Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 98
Tổng truy cập: 1370899
GÓP PHẦN MÌNH LÀM PHÁT TRIỂN NƯỚC CHÚA
GÓP PHẦN MÌNH LÀM PHÁT TRIỂN NƯỚC CHÚA
(Suy niệm của Huệ Minh)
Đang ở trong trần gian, chịu ảnh hưởng của trần gian ấy vậy mà phải nghe chuyện Nước Thiên Chúa! Như thế, có phải là viễn vông hay nói cách khác là vớ vẩn hay không?
Xem chừng ra cũng vớ vẩn đấy chứ! Bởi lẽ trong nhiều cách diễn tả về Nước Thiên Chúa thì Chúa Giêsu dùng hình ảnh này, hình ảnh kia. Có khi Chúa lại ví Nước Thiên Chúa như viên ngọc quý được chôn trong thửa ruộng và người khôn thì biết cách về để bán tất cả mọi sự để mua cho bằng được cái thửa ruộng có viên ngọc quý đó. Có khi Nước Thiên Chúa lại được ví như tí men trong bột dù rằng chỉ một dúm men nhưng làm cho đống bột dậy nên.
Và, hôm nay, Chúa là dí dỏm và vó von Nước Thiên Chúa như hạt cải. Thoạt tiên, ta cũng khó nghĩ bởi lẽ cây cải thì có gì để đáng nói. Thế nhưng, ở đất nước Palesitine thì cây cải khác ở nhiều nước trong đó có cả Việt Nam.
Nhà khảo cổ về Kinh Thánh đã viết trong quyển sách: “Xứ Thánh và Kinh Thánh” như sau: “Tôi đã thấy cây cải trong cánh đồng phì nhiêu ở Akkar (Trung Đông), nó cao bằng con ngựa. Tôi đã nhổ được một cây cao hơn bốn mét. Nơi những cây cải này, có những đàn chim đến bu quanh để ăn những hạt cải đen”.
Và như vậy, Với sự cao lớn của cây cải như thế, thì hình ảnh “cành lá sum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ” là điều rất dễ hiểu. Từ cây cải cụ thể trong đời thường, Chúa Giêsu muốn dẫn đưa mọi người đến một thực tại vô hình, đó là sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu thật sự đã không nói quá với sự thật mà Chúa muốn diễn tả, muốn trình bày, muốn bày tỏ về Nước Thiên Chúa như vậy. Sự thật vẫn là sự thật khi khởi đầu Nước Thiên Chúa chỉ với 1 dúm nhỏ 12 môn đệ. Và, cái khó là trong cái nhóm 12 đó cũng không phải là hoàn hảo, cũng không phải là tròn vẹn.
Nhìn lại một chút, có quá đáng chăng khi nói 12 cột trụ của Giáo Hội, của Nước Thiên Chúa lại được xây trên 12 cột móng mà 12 cột móng đó lại là 12 tính cách, 12 con người hoàn cảnh, 12 suy nghĩ... để rồi tất cả đều hiệp nhất, yêu thương nên một để xây dựng Hội Thánh.
Trong nhóm 12 đó, chỉ trừ Giuđa là người đã “rẽ đường” khác để mà đi. Còn lại, 12 môn đệ sau khi đã có Barnaba thay thế Giuđa đã làm nên chuyện.
Giáo Hội trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử cũng đã trải qua biết bao nhiêu thử thách để tồn tại. Trong niềm tin, cửa hỏa ngục cũng như ma quỷ dù thế nào đi chăng nữa vẫn không thắng được Nước Thiên Chúa.
Và, như Chúa Giêsu đã hơn một lần nói rằng muốn vào Nước Thiên Chúa phải vào cửa hẹp. Những ai đã không đủ can đảm, không đủ nhẫn nại, không đủ kiên nhẫn chắc chắn sẽ không được vào, sẽ không có chỗ để mà “làm tổ dưới bóng” như Chúa Giêsu mời gọi.
Ngày nay, ngày xưa và ngày nào cũng thế! Vẫn còn đó, vẫn có đó sự giằng co giữa những người đi tìm Nước Thiên Chúa và những con người đi tìm nước thế gian. Nước thế gian, thật sự ngay tầm tay với và quá gần để người ta nhìn thấy, người ta dễ nắm bắt trong tay để rồi người ta mãi miết đi tìm cái nước của trần gian này dẫu rằng người ta vẫn thường biết thế gian này không bền vững.
Bằng chứng hết sức cụ thể trong cuộc đời chúng ta, chúng ta cứ nhìn lại ngay cả ông bà cha mẹ của chúng ta, những người ngày xa xưa rất thân với ta nay không còn nữa. Họ đi đâu? Họ đã đi vào thiên cổ và không còn ai thấy họ được nữa. Ta cũng thế! Một ngày nào đó ta cũng ra đi như họ để tìm về Nước Thiên Chúa.
Vả lại, thật sự mà nói thì bả phù hoa thế gian có quá nhiều điều hay để ta mãi miết đi tìm và không còn tha thiết chuyện thế gian nữa.
Ngày nào cũng thế, thời nào cũng thế, người ta đi tìm danh vọng và vật chất để rồi danh vọng và vật chất làm cho người ta không còn sức mạnh, không còn ý chí đi tìm và xây dựng Nước Thiên Chúa nữa. Nhất là thời nay, khi chủ nghĩa vật chất lên cao, khi chủ nghĩa cá nhân quá lớn để rồi không còn tình yêu thương giữa anh chị em đồng loại và nhất là trong gia đình của mình.
Phải nói rằng như quá nhiều lần như Chúa Giêsu nói Nước Thiên Chúa như lúa mọc và kèm theo đó có cỏ lùng. Nước Thiên Chúa có đó nhưng sự dữ thế gian vẫn chen vào. Và khi đó, ta lại được mời gọi sống niềm tin vào Nước Thiên Chúa, sống diễn tả mầu nhiệm Nước Trời.
12 người đã đi khắp thế gian để loan báo Tin Mừng, để loan báo về Nước Trời. Ta cũng thế, ta cũng được mời gọi cũng là cho Nước Thiên Chúa được triển nở trong đời ta, ngay trong cách hành xử của ta.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để ngày mỗi ngày ta góp một chút xíu phần của ta vào cho công trình Nước Trời ngày càng lớn mạnh và Nước Cha trị đến.
2. Hạt cải
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau dừng lại ở hình ảnh hạt cải.
Nước Thiên Chúa giống như hạt cải nhỏ xíu, nhưng nó có thể lớn lên thành cây to cho chim trời tới đậu. Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu như muốn xác định lại lời rao giảng lúc ban đầu: Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chính Ngài là người gieo hạt giống đầu tiên để hạt giống đó âm thầm phát triển. Ngài nói điều đó với tất cả niềm xác tín, bởi vì đó chính là sự nghiệp của Chúa Cha.
Hơn nữa, nếu đem so sánh những lời giảng của Chúa Giêsu với cả thế giới bao la bát ngát này, thì có lẽ nó còn nhỏ bé hơn cả một hạt cải. Thế nhưng, Tin Mừng vẫn đứng vững và lớn lên từng ngày, đồng thời có biết bao nhiêu người đã được nâng đỡ và ủi an.
Trong niềm tin, chúng ta xác tín rằng Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, mặc dù trên thế giới ngày hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu những bất công và tội lỗi. Lời Chúa đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Vấn đề được đặt ra ra cho mỗi người, là chúng ta phải trở nên những hạt giống, được gieo vãi vào lòng cuộc đời, qua những việc làm nhỏ bé và khiêm tốn, nhưng không kém phần hiệu quả.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã biết cuộc đời thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cuộc đời ấy cũng như cuộc đời của biết bao nhiêu người khác. Thế nhưng nó mang đậm giá trị Tin Mừng, nên Giáo Hội đã tôn phong chị lên ngang bằng những vị đại thánh khác. Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người phụ nữ nhỏ bé và mảnh khảnh, nhưng lại lớn mạnh trong cả thế giới qua những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những kẻ nghèo túng và bất hạnh. Và còn biết bao nhiêu người khác nữa chung quanh chúng ta, họ đang âm thầm làm việc, phục vụ cho những kẻ bất hạnh trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Nước Thiên Chúa đã, đang và sẽ còn âm thầm lớn lên, không phải theo nghĩa một lực lượng đối đầu với nước thế gian, như chính Chúa Giêsu đã xác quyết: Nước tôi không thuộc về thế gian này, nhưng là những thực tại: kẻ què được đi, người mù được thấy, người điếc được nghe và kẻ chết được sống lại, người nghèo khó được rao giảng Tin Mừng.
Hãy tin vào Chúa Giêsu, là người gieo giống, đồng thời cũng là hạt giống đầu tiên được ươm trồng trên mảnh đất nhân loại này.
3. Tin tưởng – kiên nhẫn
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Ở Trung Quốc có một loại tre kỳ lạ trồng bằng hạt. Nó nằm trong lòng đất suốt 5 năm rồi mới ló chồi non lên trên mặt đất. Thế nhưng một khi đã trồi lên khỏi mặt đất thì chỉ trong vòng sáu tuần, nó mọc lên cao tới 5 mét. Các chuyên gia cho rằng suốt thời gian 5 năm trong lòng đất, hạt giống của loại tre ấy đã hình thành một hệ thống rễ phức tạp. Nhờ hệ thống rễ này, mầm non có thể tăng trưởng một cách mau chóng như vậy.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai hạt giống: Lúa và Cải để nói đến hạt giống Nước Trời. Nước Trời và Lời Chúa cần một thời gian dài nẩy mầm, bén rễ sâu vào Thiên Chúa hầu có đủ sức của Chúa Thánh Thần, đủ dữ dinh dưỡng là ơn Chúa thì chắc chắn cây đời sống đức tin của chúng ta mọc lên mạnh mẻ và sinh nhiều hoa thơm trái tốt cho đời và cho Đạo, đó mới là điều đẹp lòng Thiên Chúa.
Đôi khi thời gian này quá lâu khiến chúng ta băn khoăn tự hỏi: không biết hạt giống Nước Trời và Lời Chua được gieo vào tâm hồn ta trong ngày nhận bí tích Rửa Tội đã bén rễ chưa? Hay đã bị sỏi đá và gai góc là tội lỗi bóp nghẹt chết rồi? Vậy nếu sống thì sống như thế nào? Có trổ bông hạt hay không? Hay cây chỉ có lá sum suê mà chẳng có trái nào?
Thiên Chúa đã gieo Hạt giống Nước Trời (Chân, Thiện, Mỹ) và hạt giống Lời Chúa (Các điều răn và Tám Mối Phúc) trong lòng chúng ta khi chúng ta chịu phép Rửa Tội. Ngài biết tất cả đã, đang sẽ xảy ra nơi con người chúng ta, còn chúng ta lúc biết lúc không. Cho nên, chúng ta phải tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời cần phải kiên nhẫn chăm sóc chúng.
Vì vậy, nhiều khi hạt giống Nước Trời và Lời Chúa xem ra như không phát triển gì cả trong chúng ta, nghĩa là chúng ta dường như chẳng chân thực, thánh thiện và đẹp về nhân cách lẫn tâm hôn hơn tí nào, nhiều khi còn tệ hơn trước. Ví dụ, mấy tuần qua dân Việt Nam phẫn nộ vụ nhiều người mẫu, diễn viên tham gia đường dây bán dâm cùng á khôi. Mà những ngưới đẹp chân dài này là những người đã từng đoạt giải trong các cuộc thi sắc đẹp quốc gia đàng hoàng. Ấy thế, mà người đẹp nhưng mất nết, đáng bị nguyền rủa!
Còn đối với chúng ta, Chúa Giêsu đến rao giảng và kêu gọi làm cho Nước Thiên Chúa trị đến, thế mà hơn 2000 năm đã trôi qua, dường như Nước Thiên Chúa vẫn còn quá xa. Hội Thánh nỗ lực xây dựng vương quốc của tình yêu, công lý và hoà bình. Nhưng tội lỗi vẫn còn đó, lòng hận thù, bất công vẫn còn đó trong xã hội, giáo xứ hay gia đình mình. Trong bối cảnh đó, đôi lúc chúng ta không khỏi ưu tư và thất vọng, mất kiên nhẫn. Chúng ta đừng nản lòng. Tốt hơn chúng ta nên tiếp tục vun xới nhưng hạt giống trong chúng ta bằng việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích chắc chắn sẽ có hoa có trái thơm cho đời mình và tha nhân. Vì chưng, Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong bài đọc 1 khẳng định rằng: “Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.
Chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta thực hiện” (Ed 17,24).
Thánh Vinh Sơn – Phaolô nói: “Công việc của Chúa được thực hiện từ từ và không hay biết”. Chúng ta đừng sốt ruột, đừng ai tự cho mình là thiện toàn hoàn hảo. Cũng đừng quá vội vã, quay cuồng, lo lắng vì thấy hoạt động tông đồ hay kinh nguyện của mình không có linh nghiệm gì! Cũng đừng thất vọng khi không thấy kết quả trước mắt. Thái độ nôn nóng đôi khi là dấu hiệu của sự kiêu hãnh vì nghĩ rằng việc đạo đức của mình là do công lao của mình. Không biết kiên nhẫn đợi chờ có thể dẫn chúng ta đến những chọn lựa nghịch với Tin Mừng để tìm sức mạnh của quyền lực, giàu sang, và dối trá và chắc chắn không sớm thì muộn sẽ gặp phải thất bại. Vì vậy, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nói rằng: “Chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (1Cr 6,6-8).
Vì thế hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác trong niềm tin. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Tin vào sự hướng dẫn của Chúa đối với cuộc sống ta. Niềm tin mời gọi chúng ta tiến bước, bền chí sống Lời Chúa vì biết rằng: “Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới là người làm cho mọc lên” (1Cr 3,6). Tôi chỉ góp phần rất bé nhỏ, còn Thiên Chúa mới làm cho hạt giống Nước Chúa lớn lên theo cách của Thiên Chúa. Chỉ cần chúng ta khiêm nhường nép bên vào Chúa, chính lúc đó dù ta có tội- Chúa cho sạch, ta yếu Chúa cho ta mạnh, Ngài làm đẹp chúng ta từ trong ra ngoài.
Trong Thánh lễ, chúng ta được đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể. Chúa Giêsu chính là hạt giống Nước Trời được gieo vào lòng ta. Hạt giống ấy hôm nay nhỏ bé nhưng sẽ âm thầm lớn lên trong chúng ta. Có Chúa sống trong ta, cuộc đời ta sẽ trổ sinh hoa trái, xanh tươi, hoa lá cành, đem lại bóng mát đó là niềm tin và hạnh phúc cho mọi người qua cung cách sống đạo của chúng ta trong đời sống hằng ngày.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con kiên tâm và vững chí làm cho cây đức tin của chúng con sống dồi dào và sinh nhiều trái tốt cho Nước Chúa. Amen.
4. Sức mạnh kỳ diệu của hạt giống
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.)
Tin mừng Mc 4:26-34: Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.
Ngày 19/06/2018, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hân hoan khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đậy là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành ân sủng và đức tin của Giáo Hội Việt Nam. Chính vì điều này mà trong thư công bố Năm Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết: “Năm Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài”; bên cạnh đó, “Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là ‘kho tàng chôn giấu trong ruộng’ và ‘ngọc quý vô giá’ nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để ‘mua thửa ruộng và ngọc quý đó’ (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”.
Khi tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như vậy, Giáo Hội ca ngợi sự hy sinh cao quý của các thánh. Bởi vì các ngài đã chấp nhận trở thành hạt giống gieo vào lòng đất, thối đi và mọc lên để trở thành những cây to lớn mang lại hoa trái dồi dào cho Giáo Hội. Các ngài đã hy sinh tất cả, đánh đổi tất cả để làm vinh danh Chúa và phần rỗi của các linh hồn.
Có thể nói: các ngài chính là những hạt giống âm thầm, bền bỉ, trung kiên, nhỏ bé nhưng mãnh liệt.
1. Ý nghĩa các dụ ngôn
Hôm nay, qua Bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để nói cho dân chúng biết về mầu nhiệm Nước Trời.
Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì của người gieo và sức mạnh nội tại của hạt giống. Ngài nói: Hạt giống được gieo xuống đất, đêm hay ngày, người gieo dù ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả (x. Mc 4, 27-28).
Khi khẳng định điều này, Đức Giêsu muốn dạy cho dân chúng và nhất là các môn đệ bài học về sự sống tiềm tàng của hạt giống. Người gieo phải kiên trì, khiêm nhường và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Lòng nhiệt tình của người nông phu sẽ được đến đáp xứng đáng. Bởi vì, việc hạt giống mọc lên và sinh hoa kết trái vượt ra xa khỏi tầm kiểm soát của con người.
Sống trong một hoàn cảnh như thế, người môn đệ sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa để cậy trông vào Người. Đây là tiến trình trưởng thành của đức tin. Điều này phù hợp với giáo huấn của thánh Phaolô: “Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên (1Cr 3,6)”.
Thứ đến, Đức Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải để nói về Nước Trời. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trình bày Nước Trời dưới một góc độ khác! Hạt cải nhỏ bé ở đây chính là Giáo Hội. Một Giáo Hội khởi đi từ nhóm người hết sức nhỏ bé vỏn vẹn chỉ có 12 người. Rồi hạt cải ấy bị biết bao khó khăn trù dập…. Ấy thế mà hạt cải vẫn lớn lên và to cao lạ thường, đến nỗi chim trời đến làm tổ và cư ngụ ở đó cách an toàn.
Điều kỳ diệu này cũng được tiên tri Ezekien nói đến trong bài đọc I hôm nay, ngài nói:“Từ ngọn cây hương bá cao chót vót, ta sẽ ngắt một chồi non. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao, nó sẽ trổ cành kết trái thành cây hương bá huy hoàng. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp” (x. Ed 17, 22 - 24).
Lời tiên báo này, vị tiên tri muốn nói đến đường lối của Thiên Chúa thật phi thường không ai có thể ngờ được.
Còn với thánh Phaolô, qua Bài đọc II, ngài đã xác định yếu tố cần thiết để hạt giống đức tin được lớn lên và trưởng thành, đó là: hãy ra khỏi thân xác ích kỷ và hưởng thụ, để được gần Thiên Chúa và thuộc về Người. Nói cách khác, thánh nhân nhấn mạnh đến việc: hạt giống tâm hồn của chúng ta được lớn lên là nhờ ơn Chúa và sự nỗ lực không ngừng. Một sự hy sinh liên lỷ. Tất cả những cộng góp đó, làm cho đức tin lớn mạnh và vững vàng….
2. Bài học cho người Kitô Hữu Hữu
Dựa trên ý nghĩa hai dụ ngôn, chúng ta lần dở lại lịch sử cứu độ, nhất là lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn ai cũng thấy: có những lúc Giáo Hội luôn gặp những thử thách từ nhiều phía. Thế nhưng, sự kiên trì và dũng cảm của các bậc tiền nhân đã làm cho hạt giống đức tin được lớn mạnh không ngừng và trổ sinh hoa trái thật xum xuê như hiện nay.
Sự lớn mạnh như vậy, không hệ tại nơi con người như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã nói: hạt giống cứ âm thầm mọc lên. Chỉ cần có cơ hội là mở tung, phá vỡ vỏ hạt để đâm trồi nảy lộc.
Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Hạt giống của mỗi người chúng ta đã biết bao lần gặp phải sóng gió, phong ba, bão táp ập đến. Nhưng nhờ ơn Chúa, hạt giống đức tin ấy vẫn lớn lên ngay trong những thử thách và đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao hạt giống chưa chịu bức phá ra khỏi cái vỏ hạt xù xì xấu xa của mình để vươn lên đón ánh mặt trời và lớn lên như những hạt giống khác.
Sự khác biệt giữa mọc lên và nằm yên chính là việc có chấp nhận vượt ra khỏi vỏ bọc ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để sẵn sàng bung ra với sự kiên trì, can đảm, nhằm đạt được những hoa trái thánh thiện và tốt lành của những đức tính như bác ái, từ bi, nhân hậu hay không?
Có sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến cá nhân, bảo thủ, để nghĩ đến người khác như: vợ chồng, con cái biết nghĩ, biết sống cho nhau và vì nhau? Mái nhà của gia đình có thực sự là nơi an toàn để mọi thành viên hưởng nếm sự ngọt ngào của yêu thương, sự quan tâm và lòng liên đới hay là nơi cắn xé, chửi bới, la rày nhau?
Bao lâu trong mái nhà ấy, mỗi thành viên chưa nghiệm thấy và đụng chạm được sự bình an, hạnh phúc và niềm vui, thì bấy lâu gia đình ấy là hỏa ngục, nơi chôn giấu những hạt giống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, kiêu ngạo.
Ngược lại, mỗi người hãy làm cho gia đình mình chan chứa niềm vui khi mỗi người là những cành yêu thương, hoa nhân ái và quả đạo đức.
Được như vậy, mỗi gia đình là cung thánh của lòng thương xót, để nơi ấy, tình thương của Thiên Chúa được diễn đạt rõ nét cho anh chị em xung quanh. Là nơi an toàn cho những cánh chim đang mỏi mệt, thất vọng. Nói cách khác, khi sống xứng đáng là người Kitô Hữu thực thụ với những đặc tính yêu thương bác ái, chúng ta sẽ là nơi nương tựa của những người đau khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, những người cô thế cô thân, những người bị áp bức bóc lột, đói khát bần cùng. Trở thành điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai đang đánh mất niềm tin, đang xa đọa vào những con đường tội lỗi để dẫn đưa họ về với Chúa.
Có thế, chúng ta mới thực sự làm cho Nước Chúa lan rộng khắp nơi và lớn mạnh không ngừng như hạt cải tuy nhỏ bé, nhưng lớn lên vĩ đại.
Lạy Chúa Giêsu, hạt giống nơi tâm hồn mà Chúa đã gieo vào lòng mỗi người ngày chúng con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa mong ước cho hạt giống ấy mọc lên để thành những cây cao lớn làm nơi nương ẩn cho những ai cần đến.
Tuy nhiên, chúng con đã hồ đồ, ích kỷ, kiêu ngạo và không kiên định, nên làm cho hạt giống mà Chúa đã tin tưởng gieo vào tâm khảm chúng con bị chết nghẹt nơi thửa đất cằn khô sỏi đá. Xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức, để chúng con kiên trì, can đảm vươn ra khỏi những vỏ bọc an toàn tạm thời để làm cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến trên khắp hoàn cầu. Amen.
5. Hạt giống nhỏ nhất trở nên cây lớn nhất
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Đến trong trần gian, Chúa Giêsu chỉ có một ý nguyện duy nhất là thiết lập Nước Thiên Chúa hay Triều đại của Thiên Chúa. Vì thế, trong việc rao giảng, Ngài thường nói đến vấn đề này theo nhiều cách, nhưng phần lớn Ngài dùng dụ ngôn.
Dụ ngôn là những hình ảnh rút ra từ cuộc sống hằng ngày, được trình bày dưới dạng thức một câu chuyện để khơi lên trong tâm trí người nghe một suy nghĩ nào đó, giúp họ đặt lại những vấn đề của họ. Chúa Giêsu thường sử dụng những hình ảnh của cuộc sống bình thường như hạt giống, muối, ngọn đèn, ruộng lúa, kho tàng… để lồng khung những giáo huấn của Ngài.
Hôm nay, Giáo Hội mời chúng ta suy nghĩ về hai dụ ngôn ám chỉ Nước Trời: dụ ngôn hạt giống và hạt cải.
Nước Trời tương tự như một người nông dân gieo hạt. Gieo xong, dù người ấy ngủ hay thức, ngày hay đêm, hạt giống cứ tự mình từ từ nẫy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả.
Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, nhỏ bé hơn nhưng hạt giống khác, khi lớn lên thì thành cây to đến nỗi có thể cho chim trời đến làm tổ trên cành.
Hai dụ ngôn chứa tràn đầy niềm hy vọng.
Hạt giống nhỏ bé được trao phó cho mảnh đất… nó vẫn nẫy mầm, triển nở và sinh bông hạt, không cần đến sự trợ giúp nào.
Sức sống mãnh liệt ẩn chứa trong sự nhỏ bé, và có thể tự mình vươn lên và sinh hoa quả.
Hạt cải nhỏ bé vẫn có thể thành cây to.
Nước Trời là thế đó.
Nước Trời không là một lực lượng hùng hậu chinh phục thế giới bằng vũ lực, mà chỉ là một hạt giống nhỏ thôi.
Chúng ta mơ tưởng những ngày vinh quang. Chúng ta mãn nguyện vì những thành công bên ngoài, những lễ hội rình rang, những đám đông rầm rộ…
Chúa Giêsu không ở trong đám đông, cũng không có mặt nơi con người tự tìm thấy vinh quang trong những lúc phô trương lực lượng.
Ngài sinh ra nơi Bêlem nghèo khó, vô danh… Ngài là hạt lúa được gieo vào mảnh đất nhân loại.
Chúng ta mơ những thành công rực rỡ, nhưng con số báo cáo thật kêu, còn Chúa Giêsu chỉ là một tử tội bị bêu trên thập giá. Thất bại tang thương! Bị chôn vùi trong mảnh đất Palettin, nhưng trong Ngài, trong con người bị chống đối, bị khinh khi, bị ruồng bỏ, có một sức sống mãnh liệt đang tiềm tàng, sức sống của tình yêu.
Tình yêu không lộ diện, không chói sáng. Tình yêu như một vì sao nhỏ nhưng mãnh liệt: “Đừng sợ! Thầy đã thắng thế gian”.
Hạt giống chính là Tình yêu chứa đựng một sức năng động nội tại, có thể tự mình nẫy mầm và tăng trưởng, không cần một trợ lực nào. Người nông dân không biết vì sao nó mọc lên, vì đâu nó sinh hoa trái.
Chúng ta chỉ cần gieo nó vào lòng đất và đợi chờ đến ngày thu hoạch.
Chúa Giêsu chính là hạt giống đầu tiên của một nhân loại mới. Ngài là mầm sống bất diệt.
Thời thánh Maccô, Giáo Hội Rôma đang bị bách hại triệt để.
Nhiều người e sợ, giáo dân phải trốn chui trốn nhủi. Đó là hạt giống đầu tiên của Giáo Hội được gieo vào mảnh đất nhuốm máu, nhưng hạt giống vẫn mọc lên. Khi trời bước vào mùa xuân, khi ánh sáng tự do ló dạng, mùa gặt đã bội thu.
Giáo Hội Việt Nam cũng chịu bách hại suốt cả trăm năm, nhưng hạt giống đức tin vẫn âm thầm lặng lẽ mọc lên, và sinh hoa kết quả.
Chúa Giêsu luôn bảo: “Đừng sợ!”
Chúa Giêsu phải qua bao đau khổ mới đến vinh quang. “Giữa thế gian, chúng ta vẫn gieo trong nước mắt. Con thuyền Giáo Hội đang đi trên biển đời, làm sao không bị sóng gió? Nhưng tình yêu vẫn là sức mạnh không sóng gió nào dập tắt được. Đừng mơ mộng những ngày yên lành tươi vui, nhưng hãy đứng vững kiên trì. Vững tin vào Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta. Bao lâu còn Chúa Giêsu, chúng ta không buồn nản vì “thù trong giặc ngoài”. Chính những cơn bách hại, rõ ràng hay tiềm ẩn, lại là yếu tố giúp chúng ta can đảm.
Dụ ngôn hạt cải cũng chứa chan hy vọng.
Hạt giống nhỏ bé mọc lên thành cây lớn.
Khởi đầu khiêm nhượng, chôn vùi trong âm thầm suốt 30 năm trong làng Nadaret, sau đó tươi nở được mười một nhánh, hôm nay thành một cây cổ thụ, chim trời có thể làm tổ yên lành, líu lo…
Chúng ta không đắc thắng nhưng tin cậy. Chúng ta không là những trẻ mồ côi bị bỏ rơi trên đường. Chúng ta có lời hứa: “Thầy sẽ không để các con mồ côi, Thầy sẽ đến cùng các con”. “Thầy sẽ ở cùng các con cho đến tận thế”.
Chúng ta có lương thực thần linh để bước tới: “Nầy là Mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn”.
Và chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho Nước Trời triển nở và sinh nhiều hoa trái. Chúng ta đang mang trong chúng ta kho tàng Nước Trời, phải mang cho mọi người quanh chúng ta kho tàng vô giá đó.
Chúng ta có thể làm cho Nước Trời triển nở khi có một tâm hồn tội lỗi trở về với Đấng đang kêu gọi họ; Khi những nữ tu hay những người thiện chí tận tâm lo cho những người khốn khổ thoát khỏi những cơn quẩn bách, nghèo khổ, bị bệnh liệt kháng, hay bệnh cùi… Nước trời tiếp tục triển nở khi chúng ta dám nâng đỡ những người đang bị bỏ rơi, khi chúng ta dám tha thứ cho những người nhục mạ chúng ta… Khi có ai đó ngồi lặng trước nhà tạm để lắng nghe tiếng thì thầm yêu thương của Chúa… Tất cả những hành vi bác ái của chúng ta sẽ làm cho Nước Trời triển nở, vì Nước Trời chính là Tình Yêu.
Chúng ta không thể gói Nước Trời trong một tấm khăn tay. Tình Yêu không thể giữ trong một bình sành, nhưng tình yêu phải được san sẻ, phải cho đi. Bao lâu chúng ta không biết cho đi, chúng ta vẫn khóa chặt Nước Trời trong lâu đài ích kỷ nhỏ nhen của chúng ta. Hãy là con chim trời bay vút trên cao để hòa mình vào ánh sáng của mặt trời và làm sống động khung trời bao la im lặng. Hãy nói lên tiếng nói yêu thương trong cuộc sống, nhờ đó Nước Trời được rộng mở cho ai muốn lắng nghe.
Nước Trời chính là Giêsu được trao ban nhưng không cho mọi người.
6. Thử thách và đức tin
Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay muốn nhắn gởi chúng ta những gì? Dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc lên nhấn mạnh đến sức nuôi sống khó cưỡng lại của đất. Đất làm cho hạt giống nẩy mầm, mọc lên thành cây rồi đâm bông kết trái, xuyên qua một quá trình phát triển hài hoà. Con người chỉ đóng vai trò chủ động khi mùa gặt đến.
Dĩ nhiên hình ảnh người gieo giống gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu. Ngài so sánh hoạt động của Người rao giảng Nước Trời với hoạt động của ông chủ trại, bằng lòng đợi ngày mùa thu hoạch. Sở dĩ như thế là vì Ngài muốn đề cao sức mạnh của công trình rao giảng của Ngài, một công trình không thể không đem lại kết quả. Khi gieo hạt giống vào những tâm hồn sẵn sàng đón nhận. Đức Kitô ban cho họ sức mạnh để đáp trả và sinh hoa kết quả.
Vả lại, ở đây cũng muốn gợi lên sự cần thiết của thời gian, của hạn kỳ Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, Ngài quan tâm tới sự trưởng thành nhờ tác đợng của thời gian. Khi đó, người gieo giống trở thành thợ gặt. Và dĩ nhiên thợ gặt ở đây được đồng nhất với con người.
Dụ ngôn hạt cải cũng tạo được niềm phấn khởi lạc quan. Sự lớn lên kỳ diệu của hạt cải gợi lên sự phát triển của Nước Thiên Chúa. Dùng dụ ngôn này, Đức Kitô muốn tạo niềm tin tưởng nơi các môn đệ, có lẽ lúc bấy giờ đang dao động trước những khó khăn buổi đầu của công trình rao giảng của chính Chúa Giêsu. Do đó, Ngài không ngại tưởng tượng cái không-như-thật trong cách trình bày của Ngài, khi bảo rằng hạt cải mọc lên lớn hơn các thứ rau, cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Nhưng điều không như thật trên bình diện khoa học đó lại là như thật trên bình diện giáo huấn của Ngài. Thiên Chúa thích cho thấy sức mạnh của Ngài trong cái yếu đuối, mong manh của buổi ban đầu.
Để kết luận, Chúa Giêsu cho thấy rằng dụ ngôn hàm chứa trong chính nó cả một sự phong phú về mặt gợi ý và ứng dụng. Trong một hoàn cảnh có nhiều khó khăn, trong đó một số tấn công bất nhân nào đó của môi trường chung quanh hay một số suy thoái nào đó về ý thức tôn giáo, làm che khuất các cố gắng khiêm tốn, kín đáo cua những tâm hồn cao thượng, như hoàn cảnh ta đang sống, các dụ ngôn về sự tăng trưởng và phát triển của Nước Thiên Chúa mang lại một bầu khí phấn chấn, trong lành. Cũng giống như các môn đệ của Chúa Giêsu hay những người đương thời với Ngài, nhiều khi chúng ta cũng dễ dàng tỏ ra thiếu kiên nhẫn và dễ nghi ngờ sự phát triển của Giáo Hội. Thiết tưởng chúng ta nên đọc kỹ lại các dụ ngôn trên để củng cố niềm tin vào sự lớn mạnh của Giáo Hội nhất là giữa cảnh bão bùng giông tố, bởi sức phát triển bất khuất đó không do sức mạnh của con người, mà là do sức mạnh của Thiên Chúa.
Sự khẳng định kiên vững đó của đức tin sẽ hâm nóng lại niềm hy vọng của chúng ta, mang lại đà tiến cho lòng chúng ta cũng như cho phép chúng ta tiếp tục can đảm dấn thân cho Nước Thiên Chúa. Niềm hy vọng đó sẽ làm nẩy nở ước muốn của chúng ta, dạy cho chúng ta biết kiên nhẫn, biết thán phục công trình của Chúa mà nhiều khi mới nhìn thoáng qua, chúng ta không nhận ra hết được cái sức mạnh kỳ diệu của nó. Niềm hy vọng đó cũng sẽ không ngừng kích thích chúng ta trông chờ mọi sự ở Thiên Chúa bằng cách đặt mình trong thế sẵn sàng thực hiện thánh ý của Ngài.
7. Hạt giống.
Một trong những hạt giống kỳ lạ nhất trên thế giới, đó là hạt giống của một loại tre bên Trung Quốc. Nó nằm trong lòng đất suốt 5 năm rồi mới ló chồi non lên trên mặt đất. Trong khoảng thời gian này, người ta phải chăm sóc, phải tưới nước, phải bón phân đều đặn cho nó. Thế nhưng một khi đã trồi lên khỏi mặt đất thì chỉ trong vòng sáu tuần, nó sẽ mọc lên cao tới 5 mét. Các chuyên gia cho rằng suốt thời gian 5 năm trong lòng đất, hạt giống của loại tre ấy đã hình thành một hệ thống rễ phức tạp. Nhờ hệ thống rễ này, mầm non có thể tăng trưởng một cách mau chóng.
Từ hình ảnh trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Thực vậy, hạt giống Nước Trời cũng giống như hạt giống của loại tre Trung Quốc. Nó cần một thời gian dài trước khi trồi lên. Đôi khi thời gian này quá lâu khiến chúng ta băn khoăn tự hỏi: Liệu hạt giống Nước Trời được gieo vào tâm hồn ngày nhận bí tích Rửa Tội đã bén rễ chưa? Hay đã bị tội lỗi là như những sỏi đá và gai góc bóp nghẹt mất rồi? Nói một cách thực tế, những điều trên có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Tôi xin thưa có hai ý nghĩa.
Ý nghĩa thứ nhất đó là chúng ta phải tin tưởng vào Chúa. Ngài đã gieo trồng hạt giống trong chúng ta, Ngài hiểu được điều gì đang xảy ra, đang chuyển biến cho dù chúng ta chẳng hề nhận biết. Ý nghĩa thứ hai đó là chúng ta cần phải kiên nhẫn. Dù Nước Trời xem ra như không phát triển gì cả trong chúng ta, nghĩa là chúng ta dường như chẳng thánh thiện gì hơn trước. Chúng ta đừng nản lòng. Tốt hơn chúng ta nên tiếp tục vun xới hạt giống trong chúng ta bằng việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mẫu gương kiên nhẫn này chúng ta có thể học được nơi các bậc cha mẹ.
Ai cũng biết rằng việc gầy dựng một gia đình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và phó thác. Thực vậy, cha mẹ không thể lúc nào cũng có mặt bên cạnh con cái. Vì thế họ phải tin tưởng và phó thác vào chúng. Nếu như thỉnh thoảng sự tin tưởng ấy bị phản bội, thì lúc đó các ngài vẫn tiếp tục tha thứ và tin tưởng vào con cái mình. Hơn nữa, đôi khi cha mẹ thấy con cái mình chậm phát triển, chậm trưởng thành. Vậy phải làm gì? Họ càng phải yêu thương đứa bé hơn và tiếp tục kiên nhẫn đối với nó.
Chúng ta cũng hãy tin tưởng và kiên nhẫn như thế, bởi vì sẽ có ngày Nước Chúa sẽ trồi lên từ tâm hồn chúng ta và phát triển thành một thực tại vinh quang mà muôn đời chúng ta sẽ phải cảm tạ Chúa luôn mãi. Tóm lại, Thiên Chúa đã trồng hạt giống Nước Trời trong tâm hồn chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Bổn phận của chúng ta hôm nay là phải nuôi dưỡng nó với lòng tin tưởng và kiên nhẫn, qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, để rồi đức tin sẽ nẩy mầm, lớn lên và đem lại hoa trái cho cuộc đời chúng ta.
8. Gieo lời yêu thương – Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Malcolm Dolkoff là một cậu bé nhút nhát, dễ bị tổn thương. Cậu có rất ít bạn và luôn phải lủi thủi một mình.
Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn. Loài vật là bạn thân của con người, sau đó phân công mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện. Dolkoff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình. Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào buổi học tuần sau.
Những gì cậu viết cũng như điểm số mà cô giáo đã cho không hề quan trọng. Đối với cậu, điều quan trọng nhất mà cũng là điều cậu nhớ nhất lại chính là 4 chữ cô giáo đã phê: “Em viết hay lắm!” Chỉ 4 chữ mà cũng đủ thay đổi toàn bộ cuộc đời cậu bé. Trước khi nhận được 4 chữ đó, cậu chưa bao giờ có khái niệm về bản thân hay những điều mình đã làm. Còn sau buổi học hôm ấy, cậu đã chạy thật nhanh về nhà, ngồi ngay vào bàn và bắt đầu viết một câu truyện ngắn, một câu truyện về tất cả những điều cậu đã từng mơ tới và không bao giờ dám nghĩ mình có thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực.
Cậu viết ngày càng nhiều hơn và cứ được một truyện cậu lại mang ngay tới cho cô giáo của mình nhận xét.
Nhiều năm trôi qua, Malcolm Dalkoff đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thay cho cậu bé tự ti ngày nào. Cậu trở về thăm trường cũ và thăm lại cô giáo ngày xưa của mình. Điều cậu phải cảm ơn cô không phải vì cô đã trở thành một người bạn của cậu mà chính là 4 chữ đầu tiên cô đã từng phê “Em viết hay lắm!”, bởi những chữ ấy đã có thể thay đổi cả một cuộc đời.
Có những lời nói, cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời người. Biết bao con cái rơi vào sự tự ti mặc cảm khi cha mẹ vô tình lặp lại lời chê trách đối với con. Biết bao con người trở thành hung dữ khi cha mẹ luôn gieo vào tâm trí trẻ thơ những lời nói việc làm chất chứa đầy hiềm khích, bất công. Và ngược lại, biết bao con người đã bẻ gãy ổ khoá tự ti mặc cảm để can đảm vào đời, khi nhận được một sự khích lệ, một sự cảm thông từ những người thân. Biết bao con người đã hoàn thiện nhờ vào gương lành của tha nhân đã gieo vào lòng họ những lời nói, những việc làm tốt. Những lời nói, những việc làm của ta tưởng như vô tình nhưng thực ra nó vẫn âm thầm gieo vào lòng những người chung quanh ta để có thể biến đổi họ theo cách sống của chúng ta.
Cha ông ta vẫn thường nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói cho vừa lòng nhau không phải để lấy lòng nhau hay lừa dối lòng mình. Nhưng là lựa lời để nói. Nói để xây dựng con người. Nói để giúp họ thăng tiến. Đừng dùng lời nói làm đau lòng người khác, và cũng đừng dùng lời nói để kết án anh em. Một lời nói có thể thay đổi cả đời người. Hãy trao tặng cho anh em những lời nói thật chân tình và đầy ắp yêu thương. Lời nói không mất tiền mua, không phải để chúng ta phung phí bừa bãi, nhưng biết quý trọng từng lời. Lời nói thể hiện nét đẹp văn hoá nơi con người. Hãy biết chắt lọc ngôn ngữ. Hãy làm cho lời nói của ta có giá trị bằng cách biết dùng lời cho vừa lòng nhau.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ra đi gieo vãi Lời Chúa. Gieo trong kiên trì. Dù đêm hay ngày. Người gieo giống luôn gieo vào nhân thế hạt giống của tin mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc. Nếu cô giáo của Malcolm Dolkoff không gieo vào lòng cậu bé lòng tin và nghị lực thì không có một nhà văn tài ba. Người Kitô không gieo Lời Chúa thì làm sao có cánh đồng lúa bát ngát bông lúa vàng là tâm hồn các tín hữu?
“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mần và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”. Sự kỳ diệu của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ. Người Kitô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn gieo vãi yêu thương trong hành trình cuộc sống của chúng ta, để mỗi bước chân chúng ta đi luôn để lại dấu ấn của yêu thương và hy vọng cho nhân thế. Amen.
9. Bông lúa trĩu hạt.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.
Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người, chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.
Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số dân trên thế giới.
Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ. Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa. Có cần phải tin vào Đức Kitô nữa không?
Vào thời thánh Mác-cô viết sách Tin Mừng, cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh. Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nê-rô. Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.
Đó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.
Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất
là bắt đầu nảy mầm và lớn lên, theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi. Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.
Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ. Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày, chẳng cần con người can thiệp.
Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng, hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.
Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.
Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu, vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây, và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác. Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.
Nước Trời khởi đầu bằng Đức Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới. Sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.
Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.
Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.
Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất, và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây. Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái. Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.
Đây là lúc ta phải sống niềm tin: tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu, bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.
Đừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa, dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.
Gợi Ý Chia Sẻ
Ở Việt Nam, Kitô hữu chỉ là thiểu số. Bạn nghĩ gì về sự đóng góp của các Kitô hữu Việt Nam cho quê hương đất nước hôm nay?
Theo bạn, những người ngoài Kitô giáo nghĩ gì về chúng ta? Họ có thiện cảm hay ác cảm? Chúng ta cần phát huy thêm tinh thần nào để gần gũi hơn với đa số đồng bào?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa. Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh. Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
10. Hạt cải nhỏ nhất – Lm. ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Đến Victoria và Vancouver nước Canada, du khách thấy tận mắt một cây thông mọc lâu hơn 300 năm, cao hơn 100 mét, chu vi thân cây dài 9 mét và một cây sống hơn 1.000 năm cao lớn lạ thường. Có lẽ đó là cây cao lớn nhất thế giới. Nhưng hạt thông chỉ nhỏ bằng hạt táo.
Nhìn cây cổ thụ kỳ lạ đó, con người cảm thấy mình quá bé nhỏ. Bé nhỏ về tuổi thọ, bé nhỏ về thân phận mỏng dòn, yếu ớt.
Càng kinh ngạc hơn nữa, nếu con người nhìn hạt lúa, với con mắt khoa học, sẽ thấy nó chứa hàng tỷ tỷ hạt nguyên tử hợp bởi tỷ tỷ hạt li ti nhỏ bằng một tỷ lần milimét chạy quanh một hạt nhân với tốc độ kinh khủng 297.000 km trong một giây đồng hồ. Hạt lúa đó gieo trong đồng ruộng, nảy mầm, mọc lên, trổ đòng đòng thành bông lúa chín nặng trĩu, người ta vui mừng gặt về một mùa lúa bội thu, người ta vẫn không biết ai làm cho nó mọc lên, trổ bông, chín vàng.
Xét cho cùng, tất cả vũ trụ này, chỉ là những hạt li ti như thế thôi, dần dần bành trướng to lớn ra hàng tỷ tỷ tỷ lần. Ai đã gieo thứ hạt giống đó? Ai đã làm nó vô cùng to lớn như thế?
Chẳng biết ai, các bác học chỉ đưa ra những giả thuyết vu vơ. Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã ví nước Thiên Chúa giống như những hạt giống đó. Đấng đã làm nên nước Trời thì cũng làm nên hạt giống đó, Ngài biết nó tự đâu có, Ngài đã cho nó mọc lên, trổ bông và chín nặng trĩu hạt.
Thiên Chúa còn gieo một thứ hạt giống lạ lùng vô cùng hơn nữa, thứ hạt giống từ trời gieo xuống đất, đó là Ngôi Lời xuống thế làm người. Thế gian chẳng ai biết Người bởi đâu! như Gioan viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian; thế gian nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người” (Ga. 1, 9-10). Dù thế gian không biết Người, Người vẫn như hạt cải mọc lên lớn hơn mọi thứ, xum xuê cho muôn dân tụ họp, sinh sống dưới bóng mát tình thương của Người. Lời Người, ân sủng của Người, công cuộc cứu thế của Người đang soi sáng và bao phủ khắp muôn dân. Người là đèn sáng, không ai có thể lấy thùng úp lại được, không một thế lực phàm trần nào có thể đè nén được. “Chẳng lẽ mang đèn đến để cho đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải đem đèn đến để đặt trên cao sao?” (Mc. 4, 21).
Do thái cậy mình con cháu Abraham đã ra sức vùi dập ánh sáng Đức Giêsu bằng xuyên tạc, chống đối, đe dọa, bắt bớ, đánh đòn và đóng đanh. Hy lạp tự kiêu khôn ngoan, bài bác, trục xuất Tin mừng Phaolô rao giảng. Rôma hùng mạnh đã tù đầy, kết án, xử tử những tông đồ tha thiết gieo giống cứu độ. Hạt giống nước Thiên Chúa vẫn nảy mầm mọc lên vươn cao, vươn rộng, vươn xa đến tận cùng trái đất và cho đến tận thế.
Người Tây phương chỉ thấy Thiên Chúa đã chết rồi (Nietzsch) mà không biết rằng: “Cha Ta hằng làm việc và luôn ẩn danh” (Deus abscondito). Ngài không nói sống sượng như kẻ kiêu ngạo, Ngài chỉ nói cách khiêm tốn và dịu hiền để ai có tai, có thiện tâm thì nghe rất thấm thía. Kẻ ác tâm, dã tâm, vô tâm chẳng bao giờ nghe được tiếng Ngài mà chỉ thấy chói tai quá!
Người Đông phương xưa, tuy không gần Ngài bằng xương, bằng thịt, nhưng cũng nhìn thấy: “Thiên hành kiện” – Trời hành động kiên cường không ngừng, mà chẳng nói gì “Thiên hà ngôn tai” – Trời không nói bằng miệng, nhưng nói bằng nhiều cách: nói bằng tác tạo trời đất muôn vật, nói trong lương tâm con người: “Thiên mệnh chi vị tính”, nói bằng ban phép tắc cho muôn vật: “Duy thiên sinh dân, hữu vật, hữu tắc”. Vì thế con người phải biết luôn luôn tìm ý Ngài để tuân theo. Không biết tìm ý Trời thì không đáng là quân tử, làm con Trời: “Bất tri thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử”.
Đức Giêsu đã nói với chúng ta rất nhiều: Nói xa qua công việc tạo dựng và bảo tồn muôn vật, nói gần qua Hội thánh, qua các bài giáo lý, Tin mừng, ơn thánh và kinh nguyện.
Chúng ta có nghe được tiếng Người không? Có thiện chí tiếp nối công việc của Người đã làm không? Chúng ta có sống theo đời sống khiêm tốn, dịu hiền và thương yêu như Người không? Chúng ta có biết gieo những hạt giống tốt vào trong hồn các bé thơ để sau này nó sẽ tự nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả nặng trĩu không? Nhiều bà mẹ đã biết gieo vào lòng tuổi thơ những hạt giống tốt như kêu tên: Giêsu Maria Giuse, hay đọc kinh Kính Mừng. Nhờ những hạt giống nhỏ bé đó đã mọc lên những cây vĩ đại như Bernadette, Lucia, Giaxinta và Phanxicô để hàng triệu người được đến nương ẩn bóng mát ơn phúc của Lộ Đức và Fatima.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian như hạt giống bị vùi dập, chết đi trong lòng đất nhưng không bị hủy diệt mà đã sống lại vinh sáng. Xin cho chúng con cũng được sống lại sau những cái chết vì đau khổ dập vùi.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam