Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 68

Tổng truy cập: 1365667

HẠNH PHÚC DÀNH CHO NGƯỜI HY SINH VÌ CHÚA

 

HẠNH PHÚC DÀNH CHO NGƯỜI HY SINH VÌ CHÚA

 

(Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

Phấn đấu đạt cho được Nước Trời dù phải hy sinh thời giờ, công sức, tiền bạc và chấp nhận gian lao khó nhọc…

“Bần cùng sinh đạo tặc.” Quả đúng như vậy, có một số người trở thành đạo tặc vì đời sống của họ quá bần cùng, như người ta thường nói: “Đói ăn vụng, túng làm liều.” Như thế thì bần cùng, đói khát là tai hoạ cho con người và xã hội chứ đâu có mang lại hạnh phúc.

Thế mà Chúa Giê-su lại nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” Tại sao?

Nếu đọc kỹ câu đầu của bài Tin mừng này (Lc 6,20), chúng ta thấy thánh sử Lu-ca viết như sau: Bấy giờ, “Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…”

Khi tuyên bố những lời này, Chúa Giê-su vừa ngước mắt nhìn các môn đệ vừa nói. Vậy thì đây là những lời Chúa Giê-su nói trực tiếp với các môn đệ. Các môn đệ là đối tượng của những lời chúc phúc này.

Tại sao?

Vì trước đây, trong số các môn đệ của Chúa Giê-su có người làm nghề chài lưới, có thuyền có ghe, có thu nhập hằng ngày ổn định, có người làm nghề thu thuế kiếm bộn bạc… Thế rồi, khi lên đường theo Chúa, các ngài đã bỏ hết thuyền bè, nhà cửa, công việc làm ăn… nên bây giờ các ngài trở thành những người nghèo khó… Nghèo khó vì từ bỏ mọi sự để đi loan báo Tin mừng như thế thì mới là người có phúc, chứ không phải bất cứ ai nghèo khó là có phúc.

Rồi Chúa Giê-su nói tiếp với các môn đệ:

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.”

Với nghề chài lưới trên biển hồ nhiều tôm cá hoặc nghề thu thuế như Lê-vi đã làm… các môn đệ chưa biết đói khát là gì. Vậy mà từ ngày theo Chúa Giê-su, lang bạt từ làng quê lên phố thị, từ bờ biển đến nơi hoang địa… các ngài phải chịu đói khát; thậm chí có ngày đi qua đồng lúa, các ông đã bứt những gié lúa vò xát trong tay rồi ăn để dằn cơn đói… Đói khát vì ra đi xây dựng Nước Trời như các môn đệ ắt phải được đền đáp và sẽ được thỏa chí toại lòng vì niềm vui tận hiến, vì hạnh phúc đời đời.

Và Chúa Giê-su tiếp lời với các môn đệ:

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc vì anh em sẽ được vui cười.”

Trước đây các môn đệ sống hạnh phúc với cha mẹ, vợ con trong mái ấm gia đình, nay theo Chúa là Đấng không có chỗ tựa đầu, lang bạt rày đây mai đó, có lần bị đuổi khéo ra khỏi khu dân cư (Mt 8,34), có lúc đi ngang qua vùng Sa-ma-ri-a bị dân làng tẩy chay không tiếp đón, rồi sau nầy các ngài bị bắt bớ, tù đày, bị giết hại… khiến các ngài phải khóc thầm... Khóc vì chịu khổ nạn vì Nước Trời như thế thì thật là diễm phúc và mai đây sẽ được vui cười.

Và điều phúc thứ tư:

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Các môn đệ luôn kề vai sát cánh với Chúa Giê-su, đồng lao cộng khổ với Chúa và vì Ngài mà bị người đời “oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa”, cùng chịu khổ nạn với Chúa Giê-su, thì chắc chắn sẽ được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Chính vì thế mà Chúa Giê-su nói: “Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta muốn được hưởng những mối phúc mà Ngài công bố thì phải chấp nhận “nghèo khó” vì Tin mừng, chịu “đói” vì chia sẻ cơm áo cho nhau, chịu buồn phiền “khóc lóc” vì đạo Chúa, chịu “oán ghét, khai trừ, sỉ vả” vì Nước Trời.

Nước Trời không phải là lô độc đắc dành cho người may mắn trong các cuộc xổ số. Phải trả giá cao mới đạt được Nước Trời như lời Chúa Giê-su phán:  “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được” (Mt 11,12).

Lạy Chúa Giê-su,

Xin dạy chúng con nhớ rằng: Của cải đời này chỉ là phù du, mau tan biến đi như sương, như khói, chỉ có hạnh phúc thiên đàng mới vĩnh viễn thiên thu.

Xin giúp chúng con biết phấn đấu đạt cho được Nước Trời dù phải hy sinh thời giờ, công sức, tiền bạc và chấp nhận gian lao khó nhọc… để phục vụ anh chị em chung quanh, nhờ đó chúng con  đạt được những mối phúc mà Chúa công bố trong Tin mừng hôm nay.

 

7.Sẽ được đáp đền – Lm. Ignatiô Trần Ngà

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Nghèo khó, đói khát là những thứ tai hoạ mà người đời tìm cách khắc phục, tiêu diệt cho đến cùng. Nhân loại hôm nay đang cùng nhau nổ lực xoá đói giảm nghèo. Vậy mà sao Chúa Giêsu lại nói: Phúc cho anh em là những người nghèo khó, phúc cho anh em là những kẻ bây giờ phải đói? Không lẽ Chúa Giêsu lại chủ trương một đời sống nghèo nàn, đói khát và lạc hậu sao?

Tất nhiên là không. Chúa Giêsu muốn cho mọi người được hạnh phúc và no đủ. Trong kinh lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy xin Chúa Cha ban cho lương thực hằng ngày và chính Chúa Giêsu cũng đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và dư dật cho những người đi theo Chúa vào nơi hoang vắng hôm xưa được ăn no.

Thế thì tại sao Chúa Giêsu lại nói: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, phúc cho anh em là những kẻ đói khát"?

Ðể hiểu rõ lời Chúa Giêsu dạy, chúng ta hãy đọc cho kỹ câu văn: Bấy giờ "Ðức Giêsu ngước mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó... là những kẻ bây giờ phải đói... bây giờ đang khóc..."

Thánh Luca ghi rõ: "Ðức Giêsu ngước mắt nhìn các môn đệ và nói..." Vậy thì đây là những lời Ðức Giêsu trực tiếp nói với các môn đệ và đối tượng đầu tiên của các mối phúc nầy chính là những môn đệ của Chúa Giêsu.

Trước đây, các môn đệ như Phê-rô, An-rê, Gioan, Giacôbê là những những khá giả có ghe, có thuyền, có lưới... ngày ngày đánh bắt được tôm cá để nuôi sống gia đình và bản thân. Nay vì theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, các vị từ bỏ ghe thuyền, nhà cửa, nghề nghiệp, bỏ lại cả vợ con, ra đi với hai bàn tay trắng, lên đường phục vụ cho Tin Mừng. Vì thế các ngài là những người trở nên nghèo thiếu vì Tin Mừng và vì Chúa Giêsu. Thế nên các ngài sẽ được Chúa Giêsu trọng thưởng. Lòng quảng đại của Thiên Chúa đâu có thua lòng quảng đại của con người.

Trước đây, với nghề chài lưới trên một vùng biển vốn nhiều tôm cá, các môn đệ Chúa Giêsu không biết đói khát là gì. Thế mà từ ngày lang bạt theo Chúa Giêsu rày đây mai đó để loan báo Tin Mừng, các ngài phải chịu cảnh bữa đói bữa no. Có lần các môn đệ khi đi qua đồng lúa, phải bứt lúa mà ăn cho đỡ đói (Mt 12,1). Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng quảng đại ắt sẽ bù đắp cho họ dư đầy. "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng".

Rồi cũng theo dòng tư tưởng đó, Chúa Giêsu nói: Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế".

Như vậy, nói tóm lại, các môn đệ sẽ được dư đầy hồng phúc vì các ngài đã chịu nghèo đói, thua thiệt vì Chúa Giêsu và vì Tin Mừng của Ngài. Hôm nay cũng thế, nếu chúng ta chấp nhận hy sinh vì Chúa, chịu thiệt thòi mất mát vì Chúa, chúng ta sẽ được Chúa ban thưởng dư đầy, bởi vì lòng quảng đại của Thiên Chúa thì triệu lần lớn lao hơn lòng quảng đại của chúng ta. Chúng ta hiến dâng cho Chúa một, Chúa sẽ ban thưởng gấp trăm gấp ngàn.

Ðại thi hào Tagore người Ấn độ có một bài thơ minh hoạ cho chân lý nầy:

"Tôi đang đi hành khất hết cửa nhà nầy đến cửa nhà kia dọc suốt đường làng lúc xe người vàng óng xuất hiện đàng kia như một giấc mơ rực rỡ; lòng nhủ lòng tôi hỏi đức vua oai phong nầy là ai!

Hy vọng trong tôi giang cánh bay cao; tôi thầm nghĩ ngày xấu số từ đây thôi chấm dứt; tôi đứng đợi chờ của bố thí chẳng hỏi xin mà có và bạc vàng trên bụi đường rơi vãi tứ tung.

Xe ngừng nơi tôi đứng. Người đưa mắt nhìn tôi rồi bước xuống, mỉm cười. Tôi thầm nhủ duyên may đời mình thế là đã đến. Nhưng chẳng chần chừ, người lại chìa bàn tay phải ra mà nói: Có gì cho ta không?

A ha, gớm chưa lời thử lòng vương giả khi mở bàn tay ăn xin một người hành khất tầm thường! Bối rối, tôi đứng lặng im lưỡng lự một hồi, rồi từ từ móc trong bị lấy ra hạt lúa nhỏ bé nhất đưa cho người.

Nhưng, ngạc nhiên xiết bao, lúc ngày tàn, giốc túi ăn xin ra nền đất, tôi lại thấy giữa đống của bố thí nghèo nàn hạt lúa vàng vô cùng nhỏ bé. Tôi khóc nức nở, nghĩ bụng ước gì đã có tấm lòng dám cho người tất cả những gì là của riêng tôi!"

Người ăn xin trên đây đã vò đầu bức tóc và khóc nức nở vì tiếc xót. Giá như ông ta dốc hết cả túi thóc cho đức vua, thì giờ đây, ông đã được một túi đầy những hạt bằng vàng!

Các môn đệ của Chúa Giêsu là những người đã dốc hết cuộc đời cho Chúa Giêsu và cho việc rao giảng Tin Mừng, đến nỗi các ngài trở nên nghèo thiếu, trống không vì Chúa Giêsu, thế nên các ngài sẽ được Thiên Chúa đổ đầy hồng ân. Nước Thiên Chúa thuộc về các ngài. Hạnh phúc thiên đàng đang ở trong tầm tay.

Nếu hôm nay, chúng ta không bủn xỉn như gã ăn xin trên đây, nhưng biết rộng lượng cống hiến cho Chúa khả năng, thời giờ, sức lực, trí tuệ... của chúng ta cho Thiên Chúa và cho việc loan báo Tin Mừng như các môn đệ của Chúa Giêsu năm xưa, chúng ta cũng sẽ là những người được Thiên Chúa ban cho dư đầy phúc lộc mai sau và đối tượng của những lời chúc phúc của Chúa Giêsu trong Tin Mừng là hôm nay cũng chính là chúng ta.

 

8.Đối lập

(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)

Đối lập là tình trạng trái ngược nhau, đối nghịch, bất đồng, mâu thuẫn. Phải có ít nhất hai thứ (người, vật, phe, hướng,...) mới xảy ra tình trạng đối lập, chỉ một thì không thể. Trong mọi lĩnh vực, cụ thể và trừu tượng, đều có nhiều thứ đối lập: cao – thấp, dài – ngắn, vuông – tròn, trắng – đen, đẹp – xấu, tốt – xấu, hay – dở, khôn – dại, yêu – ghét, thiện – ác, phúc – họa, sinh – tử. Và còn nhiều thứ khác...

Một trong các cặp đối lập “nổi bật” liên quan tinh thần là cặp đôi “phúc – họa”, được đề cập trong Gr 17:5-8. Chính Đức Chúa đã tuyên phán: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa!”. Đó là cái họa lớn nhất và nguy hiểm nhất.

Tại sao nguy hiểm? Như một cách giải thích, cũng chính Đức Chúa cho biết: “Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa CHẲNG ĐƯỢC THẤY hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng CHẲNG NHÌN RA, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người”. Người ta nói đó là tình trạng “có mắt mà không tròng” hoặc “có mắt mà như mù”. Thế thì thật nguy hiểm và đáng sợ, vì đó là đại họa!

Ngược với cái họa là cái phúc. Chắc chắn chẳng có phúc nào bằng phúc của Thiên Chúa trao ban: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái”. Thánh Vịnh gia so sánh tín nhân như cây tươi tốt vì đủ nguồn nước để phát triển, rất dễ hiểu và thực tế. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

Thánh Vịnh gia nói tới “hai con đường” liên quan Phúc – Họa: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2). Cách so sánh cũng rất cụ thể: “Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành. Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay” (Tv 1:3-4).

Nguyên nhân thế nào thì hệ quả như vậy, chúng ta gọi là nhân – quả. Và hệ lụy là điều tất yếu và minh nhiên: “Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1:6). Cái gì Tốt thì Lành, dù cụ thể hay trừu tượng. Vấn đề tâm linh cũng không ngoài quy luật tất yếu như vậy.

Qua trình thuật 1 Cr 15:12, 16-20, Thánh Phaolô đề cập cặp đối lập đặc biệt nhất: Sinh – Tử. Thánh nhân đặt vấn đề: “Nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?”. Sống hôm nay, chết ngày mai, rồi chấm hết. Nếu chỉ thế thôi thì cũng không hơn gì cây cối và thú vật, người ta không gì phải lo sống tốt hay xấu. Cứ xả láng rồi sáng về sớm cũng chẳng sao.

Thánh Phaolô giải thích: “Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. Ôi, tội nghiệp thật. Và chỉ như thế thì chán thật, cũng chẳng có gì để người ta phải cố gắng chi cho mệt.

Nhưng không phải thế! Nhân quả của con người khác hẳn thảo vật và động vật: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại”. Đó mới là chuyện đáng nói, đáng nỗ lực không ngừng. Nếu sinh – tử theo kiểu luân hồi thì cũng chẳng đáng quan ngại, vì cứ như vòng tuần hoàn thì không gì phải lo lắng cho nhọc óc, nghĩa là cứ “vô tư”. Thế nhưng không như thế, cho nên cứ “vô tư” thì hóa “đại ngu”, ta tự hại mình!

Trình thuật Lc 6:17, 20-26 (≈ Mt 5:1-12) đề cập một cặp khác cũng đặc biệt: Phúc – Họa. Hôm đó, Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Ngài dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Ngài, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn. Chúa Giêsu nói hai vấn đề:

Thứ nhất là các MỐI PHÚC (Lc 6:20-23 ≈ Mt 5:3-10). Thánh Mátthêu cho biết đầy đủ chi tiết hơn, gọi là Bát Phúc, còn Thánh Luca tóm tắt thành Tứ Phúc: “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: PHÚC cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. PHÚC cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. PHÚC cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. PHÚC cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế”.

Thứ nhì là các MỐI HỌA (Lc 6:24-26 ≈ Mt 5:11-12), Thánh Luca phân định thành Tứ Khốn: “KHỐN cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. KHỐN cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. KHỐN cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. KHỐN cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”.

Cách phân định của Thánh sử Luca tạo thành hai vế đối cân bằng: Tứ Khôn và Tứ Khốn. Phải chịu khốn vì không sống khôn, nếu sống khôn thì tránh được cái khốn – cái họa. Liên quan sự khôn ngoan có truyện “Bán Sự Khôn Ngoan” thế này:

Một ngày nọ, hiền triết Diogène (Hy Lạp) đến giữa chợ Athènes và dựng lên một căn lều với tấm bảng ghi đậm hàng chữ: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều, đọc được lời rao và cười thầm trong bụng. Muốn biết phía sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ. Anh ta đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, hiền triết Diogène vẫn thản nhiên và ôn tồn nói với người đầy tớ: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: ‘Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến Cùng Đích’. Vậy nhé!”.

Vị khoa cử thành Athènes vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày, và cũng để mọi người đi qua trước nhà ông đều có thể đọc được: “Trong tất cả mọi sự, hãy suy nghĩ đến Cùng Đích”.

Nghĩ đến Cùng Đích là nghĩ đến cái gì? Đó là Cái Chết. Nghĩ đến Cái Chết không phải là ý tưởng tiêu cực, bi quan, chán đời hoặc yếm thế, mà lại chính là CÁCH SỐNG KHÔN NGOAN, với hệ lụy tất yếu: sống Khôn để thoát Khốn. Chính Thiên Chúa cũng đã nhắc nhớ: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19). Người Latin có thành ngữ: Memento Mori – Hãy Nhớ Mình Sẽ Chết. Nhớ làm gì cái thứ đó? Nhớ để nên khôn bằng cách Luôn Sẵn Sàng – Semper Paratus – Always Ready.

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, Ngài thấu suốt mọi sự, biết cả những gì con chưa nghĩ tới, xin ban Thần Khí soi sáng để con biết việc phải làm cho hợp ý Ngài, biết khôn ngoan chọn những gì đẹp ý Ngài, và cố gắng sống vuông tròn cho tới hơi thở cuối cùng. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

 

9.Phúc cho người nghèo

(Suy niệm của Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

Đức Yêsu không nhằm rao giảng những điều người ta dễ chấp nhận, nhưng chính yếu rao giảng những điều giúp giải phóng con người và làm con người hạnh phúc, cho dù điều này có vẻ nghịch thường hay ngược lại với quan điểm của người đời.

Khốn cho các ngươi là những người giầu

Người nghèo ở đây, là người không đặt niềm hy vọng nơi tiền bạc, nơi con người, nhưng chỉ đặt niềm hy vọng và trông cậy nơi một Thiên Chúa mà thôi.

Sách tiên tri Jeremia nói: “khốn cho kẻ đặt niềm hy vọng nơi người phàm mà không trông cậy nơi Thiên Chúa”. Những người này cho rằng: “Đồng tiền là tiên là Phật”, “Có tiền mua tiên cũng được”. Có tiền mua được tình cảm, mua được chức vị, mua được tất cả. Quan niệm như vậy có thực sự đúng không? Liệu tiền bạc có mua được tình yêu đích thực không? Liệu tiền bạc mua được hạnh phúc không?

“Giầu ai bằng Vương Khải Thạch Sùng, cũng có lúc tường xiêu ngói đổ”. Có bao nhiêu người lý luận rằng, họ để gia tài cho con cái thật nhiều, là làm con cái hạnh phúc; nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều con cái của những người giầu có hư hỏng. Nếu đặt đồng tiền lên trên, sẽ làm mất hạnh phúc gia đình vì không còn dành thời gian cho nhau (vợ cho chồng, chồng cho vợ, cha mẹ cho con cái). Đồng tiền là tên đầy tớ trung thành, nhưng là ông chủ ác nghiệt.

Theo thánh Ynhã Loyola, ma qủy cám dỗ người ta ham mê tiền bạc đầu tiên, rồi sau đó cám dỗ con người về ham mê danh vọng, và sau đó sẽ đi đến mức độ nghĩ mình có thể làm được tất cả, cho mình là nhất, và không cần chờ đợi gì nơi Thiên Chúa cả. Đa số con người ai cũng thích tiền; rồi dẫn đến quan niệm thích tiền là chuyện bình thường, và ai không thích tiền mới là người bất bình thường. Vậy làm sao để nhận ra tiền bạc là một cám dỗ với con người? Ai đã có tiền, còn muốn có nhiều hơn, và cứ như vậy, con người bị trói buộc nô lệ tiền bạc. Khi đã bước vào vòng ham mê tiền bạc, thoát ra qủa thật là điều khó. Đồng tiền có vòng kiềm toả của nó, đã sa vào thì khó có thể bước ra được.

Phúc cho các ngươi là những người nghèo

Làm sao để xác tín nghèo là mối phúc, tin tưởng vào Thiên Chúa và sống theo lề luật của Ngài làm con người hạnh phúc? Chỉ nhờ vào Thiên Chúa, tin vào Đấng tuyệt đối mới có thể giúp con người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tiền bạc và danh vọng.

“Phúc cho người đặt tin tưởng vào Thiên Chúa, họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái bốn mùa”. Những người đặt niềm tin nơi con người- sinh vật giới hạn cả về khả năng lẫn mức độ trung thành và đạo đức, làm sao có thể hạnh phúc được? Những người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, lấy luật Chúa là nguyên tắc sống, sống theo gương mẫu là Đức Yêsu, yêu thương và tha thứ, tin tưởng và bắt đầu lại mọi nơi mọi lúc, sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.

Đức Yêsu đã sống nghèo, và một niềm tin tưởng vào Thiên Chúa Cha, ngay cả giây phút cuối đời trên thập giá “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”, dù rằng Ngài cũng bị cám dỗ cùng cực “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con”.

Không còn gì để tin tưởng, chỉ còn Thiên Chúa mà thôi, và đặt tất cả niềm tin nơi Ngài, là mối phúc. Nghèo, chứ không phải bần cùng, là mối phúc không dễ gì cảm nhận. Thánh Phanxicô khó khăn là người đã cảm nghiệm đặc biệt được điều này. Xin cho con người hiểu được giáo huấn của Đức Yêsu: phúc cho những ai đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa, phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Tin tưởng vào Thiên Chúa, được gì và mất gì?

2. Những thiệt thòi của người nghèo?

3. Thiên Chúa và Giáo Hội có muốn con người nghèo đói không? Tại sao?

 

10.Hạnh phúc người tin vào Thiên Chúa

(Suy niệm của Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa” (Gr.17, 5). Làm sao có thể tin tưởng nơi người đời, khi mà kinh nghiệm sống cho thấy bao nhiêu người hứa yêu nhau trọn đời, thề nguyền trọn đời chung thủy, rồi với thời gian con người đã thay đổi. Bao nhiêu người con không được sống trong mái gia đình có cha có mẹ, vì cha mẹ các em đã “chia tay”. Lời hứa “trọn đời yêu nhau” “trọn đời chung thủy” “cho dù núi chuyển sao dời anh (em) vẫn mãi mãi yêu em (anh)” đã tan đi như mây khói. Kinh nghiệm sống cũng cho thấy có bao nhiêu người tin tưởng nơi con người, nơi tình bạn, nơi tình gia đình, nhưng thực tế cũng cho thấy có bao nhiêu phản bội, bao nhiêu lường gạt, đặc biệt về khía cạnh tiền bạc! Làm sao có thể tin tưởng được nơi người đời, làm sao có thể tin được nơi con người? Cả người trong gia đình, cả vợ cả chồng, cả con cái cha mẹ còn chưa tin được nhau, thì làm sao có thể tin tưởng nơi người đời.

Ngay cả chính bản thân tôi, đôi khi tôi còn chẳng tin vào mình được nữa, thì làm sao có thể tin nơi người khác. Có bao lần tôi hứa, rồi tôi phản bội. Có bao lần tôi dốc lòng không làm điều xằng quấy, thế rồi tôi lại làm. Tôi hứa với Thiên Chúa sau mỗi lần phạm tội, và tôi đã lỗi phạm lại bao lần! Tôi muốn lắm, tôi muốn thành người tuyệt vời, không sa ngã vào điều này điều kia, thế mà tôi lại đã bao lần vấp phạm sa ngã. Có bao người chán nản và thất vọng về chính mình, vì mình đã không làm được điều mình dốc lòng, điều mình hứa với chính mình và với Thiên Chúa. Tôi còn chưa tin vào được chính mình, thì làm sao tôi có thể tin vào người khác, cho dù người đó là ai chăng nữa! Lời sách tiên tri Giêrêmia thật rất đúng: “khốn thay kẻ tin tưởng nơi người đời”.

Thế nhưng vấn đề không chỉ đơn sơ như vậy. Nếu không tin vào người đời, nếu không tin vào con người, thì liệu mình có thể sống hạnh phúc không? Nếu không tin vào con người, thì mình sống với ai? Làm sao sống có thể hạnh phúc được? Thực sự, tin vào Thiên Chúa mới làm cho con người được hạnh phúc thật. Chỉ khi nào mình tin vào Thiên Chúa, mình mới có thể tin vào mình và có thể tin vào con người. Người ta có thể có những hình ảnh méo mó lệch lạc về Thiên Chúa như coi Ngài là Con Tạo “đành hanh”, một Thiên Chúa nghiêm khắc chỉ lo rình rập để bắt lỗi và hành khổ con người. Nếu một người có cái nhìn sai lệch như vậy về Thiên Chúa, thì họ cũng không thể sống hạnh phúc được; còn nếu một người nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Ngài yêu thương con người và yêu thương mình vô cùng, Ngài luôn muốn con người được hạnh phúc, luôn tìm cách giúp đỡ con người, thì người đó sẽ dễ dàng sống bình an hạnh phúc.

Thiên Chúa là tình yêu. Ngài làm mọi sự vì yêu thương. Ngài sẵn sàng làm tất cả cho tôi, để tôi được an bình hạnh phúc thật. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho tôi, dù tôi có xúc phạm đến Ngài thế nào đi nữa. Ngài luôn tôn trọng tự do của tôi, nhưng Ngài vẫn luôn tìm cách lôi kéo tôi trở lại đường ngay nẻo chính. Thiên Chúa không chỉ yêu thương tôi, mà còn yêu thương tất cả mọi người như yêu thương chính Con Một yêu quý của Ngài. Ngài luôn ban ơn trợ lực, luôn mời gọi để con người hoàn lương trở lại với Ngài và với anh chị em mình.

Tự sức tôi, tôi không thể tin vào tôi; nhưng nếu tôi tin vào Thiên Chúa, nếu tôi tin Ngài là Thiên Chúa tình yêu, Ngài luôn theo tôi dù tôi hoang đàng thế nào chăng nữa, thì lúc đó tôi có thể tin vào tôi. Tôi tin vào tôi vì tôi tin vào Thiên Chúa, vì tôi tin Thiên Chúa yêu thương và sẽ giúp tôi vươn lên và trở thành người tốt. Ngài vẫn trung thành với tôi, dù tôi không trung thành với Ngài; Ngài vẫn yêu thương tôi, dù tôi không yêu thương Ngài; Ngài vẫn kiên trì với tôi và với anh chị em tôi, dù tôi không kiên trì với tôi và với họ; Ngài vẫn hy vọng và chờ đợi nơi tôi và nơi con người cho dù tôi không hy vọng nơi chính tôi và họ. Ngài là Thiên Chúa tình yêu, Ngài quyền năng trong yêu thương, nên Ngài có thể biến đổi tôi và biến đổi anh em tôi. Chính vì tin vào Ngài, mà tôi có thể tin vào anh em tôi. Ngay lúc này, người anh chị em tôi có thể dở và ngoan cố, nhưng trong tương lai có thể khác. Thiên Chúa toàn năng, Ngài đang mời gọi người anh chị em tôi trở lại, và mong họ trở thành người khác, và chắc Ngài sẽ thành công. Ngay lúc này, có thể là Ngài chưa thành công, nhưng chắc Ngài sẽ thành công, vì nếu không Ngài chẳng còn là Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.

Khi thấy mình dở và cảm thấy mình không có nghị lực để sống tốt, thì cũng đừng sợ nhưng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa sẽ giúp tôi trở thành người tốt, và ngay cả trở thành người tuyệt vời. Người anh chị em tôi quá dở và qua kinh nghiệm, người anh chị em này không đáng tin một chút nào nữa! Đừng sợ nhưng hãy tin vào Thiên Chúa, để rồi còn có thể hy vọng nơi họ, vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài quyền năng và Ngài vẫn đang mời gọi và giúp đỡ người anh chị em đó trở lại với Ngài. Nếu mỗi người tin vào Thiên Chúa, thì có thể tin vào anh chị em mình. Phút cuối cùng, chắc Thiên Chúa sẽ thắng. Tôi có thể không nhìn thấy giây phút chiến thắng này của Thiên Chúa, nhưng tôi tin chắc điều đó sẽ xảy ra. Nếu tôi là người mà còn yêu thương người anh chị em mình như vậy, không lẽ Thiên Chúa là Cha họ (vì nếu không nhờ Ngài thì họ đâu có thể hiện hữu) không yêu thương họ bằng tôi sao?!

Thiên Chúa đã yêu thương con người đến độ ban Đức Yêsu Kitô cho con người. Ngài đã chết và đã sống lại. Nếu tôi tin Đức Yêsu là Con Thiên Chúa nhập thể, tôi nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người đến độ như thế nào! Đức tin là một hồng ân vô cùng lớn, và là yếu tố giúp con người có thể sống an bình hạnh phúc; vì qua đức tin con người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng.

Một người nghèo, không bám víu vào tiền bạc, chỉ trông chờ tất cả nơi Thiên Chúa, sẽ là một người có phúc. Người giầu có về tiền bạc nhưng có tinh thần khó nghèo, nghĩa là người không cậy dựa vào tiền bạc mà vẫn chỉ trông chờ tất cả nơi Thiên Chúa, thì vẫn là người được chúc phúc. Phúc cho anh em là những người nghèo!

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn có kinh nghiệm nào cho thấy Thiên Chúa yêu thương bạn không? Xin chia sẻ.

2. Bạn có tin rằng Thiên Chúa có thể biến đổi bạn và biến đổi người anh chị em mình không? Xin giải thích quan điểm của bạn.

 

home Mục lục Lưu trữ