Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 60

Tổng truy cập: 1365632

HAI NGỌN NÚI

HAI NGỌN NÚI

 

Có một cuốn phim mang tựa đề “Mặt nạ”, kể lại một câu chuyện về chú bé 16 tuổi, tên là Rocky. Chú mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ khiến cho sọ và xương mặt chú phát triển khác thường, làm cho khuôn mặt chú bị biến dạng thật khủng khiếp. Nhiều người trông thấy chú, phải vội vã quay đi vì sợ hãi. Có kẻ lại chọc ghẹo, chế nhạo chú. Riêng chú thì chẳng bao giờ cảm thấy tủi thân, vì chú chấp nhận nó như một phần cuộc sống mình. Ngày nọ, chú và vài người bạn đi thăm khu công viên vui chơi. Họ vào một ngôi nhà được ráp kiếng và bật cười vì khuôn mặt họ bị những tấm gương làm cho biến dạng. Còn chú thì giật mình khi nhìn vào một tấm gương đã biến khuôn mặt méo mó của chú thành một khuôn mặt bình thường, nếu không muốn nói là rất đẹp trai. Lần đầu tiên trong đời, bè bạn chú đã nhìn thấy chú trong một trạng thái hoàn toàn mới mẻ. Họ đã nhìn thấy con người thực sự xinh đẹp bên trong của chú được bộc lộ ra bên ngoài.

Một điều tương tự như thế đã xảy ra cho Chúa Giêsu quan đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Trong lúc Ngài biến hình, các môn đệ đã nhìn thấy Ngài trong một trạng thái hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên họ được trông thấy sự vinh quang tươi đẹp bên trong của Con Thiên Chúa được bộc lộ ra bên ngoài. Điều này khiến chúng ta tự hỏi: Tại sao cuộc biến hình lại được xếp vào Mùa Chay là mùa vốn mang màu sắc ảm đạm?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải đọc lại toàn bộ bài Phúc Âm nói đến cuộc biến hình. Việc này xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu báo cho các môn đệ rằng Ngài phải lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết. Khi nghe Chúa nói thế, Phêrô liền la lớn: Lạy Thầy, xin đừng để điều đó xảy ra cho Thầy. Lập tức Chúa Giêsu trả lời cho Phêrô một cách gay gắt: Hỡi Satan, hãy xéo đi, đừng cản trở Ta. Ngươi không suy nghĩ theo đường lối Thiên Chúa mà chỉ theo đường lối của con người. Có lẽ Phêrô, Giacôbê và Gioan cần được chích một mũi thuốc bổ thiêng liêng sau khi bị cú sốc Chúa hướng các ông về cuộc tử nạn. Và đó cũng là lý do khiến Giáo Hội nói về cuộc biến hình vào Mùa Chay như một trợ lực cần thiết cho chúng ta trước khi bước vào tuần thánh.

Nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy được sự tương phản giữa cuộc biến hình và cơn hấp hối trong vườn Cây Dầu. Cả hai đều xảy ra trên những ngọn núi, trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân yêu. Và cả hai sẽ bổ túc cho nhau. Thực vậy, trên đỉnh Tabor ba môn đệ nhìn thấy Ngài xuất thần, và qua đó được chiêm ngắm thiên tính của Ngài. Còn trên núi Cây Dầu họ nhìn thấy Ngài hấp hối và qua đó nhân tính của Ngài được bộc lộ một cách rõ nét hơn cả.

Tabor và Cây Dầu mạc khải nét tương phản sinh động giữa nhân tính và thiên tính của Ngài. Hai biến cố này không thể tách lìa nhau như hai mặt của một đồng bạc, và như thế cho chúng ta thấy Ngài vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật.

Hãy chấp nhận thập giá cuộc đời để nhờ đó chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

 

33.Hình ảnh Đức Kitô vinh quang

(Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng)

Tin mừng Lc 9: 28-36: Tin mừng hôm nay ghi lại một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa huyền nhiệm: Chúa Giêsu biến hình trước các môn đệ thân tín.

Với thân phận yếu đuối phải chết, cuộc đời con người hầu như tiến bước trong đêm tối. Cuộc đời xem ra được hình thành từ nghi ngờ, sợ hãi và nước mắt. Chúng ta cần một chút ánh sáng chiếu soi vào bóng tối của mỗi người. Ánh sáng ấy đến từ đâu?

Cuộc biến hình của Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời: Chính Người là ánh sáng. Ngay khi vừa loan báo về cuộc khổ nạn của mình cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho thấy vinh quang rực rỡ của Người. Sống kết hiệp với Người thì ngay trong đau khổ sẽ có ánh sáng chiếu tỏa từ Người, từ trái tim của Người làm cho chúng ta đựơc hạnh phúc, được vui sống. Khi ấy chúng ta cũng sẽ thốt lên như Phêrô: "Lạy Chúa, chúng con được ở đây thì tốt lắm."

I. Tìm Hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc I: St 15, 5-18

Giao Ước Với Abraham

Thiên Chúa ký kết một giao ước với Abraham, theo ngôn từ của giao ướic này thì Thiên Chúa hứa ban cho ông có một dòng dõi đông đúc và một miền đất phì nhiêu làm gia sản. Mặc dầu đã già và vợ không sinh nở được, nhưng Abraham vẫn tín thác hoàn toàn vào lời hứa của Thiên Chúa.

Một cảnh tượng dị thường để đóng dấu cho giao ước. Để nắm bắt được ý nghĩa của biến cố này, cần phải hiểu rõ về những lễ nghi thực hành của một lễ ký kết giao ước theo văn hóa Phương Đông, khi hai người hay hai hai bên muốn hợp tác với nhau. Ở Cận Đông cổ đại, khi giao ước với nhau, đôi bên đi qua giữa những mảnh thịt đầy máu và cầu cho mình số phận mà các con vật bị xẻ đôi này phải chịu, nếu họ vi phạm điều cam kết.

Ở đây, chính Thiên Chúa đã mời gọi và chủ động ký kết giao ước với Abraham, khi chỉ có một mình Thiên Chúa, dưới biểu tượng lửa đi qua các con vật bị xẻ đôi. Như thế, đây là một giao ước đơn phương từ sáng kiến giao ước đến tương lai của giao ước đều do Thiên Chúa chủ động thực hiện. Với Abraham, Thiên Chúa chỉ cần ông tin mà thôi.

Thiên Chúa là Đấng trung tín không thay đổi, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng phó thác mọi sự trong tay của Ngài. Trình thuật Kinh Thánh cho thấy Abraham đã tin vào Thiên Chúa, ông tin vào những lời hứa của Chúa sẽ được thực hiện. Ông đã tin nên Chúa đã cho hành động ấy là một công nghiệp, kể ông là người công chính ( Đnl 24, 13; Tv 106, 31). Từ đó, Thánh Phaolô kết luận rằng con người được cứu độ, nên công chính vì tin chứ không phải vì công kia việc nọ.

2. Bài đọc II: Pl 3, 17-4,1

Sự biến hình của Kitô hữu

Thánh Phaolô thúc giục mạnh mẽ các công sự của Ngài, những tín hữu Philipphê phải sống không như những người Do thái thù nghịch với thập giá Đức Kitô nhưng như những công dân của nước Trời, theo hình ảnh của Đức Kitô. Tất cả sẽ được người biến đổi nênh giống như thân xác vinh quang của Người.

Thánh Phaolô, theo như Ngài nói, đã gặp phải một đau khổ lớn lao, một sự buồn sầu ứa lệ, là vì có những người gọi là sống theo Đức Kitô, nhưng họ lại chỉ muốn chọn lựa theo những sự dưới đất để rồi lấy cái bụng là Chúa tể của mình.

Trái lại, qua bí tích Thanh Tẩy Kitô hữu trở nên công dân của Nước Trời phải đồng hóa với Đức Kitô, phải biến đổi trong Người, đồng thời, phải khuân theo những cách cư xử của Người như Thánh Phaolô đã sống.

Thánh Phaolô mời gọi hãy "vững vàng trong Chúa." Vững vàng trong Chúa là thái độ tin tưởng và theo Chúa để Người hướng dẫn, biến đổi trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Vững vàng trong Chúa là thái độ biết từ bỏ mọi sự thế gian, từ bỏ chính mình để trung thành theo Đức Kitô.

3. Tin mừng: Lc 9, 28-36

Chúa Giêsu Biến Hình

Tin mừng hôm nay ghi lại một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa huyền nhiệm: Chúa Giêsu biến hình trước các môn đệ thân tín.

Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, Người đưa theo ba Tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang khi cầu nguyện 'dung mạo Người biến đổi khác thường'. Chỉ có Luca ghi lại rõ Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và cuộc biến hình sảy ra đang khi Người cầu nguyện, như thể là kết quả của cầu nguyện.

Như các biến cố khác trong cuộc đời của Chúa Giêsu, biến hình cũng qui chiếu vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Sự kiện Người biến hình như một chứng từ củng cố cho niền tin của các môn đệ trước cuộc khổ nạn sắp tới của Người.

Qua bí tích Thanh Tẩy, Kitô hữu cũng được biến hình với Đức Kitô, nghĩa là cũng chiếu tỏa vinh quang của Người cho con người và thế giới hôm nay. Nhưng vinh quang chỉ thực sự tỏ rạng khi băng qua những đau khổ và sự khiêm hạ củathập giá.

II. Gợi Ý Suy Niệm

1. Biến Hình, lời khích lệ đức tin: Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là lời đáp trả của Chúa Cha đối với việc Người chấp nhận chịu tử nạn vì tình yêu. Trước khi biến hình Chúa Giêsu đã loan báo với các môn đệ về cuộc thương khó sắp đến của Người. Người biết Người đang tiến đến Giêrusalem đón nhận cái chết theo ý muốn của Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Đáp lại sự vâng phục đầy tình yêu của Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ ban lại vinh quang, danh dự và quyền uy tối thượng cho Người. Biến hình là hình ảnh báo trước vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu mà Chúa Cha sẽ dành cho Người. Khi nghe Thầy mình tuyên bố về cuộc khổ nạn, các Tông đồ mà đại diện là Phêrô đã cảm thấy bất an, lo âu và muốn tháo lui. Các ông đã ngăn cản Người lên Giêrusalem. Cho nên, việc Người biến hình cho các ông thấy trước vinh quang mà người sẽ nhận được sau khổ nạn là lời động viên các ông hãy can đảm đón nhận những biến cố bi thương sắp sảy đến; là lời khích lệ đức tin các ông hãy kiên tâm, bền đỗ đến cùng.

Trong đời sống đức tin, việc theo Chúa Giêsu sống vâng phục Thánh ý Chúa Cha luôn là những thách đố, những thập giá phải vác, chúng ta hãy tin chắc rằng tương lai sau sự vâng phục, sau khổ nạn luôn là niềm vui và vinh quang lớn lao. Như Abraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa để can đảm dấn thân lên đường theo lời Chúa và đã trở nên Cha của những kẻ tin; như lời Thánh Phaolô khẳng định: theo Đức Giêsu Kitô Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người, ngày nay mỗi Kitô hữu cần trung thành với đức tin của mình và bền tâm vững chí hy vọng vào lời hứa của Chúa.

2. Biến Hình, lời mời gọi dấn thân theo Đức Giêsu Kitô: Trong biến cố biến hình, Chúa Cha đã xác nhận Chúa Giêsu chính là " Con yêu dấu của Chúa Cha" và mời gọi hãy nghe lời Người. Đây là lời mạc khải cho biết về thân phận của chính Chúa Giêsu, Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Vì thế, việc nghe lời Người là điều tất yếu. Nghe theo Người là chấp nhận vác thập giá, chấp nhận khổ đau vì phần rỗi của tha nhân. Nghe Người là cộng tác với Người để đưa tình yêu cứu độ đến với mọi người. Nghe Người là lên đường dấn thân mang ánh sáng Tin mừng chiếu soi vào trong cuộc đời đầy tăm tối của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết chóc. Sau khi biến hình trên núi với một thoáng vinh quang, một chốc lát ngập tràn hạnh phúc, Thầy trò lại xuống núi để tiếp tục hành trình lên Giêrusalem đến tận đồi Canvê. Đây chính là lúc để các môn đệ xác tín vào quyết định dấn theo theo Thầy mình vào cuộc khổ nạn. Đã nghe báo trước cuộc khổ hình, đã thấy trước vinh quang Thầy sẽ có sau khổ giá vậy mà các Tông đồ vẫn sợ hãi, trốn chạy, thế mới hay: Nghe theo Chúa Giêsu, đi con đường của Người không phải dễ dàng đơn giản cứ muốn là được. Đòi hỏi mỗi người phải mạnh chí trong đức tin, bền gan trong đức cậy và sắt son trong đức mến mới có thể đi trọn được.

Biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, biết là phải nghe lời Người nhưng thực tế cuộc sống, Kitô hữu ngày nay đã làm gì? Đã sống như thế nào để có thể nói được là đã tin nghe và dấn thân theo Người trên đường khổ giá?

3. Biến Hình, lời nhắc nhở con người nhớ mình là hình ảnh của Thiên Chúa: Ngay từ khởi đầu, con ngừơi đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nghĩa là nơi con người đã được mang lấy những phẩm chất cao quí, vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang ấy nơi Thiên Chúa không bao giờ thay đổi hay bị suy giảm mất đi theo thời gian. Với con người cũng vậy, Thiên Chúa muốn cho những phẩm giá cao quí ấy tồn tại mãi mãi và không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, con người đã phản bội lại tình yêu Thiên Chúa; tội lỗi đã làm lu mờ đi hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi người, làm suy giảm thận chí mất đi những phẩm giá cao quí mà Thiên Chúa đã ban tặng khi tạo dựng. Chúa Giêsu đã đến để phục hồi phẩm gía con người là hình ảnh của Thiên Chúa bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Hơn thế nữa, không chỉ mang hình ảnh, mang những phẩm giá của Thiên Chúa, con người còn đựơc nâng lên địa vị làm Con Thiên Chúa như Người. Lời Chúa Cha mạc khải trong biến cố biến hình về Chúa Giêsu: Đây là Con yêu dấu của Ta cũng sẽ là Lời Chúa Cha nói với mọi người ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy.

Vì thế, Biến hình còn là lời Thiên Chúa nhắc nhở con người về thân phận của mình, tất cả đựơc dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, qua cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu tất cả đã trở nên Con Thiên Chúa. Vậy phải sống thế nào để luôn chói sáng những phẩm giá của một người con. Cuộc Biến hình của Chúa Giêsu phải được mỗi người tiếp nối trong hiện tại này, để qua chúng ta mọi người nhận biết vinh quang của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

III. Lời Cầu Chung

* Lời Mở: Anh chị em thân mến, trên đường tiến tới cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã mạc khải vinh quang của Người qua biến cố biến hình để củng cố niềm tin cho các môn đệ. Trong niền tin tưởng chúng ta cùng dâng lên Chúa những ước nguyện của chúng ta.

1. Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần của Giáo Hội luôn tỏa sáng khuân mặt khả ái của Người giữa lòng trần thế hôm nay bằng chính đời sống gương mẫu của mọi người.

2. "Đây là con yêu dấu của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia luôn biết đề ra những quốc sách đưa dân nước đi đúng vào con đường phát triển đề cao công lý, hoà bình và tự do; làm cho mọi công dân được sống đúng phẩm giá của mình.

3. Chúa Giêsu biến hình mạc khải vinh quang của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết nỗ lực sống thực thi Lời Chúa để cuộc đời mỗi người dù trong đau khổ, thử thách vẫn rạng ngời hình ảnh của Chúa Giêsu đầy lòng nhân ái.

* Kết Nguyện: Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã muốn cho Chúa Giêsu biến hình để thắp sáng con đường đức tin của chúng con và để đổi mới con tim chúng con. Xin cho chúng con được tràn đầy ơn thánh của Chúa để chúng con cũng tỏa sáng nhân đức làm cho mọi người nhận biết tình yêu và vinh quang của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

 

34.Vinh quang và đau khổ - Thu Băng, CMR

Chúa đưa Phêrô, Giacobê, và Gioan lên núi cao và biến hình trước mặt các ông, lại có Elia và Moise hiện đến nói chuyện với Ngài. (Lc.09:28-36).

Chúa Giêsu đưa 3 môn đệ lên một ngọn núi cao, khoảng chừng 600 thước và các ông chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa cũng như đã xem thấy sự đau khổ của Ngài trong vườn cây dầu.

Ngài mạc khải cho thấy sự đau khổ của Ngài pha lẫn với vinh quang sáng lạn. Ngài phải chết nhục nhã, đau thương rồi mới khải hòan trong phục sinh vinh hiển. Đau khổ như cánh bèo trôi dạt trên sông, đau thương là thung lũng nước mắt. giữa thế gian đau khổ, là nguyên nhân gây nên bực bội buồn phiền. Chúng ta chấp nhận đau khổ vì sau đau khổ là vinh quang phục sinh, cũng như sau cơn mưa trời lại sáng, sau mùa xuân trời lại sang xuân.

Xưa có một anh làm nghề bưng trống tên là Năm. Anh thường đem đến làng khác để bán. Một hôm leo đồi lặn suối gánh trống đi bán, đến gốc cây đa đầu làng anh mệt lả, liền nghỉ chân thì thấy bác Sáu đã ngồi thở hổn hển bên cạnh. Hai người bắt chuyện rồi Năm đem cơm nắm ra chia sẻ. Cuối cùng anh Năm nhờ ông Sáu gánh giúp một đoạn đường. Hai người bắt đầu xuống dốc và khát nước, họ liền ghé cái giếng kiếm nước uống, thành giếng lại rêu rong và dốc lại không có gầu. Anh Năm nghĩ ra kế buộc dây vào lưng ông Sáu cho tụt xuống uống nước, uống xong anh kéo lên. Đến lượt anh Năm xuống giếng thì ông Năm để cho anh uống nước no rồi gánh gánh trống đi biệt. Anh la hét cũng không có tiếng trả lời, chịu trận cho đến tối mới có người ra giếng kéo anh lên. Đi một quãng đường nữa thì tối, anh phải vào một ngôi chùa xin sư cụ cho trú chân. Trong chùa lại có 4 con qủy hay đi ăn đêm về trễ, sợ bị ăn thịt, sư cụ chỉ cho một cái hang bên chùa để trú an toàn. Nữa đêm bầy qủy về trước cửa chùa nói chuyện:

- Nhà chùa có chôn 4 chum bạc bên cạnh và 4 chum vàng đàng sau cửa ra vào. Tên khác lại nói:

- Trong hang có một cục Ngọc Thạch nguy hiểm ai mà nhặt được ném chúng ta thì chết. Nghe thấy vậy, anh Năm thò tay vơ lấy cục Ngọc mà ban chiều anh đã trông thấy. Anh ném bày qủy, bất chợt bị chết tốt, thế là anh thoát nạn, cám ơn sư cụ cầm cục Ngọc ra đi rồi hôm sau quay trở lại đào lấy mấy chum vàng và bạc về làm giầu.

Ông Sáu gánh trống đi xa, đến chập tối vào xin trọ ở cái miếu cây đa đầu làng. Miếu cũng thường có qủy hiện hình ban đêm, ông nằm lăn ra ngủ, để gánh trống ở cửa miếu. Đến khuya qủy hiện hình bước lên mặt trống kêu tùng tùng khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy. Một con qủy chạy trốn vào trong miếu thấy có người liền bóp cổ chết. Nó lại ra ghõ trống kêu gọi lũ qủy về miếu ăn mừng vì đã hạ sát được kẻ bày mưu.

Trong lúc đau khổ mất trống, anh Năm lại gặp hên là được của về làm giầu. Trong lúc ông Năm đánh cáp được gánh trống, lại gặp xui (lũ qủy bóp cổ chết). May rủi, sống chết là đau khổ và vinh quang, cũng như Chúa tỏ cho các môn đệ thấy cái khổ nhục, bị chết treo trên thánh giá rồi mới được phục sinh. Cuộc đời chúng ta cũng sẽ gặp những lúc đau khổ, nhục nhã, mất mát, tàn lụi rồi mới đến lúc vinh quang. Chúng ta hay biết tuân theo thánh ý Chúa trong mọi lúc và trong mọi sự.

 

35.Núi Tabor và cuộc sống hằng ngày

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy)

“Thật phi thường! Quá trời! Không thể tưởng tượng được! Số dách! Số một! Kinh khủng! Hạng nhất!” và còn bao nhiêu danh từ kỳ cục khác, nếu không nói là nhiều khi còn vô nghĩa nữa, mà chúng ta đã xử dụng khi phải diễn tả một sự kiện ngoại thường mà chúng ta chưa tìm ra được những danh từ và những ý niệm thích hợp. Ðó là những sự kiện hay biến cố điển hình đã làm cho chúng ta quá sung sướng và ngạc nhiên, những sự kiện và biến cố cực kỳ lạ thường, độc nhất vô nhị và không sao diễn tả hết! Và trong hoàn cảnh đó, chúng ta thường nói: “Tôi không có đủ lời để nói; nó làm cho tôi hết đổi sững sờ và không sao nói lên lời; thật không sao diễn tả hết!”

Các môn đệ xưa kia cũng đã từng đứng trước những trường hợp kỳ lạ tương tự. Bởi vì Ðức Giêsu đã làm những việc “có một không hai”, như: Người làm cho bệnh nhân nan y lành mạnh, mở mắt người mù, cho người chết sống lại, v.v... Nhiều người sau khi gặp gỡ và nói chuyện với Người đã cảm thấy được giải thoát, cảm thấy lòng mình thơ thới nhẹ nhàng, đầy vui mừng. Họ trở nên lạc quan và như được biến đổi hoàn toàn. Vì thế, xưa kia các môn đệ chắc chắn cũng đã tự hỏi: “Làm thế nào mà Người có thể hành động được như vậy, là thay đổi được bao nhiêu người khác và cả chính chúng tôi nữa?”

Những điều được tường thuật trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, đã giúp cho các môn đệ - ít là từ từ - hiểu được Ðức Giêsu cách sâu xa và rõ ràng hơn.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt, và đã trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Thế nhưng biến cố Tabor đối với các môn đệ vào lúc bấy giờ còn là một điều xa lạ, không trực tiếp liên quan đến họ. Họ chỉ nhìn thấy được trong biến cố đó sự quan hệ của Ðức Giêsu với Thiên Chúa, Cha của Người, trong sự vinh quang thần thiêng, chứ họ chưa cảm nhận được rằng biến cố đó xảy ra là vì họ. Chẳng những thế, họ còn tỏ ra rối rắm và mất hết tự chủ. Bởi vì một biến cố như thế không nằm trong khả năng hiểu biết về đức tin, cũng như không thuộc về phạm vi thực hành đức tin của họ. Họ cảm thấy mình là những người ngoại cuộc! Cũng vì thế họ đã ngủ gật, tương tự như sau đó ít lâu tại Vườn Cây Dầu: Trong khi Ðức Giêsu đầy lo âu sợ hãi trước cuộc khổ nạn, đến đổ mồ hôi máu ra, thì các môn đệ vẫn dửng dưng và ngồi ngủ gật!

Chỉ sau đó khá lâu, các ông mới khám phá ra được ý nghĩa quan trọng của biến cố Tabor. Ðó là lúc các ông cảm nhận và hiểu rõ được cuộc khổ nạn vả sự vinh hiển trong biến cố phục sinh của Ðức Giêsu. Bấy giờ lòng trí các ông mở ra và hiểu được những gì mà các ông đã từng cảm nhận và từng chứng kiến phần nào trong cuộc sống trần thế của Ðức Giêsu. Nhất là họ hiểu được một cách sâu xa đầy đủ, tại sao họ cần phải lắng nghe các giáo huấn của Ðức Giêsu và chiêm ngưỡng cuộc đời của Người. Bởi vì đã có tiếng từ trời bảo họ: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”

Dĩ nhiên đối với Phêrô, Gioan và Giacôbê: Biến cố trên núi Tabor là một hiện tượng có một không hai. Ðó là một biến cố không ai có thể áp đặt hay tạo ra được. Ðối với ba ông, đó là một điều ngoại lệ. Ðể hiểu được như vậy, đòi hỏi người ta phải có tâm hồn cởi mở và thuần phục. Nếu không, người ta sẽ nói ngay: “Ðiều đó chẳng có gì liên quan tới tôi cả! Tôi chẳng có ý kiến gì về chuyện đó cả!”

Những biến cố đặc biệt và độc nhất vô nhị trên núi Tabor, ngày nay cũng vẫn còn xảy ra trong nhiều lãnh vực - thuộc tôn giáo cũng như dân sự -, thí dụ:

Những ai khi đi vào trong rừng rậm xa lạ, mà vẫn tìm ra lối đi, chứ không bị lạc đường, sẽ cảm thấy sung sướng.

Một nhà thể thao sau khi đã đạt được những thành công vàng son của mình, anh sẽ bày tỏ cho người khác hay sự hạnh phúc của mình. Và anh càng được động viên trong những nỗ lực mới.

Khi một người nhận được sự thông cảm và tha thứ mà anh không dám chờ đợi. Phải chăng đó không phải là một sự kiện quan trọng đáng mừng?

Hay khi một người có được một cảm nghiệm ngọt ngào và đầy an ùi trong khi cầu nguyện, mà người đó không hề dám nghĩ tới. Ðiều đó chắc chắn sẽ giúp anh ta rất nhiều trong việc tiếp tục trông cậy vào Thiên Chúa hay lại có được sự phó thác vào Thiên Chúa, v.v...

Vâng, đức tin của chúng ta sống nhờ những cảm nghiệm đặc biệt và cả những cảm nghiệm bình thường hằng ngày. Trong cuộc sống cụ thể, nhiều khi chúng ta cảm thấy lòng đầy sốt sắng và hạnh phúc trong việc đọc kinh xem lễ, và chúng ta rất vui mừng khi tiếp xúc với cộng đồng dân Chúa. Thế nhưng, thường tình thì chúng ta lại phải đối mặt với cuộc sống vật lộn hằng ngày.

Ðúng vậy, Ðức Giêsu không để các môn đệ ở lại trên “núi Tabor của những an ủi” lâu, ngay sau đó Người đã dẫn họ trở lại với cuộc sống thường nhật của họ. Người không để họ xây dựng những căn lều trên núi Tabor, nhưng ở dưới thung lủng của cuộc sống đức tin hằng ngày với bao những thử thách. Vâng, cuộc sống hằng ngày phải thực sự là nơi các môn đệ vâng nghe Ðức Giêsu, là nơi họ phải hướng nhìn lên Người, và là nơi họ phải bước theo Người.

Tuy nhiên, biến cố trên núi Tabor vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của họ trong suốt tiến trình theo Ðức Giêsu. Cũng vậy, trong cuộc sống đức tin, trong cuộc sống đạo hằng ngày, chúng ta cần có ơn an ủi đỡ nâng của Thiên chúa, để chúng ta có thêm sức mạnh chống chọi với các thách đố của cuộc sống, nhưng chính chúng ta phải tự ra tay chiến đấu lấy. Và để cuộc chiến đấu đức tin đạt được thắng lợi, chúng ta phải thực hành theo lời khuyên đến từ trời cao: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Amen.

 

36.Cầu nguyện biến đổi - AM Trần Bình An

Hơn 10.000 người đã tụ tập tại một nhà thờ làng thuộc Tổng giáo phận Tellicherry ở Kerala, sau khi tin tức lan truyền rằng khuôn mặt của Chúa Giêsu xuất hiện trên Bánh Thánh trong Thánh Lễ buổi sáng. Tổng giáo phận đã vội vã tập hợp một đội điều tra hiện tượng xảy ra tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua, Vilakannur, khoảng 50 km về phía đông của thành phố Kannur.

Linh mục chánh xứ Cha Thomas Pathickal, 60 tuổi, nói với trang web mattersindia. Vị linh mục đã cai quản Giáo xứ này từ ba năm trước, cho biết ngài đã làm theo sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục George Valiamattam, của Tổng giáo phận Tellicherry để giữ cho "phép lạ" Thánh thể bên trong Nhà tạm Thánh thể trong nhà thờ.

Hơn 500 giáo dân đang cầu nguyện trong nhà thờ, khi họ chờ đợi các cuộc điều tra Tổng giáo phận, quyết định phổ biến cho mọi người biết. Các quan chức cảnh sát cấp cao từ các Quận, Huyện và địa phương cũng kéo đến, cũng như người dân từ các Giáo xứ khác kéo đến Vilakannur. Nhiều phương tiện xe cộ cũng kéo đến đông nghẹt cả con đường đến vùng Paithalmala, nơi đây cũng là một địa điểm nổi tiếng cho du khách ưa du lịch mạo hiểm.

Cha Thomas Pathickal nói hiện tượng này xảy ra khi Giáo xứ đang chuẩn bị cho lễ Chúa Kitô Vua vào ngày 24 tháng 11. Tường thuật lại sự việc, Cha nói tại thời điểm trong Thánh Lễ sáng lúc 7:00, Cha nhận thấy một điểm trên Bánh Thánh, "trở nên lớn và sáng hơn, sau đó xuất hiện khuôn mặt Chúa Giêsu." Ngài để Bánh Thánh đó sang một bên và tiếp tục Thánh Lễ bằng Bánh Thánh khác trong Nhà tạm.

Sau Thánh lễ, Cha gọi ông thủ từ đến, người này sau khi xem cũng nói với Cha rằng đó là gương mặt của Chúa Giêsu. Sau đó Cha đặt Bánh Thánh đó vào Mặt nhật và để lên bàn thờ trong Thánh đường. Hàng trăm người khác cũng nhìn thấy khuôn mặt sáng ngời của một người đàn ông râu tóc dài. "Chỉ có màu đen và trắng, ngoài ra không có màu nào khác", Cha Pathickal nói khuôn mặt sáng ngời đó vẫn có thể nhìn thấy được, sau khi Cha cất Bánh Thánh trong Nhà tạm, lúc đó khoảng 11 giờ sáng theo như sự hướng dẫn của Đức Tổng giám mục. Cha Thomas cho biết lòng tin của Cha trở nên mạnh mẽ sau khi nhìn thấy "Phép lạ". Cha cho biết mình phải đến Naduvil, trụ sở chính quyền địa phương của vùng này (cách 3 km về phía đông) vì một số vấn đề khi họ nghe về tin này. "Tôi đã chạy vội đến đây và thật may mắn khi được thấy Chúa Giêsu," Cha nói thêm. Cha cho biết nhiều người đã thất vọng khi Cha từ chối để cho họ được nhìn thấy Bánh Thánh.

Được thành lập vào năm 1962, Giáo xứ có hơn 500 gia đình và 1.250 người Công giáo và hầu hết trong số họ là thế hệ thứ hai và thứ ba của những người đã di cư từ Trung tâm Kerala thế kỷ trước. (Miracle at Vilakkannoor, Kannur, Kerala, India 2013)

Từ hơn hai năm nay, Lm Thomas và giáo xứ Vilakannur được diễm phúc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa Giêsu trên Thánh Thể, như xưa ba môn đệ đã được hưởng phúc chiêm ngưỡng Người hiển dung.

Trong Tin Mừng thánh Luca Chúa nhật thứ hai Mùa Chay hôm nay, tường thuật Đức Giêsu sau khi cầu nguyện, đã biến hình sáng láng, diệu kỳ trước ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Hai ông Môisen và Êlia, đại diện cho Lề Luật và Ngôn sứ, cùng hiện đến đàm đạo với Người về cuộc Xuất Hành sắp đến. Trong khi ba đấng còn mải mê ngủ vùi, khi chợt tỉnh dậy thì cuộc hiển dung sắp kết thúc, được nghe tiếng phán từ trời: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người."

Như vậy, qua Tin Mừng, cầu nguyện hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng, như hạnh ngộ cùng Thiên Chúa, lắng nghe Thánh Ý Chúa để vâng phục thi hành, cùng niềm hy vọng Nước Trời.

Cầu nguyện hạnh ngộ

Hàng ngày, sau khi giảng dạy, Đức Giêsu luôn lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, như đúc kết những những thành quả và thất bại trong ngày, giãi bày cùng Đức Chúa Cha, lẫn tâm sự vui buồn. Tuy có rất nhiều người hăng hái, đón nhận, nghe theo Người rao truyền ơn cứu độ, nhưng cũng không ít người phản đối, chống báng, vì lời dạy quá tân kỳ, gây “sốc” với mọi người.

Trước những biến cố quan trọng, hay khúc quanh cuộc đời sắp diễn ra, Đức Giêsu càng hết sức tha thiết cầu nguyện: Khi Người chịu phép rửa (Lc 3, 21), sau khi nổi tiếng chữa người phung (Lc 5, 16), cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông đồ (Lc 6, 12), trước khi loan báo sự thương khó lần thứ nhất (Lc 9, 18), trước khi Người hiển dung (Lc 9, 28), vui mừng tạ ơn Đức Chúa Cha (Lc 10, 21) Trước khi dạy Kinh Lạy Cha (Lc 11, 1), cầu xin cho Phêrô vững lòng tin (Lc 22, 32), cầu nguyện trước khi chịu thương khó (Lc 22, 41- 42), cầu xin tha thứ cho kẻ dữ hại mình (Lc 23, 34), cầu nguyện phó linh hồn trong tay Chúa Cha (Lc 23, 46)…

Cầu nguyện vốn là việc rất cần thiết và cấp bách của người Kitô hữu, con của Chúa, hầu luôn được hân hạnh gặp gỡ Ngài. Bước vào mùa Chay Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người chay tịnh qua ba cách thức chính yếu. Đó là cầu nguyện, ăn chay và bác ái. “Cầu nguyện giữ vị thế đầu tiên, đó là việc tỏ ra cởi mở và tin tưởng vào Chúa: nó là cuộc gặp gỡ riêng tư với Người, việc thu ngắn khoảng cách gây ra bởi tội lỗi. Cầu nguyện tức là nói rằng: "Con là kẻ thiếu thốn, con cần Chúa. Chúa là sự sống của con và là ơn cứu độ của con." (Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng lễ Tro 10. 2. 2016)

“Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 142)

Cầu nguyện hiệp nhất

Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Cả hai người đại diện cho Cựu Ước đến an ủi, chia sẻ, đồng cảm và đồng tình với Đức Giêsu, dấn thân vào cuộc thương khó và tử nạn sắp đến.

Cầu nguyện còn là tỉnh thức lắng nghe, đón nhận và tìm hiểu Thánh Ý, thể hiện qua các chứng nhân, dấu chỉ, ngôn sứ, cùng chấp nhận, vâng phục đau khổ, gian nan, thách đố, mà cao điểm là dâng hiến cuộc đời, hiệp nhất vào cuộc tử nạn của Đức Giêsu.

“Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào?” (Đường Hy Vọng, số 130)

Cầu nguyện hy vọng

Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Với con người, cầu nguyện còn có khả năng biến hình, thăng hoa, thánh hoá, bộc lộ thần tính mà Thiên Chúa đã ẩn giấu, khắc ghi trong từng người, ngay từ khi Ngài tạo dựng. Nhờ lời cầu nguyện của Đức Giêsu, ba môn đệ được hạnh phúc chiêm ngưỡng Nước Trời, như Người đã phán: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt tại đây, có những kẻ sẽ không phải chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 27)

Như thế, cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, sẽ gia tăng niềm hy vọng được vào Nước Chúa, cùng thoát khỏi cái chết vĩnh viễn. Nhờ sốt sắng cầu nguyện, các thánh thường được xuất thần, vinh dự “thấy Nước Thiên Chúa,” ngay khi còn sống dưới dương thế.

Với người giáo dân bình thường, cầu nguyện là đặt tất cả niềm hy vọng vào Chúa Quan Phòng trong mọi tình huống vui buồn, đau khổ, gian nan, phó dâng lên Chúa, để được an ủi và bình an. Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Roma luôn siêng năng cầu nguyện trong lúc nguy nan:“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12, 12)

“Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự, sẽ nghe lời con."Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.”(Đường Hy Vọng, số 127)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến hình khi đang cầu nguyện, dung nhan sáng láng, thánh thiện, biểu lộ Thần tính của Người, xin phù trợ, đốt lửa mến cho chúng con sốt sắng cầu nguyện, để chúng con cũng được biến đổi, có thể hạn chế nhân tính, kềm hãm thú tính, hầu chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển Thần tính, siêng năng gặp gỡ, tâm tình, hiệp nhất với Thánh Ý, cũng như hoàn toàn tin cậy, phó thác, hy vọng vào Lòng Thương Xót Chúa vô biên, xứng đáng làm con Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con luôn tha thiết cầu nguyện, luôn biết lắng nghe tiếng gọi đi theo Chúa, luôn sống theo Thánh Ý nhiệm mầu, mặc dù gian nan, đau khổ, hiểm nguy thách thức, hầu luôn được hiếp nhất với Chúa trong niềm hy vọng tràn trề. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ