Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 79

Tổng truy cập: 1365270

GIEO MẦM TIN YÊU

GIEO MẦM TIN YÊU

 

(Suy niệm của Lm Trọng Hương)

Hạt giống

Đoạn Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 3 chi tiết đáng lưu ý:

1. Giây phút Giuđa ra đi là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự khi được thực hiện ý muốn Chúa Cha.

2. Trước lúc bước vào con đường thập giá, Đức Giêsu trối lại cho các môn đệ điều răn mới của Ngài: "Chúng con hãy yêu thương nhau... Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con có lòng yêu thương nhau".

Nẩy mầm

1. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói "Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô". Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt trong tù và bị đánh đòn, đã "hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu" (Cv 5,41). Nếu ta không lấy làm vinh dự làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa.

2. "Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau": Yêu thương nhau là điều răn của Chúa. Chúng ta yêu thương nhau là tâm huyết của Chúa. Như thế, khi chúng ta không yêu thương nhau thì không phải là chúng ta chỉ lỗi phạm đến nhau mà là xúc phạm đến chính Chúa, xúc phạm đến điều quan trọng nhất trong Đạo Chúa.

3. "Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau": Tại sao người ta không tin vào Giáo Hội? Tại sao người ta không đánh giá cao cộng đoàn của chúng ta? Đức Giêsu đã trả lời trước từ lâu rồi: tại vì chúng ta không yêu thương nhau.

4. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông:

Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ.

Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn bảo: "Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình." Và ông giải thích: "Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài."

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích "Món quà giáng sinh")

 

17.Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Cả ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh đều làm chứng theo cách riêng của mình cái mới mẻ tận căn mà mầu nhiệm Phục Sinh đem lại.

Cv 14: 21-27

Bài Đọc I, trích từ sách Công Vụ, kể lại phần cuối cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của thánh Phao-lô. Dân Thiên Chúa mặc lấy một diện mạo mới qua việc lương dân gia nhập Giáo Hội.

Kh 21: 1-5

Chủ đề lớn của sách Khải Huyền sắp đến hồi kết thúc: cuộc khải hoàn của Con Chiên Vượt Qua đã làm biến mất trời cũ đất cũ, thế giới tội lỗi. Thiên Chúa sáng tạo trời mới đất mới. Một Thành Thánh Giê-ru-sa-lem mới từ trời xuống để là nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại.

Ga 13: 31-35

Tin Mừng là phần đầu Diễn Từ Cáo Biệt của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài trong Tiệc Ly, trong đó Chúa Giê-su ban cho họ một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, nghĩa là, yêu thương nhau cho đến mức hiến dâng mạng sống mình cho nhau như Ngài đã hiến dâng mạng sống mình vì nhân loại. Điều răn mới này làm chứng Chúa Giê-su vẫn hiện diện ở giữa loài người.

BÀI ĐỌC I (Cv 14: 21-27)

Vào Chúa Nhật trước, sách Công Vụ kể lại phần đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của thánh Phao-lô ở miền Tiểu Á (ở An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a); bản văn hôm nay kể lại phần cuối cuộc hành trình này.

Vì bận lòng củng cố những Hội Thánh còn non trẻ mà hai ông đã thiết lập, thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba quyết định trở lại những thành phố ở đó họ đã bị bắt, trước khi trở về An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a, điểm khởi hành của họ. Hai ngài không còn rao giảng trong các hội đường, nhưng chỉ trong các cộng đoàn Ki-tô hữu, củng cố niềm tin của các tân tòng và khuyến khích họ can đảm và kiên vững.

1. Những quấy nhiễu và bách hại:

Cả hai ngài nói bằng cung giọng nghiêm trọng. Thánh Phao-lô cho các thính giả hiểu rằng sự thù hận chống đối họ chưa chịu lùi bước, nhưng “Ta phải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Thiên Chúa”. Chính thánh nhân mới đây đã có kinh nghiệm về sự tàn bạo này: ở Lýt-ra, thánh nhân đã bị ném đá, rồi bị lôi ra ngoài thành, vì tưởng ngài đã chết (Cv 14: 19). Sau này, thánh Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Anh đã biết những cơn bắt bớ, nhũng sự đau khổ tôi đã gặp ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-a, Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào. Nhưng Chúa đã giải thoát tôi khỏi tất cả” (2Tm 3: 11). Khi viết những dòng này, thánh Lu-ca biết những cộng đoàn miền Tiểu Á này đã phải chịu và còn đang chịu biết bao những quấy nhiễu và bách hại.

2. Thiết lập các Kỳ Mục:

“Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục…”. Về phương diện lịch sử, bản văn này rất quý; cơ cấu Giáo Hội đang bắt đầu hình thành. Hội Thánh Giê-ru-sa-lem có các kỳ mục rồi; các Hội Thánh khác cũng sẽ có những kỳ mục của mình. Sau này, thánh Phao-lô viết cho Ti-tô, cộng tác viên của mình, mà thánh nhân đã giao phó cho ông Hội Thánh Cơ-rê-ta: “Tôi đã để anh ở lại đảo Cơ-rê-ta, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh” (Tt 1: 5).

Chắc chắn cơ cấu Giáo Hội được gợi hứng từ định chế của các cộng đoàn Do thái, theo đó mỗi cộng đoàn đều có các kỳ mục chủ trì. Đoạn văn Công Vụ chúng ta đọc là đoạn văn duy nhất cho chúng ta biết cách thức chỉ định các Kỳ Mục: “Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin”.

Những phận sự của các kỳ mục này là gì? Thánh Phao-lô tóm tắt như sau, khi thánh nhân giả biệt các kỳ mục ở Ê-phê-xô: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng giá máu của chính mình” (Cv 20: 28).

3. Trở về từ sứ vụ:

Chính cộng đoàn An-ti-ô-khi-a miền Xy-ri-a đã cử thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba ra đi thi hành sứ vụ. Chính ở cộng đoàn này mà hai ông trở về tường thuật mọi sự việc và những thành quả các ông đã đạt được: “Thiên Chúa đã thực hiện với hai ông, và nhất là Người đã mở đường cho các dân ngoại đón nhận đức tin thế nào”. Chúng ta ghi nhận rằng những lời này thánh Lu-ca đặt chính xác vào giữa tác phẩm của mình.

BÀI ĐỌC II (Kh 21: 1-5)

Sau khi đã mô tả một cách biểu tượng những cuộc chiến đấu của Giáo Hội, thánh Gioan phác họa cũng một cách biểu tượng thị kiến về Thánh Thánh Giê-ru-sa-lem trên trời, tức là thị kiến về cuộc khải hoàn đang chờ đón Giáo Hội khi Giáo Hội đã trải qua những gian nan thử thách ở dưới thế. Những chương cuối cùng sách Khải Huyền (20, 21, 22) toan tính diễn tả bằng những từ ngữ và hình ảnh thường lấy lại giáo huấn của các ngôn sứ, dự định lớn lao của Thiên Chúa là ở với loài người, trong một thế giới được giải thoát khỏi mọi tội lỗi.

1. Trời mới đất mới:

Cuộc xử án đã xảy ra; sự ác đã bị tiêu diệt; trời cũ đất cũ chứng kiến tội lỗi đã biến mất để nhường chỗ cho trời mới đất mới. Sự Dữ không còn nữa trong cuộc tạo dựng mới này được chỉ ra: “không còn biển nữa”; theo quan niệm thời xưa, biển là nơi cư ngụ của các quyền lực sự dữ.

Đề tài về cuộc tạo dựng mới vào thời cánh chung thường hằng trong các sách khải huyền Do thái. Đề tài này xuất xứ từ các ngôn sứ, nhất là ngôn sứ I-sai-a đệ tam: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa… Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-a-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng… Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng khóc kêu la” (Is 65: 17-19).

Vị ngôn sứ viết sấm ngôn này chẳng bao lâu sau năm 538 trước Công Nguyên, năm đã chứng kiến một đoàn người lưu đày đông đảo hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem. Ấy vậy, vào lúc đó, Giê-ru-sa-lem không còn Đền Thờ, Đền Thờ đã bị tàn phá bởi các đạo quân Ba-by-lon vào năm 587 trước Công Nguyên. Vị ngôn sứ đọc thấy ở đây một dấu chỉ: Thiên Chúa dự định đổi mới và ông mô tả một thành thánh Giê-ru-sa-lem lý tưởng. Trong viễn cảnh cận kề, vị ngôn sứ nghĩ đến cuộc tái thiết Thành Thánh từ những hoang tàn đổ nát; nhưng lời sấm vượt qua bên kia lịch sử hiện thời mà trở thành sứ điệp cánh chung. Đây là nét đặc trưng của ơn linh hứng ngôn sứ.

Khi thánh Gioan viết sách Khải Huyền của mình, hoàn cảnh cũng tương tự: Giê-ru-sa-lem đã bị các đạo quân Rô-ma triệt hạ và Đền Thờ bị tàn phá (năm 70 sau Công Nguyên). Lịch sử ở đây vẫn còn là dấu chỉ.

2. Thánh Thánh Giê-ru-sa-lem mới:

Thánh Thánh Giê-ru-sa-lem mới xuống từ trời, vì Thánh Thánh là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, như thánh thánh Giê-ru-sa-lem lịch sử trên trần thế đã là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài. Thiên Chúa sắp canh tân Giao Ước của Ngài với dân Ngài: Giê-ru-sa-lem trang điểm như tân nương sửa soạn đón tân lang, nhưng lần này, trong niềm vui vĩnh viễn: “Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất!”.

Thành Đô Giê-ru-sa-lem tương lai sẽ là Thành Đô của Thiên Chúa và Thánh Đô của con người: “Đây là nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Người sẽ ở cùng họ. Họ sẽ là dân riêng của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ”. Đây là kiểu nói Giao Ước được mượn ở Lv 26: 11-12: “Ta sẽ đặt chỗ ở của Ta ở giữa các ngươi… Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta”. Chúng ta cũng gặp thấy ở Dcr 8: 8: “Ta sẽ dẫn chúng về, cho cư ngụ ở giữa Giê-ru-sa-lem. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng”. Thành Đô Giê-ru-a-lem tương lai sẽ là Giáo Hội hoàn vũ.

3. Thiên Chúa ở cùng nhân loại:

“Thiên Chúa ở cùng họ" là danh xưng “Em-ma-nu-en”. Đó là hoàn tất Lịch Sử Cứu Độ, đó là dự định của Thiên Chúa khi sáng tạo con người, đó là hình ảnh về thiên đàng hạ giới ở đó Thiên Chúa đàm đạo với con người. Cái trở ngại là tội lỗi. Nhưng Con Chiên bị sát tế đã chiến thắng Xa-tan, ý định của Thiên Chúa được thực hiện vĩnh viễn. Kinh Thánh bắt đầu với thị kiến về vườn Địa Đàng và kết thúc với thị kiến về Thành Đô Giê-ru-sa-lem mới; như vậy, Kinh Thánh được hoàn tất ở nơi khởi điểm của mình.

TIN MỪNG (Ga 13: 31-35)

Các nhà chú giải chia sách Tin Mừng Gioan thành hai phần: phần thứ nhất (từ chương 1 đến chương 12) được gọi “Sách về Các Dấu Chỉ”, phần thứ hai (từ chương 13 đến chương 21) được gọi “Sách về Vinh Quang”. Bản văn chúng ta đọc hôm nay được trích dẫn từ Sách về Vinh Quang.

Vinh quang của Đức Giê-su chính là Giờ Ngài “phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” và Giờ Ngài sắp làm chứng cho những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian là “Ngài yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13: 1). Giờ Tử Nạn của Ngài khởi sự với sự phản bội của Giu-đa. Đoạn văn này được trích từ phần đầu của bài Diễn Từ Cáo Biệt của Chúa Giê-su cho các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó và Tử Nạn của mình.

1. Bữa Tiệc Ly. Giu-đa ra đi:

Chúa Giê-su đồng bàn với các môn đệ lần sau cùng, trong đó Ngài báo trước cho họ “một người trong họ sẽ phản bội Ngài”. Bữa ăn chưa chấm dứt thì Giu-đa ra đi. Chúa Giê-su sắp nói những lời từ biệt với các môn đệ Ngài và trao gởi những lời tâm huyết của Ngài cho các ông mà không có sự hiện diện của Giu-đa.

Việc Giu-đa ra đi báo hiệu cho Đức Giê-su biết Giờ Tử Nạn của Ngài sắp đến gần, nhưng đó cũng là giờ vinh quang: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh ở nơi Ngài”. Từ “tôn vinh” được lập đi lập lại nhiều lần trong hai câu này đem lại cho lời nói của Chúa Giê-su một dấu nhấn của sự chiến thắng. Những đối thủ của Ngài và kẻ tòng phạm của họ tưởng rằng mình chiến thắng, trái lại, Thiên Chúa sắp “được tôn vinh nơi Con Một của Người và đến phiên mình Thiên Chúa sẽ tôn vinh Con của Người”.

Chúng ta đang ở giữa lòng “Thần Học Vinh Quang” của Tin Mừng Gioan mà đỉnh điểm là thập giá: kế hoạch của Thiên Chúa là cứu độ con người mà Chúa Giê-su thực hiện qua cuộc Tử Nạn của Ngài. Trong Tin Mừng Gioan, thập giá là nơi vinh quang của Chúa Con và vinh quang của Chúa Cha đồng nhất với nhau trong một tình yêu tận hiến cho nhân loại.

2. Huấn lệnh yêu thương:

Chúa Giê-su sắp làm chứng về tình yêu, yêu cho đến cùng này. Ngài làm cho tình yêu tận mức này thành di chúc của Ngài: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”. Lời xưng hô đầy trìu mến thân thương này là độc nhất trong Tin Mừng Gioan. Mối cảm xúc dâng trào tận đáy lòng của Chúa Giê-su, tâm tình yêu mến này nối kết Ngài với các môn đệ Ngài, tất cả đều được bộc lộ ở nơi những lời trìu mến này. Chúa Giê-su ngỏ lời với các môn đệ Ngài như người cha trước khi nhắm mắt lìa đời trao gởi những ước nguyện sau cùng của mình cho các con và chỉ ra những quy luật xử thế mà ông muốn thấy các con thân yêu của mình cư xử với nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Điều răn mới này cốt là điều gì? Từ lâu người ta đọc trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Luật yêu thương của sách Lê-vi đã được các kinh sư Do thái khai triển, như kinh sư Hillel dạy: “Điều gì con không muốn người khác làm cho mình, đừng làm cho người khác. Phần còn lại là phần giải thích. Hãy đi và làm như vậy”, hay kinh sư Akiba dạy: “Hãy yêu thương người thân cận như bạn thân, đó là nguyên tắc tổng quát và quan trọng nhất của lề luật”. Nhưng Chúa Giê-su cho các môn đệ Ngài một điều răn mới, mới đến mức không thể nào đo lường được, tình yêu không còn quy chiếu đến chính mình, nhưng đến tình yêu vô tận của Thiên Chúa, Đấng sắp hiến dâng trọn vẹn mạng sống mình: “như Thầy đã yêu thương anh em”.

Điều răn này còn mới theo cách khác nữa, vì nó làm thay đổi cuộc sống xã hội: thực hành luật yêu thương này làm chứng trước thiên hạ biết rằng người Ki-tô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Đức ái rạng ngời này sẽ là dấu chỉ cho thấy Đức Giê-su vẫn tiếp tục hiện diện ở giữa loài người.

 

18.Yêu như Chúa yêu

(Tổng Hợp từ R. Veritas)

Tình yêu là một đề tài muôn thuở, nhất là vào thời buổi kim tiền hôm nay. Tình yêu là một mặt hàng đắt khách. Tình yêu xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tình yêu xuất hiện trên báo chí và sách vở, trên phim ảnh và mọi ngành nghệ thuật. Những bài tình ca, những cuốn phim nói về tình yêu. Những cuốn sách, những vần thơ được viết ra để ca ngợi tình yêu… Tất cả đã thu hút con người về với tình yêu. Có vẻ như tình yêu hiện diện ở khắp mọi nơi và chi phối đời sống của mọi con người.

***

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến tình yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga.13:34)

“Yêu thương nhau” không những là một lời khuyên mà còn là một lệnh truyền của Chúa Giêsu, là đặc điểm của những người theo Chúa, là sứ mệnh của mỗi người Kitô.

“Yêu thương nhau” là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, yêu những người xem ra có lợi cho mình, yêu theo bản tính ích kỷ của mình. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người phải yêu nhau như Chúa đã yêu.

“Yêu như Chúa yêu” là phải hy sinh quên mình, phải khiêm nhường phục vụ anh em. Yêu như Chúa yêu là phải yêu cả những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa.

“Yêu như Chúa yêu” là phải không ngừng tha thứ, không ngừng làm hoà với nhau.

“Yêu như Chúa yêu” là sự sống của Giáo Hội, là nét cao đẹp của người Kitô. Nét cao đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét cao đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến với Chúa.

"Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy, là các con yêu thương nhau" (Ga.13:35). Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, ta phải yêu như Chúa yêu. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Ngài nghĩ ra, không phải phát xuất từ chính Ngài, nhưng bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. (Ga.15:9).

***

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

 

19.Vinh quang thập giá

Một lời hết sức tự nhiên trong lời từ giã là phải nói về sự ra đi của mình. Chúa Giêsu đã làm như thế đối với các môn đệ của mình. Tuy nhiên Chúa báo trước cuộc đi xa này bằng từ ngữ rất khó hiểu đối với các môn đệ: Ngài sẽ được “vinh hiển” và cũng làm vinh hiển Cha qua cái chết và sự sống lại. Ngài tỏ bày vinh quang theo bốn phương diện:

1) Vinh quang của Chúa Giêsu đã đến, vinh quang đó là thập giá.

Sự căng thẳng đã qua đi, mọi nghi ngờ còn lại đều được cất đi. Giuđa đã ra đi và thập giá chắc chắn phải đến. Vinh quang của Chúa Giêsu là thập giá. Ở đây chúng ta đang đối diện với thực tế của cuộc đời. Vinh quang rạng rỡ nhất trong đời sống là vinh quang đến từ sự hy sinh.

Có hai thanh niên rất yêu thích hội hoạ. Họ kết thân với nhau, vừa làm việc, vừa học vẽ. Một thời gian sau, không có đủ tiền cho cả hai cùng học. Họ quyết định một người lao động để nuôi người kia học cho tới khi thành tài, rồi đến lượt người này đi học. An-béc-sơ học trước, qua bao năm tháng miệt mài, khổ công, An-béc-sơ trở thành một hoạ sĩ nổi danh và anh đem bán những bức tranh lấy tiền nuôi bạn học vẽ, nhưng dầu đã cố gắng hết sức, anh bạn của An-béc-sơ không sao vẽ nổi. Đôi bàn tay anh lao động đã trở nên thô cứng, không thể điều khiển bút vẽ được nữa. Khi biết sự thật ấy, An-béc-sơ khóc, ôm bạn nói: “Đôi bàn tay chai sần của anh đã giúp phần vào những bức vẽ của tôi. Nếu không có đôi bàn tay anh, những bức tranh này không bao giờ thành hình cả”. Hãy cho phép tôi hoạ lại đôi bàn tay của anh”.

Bức tranh ấy, với một đôi bàn tay lao động, đã trở thành tác phẩm nổi tiếng của nền hội hoạ thế giới, hiện nay đang được trưng bày tại một viện bảo tàng ở Mỹ.

Trong y học, người ta không nhớ những thầy thuốc làm giàu do nghề nghiệp, nhưng nhớ những người đã hy sinh mạng sống để chữa lành nỗi đau đớn của con người. Tại một hội nghị chuyên đề về bệnh cùi được tổ chức tại Cairô, thủ đô Ai Cập, có một y sĩ trẻ người thành Alexandria được người ta để ý, anh chăm chú nghe các bài thuyết trình của các chuyên gia, nhưng có một điều lạ là anh luôn ngồi tách rời với đám đông, trong một góc nhỏ. Không ai biết anh dùng bữa ở đâu. Anh cũng không giao thiệp với bất cứ một thành viên nào của hội nghị. Vào phiên họp cuối cùng anh lên tiếng. Khi anh tóm kết bài tham luận, một sự im lặng như chết bao trùm cả phòng họp; nhiều người bật tiếng khóc. Anh nói gì? Anh tuyên bố rằng anh đã tự nguyện để nhiễm bệnh cùi, để có thể tự anh quan sát diễn biến của cái bệnh kinh khủng này. Anh cho thấy những vết trắng và nâu ở cánh tay anh, một triệu chứng không thể chối cãi của sự nhiễm trùng, và rồi anh mô tả tất cả những gì anh đã cảm thấy, cùng hiệu quả tất cả các thuốc anh đã dùng. Anh biết rằng anh không thể tránh được cái chết từ từ và đau đớn, nhưng anh sẵn sàng chịu đựng tất cả để giúp phần vào sự tiến bộ của khoa học, hầu đẩy lui những hiểm nguy cho các người mắc bệnh. Loài người chỉ biết cúi đầu khâm phục trước sự hy sinh của những người tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu đồng loại.

Trong mọi cuộc chiến tranh, vinh quang tuyệt đỉnh không thuộc về những người sống sót mà thuộc về những người đã bỏ thây nơi chiến trường. Bài học đơn giản của lịch sử là những người chịu hy sinh lớn thì nhận được vinh quang cao cả. Nhân loại quên đi những người thành công nhưng chẳng bao giờ quên ơn những người dám hy sinh. Họ bước đi trong các vết chân của Chúa Kitô.

“Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì người lương thiện, thế mà Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi”(Rm 5,6-8).

2) Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa được tôn vinh

Chính sự vâng phục của Chúa Giêsu đem lại vinh quang cho Thiên Chúa. Chỉ có một cách để chứng minh lòng kính yêu, ngưỡng mộ và tin cậy một lãnh tụ là vâng phục vị lãnh tụ ấy, vâng phục cho đến cuối cùng, dầu phải nếm mùi đắng cay. Cách thế duy nhất để một người con có thể đem lại vinh dự cho cha mẹ ấy là vâng phục cha mẹ. Chúa Giêsu đã đem vinh quang tối cao cho Thiên Chúa, vì Ngài tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa, dầu phải đi đến Núi Sọ.

3) Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha tự tôn vinh chính Ngài.

Có một tư tưởng lạ lùng, ấy là vinh quang tối cao của Thiên Chúa lại do sự nhập thể và thập giá của Chúa Giêsu. Chẳng có vinh quang nào như vinh quang của việc được yêu thương. Nếu Thiên Chúa cứ giữ sự xa cách, uy nghiêm, bình thản, không xúc động trước bất cứ sự sầu khổ, đau đớn nào thì người ta có thể sợ hãi Ngài, có thể chiêm ngưỡng Ngài, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ yêu mến Ngài. Định luật hy sinh không chỉ là một định luật của thời gian, nhưng là của cả trời và đất. Chính trong sự nhập thể và thập giá của Chúa Giêsu, vinh quang tối cao của Thiên Chúa được tỏ ra. Chúa Giêsu là vinh hiển của Thiên Chúa. Vinh hiển của Thiên Chúa không biểu lộ trong sự nghiền nát con người, xô đẩy họ xuống địa vị thấp hèn, nhưng còn biểu lộ trong sự phục vụ, thương yêu con người, và chết thay cho con người. Vinh hiển của Chúa không phải là vinh hiển của quyền lực đánh đổ, nhưng là vinh hiển của tình yêu chịu khổ.

4) Thiên Chúa sẽ tôn vinh Chúa Giêsu.

Đây là một mặt khác của vấn đề. Hiện giờ thập giá là vinh quang của Chúa Giêsu, nhưng kế đến còn nhiều hơn thế nữa, sự phục sinh, sự thăng thiên, sự toàn thắng vẻ vang cuối cùng của Chúa Cứu Thế là điều Tân Ước muốn nói tới khi đề cập đến việc trở lại trong vinh quang của Ngài. Tại thập giá, Chúa Giêsu được vinh quang riêng cho Ngài, nhưng sẽ đến ngày, một ngày chắc chắn, lúc vinh quang của Chúa Giêsu được tỏ bày cho thế giới và toàn thể vũ trụ. Sự tôn cao Chúa Giêsu phải tiếp theo sự sỉ nhục Ngài đã chịu, việc Ngài lên ngôi phải theo sau việc Ngài chịu đóng đinh. Chiếc mũ gai phải biến thành vương miện vinh hiển. Chiến dịch là chiến dịch của thập giá, nhưng nhà Vua sẽ bước vào chiến thắng khải hoàn mà cả thế gian đều trông thấy.

 

20.Để nhận ra người môn đệ chân chính

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Trong giờ hấp hối, khi sắp từ giã những người thân yêu nhất để vĩnh viễn ra đi sang thế giới khác, người hấp hối cố tranh thủ chút thời gian vắn vỏi còn lại và dành chút hơi tàn để căn dặn người thân yêu những điều mà họ cho là quan trọng nhất.

Chúa Giêsu cũng thế. Khi sắp từ giã các môn đệ để chịu khổ nạn và chịu chết, Chúa Giêsu trao cho họ những lời tâm huyết sau cùng: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau..."

Chúa Giêsu không muốn các môn đệ Ngài yêu thương nhau hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương theo một mức độ lớn lao, nên nói thêm: "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Rồi Đức Giêsu nhấn mạnh: "Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau."

Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân, thì người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giêsu, mà chỉ là người môn đệ giả.

Trên thị trường ngày nay, có vô số đồ giả: vàng giả, tiền giả, thuốc giả, hàng giả xen lẫn với hàng thật. Đối với phần đông dân chúng, thì việc phân biệt đâu là hàng thật, đâu là giả quả là điều rất khó khăn.

Trong đạo thánh Chúa cũng vậy. Có nhiều Kitô hữu giả trà trộn giữa các Kitô hữu thật, muốn phân biệt ai giả ai thật, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thế nên Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta dấu hiệu phân biệt rất chính xác. Dấu hiệu đó là lòng yêu thương. Ngài dạy: "người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ thật của Thầy, là các con yêu thương nhau." Nếu có ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giêsu mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.

* * *

Có người chiêm bao thấy mình từ giã cõi trần tiến đến cửa thiên đàng. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào cửa, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.

Trước hết, anh ta xuất trình chứng thư rửa tội, có chữ ký của cha sở và dấu đỏ của giáo xứ, nắm chắc hy vọng rằng với chứng thư nầy thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối. Thế là anh ta lại xuất trình thêm chứng thư thêm sức, rồi chứng thư hôn phối, cả sổ gia đình công giáo nữa. Vậy mà thánh Phê-rô vẫn khước từ.

"Ngài còn đòi gì nữa? Con còn cả tràng chuỗi đây, cả cuốn sách kinh hôm mai đây. Bấy nhiêu không đủ chứng tỏ con là người môn đệ Chúa Giêsu sao?"

Thánh Phê-rô trả lời: "Con phải mang phù hiệu của người Kitô hữu."

"Phù hiệu nào nữa, thưa Ngài?"

"Thế con không nhớ lời Thầy chí thánh phán dạy sao: "người ta chỉ căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương mến nhau. Chưa có lòng thương mến nhau thì con chỉ là Kitô hữu giả hiệu."

Qua dụ ngôn phán xét chung, Chúa Giêsu cũng khẳng định điều nầy. Trong ngày ấy, muôn dân sẽ được tập họp lại và Chúa sai thiên thần tách biệt họ thành hai. Người lành đứng bên phải còn kẻ dữ bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: "Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa" vì... các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta.

Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: "Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó"... vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta. (Mt 25, 31-46)

Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy xem xét lại bản thân mình. Biết đâu ngay cả bản thân tôi cũng là môn đệ giả của Chúa Giêsu mà tôi không hề hay biết!

Hãy rà soát lại xem mình đã tôn trọng, chân thành yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng ta vẫn còn là những Kitô hữu giả hiệu, chúng ta không thuộc vào số những người môn đệ chân chính và vương quốc thiên đàng không có chỗ cho chúng ta.

 

21.Phù hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Khi sắp từ giã cõi đời, người hấp hối cố tranh thủ chút thời gian vắn vỏi còn lại và tận dụng chút hơi tàn để căn dặn người thân yêu những điều mà họ cho là quan trọng nhất, đồng thời cũng để trối lại những gì được xem là gia bảo.

Tương tự như thế, khi sắp từ giã các môn đệ để chịu khổ nạn và chịu chết, Chúa Giê-su trao cho họ những lời tâm huyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” Rồi Chúa Giê-su trối lại cho các môn đệ yêu dấu phần gia bảo quan trọng nhất, đó là Điều Răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau…”

Tuy nhiên, Chúa Giê-su không muốn các môn đệ yêu thương nhau bằng thứ tình yêu hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương nhau thật đậm đà nên Ngài nói thêm: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Như thế, tình yêu Chúa Giê-su dành cho các môn đệ phải trở thành chuẩn mực cho tình yêu của các môn đệ đối với nhau.

Rồi Đức Giê-su nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”

Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân thực lòng, người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giê-su.

Muốn thử vàng, người ta phải dùng đến lửa; muốn biết ai là môn đệ thật của Chúa, người ta phải nại đến tình yêu, đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết anh em là môn đệ (thật) của Thầy, là anh em yêu thương nhau.” Thế thì, nếu ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giê-su mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.

Người môn đệ giả

Có người nằm mơ thấy mình phải lìa bỏ đời nầy sang thế giới bên kia. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.

Vừa gặp thánh Phê-rô, anh liền xuất trình đủ thứ giấy tờ để chứng minh mình là người công giáo, từ chứng thư rửa tội, thêm sức cho đến hôn phối… Anh hy vọng với những chứng từ nầy thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối.

Anh ngạc nhiên hỏi: “Ngài còn đòi gì nữa? Con cũng xin thưa là ngày nào con cũng có đọc kinh lần hạt; con không bỏ lễ Chúa nhật bao giờ, không gian tham trộm cắp, không mê muốn vợ chồng người... Bấy nhiêu không đủ để được vào thiên đàng sao?”

Thánh Phê-rô trả lời:

“Thiên đàng chỉ đón nhận những môn đệ thật của Chúa Giê-su. Ai không mang phù hiệu người môn đệ Chúa Giê-su thì không được vào thiên đàng.”

“Phù hiệu nào vậy, thưa Ngài?”

“Thế con không nhớ lời Chúa phán dạy sao: “Người ta căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng thương mến nhau” (Ga 13, 35). Nếu chưa có lòng thương mến nhau thì con chưa phải là người môn đệ thật của Chúa.”

Qua dụ ngôn phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều nầy: Ai có lòng yêu thương giúp đỡ người khác, kẻ ấy mới được đón nhận vào thiên đàng.

Tin mừng Mát-thêu thuật lại lời Chúa phán như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta.

Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta (Mt 25, 34-46).

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con biết dựa vào Lời Chúa dạy để rà soát lại xem mình đã tôn trọng, yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng con vẫn còn là những Ki-tô hữu giả hiệu, chúng con không thuộc vào số những người môn đệ thật của Chúa và trên vương quốc thiên đàng không có chỗ dành cho chúng con.

 

home Mục lục Lưu trữ