Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 49
Tổng truy cập: 1371264
GIẢI MÃ THÁNH KINH
Giải mã Thánh Kinh – Lm. Phạm Quốc Hưng
Nói rằng Thánh Kinh là Lời Chúa là đúng, vì Thánh Kinh là bộ sách được viết ra dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhưng hiểu Lời Chúa chỉ được chứa đựng trong Thánh Kinh mà thôi là một quan niệm thiếu sót, hẹp hòi. Vì Lời Chúa chính là Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, và một khi đã nhập thể làm người để thực hiện việc cứu chuộc nhân loại Lời Chúa đã mang một tên gọi là Giêsu Kitô. Do đó, nơi chính con người, cuộc sống và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô mà cao điểm là Cuộc Kho Nạn và Phục Sinh của Người, Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ chúng ta và dạy chúng ta mọi sự. Đó là một trong những chủ đề được gặp thấy trong Phụng Vụ hôm nay.
Thánh Kinh Cựu Ước bao gồm mọi điều Thiên Chúa mạc khải cho Dân Do thái qua các tổ phụ và các tiên tri để giúp họ chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô. Qua cuộc sống được kết thúc bằng Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, Đức Giêsu Kitô đã hoàn tat những gì Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ và các tiên tri nơi Thánh Kinh Cựu Ước. Đó là nội dung lời chứng của Thánh Phêrô trong Tông Đồ Công Vụ nơi bài đọc một trong Phụng Vụ hôm nay, nhất là nơi câu: “Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước: Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình” (Cv 3:18).
Trong Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệsau khi ăn cá nướng và mật ong trước mắt họ, Chúa Giêsu đã vừa cho thấy sự xác thực của mọi lời Người từng nói với các ông vừa xác định Người chính là Đấng Kitô –Đấng Mêsia-là trung tâm của lịch sử ơn cứu độ mà Thánh Kinh Cựu Ước đã báo trước, vừa là Đấng giúp các môn đệ am hiểu Thánh Kinh. Thánh Sử Luca viết: “Đoạn Người phán: Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách các tiên tri và thánh vịnh. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh” (Lc 24:44-45).
Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục giải thích Thánh Kinh cho chúng ta qua Huấn Quyền của Hội Thánh luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Việc ghi nhớ và hiểu biết đầy đủ giáo lý với các tín điều Hội Thánh dạy thật quan hệ trong việc giúp chúng ta hiểu đúng Thánh Kinh. Đức Thánh Cha Bênêđictô từng dạy rằng: “Các tín điều chính là lời giải thích Thánh Kinh chính thức của Hội Thánh”. Không có cùng trí ý với Hội Thánh, người ta không thể hiểu đúng Thánh Kinh.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh rằng biến cố Vượt Qua-Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh-của Người chiếm vị thế trung tâm trong chương trình cứu độ. Như thế, toàn bộ Thánh Kinh, cả Cựu Ước cũng như Tân Ước-phải được đọc và giải thích dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô. Đồng thời, Hội Thánh bao gồm các môn đệ đích thưc của Chúa Kitô sẽ tiếp tục sứ mạng của Người khi rao giảng nhân danh Người và làm chứng về Người, mời gọi mọi người sám hối để lãnh ơn tha tội. Người phán: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngay thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24:46-48). Điều này cũng đã được Chúa Giêsu nói với hai môn đệ truớc đây, khi Người hiện ra và đồng hành với họ trên đường Emmau (Lc. 24:13-35).
Vì vậy, muốn hiểu đúng Thánh Kinh, chúng ta phải đón nhận sự khôn ngoan của mầu nhiệm Thánh Giá, phải chấp nhận bước đi trên Đường Thánh Giá, con đường của hy sinh từ bỏ, con đường của tình yêu xả kỷ vị tha, con đường chính Chúa Giêsu đã đi qua. Tác giả sách Gương Chúa Giêsu ngay ở chương đầu đã nhận xét: “Sở dĩ nhiều người nghe giảng Phúc Âm luôn mà vẫn không xúc động, là vì họ không có tinh thần Chúa Kitô. Muốn hiểu tỏ và nếm thử thi vị của lời Chúa, cần phải tập sống đời sống của Chúa” (Q. I, Ch. 1). Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng kể rằng: “Bài giảng đầu tiên con nghe và hiểu được là bài giảng về Thánh Giá. Và từ đó, con nghe và hiểu được mọi bài giảng”.
Trong bài đọc hai trích thư thứ nhất của Thánh Gioan, chúng ta lai học biết rằng mục đích của Thánh Kinh chính là giúp chúng ta khỏi phạm tội; mà nếu chúng ta đã phạm tội thì sẽ được đón nhận ơn tha tội nhờ sám hối và tin vào Chúa Kitô là của lễ đền tội cho toàn thể nhân loại. Tren hết, Thánh Kinh hay Lời Chúa hoặc Luật Chúa là phương thế tuyệt hảo giúp chúng ta buớc vào và sống trọn liên hệ yêu thương với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa. Hơn nữa, việc nghe và giữ Lời Chúa còn là yếu tố quyết định để xác định tính chân thực của người môn đệ Chúa Kitô.
Thánh Gioan viết: “Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn của Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ các giới răn của Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy” (1Ga 2:1-5a).
Câu nói thời danh của Thánh Giáo Phụ Tiến Sĩ Jerome dường như chỉ là một lời lập lại và tóm lược những lời trên của Thánh Gioan: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Các học giả Thánh Kinh còn đưa ra nhận xét độc đáo này: “Thánh Kinh được viết bởi những người tin, được viết cho những người tin, được viết để xây dựng và rao truyền đức tin”. Vì vậy, tin vào Chúa Kitô và Hội Thánh là cach chắc chắn nhất để học biết Thánh Kinh một cách đúng đắn.
Thật là thích đáng khi Hội Thánh dùng lời tung hô Alleluia trong Phụng Vụ hôm nay để dâng lên Chúa Giêsu lời nguyện chí thiết này: “Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh, xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con”.
Nếu Chúa Nhật tuần trước được dành để suy tôn Lòng Chúa Thương Xót, thì Chúa Nhật hôm nay có thể được dành để suy tôn Lời Chúa, suy tôn Thánh Kinh.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể. Xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ để say mê việc đọc, nghe, ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong niềm hiệp thông vâng phục trọn vẹn với Hội Thánh. Amen.
72. Từ người bỏ cuộc trở nên Sứ giả Tin Mừng
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Tin Mừng Chúa nhật III Phục sinh tập trung vào hai môn đệ rời Giêrusalem mang theo sự buồn sầu thất vọng về làng Emmaus. Quả thật, chính tại Giêrusalem hai ông đã chứng kiến các biến cố dẫn đến cái chết của Chúa Kitô như lời hai ông kể cho vị khách (Không Hay Biết): "Có một người tên là Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi" (Lc 24, 19 - 21). Đúng là mấy phụ nữ rằng thuật lại rằng Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng đó là một tin lạ lùng không thể tin được, các bà chẳng những không củng cố được lòng tin cho các ông mà còn làm các ông "khiếp sợ" (x. Lc 24, 22), sợ đến nỗi bỏ cuộc, rời Giêrusalem, nơi mà "giấc mơ" của họ bị vỡ tan vì Thập Giá.
Và dĩ nhiên, dưới dáng dấp của người đồng hành, Chúa Giêsu đã hiện ra cùng đi với họ. Trên đường, với hai ông, Chúa chỉ là Vị Khách lạ, "người không hay biết". Nhưng chính "người không hay biết" ấy đã làm cho các ông vơi đi nỗi buồn. Sự thất vọng mà họ có không cho phép họ tin rằng Thập Giá của Chúa Kitô là chìa khóa để mở cửa bước vào nhà Cha.
Với sự thẳng thắn và yêu thương, "người không hay biết" than: "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người" (Lc 24, 25-27).
Vị Khách đã mở lòng mở trí cho hai ông, hai ông lắng nghe và cảm thấy có một sức thu hút ngoại thường khiến các ông cất lơi: "Mời ông ở lại với chúng tôi", lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24, 29). Với lời mời thịnh tình ấy, Chúa Giêsu đáp lại bằng một cử chỉ chia sẻ khi đồng bàn với họ: "Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông" (Lc 24, 30). Cử chỉ Thánh Thể này giúp cho "hai kẻ bỏ cuộc" nhận ra Chúa.
"Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào" (Lc 24, 13-35). Câu này kết thúc trình thuật kinh nghiệm phục sinh của hai môn đên trên đường Emmaus, tổng hợp cách kỳ diệu ý nghĩa về sự hiện hữu Kitô của người môn đệ Chúa Kitô. Đâu là tính mới lạ của Kitô giáo nếu không phải là sống cái chuẩn mực của đời sống, với niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng? Cuộc hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống của họ cũng như chúng ta: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" (Lc 24, 32)
Trên con đường đến Emmaus, chúng ta có thể nhận ra con đường đức tin của chính mình, thay vì quán trọ, thì có Giáo Hội. Thánh Lễ cung cấp cho chúng ta Lời Chúa và Thánh Thể, những yếu tố không thể thiếu cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Nếu chúng ta ra khỏi nhà với những khó khăn, lo toan, với tinh thần của hai môn đệ làng Emmaus, chúng ta hay đến nhà thờ, ít là Chúa nhật, nơi Thiên Chúa ở với chúng ta, nơi mà Lời Chúa được giải thích ban cho chúng ta sự an ủi, Bánh Hằng Sống được trao ban để phục hồi, chữa lành, chăm sóc chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.
Con đường của hai môn đệ của Emmaus là con đường của tất cả chúng ta. Nếu trên đường đi, lòng chúng ta không còn bị khép kín vì buồn bã, chúng ta có thể gặp Đấng Phục Sinh trong Ngôi Lời làm cho lòng chúng ta nóng lên, và trong Bánh Thánh làm cho mắt chúng ta sáng lên. Trong Lời Chúa và Thánh Thể, chính chúng ta đang đi từ cõi chết đến cõi sống và chúng ta nhận ra sự thật về điều mà các nhân chứng đầu tiên đã truyền cho chúng ta: chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại vì chúng ta cũng đã gặp Người. Chúng ta được sống lại với cuộc sống mới trong tình yêu.
Chúa Kitô loan báo Tin Mừng về sự sống lại của Người cho chúng ta trên đường đi, như các môn đệ. Người nói với chúng ta về câu chuyện tình của Thiên Chúa với dân Ngài, Người nhắc nhở chúng ta về sự trung tín không ngừng của Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước đời đời với chúng ta. Chúa Kitô nói với chúng ta và mở lòng chúng ta hiểu Kinh Thánh. Như thế, Người mạc khải cho chúng ta sự sâu thẳm của Trái Tim đầy yêu thương, Người "phải" chịu đau phiền và phải chết. Người không thể làm gì khác ngoài yêu chúng ta cách tuyệt đối và vô hạn vượt qua mọi rào cản của cái chết và thân xác.
Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống, khiến họ đang là kẻ bỏ cuộc trở nên người loan báo Tin Mừng về Đức Kitô tử nạn và phục sinh.
Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về "làng Emmaus", rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria và khẩn cầu Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, ngõ hầu trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng Chúa sống lại cho mọi người tin mà được cứu độ. Amen.
73. Chúa giải thích Kinh Thánh và bẻ bánh
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Sự kiện Chúa Giêsu phục sinh được các Thiên Thần loan báo cho các bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Gia-côbê và bà Salômê (x. Lc 24, 1-12), các bà về thuật lại cho các Tông Đồ ở Galilêa, hai môn đệ làng Emmaus trong nhóm các bà chẳng những chưa tin mà còn lo sợ (x. Lc 24). Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục hiện ra dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai ông, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp long họ sốt sáng lên và làm cho mắt họ sáng ra để nhận ra Người (x. Lc 24, 13 - 35).
Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ trong khung cảnh cửa đóng then cài. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ "bối rối tưởng mình thấy ma" (Lc 24, 37).
"Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ" (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ "vẫn còn chưa tin" (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng: "Chính Thầy đây" (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).
Lời Chúa sưởi ấm con tim
Giả bộ khách đồng hành, tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của hai môn đệ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện, nghe họ bộcbạch về đau khổ và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngóm. Thấy họ buồn sầu như thế, Chúa nói chuyện với hai ông và "giải thích"Kinh Thánh, "bắt đầu từ Môsê và các tiên tri", giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh (x. Lc 24, 27). Như thế, Chúa đốt cháy lên trong con tim họ một ngọn lửa hy vọng. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời Người ở lại với họ chiều hôm đó: "Mời ông ở lại với chúng tôi", lý do"vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn " (Lc 24, 29).
Thánh Thể mở mắt đức tin
"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn"(Lc 24, 29). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Chúa Giêsu chấp nhận và cùng họ vào nhà và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi " bẻ bánh " đơn giản (Lc 24, 35). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ " chỗi dậy trở về Giêrusalem "(Lc 24, 33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho " mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp " (Lc 24, 33).
Lời Chúa và Thánh Thể trong đời sống người tín hữu
Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường ma họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh.
Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về "làng Emmaus", quay lưng lại với chương trình của Thiên Chua, rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus, sau khi đã "nhận ra" Chúa trong việc bẻ bánh, thì mau mắn trở lại Giêrusalem lòng tràn đầy niềm vui, kể cho anh em mình tất cả những gì đã xảy ra. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh,niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Đó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta: " Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến" (1 Cr 11, 26). Như thế, chúng ta phai nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Hãy để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái, để chúng ta có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với ho.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.
74. Suy Niệm của Lm. Trần Bình Trọng.
Có Chúa trong cuộc đời là có Bình An
Lời chào đầu tiên mà Chúa thốt ra với các tông đồ sau khi Người sống lại từ cõi chết là lời chào bình an: Bình an cho các con (Lc 24:36). Tuy nhiên các tông đồ kinh hồn bạt vía, tưởng mình thấy ma (Lc 24:37). Chúa liền trấn an các ông bằng cách chứng minh cái căn tính của Chúa là có xương có thịt, chứ không phải ma. Tuy nhiên các ông vẫn chưa tin vì vui mưng mà bỡ ngỡ (Lc 24:41).
Mặc dầu Chúa đã tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Người, các môn đệ vẫn chưa hiểu đường lối của Chúa. Mặc dầu sau khi sống lại Chúa đã hiện ra với Mađale-na và truyền cho bà đi loan báo tin mừng phục sinh cho các tông đồ, các ông vẫn cho rằng đó là chuyện tưởng tượng của đàn bà. Mặc dầu hai môn đệ thành Emmau vưà loan tin cho các ông là Chúa đã sống lại và hiện ra với các ông, các ông vẫn còn hồ nghi. Lý do là vì cái biến cố của ngày Thứ Sáu Chịu nạn đã làm tiêu tan những mối hy vọng của các ông, như hi vọng Chúa sẽ thiết lập một vương quốc trần gian, hi vọng được một địa vị trong vương quốc của nước Chúa. Cái chet của Thày mình trên thập giá vẫn còn làm các ông hoang mang và sợ hãi. Vì thế hôm nay Chúa hiện ra lần nữa để củng cố đức tin của các ông.
Phải chăng chúng ta cũng có những lần mang những tâm trạng hoang mang, bối rối, và sợ hãi khác nhau. Chúng ta sợ mất công ăn, việc làm, sợ phải mang bệnh tật, sợ mất sức khoẻ. Chúng ta sợ phải sống cảnh chia ly xa cách vì chiến tranh. Hôm nay Chúa bảo ta: Thày đây, đừng sợ. Chúa muốn ta trút tất cả những nỗi lo âu, sợ hãi vào lòng từ ái của Chúa. Chúa muốn ta đặt trọn niềm tin cậy, phó thác vào chương trình quan phòng của Chúa. Việc tín thác vào Chúa là cái gì ta có thể học được bằng kinh nghiệm. Sau khi ta đã thử đặt tin tưởng vào tiền của, thế lực, địa vị, và rồi cuối cùng ta thấy không đi đến đâu, có khi còn khổ nữa. Từ đó mới tìm đến Chúa.
Qua các môn đệ, Chúa cũng gửi đến ta lời chào bình an. Cái lời chào bình an của Chúa mang một ý nghĩa đặc biệt cho những người đặt tin tưởng vào Chúa. Ngày nay ta nghe nhiều về những khao khát, ước vọng hoà bình. Nếu đi du lịch bên Do Thái và gọi điện thoại, người ta sẽ nghe thấy người ở đường giây nói bên kia trả lời shalom, có nghĩa là bình an. Sự kiện đó nói lên người Do Thái khát vọng hoà bình như thế nào. Trên bình diện quốc gia và quốc tế, hoà bình theo nghĩa tự điển Webster có nghĩa là cái tình trạng, hay cái thời kỳ hoà hoãn, cái thời kỳ đình chiến giữa các quốc gia, hoặc phe nhóm. Tuy nhiên hoà bình có nghĩa là gì đối với cá nhân mỗi người? Cũng theo tự điển Webster, hoà bình có nghĩa là cái trạng thái tĩnh, nghĩa là không động, không bị tư tưởng xung khắc đè nén, một sự hoà hợp trong những mối tương quan và liên hệ của mỗi ngưòi.
Hoà bình theo nghĩa Thánh kinh là một ân huệ Chúa ban. Do đó hoà bình phải phát xuất từ tâm hồn mỗi người, phải được an rễ và phát triển trong tâm hồn. Hoà bình sẽ ngự trị trong tâm hồn ta, và xung quanh ta, nếu ta có bình an trong tâm hồn. Vì thế không thể nào có hoà bình thực sự trong thế giới loài người, nếu loài người không có bình an nội tâm.
Để có được sự bình an nội tâm, người ta cần làm hoà với Chúa qua Bí tích Cáo giải. Để có được sự bình an trong tâm hồn người ta cần sống theo đường lối của Chúa và tuân giữ giới răn Chúa.
75. Làm chứng nhân – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
“Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Những điều này là những điều gì đây? Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47).
Phải nhìn nhận rằng cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô la một chủ đề chính của lời rao giảng của các tông đồ. Đã có lúc, có nhiều đấng vì muốn nhấn mạnh đến mầu nhiệm Phục sinh nên thích chưng ảnh tượng Chúa Phục sinh trong cung thánh Nhà thờ, thế mà Hội Thánh vẫn không chuan nhận. Theo luật hiện hành thì phải chưng ảnh tượng Chúa chịu nạn (Crucifix), dù rằng mầu nhiệm Chúa Phục sinh chính là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo, vì như lời thánh Phaolô Tông đồ rằng: Nếu Chúa Kitô không sống lai thì Kitô hữu là những người khốn khổ nhất.
Cả hai mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh luôn song hành với nhau, không thể tách rời. Mầu nhiệm Phục sinh khẳng định rằng Chúa Kitô chính là Thiên Chúa thật, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm chủ sự sống và sự chết. Mầu nhiệm Tử nạn lại mạc khải cho chúng ta biết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yeu (x.Ga 15,13). Cũng như các Tông đồ xưa, Kitô hũu chúng ta mọi thời cần phải làm chứng rằng Đấng tử nạn đã phục sinh đồng thời phải làm chứng rằng Đấng phục sinh là Đấng đã tử nạn.
Đấng tử nạn đã phục sinh: Khi tuyên bố chân lý này, chúng ta tuyên tín rằng Chúa Kitô chính là Thiên Chúa thật. Người đã phục sinh như lời Người đã tiên báo. Nhìn nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa có nghĩa là kính dâng lên Người sự thần phục của chúng ta. Khong chỉ chúng ta mà mọi vật mọi loài cần phải suy phục Đấng đã phục sinh như là nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu. Cùng với thánh Phaolô chúng ta tuyên xưng: “Trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người…” (Col 1,16).
Sự suy tôn, thần phục không chỉ thể hiện bằng việc nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có, đều do bởi Đấng đã phục sinh mà còn thể hiện bằng việc gắn bó với Người và hết tâm hết lòng tuân giữ lời Người phán dạy. Thánh Gioan khẳng định qua bài đọc thứ hai:“Can cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người…”(1 Ga 2, 4). Các Tông đồ xưa đã thực thi điều này khi khẳng khái trước mặt quan quyền rằng: Phải vâng lơi Chúa hơn là vâng lời phàm nhân (x.Cvtđ 4,19).
Đấng phục sinh là Đấng đã tử nạn: Chân lý này gợi mở cho chúng ta niềm hy vọng, khi cho thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Vì yêu thương thế gian, Thiên Chúa đã ban chính Con Một (x.Ga 3,16). “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đa đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Col 1,19-20).
Tuyên xưng Đấng phục sinh là Đấng đã tử nạn thì cũng là nhìn nhận tội ác của con người, của chính mỗi người chúng ta. Vì chúng ta, Đức Kitô đã chịu nộp, chịu khổ hình thập giá. Như thế lời tuyên xưng này luôn bao hàm lời mời gọi hoán cải ăn năn để được ơn tha tội. Thiên Chúa đã rộng ban ơn tha thứ, sự giải hòa, qua cái chết của Đức Kitô. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Ơn cứu độ đã được trao ban, nhưng chúng ta có nhận được sự thứ tha hay không, vẫn còn tuỳ ở mỗi người chúng ta. Nói như thánh Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi, không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi”. Và sự sám hối, ăn năn chính là một cách thế căn bản để đón nhận hồng ân tha thứ, hồng ân cứu độ.
Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Lời truyền của Đấng Phục sinh năm xưa vẫn còn vọng vang đến những người tin là các Kitô hữu. Ước gì bà con lương dân, anh chị em khác đạo không chỉ nghe các bài ca “Hallêluia, Chúa đã sống lại”, mà còn nhìn thấy các Kitô hữu, cách riêng các mục tử trong Hội Thánh biết sám hối ăn năn, thay đổi đời sống. Các Tông đồ xưa, đã làm chứng nhân trước hết bằng việc dứt bỏ sự ích kỷ, háo danh, hám lợi để sống quang đại, xả thân vì Danh Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân. Các Ngài đã dần bỏ sự hèn nhát mà hiên ngang làm chứng cho sự thật cho dù phải trả bằng chính giá máu… Xin lỗi Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI, không chỉ hôm nay ma cả trước đây lẫn sau này người ta vẫn thích nghe theo các chứng nhân hơn là các nhà giảng thuyết. Cha ông dân Việt đã từng cảm nghiệm rằng: “lời nói gió bay, gương bày lôi kéo”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam