Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 21
Tổng truy cập: 1373925
GIEO VÀ GẶT
Gieo và Gặt – Anmai, CSsR
Trang Tin Mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe là trang Tin Mừng quá quen thuộc với mỗi người chúng ta nhưng ngày hôm nay nghe lại nó vẫn có một giá trị nhất định trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, cách riêng là đời sống thường nhật đang, đã và sẽ diễn ra trong xã hội ngày hôm nay.
Chúa Giêsu thường dùng các dụ ngôn để giảng dạy cho các môn đệ, cho dân chúng. Dụ ngôn ngày hôm nay thật là dễ thương, Chúa đã lấy hình ảnh hết sức thực tế, hết sức gần gũi trong đời sống con người để nói với mỗi người chúng ta. Chúa nói là gieo giống chứ Chúa chẳng hề nói là gieo cây nào cả, Chúa chẳng hề nói đó là lúa hay bắp, hay đậu … Nói như thế hết sức gần gũi vì lẽ ai ai cũng có thể hiểu được vì có vùng thì trồng lúa, có vùng thì trồng đậu, có vùng thì trồng cà phê, có vùng thì trồng tiêu … Bất cứ nghề nào chứ không phải riêng gì về nghề nông, ai ai cũng mong cho mình có lợi sau mùa thu hoạch chứ chẳng ai mong mình bị thất mùa hay bị thất thu.
Như một người gieo giống bình thường, Chúa cũng mong gặt được những hoa quả thật tốt nhưng rồi cuộc đời vẫn có điều gì đó bất thường là thi thoảng Chúa thất thu. Chúa thất thu vì lẽ người ta đã khép lòng mình lại, khép mảnh đất cuộc đời của mình lại không để cho Lời Chúa sinh sôi nẩy nở trong đời của họ. Thiên Chúa luôn luôn yêu thương, sẵn sàng cứu độ con người nhưng còn phần con người, con người có mở lòng mình ra để cho Chúa cứu hay không là chuyện khác. Chúa gieo giống tốt nhưng con người lại cố tình làm cho hạt giống đó bị hư đi đó chính là quyết định của mỗi người.
Ta có thể hiểu một cách đơn giản về dụ ngôn này: người gieo hạt là Chúa, hạt là Lời Chúa, đất chính là mỗi người chúng ta.
Hoa quả của bất cứ cây, hạt nào cũng cần có 3 yếu tố: người gieo, giống gieo và đất để gieo.
Người gieo thì khỏi phải bàn, vì Ngài là chính Thiên Chúa, Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, đầy từ bi và nhân hậu để rồi chúng ta an tâm và tin tưởng rằng Ngài là người gieo tuyệt vời. Ngài gieo những hạt mầm tốt để cho con người được phát triển, để được sống trong vòng tay yêu thương, trong sự quan phòng kỳ diệu của Ngài.
Hạt: Lời Chúa. Chúng ta vẫn thường hát với nhau: “Halleluia, Lời Chúa sáng soi con đường đi, Halleluia, Lời Chúa khác chi như giòng suối, Hallelui, Lời Chúa bánh thiêng ban nguồn sống, phúc cho người vui nghe, yêu mến gẫm suy lời luôn”
Hát thật là hay, hát thật là to, hát thật là hoành tráng nhưng hình như Lời Chúa ngày hôm nay nó cứ mờ dần, nhạt dần trong đời sống người kitô hữu thì phải. Thánh vịnh nhắc nhở chúng ta: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” thế nhưng mấy ai trong chúng ta đã dùng lời Chúa để chiếu soi cuộc đời của mình.
Ngày hôm nay, giữa một đời sống quá phát triển, Lời Chúa dần dần bị người ta đẩy ra khỏi cuộc đời.
Thử hỏi các bậc làm cha làm mẹ xem, ngày hôm nay, cha mẹ, con cái trong gia đình mấy khi đụng đến quyển Thánh Kinh? Trong khi đó Thánh Kinh chính là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, của ăn tinh thần cho gia đình.
Nhìn lại chương trình học của một đứa bé chúng ta thấy rất rõ.
Chập chững biết đi một chút thì vào nhà trẻ, sau đó vào cấp 1 và từ từ tiến vào đại học. Bên cạnh đó cha mẹ chúng lo lắng cho chúng quá nhiều về các kỹ năng như đàn, vi tính, học bơi... học ngày không đủ và tranh thủ cả học đêm nữa. Đành biết những môn đấy rất cần cho cuộc đời nhưng nó chỉ là cần chứ không phải là đủ, là căn cốt của cuộc đời này. Một thực trạng đau lòng ngày hôm nay là số lượng giáo lý viên trong các giáo xứ cứ vơi dần. Không chỉ giáo lý viên vơi dần mà các em nhỏ học giáo lý cũng vắng dần trong các lớp giáo lý. Khi hỏi đến thì cha mẹ và ngay như chính các em cũng tìm hết mọi cách để lý giải cho mình về chuyện bỏ bê học Lời Chúa mà chỉ mãi đi tìm cho mình tri thức của xã hội.
Cũng buồn cười! Chắc có lẽ đi học cái gì càng đóng tiền cao họ càng thích đi chứ đi học Giáo lý miễn phí nên chẳng ai thèm đi học cả. Cũng nực cười hơn nữa khi chính cái học miễn phí ngày hôm nay, ngày các cháu còn trẻ chính lại là cái kho tàng vô giá, là hành trang các cháu mang theo khi vào đời. Học cao hiểu rộng biết nhiều là tốt đấy nhưng thực ra không ít người đang phải trả một giá quá đắt cho chuyện đầu tư tri thức chứ không đầu tư cho Lời Chúa.
Lời Chúa cứ theo năm tháng mờ nhạt dần trong đời sống kitô hữu.
Mảnh đất: mảnh đất để mà Lời Chúa có thể sống và phát triển chính là cuộc đời của mỗi người chúng ta. Vì ham chạy theo sức hút của cuộc đời, ngày hôm nay con người ta không còn dành cho Lời Chúa phát triển trong đời mình nữa. Các kiến thức về khoa học, về tin học, về xã hội nó đã chiếm hết mảnh đất của đời ta rồi thì còn gì chỗ để mà cho Lời Chúa phát triển nữa.
Mới đây, một người quen nhờ tôi giúp cho hai đứa con của chị khi chị thấy chúng dường như nói quá đáng là bỏ đạo! Nghe chị nói xong tôi cảm thấy ngao ngán làm sao đấy! Gia đình chị thuộc dạng khá giả, chồng chị là một người có tiếng trong giới hội họa – mỹ thuật nhưng gia đình chị đang đứng trên bờ vực của sự dữ, sự mất lòng tin, dự đánh mất Thiên Chúa ra khỏi gia đình.
Chẳng dám trách ai, chẳng dám trách chị, chẳng dám lên án ai và cũng chẳng dám lên án chị.
Có lẽ cái hậu quả, sự bi đát mà gia đình chị đang chịu lấy không phải ngẫu nhiên mà đến với gia đình chị. Nó chính là hậu quả của nhiều tháng nhiều năm mà gia đình chị chính là tác giả. Là một gia đình Công giáo hẳn hoi nhưng Lời Chúa chẳng bao giờ có cơ hội để mà sống trong gia đình của chị. Vợ chồng con cái cứ mãi miết đi tìm con chữ, đi tìm tri thức mà không tìm Lời Chúa. Chúa nhật vẫn tham dự Thánh lễ tạm gọi là cho có với người ta chứ vợ chồng con cái có để cho Lời Chúa thấm nhập vào gia đình chị đâu mà con cái chị có đời sống đạo tốt! Tôi khẳng định một điều rằng chính vợ chồng con cái chị là người đã tạo nên hậu quả ngày hôm nay. Ngày hôm nay, dẫu rằng anh chị sống trên một đống tiền mà có thể nói là tiền tỷ đấy nhưng có hạnh phúc thật hay không hay nó chỉ là cái giả tạo ở bên ngoài về mặt xã hội thôi còn về tôn giáo, về lòng tin, về Thiên Chúa hình như chỉ là vá víu tạm bợ mà thôi.
Nếu như khi các cháu còn bé, anh chị biết dạy dỗ, hướng dẫn các cháu sống Lời Chúa cùng với các anh chị thì ngày hôm nay anh chị không phải lo lắng gì cả. Thử hỏi một ngày Chúa ban cho anh chị và các cháu được 24 giờ đồng hồ nhưng anh chị và các cháu dành được bao nhiêu phút để ngồi lại với nhau đọc kinh chung với nhau thôi chứ đừng nói là đọc lời Chúa và suy niệm Lời Chúa?
Lo đi tìm thế gian thì thế gian sẽ tràn ngập gia đình, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời chứ có gì đâu mà chị phải lo âu và thắc mắc. Nếu như anh chị và các cháu đi tìm Lời của Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ là vua, là Chúa là chủ của gia đình anh chị.
Nhớ đến hình ảnh gia đình của chị tôi trộm nghĩ rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài cho chúng ta tự do lựa chọn thái độ sống với Ngài. Ngài không hề ép buộc chúng ta bất cứ điều gì cả. Lời Chúa vẫn có đó, Lời Chúa vẫn còn đó nhưng còn đón nhận, làm cho phát triển lại tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Chúng ta có để cho Lời Chúa trở nên nguồn sống, nguồn ánh sáng, nguồn suối cho cuộc đời chúng ta hay không chính là cách đáp trả của mỗi người chúng ta.
Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở lòng mình ra để đón nhận Lời Chúa và để cho Lời Chúa sinh hoa kết quả trong cuộc đời mỗi người chúng ta để ngày sau Chúa gặt được những cây “lúa”, những cây “đậu”, những cây “cà phê” đầy hoa và trĩu quả.
29. Người đi gieo Tin Mừng
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Từ thuở hồng hoang, Tin Mừng đã đến: Lời Ngài tạo tác đất trời (Tv 32). Người đi gieo Tin Mừng đầu tiên chính là Thiên Chúa Tạo Thành Vũ Trụ.
Bỗng, một tin buồn bao trùm cả vũ trụ: tin buồn từ bản án đầu tiên trong nhân loại- con người phải đau khổ và phải chết ngàn thu.
Tin buồn ấy, khởi đi từ việc tình thương của Thiên Chúa bị chính tạo-vật-được-ơn-tự-do phủ nhận cách công khai qua việc bất tuân đối với chính Đấng Sinh Thành.
Con người lầm lũi vào cuộc đời đầy bất hạnh. Khi chưa kịp bất hạnh vì sự chết, thì con người đã bất hạnh vì thiếu tình thương và giàu lòng kiêu ngạo hơn người, nảy sinh tính ích kỷ ganh tỵ
Thấy Abêlê được lòng Thiên Chúa, Cain bỗng ganh tỵ đến tột cùng và không ngần ngại giết chết em mình cách thê thảm
Triệu triệu năm trần gian đã qua đi, mà lòng kiêu ngạo của thưở ban đầu vẫn còn nguyên vẹn trong cái bản tính, cái cốt cách, cái văn phong của con người. Người người vẫn đang muốn làm Cain đòi hơn kẻ khác trong mọi việc, người người đang muốn tự phong tặng cho mình vào chỗ nhất mà không cần biết chỗ nhất ấy có đẹp lòng Thiên Chúa hay không, vì họ đã gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài đời sống.
Thật khủng khiếp cho cái hậu quả kiêu căng của tội tổ tông truyền: hận thù, ganh tỵ và mất bình an.
Trước toàn cảnh buồn thảm, bi đát ấy, Thiên Chúa gieo vào trần gian một Hạt Giống Tin Mừng. Hạt giống ấy là Chúa Giêsu Kitô, Người Tuyệt Đối Khiêm Nhường của Thiên Chúa, đến để mang lại cho trần gian niềm vui đích thực: niềm vui của lòng yêu thương, và yêu thương khiêm hạ đến quên mình để người khác được sống và sống bình an.
Hạt Giống Tin Mừng
Tiên tri Isaia đã nói trước về Hạt Giống Tin Mừng của Thiên Chúa: "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác" (Is 55, 10-11)
Hạt giống ấy được gieo âm thầm vào trần gian. Hạt giống của trời cao, bị đất thấp từ chối. Hạt giống của tin mừng bình an, bị tin buồn bất an trấn áp. Hạt giống chân lý bị bất công loại trừ. Hạt giống yêu thương bị oán thù tẩy chay ngạo mạn....
Thân phận Chúa Giêsu, thân phận hạt giống của Thiên Chúa, bị trầm đọa như thế, tưởng như là một thất bại ê chề của Thiên Chúa, nhưng không, đó lại là kế hoạch cứu rỗi của Chúa vì Hạt Giống đang "thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, và làm tròn sứ mạng Thiên Chúa ủy thác": hư thối đi để nẩy mầm.
Chúa Giêsu, Hạt Giống Tin Mừng của Thiên Chúa, vốn dĩ là hạt giống khiêm nhường tự hạ, đã bằng lòng thối đi trong lòng đất để đâm chồi cây tin mừng và trổ sinh hoa trái bình an. Nhưng, điều quan trọng là lòng đất có bằng lòng đón nhận hạt giống tin mừng ấy không.
Đón nhận Hạt Giống Tin Mừng
Hãy khát khao đón nhận lời Chúa, như Thánh Phaolô nói: "Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. (Rm 8, 19)
Vì Chúa Giêsu tha thiết ước muốn chúng ta đón nhận Lời Ngài, là chính Ngài, cho Ngài được nẩy mầm và lớn lên trong chúng ta, để chúng ta được hoa trái vui mừng và bình an.
Thế nhưng, vì bản tính kiêu căng, và lòng nặng hướng về tội lỗi, nên thái độ đón nhận Tin Mừng cũng hờ hững như vệ đường, kiêu căng như sỏi đá, mối bận tâm thế gian và lòng ganh tỵ như gai góc um tùm đã làm cho Hạt Giống Tin Mừng của Thiên Chúa không thể mọc lên được. Chỉ có tâm hồn thành tâm khiêm nhượng mới là mảnh đất tốt cho Lời Chúa mọc lên và sinh hoa kết quả.
Như Chúa Giêsu giải thích: "Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận, nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." (Mt 13, 19-23)
Đáng tiếc thay cho tâm hồn còn đầy gai góc của lòng ganh tỵ, còn đầy sỏi đá của lòng kiêu căng, còn mãi dững dưng với ơn lộc Thiên Chúa, còn giữ nguyên căn cội của tội nguyên tổ đã bóp chết Hạt Giống Tin Mừng.
Hãy để cho lòng mến ngập tràn tâm hồn ta, lòng mến đơn sơ khiêm nhượng, lòng mến thật thà dũng cảm, lòng mến biết nhẫn nhịn thứ tha, lòng mến lịch sự tôn trọng nhau trong điều thiện hảo đẹp lòng Chúa, lòng mến biết khích lệ nhau ca tụng Chúa.... Lòng mến khiêm nhượng hãy tràn ắp tâm hồn, để Hạt Giống Lời Chúa nẩy mầm, sinh hoa kết quả.
Người đi gieo Hạt Giống Tin Mừng hôm nay.
Đã đến lúc mà mỗi tín hữu cần ý thức vai trò đi gieo trong cuộc sống đức tin của mình. Không chỉ là việc của các linh mục, tu sĩ, mà còn là việc khẩn thiết của giáo dân, những con người lăn lộn trong ruộng đời của Thiên Chúa. Họ không chỉ nghe Lời Chúa, mà còn phải đem ra thực hành, và cuộc sống đầy hoa trái bình an của họ, biến họ trở thành người đi gieo bình an Nước Chúa.
Vì thế, người đi gieo tin mừng phải là người sống Tin Mừng trước tiên. Chính cuộc sống Tin Mừng là lời giảng hùng hồn nhất, có sức biến đổi thế giới nầy thành một thế giới tràn ngập niềm vui.
Bởi vậy, thiết tưởng cũng nên đặt lại vấn đề rao giảng Lời Chúa mà mình đã sống, hơn là rao giảng Lời Chúa mà mình đã học, vì không có gì đáng trách cho bằng việc "nói một đường, làm một nẻo"!
Ước mong cho bạn, cho tôi, cho người đi gieo tin mừng hôm nay mặc lấy tấm lòng của người đi gieo tin mừng đầy khiêm nhượng, để Lời Chúa biến đổi cuộc đời nên lời chứng cho niềm vui và bình an nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho lòng con khiêm nhượng đón nhận Lời Ngài là ánh sáng, là sức sống là niềm vui bình an cho chúng con, để cuộc sống mỗi chúng con trở thành lời chứng hùng hồn cho niềm vui và bình an của Nước Thiên Chúa. Amen.
30. Ngài dạy họ nhiều điều
(Giải thích Bản văn Tin Mừng – Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Giải thích
Bắt đầu từ chương 13, Chúa Giêsu ra khỏi khung cảnh hội đường và các cuộc tranh luận. Ngài giảng dạy dân chúng trên bờ biển qua các dụ ngôn. Sau khi Chúa Giêsu nói về việc “thi hành ý muốn của Cha trên trời” (12:50), Ngài chuyển sang dụ ngôn Người gieo giống. Hạt giống sẽ được giải thích là lời của Nước Trời (13:19), cũng có nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa được trình bày trong lời nầy. Tiếp sau dụ ngôn nầy là các dụ ngôn về Nước Trời. Như thế, Chúa Giêsu trình bày ý muốn của Thiên Chúa trong các dụ ngôn. Dụ ngôn đầu tiên “Người gieo giống” sẽ cho thấy các cách thức khác nhau đón nhận lời Chúa và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Dụ ngôn Người Gieo Giống là dụ ngôn đầu tiên trong loạt 7 dụ ngôn. Sáu dụ ngôn còn lại chia thành hai nhóm ba, phân cách nhau bởi giải thích dụ ngôn cỏ lùng. Mỗi trong sáu dụ ngôn đều bắt đầu bằng câu: “Nước Trời giống như”. Phần dành cho các dụ ngôn kết thúc ở câu 13:53.
Phân đoạn các dụ ngôn trong chương 13 nầy như sau:
1- Dụ ngôn người gieo giống (13:1-9); Mục đích của dụ ngôn (13:10-17) và giải thích dụ ngôn (13:18-23); 2- Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:24-30); 3- Dụ ngôn hạt cải (13:31-32); 4- Dụ ngôn men trong bột (13:33); Lý do dùng dụ ngôn (13:34-35); Giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:36-43); 5- Dụ ngôn kho tàng ẩn dấu (13:44); 6- Dụ ngôn viên ngọc quý (13:45-46); 7- Dụ ngôn lưới cá (và giải thích) (13:47-50); Kết luận (13:51-52).
Bố cục của dụ ngôn người gieo giống (13:1-9) có thể được phân chia như sau:
- Dẫn nhập (c. 1-3a);
- Các loại đất đón nhận hạt giống (cc. 3b-8);
- Kết luận (c. 9).
Giảng Dạy Trên Bờ Biển (cc. 1-3a)
Không gian trình thuật thay đổi. “Căn nhà” mà Ngài đi ra khỏi là căn nhà trong đó Ngài sẽ giải thích cho các môn đệ ý nghĩa dụ ngôn người gieo giống (13:36). “Ngài ngồi xuống” và “đám đông đến bên Ngài” ám chỉ Ngài sắp sửa giảng dạy họ như một vị Thầy (5:1). Những người nghe Ngài giảng dạy vẫn là “đám đông” đã theo Ngài ngay lời đầu tiên của Bài Giảng Trên Núi (5:1; 7:28; 8:1; 12:46; 13:2).
Các Loại Đất Đón Nhận Hạt Giống (cc. 3b-8)
Ý nghĩa của dụ ngôn sẽ được Chúa Giêsu giải thích trong 13:18-23. Ở đây chúng ta cố gắng tìm hiểu ý nghĩa các hình ảnh của dụ ngôn. Người gieo giống, chứ không phải là “một người gieo giống vì có mạo từ, được giới thiệu ở đầu dụ ngôn (c. 3b) chính là Chúa Giêsu, Đấng mang lời Chúa đến cho trần gian. Tuy nhiên trong dụ ngôn không nhắc đến người gieo giống nữa, mà chỉ nói đến “hạt giống”, chủ ngữ thật của dụ ngôn, “Có hạt rơi trên…”. Matthêu mô tả bốn nơi hạt giống rơi xuống (cc. 4-8), trong đó hai lần thánh sử mô tả tính chất của đất: “không có nhiều đất” (c. 5) và “đất tốt” (c. 8), như là điều kiện chính làm cho hạt giống lớn lên và sinh hạt hay không. Hai lần khác thánh sử không nói đến tính chất của đất, mà nói đến môi trường không thuận lợi cho hạt giống: “vệ đường” (c. 4), và “bụi gai” (c. 7); trong các môi trường đó, hạt giống chịu tác hại do chim trời đến ăn, và cây gai bóp nghẹt; do đó hạt giống không thể sinh trưởng được.
Hạt giống rơi trên vệ đường (c. 4). Vệ đường ở đây là những mảnh đất hẹp chạy dọc theo bờ ruộng hoặc giữa ruộng (x. 12:1). Chim trời đến ăn đi những hạt rơi trên đó. “Chim trời” không mang một ý niệm tiêu cực. Trong Matthêu, peteinon, chỉ “chim trời” được Thiên Chúa chăm sóc và nuôi nấng (6:26; 8:20; 13:32); do đó không thể giải thích “chim trời” là hình ảnh của “kẻ xấu”, ponèros (13:19). Động từ katesthiò, có nghĩa là “nuốt chững”.
Hạt rơi trên đá, không có nhiều đất (cc. 5-6). Đồi núi nhiều nơi tại Palestina chỉ toàn là đá sỏi. Loại đá trong dụ ngôn nầy là petròdès, “đất đá”, trên loại đá nầy có một lớp đất mỏng (13:5.20); khác với petra, “đá tảng” (7:24tt). Trong lớp đất mỏng hạt giống mau ấm hơn nên cũng mọc lên nhanh hơn; nhưng dưới ánh mặt trời nóng bức, nó sẽ khô héo ngay nếu thiếu nước (x. Giê. 17:8).
Bụi gai (c. 7). Cây gai không phải là cây hữu ích. Nơi cây gai không thể hái được trái nho (7:16; 13:22). Hạt giống rơi vào trong bụi gai thì không thể sinh trưởng được (x. 7:16). Động từ “bọp nghẹt” , pnigò, “làm cho nghẹt thở” (18:28) không sống nổi.
Đất tốt (c. 9). Hạt giống lthành cây và kết hạt được tính theo con số tăng dần, từ ba mươi lên dần đến một trăm. Cách tính tăng dần nầy cũng thấy trong đoạn tin mừng nầy. Từ hạt giống rơi bên vệ đường bị ăn mất ngay từ đầu, đến hạt giống mọc lên được một chút rồi bị cháy khô, đến hạt giống lớn lên nhưng không sinh hạt, và sau cùng là hạt giống sinh hạt. “Trái/hạt”, karpos, còn có nghĩa thiêng liêng: đó là lòng sám hối. Muốn biết đất tốt hay xấu thì hãy nhìn xem cây sinh hạt, giống như nhìn quả thì biết cây (x. 7:16; 12:33).
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (c. 9). Cụm từ nầy được dùng trong hai lần khác nữa trong văn mạch khác (11:15; 13:43). Nó thường được dùng trong kết luận, và nhằm gây chú ý trước một vấn đề hệ trọng đã được bàn đến. Ở đây câu nầy hướng về dân chúng là những người đang nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Ngài làm cho họ chú ý và cho họ thấy họ có thể là một trong các loại đất vừa nói trên.
+++
Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống trần gian không bao giờ thiếu.
Mảnh đất đón nhận hạt giống, mới là quan trọng.
Chúa Giêsu đã rao giảng lời Thiên Chúa cho dân chúng, và Ngài trông chờ những mảnh đất tốt.
Ai là mảnh đất tốt, nghĩa là đón nhận Lời Chúa cách có hiệu quả, sẽ trở nên mẹ và anh chị em của Chúa Giêsu.
31. Hạt giống tốt - Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Lớn lên ở thôn quê, đi rao giảng phần lớn thời gian ở thôn quê, Chúa Giêsu đã thường xuyên được chứng kiến cảnh gieo trồng của người nông dân, nên Ngài đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã ấy để nói về nước trời, một trong những dụ ngôn đầu tiên của Chúa là dụ ngôn người gieo giống.
Người gieo trồng nào cũng có niềm tin và sự lạc quan. Gieo hạt giống vào lòng đất là đặt tất cả tin tưởng phó thác của mình vào thiên nhiên. Có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trong bụi gai, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là vụ mùa tươi tốt. Nước trời cũng giống như người ra đi gieo giống vậy.
Thái độ lạ đời của người gieo giống khiến chúng ta hiểu được phần nào tình yêu thương phổ quát của Thiên Chúa. Không có người nông dân nào có đầu óc bình thường hiểu biết, lại đi phung phí hạt giống trên mọi mảnh đất, ngay cả những chỗ gai góc hay những mảnh đất sỏi đá, nhưng họ gieo vãi hạt giống của mình trên thửa đất đã được cày bừa cẩn thận để hạt giống có thể mọc lên thật dễ dàng. Ở đây Chúa Giêsu cho chúng ta biết: Ngài muốn cứu rỗi tất cả mọi người, không phân biệt ai, Ngài muốn thông truyền chân lý cho mọi hạng người. Nhưng cũng như các mảnh đất được kể trong Tin Mừng, tiếp nhận hạt giống và sinh hoa kết trái khác nhau, mỗi người cũng có thái độ khác nhau khi đón nhận lời Chúa, tiếp nhận ân sủng của Ngài, họ có quyền tự do chấp nhận hay từ chối. Nếu chấp nhận thì lời Chúa sẽ đem lại cho họ nhiều lợi ích, nếu chối từ thì họ sẽ chẳng được gì. Như vậy, hoa trái tốt lành là tùy ở sự chấp nhận của con người.
Chính mỗi người phải cố gắng làm cho tâm hồn mình thành mảnh đất tốt, phì nhiêu tiếp nhận lời Chúa một cách thành khẩn, để hạt giống có thể phát triển và đơm bông kết trái. Trong các hoạt động hay sinh hoạt hằng ngày, dù công khai hay âm thầm, dù to lớn hay nhỏ bé, kể cả những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, tất cả mọi người đều được mời gọi để gieo rắc niềm hy vọng. Trên những mảnh đất khô cằn tình người, chúng ta được Đức Kitô kêu mời trồng tỉa từng hạt giống của yêu thương. Trên những vùng đất khô sạn tin yêu, chúng ta được Đức Kitô kêu mời gieo rắc niềm hy vọng. Từng giây, từng phút, từng ngày, từng năm, chúng ta tin tưởng rằng sức sống sẽ bừng dậy yêu thương sẽ trổ bông.
Người ta kể rằng: Một người cha kia có ba đứa con trai, tuy sinh ra trong nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và tiết kiệm, ông đã trở nên một điền chủ giàu có. Lúc cuối đời, tuổi già sức yếu, ông tính việc chia gia tài cho các con, ông muốn biết đứa con nào thông minh nhất để giao phó phần lớn gia tài của ông cho nó. Ong gọi cả ba người con tới bên giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng và bảo hãy đi mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trống trải và u tối của ông.
Ba người con vâng lời cha cầm tiền ra chợ. Người anh cả nghĩ rằng việc này quá dễ dàng, anh mua một bó rơm lớn đem về, người con thứ hai nghĩ kỹ hơn, anh mua những bao lông vịt rất đẹp mắt, người con út lo nghĩ: biết mua gì với năm đồng này để có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha? Cuối cùng anh nghĩ ra, anh mua một cây nến và một bao diêm.
Ngày hôm sau, cả ba người con đều tụ họp trong phòng cha già. Người con cả mang rơm ra trải, nhưng phòng quá rộng, chỉ phủ được một góc, người con thứ đổ lông vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được một góc của căn phòng. Người cha tỏ vẻ thất vọng. Người con út từ từ rút trong túi ra một cây nến và một hộp diêm, thoáng một cái căn phòng đầy ánh sáng. Mọi người ngạc nhiên, người cha già rất sung sướng vì quà tặng của người con út, ông quyết định trao phần lớn ruộng đất và gia sản cho anh ta, vì ông thấy anh ta đủ thông minh để quản trị gia sản của mình và nhờ đấy cũng có thể giúp đỡ các người anh nữa.
Cuộc sống mỗi người chúng ta, cuộc sống những người chung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta, có lẽ nhiều khi cũng giống như một căn phòng tối, chỉ cần một người nào đó thắp lên một tia sáng nhỏ là những người chung quanh sẽ cảm thấy ấm áp và phấn khởi hơn: một tia sáng nhỏ của cái mỉm cười, một tia sáng nhỏ của lời chào hỏi thăm nom, một tia sáng nhỏ của tình yêu san sẻ, một tia sáng nhỏ của cảm thông, tha thứ, một tia sáng nhỏ của niềm tin giải tỏa qua sự hân hoan chấp nhận cuộc đời.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã cho chúng ta nhận được tình yêu của Chúa. Xin cho cả cuộc sống chúng ta trở thành chứng tích của tình yêu Chúa đối với mọi người. Xin cho tất cả những ai gặp gỡ chúng ta đều có thể nhận ra được tình yêu của Chúa.
32. Sinh lợi hạt giống tình yêu
Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu thương thế gian, yêu thương vũ trụ mà Ngài đã dựng nên nó trong đó có con người. Ngài dựng nên vũ trụ là để thông phần vinh quang yêu thương. Tuy nhiên do tội nguyên tổ đã làm hư hỏng bản tính đầy tốt đẹp của vũ trụ thuở ban đầu. Ngài dựng nên vũ trụ tốt đẹp và Ngài cũng muốn vũ trụ đạt kết quả cuối cùng của nó trong sự tốt đẹp. Do đó, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Chuộc để tái lập trật tự hư hỏng này. Khi đã làm người, Đức Giêsu đã mạc khải về tình yêu Thiên Chúa bằng nhiều cách thức như: làm phép lạ, dạy bằng dụ ngôn,...và hôm nay, bài phúc âm thuật lại việc Đức Giêsu giảng dạy bằng dụ ngôn. Qua đó, Đức Giêsu muốn con người đáp trả bằng tình yêu đối với Thiên Chúa. Sinh lợi cho chính bản thân mình cũng chính là làm theo ý Thiên Chúa, làm vinh danh Thiên Chúa.
Thật thế, bài Phúc âm hôm nay (Mt 13, 1 - 23) được gọi là "Dụ Ngôn Người Gieo Giống". Đức Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để mô tả số phận của Lời Chúa được tung ra giữa nhân loại và đem lại kết quả.
Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết người gieo giống ấy chính là Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa hết mực yêu thương con người, rộng rãi tung gieo Lời mạc khải cho trần gian. Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Thiên Sai nhận lấy sứ mạng đến trần gian mạc khải tình yêu ấy cho con người, Người rất rộng rãi và hào phóng. Người rộng rãi đến độ chính Người lại trở nên hạt giống, chịu chôn vùi, mục nát để làm cho những mảnh đất dù nó là đất gai góc hay sỏi đá thành màu mở phì nhiêu, và Người chờ mong một mùa gặt bội thu. Như thế, Đức Giêsu đã tự ví mình là hạt giống được gieo được gieo vào trần gian, được gieo vào mảnh đất tâm hồn của mỗi con người, Ngài chính là tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Mặt khác, Thiên Chúa là Đấng gieo hạt giống tình thương, mà đã gieo một cách quảng đại, gieo hạt không mệt mỏi, không tiếc xót, không tính toán, không loại trừ, không phân biệt đối xử, không thiên tư tay vị...Điều đó cho chúng ta nhận thấy tình yêu được thể hiện cụ thể và rất rộng rãi. Về phía con người, chúng ta cũng nhận thấy, có những mảnh ruộng phì nhiêu màu mỡ đón nhận và ngay cả những mảnh ruộng sỏi đá, khô cằn, cỏ mọc um tùm những con đường mòn kẻ qua người lại cũng không bị Thiên Chúa lãng quên. Thiên Chúa muốn tình thương và ơn cứu độ của Người được gieo vãi khắp mọi nơi, Ngài muốn đổ đầy tràn mà tràn lan hơn nữa vào trong nhân gian.
Hơn nữa, Thiên Chúa gieo một cách kiên trì và quảng đai, dù đêm hay ngày, dù mưa hay nắng, thành công hay thất bại Ngài vẫn tung gieo hạt không ngừng. Hay cho dù chim trời, nắng hạn, cỏ mọc um tùm bóp nghẹt không cho hạt giống được lớn lên...Thiên Chúa luôn kiên trì vì Người đang gieo trong niềm hy vọng, một niềm hy vọng thật lớn lao và mong muốn hạt giống ấy được phát triển không ngừng. Vì hy vọng mà Thiên Chúa kiên trì. Kết quả của việc này mang lại là: có hạt sinh được 30, có hạt sinh được 60, có hạt sinh được 100. Kết quả này có được là do Thiên Chúa kiên trì, quảng đại, hy vọng....tất cả là do tình thương yêu hết mức của Thiên Chúa. Yêu thương nên Thiên Chúa sáng kiến quảng đại, có yêu thương nên Thiên Chúa kiên trì, có yêu thương nên Thiên Chúa hy vọng vào kết quả trong tương lai. Một vì Thiên Chúa yêu thương bao la, dạt dào, không quản ngại, không sợ hao tốn. Chính vì tình yêu thương ấy mà ngay cả trong những mảnh đất khô cằn, chai cứng, và cỏ rác Thiên Chúa cũng gieo. Tình thương ấy mãnh liệt với ước mong cảm hoá được những tâm hồn chai cứng, khô khan và tội lỗi trở thành những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ.
Tình thương của Thiên Chúa vẫn kéo dài mãi trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Đó là ân sủng, là lời Chúa được rao giảng không ngừng. Lời Thiên Chúa trong Thánh Kinh, Lời Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm ngay thẳng, LờThiên Chúa chứa đựng trong vũ trụ, qua các biến cố và từng công việc... Phần còn lại chính là bản thân chúng ta, chính là ý chí tự do của mỗi người, chính là mảnh đất tâm hồn chúng ta, tâm hồn chúng ta có đón nhận lời Chúa và can đảm để cho hạt giống ấy lớn lên và sinh kết quả trong cuộc đời chúng ta. Nói cách khác chúng ta có đón nhận Lời Chúa hay không? Chúng ta có muốn để Lời Chúa được thâm nhập và phát triển trong tâm hồn chúng ta hay không?
Ngày nay, Hội Thánh đang tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, tiếp tục rao giảng Lời Chúa trên khắp thế giới. Hội Thánh cũng gặp nhiều khó khăn, bị bách hại, bị ảnh hưởng của nền văn hoá thế tục, đời sống của những người có đạo sa sút và mất đức tin,...Dù gặp khó khăn nhưng Hội Thánh vẫn tiếp tục sứ mạng rao giảng, sứ mạng mạc khải tình yêu thương của Thiên Chúa. Và chắc chắn, Hội Thánh cũng mong muốn như niềm mong muốn của thiên Chúa là con người đáp trả, đón nhận và để cho Lời Chúa phát triển, sinh hoa kết quả tối đa trong cuộc đời con người. Thiên Chúa muốn tình yêu sáng tạo và cứu chuộc được thành tựu trong chính Đức Kitô.
Có thể mảnh đất tâm hồn chúng ta chưa phải là mảnh đất tốt, chưa thích hợp cho hạt giống lời Chúa sinh hoa kết quả. Vậy chúng ta hãy can đảm và kiên nhẫn nhổ đi những cây cỏ dại, gai góc và sỏi đá. Cùng với lòng yêu mến, chúng ta phải chuẩn bị mảnh đất tâm hồn mình thành nơi để hạt giống lời Chúa phát triển. Chúng ta phải quảng đại, kiên nhẫn và hy vọng để Lời Chúa đi vào cuộc đời mình trở thành một mảnh đất thánh cho hạt giống lời Chúa sinh sôi và phát triển. Và điều quan trọng là chúng ta hãy chủ ý nổ lực và cộng tác với Chúa Thánh Thần để sinh hoa kết quả dồi dào.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gieo vào tâm hồn chúng con Lời Chúa. Xin cho chúng con quảng đại đón nhận tình yêu ấy và can đảm làm trổ sinh kết quả trong cuộc đời chúng con như Chúa mong muốn. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam