Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1375374

GIUSE LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH

  1. Giu-se là người công chính

Giu-se và Ma-ri-a đã đính hôn với nhau, dự tính sẽ tiến tới một cuộc hôn nhân để có thể sống bên nhau trọn đời. Chắc chắn hai người rất thương yêu nhau. Mọi sự đang diễn biến tốt đẹp thì Giu-se bỗng thấy Ma-ri-a có thai mà không phải do mình. Ta thử đặt mình trong hoàn cảnh của Giu-se để cảm thông nỗi thắc mắc và buồn khổ vô hạn của Giu-se. Trước tình huống này, là con người, chắc chắn Giu-se phải có lúc nghĩ rằng mình đã bị người yêu phản bội. Càng yêu Ma-ri-a, ông càng cảm thấy bị xúc phạm, ghen tức và đau khổ. Những chàng trai khác mà gặp hoàn cảnh này có thể sẽ phản ứng bằng cách trả thù và rửa nhục. Cách trả thù hợp pháp nhất là đi tố cáo, vì sách Đệ nhị luật đã qui định: «Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô và nằm với cô, thì cả hai phải bị lôi ra cửa thành để chịu ném đá, và chúng sẽ phải chết» (Đnl 22,23-24).

Nhưng cách hành xử của Giu-se là «định tâm bỏ bà cách kín đáo». Chàng không muốn để người yêu của mình phải đau khổ và chết trong nhục nhã. Cho dù không được sống gần người mình yêu, cho dù nàng có phản bội mình và thuộc về người khác, Giu-se vẫn luôn mong cho người mình yêu được hạnh phúc. Đó mới là tình yêu đích thực. Vì thật ra, có hai thứ tình yêu:

  • Tình yêu vị kỷ: tức yêu người khác vì hạnh phúc của chính mình. Do đó, luôn luôn coi hạnh phúc của mình quan trọng hơn hạnh phúc của người mình yêu. Đây chỉ là một tình yêu giả hiệu, vì xét cho cùng thì hóa ra mình đã yêu chính mình qua người kia, chứ không phải là yêu người ấy thật sự. Người kia chỉ là một phương tiện đem hạnh phúc đến cho mình. Giu-se đã không yêu Ma-ri-a bằng thứ tình yêu này. Người Ki-tô hữu cũng không nên yêu bằng thứ tình yêu vị kỷ này.
  • Tình yêu vị tha hay tình yêu dâng hiến: yêu người khác vì chính người mình yêu, coi hạnh phúc của người yêu quan trọng hơn hạnh phúc của mình, nên sẵn sàng chấp nhận đau khổ hoặc hy sinh hạnh phúc của mình cho người mình yêu. Đây mới là tình yêu đích thực mà Giu-se đã dành cho Ma-ri-a. Đúng ra, mọi cặp vợ chồng Ki-tô hữu đều phải yêu thương nhau bằng thứ tình yêu này thì họ mới đúng là Ki-tô hữu đích thực, nhờ đó gia đình họ sẽ luôn luôn hạnh phúc.

Thế rồi Giu-se nằm mơ thấy sứ thần cho biết sự thật về Ma-ri-a, và sứ thần khuyên ông: «đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về». Chỉ có lòng khoan dung và tình yêu mạnh mẽ chân thật đối với Ma-ri-a, cộng với tinh thần nhạy cảm với thánh ý Thiên Chúa, Giu-se mới có thể làm theo lời sứ thần bảo trong giấc mơ. Vì bình thường những người có đầu óc thực tế mấy ai lại tin vào giấc mơ. Do đó, ta thấy có một sự dằng co mãnh liệt trong tâm hồn Giu-se. Và để đưa Ma-ri-a về nhà mình, ông đã phải thắng được tính tự ái cá nhân, đã can đảm bất chấp dư luận bất lợi của những người ngoài cuộc, và chấp nhận sự nhục nhã có thể xảy ra (khi nhận ra giấc mơ chỉ là ảo ảnh). Tin Mừng còn cho biết: sau đó, «ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai»; điều đó nói lên khả năng tự chủ, bản lĩnh và sức mạnh tinh thần cao độ của Giu-se.

Như vậy, cách hành xử của Giu-se trong bài Tin Mừng cho thấy ông là người có tình yêu chân thực, khoan dung, nhân hậu, kín đáo, tự chủ, có bản lĩnh, có lập trường vững chắc, nhẫn nhục và rất nhạy cảm với thánh ý Thiên Chúa. Những đức tính ấy chứng tỏ ông đúng là một người công chính, xứng đáng là cha nuôi Đức Giê-su, là bạn trăm năm của Đức Maria, và là mẫu gương thánh thiện rất thực tế cho chúng ta.

  1. Đức Giê-su sinh ra bởi mẹ đồng trinh

Chủ ý của bài Tin Mừng hôm nay không nhắm vào sự công chính của Giu-se cho bằng sự thụ thai kỳ diệu của Đức Giê-su nơi cung lòng đồng trinh của Ma-ri-a do quyền năng Thánh Thần. Thông thường, nói tới sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a, người ta thường nghĩ tới sự đồng trinh thể chất, ít ai nghĩ tới sự đồng trinh về mặt tinh thần của Ngài. Cả hai mặt của sự đồng trinh ấy đều quan trọng và cần thiết. Nhưng nếu chỉ đồng trinh về mặt thể chất mà không có mặt tinh thần thì đồng trinh ấy chẳng còn ý nghĩa! Sự đồng trinh về tinh thần nơi Đức Ma-ri-a quan trọng hơn rất nhiều.

Trước mặt Thiên Chúa, đồng trinh về mặt tinh thần có nghĩa là có tâm hồn trọn vẹn hướng về Ngài, hoàn toàn dâng hiến bản thân cho Ngài để hoàn toàn thuộc về Ngài, không còn thuộc về chính mình nữa. Trong chiều hướng đó, Đức Ma-ri-a đã sống tinh thần «tự hủy», để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Biểu hiện quan trọng và rõ rệt nhất là không còn coi ý riêng của mình là quan trọng, thậm chí không còn ý riêng nữa, để chỉ biết có thánh ý Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, Đức Ma-ri-a cũng có thể nói như Đức Giê-su: «Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 5,30; x. 6,38), hay như thánh Phao-lô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Thiên Chúa sống trong tôi» (Gl 2,20). Trọn cuộc đời của Ngài đã chứng tỏ sự đồng trinh tinh thần ấy, được biểu hiện qua mọi hành vi của Ngài, cụ thể nhất qua hai chữ «Xin vâng» khi sứ thần truyền tin cho Ngài.

Mọi người Ki-tô hữu, kể cả người sống bậc vợ chồng, nhất là những kẻ quyết tâm theo Chúa, quyết tâm nên thánh, đều có thể và cần phải sống «đồng trinh» hiểu theo nghĩa tinh thần, nghĩa là sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Trước mặt Thiên Chúa, một người đồng trinh về mặt thể chất, nhưng lại không đồng trinh về mặt tinh thần, chắc chắn không có giá trị bằng những người tuy không đồng trinh về mặt thể chất, nhưng lại đồng trinh về mặt tinh thần. Vì đồng trinh thể chất chỉ là phương tiện đồng thời là một dấu chỉ hay hình thức cụ thể nhất của sự đồng trinh tinh thần vốn phải là bản chất và nội dung của đồng trinh thể chất. Quá nhấn mạnh và đề cao sự đồng trinh thể chất mà quên lãng hay không đề cao sự đồng trinh tinh thần là một thứ tu đức què quặt và bị lạc hướng. Sự đồng trinh tinh thần bao giờ cũng có giá trị hơn rất nhiều, cho dù đồng trinh thể chất vẫn có giá trị riêng của nó.

  1. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, cũng làm người giống y như ta

Qua bài Tin Mừng, ta thấy: để là một con người, Đức Giê-su đã sống trong một gia đình, có cha có mẹ, trong một xã hội có vua có quan, có phép có tắc, trong một tôn giáo có phẩm có trật, là luật có lệ, y trang như mọi người. Ngài đã hoàn toàn «trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế» (Pl 2,7), cũng «sinh làm con của một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật» (Gl 4,4) như chúng ta, cũng «phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8-9). Vì thế, Ngài «không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15-16). Chắc chắn Ngài có thể nói như một triết gia nào đó: «Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi».

Ngài cũng từng kinh nghiệm những yếu đuối của con người khi bị ma quỉ cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Vì thế, khi tôi yếu đuối, sa ngã, tội lỗi, tôi cảm thấy Ngài có thể thông cảm với tôi một cách sâu xa, và tôi biết Ngài sẵn sàng tha thứ chính vì Ngài đã từng cảm nhận được sự yếu đuối của con người như tôi.

Những điều của con người mà Ngài cảm nghiệm được nhiều nhất chính là đau khổ và sự chết. Dường như mọi hình thức quan trọng của đau khổ Ngài đều đã cảm nghiệm: phản bội, oan ức, bị đàn áp, bóc lột, mất mát, roi vọt, nhục nhã… Điều này làm tôi cảm thấy rất được an ủi khi gặp đau khổ. Tôi nhận ra Ngài đã dùng đau khổ của chính mình để xoa dịu những đau khổ của tôi. Ngài đã dùng thương tích của chính Ngài để chữa lành những vết thương của tôi (x. l Pr 2,24b). Nghĩ như thế, tôi không cảm thấy cô đơn trong đau khổ, vì tôi cảm thấy như Ngài đang cùng đau khổ với tôi, để biến những đau khổ của tôi thành một giá trị cao cả.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con học được tình yêu chân thật, vị tha nơi Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Cho con biết yêu Cha vì Cha, yêu mọi người vì mọi người. Như vậy để yêu chân thực, con phải có tinh thần tự hủy, quên mình. Xin cho con thực hiện được thứ tình yêu chân thực ấy trong đời sống thường ngày của con. Amen.

 

  1. Đức Giêsu là ai? – Lm Augustine

Người phụ nữ Hoa Kỳ gốc Do thái Ross Price. Năm 1940, Ross Price mới 13 tuổi, đã bị lính Đức Quốc Xã bắt giam ở trại Đỗ Bình Cang (Robincaz) sau được chuyển về Darkham của Ba Lan. Năm 1945, khi quân đội đồng minh tới giải phóng Au Châu, cô Mai khi ấy lên 18 tuổi, may mắn được sống sót và được định cư tại Hoa Kỳ. Điều bà Ross Price không thể nào quên được là những năm kinh hoàng nơi trại tập trung Đức Quốc Xã.

Đêm Noen ấy, bà không thể tưởng được rằng chính những người lính Đức và quản giáo đã họp nhau mừng lễ Giáng sinh với những bài hát để tung hô vị Cứu Tinh mà người Do thái hằng mong đợi qua nhiều thế kỷ. Bà tự hỏi Vị Cứu Tin Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc bà nay ở đâu? Sao Ngài không đến tiêu diệt bọn dã man ấy đi để chúng khỏi tiếp tục hành hạ dân tộc bà?

Xảy ra vào năm 1980 Ross Price được mời phát biểu tại một cuộc họp để lên án Đức Quốc Xã ở thành phố Bá Linh. Bà đã quỳ cầu nguyện lâu giờ trước khi nhận lời mời. Năm 1981, bà đã có mặt tại sân vận động Bá Linh của nước Đức. Trước mặt cử tọa gồm 40 ngàn người, Ross Price đã kể lại chuỗi ngày đen tối của bà nơi các trại tập trung. Để kết thúc, Ross Price đã trích lời ngôn sứ Isaia nói rằng: “Đẹp thay những bước chân người sứ giả đã loan báo Tin Mừng – Chính những nỗi khổ đau của chúng tôi Người đã gánh chịu và Người đã bị đâm thâu qua vì tội lỗi chúng tôi; Người đã hiến thân chịu chết và đã bầu cử cho những tội nhân” (Is 52,7).

Ross Price thuật lại rằng khi bà trở về chỗ ngồi, thì có một số người tiến lại bên cạnh bà. Họ van xin với một giọng rất cảm động khi nói: “Chúng tôi chính là những người canh tù tại các trại tập trung nơi bà bị nhốt. Vậy bà có sẵn sàng tha thứ cho chúng tôi không?” Ross Price đã trả lời giữa hai dòng lệ: “Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi nhờ nỗi chết của Con Ngài, thì tại sao tôi lại không tha thứ cho các ông?” Một người đàn ông đã quỳ khóc dưới chân Ross Price. Từ đó Ross Price không còn nghi ngờ gì về Chúa Kitô nữa.

Người cứu dân Người khỏi tội khởi đi từ hoàn cảnh nào?

Câu chuyện kể trên cho thấy ý nghĩa của danh xưng Giêsu là Đấng Thiên Chúa cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ (c.21). Toàn bộ Tin Mừng Matthêu (1,1-25) một đàng định vị Đức Giêsu vững vàng giữa dân Thiên Chúa; đàng khác nó còn cho thấy địa vị ngoại thường của Người vượt trên mọi nhân vật được đề cập trong bản gia phả của Matthêu (Mt 1,2-16). Ngay trong bản gia phả này điều nổi bật là sự có mặt của bốn phụ nữ (Tama, Rakháp, Urigia và Rút) mà hoàn cảnh làm mẹ chẳng được coi là thánh thiện theo luật Do thái giáo. Nhưng chính giữa hoàn cảnh đó, Đức Giêsu đã đến cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ (c.21).

Nếu muốn thực tế, người Kitô hữu cũng phải khởi đi từ cái thế giới mình đang sống. Đó là một thế giới chẳng thánh thiện gì; ngược lại, còn có nhiều đổ vỡ cần được hàn gắn.

Quả thật, con người được dựng nên để tán dương tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó hưởng được hạnh phúc vĩnh viễn ở bên Chúa. Nhưng cái thế giới ta đang sống không nghiêng theo chiều hướng tốt lành đó. Đúng là có khó khăn để con người trung thành với ơn tạo dựng là tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa nơi bản thân, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Không thiếu những tội ác xảy ra như cơm bữa. Tệ nạn xã hội, như ma túy chẳng hạn, đang đe dọa giới trẻ cách khủng khiếp. Trầm trọng hơn nữa là nội tâm con người như chính Đức Giêsu đã vạch ra khi nói: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả các điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,21-23).

Vậy tội là gì?

Tội thường được quan niệm là hành vi lỗi luật Thiên Chúa. Đúng như vậy. Nhưng quan niệm đó có tính cá nhân và luật định, chưa nói hết được bản chất của tội.

Đúng hơn, nên hiểu tội là từ khước tình yêu, từ khước chính kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ là Đấng ban luật buộc ta phải giữ để được hạnh phúc. Đúng hơn, Thiên Chúa là Tình Yêu: Người luôn bao bọc và săn sóc ta. Chính Tình Yêu Thiên Chúa phải lôi kéo ta đến với Ngài hơn là luật đòi buộc ta.

Cần nhìn tội dưới cái nhìn của Phúc Âm cho thấy đó là sức phá hoại đã thấm nhuần vào thế giới ta đang sống, khiến con người bị lệch lạc ngay nơi tiềm thức của mình. Khi sức phá hoại của tội thấm sâu nơi lòng con người, nó phát sinh ra ác ý và hình thành nên những cơ cấu xã hội, chính trị, kinh tế, khiến xã hội cứ vậy đi xuống thay vì đi lên theo lý tưởng cao đẹp. Con người trở nên chai lì trong sự tự mãn, bất kể tới Thiên Chúa là Đấng sinh thành nên mình, và bất kể tới đồng loại lẽ ra phải được xử đối như anh chị em một nhà.

Vì phạm tội, con người tách rời mình khỏi Thiên Chúa là nguồn suối của tình yêu và mọi ơn lành. Đó là tình trạng cách ly từ tận gốc rễ do tội gây nên. Con người tự phá vỡ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, tự đặt mình làm mục đích cho đời mình, kể mình là trung tâm cho sự sống nơi mình và trung tâm cho mọi hành động của mình.

Nếu Đức Giêsu đến cứu dân Người khỏi tội, Người cho ta biết tội là gì dưới cái nhìn của Người. Tin Mừng Matthêu ghi lại lời Đức Giêsu quở trách giới lãnh đạo Do thái giáo, trong đó ta đọc được ý của Đức Giêsu về tội. Thành Giêrusalem là biểu tượng của những người có trách nhiệm lãnh đạo dân.

Tội dưới cái nhìn của Chúa Giêsu

Đức Giêsu nói: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi. Thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, từ nay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến khi các ngươi nói: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” Khi Đức Giêsu từ trong Đền Thờ đi ra, thì các môn đệ của Người lại gần chỉ cho Người xem công trình Đền Thờ. Nhưng Người nói: “Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó, phải không? Thầy bảo thật anh em: Tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mt 23,37-24,2).

Tội chống lại Tình Yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu mô tả tình yêu ấy bằng hình ảnh rất dễ thương của gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh.

Tội chính là từ khước tình yêu Thiên Chúa, như Đức Giêsu trách giới lãnh đạo Do thái giáo và còn trách qua lương tâm mọi Kitô hữu vì không chịu nghe tiếng nói của Tình Yêu Thiên Chúa.

Thì đây nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang – Trong thực tế, thành Giêrusalem sẽ bị phá hủy. Cuộc tàn phá ấy tượng trưng một sự phá sản do tội gây nên. Với người Do thái, gốc gác của tội là do họ không tin. “Ai không tin thì đã bị kết án rồi” (Ga 3,18). Riêng với các Kitô hữu, họ cần khám phá ra bộ mặt thực của tội họ từng phạm. Thiên Chúa ban cho ta tự do. Người tôn trọng tự do chính Người ban. Người chờ đợi ta chọn con đường yêu mến. Đó là con đường danh dự và trách nhiệm. Cần chọn giữa sự sống và sự chết (Đệ Nhị Luật 30,15).

Ý hướng cơ bản là Tán Dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa

Không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. – Đền thờ vẫn đứng vững. Nó vẫn huy hoàng, rực rỡ khiến các môn đệ tắc lưỡi ngợi khen. Nhưng Đức Giêsu đã thấy rõ số phận của Đền Thờ ấy. Người Kitô hữu cũng cần nhìn thấu hiện trạng của mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Bề ngoài cho dầu ta có thành đạt mấy đi nữa, giá trị thực chất của đời Kitô hữu của ta vẫn là ý hướng cơ bản mà ta cần theo đuổi. Thử hỏi ý hướng ấy có phải để tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa chăng?

 

  1. Thánh Giuse con người của niềm tin

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Chẳng có gì làm chúng ta bối rối cho bằng khi chúng ta phải đương đầu với những nghịch cảnh của cuộc đời hay chính chúng ta đang phải đối diện với một điều thật khó giải quyết. Thánh Giuse hôm nay cũng nằm trong trường hợp ấy. Tin Mừng viết:” Trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần ” ( Mt 1, 18 ). Thánh Giuse đang ở trong một hoàn cảnh nan giải theo suy nghĩ của loài người. Vậy, Giuse, người công chính sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?

Giuse và Maria đã đính hôn với nhau. Đây là lúc hạnh phúc của Giuse và Maria. Thời kỳ đính hôn là thời kỳ đẹp và dệt biết bao giấc mộng vàng. Tuy nhiên, bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu dự tính, thánh Giuse cảm thấy như đang tan theo mây khói. Maria, một cô gái đạo đức, thánh thiện lại đã có thai trước khi về chung sống với chồng. Đây là điều lạ lùng và khó xử đối với Giuse. Do đó, trong thâm tâm của thánh Giuse dứt khoát rời bỏ Maria cách âm thầm, kín đáo vì thánh nhân không muốn tố cáo Maria bởi vì tội mang thai ngoài hôn nhân thời đó sẽ bị ném đá cho tới chết. Đó là luật lệ và đó cũng là sự công bằng của xã hội thời đó.” Ông Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo ” ( Mt 1, 19 ). Thánh Giuse có đành tâm bỏ rơi người vợ đang mang thai mà Thánh Kinh gọi là người công chính hay không? Được Thánh Thần tác động do bà ngoại Anna hoặc chính Maria tiết lộ bí mật của thai nhi, thánh Giuse đã hoàn toàn tôn trọng chương trình của Thiên Chúa. Ngài đã quyết định âm thầm rút lui, không dám nhận quyền làm cha đứa trẻ.Giuse chính là người tuyệt đối công chính.

Là người công chính, Thiên Chúa quả thực yêu thương Giuse, nên Thiên Chúa muốn Giuse đổi ý định:” đón Maria vợ ông về” và “đặt tên cho con trẻ là Giêsu “.Theo ngôn ngữ Sémít trong Kinh Thánh và luật pháp lúc đó, việc đặt tên có nghĩa là ” nhận lấy quyền làm cha pháp lý ” cho đứa trẻ.Chính qua dòng họ Giuse mà Chúa Giêsu mới trở nên ” con vua Đavít, để hoàn tất mọi lời hứa của Thiên Chúa ” ( Mt 1, 1-17 ). Thánh Matthêu viết tiếp:” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” ( Mt 1, 24 ).

Thánh Giuse đã phải vất vả vượt thắng ý định rời bỏ Maria nếu không được Thánh Thần tác động. Nhờ Thánh Thần, Giuse đã khép lại các giấc mơ, để mở ra một thế giới tình yêu, một chân trời mới. Mẹ Maria cũng đã phải lần mò trong đêm tối của đức tin để ánh sáng của Thiên Chúa được bừng sáng. Cả thánh Giuse, cả mẹ Maria khi nhận ra chương trình của Thiên Chúa, mặc dầu chưa được hiểu rõ, chưa biết rành mạnh ý nhiệm mầu, nhưng các Ngài đã mau mắn đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Các Ngài đã mau mắn nói lời xin vâng ý định của Thiên Chúa với niềm tin yêu, cậy trông và phó thác. Các Ngài xem tất cả như là ân huệ của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã nói:” Tất cả đều là hồng ân “.

Mùa vọng, đặc biệt chúa nhật 4, năm A mời gọi mọi người, mời gọi từng người noi gương bắt chước thánh Giuse và mẹ Maria mau mắn đáp trả tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, đồng thời làm gương cho các bạn trẻ nam nữ hiểu rõ đức khiết tịnh và sự trong sạch của đời hôn nhân: trước khi chung sống và đang lúc chung sống. Mùa vọng giúp con người đổi mới để dọn tâm hồn trong sạch để Chúa Hài Đồng ngự trị.

Lạy thánh Giuse và Mẹ Maria xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con biết sống trong sạch trong tư tưởng, lời nói và hành động. Amen.

 

  1. Chúa Nhật 4 Mùa Vọng

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Thật đẹp đẽ và chí tình khi Giáo Hội trình bầy gương mặt của Đức Trinh Nữ Maria. Nói tới mùa vọng không thể nào giới thiệu Chúa Giêsu Nhập Thể, được sinh ra mà lại quên đi vai trò của Đức Mẹ. Do đó, Chúa nhật IV mùa vọng, có thể nói được rằng đây là Chúa nhật của Đức Mẹ. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành nhờ sự trung gian qua lời xin vâng của Đức Mẹ.

Lịch sử cứu độ là một lịch sử được nối dài từ thời Cựu Ước tới thời Tân Ước. Thiên Chúa đã dùng một thời gian rất lâu dài để Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô được sinh ra nơi trần thế với hình hài là một người thật và để thực hiện chương trình đó, Thiên Chúa đã tuyển chọn một người nữ Do Thái để cưu mang bởi phép Chúa Thánh Thần và đản sinh Chúa cứu thế: ” Đức Giêsu Kitô “. Chúa Giêsu là con người thật vì Người có gia phả, có ông bà tiên tổ, xuất thân từ dòng dõi vua Đavít, có cha mẹ thật tên là Maria và Giuse ( bài đọc 2 ). Chính vì thế, Chúa Giêsu đã đi vào lịch sử loài người, đã đi vào lịch sử cùa dân tộc Do Thái, có tên, có hộ tịch, hộ khẩu hoàn toàn và làm người như mọi người chúng ta ngoại trừ tội lỗi.

Thiên Chúa đã có một kế hoạch cứu độ và kế hoạch này được chuẩn bị từ lâu đời, được thực hiện qua nhiều giai đoạn, với những biến cố, những dấu chỉ, những con người được Thiên Chúa sắp đặt cho đến khi ý định của chương trình cứu rỗi của Ngài được hoàn tất. Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, cho chúng ta và mỗi người chúng ta một cơ hội như Công Đồng Vaticanô II cho chúng ta hiểu về ý nghĩa của việc Chúa Giêsu ngự đến: ” Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi Nhập Thể, môt cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người, Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria. Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi…Người còn mở ra con đường mới để nếu chúng ta theo thì sự sống và cái chết sẽ được thánh hóa và có một ý nghĩa mới ” ( số 22, Hiến Chế Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay ).

Như thế, chúng ta hiểu vai trò lớn lao như thế nào của Đức Mẹ và hiểu thế nào về thánh Giuse, Thiên Chúa đã dùng Ngài để làm nổi bật sứ mạng của Mẹ Maria. Thiên Thần Chúa hiện đến báo mộng cho Giuse khi Ông đang có ý định lìa bỏ Mẹ Maria cách âm thầm, kín đáo: ” Người Con, bà Maria đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân khỏi ách thống trị của tội “. Đọc kinh Tiền Tụng thứ ba của Lễ Giáng Sinh chúng ta thấy: ” Bằng việc mặc lấy thân phận yếu đuối của con người chúng ta, Người đã ban cho bản tính hay chết của con người chúng ta một giá trị bất tử “. Thực tế, Thiên Chúa luôn yêu thương trần gian và ngay những lúc con người sa ngã, phản nghịch cùng Thiên Chúa. Chương trình yêu thương của Thiên Chúa vẫn luôn được nối tiếp. Thánh Matthêu viết: ” Khi tỉnh giấc, Ông Giuse làm như sứ thần chúa dạy và đón vợ về nhà ” ( Mt 1, 24 ). Ông Giuse đã vâng theo lời Chúa và mở ra một thế giới tình yêu mới. Một thế giới, trong đó lòng thương xót và yêu thương của Con-Thiên-Chúa-Làm-Người sẽ thay cho hận thù và chia rẽ. Mẹ Maria, thánh Giuse đã nhận ra thiên ý của Chúa và dù chưa hiểu rõ ràng thế nào là chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria đã nói lời xin vâng làm theo ý Chúa và thánh Giuse sau khi được báo mộng đã mau mắn vâng lời Thiên Chúa đưa Maria về nhà mình để thực hiện ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm. Một mầu nhiệm cao vời vì”đối với Chúa không có gì mà không thể được “.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã nói lời xin vâng làm theo ý Chúa, thánh Giuse đã vâng lời làm theo thiên ý. Xin cho chúng con biết noi gương, bắt chước và chiêm ngắm sự thánh thiện cao sang mà Mẹ Maria và thánh Giuse đã nêu gương cho nhân loại, cho mọi người. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ