Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 73

Tổng truy cập: 1376246

GIÓ TRỞ NÊN YÊN LẶNG

Gió trở nên yên lặng.

Trong Giáo Hội cũng như trong mỗi một cuộc đời người Kitô hữu, tất cả mọi sự đều diễn ra giữa niềm tin và sự sợ hãi. Đó là Tin Mừng của việc đi trên mặt nước.

Nỗi sợ hãi. Một chiếc thuyền ở xa bờ và lênh đênh giữa sóng gió. Đêm tối. Và có một con ma nữa chứ! Một nỗi sợ hãi làm cho những người mặc dầu ghê gớm cũng phải la lên.

Tin tưởng. Đêm dần tàn và người ta nhận ra Chúa Giêsu. Ngài bước đi trên biển! Ngài nói: “Thầy đây, các con đừng sợ”. Và nói với Phêrô: “ Cứ đến đây”.

Đây là ván bài của niềm tin và sự sợ hãi. Phêrô bắt đầu bước đi trên mặt nước. Nhưng ông sợ và chìm xuống: “Xin Thầy cứu con!” Chúa Giêsu nắm lấy tay ông và nói: “Tại sao ngươi lại hoài nghi?”. Đây là câu hỏi chính của bài suy niệm hôm nay. Câu trả lời sẽ là nhiệt tình tin tưởng hoàn toàn mà toàn bộ bài đọc hướng về đó: “Thầy là Con Thiên Chúa!”

Phép lạ này gây phiền nhiễu. Nó dường như vô ích (các phép lạ khác là để chữa bệnh) và theo kiểu khổ hạnh, nhưng trái lại phải thấy trong đó một bài học quan trọng đó là một phép-lạ–mạc-khải. Phép lạ này biểu thị những nỗi sợ hãi lớn lao của chúng ta và những đỉnh cao của niềm tin tưởng của chúng ta, khi chúng ta sống đức tin như là một kinh nghiệm “Thầy thật sự là Con Thiên Chúa!”

Tôi có nói về biểu tượng để ám chỉ rằng phép lạ đã không xảy ra và phép lạ chỉ là một điều giảng dạy hình tượng về niềm tin hay không? Không, những người này đã thấy rõ Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước. Họ đã thấy gió lặng yên. Chúa Giêsu đã làm điều đó vì họ, để làm cho niềm tin của họ vững mạnh: “Thầy đây, các con đừng sợ!”

Giờ đây, được chúng ta đọc lại, cũng chính biến cố này làm cho chúng ta suy nghĩ về niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu. Trong cuộc sống yên ổn, tin vào Chúa Giêsu chính làTin Mừng hy vọng: chúng ta thích điều Ngài nói, chúng ta muốn làm điều Ngài yêu cầu, nhất là khi Ngài nói về yêu thương.

Bão tố, đêm đen của những đau khổ thể xác, đêm đen của những thất bại, của phản bội, của tuổi già đang đến. Tin rằng Chúa Giêsu sẽ kéo chúng ta ra khỏi những làn nước này như thế nào?

Phép lạ xưa kia có thể trở thành phép lạ cho chúng ta. Cũng chính Chúa Giêsu ở đó và nói: “Đừng sợ”. Và Ngài nói: “Hãy đến đây!”. Nghe và hiểu được tiếng hãy đến đây chính là cảm thấy trong ta một ngọn lửa tin tưởng giống như canxi trong các mạch máu của chúng ta. Chúng ta hỏi Ngài chúng ta có thể đi tới Ngài, đi tới sự vững vàng và an bình, và Ngài nói với chúng ta: “Hãy đến đây!”. Nếu cuộc chiến chống lại sự sợ hãi rất gay go, chúng ta cảm thấy Ngài nhìn chúng ta với vẻ nghiêm khắc dịu dàng: “Kém tin thế, tại sao ngươi hoài nghi?”

Ngài nói với chúng ta và với Giáo Hội như thế. Con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội. Giáo Hội bị sóng gió vây bủa, nhưng Ngài hiện diện ở đó.

Khi chúng ta lắng nghe được tiếng nói này “đừng sợ”, sự việc có thay đổi hay không? Không hẳn, mặc dầu điều này vẫn có thể xảy ra. Nhưng chắc chắn chúng ta thay đổi, chúng ta mang cái dường như chúng ta không thể mang được. “Thầy là Con Thiên Chúa. Có Thầy con sẽ tiến bước trên các làn nước sợ hãi và đau khổ này”.

Tôi không thể đi xa hơn được, duy chỉ kẻ nào đã có kinh nghiệm về niềm tin mới biết câu “và gió trở nên lặng” có nghĩa là gì.


 

30. Lạy Chúa, ngài là nơi con nương ẩn

Anh chị em thân mến.

Anh chị em có dịp nhìn một đứa trẻ nhỏ ung dung bước đi trên đường, nó bước đi rất nhanh mà không cần nhìn hay quan sát chung quanh. Những bước chân của nó hết sức tự tin. Dẫu cho con đường có gồ ghề hay đầy những vũng nước, nó cũng không lo sợ gì hết. Nó vẫn bước đi và vẫn an toàn. Nhìn kỹ lại, thì ra những bước chân của nó vẫn bước, nhưng còn có đôi tay của người cha luôn bảo vệ cho nó. Đứa bé đã hoàn toàn tin tưởng nơi cha mình, nên nó không lo sợ gì trên bước đường nó đi qua vì nó được bảo vệ thật sự. Có những lúc nó không cần phải bước nữa vì nó đã mệt, những lúc đó nó cũng được an toàn trên đôi tay của người cha, hơn nữa nó còn được người cha ôm vào lòng. Chính vì biết đặt trọn niềm tin vào cha mình nên đứa bé không còn lo âu sợ sệt điều gì nữa. Niềm tin của nó được đền đáp xứng đáng.

"Lạy Thầy xin xứu con".

Lời kêu cứu của Phêrô khi thấy mình sắp bị những cơn sóng biển nhận chìm. Phêrô đã được cứu và được an toàn, nhưng ông phải nhận lời quở trách: "Kẻ hèn tin, sao mà nghi ngờ".

Phêrô và các Tông Đồ xuống thuyền vượt biển trong đêm tối. Đối với các ông đây là những công việc hết sức bình thường, các ông rất thành thạo, không phải lo sợ gì hết. Các ông tự tin vào tài năng và sức lực của mình. Nhưng những gì các ông tin tưởng không đem lại bình an thật sự. Các ông phải chống chọi với gió bão. Màn đêm tăm tối như góp phần làm cho các ông thêm vất vả hơn. Càng vất vả càng cố gắng, nhưng các ông đã quên mất Chúa Giêsu. Những lúc như thế Ngài vẫn ở bên cạnh các người mà Ngài yêu thương, nhưng các ông vẫn không nhận ra, nên mới hốt hoảng. Phêrô nhanh nhẹn nhưng trong lúc nhất thời, ông chỉ làm theo cảm tính, chưa tin tưởng phó thác, nên ông càng hốt hoảng hơn khi thấy biết bao sự nguy hiểm chung quanh. Khi đó ông càng nhìn thấy rõ sự bất lực của con người, chỉ còn biết trông cậy vào Chúa, nên ông la lên: "Lạy Thầy xin cứu con". Mặc dù bị quở trách là kém tin, nhưng ông đã được bình an khi có Chúa bên cạnh.

Con người đứng trước những khó khăn thì lo âu sợ sệt, nhất là khi nhìn thấy được sự bất lực của chính mình. Càng lo sợ hơn khi sự nguy hiểm càng đến gần mà mình không biết làm sao để thoát khỏi. Đó là tâm trạng của Phêrô ngày xưa, cũng là tâm trạng chung của con người qua mọi thời đại. Chúng ta, những con người của thời đại mới cũng không thoát khỏi cái thường tình của con người như thế.

Những lúc an bình thư thái, những lúc được thành công trong cuộc sống, những lúc sức khoẻ con người trong tình trạng bình thường không có vấn đề gì; những lúc đó, Thiên Chúa có hiện diện hay không cũng không cần thiết, vì chúng ta chưa cần đến. Nhưng khó khăn từ đâu lại tuôn đến, làm cho chúng ta vất vả, bao nhiêu toan tính giờ đây không thể thực hiện được, những gì đã dự trữ, giờ đây cũng bay đi mất, thế giới hoàn toàn sụp đổ. Những lúc đó nếu chúng ta biết la lên như Phêrô: "Lạy Thầy xin cứu con", chắc chắn chúng ta sẽ được cứu và những lời trách nhẹ nhàng cũng sẽ đến để làm thức tỉnh và làm cho mìmh nhận ra rằng: Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải chỉ là nhu cầu khi cần thiết, để giải quyết những khó khăn, rồi sau đó không biết gì đến Ngài nữa.

Phêrô đã nhận ra, nên ông biết tin tưởng phó thác, ông đã được trao cho trách nhiệm và hoàn thành. Như đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng nơi người cha, nên được bao bọc chở che khi cần thiết.

Chúng ta có dám đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa chúng ta? Hay Thiên Chúa chỉ là nhu cầu trong những lúc nào cần cho chúng ta sai khiến, ngoài ra Thiên Chúa không hiện diện trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Như thế thì lời quở trách với Phêrô ngày xưa cũng vẫn là lời cho chúng ta hôm nay: "kẻ hèn tin, sao mà nghi ngờ". Nhưng Phêrô đã tin và sống trọn niềm tin của mình. Còn chúng ta, bao giờ chúng ta mới biết quay trở lại như Phêrô, chừng nào chúng ta mới nhận ra quyền năng Chúa trong đời sống, để biết quỳ gối xuống mà cảm tạ Hồng Ân.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết nhận ra Chúa trong cuộc sống đời thường, để biết tin tưởng và phó thác cho trọn vẹn.


 

31. Chúa ở đâu khi chúng ta đau khổ?

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

Mới mấy tuần trước đây, trong một tai nạn, một người mẹ mất một lúc ba đứa con, vì bị đuối nước. Trong đám tang ấy, người mẹ vật vã gào lên: Ông Trời ơi! Ông ở đâu? Sao ông để như thế này? Tôi có tội tình gì mà sao ông đối xử với tôi như thế?

Thưa quý OBACE, trong lúc người ta đau khổ tột cùng, dù là người có đạo hay không có đạo, họ vẫn như muốn trách móc Thiên Chúa trách Ông Trời, và muốn Thiên Chúa trả lời ngay cho những đau khổ của họ, hoặc là muốn Chúa phải ra tay giải thoát ngay. Trong lúc đau khổ đó người ta thấy dường như Chúa vẫn im lặng trước những nỗi đau của họ? Phải chăng Chúa làm ngơ trước đau khổ của con người?

Các bài đọc của chúa nhật XIX hôm nay trả lời cho chúng ta rằng: Thiên Chúa không im lặng, nhưng Thiên Chúa vẫn đang nói, đang ở kề bên đưa tay ra để nâng đỡ an ủi chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sự hiện diện an ủi của Ngài, có tin vào quyền năng của Ngài, có đưa tay ra để Ngài kéo ta lên hay không mà thôi?

Bài đọc một kể lại tâm trạng của Elia, sau khi đương đầu với các sư sãi của hoàng hậu Giêzabel, đã bị hoàng hậu trả thù, ông phải trốn lên rừng, chịu đói chịu khát. Trong lúc khốn khổ vì bị lùng bắt như thế, ông cũng cảm thấy như Thiên Chúa không còn ở với ông, Thiên Chúa bỏ rơi ông, ông nghĩ rằng: Dù sao ông cũng đã chiến đấu cho Thiên Chúa, đã hết mình bênh vực giới răn lề luật của Thiên Chúa, tại sao Chúa lại cư xử với ông như thế? Trong lúc ông băn khoăn oán trách Thiên Chúa như thế, thì Thiên Chúa đã hứa cho ông được gặp Ngài. Tuy nhiên Isai lại muốn chờ đợi một vị Thiên Chúa oai hùng như sấm sét giông bão, vì thế ông ra cửa hang để mong gặp Chúa, nhưng Chúa đã không ở trong sấm sét. Rồi ông lại chờ đợi gặp một Thiên Chúa có sức mạnh làm rung chuyển trời đất núi lửa, song ông cũng không gặp được ngài. Mãi đến buổi chiều khi làn gió hiu hiu thổi nhẹ, ông nghe được tiếng Chúa và lấy áo choàng che mặt rồi ra ngoài cửa hang và ông đã gặp được Chúa. Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện bên ông một cách nhẹ nhàng, mơn man như cơn gió nhẹ ban chiều. Chúa vẫn ở bên ông dưới những hình thức rất đỗi bình thường, song ông đã không nhận ra Ngài. Chỉ khi ông bình tâm, ông mới có thể cảm nhận được sư hiện diện nhẹ nhàng của Ngài trong cuộc đời ông.

Thánh Phaolô trong bài đọc hai cũng chia sẻ cùng một kinh nghiệm như tiên tri Isai, khi ông đã miệt mài rao giảng về Chúa Giêsu, song đổi lại, ông đã phải chịu bao nhiêu đau khổ vì những anh em đồng đạo, vì những kẻ đã thụ ơn ông gây ra, ông đã tâm sự: Có Thiên Chúa chứng giám: Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi khôn nguôi, vì anh em đồng bào đã gây ra cho tôi. Song Phaolô đã nhận ra rằng: Thiên Chúa là Đấng hiểu lòng ông và Ngài chứng giám cho sự nhiệt thành của ông và Ngài chính là nguồn an ủi cho ông.

Thánh Mátthew đã kể lại câu chuyện của Phêrô và các tông đồ đương đầu với sóng gió một mình. Câu chuyện này xảy ra sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người đàn ông ăn no và còn dư. Trong lúc các tông đồ như đang say mê trong thành công, trong sự nể phục của dân chúng, thì Chúa Giêsu đã làm các ông mất hứng khi Ngài bắt các ông phải xuống thuyền để qua bên kia bờ hồ. Lúc đó có lẽ các tông đồ cũng đang ảo tưởng vì nghĩ rằng các ông đã góp phần vào sự thành công này, thì giờ đây các ông phải xuống thuyền mà không có Chúa đi cùng.

Chính lúc các ông đang còn như tiếc nuối sự thành công, thì đêm tối đã bao phủ lấy thuyền của các ông, và sóng gió bắt đầu nổi lên. Tin Mừng cho thấy, con thuyền và các tông đồ đang chèo chống chính là hình ảnh của Giáo Hội, bóng đêm là những thế lực của thế gian và ma quỷ, sóng gió là những thử thách đang muốn nhấn chìm cả con thuyền của Giáo Hội. Qua chi tiết này kinh Thánh còn cho thấy rằng, một khi không có Chúa Giêsu trong tâm hồn, trong Giáo Hội, thì chắc chắn bóng tối của sự dữ sẽ xâm chiếm tâm hồn và xâm chiếm cả Giáo Hội.

Trong lúc các tông đồ đang phải đương đầu với sóng gió như thế, thì chính Chúa Giêsu đã xuất hiện. Tuy nhiên ngay đến các tông đồ là những người đã bao năm sống với Chúa, chứng kiến bao phép lạ Chúa làm, vậy mà vào lúc gặp sóng gió này, họ cũng không nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu. Khi thấy Ngài đi trên mặt nước mà đến với các ông, các ông hoảng sợ và nghĩ đó là ma. Trong lúc thấy học trò của mình hoảng loạn như thế, Chúa Giêsu đã trấn an các ông: Thầy đây, đừng sợ. Khi sự sợ hãi đi đến tuyệt vọng, thì dường như lời trấn an của Chúa Giêsu lúc đó đã không được các tông đồ đón nhận cách tin tưởng.

Chính vì chưa hoàn toàn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu, nên Simon Phêrô mới lên tiếng: Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Một lời cầu xin trong hồ nghi! Với lời xin này, Phêrô như muốn đặt cho Chúa một điều kiện, mà là một điều kiện vượt khỏi lẽ thông thường, hay nói đúng hơn, Phêrô đang muốn thử thách sự hiện diện của Chúa, khi ông đòi đi trên mặt nước để đến cùng Chúa Giêsu.

Đòi đi trên mặt nước, là đòi hỏi một phép lạ, đòi được như Chúa,  tức là có thể giẫm đạp trên các sự dữ và thế lực của ma quỷ. Trước một đòi hỏi như thế, Chúa Giêsu vẫn chiều lòng Phêrô và ra lệnh cho ông bước trên mặt nước mà đến cùng Ngài. Tuy nhiên, Phêrô vẫn không đủ đức tin để hưởng đặc ân này, ông hồ nghi và đã để mình bị chìm trong sợ hãi. Nhưng rất may, trong lúc ông như bị chìm ngập trong sóng to gió lớn của thử thách như thế, ông vẫn còn tin vào sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa Giêsu, vì thế ông đã kêu lên: Thầy ơi! Xin cứu con với! Thế là Chúa đã đưa tay ra kéo ông lên thuyền và sóng yên biển lặng. Điều đó cho thấy, dù trong hoàn cảnh dường như tăm tối không lối thoát, nếu chúng ta tin tường và kêu lên như Phêrô: Chúa ơi xin cứu con, thì Chúa sẽ đưa tay ra để đỡ chúng ta chỗi dậy.

Thưa quý OBACE, Trong cuộc sống đã nhiều lần chúng ta phải đương đầu với đau khổ, và cũng nhiều lần, những đau khổ ấy làm cho đức tin của chúng ta bị chao đảo, có những đau khổ và thử thách liên tục vùi dập khiến chúng ta có cảm tưởng như Thiên chúa đã không còn hiện diện. Đã nhiều lần chúng ta trách Thiên Chúa: Tại sao tôi vẫn đi nhà thờ vẫn đi lễ, tại sao tôi vẫn sống tốt, tôi có gian dối tội lỗi gì đâu mà Chúa lại để cho sự khốn khó xảy ra với gia đình tôi thế này? Có những lúc dường như ngã lòng, chúng ta còn đặt vấn đề Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có nhìn thấy tôi đau khổ không mà sao Ngài không ra tay cứu giúp tôi?

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài không bao giờ đứng ngoài sự đau khổ của chúng ta, và càng không bao giờ muốn chúng ta phải đau khổ thử thách. Tuy nhiên đau khổ sự dữ vẫn xảy ra là do ma quỷ, do con người đã lạm dụng tự do Chúa ban để rồi quay lại gây đau khổ cho anh em. Những lúc đau khổ như thế, Thiên Chúa vẫn đang ở bên ta, nhẹ nhàng như cơn gió chiều để an ủi đỡ nâng. Ngài hiện diện bên ta qua sự yêu thương của cha mẹ, qua sự nâng đỡ của người thân và của bạn bè, và nhất là Ngài đã cùng chung vai để chia sẻ gánh nặng của cuộc sống với chúng ta, và đã dám chấp nhận cái chết để cho chúng ta được sống và ban ơn trợ lực để chúng ta có thể đương đầu với sóng gió thử thách của cuộc đời.

Đừng bao giờ để cho cuộc đời chúng ta thiếu vắng Chúa, vì một khi thiếu vắng Chúa trong cuộc đời, thì sự dữ và ma quỷ sẽ xâm nhập và tấn công chúng ta. Những khi gặp thử thách đau khổ, đừng bao giờ chúng ta oán trách Chúa, vì qua những thử thách ấy chúng ta sẽ nhận ra được sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và nhận ra bàn tay tình yêu của Ngài. Trong mọi thử thách của cuộc sống, đừng ngại kêu lên như Phêrô: Thầy ơi, cứu con với. Chúa sẽ đưa tay ra để kéo chúng ta lên và trả lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn.

Thầy đây, đừng sợ! Đó chính là lời khích lệ an ủi cho chúng ta. Đừng bao giờ tuyệt vọng khi đối diện với đau khổ, cũng đừng tuyệt vọng về chính mình, vì cuối đường hầm tăm tối, luôn có một tia sáng hy vọng, giữa nhưng tăm tối của cuộc đời Thiên Chúa vẫn hiên diện, những lúc chán nản mệt mỏi muốn buông xuôi, hãy tin tưởng để nói với Chúa Giêsu rằng: Thầy ơi, xin cứu con, Chúa sẽ trả lời cho mỗi chúng ta: Thầy đây, đừng sợ.

Xin cho mỗi chúng ta dù trong mọi hoàn cảnh sóng gió của cuộc sống, xin cho chúng ta biết tin tưởng đưa tay ra để cho Chúa nâng chúng ta chỗi dậy, vì Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Amen.


 

32. Chúa đi trên biển – R. Veritas.

Đứng bên cạnh con đang chuẩn bị qua cơn giải phẫu nguy hiểm, người cha không ngừng trấn an con mình với những lý luận dựa trên tài năng nổi tiếng của nhóm bác sĩ giải phẫu với những phương tiện tối tân, ông còn trấn an con là sẽ hiện diện bên cạnh để cung ứng mọi nhu cầu cho con.

Nghe xong lời cha khuyên, người con trả lời cho cha:

Xin cha đừng lo lắng nhiều, con không sợ đâu, con tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu, Người hiện diện bên con và giúp con chịu đựng, hy sinh âm thầm trong tâm trí.

Người cha cảm phục lòng tin của con, vừa hổ thẹn vì mình không có được thái độ tin Chúa như con mình.

Chúng ta cũng thường hành xử như vậy khi gặp những thử thách xảy ra cho anh chị em xung quanh, cũng như và nhất là cho chính chúng ta. Phản ứng tự nhiên trước những thử thách, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phương thế, những tài năng riêng của con người mà quên đi phần đóng góp tích cực và quan trọng của Chúa.

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật 19 mùa thường niên năm A, trích từ Phúc Âm Thánh Mátthêu hôm nay trình bày cho chúng ta một toàn cảnh thật ý nghĩa. Ở đây chúng ta thấy hai khía cạnh: trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi, xem ra như Ngài xa cách không còn quan tâm gì đến những nguy hiểm mà các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn trên mặt biển hồ Galilêa. Mặt hồ của toàn cảnh là cảnh tượng các Tông Đồ đang trên thuyền và phải tận lực chiến đấu với những nguy hiểm. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Hai khía cạnh này xem ra như không có gì liên hệ với nhau; Thiên Chúa xem ra như hoàn toàn xa lạ, vắng mặt khỏi hoàn cảnh sống của con người, xa lạ, lạnh lùng với những thử thách của con người đang gặp phải.

Là môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài cũng có thể bị cám dỗ có những suy nghĩ như vậy. Chúa ở đâu mà tôi không nhìn thấy Ngài đâu cả? Nhưng thật sự không phải như vậy. Thiên Chúa không vắng mặt, không rời xa con người. Các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn là vì tuân lệnh Chúa Giêsu mà chèo thuyền vượt biển cực khổ giữa ban đêm để qua bên kia bờ. Ban đêm thường có sóng to gió lớn, các Tông Đồ biết như thế, vì là những ngư phủ trong vùng.

Thông thường các ngài có thể lý luận với Chúa để ở lại với Chúa chờ qua ngày hôm sau đi lại ít nguy hiểm hơn, và cũng để được nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc vì bận rộn lo cho hơn năm ngàn người ăn uống khi nghe Chúa giảng dạy. Thế nhưng lý do gì mà Chúa ra lệnh cho các Tông Đồ lên thuyền chèo qua bên kia bờ biển hồ và giữa đêm khuya như vậy?

Các Tông Đồ gặp thử thách nguy hiểm kia là vì tuân lệnh Chúa, và chúng ta thấy Chúa không để cho những người vâng phục Chúa bị thiệt hại. Phải, bị thử thách và chịu thử thách nhưng không bị đè bẹp, Chúa để cho các Tông Đồ phải chiến đấu với thử thách trong một thời gian mãi đến ba giờ sáng rồi Chúa mới đến với các ngài. Sau biến cố, sau kinh nghiệm và có thể nói được là hai kinh nghiệm, tập thể các Tông Đồ đi trên thuyền và Phêrô muốn đi trên mặt nước đang nổi sóng. Sau kinh nghiệm đó, Chúa Giêsu rút ra bài học cho các ông: "Tại sao các con kém tin thế?", tại sao không tin rằng Chúa hằng hiện diện bên cạnh, Ngài không xa vắng, Ngài không ngủ quên hay bỏ mặc những kẻ Ngài đã chọn.

Đó là bài học cho các Tông Đồ sau này khi lãnh nhận sứ mạng chính thức sau khi Chúa phục sinh: "Thầy đã được mọi quyền năng trên trời dưới đất, chúng con hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Đây không phải là lời hứa suông, mà là một bảo đảm mạnh hơn mọi thứ bảo đảm do con người đặt ra trong xã hội hôm nay. Những bảo hiểm của con người sẽ vô ích nếu như không có sự bảo đảm của Thiên Chúa, dù con người không chấp nhận hay không biết đến sự bảo đảm này, hơn ai hết, sau khi đã trải qua kinh nghiệm trên biển hồ nổi sóng, các Tông Đồ sẽ xác tín hơn sau này cho sứ mạng làm chứng cho Chúa: "Không gì có thể tách rời tôi ra khỏi tình yêu Chúa".

Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại xem mình đã có kinh nghiệm sống như bài học của Phúc Âm hôm nay Chúa đã dạy các Tông Đồ chưa? Cùng với các ngài vâng lệnh Chúa vào thuyền, và sau cơn giông tố chúng ta tuyên xưng: "Thầy là Con Thiên Chúa", Chúa sống với chúng ta thì chúng ta còn lo sợ chi nữa.

 

home Mục lục Lưu trữ