Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 76

Tổng truy cập: 1367430

GƯƠNG XẤU VÀ DỊP TỘI

Gương xấu và dịp tội

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)

 

Bài Tin Mừng có hai phần và trong mỗi phần Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta một điều quý giá: Thứ nhất, đừng làm cớ cho người khác vấp phạm. Thứ hai, phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho chính mình phạm tội.

Trước khi đưa ra những lời khuyên này, Chúa Giêsu cho biết: Chúa sẽ ghi công và khen thưởng cho những ai giúp đỡ bất cứ cái gì cho môn đệ của Ngài, dù chỉ là một bát nước lã thôi, Ngài cũng không bao giờ quên lòng tốt của họ. Nhưng ngược lại, Ngài cũng không thể làm ngơ khi người nào làm cho một người khác, dù là trẻ nhỏ hay người hèm kém nhất vấp phạm, nghĩa là làm gương mù gương xấu lôi kéo người khác phạm tội, xa Ngài thì không bao giờ bỏ qua đâu.

Rồi để cho mọi người ý thức về sự nghiêm trọng của việc ấy, Ngài bảo rằng: “Khốn cho kẻ làm gương mù gương xấu”. Gương mù gương xấu là gì? Là lời nói hay việc làm gây nên sự thiệt hại cho linh hồn người ta. Gương mù gương xấu ví như hòn đá đặt giữa lối đi làm cho người ta vấp ngã, nên dịp cho người ta phạm tội. Rất là tai hại: không những mình đã phạm tội mà còn làm cho kẻ khác phạm tội nữa.

Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-na Vô-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vô-gan thò đầu ra cửa gọi theo: “Này ông, ông còn quên cái gì đây này”. Người đó vội leo lên toa, nhìn quanh và hỏi: “Quên cái gì đâu?”. Cha Vô-gan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn: “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi xuống ngay. Đó, ông ta đã xấu lại còn gieo rắc điều xấu cho người khác. Tai hại và nguy hiểm như vậy, nên Chúa Giêsu nói: họ đáng buộc cối đá vào cổ và quăng xuống biển, nghĩa là tội của người ấy nặng lắm và rất đáng trừng phạt. Họ phải chịu trách nhiệm về những tội họ làm cho người khác phạm và những tội chính họ phạm nữa.

Sau khi khuyên dạy không được làm cớ cho người khác vấp phạm, tức là không được làm gương mù gương xấu, Chúa Giêsu lại khuyên phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho chính mình phạm tội, vì sẽ mất sự sống đời đời, mất nước Thiên Chúa. Chúa đưa ra một thí dụ để giải thích: mỗi chi thể của con người đều quý giá. Chẳng hạn: tay, chân, mắt. Nhưng nếu phải mất một tay, một chân, một mắt để được sống, thì vẫn phải đáng đánh đổi, nghĩa là khi một phần nào của thân thể bị đau bệnh, không hy vọng chữa khỏi, như bị ung thư chẳng hạn, gây nguy hiểm cho thân thể và đe dọa đến sinh mạng, thì người ta phải giải phẫu, mổ, cắt hoặc cưa phần thân thể đó đi. Làm như thế sẽ bảo toàn được sự sống hay bảo toàn được những phần thân thể khác, đó là chuyện thông thường trong y khoa.

Nếu vậy, khi sự sống cần phải lựa chọn lại chính là sự sống đời đời, thì càng đáng đánh đổi hơn nữa, nghĩa là nếu tay, chân, mắt nên cớ cho mình phạm tội, đe dọa mất sự sống đời đời, thì hãy đánh đổi nó. Nói rõ hơn, khi Chúa nói chặt tay, chặt chân hay móc mắt, không có nghĩa là chặt tay, chặt chân hay móc mắt thật, nhưng có nghĩa là phải dứt khoát với dịp tội. Mắt có thể hiểu là cha mẹ, người trên. Tay có thể hiểu là anh chị em, bạn hữu, những kẻ ngang hàng. Nếu cha mẹ hay người trên gây dịp tội cho chúng ta, dẫn chúng ta vào đàng tội lỗi, thì bằng mọi giá, chúng ta phải dứt khoát với những người đó, dù có bị mất lòng. Thà được lòng Thiên Chúa còn hơn được lòng người thế gian. Cũng vậy, nếu chúng ta biết rằng: giao du với những người bạn đó, lần nào đi chơi với người ấy, chúng ta cũng mắc thêm tội…thì dứt bỏ với dịp tội là chúng ta phải cắt đứt đi mối tình bạn đó, dù có phải xót xa cách mấy. Thà chịu đau khổ trong năm tháng còn hơn phải chịu cực hình ở chốn đời đời.

Bài Tin Mừng này thật là một bài học rất hữu ích. Chúng ta hãy nhớ rằng: mỗi người đều có một phần trách nhiệm trong việc kiến tạo môi trường thần linh ở khu vực mình sống. Bởi đó chúng ta phải tránh tội lỗi và việc xấu gây gương mù gương xấu cho tha nhân. Ngay cả những việc không xấu mà nên cớ cho anh em vấp phạm, chúng ta cũng phải tránh. Cũng thế, tất cả những gì chúng ta có: tiền tài, của cải, chức vị, bạn hữu, thân quyến, nghề nghiệp… đều chỉ là những phương tiện để xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng nếu những thứ đó là căn cớ cho tội lỗi, gây nguy cơ đánh mất nước trời, thì vì Chúa Kitô và vì nước trời, chúng ta hãy sẵn sàng từ bỏ, dù phải hy sinh đắt giá, vì được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì? Xin Chúa cho tất cả chúng ta ghi nhớ và thực hành bài học hôm nay.

 

 

 

 

 

12. Gương mù gương xấu

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)

 

Bài Tin Mừng hôm nay có bốn lời khuyên của Chúa Giê-su được thánh Mác-cô ráp lại với nhau: Thứ nhất, hãy loại bỏ thái độ thống trị, ngay cả với người ngoài cộng đồng Giáo hội. Thứ hai, giá trị của mỗi người môn đệ là do liên đới với Đức Kitô. Thứ ba, đừng làm cớ cho người khác vấp ngã, dù là người nhỏ bé nhất. Thứ tư, hãy loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho mình vấp ngã, vì giá trị tuyệt đối của nước trời. Sau đây chúng ta chỉ tìm hiểu hai điều sau thôi, tức là vấn đề gương mù gương xấu.

Chúng ta biết: điều răn của Chúa đặt cơ sở trong cõi lòng, trong tư tưởng, trong lương tâm, một khi con người có tư tưởng thế nào thì hành động ắt sẽ xảy ra như vậy. Nhưng có một điều trớ trêu là từ tư tưởng tốt đến hành động tốt có vẻ hơi xa, ngược lại, từ tư tưởng xấu đến hành động xấu thì rất gần. Những hành động xấu lại là dịp tội, là gương mù gương xấu kéo theo bao nhiêu thứ tội khác và kéo theo bao nhiêu người khác nữa sa ngã: “mù dắt mù cả hai ngã xuống hố”. Một ngọn đèn hết sáng thì bóng tối ùa vào, bao nhiêu ngọn đèn khác cần được thắp sáng nhờ ngọn lửa của ngọn đèn đó thì nay không còn. Một ngọn đèn tắt đi là không những tối cho mình mà cho nhiều người khác dễ vấp ngã.

Gương mù gương xấu là lời nói hay việc làm gây nên sự thiệt hại cho linh hồn người ta. Gương mù gướng xấu ví như hòn đá đặt giữa lối đi làm cho người ta vấp ngã, nên dịp cho người ta phạm tội. Tai hại như vậy nên Chúa Giê-su gắt gao lên án hết mọi kẻ làm gương mù gương xấu. Chúa lên án gắt gao vì họ là những kẻ giết người vô tội, tiêu hủy đức tin, làm tăng thêm số người tội lỗi và khô khan, nói chung là làm hại các linh hồn. Kinh Thánh cho biết bà Dê-da-ben ăn ở lẳng lơ làm gương mù gương xấu cho dân, số người bắt chước đời sống xấu xa của bà trong mấy năm thôi đã trở nên gấp muời lần số người các ngôn sứ đã khuyên được sau bao nhiêu năm khó nhọc vất vả. Tai hại và nguy hiểm như vậy nên Chúa Giê-su nói: họ đáng buộc thớt đá cối xay vào cổ và quăng xuống biển, vì họ phải chịu trách nhiệm về những tội họ làm cho người ta phạm và những tội chính họ phạm nữa. Chúng ta cũng nên biết thêm một chút về câu nói trên đây của Chúa Giê-su. Ở Do Thái có hai loại thớt cối đá: một loại thớt cối xay bột do các bà làm bánh quay tay, một loại rất nặng do đôi bò kéo để chà ngũ cốc. Ở Pa-lét-tin có hai hình phạt nặng nhất cho tử tội là thập giá và buộc thớt cối đá ném xuống biển. Loại hình phạt thứ hai do người Rô-ma mang vào Do Thái, và rất kinh sợ vì chết chìm nghỉm, mất xác, làm mồi cho hà bá. Chúa Giê-su dùng hình ảnh này để nói lên một chân lý đáng sợ của Ngài là nếu gây gương mù dịp tội thì đáng lãnh án phạt nặng nề kinh khiếp không phải là ở trần gian mà là trong hỏa ngục của đời sau. Thật vậy, một người phạm tội một mình đã là tội rồi, lại còn lôi cuốn người khác phạm tội nữa, thì tội đó còn nặng hơn là tội giết người, vì giết người là cất một sự sống trăm năm, còn gương mù làm mất sự sống vĩnh cửu. Và chúng ta nên nhớ: tội gương mù không phải là hễ nhiều người thấy mới là gương mù, mà chỉ một người thấy thôi cũng đủ là gương mù rồi.

Vì thế, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải hết sức tránh dịp tội, Chúa bảo phải “móc mắt, chặt tay, chặt chân”, không phải là móc mắt, chặt tay, chặt chân thật mà Chúa chỉ muốn so sánh việc mất mắt, mất tay, mất chân với việc cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Chúa bảo chúng ta phải lựa chọn một trong hai điều: hoặc là phải hy sinh một vài điều có thể gọi là quý báu tạm thời trên đời đổi lấy sự sống vĩnh cửu, hoặc là cứ khư khư giữ lấy cái quý giá tạm bợ kia để rồi lãnh án phạt đời đời. Vậy móc mắt, chặt tay, chặt chân là Chúa muốn chúng ta đặt ra một kỷ luật nghiêm minh cho chính mình. Chẳng hạn nếu hình ảnh nào làm cho chúng ta phạm tội, chúng ta phải can đảm ngoảnh mặt đi, cũng như không thể để gói thuốc nổ gần lửa rồi mong rằng không có tai nạn xảy ra. Cũng tương tự như thế cho những ai ở trong dịp tội, đừng có liều mình. Các thánh nhân đã kinh nghiệm dạy: “thà phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “đào vi thượng sách”. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, mà một đàng mình cứ quanh quẩn ở trong dịp tội, cứ đứng ở chỗ trơn trượt thì sao đây? Cuộc đời có thể có những cái nếu chúng ta không làm thì bị anh em cười chê, nhưng nhớ rằng: bị Chúa cười chê đời đời mới đáng sợ và phải sợ, chứ còn trần gian cười ba tháng là tối đa. Chúa muốn chúng ta nghĩ tới hình khổ hỏa ngục trầm luân mà giữ mình cẩn thận.

Vậy chúng ta phải tránh xa dịp tội, gương mù gương xấu để chính mình khỏi vấp ngã, và chúng ta cũng đừng bao giờ làm dịp tội hay gương mù gương xấu cho người khác. Cả hai đều đáng khinh đáng ghét ở đời này và lãnh án phạt nặng nề đời sau.

 

 

 

 

 

13. Chặt tay.

 

Ngày xưa có một đoàn thám hiểm từ Âu châu đi tìm đất mới. Nhà lãnh đạo của họ là một người thích phiêu lưu với số mệnh, và ông đã tuyên bố: Ai đụng tới đất đầu tiên sẽ được làm chủ toàn thể lãnh thổ ấy. Một người trong nhóm tên là O’Neil quyết tâm giành được đất mới. Ông gắng sức chèo, nhưng rồi một chiếc thuyền khác đã vượt qua được ông mà đất liền thì đã ở ngay trước mặt. Chúng ta có biết ông đã hành động như thế nào hay không? Con người sắt đá này đã buông mái chèo, rồi nhanh như một tia chớp, ông cầm lấy chiếc búa, chặt đứt bàn tay trái của mình rồi liệng nó lên bờ. Và như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới. Đất mới là của ông.

Kể lại câu chuyện này, tôi hy vọng chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được lời nói của Chúa qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Nếu tay con làm cớ cho con phạm tội, thì hãy chặt nó đi. Thà con cụt một tay mà được vào Nước Trời còn hơn là có đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục. Đâu là ý hướng Chúa Giêsu muốn nhắm tới? Tôi nghĩ rằng những người muốn theo Chúa phải sẵn sàng hy sinh cả những cái gần gũi và thân yêu nhất, khi chúng trở thành dịp tội và làm cho chúng ta vấp ngã. Chúa Giêsu không nói chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân hay móc mắt vì đây chỉ là cách nói nhấn mạnh của Ngài hầu gây một ấn tượng khó quên đối với người nghe: Nước Trời, miền đất hứa chủa chúng ta, quê hương vĩnh cửu của chúng ta, muốn đạt được thì phải hy sinh.

Đúng thế, để chiếm được Nước Trời, chúng ta phải sẵn sàng làm một số việc vừa quyết liệt lại vừa đau đớn không kém gì hành động chặt tay và móc mắt. Đối với một số người thì từ bỏ một vài mối lợi vật chất cũng đau đớn như là cắt đứt một bàn tay. Nơi khác, Chúa Giêsu lại nói với chúng ta: Nếu chúng ta cho kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống, kẻ không nhà được trú trọ thì chúng ta sẽ chiếm được Nước Trời. Hy sinh để cứu giúp họ, hy sinh để nâng đỡ những hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, để làm đẹp lòng Chúa và chiếm lấy Nước Trời có thể cũng đớn đau như cưa đứt một ống chân. Với một người nghiện rượu thì bỏ đi một xị hay chỉ một ly mà thôi, ắm lúc cũng thật là khổ sở, nhưng vì vui lòng Chúa, anh ta phải bỏ. Chúng ta thường thích nằm ngủ nướng hơn là đi lễ sáng Chúa nhật. Cố gắng để vượt thắng tính lười biếng có thể gây phiền phức và khó chịu ở một mức độ nào đó, nhưng lại là phương cách để chiếm lấy Nước Trời. Ngồi theo dõi truyền hình thì dễ dàng hơn là cầu nguyện hay đọc Kinh Thánh. Thưa chuyện với Chúa là một ân huệ lớn lao, là một niềm vui tuyệt vời, nhưng nó là đòi hỏi chúng ta phải cố gắng cắt bỏ một khoảnh khắc giải trí hay nói chuyện tào lao với nhau.

Chúa Giêsu không phải chỉ chặt tay móc mắt, trái lại Ngài còn hiến dâng trọn vẹn mạng sống và đã đổ ra cho đến giọt múa cuối cùng để cứu chuộc chúng ta. Vì thế chúng ta hãy xin Chúa ban sức mạnh để chúng ta biết từ bỏ, hầu nhờ sự từ bỏ này chúng ta sẽ chiếm được Nước Trời, miền đất hứa của chúng ta. Hay nói các khác, Thiên Chúa phải chiếm chỗ nhất trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta, để rồi chúng ta có thể nói lên như Tổng lãnh Thiên Thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.

 

 

 

 

 

14. “Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9,39)

 

Môn đệ của Chúa Giêsu lấy làm khó chịu khi có người nhân danh thầy mình mà trừ quỷ, cụ thể là Gioan, môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến một cách đặt biệt nhưng Chúa Giêsu giải thích cho môn đệ của mình: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Có hai cái nhìn về một sự việc: cởi mở và đố kỵ, cái nhìn của con người và cái nhìn của Chúa.

Phản ứng của Gioan tuy chưa đến mức độ gay gắt nhưng cũng cho thấy ẩn tàng thái độ tranh giành hơn thua và loại trừ người khác. Những ai không cùng phe cùng nhóm với mình thì khó lòng chấp nhận hành động của họ cho dù họ làm đúng, làm tốt. Ông ỉ lại sự ưu ái của Chúa và khư khư giữ chân lý dành cho mình. Con người thường hay đố kỵ, ganh tỵ với thành công, ưu điểm của người khác, sợ ảnh hưởng của mình bị chi phối. Lòng đố kỵ và cái nhìn nhỏ hẹp làm cho đời sống con người không thể phát triển, nhất là đời sống đức tin không thể trưởng thành và những người xung quanh không thể nhận ra hình ảnh của Chúa. Co cụm trong suy nghĩ và hành động chỉ thêm cho mình sự cằn cõi và ù lì.

Ngược lại, Chúa Giêsu nhìn sự việc rất cởi mở và thanh thoát, người khác nhân danh mình để làm điều tốt đó là một thành công và uy tín được xác định, nhưng Chúa Giêsu không quan tâm đến điều đó. Ngài mời gọi sự hoà hợp và đón nhận nhau khi làm việc tốt và nhất là loại trừ cái xấu, đó là “trừ quỷ”, cùng nhau xây dựng, bảo vệ cái tốt. Đặc biệt hơn trong lòng mỗi người phải giữ cho mình một thứ “muối” thật mặn để ướp cuộc sống thêm mặn mà, nồng ấm tình người hơn và “sống hoà thuận” với nhau. Khi con người đón nhận ưu điểm, ngay cả giới của nhau và nhìn cuộc sống với tấm lòng rộng mở thì cuộc sống trở nên tốt đẹp.

Sống cởi mở, đón nhận nhau cùng nhau lên tiếng bảo vệ sự thật, lên án bất công và cái xấu là điều cần phải làm cũng như không thể vì lòng đố kỵ mà cản trở người khác đang xây dựng một môi trường sống tốt đẹp. Với Chúa Giêsu mỗi người cùng nhau mang hạnh phúc, bình an và chan chứa tình huynh đệ cho cuộc sống ngày hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng quảng đại như Chúa để thật lòng đón nhận ưu khuyết điểm của người khác, sống hoà thuận và yêu thương để cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.

 

 

 

 

 

15. Sống bác ái và làm gương tốt

 

Minh Họa Lời Chúa

1. Chấp nhận hy sinh

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thomas More dấn thân vào con đường chính trị. Chàng thăng tiến chức rất nhanh. Năm 1529, chàng được vua nước Anh là Henry VIII phong lên chức Đại Pháp quan. Nhưng thảm kịch lại xảy đến cho Thomas More. Vua Henry VIII ly dị hoàng hậu và tái hôn bất hợp pháp. Để chống lại những kẻ phản đối cuộc tái hôn này, vua bắt buộc các quan trong triều đình ký tên chấp nhận cuộc tái hôn là hợp pháp. Ai bất tuân sẽ bị tống ngục vì tội phản loạn. Vì sợ mất chức tước, các quan đều ký tên, chỉ trừ ông Thomas More. Ông cương quyết chống lại gương xấu của nhà vua. Bạn ông là Norfolk khuyên, “Cuộc tái hôn này có hợp pháp hay không thây kệ nó, bạn cứ ký tên vào, bạn thấy các quan đều ký tên cả rồi.”

Thomas More vẫn từ chối không chịu ký tên, vì ông không thể làm điều lỗi luật Chúa, nhất là nêu gương mù gương xấu cho dân chúng. Thế là ông đã bị tống ngục và bị hành hình năm 1535.

2. Cạm bẫy

Người ta đồn ăn thịt nhất là óc của khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp, nên nhiều người tìm cách đánh bẫy khỉ. Họ lấy trái dừa, bổ ra làm đôi, bỏ vào đó trái cam thơm ngon, khoét một lỗ nhỏ vừa nắm tay khỉ, rồi cột trái dừa lại, đem treo trên cây. Nghe mùi thơm của cam, khỉ tìm đến, thọt tay vào trái dừa, nắm lấy trái cam lôi ra. Nhưng nó không thể rút tay ra được, vì tay nó nắm trái cam quá lớn so với cái lỗ của trái dừa. Biết mình bị mắc bẫy, nhưng nó cứ nắm chặt trái cam, dẫy dụa, kêu la. Thế là người ta bắt được con khỉ khờ dại đó.

3. Cột cối đá lớn vào cổ nó

Ông Henry nổi tiếng về cách kết thúc câu chuyện gây ngạc nhiên của ông. Có một câu chuyện liên hệ đến một đứa trẻ thiếu thốn về mặt tình cảm. Nó luôn hỏi cha nó có thể ngồi vào lòng ông được không? Nhưng người cha luôn gạt đi và bảo nó ra ngoài chơi.

Điều không thể tránh khỏi đã xảy ra, cô bé lớn lên và chấp nhận tình yêu thương từ bất cứ ai. Cô trở thành một cô gái điếm. Khi cô chết, thánh Phêrô thưa với Chúa Giêsu, “Hôm nay có một người tội lỗi xấu xa đến.”

Và đây là kết luận ngạc hiên khi Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô, “Lúc cô ấy đến, hãy cho cô vào thiên đàng. Còn khi cha của cô đến, hãy bắt ông chịu trách nhiệm về cuộc đời của cô.” Tôi có cảnh giác để không làm điều gì khiến cho người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ, mất niềm tin vào Chúa Giêsu không?

4. Gương tốt khơi dậy gương tốt

Một thanh niên bị án tử hình vì tội sát nhân. Trước khi thi hành án, anh xin nhà vua hoãn lại cho anh hai ngày và cho anh về nhà sắp đặt mọi việc. Nhà vua sợ anh trốn luôn nên nói với dân chúng có mặt ở đó, “Trẩm sẽ cho người thanh niên này về nhà, nếu có ai trong các ngươi dám bảo lãnh, và nếu người thanh niên này không trở lại thì kẻ đó phải chết thay.”

Nhà vua nghĩ là không ai dám bảo lãnh như thế, nhưng có người dám đứng ra bảo lãnh. Mọi người đều cho rằng người này phải chết thay cho người thanh niên đó, vì chắc chắn hắn sẽ trốn luôn.

Nhưng đúng hai ngày, người thanh niên đó đến phủ phục trước mặt vua, “Tâu bệ hạ, tôi đã làm xong mọi việc, hôm nay tôi xin đến để chịu án tử.”

“Thế là ngươi không trốn luôn à?”

“Thưa tôi không muốn thất tín, để cho không ai nói được sự tín trung đã bến mất khỏi thế giới con người.”

Quay sang người bảo lãnh, nhà vua hỏi, “Còn ngươi, sao ngươi dám bảo lãnh cho người xa lạ này?”

“Tâu bệ hạ, vì tôi muốn chứng tỏ lòng nhân hậu và can đảm hy sinh cho kẻ khác vẫn còn trong xã hội loài người.” Và từ trong đám đông, người con của kẻ bị chàng thanh niên giết chết tiến ra phủ phục trước măt vua và nói: “Tâu bệ hạ, giờ đây tôi xin bệ hạ tha cho chàng thanh niên bị án tử hình này. Tôi và gia đình đã tha cho anh ta rồi, vì tôi muốn chứng minh trong xã hội con người còn có kẻ biết tha thứ cho nhau.”

5. Tinh thần đoàn kết xây dựng

Có sáu người đi lạc giữa đêm giá lạnh miền Bắc cực. Họ xúm xích nhau bên đống lửa để đỡ giá lạnh như cắt da xé thịt. Nhưng điều lạ là đống lửa sắp tàn, và mỗi người đang cầm một thanh củi trên tay, mà không ai bỏ vào lửa cho nó tiếp tục cháy.

Người thứ nhất là một quả phụ. Bà thấy người ngồi bên cạnh là một thanh niên da đen. Bà tự nhủ, “Tại sao mình phải hy sinh thanh củi này để sưởi ấm ngoại kiều?”

Người thứ hai nhìn thấy người gần bên là một kẻ thuộc phe đối lập nên nghĩ, “Tại sao mình phải hy sinh khúc củi này sưởi ấm kẻ thù?”

Người thứ ba là một người nghèo khổ đói rách, nhìn thấy bên mình là một người giàu có sang trọng. Anh tự nhủ, “Tại sao mình phải hy sinh miếng củi của mình để sưởi ấm cho hạng giàu sang ích kỷ?”

Người thứ tư chính là kẻ giàu sang đó. Anh ta thấy kẻ nghèo khó bên cạnh thì nghĩ, “Dại gì mình bỏ thanh củi của mình ra, để sưởi ấm cho hạng cùng đinh mạt kiếp và lười biếng đó.”

Người thứ năm chính là anh thanh niên da đen. Anh nghĩ người da trắng đã khinh dễ hà hiếp người da màu. Anh dứt khoát không bỏ thanh củi của mình vào đống lửa để trả thù bọn da trắng.

Người sau cùng thuộc thành phần du đãng, không tin ai cũng chẳng làm việc gì cho ai nếu không có lợi. Hắn tự nhủ, “Nhất định mình không bỏ khúc củi của mình vào đống lửa để cho bọn đó sưởi ấm.”

Như thế, tất cả sáu người đều sưởi ấm nhờ đống lửa đang tàn lụi, nhưng không ai muốn bỏ thanh củi của mình vào cho nó tiếp tục sưởi ấm cho mình và cho những người cùng lạnh lẽo như mình. Cuối cùng sáu người đều chết cóng vì giá lạnh, không chỉ giá lạnh bên ngoài mà vì sự giá lạnh của tâm hồn ích kỷ, hẹp hòi, phe phái.

6. Ấn tượng xấu

Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-na Vo-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khóai trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vo-gan thò đâu ra cửa xe gọi theo: “Này ông, ông còn quên cái gì đây này”. Người đó vội lên toa, nhìn quanh và hỏi: “Quên cái gì đâu”? Cha Vo-gan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn: “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi xuống ngay.

7. Thuê tài xế lái xe.

Có một người giầu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi thuê một người tài xế chở bà mẹ già đi chơi mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân tài xế đó.

Người giầu nói: “Tôi không muốn có một tai nạn nào xẩy ra trong khi các ông mang mẹ tôi đi chơi cả. Tôi sẽ thử cả ba ông xem các ông lái xe giỏi đến mức nào. Tôi muốn xem các ông lái sát hào bao nhiêu mà không bị rơi xuống”.

Người tài xế thứ nhất tự nhủ: “Cái đó thì dễ ợt”. Ông ngồi bẻ tay lái và chạy vù xuống đường, cách cái hào một tấc.

Người thứ hai thầm bảo: “Mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc”. Ông này cũng lái vèo xuống đường và chỉ cách cái hào có nửa tấc.

Trong khi đó, người thứ ba suy nghĩ rất hung, kết quả ông lái cách hào những một mét.

Hai người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người giầu lại bảo bác tài xế thứ ba rằng: “Tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người tài xế có bảo đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái sát hào quá”.

(W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 19-20)

Hôm nay Chúa nói với chúng ta: nếu tay hay chân, hay mắt nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi, có khác nào Chúa muốn chúng ta lánh xa dịp tội. Đừng bao giờ liều thân nhảy vào dịp tội. Ngoài ra, chúng ta còn phải nỗ lực hy sinh nhiều để giữ lòng trong sạch và trung thành với Chúa. Thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.

 

 

 

 

 

16. Óc bè phái.

 

Có một vị linh mục, ngày kia đã giảng một bài rất cảm động, khiến cho mọi người đều rơi lệ. Thế nhưng, có một người ngồi ngay ở hàng ghế đầu lại chẳng hề tỏ ra chút xúc động nào cả. Khi thánh lễ kết thúc người ta đã hỏi: Ông có nghe bài giảng đấy chứ. Người đàn ông trả lời: Dĩ nhiên là có và tôi đã nghe rõ lắm. Vậy thì ông nghĩ sao? Bài giảng thật cảm động đến nỗi tôi rưng rưng như muốn khóc. Xin lỗi ông nhé, thế tại sao ông lại không khóc. Người đàn ông trả lời: Đơn giản thôi, vì tôi không thuộc giáo xứ này.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta liên tưởng tới óc phe nhóm và tinh thần bè phái của các môn đệ, được biểu lộ qua thái độ của Gioan. Thực vậy, ông không thể chấp nhận được chuyện một người không theo Chúa, không thuộc về phe mình, mà lại dám lấy danh Thầy để trừ quỷ, và họ đã làm được.

Tên của Chúa có thể dùng để trừ được quỷ. Tên ấy có một sức mạnh, nhưng đối với Gioan, thì chỉ những người trong nhóm môn đệ của Chúa mới có quyền xử dụng sức mạnh ấy. Chính vì thế, chẳng riêng gì Gioan, mà ngay cả nhóm môn đệ, đều cố sức ngăn cản người ấy trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu. Họ muốn giữ độc quyền. Họ muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm. Nếu như ai cũng lấy danh Chúa mà trừ quỷ thì các môn đệ của Chúa đâu còn thế giá gì nữa. Chúng ta không biết các ông đã làm những gì để ngăn cản người ấy, còn Chúa Giêsu thì sao? Ngài đã không chấp nhận thái độ của các ông. Ngài thật bao dung và cởi mở hơn nhiều. Ngài có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Ngài mà trừ quỷ.

Chắc hẳn anh ta không phải là kẻ thù của nhóm hay của bản thân Ngài. Vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạ rồi sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Hẳn anh ta phải có một niềm tin nào đó vào Ngài, cho dù anh ta không phải là môn đệ chính thức trong nhóm. Như thế chúng ta phải chấp nhận có những môn đệ theo sát Chúa Giêsu và cũng có những môn đệ theo Ngài xa xa, nhưng trái tim họ thì lại rất gần Ngài.

Các môn đệ đã thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi, vì ai không ủng hộ các ông đều là kẻ thù của các ông. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài hiền lành và bao dung, nên Ngài có nhiều bạn hữu. Thái độ cởi mở của Ngài khiến chúng ta phải nhìn lại sự khép kín và độc đoán của mình. Chúng ta không nên vạch một đường thật rõ để tách biệt những người theo Chúa và những kẻ không theo, Kitô hữu và dân ngoại. Chúng ta sẽ có nhiều bạn hơn chúng ta tưởng. Cùng bước đi với người khác, chúng ta sẽ có nhiều cơ may để giới thiệu Đức Kitô cho họ, một Đức Kitô mà có thể họ đã mang lấy trong trái tim từ lâu rồi, nhưng chưa một lần gọi tên Ngài trên môi. Thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ lòng ích kỷ chứ không phải từ lòng đạo đức chân thật. Đó cũng là thái độ của kẻ hèn nhát và khiếp đảm.

Hơn thế nữa, Công đồng luôn khuyến khích chúng ta thực hiện: Hãy mở ra với thế giới, hãy mở ra với các anh em Kitô hữu khác, cũng như hãy mở ra với những người chưa tin Đức Kitô. Bởi vì, mặt trời công chính chiếu soi trên mọi người và cho mọi người. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn hoạt động giữa các dân tộc.

 

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ