Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1374880

GIỚI THIỆU BẰNG KINH NGHIỆM SỐNG

Giới thiệu bằng kinh nghiệm sống

Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông hay qua người này người kia chúng ta nhận được nhiều sự giới thiệu khác nhau. Có khi chúng ta nhận được sự giới thiệu về con người. Cũng có khi chúng ta nhận được sự giới thiệu về đồ vật. Những lời giới thiệu ấy hầu như là những lời tốt đẹp. Dầu vậy, thực chất nhiều khi những con người hay những sự vật ấy lại làm cho chúng ta hoàn toàn thất vọng. Bởi lẽ, những lời giới thiệu ấy chỉ được truyền qua từ người này sang người nọ. Cho nên mức độ chính xác nhiều khi không còn được bảo đảm. Nói cách khác những lời giới thiệu ấy được truyền đi vì không bằng chính kinh nghiệm sống.

Đoạn Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh những lời giới thiệu của Thánh Gioan về Chúa Giêsu cho một số tư tế và mấy thầy Lêvi. Họ đến hỏi ông có phải là Đấng Kitô không. Ông xác nhận với họ ông không phải là Đấng Kitô mà chỉ là người dọn đường cho Ngài. Và mở đầu đoạn Tin mừng hôm nay chúng ta thấy: "Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Ga 1, 29)

Đây là lời giới thiệu đầy xác tín của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là Đấng đến đem ơn cứu rỗi đến cho toàn thể nhân loại. Người là "con chiên" vô tội đến gánh tội thay cho cả trần gian đầy tội lỗi. Tuần trước với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã được Chúa Cha giới thiệu cho biết Chúa Giêsu chính là Con yêu dấu của Ngài. Vì qua biến cố ấy Chúa Giêsu chính thức ra đi thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó. Sứ mạng ấy là loan báo Tin mừng và đem sự giải thoát đến cho nhân loại.

Người ta thường nói: Không ai cho cái mình không có. Đúng vậy, qua thời gian ăn chay nhiệm nhặt trong hoang địa Thánh Gian đã được Thiên Chúa soi sáng cho biết mình phải làm gì để dọn đường cho Đấng Cứu Thế Giêsu. Do đó, những lời giới thiệu của Thánh Gioan là sự thật vì phát xuất từ kinh nghiệm sống thiêng liêng quý báu của mình.

Một trong ba sứ mạng của những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội là tiên tri. Với sứ mạng này chúng ta được mời gọi giới thiệu về tình yêu của Chúa Giêsu cho những người xung quanh. Làm sao có thể giới thiệu về Chúa cho được nếu chúng ta không có hay chưa có kinh nghiệm sống thiêng liêng về Người. Muốn có được kinh nghiệm sống thiêng liêng về Chúa Giêsu không cách nào khác đòi hỏi chúng ta phải thật sự gắn bó với Người. Siêng năng lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí Thánh Thể là phương thế tốt nhất để chúng ta có được kinh nghiệm sống thiêng liêng về Chúa Giêsu. Nhờ đó, qua cách sống của mình chúng ta mới thật sự có được những lời giới thiệu sống động về Người cho anh chị em xung quanh.

 

17. Chính Ngài là Con Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Bước vào Chúa nhật II thường niên A, thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ sinh động và đầy ấn tượng mà ông chứng kiến tận mắt giữa thầy mình là Gioan Tẩy Giả với Chúa Giêsu, ông viết: "Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình" (Ga 1, 29). "Thấy Chúa Giêsu tiến về mình", đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả ‘ngày mai’. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng từ ‘ngày mai’, chúng ta bắt đầu một ngày mới, Năm Phụng vụ mới khai mào. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian." (Ga 1, 29)

Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa

Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu đến trần gian với một sứ vụ đặc biệt là giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhưng người ta tự hỏi: Người giải thoát con người bằng cách nào? Thưa, bằng tình yêu. Bởi tình yêu là khí cụ duy nhất để chiến thắng sự dữ và sự tội. Chúa Giêsu yêu chúng ta bằng một tình yêu thế mạng. Người là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những ai sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con mình tới làm giá chuộc muôn người (x. Ga 3,16; Mc 10, 45), Chúa Giêsu đã trở nên Con Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.

Là Đấng xóa tội trần gian

Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Chúa Giêsu là Đấng vô tội đã gánh chịu những đau khổ và mang lấy tật nguyền của chúng ta (x. Is 53,4) Người đã vui lòng chịu chết trên thập giá và hiến tế vì chúng ta, đúng thật Người là Con Chiên đã chịu chết và sống lại để tiêu diệt sự chết và tẩy xóa tội khiên. Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: "Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu? "(1 Cr 15,55; Os 13,14...) " Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật " (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi. Người đích thực là Con Chiên vượt qua, bị nhấn chìm trong dòng sống tội lỗi để thánh tẩy chúng ta.

Sống đời nhân chứng

Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống mình. Ngài đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian". Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.

Có người đặt vấn nạn: Giữa một xã hội gian dối lọc lừa, ích kỷ, hưởng thụ, ghen ghét, hận thù và coi nhẹ sự thủy chung, chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào được?

Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lên cho chúng ta câu trả lời: làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một "thành trì bị vây hãm", nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Đức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn" (Kinh truyền tin Chúa nhật 19/01/2014).

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin giúp chúng con biết dùng lời nói và việc làm để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

 

18. Đây Chiên Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Minh Chánh)

Khi Gioan Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “ Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1.29). Qua lời giới thiệu trên, Thánh Gioan Tẩy Giả muốn giúp chúng ta khám phá hình ảnh con chiên trong Cựu ước. Và từ hình ảnh đó, mỗi người chúng ta sẽ dễ nhận ra Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa như lời Thánh Gioan Tẩy Giả đã khẳng định. Nhờ đó chúng ta sẽ được khơi lên niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, Nguồn hạnh phúc của chúng ta.

1/ Chiên Vượt Qua:

Khi Thiên Chúa quyết định giải thoát dân Israel ra khỏi Ai Cập, Ngài truyền cho mỗi gia đình trong dân Do thái phải sát tế một con chiên đực. Con Chiên sát tế phải toàn ven, không quá một tuổi. Hơn nữa phải lấy máu chiên bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Trong đêm ấy, Đức Chúa sẽ rảo khắp đất Ai Cập, sẽ sát hại các con đầu lòng Ai Cập. Còn vết máu chiên được bôi lên khung cửa nhà của dân Do thái, đó là dấu hiệu dân Chúa đang ở đó, Đức Chúa sẽ vượt qua và con cái dân Do Thái sẽ không bi tiêu diệt (x Xh 12,1-4). Như vậy nhờ máu chiên trong tiệc vượt qua, dân Do Thái đã không bị tiệu diệt, nhưng nhờ đó mà họ đã được giải thoát khỏi đất nô lệ Ai Cập, được trở nên dân tộc được Chúa thánh hiến, được Chúa nhận làm dân sở hữu, được phụng thờ Thiên Chúa.

Từ hình ảnh con chiên vượt qua trong Cựu ước, sau này các vị chứng nhân trong Tân ước đã nhận thấy nơi Đức Giêsu Kitô chính là Con Chiên Vượt Qua đích thực.

2/ Đức Giêsu Là Chiên Vượt Qua:

Không phải vô tình hay do cảm hứng mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã khẳng định với mọi người Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Chắc hẳn những lời từ miệng Gioan Tẩy Giả thốt ra, đó là kết quả của chuỗi ngày ngài đã cảm nghiệm về sứ mạng mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trong trần gian. Theo Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu sẽ hoàn tất sứ mạng của Ngài bằng việc phải đổ máu, phải chịu sát tế như chiên con. Và kết quả công trình cứu độ của Đức Giêsu là nhờ Máu Ngài mà nhân loại được cứu độ.

Về điểm này, chính Thánh Phêrô đã khẳng định cho chúng ta ơn cứu độ mà nhân loại được đón nhận là nhờ Máu của Đức Giêsu Kitô đổ ra, Ngài chính là Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã nói: “ Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích là Đức Kitô” (1 Pr 1,19). Hơn nữa bằng tất cả lòng xác tín ơn cứu độ được thực hiên nhờ Máu Đức Giêsu đổ ra, Tác giả thư Do thái đã tuyên xưng cho chúng ta biết: “ Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa Hằng Sống” (Dt 9,14). Như vậy, qua những dòng cảm nhận của các chứng nhân về Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa. Tất cả như muốn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài ơn cứu độ sẽ tuôn chảy đến mọi tâm hồn. Và những ai tin tưởng cũng như đón nhận Máu sự sống của Ngài, chắc chắn sẽ được tẩy xoá mọi vết nhơ, được giao hoà với Thiên Chúa, được đón nhận sự sống muôn đời. Vì trong khi lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về hiệu lực của việc Ngài tự đổ máu cho nhân loại, khi Chúa nói: “ Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, Máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Và nơi khác Chúa lại khẳng định dứt khoát bằng những lời rõ ràng này như sau: “ Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”(Ga 6,54). Đây cũng là lời hứa cứu độ mà Đức Giêsu đã khơi nên niềm hy vọng cho chúng ta.

3/ Niềm Hy Vọng Nơi Đức Giêsu Là Chiên Thiên Chúa:

Từ hình ảnh Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, giờ phút này đã khơi lên trong tâm hồn chúng ta niềm hy vọng vững chắc nơi Ngài. Nếu như dân Do thái bên đất Ai Cập khi xưa đã được cứu sống nhờ máu con chiên, thì Đức Kitô nhờ Máu Ngài đổ ra trên thập giá, Ngài đã đem lại sự sống toàn vẹn cho chúng ta. Kể từ giây phút tuyệt vời ấy, sự sống con người phải được bắt nguồn từ Đức Kitô. Con người sống là nhờ Đức Kitô, bởi Đức Kitô. Hay nói cách khác, Đức Kitô Chiên Thiên Chúa chính là sự sống của con người.

Khi nhìn ơn cứu độ khởi sự từ Đức Kitô, chúng ta rất an lòng và vững tâm. Vì thế chúng ta hãy tìm đến Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đển đón nhận Máu cứu độ của Ngài. Chắc chắn khi khao khát được hiệp thông trọn ven với Máu Đức Kitô là Nguồn suối mang lai sự đổi mới cho sự sống nhân loại, chúng ta bắt đầu một nguồn sống mới với niềm hy vọng tốt đẹp cho tương lai. Đời sống mới này sẽ do chính Chúa ban tặng cho chúng ta, nghĩa là: Từ con người trước đây là nạn nhân của những bất công, chúng ta sẽ tìm gặp công lý và sự thật. Từ con người bị nô lệ cho tội lỗi, chúng ta sẽ được giao hoà với Thiên Chúa và được tự do hoàn toàn trong Chúa. Từ con người mất tình nghĩa với Thiên Chúa, chúng ta sẽ được trở nên người thân tình với Thiên Chúa. Đặc biệt từ một con người thiếu vắng sự sống của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được đón nhận tràn đầy sự sống từ Thiên Chúa, sự sống bất diệt và hạnh phúc muôn thuở.

Với những cảm nghiệm cùng với niềm hy vọng vững chắc vào Đức Giêsu Kitô Chiên Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ rất vững tâm và an lòng. Thế nhưng chúng ta cũng phải biết khiêm tốn xin Me Maria luôn nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta mỗi ngày, luôn biết gắn bó với Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian. Amen.

 

19. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội của trần gian

Phụng vụ Chúa nhật II thường niên A làm cho chúng ta nhớ lại chủ đề của tuần trước, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nhưng Isaia trình bày về người Tôi Tớ cách mới mẻ hơn (Bài đọc I) và Phúc Âm cũng thế, nói về phép rửa của Chúa Giêsu nhưng trong bản văn của Gioan. Tại sao có sự lặp lại này, khi chúng ta bước vào một mùa phụng vụ mới?

Có lúc chúng ta cần phải nghe một lần nữa, để bổ sung hay làm sáng tỏ các mầu nhiệm. Tuần trước, lời Chúa mời gọi chúng ta sống chức phận làm con. Đó là điều cần thiết. Tuần này, lời Chúa mời gọi chúng ta đặt mình vào vị trí của Gioan Tẩy Giả để thấy được kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Tin Mừng hôm nay trình bày nhân vật Gioan Tẩy Giả như sau: " Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình" (Ga 1, 29). "Thấy Chúa Giêsu tiến về mình", đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả 'ngày mai'. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng từ 'ngày mai', chúng ta cử hành một ngày mới bắt đầu, Năm Phụng vụ mới bắt đầu. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian."

Đây là Chiên Thiên Chúa

Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế, Ngài còn phục hồi tất cả những người sống trên trần gian này và cứ chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người... Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi và đây là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc tội cho toàn dân ( Ga 3,16; Mc 10, 45), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Ngài là Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.

Đấng xóa tội trần gian

Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Con Chiên đã chịu chết và sống lại, mầm mống sự chết bị tiêu tan, tội lỗi được tẩy xóa, còn tội nào khiền chúng ta phải chết nữa không? Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: "Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu? "(1 Cor 15,55; Os 13,14... " Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật " (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi.

Gioan là mẫu người đi tìm Chúa

Gioan Tẩy Giả là một tiên tri, biết nhận ra Thiên Chúa giữa loài người. Nhưng làm thế nào ông biết Thiên Chúa ẩn tàng trong nhân loại? Ông thừa nhận là: "Tôi đã không biết Ngài". Tuyên bố của ông thật là lạ, vì Chúa Giêsu và Gioan là anh em họ hàng với nhau, hai bà mẹ đã viếng thăm nhau, Chúa Giêsu và Gioan đã gặp nhau, ấy vậy mà ông vấn lặp đi lặp lại cách khẳng định điệp từ: "Tôi đã không biết Người."

Có hai yếu tố: Gioan biết phân biệt ngày hoàn tất lời các ngôn và ngày Giêsu người anh em họ với mình tỏ mình là Chiên Thiên Chúa. Ông quan sát dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Gioan không phải là người lặp lại lời ngôn sứ Isaia. Ông đọc đi đọc lại Thánh Kinh và sách các ngôn sứ, nhưng ông đã làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: "Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi". Quả thật, Ngôi Lời Thiên Chúa lần đầu tiên mặc khải trong xác phàm, vậy là câu Gioan nói "Tôi đã không biết Người", cho thấy, trước khi biết Đấng hoàn tất lời hứa, cần phải đón nhận lời các ngôn sứ và Thánh Kinh. Gioan đã thất bại khi tuyên xưng: "Tôi đã không biết Người". Ông bối rối khi vẫn chưa chính thức công nhận người thực hiện lời hứa, ông xác định rõ ràng Chúa Giêsu là Ngôi Lời làm người, lời hứa của Thiên Chúa để cứu chuộc nhân loại. Thì ra, khi con người bất lực, ân sủng của Chúa Thánh Thần là ngọn đuốc chiếu sáng tâm linh. Gioan quả là mẫu người lý tưởng trong sự nhận biết và đi tìm Chúa. Ông đã trở thành "Tẩy Giả" thực hiện đầy đủ ơn gọi của mình, ông không nói như là tiếng vọng của tiên tri Isaia, Gioan đã viết lời tiên tri một lần nữa và tham gia trong việc thực hiện lời hứa. Có như vậy, ông mới thực sự biết Thiên Chúa và sống đến cùng ơn gọi của mình và làm chứng cho mọi người biết rằng: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian".

Gioan là người lồng tiếng truyền đi sứ điệp mà ông đã được ủy thác. Sứ điệp Gioan truyền thật là một công thức đẹp và độc đáo, được lặp đi lặp lại ở tất cả các Bí tích Thánh Thể, được thể hiện dưới ánh mắt thân mật và yêu thương nhất của Thiên Chúa. "Đây là Chiên Thiên Chúa". Đây sự tuyển chọn Abraham và giao ước với nhà Đavid, đây là người Tôi Tớ đau khổ và là Chiên Vượt Qua. Đây là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Đây là Con Thiên Chúa.

Gioan kết luận: "Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Người là Con Thiên Chúa". Đó là lời chứng và cũng là lời giải thích của Gioan về sự nhận biết và tôn thờ cũng như đón nhận Lời Chúa để thông phần vinh quan với Người; hành động đức tin biến chúng ta thành người tôi tớ hợp nhất với người môn đệ dưới chân Thánh Giá: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian." Ngôi Lời bị ăn, vị linh mục dương cao Mình Thánh Chúa lên cho chúng ta thờ lạy, chúng ta sẵn sàng công bố: "Đây là mầu nhiệm đức tin."...

 

20. Hiền lành và khiêm nhường

Mỗi hình ảnh, mỗi cụm từ đều mang một ý nghĩa nào đó. Mỗi câu chuyện, mỗi dụ ngôn, mỗi huyền thoại cũng đều nói lên một sứ điệp nào đó. Cụm từ "Con Chiên" trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay là hiện thân của sự thật. Sự thật là Đấng cứu thế đã hiến thân vì nhân loại như lời Người đã tuyên bố: "không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13). Đấng cứu thế là Đức Giêsu Kitô mà Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với môn đệ ông: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian" (Ga 1,29). Chiên Thiên Chúa gợi lên hình ảnh của chiên vuợt qua, chiên xoá tội, chiên hiền lành và khiêm nhường như Isaia đã nói về người tôi tớ đau khổ.

- Chiên Vượt qua: Biến cố Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng người Aicập nhưng không sát hạt các con đầu lòng người Do thái nhờ dấu máu chiên bôi trên cửa.

- Chiên xoá tội: con chiên gánh tội của dân. Vị tư tế đặt tay trên đầu con chiên với ngụ ý đem hết tội lỗi của dân đặt trên mình con chiên và sau đó đánh đuổi nó vào sa mạc.

- Sau cùng, hình ảnh trung thực nhất về Đấng cứu thế là hình ảnh người tôi tớ đau khổ. "Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca. Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người không mở miệng kêu ca" (Is 53,6-7). Đây là điều mà Gioan tẩy Giả muốn giới thiệu và ám chỉ tới "người tôi tớ hiền lành và khiêm nhường".

Nhiều người quan niệm rằng: Thiên Chúa đã cứu chuôc chúng ta nên chúng ta có phạm tội đến đâu Chúa cũng tha. Họ nghĩ Chúa đã tha thư rồi nên mình chẳng cần phải làm gì. Con thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc chúng ta không phải bằng cách gánh tội thay cho chúng ta để rồi ta chỉ "ngồi chơi xơi nước". Chúa không đối xử với ta như một đứa trẻ nhưng đối xử với ta như một người trường thánh có ý thức, tự do và ý chí. Ngài cứu chuộc chúng ta bằng cách mở cho chúng ta con đường dẫn tới Thiên đàng. Đó là con đường Giêsu, "Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống". Bất cứ ai tin và theo lối ấy thì đạt tới Thiên đàng. Suy nghĩ và cầu nguyện, tôi thấy con đường này có hai đặc điểm, cũng là những gì Gioan tẩy giả đã giới thiệu cho chúng ta: con đường hiền lành và khiêm nhường; "các ngươi hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng".

- Hiền lành không có nghĩa là nhu nhược. Nhưng hiền lành là không lấy ác báo ác, không làm ngơ trước điều ác nhưng hãy lấy yêu thương mà đối xử với nhau. Ai hiền lành thì được Thiên Chúa và mọi người thương mến.

- Khiêm nhường là nhìn nhận sự thật về mình. Người khiêm nhường được Chúa thương, dễ dàng đến với Chúa và đón nhận ý Chúa. Câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện (người biệt phái và người thu thuế) cho ta thấy rõ điều đó. Người biệt phái kiêu ngạo đã không được tha; người thu thuế khiêm nhường được tha thứ. Hơn nữa, Người khiêm nhường dễ dàng chấp nhận mình, đón nhận anh em và vâng lời bề trên. Ngoài ra, khiêm nhường còn đem tới nhiều ích lợi khác nữa.

Câu chuyện thánh Clement: Thánh nhân thường đi xin để giúp các em mồ côi. Một hôm thánh nhân đi vào một quán ăn. Khi thánh nhân đến một bàn có nhiều thanh niên đang ngồi ăn để xin thì bị một thanh niên xỉ nhục và nhổ nước bọt vào mặt. Thánh nhân hết sức bình tĩnh trả lời: "cám ơn anh! đó là cái anh cho tôi. Vậy phần của các em mồ côi đâu?" Anh thanh niên nọ xấu hổ quá buộc phải móc hầu bao đưa cho. Hiền lành và khiêm nhường còn là những nhân đức cốt lõi nhất giúp ta sống các nhân đức khác. Có một vị linh mục lớn tưổi rất đạo đức tốt lành. Một giáo dân thấy cha đạo đức thánh thiện nên mới hỏi: Cha có bí quyết nào mà sống được như thế? Cha xứ ôn tồn trả lời: Bí quyết của tôi là sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận để gởi đến quý ông bà anh chị em: "Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng con còn được thoải mái hơn phần nào!". Nghĩa là càng khiêm tốn thì càng hạnh phúc hơn. Cầu chúc quý ông bà anh chị em luôn biết sống hiền lành và khiêm nhường để luôn được an vui hạnh phúc trong cuộc sống mình và mai sau được hạnh phúc vĩnh cửu.

 

home Mục lục Lưu trữ