐƯỢC CHÚA VÀ MẸ VIẾNG THĂM- Lm. Micae Võ Thành Nhân
Không khí mong chờ Chúa đến bao trùm trên toàn dân Do Thái lúc bây giờ hơn bao giờ hết. Người người mong chờ Chúa đến. Nhà nhà mong chờ Chúa đến.
Bà Isave, mẹ của thánh Gioan Tẩy Giả cũng đang sống trong tâm tình mong chờ Chúa đến. Thánh Gioan Tẩy Giả đang ở trong cung lòng bà Isave được sáu tháng cũng mong chờ Chúa đến.
Sự mong chờ này được ví như đất khô mong mưa rào, như hoa hướng dương mong ánh sáng mặt trời chiếu soi, như lính canh mong trời hừng đông…
Chúa đã đến trần gian qua biến cố truyền tin, Chúa đang ở trong cung lòng Đức Mẹ. Không một ai biết hết, chỉ có mỗi một mình Đức Mẹ biết rồi sau đó là đến thánh Cả Giuse nữa mà thôi. Mẹ và thánh Cả Giuse biết trong nội tâm, trong suy đi nghĩ lại, trong âm thầm chiêm niệm, không khoe khoang ra bên ngoài.
Hôm nay, Mẹ đi thăm gia đình ông Zacaria và bà Isave. Mẹ đem Chúa đến cho gia đình này. Từng thành viên trong gia đình được gặp Chúa. Một niềm vui trào dâng nơi bà Isave, cách đặc biệt là thánh Gioan Tẩy Giả mà theo tường thuật của thánh sử Luca trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “ Đức Mẹ vào nhà ông Zacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần: Bà kêu lớn tiếng rằng: Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi ? Vì này tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện “.
Sau khi bà Isave nghe lời chào của Đức Mẹ, thánh Gioan đã được gặp Chúa, được Chúa tha tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ, nên ngài nhảy mừng trong lòng bà Isave. Sự nhảy mừng này chứng tỏ niềm vui quá lớn lao được gặp Chúa, được Chúa ban ơn, sự khát khao mong chờ Chúa đến được Chúa cho thỏa chí tọai lòng.
Phần bà Isave, khi thánh Gioan nhảy mừng trong lòng bà thì bà được đầy ơn Chúa Thánh Thần, bà vui mừng khôn xiết, bà xưng tụng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, bà tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Chúa đã nói với Đức Mẹ.
Bà Isave, thánh Gioan Tẩy Giả được gặp Chúa, được niềm vui không gì có thể diễn tả hết được là nhờ Đức Mẹ viếng thăm đem Chúa đến, chúng ta cần có Đức Mẹ trong cuộc đời này, cần Đức Mẹ mang Chúa đến cho chúng ta và nhờ Đức Mẹ, chúng ta đến với Chúa. Đây là niềm vui lớn lao nhất của chúng ta.
Nhờ Đức Mẹ, chúng ta có Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta, Chúa sẽ tác động chúng ta, đổi mới con người chúng ta. Chúng ta cần có Đức Mẹ, cần có Chúa ở lại với chúng ta mọi nơi mọi lúc để giúp chúng ta sống đẹp lòng Chúa và sống tốt với anh chị em chúng ta. Do vậy, chúng ta cần níu kéo Chúa và Đức Mẹ ở lại với chúng: “ Chúng ta níu kéo Chúa và Đức Mẹ không phải bằng xiềng xích bất công hay một thứ vật chất nào khác, nhưng là dây đức mến, thứ dây của tâm hồn, đó là lòng mến….. Và như vậy Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta, trái lại sẽ được Chúa năng đến thăm viếng, vì Chúa luôn ở với chúng ta cho đến ngày tận thế “ ( Thánh Ambrôsiô ).
Lạy Chúa, ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh sắp đến, ngày Chúa thăm viếng chúng con đã gần kề rồi, xin Chúa giúp chúng con can đảm mở rộng tâm hồn của chúng con để chúng con được Chúa ngự vào, và xin cho chúng con cũng biết đi đến với những người khác đang cần chúng con yêu thương, đang cần chúng con giúp đỡ để cuộc sống của tất cả chúng con sẽ ấm lên, bới đi sự lạnh lẽo của của những ích kỷ, hẹp hòi, khép kín. Amen.
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG-C
TRỞ NÊN NHỮNG EMMANUEL MỚI- Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Khi đang lâm bệnh ngặt nghèo, thập tử nhất sinh hay đang cơn hấp hối mà có người thân yêu ở kề bên chia sẻ cảm thông thì đó là niềm an ủi lớn lao không gì sánh được. Khi gặp cô đơn sầu não không kẻ đoái hoài mà có một người bạn chân tình hiện diện bên cạnh thì không gì quý báu hơn. Trong những trường hợp đó, người ta mới cảm nhận được nhu cầu có người thân sống-với mình hay hiện-diện-bên-cạnh mình cần thiết xiết bao!
Vì thế, Đức Cha Gaillot, một giám mục Pháp, đã nhận định rất xác đáng rằng:
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn;
Việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh cần thiết hơn.”
Như thế, chấp nhận sống-với tha nhân, hiện-diện-bên-cạnh tha nhân thì tốt hơn mọi hình thức trao ban giúp đỡ khác.
Thiên Chúa sống-với con người
Thiên Chúa là Người Cha nhân lành rất yêu thương nhân loại nên Ngài muốn sống với, muốn hiện diện bên cạnh nhân loại mãi mãi không cùng. Chính vì thế, Thiên Chúa tự xưng mình là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta. (Isaia 7, 14. Mat-thêu 1, 23)
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách vô tận giữa trời và đất để đến ở với loài người.
Vì muốn ở cùng nhân loại nên Chúa Giê-su đã sống kiếp phàm nhân suốt ba mươi ba năm để chia sẻ mọi vui, buồn, sướng, khổ của phận người.
Vì muốn ở cùng nhân loại nên dù đã sống lại và lên trời vinh hiển, Chúa Giê-su vẫn không rời xa các môn đệ. Ngài nói với họ:
“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
“Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó.” (Mt 14,3)
Vì mong muốn ở lại mãi với các môn đệ, nên Chúa Giê-su khấn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.” (Mt 17,24)
Thế rồi Chúa Giê-su lập nên Bí Tích Thánh Thể để không những ở với, ở cùng, hiện diện bên cạnh mà còn ở trong chúng ta và nên một với chúng ta.
Mẹ Maria sống-với con người
Vì biết rằng nhu cầu được thăm viếng, được sống với, được hiện diện bên cạnh là rất cần thiết nên khi hay tin người chị họ cao niên của mình được Chúa đoái thương cho cưu mang quý tử, Đức Maria đã không quản ngại thân gái dặm trường, sẵn sàng băng rừng vượt núi tiến lên miền sơn cước để chúc mừng, để phục vụ và nhất là để sống với, để hiện diện bên cạnh người chị họ cao niên suốt cả ba tháng trời (Lc 1, 39. 43. 56).
Về sau nầy, khi tâm hồn các môn đệ hoang mang xao xuyến sau biến cố Chúa Giê-su về trời, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện bên các môn đệ, củng cố niềm tin đang chao đảo của các ngài.
Và rồi trong suốt dòng lịch sử Hội Thánh, Giáo Hội phải nhiều phen trải qua gian lao sóng gió, Mẹ Maria luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn đen tối, để hiện diện và đồng hành với đoàn con cái trong lúc gian nan, để ủi an khích lệ họ trong cảnh u sầu như Mẹ đã thực hiện tại La-vang, Fatima, Lộ-đức và nhiều nơi khác.
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn.
Việc từ thiện là cần thiết, hiện-diện-bên-cạnh, cần thiết hơn.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con luôn noi gương Chúa là Emmanuen, là Đấng luôn ở với loài người để cùng chia sẻ ngọt bùi với bao người chung quanh; xin cho chúng con bắt chước Mẹ Maria là Đấng luôn hiện diện bên con cái mình để che chở ủi an họ trong những lúc gian truân khốn khó; xin giúp chúng con trở nên những Emmanuen khác, để viếng thăm, an ủi, để sống-với, để hiện-diện-bên-cạnh những người đang gặp hoàn cảnh đau thương.
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG- C
THÁNH Ý- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tiên tri Mikêa loan báo Đấng thống trị Irael sẽ xuất hiện tại Belem, đất Giuđa. Chúng ta thường gọi vùng Belem này là Đất Thánh vì đã được đón nhận Đấng Cứu Thế. Người Do-thái dùng từ Đất thánh chỉ Nước Irael (Kingdom of Israel). Từ ngữ Đất Thánh (Holy Land) được dùng bởi cả người Hồi Giáo và Kitô Giáo để định vị miền đất giữa sông Jordan và vùng biển Địa Trung Hải. Đền thờ Giêrusalem là trung tâm tôn giáo của người Do-thái và là nơi thánh. Cùng với những nơi Chúa Giêsu đã đi qua thi hành sứ mệnh và rao truyền ơn cứu đô. Xưa cũng như nay, có rất nhiều người, kể cả Do-thái, Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo đến hành hương trong miền Đất Thánh này. Nhiều người ao ước được đến viếng thăm những nơi Chúa Giêsu Nazarét sinh ra, nơi Chúa sinh sống và rao giảng, đồi Chúa chịu chết và nơi sống lại ra khỏi mồ. Nhiều Kitô hữu muốn đến tận nơi ngắm nhìn, đụng chạm, cảm nhận và suy niệm về cuộc đời của Chúa Cứu Thế.
Chương trình cứu độ được tỏ hiện từng bước trong lịch sử dân Do-thái. Thánh ý của Thiên Chúa trải rộng khắp lịch sử của loài người và đặc biệt qua dân được tuyển chọn. Thiên Chúa đã chọn, gọi và sai các tiên tri hướng dẫn Dân đi qua từng biến cố lớn nhỏ. Tiên tri Mikêa đã loan tin: Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en (Mik 5, 2). Mikêa nói đến hình bóng của người phụ nữ đã được nhắc đến ngay trong những trang đầu của sách Sáng Thế Ký, như lời Thiên Chúa đã hứa: Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó (Stk 3, 15). Người phụ nữ này giữ vai trò rất quan trọng trong chương trình cứu độ loài người. Qua người nữ, Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra trong dòng dõi của những kẻ còn sót lại.
Trong thời Cựu Ước, những lời tiên tri loan báo từ từ được thực hiện. Một trinh nữ miền quê trong trắng, đơn sơ và thánh thiện đã được Thiên Chúa quan phòng để lãnh nhận sứ mệnh làm mẹ Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa vũ trụ đã hóa thân làm người nơi cung lòng của Đức Maria trinh nữ. Chúa chọn một người nữ bình thường để thể hiện những việc phi thường. Đất trời đã giao hòa. Sự kiện này hoàn toàn do thánh ý của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa hạ thân làm người và một người nữ khiêm cung đón nhận hồng ân và cưu mang trong lòng. Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”( Lc 1, 38). Sau khi được sứ thần truyền tin cưu mang Con Thiên Chúa, Maria đã nói lời xin vâng và sống niềm tin sâu thẳm. Khi Đức Maria đến viếng thăm bà chị họ là Isave, bà Isave đã lớn tiếng kêu lên rằng:”Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42).
Từ một thôn nữ đơn thành chất phát, Maria đã trở nên máng chuyển ơn cứu độ. Kinh thánh đã ca khen vai trò của Mẹ Maria qua điềm lạ xuất hiện trên trời:Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao (Kh 12, 1).Thiên Chúa đã quan phòng thay đổi cuộc đời của Đức Maria trong vai trò trung gian của ơn cứu độ. Đức Maria đã hoàn toàn vâng theo thánh ý của Thiên Chúa. Một mầu nhiệm cao siêu nhất hòa nhập trong một con người đơn sơ hèn mọn. Maria tiếp tục sống một cuộc sống hiền hòa, khiêm hạ và âm thầm lặng lẽ vâng phục trong nguyện cầu tín thác. Maria đã đi thăm viếng và giúp đỡ chị họ Isave trong lúc sanh nở. Maria đã không quản ngại phụ giúp chị trong mọi công việc dù thấp hèn nhất.
Sự khiêm hạ của Đức Maria là gương mẫu cho chúng ta. Đức Maria đã sống ơn gọi của mình một cách hoàn hảo. Biết rằng nếu muốn thay đổi số phận, chúng ta phải bỏ ra công sức để tôi luyện công đức. Công đức thay đổi nhân tâm. Công đức căn bản là thực hiện những điều khiêm hạ thấp hèn. Thường thường người ta nói về công đức cao siêu, nhưng cái thấp nhất và nhỏ nhất lại là cái vĩ đại nhất. Giống như nhà khoa học nghiên cứu những cái nhỏ nhất và đơn giản nhất để khám phá ra những qui luật chung mà mắt người thường không nhìn thấy được. Công đức căn bản là lao động công ích. Chúng ta nhìn qua những hành xử của thân, khẩu và ý. Thân nghiệp là hành vi dùng sức khỏe và chân tay lao động để giúp người và giúp đời. Khẩu nghiệp là nói những lời chân thành, nhẹ nhàng và nhân ái giúp gây bầu khí an hòa và cảm thông lẫn nhau. Ý nghiệp là khởi ý cầu mong sự tốt lành và an vui cho người khác.
Bà Isave và Đức Maria đã trao đổi tình thân hữu qua việc giúp đỡ và khen ngợi. Bà Isave đã chúc tụng: Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em (Lc 1, 45). Khẩu và ý nghiệp của bà Isave vừa là lời chúc phúc, vừa là sự cầu mong những điều tốt lành cho Maria. Giáo Hội đã dùng lời ca ngợi của bà Isave biến thành lời cầu nguyện: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ… Đức Maria có phúc vì được Thiên Chúa ưu ái chọn lựa ban đầy ơn sủng. Đức Maria như bình gốm được Thiên Chúa tác thành theo thánh ý của Ngài. Đức Maria là một thụ tạo tuyệt vời để cộng tác vào công trình cứu độ. Mẹ đã cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế.
Đấng Cứu Thế đã đến với đoàn dân của Ngài nhưng họ đã không nhận biết Ngài. Ngài đã hoàn thành mọi lời đã tiên báo và đã đi trọn con đường dâng hiến theo thánh ý của Chúa Cha. Thơ gởi tín hữu Do-thái đã ghi: Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con (Dt 10, 7). Sách Thánh này bao gồm toàn bộ những sách đã được linh ứng viết ra. Mỗi một cuốn sách dù dài hay ngắn đều có liên quan đến sứ mệnh của Đấng Cứu Thế. Công trình cứu độ được thực hiện qua sự hiến tế của Con Người là Đức Kitô, Đấng được xức dầu.Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ (Dt 10, 10). Chúa Kitô đã đổ ra giọt máu cuối cùng để dâng lễ hy tế trên thánh giá. Lễ hiến dâng toàn vẹn bằng chính sự sống.
Cử hành Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta suy niệm về Mầu Nhiệm Con Chúa giáng thế làm Người. Chúa đã giáng trần tại Belem cách đây hơn 2000 năm rồi. Đây là biến cố duy nhất xảy ra trong lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu Kitô đã thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã khiêm hạ bước xuống cùng tận cuộc đời. Chúa đã sống chung với các môn đệ nghèo hèn là những người lao động chài lưới và ít học. Chúa đã đi khắp các nẻo đường để gieo rắc tin mừng tình thương và chữa lành những tâm hồn dập nát đau thương. Chúa đã giao hòa con người tội lỗi và ban cho quyền làm con Thiên Chúa. Chúa đã học vâng phục và vâng phục cho đến cùng. Chúa Giêsu nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới (Dt 10. 9).
Lạy Chúa, biết bao lần con đã thề hứa sẽ sống đạo tốt và sống theo thánh ý Chúa. Rồi biết bao lần chúng con đã lại sa ngã, chối từ và tìm theo ý riêng mình. Xin Chúa ban ơn đảm để chúng con biết nói lời xin vâng và sống tín thác như Đức Maria. Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam