Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1370385

Giọt lệ Ăn Năn

Giọt lệ ăn năn

Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận lễ Phật Đản là lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng Vua sám hối độc nhất ở Việt Nam, với tạo hình độc đáo.

Đó là tượng tạc nhà vua mặc triều phục đang quỳ, hai bàn tay vua cung kính mở rộng để trên mặt phẳng, tương xứng với thân vua đang trong tư thế cúi lạy, mang trên lưng một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen. Tương truyền tượng này do chính vua Lê Hy Tông sai tạc để tỏ lòng sám hối của mình, sau sự kiện thiền sư Tông Diễn, thuộc phái Tào Động đời thứ 37, vào kinh dâng ngọc khai thị. Theo nhiều nhà nghiên cứu, khoảng năm 1678, vua Lê Hy Tông có lệnh buộc tăng ni phải lui về chốn núi rừng, thôn xóm vắng vẻ để hành đạo, chứ không được ở kinh đô Thăng Long nữa. Nghe tin này, thiền sư Tông Diễn, bấy giờ đã đắc pháp ở chùa Vọng Lão trên Yên Tử, đã xuống núi đến kinh thành, xin yết kiến nhà vua để dâng một hộp ngọc. Khi được triệu vào cung, dâng hộp lên thì bên trong chỉ có một tờ biểu, kể rõ lợi ích của việc ứng dụng Phật pháp vào chính sự, nhằm đưa đến thái bình thịnh trị, cứu đời an dân như đã thấy ở đời Lý - Trần. Lợi ích này rõ ràng và tỏa sáng như một viên ngọc quý, tuy vô hình nhưng không bị thời gian và lịch sử hủy hoại. Vua đọc xong bèn thỉnh thiền sư đến tham vấn, hỏi đạo. Được thiền sư giải đáp trôi chảy và nêu lên những báo ứng không tránh khỏi của tội hủy báng, ngăn trở hoặc bài xích Phật pháp, vua Lê Hy Tông tỉnh ngộ sai tạc tượng sám hối trên.

Hiện pho tượng này còn đặt tại chùa Hòe Nhai (tức Hồng Phúc tự) là nơi thiền sư Tông Diễn cuối đời đã về hoằng pháp ở đó và cho khắc 2 bộ kinh tối thượng là Hoa nghiêm và Pháp hoa trước khi sư thị tịnh vào năm Kỷ Sửu 1709. Ngày nay, chùa tọa lạc số 19 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội… (Giao Hưởng, Thanh Niên, Tượng Vua sám hối độc đáo nhất Việt Nam)

Như thế, vua Lê Hy Tông đã kịp thời sám hối, khi giác ngộ trọng đạo, lấy đời quy theo đạo, thay vì lấy đạo quy theo đời, phục vụ thể chế.  Trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay, Thánh Luca nói về người phụ nữ sám hối tội lỗi tại nhà một người Biệt Phái, đang tiếp đãi Chúa Giêsu.

Cầu nguyện & sám hối

Người phụ nữ tội lỗi khép nép “đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người, lấy dầu thơm mà đổ lên.” (Lc 7, 38) 

Chị đến với Chúa Giêsu với tất cả tấm lòng hoen ố, đen đúa, chất chồng tội lỗi. Chị chẳng ngần ngại xuất hiện công khai với thân phận tội nhân trước các vị chức sắc khả kính, vốn khinh bỉ chị. Chị tin tưởng Chúa Giêsu đã nhìn thấy hết lỗi lầm chị, hiểu biết tường tận về cuộc đời phóng đãng của chị. Hơn nữa, chị còn mãnh liệt tin cậy rằng, Người sẽ cứu giúp, xoa dịu và chữa lành. Chị đã âm thầm cầu nguyện trong tiếng khóc nỉ non, ăn năn, dốc lòng chừa tội lỗi.

Chị không dám thốt lên một lời nào kêu xin. Nhưng những hành động lặng lẽ của chị có thể nói thay cho lòng thành khẩn thống hối. Những giọt nước mắt nóng bỏng dốc lòng ăn năn hối hận. Những lọn tóc mây xõa ra lau chân Chúa, như công khai thừa nhận những vết nhơ thể xác lẫn tâm hồn. Những giọt dầu thơm như khẩn nài xin Chúa thứ tha, thanh tẩy, tân trang, nâng cấp linh hồn chị, trở nên lành mạnh, thơm tho và xứng đáng gần gũi bên Chúa.

Thành kiến & Đố kỵ

Ông Simon, một người Biệt Phái trân trọng mời Chúa Giêsu đến nhà chiêu đãi. Người không nề hà từ chối, mặc dù Người thường phản bác lối sống đạo phô trương và giả dối của nhóm này. Người rộng lượng với bất cứ ai muốn tìm đến, lắng nghe, học hỏi và tuân theo. Nhưng ông Simon lại khó chấp nhận người phụ nữ tội lỗi đến với Chúa, vì thành kiến quá nặng nề.

Không riêng gì Simon, mà có lẽ tất cả thân hữu hiện diện tại bàn tiệc khi ấy, cũng có thái độ như ông. Bất bình nhìn thấy người phụ nữ tội lỗi, dám cả gan công khai đến gần vị ngôn sứ, mà họ đang trọng vọng tiếp đãi. Cái nhìn bất thân thiện của họ phát xuất từ lòng đố kỵ, ganh ghét, do tính tự cao, tự đại, tự nhận mình xứng đáng là sư phụ thiên hạ. Chính vì thế, họ quay sang thầm trách Chúa Giêsu, sao không đồng quan điểm với họ, khinh ghét, ruồng bỏ và xa lánh người phụ nữ tội lỗi đó.

“Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi.” (Lc 7, 39)

Thiên hạ thường vị kỷ, thiển cận, hẹp hòi, thường lấy mình làm tiêu chuẩn, mẫu mực để phê phán người khác. Thường kiêu căng, hợm hĩnh, tự mãn, luôn cho mình đúng đắn, tốt lành, đức độ hơn người. Hơn nữa, còn luôn coi mình quan trọng như cái rốn vũ trụ, để rẻ rúng, chà đạp, khinh miệt người khác, coi người khác chỉ là bậc thang để họ leo lên cái đà danh lợi, chức tước, địa vị. Cho nên, cái nhìn, quan điểm, khuynh hướng nhận xét của họ khó thoát ra ngoài tầm ảnh hưởng cái tôi vĩ đại của họ.

Trong cuộc sống hằng ngày, thiên hạ cũng thường hay xem mặt mà bắt hình dong, hay xét đoán người và việc theo vẻ bề ngoài, theo những khiếm khuyết vốn có, theo quá khứ không hay, để phê phán, dè bỉu, chê bôi, xa lánh, ghét bỏ và lên án. Nhiều khi tôi cũng hèn nhát, nhu nhược, không dám lội ngược dòng đời ôi ác. Cũng hăm hở té nước theo mưa, hùa theo bầy đàn, ném đá những ai đã lầm lỗi trong quá khứ. Làm như tôi vô tội hoàn toàn?

Sáng suốt & Yêu thương

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ nhìn bề ngoài, không a dua theo quần chúng mê muội, không a dua theo cái nhìn thế gian lệch lạc, phiến diện và bất công. Người nhìn thẳng, thấu suốt tâm hồn từng người. Nên nhận biết người phụ nữ tội lỗi đang chân thành ăn năn, sám hối, biết ông Simon Biệt Phái đang thắc mắc về vai trò sứ vụ Người, biết những người đồng bàn đang băn khoăn, nghi ngờ quyền năng Người.

Cái nhìn của Chúa Giêsu rất sáng suốt, thấu đáo, bao quát, trọn vẹn và chính xác, không chút hàm hồ, võ đoán hay suy diễn thiên vị. Người không lạnh lùng xét nét như giám thị, hay quản đốc. Trái lại, cái nhìn của Người bao dung tràn đầy yêu thương. Người nhìn thấu đáo cái thiện căn, thiện chí, thiện tâm mỗi người.  Người thấy rõ tấm lòng ăn năn sám hối của người phụ nữ tội lỗi, mà yêu thương tha thứ.

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” (Lc 7, 47-48) “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” (Lc 7, 50)

 “Sự ăn năn hối cải của con không phải là “hát bội,” khóc lóc não nùng xong rồi thì hết tuồng, hạ màn, và đâu lại vào đó.” (Đường Hy Vọng, số 893)

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết noi gương chị phụ nữ sám hối tội lỗi, cho con luôn biết chạy đến với Chúa cầu nguyện, xin tha thứ, để được thương yêu thứ tha và chúc bình an.

Lạy Mẹ Maria, Trạng Sư của con, xin chỉ dẫn con biết ăn năn sám hối sao cho trọn, để con xứng đáng được hưởng ơn tha thứ, và được ở bên Chúa mãi. Amen.

AM Trần Bình An

home Mục lục Lưu trữ