Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1371747

GIẢNG DẠY NHƯ CÓ THẨM QUYỀN

GIẢNG DẠY NHƯ CÓ THẨM QUYỀN- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Tác giả Máccô giới thiệu sứ vụ của Đức Giêsu tại Ga-li-lê gồm hai phần: giảng dạy và chữa lành. Tuy nhiên đặc biệt là ở chỗ ông không tách hai điều này riêng ra mà đã liên kết chúng lại thành một cách rất tài tình. Chữa lành chính là để lời rao giảng trở nên thuyết phục.

Mác-cô trước hết giới thiệu Đức Giêsu như một nhân vật xuất hiện hầu công bố một sứ điệp trọng đại: “Thời đại đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c.15). Ông không những xác địch công việc chính của Đức Giêsu là công bố sứ điệp, nhưng còn nói thêm Ngài đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên dân chúng. ‘Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’. Tác giả hình như quan tâm tới thái độ dân chúng tiếp nhận sứ điệp nhiều hơn là chính nội dung thuyết phục hay sự phong phú của sứ điệp Tin Mừng được rao giảng.

Rõ ràng là như thế khi Mác-cô lập tức tường thuật các công việc đầy từ tâm Đức Giêsu thực hiện như chữa người bị quỉ nhập, chữa nhạc mẫu ông Si-mon, chiều đến chữa mọi kẻ ốm đau bệnh tật mà cả thành đem đến cho Người…, hầu như để cho thấy tại sao dân chúng có phản ứng tích cực như vậy trước sứ điệp, hay đúng hơn, với con người công bố sứ điệp đó. So với tác giả các cuốn Tin Mừng khác, tác giả cuốn thứ hai này hầu như không chú trọng tới nội dung sứ điệp nhiều cho lắm. Ông dành nhiều giấy mực hơn cho việc tường thuật các hành động chữa lành và yêu thương Đức Giêsu thực hiện. Và tất cả chỉ để minh chứng cho điều mà ông muốn khảng định ngay từ đầu: ‘Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’.

Thật ra thì dân chúng bình dân thời nào và ở đâu cũng vậy thôi, với trình độ hiểu biết hạn chế họ ‘nghe’ thì ít mà muốn ‘thấy’ nhiều hơn. Đúng hơn, họ là các thính giả có tầm hiểu biết bằng con tim nhiều hơn là bằng trí óc, nhất là trên con đường đi tìm chân lý; trong khi đó các bậc mô phạm hay hiền triết lại có khuynh hướng sử dụng khối óc nhiều hơn con tim. Các hành động chữa lành đầy từ tâm của Đức Giêsu đánh thẳng vào con tim của thính giả bình dân và chinh phục họ; trong khi các thính giả tri thức như các luật sĩ, biệt phái và kinh sư lại chỉ tìm đến để nghe thuyết pháp, để tìm lý luận, rồi sau đó thi nhau đem ra phân tích mổ xẻ, và tìm lỗi bắt bẻ, chính vì vậy mà các tranh luận căng thẳng giữa họ với Đức Giêsu đã không ngừng nổ ra. Đối với dân chúng, sứ điệp của Đức Giêsu quả là một Tin Mừng, vì nó làm cho con tim của họ được an bình no thỏa, trước khi làm trí óc họ được say mê. Trong thẳm sâu cõi lòng, họ hằng khao khát tìm thấy một Đấng Mét-si-a nhân ái, đầy từ tâm và xót thương, gần gũi với nỗi thống khổ yếu hèn của con người hơn. Đó chính là lý do để mà, trong tất cả sự chân thành mộc mạc họ chân nhận cách thẳng thắn và đơn sơ: ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền’ hơn hẳn các kinh sư và Biệt Phái.

Suy niệm trên đây, tuy đơn giản thật nhưng lại có tầm quan trọng lớn đối với hết thảy mọi người chúng ta, nhất là đối với các linh mục của Đức Kitô.

– Quan trọng đối với đời sống thiêng liêng, vì là một tu sĩ linh mục, tôi luôn có nguy cơ xa rời sự nhạy cảm thiêng liêng của người bình dân. Không biết từ khi nào suy luận triết thần đã hoàn toàn chiếm lĩnh đầu óc và suy nghĩ của linh mục. Tôi quan tâm tới hiểu biết và lý luận nhiều tới độ không còn thời giờ để lắng nghe khát vọng thầm kín của chính con tim mình cũng như của người bình dân; kết quả là Tin Mừng đối với tôi phải là chân lý hơn là lòng nhân ái. Và quả thực rất ít khi trong đời sống thiêng liêng tôi dành thời giờ và nỗ lực để nhận ra cái ‘thẩm quyền’ này của Tin Mừng phải tác động trên chính tôi trước hết!

– Quan trọng đối với việc mục vụ: suy niệm trên đưa tôi tới nhận thức sau đây: trước một cộng đoàn phụng vụ, các bải giảng của tôi có được ‘thẩm quyền’ Tin Mừng chỉ khi nào chúng quảng diễn được lòng xót thương cứu độ của Thiên Chúa. Trong thực tế nó đã bị chi phối quá nhiều bởi các kiến thức thần học – luân lý, hay các dẫn chứng mang tính biện giáo. Ngay khuôn mặt Hội Thánh hoặc nội dung Tin Mừng mà tôi trình bày cũng thường khi còn quá mô phạm và nghiêm khắc. Biết bao giờ dung mạo từ nhân tha thứ của Đức Kitô mới được sáng tỏ để các tín hữu có thể chiêm ngắm tỏ tường cách mãn nguyện?

Lạy Chúa, đúng là những kẻ bé mọn nhận biết Chúa rõ ràng hơn các bậc khôn ngoan thông thái. Xin đừng để học vấn và hiểu biết làm cho con, linh mục của Chúa, không nhận ra nổi ‘thẩm quyền’ đích thực của Tin Mừng Chúa. Cũng xin làm cho lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người lắng nghe bằng con tim và qua đó nhận ra Chúa thật gần gũi và xót thương hết thảy mọi người. Amen.

 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- B

CHÂN TƯỚNG CỦA ĐỨC GIÊSU- Lm Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Người đồng thời với Đức Giêsu chưa biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Sở dĩ vậy vì Đức Giêsu là một người như bất cứ ai khác, Ngài là người hoàn toàn đến độ một người bình thường như thế nào thì Ngài cũng như vậy. Ngài nghèo như bất cứ người nghèo nào. Không ai biết Ngài, Ngài vô danh như bất cứ ai khác. Lời tựa trong tin mừng theo thánh Yoan gọi Ngài là Lời Thiên Chúa, Lời đã thành xác phàm.

1) Đức Giêsu là một ngôn sứ đối với người đương thời

Ngôn sứ là người Thiên Chúa dùng để nói với dân về ý định của Ngài, chuyển thông cho dân những gì Thiên Chúa muốn. Một vị ngôn sứ không nhất thiết phải là người biết trước những biến cố sẽ xảy ra ở tương lai. Dân Do Thái tin rằng Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ “lớn” như Môsê. Vì thế nên khi Đức Giêsu làm những dấu lạ cả thể, thì người đương thời đã coi Ngài là một ngôn sứ.

Khi một ký lục giảng dạy, ông ta tựa vào Lời Chúa để dạy dân chúng. Uy quyền của lời giảng dạy của ký lục, không đến từ họ nhưng đến từ uy quyền Lời Chúa. Đức Giêsu giảng dạy không giống như các ký lục, Ngài giảng dạy như người có uy quyền. Không chỉ là người có uy quyền qua giảng dạy, Đức Giêsu còn đuổi được quỷ qua lời truyền phán của Ngài. Đức Giêsu là ai mà có thể làm những điều này. Hành vi của Đức Giêsu làm dân chúng đặt câu hỏi về chân tính của Ngài.

Một ngôn sứ xuất hiện, là dấu chỉ Thiên Chúa đang ở với dân. Thiên Chúa đang thực hiện việc kỳ diệu qua vị ngôn sứ. Khi dân chúng nhận ra Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, là một ngôn sứ, thì họ nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện với họ. Thiên Chúa đang quan tâm và yêu thương họ.

2) Hơn một vị ngôn sứ

Đức Giêsu không chỉ là một ngôn sứ (tiên tri), nhưng Ngài còn là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu dân Ngài. Dân chúng thời Đức Giêsu đang ao ước thoát ách đô hộ của người Roma, nên họ mong chờ Thiên Chúa sai đến một vị cứu tinh giải thoát họ khỏi cảnh áp bức chính trị này. Đức Giêsu ý thức Ngài không phải là vị Kitô chính trị, nên Ngài đã cấm các tông đồ nói cho người ta biết Ngài là Kitô (Mt.16, 20).

Cái chết trên thập giá của Đức Giêsu làm cho dân chúng và các tông đồ như bừng tỉnh. Đức Giêsu không là Đấng Kitô như họ nghĩ. Các tư tế, kỳ lão và biệt phái nghĩ rằng Đức Giêsu cũng như bất kỳ ai khác, nên khi Ngài chết là họ tưởng rằng họ đã giải quyết được một bận tâm tranh chấp ảnh hưởng. Đức Giêsu sống lại, là một điều gì hoàn toàn mới. Không ai có thể nghĩ rằng Ngài sẽ sống lại. Ngay cả các tông đồ cũng không dám tin Ngài sống lại, cho dù Ngài đã báo trước vài lần, vì thế nên các ngài mới hoảng loạn sợ hãi, và hai môn đệ trên đường Emmau là hai người đã bỏ cuộc về quê vì thất vọng.

Đức Giêsu sống lại và truyền trao sứ mạng cho các tông đồ, làm các tông đồ và những người tin vào lời rao giảng của các tông đồ, suy nghĩ và hiểu biết hơn về Đức Giêsu. Đức Giêsu vẫn đang sống, cho dù bây giờ Ngài vượt khỏi tầm kiểm soát của con người, của những thế lực thù ghét Ngài cũng như cả của những người yêu mến Ngài. Ngài là ai? Đây là một câu hỏi luôn theo sát những người yêu mến Ngài, và cả những kẻ không thích Ngài. Ngay khi Ngài còn sống, Đức Giêsu đã biết người ta nói Ngài là ai, và cũng chính Ngài đã hỏi các tông đồ Ngài là ai, nhưng dường như những câu trả lời đó chưa đủ (Mt.16, 13-16).

3) Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhưng cả với câu trả lời này, người ta cũng có thể hiểu Đức Giêsu chỉ là một người đặc biệt thôi, vì nhiều người được gọi là con Thiên Chúa, chẳng hạn như những người được Thiên Chúa chọn, được Thiên Chúa yêu thương (Xh.4, 22; Hs.2, 1; Tv.82, 6). Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa rất đặc biệt, theo nghĩa là Ngài Con “đồng bản tính” với Thiên Chúa, được xác định sau này bởi công đồng Nicea (325).

Đức Giêsu là ai? Đối với các tông đồ, Ngài là người rất đặc biệt, luôn kết hợp với Thiên Chúa, đến độ lấy ý Thiên Chúa là lương thực cho mình (Ga.4, 34), là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa (Mt.17, 5). Ngài là Đấng “ngự bên hữu” Thiên Chúa (Mc.16, 19). Nhưng tất cả những “từ ngữ” ấy nghĩa là gì? Ngay cả từ ngữ “đồng bản tính” với Thiên Chúa có nghĩa là gì khi đức tin Kitô giáo dạy chúng ta Thiên Chúa là Đấng duy nhất (Dnl.6, 4).

Đức Giêsu là một người như bất kỳ ai khác, Ngài bị cám dỗ, Ngài biết đói biết khát, Ngài cũng bị cám dỗ về danh lợi ở trong hoang địa, Ngài cũng bị cám dỗ “mất lòng tin vào Thiên Chúa” khi ở trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con;” nhưng Đức Giêsu còn hơn là một con người nữa, Ngài là một tiên tri, và hơn một tiên tri vì Yoan Tẩy Giả không đáng cởi dây giầy cho Ngài; Ngài là Đấng Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu con người. Và còn hơn thế nữa, Giáo Hội dạy rằng Ngài là Con Thiên Chúa, Con đồng bản tính với Thiên Chúa. Ngài có trước khi Ngài được sinh ra bởi Đức Maria. Ngài là Lời Thiên Chúa nhập thể. Ngài khác biệt với Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài lại là một với Thiên Chúa Cha. Ngôi Hai Thiên Chúa cũng là một từ ngữ các nhà thần học dùng để diễn đạt chân tướng của Ngài. Đức Giêsu là một người rất đặc biệt, và người ta đã dùng nhiều từ ngữ để diễn đạt về Ngài, về chân tướng của Ngài, về mầu nhiệm Giêsu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

-1. Bạn hiểu thế nào về từ ngữ diễn tả Thiên Chúa “Một Thiên Chúa Ba Ngôi”?

-2. Đức Giêsu là ai đối với bạn? Ngài ảnh hưởng trên đời bạn như thế nào?

 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- B

ĐẤNG CÓ UY QUYỀN- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, sau khi rời bỏ quê nhà Nadarét, Chúa Giêsu đi tới Caphácnaum, một thành phố nằm ven biển Hồ Tibêria. Nơi đây dân chúng tấp nập với nghề chài lưới và buôn bán. Thành phố này được Chúa Giêsu chọn làm trung tâm hoạt động rao giảng Tin Mừng đầu tiên. Như thường lệ, mỗi lần tới đâu Chúa thường vào Hội đường cầu nguyện và giảng dạy.

Bởi vì bổn phận sống đạo của người Do thái trong ngày lễ Sabát, là đến Hội đường để cùng nhau cầu nguyện, hát Thánh vịnh và đọc sách thánh. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài không miễn trừ cho mình khỏi bổn phận ấy.

Hôm nay dân chúng trong hội đường sửng sốt thán phục, vì lời giảng dạy của Chúa như Đấng có uy quyền chứ không như các Kinh sư.

Vậy Chúa Giêsu giảng dạy thế nào mà khiến dân chúng sửng sốt thán phục?

Thứ nhất, các Kinh Sư thường dựa vào lời các ngôn sứ hoặc dựa vào truyền thống của tiền nhân để giảng dạy. Nên lời giáo huấn của họ phần lớn rập khuôn theo truyền thống mà không có tính sáng tạo thiếu đi tính thời sự.

Còn Lời giáo huấn của Chúa Giêsu là lời quyền năng, là Lời hằng sống đến từ Thiên Chúa. Lời mặc khải về tình yêu và lòng bao dung tha thứ. Đồng thời, cách thức giảng dạy của Chúa mới mẻ. Ngài không dài dòng giải thích các đoạn Kinh Thánh như các Kinh Sư thường làm, nhưng Ngài đặt mình vào tầm hiểu biết của dân chúng, giảng đơn sơ nhưng sâu sắc.

Thứ hai, lời giảng dạy của Chúa khiến mọi người sửng sốt thán phục, vì Chúa luôn thích ứng lời giảng với hoàn cảnh của người nghe. Ngài dựa vào sự kiện cụ thể để giảng, nhất là khi muốn dạy một chân lý cao siêu, mới lạ, khó hiểu. Chẳng hạn như nói về Nước Trời. Ngài luôn lấy những câu chuyện xảy ra trong đời thường để minh họa cho dân chúng dễ hiểu. Đó là cách giảng dạy bằng dụ ngôn. Ví dụ: Nước Trời giống như hạt cải hay tấm men….(Mt 13, 31-52).

Một lý do nữa, lời giảng của Chúa khiến dân chúng bỡ ngỡ thán phục, là cuối bài giảng, Ngài thường đúc kết lại thành những câu ngắn gọn dễ nhớ.

Chẳng hạn như: “Ai xin thì sẽ được; Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; Các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành; Kẻ được gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít”…

Chúa Giêsu không chỉ có uy quyền trong lời giáo huấn, nhưng còn uy quyền trong hành động nữa.

Uy quyền trên thiên nhiên: Ngài khiến sóng to gió lớn trên biển cả im lặng (Mt 8,26).

Uy quyền trên ác thần: Ngài xua trừ ma quỉ (Mt 8, 28-34); Chữa các bệnh tật (Mt 8, 1-17).

Uy quyền trên sự sống: Ngài phục hồi sự sống cho Lazarô (Ga 11,1-44). Cho con trai bà góa thành Na-im (Lc 7, 11-17).

Uy quyền biểu lộ tình thương: Biến nước thành rượu (Ga 2, 1-12). Hóa bánh ra nhiều (Mc 6, 30-44).

Với một vài sự khác biệt trên đây, cũng đủ cho chúng ta thấy cách giảng dạy và uy quyền của Chúa khiến dân chúng kinh ngạc và thán phục là như thế.

Anh chị em thân mến,

Từ sứ điệp Tin mừng hôm nay, có thể chúng ta rút ra những bài học quý giá.

Thứ nhất, chúng ta cần bắt chước Chúa chu toàn bổn phận người tín hữu trong ngày Sabát. Có khi vì hoàn cảnh khó khăn cơm áo gạo tiền, chúng ta không thể thường xuyên đi tham dự Thánh lễ hằng ngày được, thì ít ra ngày Chúa Nhật, ngày dành riêng cho Chúa, chúng ta cố gắng đừng bỏ lễ, trừ khi có lý do chính đáng, nhưng đi lễ cho trọn vẹn đừng bớt xén đầu đuôi.

Thứ hai, dân Do thái năm xưa họ sửng sốt thán phục trước lời quyền năng của Chúa.  Vì Chúa chỉ phán một lời thì ma quỷ vâng lệnh Chúa ngay. Đối với bệnh phong cùi Chúa chỉ nói ” Ta muốn ngươi được sạch” thì bệnh nhân lành bệnh.

Thế mà, khi Chúa bảo ” Các con hãy yêu thương nhau”, thì chúng ta vẫn còn giận hờn chia rẽ. Chúa bảo ” Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” thế mà chúng ta vẫn còn nói hành nói xấu, tính nào tật đó. Tại sao vậy?. Thưa vì chúng ta chưa sống theo lời Chúa dạy.

Thứ ba, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, có nhiều mưu mô quỷ dữ làm cho thế giới tục hoá, một thế giới đầy dẫy những bất công và đói nghèo; một thế giới hận thù ngày càng chồng chất, chiến tranh, dưới nhiều hình thức khác nhau, dễ làm chúng ta đánh mất đức tin vào sự hiện diện Thiên Chúa đang ở cùng ở với chúng ta.

Ước gì lời quyền năng của Chúa xưa kia khiến cho quỷ dữ xuất ra khỏi bệnh nhân, nay cũng được vang lên, để bớt đi những mưu mô của ác thần, làm cho thế giới này bớt đi hận thù, chia rẽ … mà thay vào đó một thế giới biết quý trọng sự sống, biết yêu thương và quan tâm đến nhau, vì lẽ con cùng một Cha trên trời.

Xin cho chúng ta biết đặt tin tưởng vào Chúa Kitô là vị Thầy duy nhất, là Thiên Chúa toàn năng, là Đấng giảng dạy như Đấng có uy quyền, xin Ngài bình an cho chúng ta. Amen.

home Mục lục Lưu trữ