Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1371425

HẠT GIỐNG NẢY MẦM

Hạt giống nảy mầm.

 

Vào một đêm giông bão có một người đàn ông đứng tuổi cùng bà vợ ghé vô một khách sạn nhỏ và hỏi viên thư ký: Xin anh làm ơn cho chúng tôi một phòng. Viên thư ký trả lời: Thưa ông, tất cả mọi phòng đều có người thuê, nhưng tôi không nỡ để ông bà phải ra đi vào lúc một giờ sáng như thế này. Người chồng hỏi lại: Anh nói chi? Ông bà có thể ngủ tại phòng tôi. Nhưng anh sẽ ngủ ở đâu? Tôi sẽ tìm được, xin đừng lo lắng cho tôi. Sáng hôm sau, ông khách trả tiền phòng và nói với viên thư ký: Anh là một người quản lý có tài, khả dĩ có thể làm chủ một khách sạn lớn. Rất có thể một ngày nào đó, tôi sẽ xây cho anh một cái.

Hai năm sau, viên thứ ký nhận được một bức thư, kèm theo vé máy bay khứ hồi đi Nữu Ước và tấm danh thiếp của người khách trong đêm giông bão. Người khách dẫn viên thư ký tới một đại lộ, chỉ vào một ngôi nhà cao tầng và nói: Đây là khách sạn tôi đã xây để cho anh quản lý. Không nói nên lời, người thanh niên rất đỗi ngạc nhiên, ấp úng cám ơn. Mạnh thường quân của anh là Astoria, chủ nhân của một mạng lưới khách sạn tại Mỹ. Và khách sạn ông dành cho anh ta là một khách sạn tiện nghi nhất thời bấy giờ.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào Lời Chúa phán với chúng ta qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát, thì mới sinh nhiều hoa trái. Anh chàng thư ký đã chôn vùi những tiện nghi của mình, bằng cách nhường lại căn phòng ấm cúng cho hai vợ chồng người khách lạ. Và sự hy sinh ấy đã đem lại phần thưởng cho anh. Anh được quản lý một khách sạn sang trọng và nổi tiếng trên thế giới.

Hạt giống phải chết đi, phải mục nát trước khi nẩy mầm, đâm bông và kết trái. Điều đó cũng đúng cho bình diện thiêng liêng. Bởi vì, chúng ta, những người tin theo Chúa đều biết rằng mọi cố gắng, mọi hy sinh, mọi gian khổ của chúng ta rồi sẽ sinh hoa kết trái, nhất là khi những cố gắng, những hy sinh và gian khổ ấy được thi hành vì lòng mến đối với Thiên Chúa và tình thương đối với anh em đồng loại. Chính Chúa Giêsu cũng đã chấp nhận những hy sinh gian khổ vì chúng ta, bằng cách chịu chết trên thập giá, để rồi từ đó Ngài đã có được hoa trái của sự phục sinh vinh quang.

Mùa chay sắp kết thúc, những cũng chưa quá muộn để chúng ta chôn vùi bản thân, từ bỏ chính mình vì Đức Kitô và vì anh em, bởi vì có cùng chết với Đức Kitô, thì rồi chúng ta mới sẽ được sống lại trong vinh quang với Ngài.

 

 

 

 

 

34. Theo Chúa trở nên hạt lúa

MINH HỌA LỜI CHÚA – Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm B

(HN sưu tầm -thanhlinh.net)

 

1. Cái chết được nối dài

Ngày 30 tháng 4 năm 1938, một chuyến xe lửa chạy từ miền bắc xuống miền nam Columbia bất ngờ bị trật đường rầy, làm nhiều người chết và bị thương.

Trong số những người quằn quại nằm đó, có Cha Phênisê thuộc dòng Thánh Gioan. Ngài bị thương nặng, một phần ruột lòi ra ngoài.

Nhận ra Cha, các y tá đã ân cần chăm sóc. Nhưng Ngài ra hiệu cứ đi lo cứu giúp các nạn nhân khác. Rồi lấy hết sức bình sinh, ngài nhét ruột bào, dùng khăn buộc ại và đi tìm những hành khách Công giáo đang bị thương nặng để giải tội cho họ. Được một lúc ngài té xuống. Các y tá chạy lại. Ngài thều thào nói trong đau đớn:

“Cám ơn Chúa đã cho tôi có thời giờ làm những điều cần thiết cho anh em. Bây giờ các cô có thể mang xác tôi đi”.

Chiếc xe cứu thương vội chở cha tới bệnh viện gần đó, nhưng chỉ vài giờ sau Ngài đã trút hơi thở cuối cùng, khi tuổi đời mới ba mươi sáu.

———

Tình yêu và cái chết của Cha Phênisê là một trong muôn vàn tấm gương sáng chói của tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng con người.

Cái chết ấy chỉ là nối dài hay đúng hơn là một thể hiện của một cái chết đã trở thành linh hồn của Kitô giáo. Đó là cái chết của Đức Kitô, Đấng đã tự nguyện chết thay cho nhân loại, để nhờ đó nhân loại được cứu sống…

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai quý mạng sống mình thì sẽ mất: còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời” (Ga 12,24-25).

Đó là ý nghĩa đặc biệt và cũng là chương trình hành động của người Kitô hữu trong mùa chay. (Trích “Như lòng Chúa khoan dung”).

2. Đau khổ sinh ích cho tôi

Thi sĩ người Anh tên Francis Thompson đã viết:

“Không có gì bắt đầu và kết thúc mà không phải trả giá bằng đau khổ. Vì chúng ta được sinh ra trong đau khổ của kẻ khác và chết trong đau khổ của mình”.

Nhiều người kêu trách Thiên Chúa vì đã để cho đau khổ xảy ra trên trái đất. Tuy nhiên theo Kinh thánh, đau khổ bắt đầu từ tội lỗi đầu tiên của ông bà nguyên tổ. Chính đau khổ do tội lỗi này, Chúa Giêsu đã chấp nhận chết trên thánh giá, để cứu rỗi nhân loại. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Đau khổ nào sinh ích cho tôi cuộc sống? (Trích “Viễn tượng 2000”)

“Chúa Giêsu không đến để khử trừ đau khổ, nhưng để đổ đầy nó bằng sự hiện diện của Người” (Paul Claudel).

3. Hạt lúa có chết đi

Mấy năm trước đây, bà Catherine Marshall có viết bài báo nhan đề: “Khi chúng ta dám tin vào Thiên Chúa”. Trong đó bà thuật lại lúc bà bị bệnh nhiễm trùng phổi trầm trọng, nằm liệt giường suốt 6 tháng trời, không ăn uống gì được. Bà chạy thầy chữa thuốc hết cách và nhờ nhiều người cầu nguyện, mà bà vẫn cảm thấy tuyệt vọng hoàn toàn.

Giữa lúc đó, có người tặng bà tập sách nhỏ kể chuyện một nữ tu truyền giáo mắc một chứng bệnh suốt 8 năm trường. Ngày ngày ngoài ra việc chữa trị, chị cầu xin Chúa cho chị khỏe lại để giúp việc Chúa. Một hôm chị khóc với Chúa: “Lạy Chúa, con tuyệt vọng rồi. Nhưng nếu Chúa muốn con tàn phế, con xin vâng theo thánh ý Chúa…” Vài tuần sau chị đượng bình phục.

Bà Catherine từ đó noi gương chị nữ tu, hằng ngày cầu nguyện: “Lạy Chúa, con mệt mỏi quá rồi! Nhưng con xin vâng theo thánh ý Chúa…” Và sức khỏe bà bắt đầu hồi phục.

————

Câu chuyện của nữ tu truyền giáo và của bà Catherine Marshall giúp chúng ta hiểu Lời Chúa trong Tim mừng Chúa nhật hôm nay: “Nếu hạt lúa không chết đi, nó chẳng đem lại hoa trái nào”. Nếu chúng ta không chết cho ý riêng mình, chúng ta cũng chẳng sinh được bông trái…”

Câu chuyện đó cũng nhắc chúng ta nhớ câu chuyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu khi Người cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42), nhờ đó mà chúng ta được cứu rỗi, được sống muôn đời…

Nếu muốn sống và trổ sinh bông trái, chúng ta phải bắt ý riêng chết đi như hạt lúa để sinh được bông trái là hạnh phúc phần xác và cuộc sống vĩnh cửu phần hồn.

Phải chăng đó là điều Chúa mời gọi chúng ta thực hiện trong Mùa Chay. (Theo “Sunday Homilies”).

4. Hạt giống gieo vào lòng đất

Bà và cô cháu gái dang phân loại hạt giống, chuẩn bị cho vụ mùa tới. Cô bé nhận xét khi kiểm tra những hạt giống trong tay:

-Những mong đợi nhỏ bé và mong manh phải không bà? Có phải mỗi hạt là một niềm hy vọng không?

-Phải, mỗi hạt là một niềm hy vọng. Nhưng vì là hy vọng, cần có những điều kiện để đi tới thành đạt.

—–

Chúa cho chúng ta niềm hy vọng được an bình mỗi khi đau khổ, được sức mạnh khi thử thách, được ánh sáng cho những ngày đen tối. Nhưng chúng ta phải có niềm tin và can đảm tiến về phía trước.

Hạt giống nhỏ bé phải chịu chôn vùi trong đất và phơi mình dưới mưa nắng, thì khả năng tốt đẹp của nó mới thành hiện thực. (Trích “Minh họa Lời Chúa).

Hạt giống gieo xuống đất phải thúi đi mới sinh nhiều bông hạt.

Apraham tin Chúa đem sát tế con một, được Chúa cứu sống con ông và được ban phát tràn đầy, cho dòng dõi đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển.

Chúa Giêsu chịu sát tế trên Thập giá, bao nhiêu người được cứu độ.

Mùa Chay là mùa chết cho tội lỗi, để được sống lại nên người mới, người hoàn hảo hơn, xứng đáng làm người con Chúa hơn.

5. Ai là hạt lúa?

Sau khi lật đổ đươc nhà độc tài là tổng thống Marcos nước Phi-luật-Tân, dân chúng lũ lượt kéo nhau đi xem dinh tổng thống, nơi mà hai ông bà Marcos đã sống đế vương hơn 20 năm. Mọi người đã dở khóc dở cười sau khi tận mắt nhìn thấy cảnh giàu sang sung sướng của cặp vợ chồng bạo chúa. Nhiều người bưng mặt khóc sướt mướt khi đứng trước cuộc sống xa xỉ của ông bà Marcos, trong khi biết bao người phải đói khát,, không cửa không nhà, không đủ cơm ăn áo mặc!…

—————

Giàu sang tự nó không phải là một tội. Nhưng làm giàu trên xương máu của người khác đúng là một tội ác tầy trời. Thay vì mình phải hy sinh làm hạt lúa thúi đi để trổ sinh nhiều bông hạt nuôi sống tha nhân, thì lại bắt đồng bào mình phải làm hạt lúa chết đi để bản thân mình được sống giàu sang xa xỉ.

Muốn trở nên Bánh Sự Sống cho nhân loại, Chúa Giêsu đã phải nghiền nát. Chúng ta ăn bánh sự sống đó mà không biết hy sinh cho anh chị em chúng ta sao? Chúng ta đã nhận lãnh Bánh Tình yêu, nhưng lại không muốn chia sẻ tình yêu với anh chị em chúng ta sao?

Mùa Chay, Chúa mời gọi chúng ta noi gương Chúa trở nên hạt giống thúi đi, để đem lại bông trái cho anh chị em chúng ta được hưởng.

(Theo “Tất cả là hồng ân”).

1) SẴN SÀNG CHỊU CHẾT ĐỂ BẠN TÙ ĐƯỢC SỐNG

Vào năm 1941, tại nhà tù Ốt-suýt (Auschiwits), một trại tập trung của Đức Quốc Xã nổi tiếng tàn bạo và khủng khiếp nhất, có một tù nhân vượt ngục vào đêm hôm trước. Theo qui định của nhà tù, sáng sớm hôm sau viên sĩ quan coi tù đã tập họp tất cả tù nhân lại và lần lượt chọn ra 10 người phải chịu chết thay cho kẻ đào thoát. Một trong những người bị tử thần điểm danh ấy, khi được gọi tên, đã kêu to lên rằng: “Trời ơi! Thế là hết! Tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại vợ con tôi nữa!”. Tiếng kêu than tuyệt vọng của anh khiến cho nhiều tù nhân phải rơi lệ. Bấy giờ một tù nhân liền tách ra khỏi hàng ngũ tiến đến gần viên sĩ quan chỉ huy để xin chết thay cho người bạn tù kia. Ông tự xưng là Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê (Maximiliano Kolbe), một linh mục Công giáo. Lý do xin chết thay vì ông là linh mục đã tình nguyện sống độc thân, ông cảm thương người kia còn có vợ con phải chăm sóc. Sau khi được chấp thuận, Cha Kôn-bê cùng 9 bạn tù đi hàng một tiến về phía hầm chết đói. Tại đây, Cha và các bạn tù sẽ phải nhịn đói đến chết. Trong thời gian này Cha luôn động viên mọi người kiên vững đức tin và cậy trông phó thác cuộc đời trong tay Chúa Quan Phòng. Cha giúp họ can đảm chấp nhận cái chết mà không oán than, không chửi bới kêu khóc như nhiều người đã làm khi gặp hoàn cảnh tương tự. Cha là người sống dai nhất trong lúc các bạn tù đều lần lượt chết vì đói khát. Sau hai tuần lễ, Cha đã bị chích thuốc độc cho chết hẳn trước khi bị hỏa táng làm phân bón!

Người tù nhờ Cha Kôn-bê thoát chết tên là Phăng-xít (Francis Gap Wniczeck) về sau đã kể lại tình trạng nhà tù vào lúc đó như sau: “Sau khi Cha Kôn-bê tình nguyện chịu chết thay tôi thì tinh thần của các tù nhân trong trại giam biến đổi hẳn. Trước đây họ thường ích kỷ, khép kín, bắt nạt người mới và yếu thế hơn để tranh dành thực phẩm tiếp tế… thì bây giờ họ đã đối xử với nhau trong tình thân ái, nhường cơm xẻ áo cho nhau. Ai cũng cảm phục và muốn noi gương vị linh mục đã dám hy sinh tính mạng chết thay cho một người không quen biết.

2) GIÁ ĐẮT PHẢI TRẢ CHO THÁI ĐỘ VÔ CẢM:

Ở bên Trung Quốc, một chiếc xe buýt 16 chỗ chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, ba tên côn đồ có vũ khí đã để mắt tới cô tài xế xinh đẹp. Đến khúc đường rừng, chúng ép cô tài xế phải lái xe vào bìa rừng và dừng xe lại. Tên cầm đầu bắt đầu có hành vi sàm sỡ với cô gái trước sự chứng kiến của hành khách trên xe. Khi bị tấn công, cô tài xế đã la hét cầu cứu, nhưng hầu như tiếng kêu cứu của cô chỉ được đáp lại bằng sự im lặng.

Bỗng một người đàn ông trung niên với dáng vẻ gầy yếu ngồi gần tài xế đã lên tiếng yêu cầu tên cầm đầu dừng tay, nhưng ông liền bị hai tên kia đánh đập tàn nhẫn. Ông càng lớn tiếng kêu gọi mọi người ngăn cản hành động man rợ kia lại, nhưng không một ai hưởng ứng. Sau đó cô tài xế đã bị bọn côn đồ lôi vào bụi rậm gần đó và để lại một tên cầm súng ra lệnh cho mọi hành khách phải ngồi yên trên xe.

Một giờ sau, bọn cướp đưa cô tài xế áo quần sốc xếch quay lại xe để tiếp tục cuộc hành trình… Trước khi nổ máy cho xe chạy, cô tài xế yêu cầu người đàn ông khi nãy đã bênh vực cô như sau: “Này ông kia, yêu cầu ông xuống xe đi!”. Người đàn ông ngạc nhiên nói: “Cô làm sao thế? Tôi là người duy nhất đã lên tiếng bênh vực cô mà. Chẳng lẽ tôi đã làm sai hay sao?”

Cô gái vẫn tỏ ra cương quyết: “Nếu ông không xuống, tôi sẽ không cho xe chạy. “Điều bất ngờ là các hành khách trước đó đã im lặng thì bây giờ lại nhao nhao đòi người đàn ông kia phải mau xuống xe. Thậm chí hai hành khách trẻ còn hè nhau lôi người đàn ông ra khỏi xe và chiếc xe tiếp tục cuộc hành trình. Cô tài xế vuốt lại mái tóc và vặn radio to hết cỡ. Chiếc xe đã lên đến đỉnh đồi và bắt đầu đi xuống sườn đồi. Phía tay phải đường đèo là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ chiếc xe buýt tăng dần. Gương mặt cô lái xe trở nên căng thẳng, hai tay cô giữ chặt vô lăng và hai hàng nước mắt trào ra. Nhận thấy có điều không ổn, tên cầm đầu liền nói với cô tài xế: “Chạy chậm thôi, cô đang làm gì thế hả?” Cô tài xế không nói tiếng nào và tiếp tục nhấn ga cho xe chạy mỗi lúc một nhanh hơn. Tên côn đồ đã cố giành lấy vô lăng, nhưng chiếc xe đã lao lên lề đường và rơi xuống vực như tên bắn.

Hôm sau, môt tờ báo địa phương đã loan tin một tai nạn thảm khốc đã xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”: Một chiếc xe cỡ trung đã rơi xuống vực sâu. Tài xế và 14 hành khách trên xe đều thiệt mạng. Trong thành phố, một người đàn ông đã đọc được bản tin và bật khóc!

Mầu nhiệm hạt lúa trong thiên nhiên:

Hôm ấy, một bác nông dân đã mang thóc giống đi gieo trên ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời bỗng nổi cơn giông. Nhiều hạt giống gieo đã rơi xuống ruộng, nhưng cũng có những hạt bị cơn gió mạnh thổi bay lên mặt đường. Các hạt giống nằm trên đường cảm thấy mình thật diễm phúc khi nằm ở nơi khô ráo, đang khi bao hạt giống khác bị ngụp lặn dưới lớp bùn đên nhão nhét trong ruộng. Các hạt giống trên đường liền nói với các hạt nằm dưới bùn đen như sau: “Các bạn thật đáng thương! Trong lúc chúng tớ được nằm ở nơi khô ráo sạch sẽ, thì các bạn lại phải ngụp lặn dưới lớp bùn đen nhơ bẩn!”

Hạt lúa vừa dứt lời thì bỗng bị một bàn chân người giẫm đạp khiến nó gãy thành ba đoạn. Sau đó, nó lại bị một chiếc xe cán qua nát thành bột trên đường và một cơn gió ào tới thổi bay tứ tán. Những hạt lúa còn nằm lại đã trở thành mồi ngon cho lũ chim chóc và bầy chuột gặm nhấm!

Đang khi đó, từ những hạt lúa tưởng chừng bất hạnh kia chỉ ít ngày sau đã ngoi lên thành những chồi non đầy sức sống và trở nên những cây lúa cứng cáp. Cây lúa lớn dần và không đầy ba tháng sau đã bắt đầu trổ sinh bông lúa với hàng trăm hạt lúa khoe mình dưới ánh nắng mặt trời, và được vinh dự trở nên lương thực nuôi sống loài người. Từ một hạt lúa đơn độc ban đầu, cuối cùng nó đã biến thành trăm hạt lúa mới sau một quá trình biến đổi âm thầm!

Tin Mừng Gio-an hôm nay diễn tả hạt lúa bị mục nát trước khi biến thành cây lúa mang lại mùa gặt bội thu như sau: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quí mạng sống mình ở đời này thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).

 

 

 

 

 

 

35. Hạt lúa mục nát – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

 

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.

Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.

Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.

2- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?

3- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?

4- Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?

 

 

 

 

 

36. Hạt lúa trơ trọi – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

(Trích trong ‘Manna’)

 

Suy Niệm

“Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt”

Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu trên.

Đó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ, nhưng lắm khi tôi thấy khó áp dụng cho mình.

Tại sao tôi phải chết để người khác được sống? Chết để sinh nhiều bông hạt ư? Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính tôi bị tan vỡ? Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa.

Tôi chấp nhận trơ trọi một mình. Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn. Tôi sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau, nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi là.

Tiếc thay, lúc giữ được tất cả tôi lại thấy mình mất tất cả, vì mất ý nghĩa của cuộc sống. Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình.

Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương, tôi mới nhận ra rằng: chỉ có một cách giữ chặt, đó là buông ra và trao hiến. Tôi bắt đầu được khi chấp nhận mất.

Sự sống đời đời đã bắt đầu, hạnh phúc đã hé nụ ngay lúc này, ngay ở đây, cho tôi.

Như con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, tôi chỉ giàu có và triển nở mọi mặt khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình, ra khỏi những bận tâm, tính toán, xây đắp cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.

Lời kinh Hòa Bình lại vang vọng trong tôi: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”

Nhưng hiến thân, quên mình, hy sinh, từ bỏ, đón lấy cái chết như hạt lúa vùi sâu, những điều đó đã làm chính Đức Giêsu dao động.

“Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này chăng? Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến”. (c. 27)

Đã có những giây phút giằng co, ngần ngại, đã có những cuộc chiến Vườn Dầu ở trong tôi. Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện, tôi sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát. Sau nhiều lần dám liều mất tất cả để rồi ngỡ ngàng thấy mình được lại quá nhiều, tôi sẽ dễ dàng chọn cái mất trước mắt như con đường dẫn đến cái được vĩnh hằng.

Xin Đức Giêsu bị đóng đinh kéo tôi lên với Ngài, kéo tôi lên khỏi đất, kéo tôi ra khỏi tôi.

Gợi Ý Chia Sẻ

Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời bỏ nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào là khó hơn cả?

Tưởng mình được, hóa ra lại mất. Vui lòng mất, hóa ra lại được. Bạn có kinh nghiệm cụ thể nào về điều đó không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng chúng con ít khi nghĩ đến những hại giống đã âm thầm chịu nát tan để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc.

Đã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân.

Nhờ công ơn bao người, chúng con được làm hạt lúa.

Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.

Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.

Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình.

Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen.

 

 

 

 

 

37. Hạt giống sinh hoa kết quả

 

1. Trong khi giảng dạy, Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh quen thuộc với dân chúng để giải thích chân lý Ngài muốn mạc khải. Đoạn Tin Mừng hôm nay, Ngài sử dụng hình ảnh hạt giống được gieo, để cho chúng ta thấy tại sao Ngài phải bước vào cuộc Vượt qua: “Nếu hạt lúa mì rơi vào lòng đất, mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trội một mình. Còn nếu nó thối đi thì mới sinh nhiều bông hạt”. Thậy vậy, hạt giống được gieo vào lòng đất nếu bị phân hủy (“thối”) mới có thể đem lại sự sống mới; nếu không bị phân huỷ hẳn là trơ trội một mình, không sinh ích gì, ai trong chúng ta cũng dễ dàng đón nhận sự thật này.

2. Đức Giêsu, Chúa chúng ta là hạt giống đặc biệt đem sức sống mới cho loài người. Ngài có thể cứu độ chúng ta bằng nhiều phương cách; nhưng Ngài đã chấp nhận “bị phân huỷ” tức hy sinh đi những cái gì “là Chúa” và “của Chúa” để cứu chuộc chúng ta. Ngài bỏ trời cao xuống gian trần, làm người như bao con người khác, ngoài trừ tội lỗi. Hơn thế nữa, chấp nhận làm thân phận của người nghèo. Ba mươi năm sống ẩn dật, ba năm đi rao giảng thì bị công kích, chống đối. Cuối cùng chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá (x. Plp 2,6-8). Biến cố này xem ra là một thất bại nặng nề trước mặt người đời, nhưng là giờ phút quyết định cuộc giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của Satan.

3. Hình ảnh về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu được gợi lên rất rõ như một hạt lúa mì bị tan rữa trong lòng đất, nhưng sẽ dẫn tới một mùa lúa bội thu, phong phú. Cái chết của Đức Giêsu không dừng lại ở sự cằn cỗi, mất mát, như người đời tưởng, mà cái chết của Ngài có sức mạnh qui tụ mọi người, mọi dân, mọi nước: “Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Nếu ông Tertulianô cho rằng: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”, thì máu Đức Giêsu có giá trị tuyệt đối, là hạt giống mẹ của các hạt giống đức tin.

4. Đức Giêsu không chỉ là hạt giống đức tin của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu muốn chúng ta, những môn đệ của Ngài, cũng hãy là hạt giống đức tin. Trước hết, hạt giống ấy phải phân huỷ để sinh hoa kết quả cho chính mình. Nghĩa là phải theo quy luật hy sinh của hạt lúa giống ấy để đạt tới hạnh phúc đời đời: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. “Sự sống” ở đây là sự sống đời này và tất cả những gì liên quan đến nó như tiền tài, danh vọng, thú vui, nếu như chúng ta quá bận tâm, bám víu vào nó, mà sao lãng sự sống đời đời thật là một đại hoạ! Thánh Phanxicô Assise, trong lời kinh Hoà Bình, đã cảm nghiệm chân lý sâu sắc này và đã ca lên: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Kế đến, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào hạt giống Giêsu, chúng ta phải có trách nhiệm mang hạt giống đức tin đến cho tha nhân nữa.

5. Cuộc Vượt qua của Đức Giêsu vừa như là hạt giống âm thầm, vừa là biến cố vinh quang của Chúa, nhưng tất cả điều đem lại sức sống mới cho nhân loại. Điều này làm cho chúng ta nhớ rằng mọi Kitô hữu trong hoàn cảnh sống của mình đều có trách nhiệm chia sẻ hạt giống đức tin cho tha nhân. Chúng ta cùng suy nghĩ về hai người con Chúa, Thánh Phanxicô Assise và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, sống hai thời khác nhau, địa vị khác nhau, nhưng cả hai đều là những hạt giống đức tin nhiệt thành:

Chuyện kể rằng một ngày kia thánh Phanxicô Assise (+ 1226) rủ một thầy dòng nữa cùng đi truyền giáo, hai người đi hết phố này sang phố khác rồi trở về, thầy cùng đi chúng mới hỏi: Chúng ta đâu có giảng thuyết lời nào đâu mà gọi là đi truyền giáo? Phanxicô mới trả lời: Sự hiện diện của chúng ta, cách ăn mặc và nếp sống nghèo khó của chúng ta đó chính là một hình thức chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác rồi!

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị cũng là một người rất nhiệt thành trong công việc truyền giáo, những năm đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài, ngài đã chọn việc đi thăm viếng nhiều quốc gia, chúng ta không biết bao nhiêu người gia nhập đạo Công Giáo trong triều đại của ngài, nhưng lễ tang của ngài vào những ngày của tháng 04 năm 2005 vừa qua, rất đông đại diện các quốc gia đến tham dự, rất nhiều người tiếc xót khi vĩnh biệt người đại diện của Thiên Chúa ở trần gian này! Chắc hẳn qua đó nhiều tâm hồn suy nghĩ về Thiên Chúa, về Đức Giêsu mà Đức Gioan Phaolô đệ nhị và chúng ta tôn thờ.

Lạy Đức Giêsu, giờ Vượt qua của Ngài, tuy âm thầm lặng lẽ, tuy xem ra thất bại, nhưng vinh quang và đã tuôn ban nguồn ơn cứu rỗi cho muôn dân. Xin cho mỗi người chúng con biết tích cực đón nhận hồng ân cứu rỗi, đồng thời cũng biến chúng con thành những hạt giống đem nguồn sống thật đến cho tha nhân. Amen.

 

 

 

 

 

38. Tôi sẽ lôi kéo mọi người – Yvon Daigneaut.

 

Mở đầu.

Trong khi bài Tin Mừng được tuyên bố, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói một lời khó hiểu: “Khi tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi”. Lời này ám chỉ hai điều: việc Ngài sắp bị đóng đinh thập giá và tầm ảnh hưởng vô biên từ cái chết của Ngài trên thập giá. Vì không có thói quen nhắc đến những nguyên nhân trừu tượng và những ý niệm tổng quát không thể kiểm chứng được, Chúa Giêsu mời chúng ta lưu ý đến một biến cố sắp xảy ra liên quan đến Ngài cách tuyệt đối –bởi Ngài là người độc nhất bị nâng lên khỏi mặt đất- và sẽ liên quan đến chúng ta một cách cũng tuyệt đối như thế bởi vì hết thảy mọi người sẽ được lôi cuốn bởi biến cố này và sẽ dấn thân vào đó.

Biến cố thập giá.

Thập giá không phải là một biến cố anh hùng mà Chúa Kitô ao ước đương đầu bằng tất cả bầu nhiệt huyết cách mạng. Đây là một biến cố khá nhỏ nhen, bần tiện, với một hậu cảnh tôn giáo chính trị khó hiểu, mà Chúa Giêsu đã tìm cách tránh trong một thời gian dài, nhưng vẫn không trốn thoát nó. Khi Ngài thấy biến cố này đang đến và Ngài không thể hoãn lại lâu hơn nữa, Ngài đã đón nhận nó bằng tác động vâng phục hoàn toàn tự do của một người con, sẵn sàng tự hiến như Chúa Cha đã yêu cầu Ngài.

Vì trong cơ bản thập giá là cuộc tự hiến hoàn toàn mà Chúa Con dâng lên Cha Ngài bằng hành vi vâng phục được thể hiện trong một vụ án bất công, kèm theo sự ruồng bỏ của những kẻ thuộc về Ngài, trong một cái chết gây ra bởi nỗi đau đớn tột cùng do việc bị đóng đinh thập giá. Qua hành vi vâng phục này Chúa Giêsu hiến mình trong một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha Đấng có thể cứu Người khỏi chết và khỏi quyền lực tối tăm đang tấn công Ngài.

Chúa Giêsu không chấp nhận thập giá vì Ngài, Ngài chấp nhận nó vì chúng ta. Chính thập giá của thế giới mà Ngài đã mang, thập giá mà sự bất tuân của chúng ta và việc chúng ta từ chối Chúa Cha đã áp đặt cho chúng ta, nó là công trình tay chúng ta làm ra, hoa quả trổ sinh từ những bất chính của chúng ta. Khi chấp nhận thập giá chung của loài người, khi mang nó như thể nó thuộc về bản thân Ngài, Chúa Giêsu đã sống nó trong một tiếng kêu hy vọng và tin tưởng mà Chúa Cha sẽ đón nhận. Sự hiến dâng và lời khẩn cầu của Ngài đã cứu Ngài và cứu chúng ta nữa cùng với Ngài.

Thập giá là nguồn mạch sự sống.

Sự cứu độ của chúng ta, với tư cách là cộng đồng nhân loại và với tư cách cá nhân, chỉ nằm trong việc trở về với Thiên Chúa, trong ý muốn vâng phục của con cái, hoa quả của một Giao Ước Mới. Và chúng ta không thể thực hiện được điều này bằng sức riêng mình, vì việc từ chối ban đầu chống lại tình yêu Thiên Chúa tiếp tục đè nặng trên chúng ta và áp đặt cho chúng ta một gánh nặng ngày càng khiến chúng ta tê liệt.

Trái lại, nếu Ai Đó có thể giao hòa chúng ta lại với Thiên Chúa, vì Ngài và vì chúng ta hết thảy, bằng việc đón nhận trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, dù là trong một biến cố đầy thử thách như biến cố thập giá, lúc đó ta sẽ tìm lại được tình thân hữu với Thiên Chúa. Lòng chúng ta sẽ có khả năng thương yêu và giao hòa, có khả năng vui vẻ đón nhận ơn sự sống. Sự sống sẽ tuôn trào từ thập giá cách tràn trề đến nỗi làm cho chúng ta phải ngỡ ngàng. Nhờ chấp nhận thập giá của loài người, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta sự sống mà Chúa Cha đổ tràn trên Ngài trong cuộc Phục Sinh: thông ban Thánh Thần; ân sủng; sự hiệp thông đời đời với Thiên Chúa; qui tụ loài người thành một cộng đoàn mới; hoàn tất việc tạo dựng trong công chính, bình an và tự do.

Kết luận.

Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ lôi cuốn hết thảy mọi người!”. Ảnh hưởng của thập giá luôn luôn lan rộng. Không nỗi đau khổ nào của loài người được tách rời ra khỏi thập giá, không niềm hy vọng nào nảy sinh trong lòng lại bị chối bỏ. Thập giá của Chúa Giêsu làm cho thế giới này được sống. Như từ một nguồn suối, sự sống đang tuôn trào từ thập giá, đang thấm nhuần và biến đổi thế giới này.

 

 

 

 

 

39. Chúng ta đang sống ở giờ nào? – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

 

Trong Phúc Âm của thánh Gioan, Chúa Giêsu thường hay nói đến “giờ” của Người. Giờ của Người đây, tức là lúc Người đạt tới đỉnh sự mệnh Cứu thế của Người, nghĩa là cuộc Khổ nạn và sự Sống lại của Người. Không nên tách rời hai việc đó. Cái chết là sự vượt qua cần thiết do tình yêu đòi hỏi, như sự Phục Sinh đem lại cho nó một ý nghĩa bằng cách đề cao và tăng thêm sự sống. Giờ của Chúa Giêsu vừa là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, vừa là ngày Chúa Nhật Phục Sinh và giờ đó, ngày nay vẫn tiếp trong mỗi người Kitô hữu là một kẻ cũng bị đóng đinh và Phục Sinh. Ở đây, Chúa Giêsu dùng dịp mấy người ngoại giáo đến gặp Người để nói về Giờ của Người. Những người ngoại giáo này là những người “Hy lạp” có cảm tình với đạo Do Thái. Họ đến Giêrusalem để hành hương, mặc dầu họ chưa thuộc về dân của Abraham. Đồng thời Chúa Giêsu cũng nói đến Giờ của Người, tức là sự Cứu chuộc, cũng dành cho người này. Tại sao vậy? Người nói đến sự Cứu chuộc bằng cách đem so sánh với hạt lúa gieo xuống đất chết đi trổ lên thành bông khác. Hạt giống chết đi, chính là Người, Đức Giêsu. Những hạt lúa được tăng gấp lên trong bông lúa là tất cả các dân tộc, hết thảy mọi người, tất cả những người “ngoại giáo” sẽ trở thành tín hữu.

Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta nêu lên ba đề tài suy tư:

1) Hết thảy mọi Kitô hữu được kêu gọi sống “Giờ của Chúa Giêsu”. Chúng ta phải lưu ý điểm này là trong Phúc Âm của thánh Gioan, hai tiếng Vinh quang, và Chết rất gần nhau, hầu như nhập làm một. Điều này gợi lên cho chúng ta hai ý: thứ nhất, người Kitô hữu không được miễn trừ việc khai tử nơi mình, những gì chống lại sự sống thật. Phép rửa tội đã dấn thân họ trong một mầu nhiệm của sự chết. Họ không hơn Thầy họ. Họ phải chết về thể xác, song họ cũng phải qua một cái chết tinh thần nào đó. Cái chết tinh thần được mệnh danh là sự từ bỏ chính mình. Thứ hai, họ có được phép vì thế, mà phải tỏ ra vẻ khắc khổ và buồn sầu không? Trái lại là khác, họ cũng đồng thời phải sống mầu nhiệm Phục Sinh-Vinh quang và hoan lạc. Sự từ bỏ của người Kitô hữu chỉ có ý nghĩa trong sự hiệp nhất với cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, trong việc bắt chước Chúa Giêsu. Đức Giêsu Kitô đã liên kết trong “Giờ” của Người cái thực tại bất khả phân của sự đau khổ và sự tôn vinh của Người. Người Kitô hữu, người của sự từ bỏ cũng vậy, họ cùng lúc phải là người của sự hoan lạc tinh thần. Phải chăng “Giờ” của Chúa Giêsu là đánh dấu mỗi giờ trong cuộc đời chúng ta?

2) Mỗi người Kitô hữu đều được kêu gọi trở thành hạt giống gieo xuống đất. Điều này làm nên phần riêng của tình trạng việc cứu rỗi thế giới. Dầu bên ngoài có được kêu gọi hay không, mỗi người Kitô hữu do sự kết hiệp với Đức Kitô cũng có được mời gọi tham gia vào việc cứu rỗi hết mọi người anh em mình. Nếu họ không thể hành động được, người đó hãy nuôi dưỡng ý chí tán dương mà của lễ thầm kín của sự cầu nguyện, đau khổ và cái chết của người đó kết hiệp cùng Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa, để cứu rỗi nhiều anh em mình. Nếu họ có sứ mệnh hoạt động thì họ phải nhớ rằng sự hiệu nghiệm của các hoạt động mình tùy thuộc trước hết và trên hết sự hiệp thông của mình với lời cầu nguyện và cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu.

3) Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống mình thì mất nó, còn ai ghét sự sống mình đời này thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời!” Điều quan trọng là phải hiểu Đức Kitô muốn nói gì. Đây không phải là chuyện tương phản giữa yêu và ghét. Chúa Giêsu nói bằng ngôn ngữ đó, sự tương phản nhiều khi chỉ là 1 cách so sánh. Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống đời này hơn số phận vĩnh cửu của mình sẽ mất hết.

Vậy để được sống đời đời, phải biết từ bỏ ít nhiều thỏa mãn thế tục. Như vậy người ta gặp lại ở đây đề tài: phải biết chết cho mình, để đạt tới đời sống đích thật. Người Kitô hữu theo Chúa Giêsu trong sự đau khổ và trong cái chết của Người, nghĩa là trong lễ tế của Người, và cũng theo sát Người trong cuộc Phục Sinh và Vinh quang Người, trong lúc chờ đợi thực hiện cho mình lời hứa của Thầy Chí Thánh: Ta ở đâu, môn đệ Ta cũng sẽ ở đấy (Gio 14,3).

 

 

home Mục lục Lưu trữ