Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 54
Tổng truy cập: 1374724
GIỚI THIỆU
GIỚI THIỆU- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Thưa anh chị em,
Trong đời sống tương quan với xã hội, mỗi khi gặp người mới lạ, người ta thường giới thiệu nhau, để biết người đó là ai.
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy kể lại một số trường hợp giới thiệu. Chẳng hạn như: Khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, và khi vừa bước lên khỏi nước thì có tiếng từ trời vọng xuống: “Đây là con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Đó là lời giới thiệu của Thiên Chúa Cha.
Thánh Anrê tông đồ, sau khi gặp gỡ Đức Giêsu, thì lại giới thiệu cho anh em mình rằng:”Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia…” rồi ông đưa Phêrô đến gặp Đức Giêsu.
Tin Mừng hôm nay kể lại Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ của mình: “Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.
Thật vậy, Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đến để gánh lấy tội lỗi nhân loại. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Ngài hòa mình vào dòng người tội lỗi nơi bờ sông Giođan, để xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Vì gánh lấy tội trần gian mà Ngài đồng bàn với những người tội lỗi. Vì gánh lấy tội trần nên Đức Giêsu hiến thân mình chịu chết để tái sinh chúng ta trong ơn làm con Chúa.
Nhưng thưa anh chị em, muốn giới thiệu ai thì phải biết rõ thân thế sự nghiệp người đó. Càng biết rõ người đó bao nhiêu thì việc giới thiệu càng chính xác bấy nhiêu.
Như vậy, để giới thiệu chính xác về Đức Giêsu, Gioan tẩy giả đã phải dành rất nhiều thời gian sống trong hoang địa thanh vắng. Chính nơi đây Gioan đã lớn lên trong đời sống gắn bó mật thiết với Chúa, nhờ đó đã giúp ông biết rõ về Đức Giêsu, để rồi khi đến thời đến buổi, ông ra đi rao giảng và giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, cách riêng những môn sinh của mình, để rồi những người này sau này họ đi theo Chúa và trở thành những tông đồ của Chúa.
Đối với chúng ta cũng vậy, khi lãnh nhận Bí tích rửa tội được gắn liền với việc sai đi. Cho nên Chúa sai chúng ta đi là để giới thiệu Chúa cho người khác bằng đời sống cầu nguyện, bằng đời sống bác ái yêu thương phục vụ, đó là bổn phận của mọi người Kitô hữu chúng ta.
Thế nhưng, để giới thiệu Chúa cho hiệu có hiệu quả, thì việc đầu tiên chúng ta phải nói với Chúa trước khi nói về Chúa cho người khác. Có nghĩa là chúng ta phải có kinh nghiệm sống gắn bó với Chúa như Gioan Tẩy, hay như các môn đệ đầu tiên, thì mới có khả năng giới thiệu Chúa cho người khác được.
Thế thì, khi giới thiệu là chúng ta giới thiệu về Chúa những gì?
Thưa có nhiều cách thế, nhưng có thể chúng ta giới thiệu về một Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Một Thiên Chúa Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót yêu thương con cái mình. Và tất cả mọi người đều là anh em với nhau con cùng một Cha trên trời. Thế nhưng mà trong thực tế, mỗi người chúng ta phải đấm ngực và nhìn nhận rằng: nhiều khi chúng ta chưa sống đúng với vai trò giới thiệu của mình.
Bởi vì, tất cả chúng ta là con cùng một Cha trên trời, ấy thế mà lòng vẫn còn đố kỵ chia rẽ, vẫn còn sống không chân thành với nhau, có khi ngay trong mái ấm gia đình, trong làng xóm ngõ, họ hàng ruột thịt của mình. Đời sống đạo của chúng ta nhiều khi chẳng tốt lành hơn những người ngoại giáo. Thì lúc đó thay vì giới thiệu Chúa, thì lại làm méo mó, làm lem luốc gương mặt của Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương và đạo yêu thương của mình.
Anh chị em thân mến,
Lời giới thiệu của Gioan tẩy giả năm xưa, nay vẫn còn nhắc lại trong phụng vụ trước khi chúng ta rước lễ “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian…”. Qua đó mẹ Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta hãy ý thức rằng: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Và Đức Giêsu cũng vì yêu thương mà xuống thế làm người để rồi gánh lấy tội lỗi chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta ý thức trong đời sống người Kitô hữu, là có nhiệm vụ giới thiệu Chúa cho người khác như Gioan tẩy giả, sống gắn bó với Chúa và sống yêu thương nhau. Vì như lời Chúa nói: “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giải ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc làm của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Amen.
NÀY LÀ CON THIÊN CHÚA- Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Theo bố cục của Tin Mừng thứ tư, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước dân chúng. Vì dân chúng chưa biết Chúa, nên Gioan Tẩy giả đã giới giới thiệu về Chúa cho mọi người. Gioan đã giới thiệu Chúa bằng hai hình ảnh xem ra có vẻ tương phản với nhau: Ngài vừa là Người Con yêu quý của Thiên Chúa cao sang, vừa là Người Tôi Tớ khiêm tốn thấp hèn của Thiên Chúa. Nhìn thoáng qua thì chúng ta thấy như vậy nhưng nhìn thật sâu, thật kỹ thì chúng ta thấy hai hình ảnh trên không những không đối chọi mà ngược lại còn bổ túc và soi sáng cho nhau: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cao sang nhưng cuộc sống của Ngài ở trần gian là cuộc sống như một Người Tôi Tớ, Người Tôi Tớ tuyệt hảo bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa ở giữa loài người. Nói một cách thật vắn gọn thì chúng ta thấy Chúa đã sống sự cao thượng của Ngài trong hoàn cảnh tầm thường; và trong hoàn cảnh tầm thường Ngài đã sống với tâm hồn cao thượng.
- Chúa Giêsu là ai?
- Vâng Chúa Giêsu là một Thiên Chúa cao sang.
Điều này Gioan đã công khai làm chứng. Lời chứng của Gioan có một giá trị hết sức đặc biệt. Toàn bộ bài Tin mừng hôm nay nói lên điều đó. “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
Vâng đúng như vậy, Chúa Giêsu là một Thiên Chúa cao sang: Đấng xóa bỏ tội trần gian, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. Có lẽ không còn từ nào nói về Chúa Giêsu cao hơn nữa.
- Nhưng bên cạnh hình ảnh về một Chúa Giêsu là một Thiên Chúa cao sang chúng ta lại còn thấy Gioan nói về Chúa như một Con Chiên của Thiên Chúa.Gioan đã có ý muốn nói gì khi giới thiệu về Chúa như thế?
Chúng ta biết Thành ngữ Chiên của Thiên Chúa là một thành ngữ hết sức kỳ diệu.
Chúng ta biết thời Cựu ước trong ngày lễ Đền tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó Tư Tế đặt tay trên đầu con dê, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.
Khi Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, phải chăng ngài cũng có ý cho mọi người hiểu rằng Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta.
Đức Giêsu gánh lấy và tha thứ tội lỗi chúng ta, như con chiên đã mang tội lỗi dân Do thái vào sa mạc. Thánh Gioan Tông Đồ cũng quả quyết: Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn cả tội lỗi cả thế gian nữa. (1Ga 2,2) Thánh Tông Đồ Phêrô còn nói rõ hơn: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. (1Pr 2,24). Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta đã thành thánh hết. Lý do là vì thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn. Đức Giêsu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận ấy, dĩ nhiên là với sự hợp tác của chúng ta.
B- CHÚNG TA HỢP TÁC THỂ NÀO?
Nói một cách thật vắn là chúng ta hãy sống như Chúa đã sống. Cuộc sống của Chúa là bài học và cũng là tấm gương cho chúng ta.
Chúng ta tự hỏi Chúa đã sống như thế nào? Ngài đã sống sự cao thượng của Ngài trong hoàn cảnh tầm thường; và trong hoàn cảnh tầm thường Ngài đã sống với tâm hồn cao thượng.
Qua Tin mừng chúng ta thấy mặc dầu là Thiên Chúa nhưng Chúa đã sống hoà mình với mọi người. Nhưng khi sống hòa mình với mọi người chúng ta thấy Ngài vẫn luôn giữ được phẩm giá của mình là Thiên Chúa. Xin được gửi đến anh chị em một bài thơ mà tác giả là Rabindranath Tagore, một nhà văn hào được cả loài người kính nể và yêu mến. Ông đã có rất nhiều cảm nghiệm sâu xa về Chúa Giêsu mặc dù ông không phải là một người có đạo. Đây là một bài thơ ông viết ra để để mô tả về cuộc đời của Chúa, một cuộc đời cao thượng trong hoàn cảnh tầm thường; và trong hoàn cảnh tầm thường Ngài vẫn giữ được tâm hồn cao thượng.
Sáng hôm nay, con được làm bạn đường cùng đi với Chúa về làng.
Con cử thắc mắc mãi: ở nhà quê thì có gì vui đâu mà lại đi tổ chức… du lịch?
Vậy mà ngang qua một bờ đê, Chúa đã dừng lại để lội xuống ruộng, đón lấy tay cầy đằng sau con trâu gầy còm của một bác nông dân.
Rồi Chúa lại còn cùng tát nước với họ vào một mảnh ruộng khác đang khô nước.
Chúa làm một cách say mê vui vẻ trong khi nắng đã lên cao, trời nóng dần đến mức như đổ lửa…
Con cũng đành phải làm theo Chúa mà miệng thì cứ lẩm bẩm: đúng là đang đâu lại đi chuốc vào thân những vất và cực nhọc! Rõ khổ!
Đến quá trưa, Chúa chia tay với những người dân cầy chất phác và vui tính sau khi uống một bát nước vối họ mời.
Chúa quay lại bảo con: “Nào, chúng mình về một khu ngoại thành đi!”
Con cứ ngỡ Chúa sẽ vào một quán nước có máy lạnh dành cho khách du lịch để nghỉ ngơi…
Vậy mà, vừa gặp một tốp thợ đang thi công một đoạn quốc lộ, Chúa lại đã ghé vào, xắn tay áo xin cùng làm với họ.
Chúa cũng xúc đá, cũng đội sọt cát trên vai hoặc lăn một thùng hắc ín đến lò nấu dã chiến bên vệ đường…
Cứ thế, vừa làm Chúa vừa trò chuyện thân tình với họ, mặc cho mồ hôi muối túa ra ướt đẫm lưng áo.
Con lại cũng đành phải làm theo Chúa, cố tình chọn một việc nhẹ nhất cho đỡ mệt, hơi sức đâu mà đánh liều với thứ công việc khổ sai như thế.
Xập tối Chúa chia tay với cánh thợ bộc trực và gân guốc sau khi rít một điếu thuốc rê với họ.
Chúa lại bảo con đi tiếp đến một thị trấn nhỏ gần đó.
Con cứ ngỡ phen này Chúa sẽ tìm một khách sạn để nghỉ ngơi và dùng cơm tối,
Đói bụng lăm rồi còn gì.
Thế mà khi ngang qua một vùng ven thị trấn, Chúa lại bảo con ghé vào thăm một làng phong.
Ở đây, Chúa đã ngồi xuống bên những bệnh nhân tật nguyền, xúc cơm đổ thuốc, lau mặt thay áo cho họ, mặc cho những vết thương lở loét của họ bốc lên mùi hôi tanh ghê sợ.
Chúa còn đến tận giường để an ủi nâng đỡ một cụ già đang hấp hối sau đời gánh chịu căn bệnh đau đớn cùng nỗi tủi nhục, bị con cháu và xã hội xua đuổi.
Con cũng đành phải làm theo Chúa, nhưng chỉ là phụ giúp giặt khăn rót nước hoặc lấy bông băng đưa cho Chúa…
Mãi đến khuya, Chúa mới chịu chia tay với những người phong cùi sau khi vuốt mắt cho cụ già vừa qua đời.
Về lại thành phố, con đang thầm lo: không biết Chúa còn định đi những đâu nữa đây, khổ quá đi mất!
Du lịch mà cứ như là một chuyến công tác xã hội từ thiện, biết vậy, hôm nay con đã chẳng nhận lời theo Chúa đi lang thang vạ vật như thế này…
Thế rồi, ngang qua một nguyện đường nhỏ bé của một dòng tu, Chúa bảo con: “Mình cùng vào cầu nguyện một chút nhé”
Con thở phào yên tâm.
Nhưng tối khuya thế này, ai mà mở cửa cho vào?
Không ngờ Chúa dừng lại trước cánh cửa lớn nhà thờ, quỳ xuống thềm và bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của Người: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha giấu không cho các người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha… “
Đến lúc này thì con mới chợt hiểu tất cả để lặng lẽ quỳ xuống bên Chúa, lòng bật lên lời tâm nguyện:
“Con cố gắng cúi mình khiêm nhu, xuống dấu chân nơi Ngài dừng lại nhưng sâu hút vô ngần Ngài ơi, vẫn không sao chạm được…
Vâng sống như Chúa Giêsu là sống như thế: Cao cả trong những cái tầm thường nhưng tầm thường với một tâm hồn cao cả.
Xin được kết cũng bằng một bài thơ khác của Tagore.
Lạy Thiên Chúa, đây lời con cầu nguyện:Xin tận diệt, tận diệt trong tim con mọi biển lận tầm thường.Xin cho con sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui.Xin cho con sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho con sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.Xin cho con sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.Và cho con sức mạnh tràn trề để nâng mình theo ý Ngài luôn. Amen.
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN-A
LỜI CHỨNG– Lm. Phao lô Lê Văn Nhơn
Một hành trình sống đạo
Tôi muốn nói gì? Thưa: sẽ là chán ngấy, nếu chỉ như một kịch bản diễn đi diễn lại hằng năm. Chúa Giêsu giáng sinh với hình hài bé thơ trong ánh đèn màu. Một thoáng mây trắng bay trên bầu trời trong xanh của dòng Jordan thơ mộng, đã là một người lớn “trạc độ 30 tuổi”. Không phải thế, mùa Phụng vụ là hành trình sống đạo của Hội thánh và của mổi người Kitô hữu chúng ta. Bằng vào sự biến chuyển của thời tiết, loài người trên hành tinh nầy gọi bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông, cứ tưởng chẳng ảnh hưởng gì, nào ngờ….” Một phen xuân đến một phen già”. Không nghi ngờ gì, tạo Hóa đã an bài trong mỗi mùa những chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự sinh tồn và phát triển của muôn loài. Mùa Phụng Vụ, Thiên Chúa toàn năng giàu lòng yêu thương đã tiên liệu những hồng ân đầy đủ để mổi người chúng ta theo đuổi sự nghiệp thánh hóa đời mình. Mùa Giáng Sinh chúng ta đem tất cả niềm tin đón mừng Con Thiên Chúa làm người ,giành cho Ngài một miền đất sống trong tâm hồn chúng ta. Mùa Quanh năm chúng ta đón nhận hồng ân củng cố sự lựa chọn mang tính hiện sinh ấy, và triển nở đến đỉnh cao trưởng thành và viên mãn của Thân Thể nhiệm mầu Chúa Giêsu Kitô.
Lời chứng của Gioan Tẩy Giả
Trong tầm nhìn vỹ mô ấy, Lời Chúa hôm nay muốn xây dựng niềm tin vào Con Thiên Chúa trên chứng từ của thánh Gioan Tẩy Giả ,một cửa sổ đặc biệt có thể mở ra đón ánh sáng Thần Khí ngay từ trong lòng mẹ. Không một con cái người nữ nào trên mặt đất nầy có thể nói như trong mơ rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng Đấng sai tôi làm Phép Rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: Chính Ngài là Con Thiên Chúa.” Chuyện kể rằng hồi kết của Lời chứng ấy thấm nhuộm máu đào. “ Các môn đệ đem xác Ngài về an táng trong phần mộ”. Tôi không nghi ngờ gì, nhưng quả thật Ngài làm tôi choáng váng vì
Một điều kỳ diệu quá lớn lao!
Đấng Mê-xi-a, cũng gọi là Đấng Kitô, người muôn dân trông đợi,chính là Con Thiên Chúa sao?
Suốt dòng Kinh thánh cựu ước, ngay cả cụm từ Con Thiên Chúa cũng như ngọn đèn khi tỏ khi mờ.Không phải ánh sáng Thần Khí không đủ sáng, nhưng vì tầm trí năng của các ngôn sứ không đủ kích cở để có thể đón nhận và phản chiếu ánh sáng chói chan của Thần Khí. “Cho đến thời Ông Gioan” Tẩy giả, Thiên Chúa toàn năng sáng tạo một cửa sổ đặc biệt ngay từ trong lòng mẹ. Lần gặp gở đầu tiên Đấng Mê-xi-a, Gioan đã nhảy mừng. Bằng một tác động bình thường của thai nhi, em bé thông truyền ánh sáng Thần Khí cho mẹ mình khiến “bà đầy Thánh Thần và thốt lên ôi Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Còn hơn một ngôn sứ nữa, ông Gioan là người cao cả, Chúa Giêsu đã nói về thánh Gioan tẩy giả như thế. Trong Phúc Âm của mình thánh Gioan tông đồ cho biết “Gioan không phải là Sự Sáng nhưng Ông đến để chứng minh Sự Sáng”
Lời Chứng của Đức Maria
Thánh Am-brô-xi-ô tập chú vào sự kiện Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-za-bết nơi Tin mừng thánh Luca: “Bà mẹ đón nhận Đức Maria đến thăm,còn người con lại cảm thấy Chúa ngự đến…Con trẻ nhảy mừng, bà mẹ đầy tràn ơn thánh. Không phải bà mẹ được đầy ơn trước, nhưng vì con được đầy tràn Thánh Thần nên cũng làm cho mẹ được đầy tràn”. Được thúc đẩy bởi Thánh Thần Đức Maria vội vã ra đi lên miền rừng núi xứ Giu-đê-a viếng thăm bà chị họ Ê-li-za-bết. Vì lòng bác ái chăng? Đúng vậy, nhưng trước hết để chu toàn sứ mệnh cao cả Thiên Chúa ủy thác. Đức Maria phải có mặt trong biến cố nầy để xác nhận Lời loan báo của Thánh Thần qua vị ngôn sứ của Ngài:”Mẹ Thiên Chúa” đến viếng thăm. Đúng vậy, Thiên Chúa đã ký gởi cho Mẹ Điều kỳ diệu quá lớn lao ấy.
Lời chứng cho chính mình
“Ta có chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta”. Thánh Gioan tông đồ đã cẩn thận ghi lại những lời vàng ngọc ấy là vì “để anh em tin mà được sống đời đời”. Con chim Phượng hoàng bay vút thinh không ấy thật diểm phúc: vì “Không ai biết Cha trừ ra Con, cũng không ai biết Con trừ ra Cha, và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Lần khởi đi từ Lời Chứng nầy, hồi nhớ về biến cố năm 12 tuổi: Người ở lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem(nơi mà sau nầy Người gọi là Nhà Cha Ta) giữa các nhà thông thái đang nghiên cứu Thánh Kinh, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc mang tính hàn lâm cao khiến các ông vô cùng kinh ngạc – Là vì Lời đã làm người mà các ông không hay biết – Điểm sáng bỏ qua cảnh ấy, hội tụ đến một nơi rất quan trọng. Trước sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Giuse (chính xác là dựa vào tình phụ tử trần gian) Lời chính thức loan báo về chính mình:
– “Thầy Mẹ tìm con làm gì? Thầy Mẹ không biết rằng CON phải thu xếp các công việc cho CHA con ư?”(lời dịch của Đức Hồng y Trịnh văn Căn từ Bản Phổ Thông)
– “Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là CON phải ở nơi nhà CHA con sao?”
(Lời dịch của cha Nguyễn thế Thuấn từ bản văn Hy Lạp)
Cơ hồ là một huyền nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở. Phải chính Lời tỏ ra khi đến thời gian viên mãn.
Thiên Chúa Cha đích thân Xác nhận
Bước lên từ dòng sông Jordan lửng lờ trôi như dòng lệ sám hối của sứ điệp thánh Gioan tẩy giả, Chúa Giêsu đang cầu nguyện. Bỏ qua lời thoại giải thích của thánh Matthêô, thánh Luca đi ngay vào quang cảnh Thần hiện:”Trời mở ra và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim câu, đáp xuống trên Ngài, và từ trời một tiếng phát ra:
Con là Con chí ái Ta, Kẻ Ta đã sủng mộ
Một nơi khác, Chính Chúa Giêsu xác nhận, Lời ấy phán ra vì anh em có nghĩa là vì sự cứu độ của muôn người, hay diển tả như thánh Gioan tông đồ “Là để anh em tin mà được sống muôn đời”.
Lời Chứng của Hội Thánh
Chính Chúa Giêsu đã tiên liệu Lời chứng mang tính pháp lý nầy,khi dẫn Phê-rô, Giacôbê, và Gioan lên núi Taborê cầu nguyện. Nơi quang cảnh Thần hiện ấy, từ trong đám mây có tiếng phán ra: “Nầy là CON rất yêu dấu của TA, các ngươi hãy nghe lời Người”. Lời Chứng nầy mang tính pháp lý, vì khi thánh Phê-rô làm chứng điều nầy Ngài đã cố ý dùng từ chúng tôi có nghĩa là Lời chứng có giá trị trước tòa án theo như luật pháp lúc bấy giờ quy định. Lời chứng của ba nhân chứng.
Niềm tin vào CON THIÊN CHÚA
Những Lời chứng trên đây rốt cuộc cũng chỉ là dấu chỉ của đức tin,là lời mời gọi Hãy tin vào Con Thiên Chúa. Thật vậy,có lẽ ai đó còn có nhiều Lời chứng sâu sắc rộng rãi hơn, nhưng khi đối diện với lòng mình tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng sợ hãi. Một sự sợ hãi kinh hoàng bao phủ tôi giống như sự sợ hãi của dân Do-thái khi đứng trước ngỏ cụt, trước là biển cả,phía sau quân thù đuổi bắt!
Trước mặt tôi là vực thẳm tăm tối,nhưng trong tôi vang lên lời thôi thúc: hay tín thác vào bàn tay uy quyền toàn năng như một bàn tay nhiệm mầu đủ sức đưa tôi từ nơi tối tăm kinh hoàng đến nơi ánh sáng kỳ diệu. Tôi đã nhảy vào vực thẳm ấy: Niềm tin vào CON THIÊN CHÚA.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam